Kính gửi: Ông Đặng Công Ngữ
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, Đà Nẵng.
Trước hết xin được giới thiệu với ông, tôi là công dân Đà Nẵng – “thành phố đáng sống” theo cách nói của Chính quyền thành phố – ở tại con hẻm nhỏ đường Thái Phiên, gần trụ sở UBND huyện Hoàng Sa.
Phải nói rằng trong năm 2013, tôi cũng như nhiều người ở Đà Nẵng rất quý trọng những công việc của UBND huyện Hoàng Sa cũng như những lời phát biểu của ông trên các phương tiện thông tin, nhất là trên đài DRT (Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng) về chủ quyền không thể chối cãi tại quần đảo Hoàng Sa mà ông được Nhà nước giao trọng trách là người đứng đầu.
Có một lần, cả gia đình tôi phát khóc khi nghe ông nói như là lời khẳng định trên DRT về việc tổ chức kỷ niệm 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, dù là kỷ niệm buồn. Rồi sau đó, UBND huyện Hoàng sa ra thông cáo báo báo chí với nội dung: Để ghi dấu 40 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (19/01/1974-19/01/2014), Uỷ ban nhân dân huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức chuỗi các hoạt động tuyên truyền, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, cụ thể như sau:
1. Chương trình ca nhạc hát về biển, đảo quê hương và Lễ thắp nến tri ân Hướng về Hoàng Sa vào lúc 19h00 ngày 18/01/2014 tại Công viên Biển Đông.
2. Công bố, trao giải, triển lãm và lấy ý kiến nhân dân về phương án kiến trúc Nhà Trưng bày Hoàng Sa từ ngày 19/01/2014 tại Bảo tàng Đà Nẵng, số 24 đường Trần Phú, Đà Nẵng.
3. Triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” từ ngày 19 đến 25/01/2014 tại Bảo tàng Đà Nẵng, số 24 đường Trần Phú, Đà Nẵng (phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông).
4. Hội thảo “Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” vào lúc 13h00 ngày 19/01/2014 tại Khách sạn Hoàng Sa, số 35 – Dương Đình Nghệ, Sơn Trà, Đà Nẵng (phối hợp Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng).
5. Chương trình đối thoại chính luận “Quần đảo Hoàng Sa chủ quyền của Việt Nam” trên sóng DRT vào lúc 20h00 ngày 19/01/2014 (phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển KTXH Đà Nẵng).
6. Triển lãm lưu động “Quần đảo Hoàng Sa – chủ quyền của Việt Nam” tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ ngày 09/01 đến 25/4/2014 (phối hợp Sở Ngoại vụ).
Người dân Đà Nẵng đã trông chờ quá lâu, phải đến 40 năm mới có cơ hội bày tỏ tấm lòng của mình đối với các chiến sĩ đã bỏ mình vì chủ quyền Tổ quốc. Thế nhưng, chương trình tại nội dung số 1 không diễn ra, nhiều người dân Đà Nẵng, trong đó có gia đình tôi đã đến công viên Biển Đông từ 17 giờ 30 ngày 18/01 để cùng chờ những ngọn nến tri ân hướng về Hoàng Sa diễn ra lúc 19 giờ. Nhưng sóng biển vẫn rì rào kèm theo những cơn gió tê buốt, còn nến của UBND huyện không được thắp lên. Mọi người lặng lẽ hướng về phía biển tưởng niệm theo cách riêng của mình, rồi lặng lẽ ra về; có không ít người bực mình tốt lên “dân Đà Nẵng bị lừa!”, lại có người than “đừng nghe những gì Chính quyền nói mà hãy nhìn những gì Chính quyền hành động!”, có người thốt “lại bị chú phỉnh rồi!”.
Sau đó tôi mới được biết UBND huyện Hoàng Sa đã có thư cáo lỗi mà không được thông báo rộng rãi, ít nhất là trên sóng phát thanh – truyền hình của DRT. Trong thư cáo lỗi nêu lý do: “do công tác chuẩn bị chưa được chu đáo, Chương trình ca nhạc hát về biển đảo quê hương và Lễ thắp nến tri ân Hướng về Hoàng Sa không thể diễn ra theo kế hoạch. Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa xin chân thành cáo lỗi và xin được lượng thứ!”
Thưa ông Chủ tịch huyện Hoàng Sa,
Có thể “chương trình ca nhạc hát về biển đảo quê hương” chưa chuẩn bị chu đáo, chứ việc “thắp nến tri ân hướng về Hoàng Sa” sao lại cũng không được diễn ra? Nếu được tổ chức, theo tôi chỉ cần làm một cái bục tượng trưng cho Lễ đài (mà chuyện ấy đã có sẵn sân khấu tại công viên Biển Đông rồi), chỉ cần huy động 74 học sinh ở thành phố cầm 74 ngọn nến và sắp xếp 74 lẵng hoa tượng trưng là sẽ có buổi Lễ tưởng niệm đầy ý nghĩa. Nếu điều kiện kinh phí hạn hẹp, chỉ cần 74 đóa hoa và 74 que nhang là cũng đủ cho buổi tưởng niệm, phải không ông Chủ tịch?
Thưa ông Chủ tịch huyện Hoàng Sa,
“Lễ thắp nến tri ân hướng về Hoàng Sa” không được diễn ra theo lời hứa là mắc lỗi với nhân dân cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng, đồng thời chạm đến hương anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc – điều mà đạo lý người Việt bao đời nay luôn đề cao và quý trọng.
Trong buổi Tọa đàm về Hoàng Sa được phát sóng trên DRT sau đó, tôi đã nghe ông và ông Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng nhắc đi nhắc lại hai chữ “Hoàng Sa” và cần phải nhắc để công dân cả nước biết ấy là phần máu thịt của Tổ quốc.
Với những lời tâm huyết như tôi đã thưa, mong ông Chủ tịch huyện Hoàng Sa cùng với những người có trách nhiệm ở thành phố phải sớm tổ chức “Lễ thắp nến tri ân hướng về Hoàng Sa” như là điều tạ lỗi với nhân dân và xin các hồn anh linh liệt sĩ lượng tình tha thứ. Điều ấy, theo tôi cũng như nhiều người dân Đà Nẵng không phải khó, nếu kinh phí phí Nhà nước không có thì huy động sự đóng góp của cộng đồng.
Năm 2014 không có những ngày đẹp để tổ chức như cơ hội vào ngày 19/01 như chúng ta đã bỏ lỡ, nói đúng hơn là đã làm mất niềm tin với dân tộc.
Theo nguyện vọng của nhiều người, ra giêng, đúng ngày Tết Nguyên tiêu (Rằm Tháng Giêng), cũng là ngày Thơ Việt Nam, mong rằng UBND huyện Hoàng Sa cùng với Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật thành phố tổ chức đêm thơ nhạc về chủ đề “biển, đảo quê hương” và “thắp nến tri ân hướng về Hoàng Sa” để người dân Đà Nẵng có dịp bày tỏ tấm lòng của mình với Tổ quốc và khắc ghi đạo lý “nhớ nguồn” với những người con ưu tú Đất Việt đã chiến đấu và bỏ mình vì Hoàng Sa.
Trước thềm năm mới, kính chúc ông Chủ tich mạnh khỏe để chuẩn bị kế hoạch tuyên truyền về Chủ quyền Hoàng Sa.
Kính thư
Phan Đà Giang
(Đà Nẵng)
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.