Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Kinh tế Việt Nam kiệt quệ Tết Giáp Ngọ

Kho cá chuẩn bị bán trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 tại làng Đại Hoàng, ngoại thành Hà Nội. Ảnh chụp ngày 06/01/2014.REUTERS/Kham

Chỉ còn không đầy hai tuần nữa là đến dịp Tết nguyên đán, nhưng theo những tin tức từ Việt Nam, thì không khí những ngày cận Tết không hề háo hức như những năm trước đây. Nhân dịp này RFI Việt ngữ đã trao đổi về tình hình kinh tế với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng – TP Hồ Chí Minh

(23:00)

RFIThân chào Tiến sĩ Phạm Chí Dũng. Thưa anh, theo như báo chí trong nước, thì không khí đón Tết Giáp Ngọ 2014 có vẻ u ám hơn những năm trước, thậm chí còn có việc đến mười mấy tỉnh phải xin chính quyền trung ương cấp gạo để cứu đói?

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Đây có thể nói là hiện tượng lần đầu tiên xảy ra, từ thời mở cửa năm 1990 đến nay chưa bao giờ có chuyện đó. Từ những năm 1978-1980 cho đến thời giá-lương-tiền đói kém như thế, ăn khoai mì, bo bo, khoai lang cho tới nay mới có việc đồng loạt hàng chục tỉnh xin cứu đói bằng gạo như vừa rồi. Không thể tưởng tượng được!

Đó là hệ quả tất yếu của suy thoái kinh tế trong những năm vừa qua. Nhưng còn hơn cả suy thoái kinh tế, đó không phải là vấn đề thiên tai, mà trong năm 2013 người ta phải dùng một khái niệm là “nhân tai”. “Nhân tai” ở đây không phải là vấn đề thủy điện xả lũ, mà chính do con người gây ra. Những kẻ trục lợi đã tàn phá nền kinh tế đến mức độ mà cuối cùng người dân phải chịu đựng hết.

Trong khi đó chúng ta vẫn thấy – cũng như trong thế giới tư bản, ở Việt Nam có một kiểu tư bản đặc thù – có nghĩa là đang trong suy thoái, trong khủng hoảng, nhưng phân hóa xã hội vẫn lớn. Người giàu vẫn càng giàu, và độ phân cách giữa người giàu và người nghèo càng lớn, hệ số Gini của Việt Nam càng cao. Mặc dù Nhà nước đưa ra con số Gini, tức là hệ số bất bình đẳng xã hội chỉ khoảng 0,4% thôi – mà theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc, dưới 0,5% là an toàn.

Một điều lạ lùng và ngộ nghĩnh là cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều tương đương nhau, tức là hệ số Gini đều khoảng 0,4%. Nhưng thực ra mọi chuyện còn tồi tệ hơn nhiều. Người ta ước tính hệ số Gini của Trung Quốc và Việt Nam khoảng từ 0,6 tới 0,7%.

Điều đó dẫn tới chuyện gần như 15 tỉnh đều xin gạo, một điều chưa từng xảy ra, kể cả những tỉnh được coi là khá trù phú. Chẳng hạn như Khánh Hòa. Khánh Hòa thì có gì mà phải xin gạo chứ? Đây là địa phương nổi trội về du lịch, và từ năm 2010-2012 và đặc biệt năm 2013, là một thị trường du lịch phát triển thuộc bậc nhất trong toàn quốc, thu hút khách Nga rất nhiều. Đặc trưng này đã đem lại cho tỉnh nguồn doanh thu và lợi nhuận khá lớn.

Nhưng vì sao Khánh Hòa phải xin cứu đói, trong khi tỉ lệ tăng trưởng GDP của tỉnh này báo cáo là 84%? Như vậy tỉ lệ đó có thật hay không. Hay người ta tự chế ra, tự sáng tác ra tỉ lệ GDP đó?

Thực ra vẫn có một số vùng dân tộc thiểu số ở Khánh Hòa, đặc biệt là những vùng xa như Khánh Vĩnh, Khánh Sơn – nhất là Khánh Sơn, tôi đã đi tới đó và thấy người dân tộc thiểu số sống nghèo khổ như thế nào. Có những gia đình sống trong những túp lều, và miếng đất của họ thực ra cũng chẳng trồng cấy được gì, với một đàn con lít nhít không đủ áo quần để mặc.

Và trong những ngày giá lạnh như vừa qua, đã có những người chết ở Việt Nam. Những người chết mà không được công bố, và người ta cũng chỉ phát hiện ra một trường hợp có một thanh niên nhặt ve chai ở Đà Nẵng chết vì lạnh, trong một ngôi nhà hoang ở ngay quận Hải Châu giữa thành phố Đà Nẵng.

Không khí Tết là như vậy đó! Nó bàng bạc như vậy, và nếu không khí những năm trước gọi là nhuốm màu u ám, thì thực ra năm nay là thê thảm. Vì năm nay không còn tiền để thưởng Tết nữa. Rất nhiều doanh nghiệp đã phải lấy hàng tồn kho ra để thưởng Tết. Thường những năm trước người ta thưởng Tết bằng áo quần, nhưng năm nay thay vào đó thì có gì thưởng đó. Chẳng hạn thưởng tương ớt, gạch ngói…nói chung có gì thì lôi ra mà thưởng, kể cả giấy vệ sinh nữa!

So với những năm trước, mãi lực bán hàng năm nay lại còn tệ hơn. Hôm qua tôi có gặp một người quản lý tại một siêu thị lớn ở thành phố, anh kể cho tôi nghe thời điểm này của năm trước lượng bán hàng gấp đôi năm nay. Còn quay ra các chợ, kể cả chợ đầu mối, chưa tính những chợ nhỏ lẻ, thì không khác ngày thường bao nhiêu. Lượng người đi mua sắm thưa thớt, đặc biệt là không mua đồ đắt tiền mà chỉ mua những món đồ bình thường.

Vừa rồi có một cuộc khảo sát thăm dò của một trung tâm ở Hà Nội, cho thấy đến 76,5% số người được hỏi không có bất kỳ kế hoạch nào cho việc tiêu dùng mua sắm và đi du lịch. Người ta thắt lưng buộc bụng tới mức gần như tối thiểu. Đúng như lời báo chí nói: Dân kiệt sức rồi!

Trong khi đó 432 loại phí vẫn phí chồng phí, và vẫn đổ lên đầu dân, chưa có bất kỳ một loại phí nào được tháo gỡ. Có nghĩa là các bộ ngành nọc dân ra để thu thuế, phí. Tất cả những phí đó từ chân lên đầu còn nhiều gấp bội so với thời Pháp thuộc!

Đó là không khí Tết của năm nay, và là hệ quả tất yếu của những năm suy thoái vừa qua, do các nhóm lợi ích trục lợi đã đổ lên đầu người dân Việt Nam.

RFIChính phủ đã có một số biện pháp được cho là để tháo gỡ, chẳng hạn về tình trạng bất động sản đóng băng có gói cứu trợ 30.000 tỉ đồng, nhưng như vậy theo anh không có tác dụng?

Gói cứu trợ 30.000 tỉ hầu như đã thất bại, tính đến thời điểm này. Và tôi nghĩ cũng sẽ là một tương lai thất bại cho cả năm 2014 nữa. Vì tới nay sau sáu tháng triển khai gói kích thích 30.000 tỉ đồng, chỉ mới giải ngân được khoảng 2%. Con số trong báo cáo đưa ra là hơn 700 tỉ đồng nhưng thực chất số giải ngân cho tới thời điểm này, một số nơi đã tính là chỉ có hơn 600 tỉ đồng mà thôi. Mà trong sáu tháng, như vậy là quá ít.

Trước đây theo kế hoạch người ta dự kiến gói 30.000 tỉ đồng này tung ra là hết ngay, và có thể giải quyết trong vòng một năm. Vậy muốn tiêu thụ gói 30.000 tỉ đồng này phải mất mười năm, hoặc mười lăm năm. Một con số quá xa vời! Trong khi đó thị trường bất động sản chỉ cần một vài năm nữa, với tình trạng như thế này, hoàn toàn có thể sụp đổ.

Đúng là bất động sản bây giờ là mấu chốt của toàn bộ các vấn đề, là trung tâm điểm của toàn bộ các thị trường. Muốn giải quyết được vấn đề mãi lực và vòng quay vốn xã hội của Việt Nam hiện nay, thì phải giải quyết tình hình bất động sản.

Trong những năm vừa rồi, sức mua và vòng quay vốn xã hội đã giảm đi: từ hơn hai lần vào thời điểm hoàng kim của những năm 2007, đầu 2008 chỉ còn có 0,8 lần vào năm 2012 mà thôi. Nhưng thực ra có một số đánh giá trong giới chuyên gia độc lập như thế này: cứ mỗi năm bình quân các chỉ số trên giảm đi 30%. Từ đầu năm 2011 đến nay, sau gần bốn năm suy thoái thì mãi lực, vòng quay vốn xã hội đã giảm đi 70 đến 75%, vậy bây giờ chỉ còn 25 đến 30% mà thôi. Đó là một con số hợp lý.

Điều đó cũng được chứng minh như thế này. Cuối năm 2011 Nhà nước còn tung ra một số tiền dành cho các ngân hàng thương mại cổ phần – tôi nhớ lúc đó là 18.000 tỉ đồng. Đến cuối năm 2012, con số đó rút lại chỉ còn khoảng 11 đến 12.000 tỉ đồng. Nhưng vào cuối năm 2013, nghe nói đâu khoảng 4 đến 5 hay 6.000 tỉ đồng mà thôi. Nói chung là không công bố, mà nếu có công bố thì số tiền cũng rất hạn hẹp, ít ỏi.

Như vậy cho thấy tình hình ngân sách rất khó khăn, và thị trường bất động sản vẫn chưa giải quyết được. Mà nếu không giải quyết được thị trường bất động sản, không giải quyết được gói kích thích 30.000 tỉ đồng, thì sẽ không giải quyết được nợ xấu bất động sản. Do vậy sẽ không giải quyết được toàn cục số nợ xấu đang tồn tại trong thể chế ngân hàng ở Việt Nam.

Hiện nay các ngân hàng đã kêu rên rất nhiều rồi. Và như người ta thường bình luận, khi mà các ngân hàng phải kêu thét lên, thì lúc đó nền kinh tế bi kịch, thị trường tín dụng bi kịch! Và thật sự đang bi kịch!

Mới đầu năm 2014, cùng với thông điệp chào mừng năm mới và mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đưa ra ngay một dự thảo bổ sung Luật phá sản – một chế định cho phép phá sản những tổ chức tín dụng. Đây là lần đầu tiên Nhà nước phải nhìn nhận là những tổ chức tín dụng như ngân hàng có khả năng phải phá sản, giải thể, phải ngừng hoạt động.

Nói cách khác, người ta đã nhìn ra một tương lai – có lẽ là không xa xôi nữa – sẽ có một số tổ chức tín dụng trong đó có những ngân hàng, phải phá sản. Có thể là những ngân hàng nhỏ hoặc trung, thậm chí những ngân hàng lớn như Agribank – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đó là ngân hàng vừa qua trở thành quán quân về ngân hàng có số lượng giám đốc chi nhánh, những cán bộ phụ trách tài chính, tín dụng bị bắt nhiều nhất ở Việt Nam.

Cho nên tình hình kinh tế Việt Nam cho dù có giải quyết được một phần thị trường bất động sản, cũng không khá được. Huống chi cho đến nay thị trường này vẫn đóng băng cứng ngắc, không có một chuyển biến nào cả.

RFI: Anh vừa nhắc tới lãnh vực ngân hàng. Hiện này tòa án đang xử một vụ được gọi là đại án, lừa đảo đến mấy ngàn tỉ đồng nhưng ngân hàng liên quan nhất định không chịu nhận trách nhiệm. Như vậy ngay cả ngân hàng bây giờ người dân cũng không thể tin tưởng được?

Hôm qua tôi đọc một tờ báo, chính là tờ Tiền Phong. Tờ báo đã phải đặt tiêu đề thế này: “Làm sao có thể tin cậy được ngân hàng?”,“Người gởi tiền bất an. Họ đã phải gióng lên tiếng nói đó. Trước đây không mấy báo chí dám nói tới điều ấy. Vì đây là một lãnh vực được coi là nhạy cảm, được coi là cấm kỵ. Luôn luôn được Ban tuyên giáo trung ương kềm tỏa đối với báo chí, đặc biệt thận trọng trong việc đưa tin về ngân hàng, sợ đổ bể hệ thống tài chính tín dụng Việt Nam.

Nhưng còn bây giờ tình hình xấu quá rồi! Mới đầu năm 2014, chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đã phải thừa nhận là hệ thống tín dụng và ngân hàng ở Việt Nam đang có nhiều vấn đề. Và với tình hình nợ công và nợ xấu như hiện nay, có khả năng là Việt Nam sẽ vỡ nợ!

Trước đó chính ông Vũ Đình Ánh là một chuyên gia của Nhà nước, cũng phải thừa nhận là không trả một tỉ đô la thì Nhà nước Việt Nam sẽ vỡ nợ, và trong những năm tới không nhìn thấy một nguồn thu nào để trả nợ.

Vấn đề ngân hàng Việt Nam hiện nay rất lớn. So với hệ thống ngân hàng nước ngoài, ngân hàng Việt Nam quá yếu. Vừa qua chính Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước – yêu cầu các ngân hàng thương mại phải phân loại nợ xấu và thiết lập quỹ dự phòng rủi ro – đã bị các ngân hàng phản ứng rầm rộ.

Họ cho là nếu áp dụng thông tư này thì rõ ràng họ không đủ khả năng để phân loại nợ xấu và thanh toán cho khách hàng. Có nghĩa là họ phải rút bớt một phần vốn lưu động để trích lập dự phòng rủi ro – bớt nguồn vốn lưu động thì sẽ ảnh hưởng đến vốn cho vay. Đồng thời thậm chí họ còn phải rút cả một phần vốn từ tiền gửi của khách hàng.

Chúng ta quay trở lại vấn đề Vietinbank và vụ án Huỳnh Thị Huyền Như với 4.000 tỉ đồng, cả một sự kinh khủng như vậy! Đây là một vụ án đặc trưng, cho thấy sự lỏng lẻo của các ngân hàng trong việc quản lý tài chính tín dụng, các khoản thế chấp cho vay.

Từ cuối năm 2011, chính Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia là một cơ quan tư vấn trực thuộc chính phủ, đã có một báo cáo. Tôi đọc báo cáo đó thấy rất thú vị, nêu ra khoảng gần hai chục ngân hàng với các tỉ lệ nợ xấu cụ thể lên tới mười mấy phần trăm. Trong khi lúc đó Ngân hàng Nhà nước mới chỉ thống kê là nợ xấu của hệ thống ngân hàng chỉ khoảng 3% mà thôi. Và ngay lúc ấy tổ chức xếp hạng quốc tế là Fitch Rating cũng đã đánh giá thực chất nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam vào thời điểm giữa năm 2011 lên tới 13%, chứ không phải là 3% như Ngân hàng Nhà nước báo cáo.

Có nghĩa là vào cuối năm 2011, tình hình đã thê thảm rồi, đã khó khăn lắm rồi. Nhưng người ta vẫn cố giấu nhẹm tất cả những gì có thể giấu được vào trong chăn. Và ở trong chăn người ta thấy những con rận, nhưng những con rận, con rệp ấy chưa có chui ra.

Vô hình chung, bản báo cáo chi tiết hơn 100 trang của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng biến mất. Không biết bị mất ở đâu, nhưng đưa lên bàn của chính phủ, đưa lên bàn của các bộ, ngành liên quan cũng đều mất! Và không có bất kỳ thông tin nào trong bản báo cáo này được tung ra ngoài công luận.

Chúng ta không biết về các thói hư tật xấu của ngân hàng, về các nhóm lợi ích của ngân hàng, và về nợ xấu ngân hàng. Nhưng sau đó thì vấn đề Vietinbank, Huỳnh Thị Huyền Như bắt đầu lộ ra từ sự suy sụp của thị trường chứng khoán năm 2011 và 2012.

Nếu như thị trường chứng khoán Việt Nam không đổ vỡ thì khó có việc lộ ra Huỳnh Thị Huyền Như hoặc những nhân vật khác trong vụ vay mượn. Sự đổ vỡ chứng khoán đã làm lộ ra tất cả những vấn đề tay trong, những cú đi đêm, những hợp đồng ma, những vụ án như Huỳnh Thị Huyền Như và những con số khổng lồ 4.000 tỉ đồng

RFITheo anh thì tình trạng này đặt ra những vấn đề gì?

Câu hỏi cần đặt ra ở đây là ngân hàng đã quản lý như thế nào, và ngân hàng có thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc quản lý hay không. Hơn nữa, tính chất sở hữu chéo đầy ngộp giữa các ngân hàng với nhau đã làm cho các ngân hàng trở nên vô cùng khó xử, dẫn đến một sợi dây liên đới có thể tạo ra domino đổ vỡ, nếu tiếp tục xảy ra những vụ án như Huỳnh Thị Huyền Như bây giờ.

Một câu hỏi nữa là tại sao Vietinbank lại phủi tay trách nhiệm trong vụ án. Thật ra bây giờ các ngân hàng đang đi đòi nợ lẫn nhau. Ngân hàng ACB đòi nợ Vietinbank, thì Vietinbank có trả hay không? Tại sao ban lãnh đạo của Vietinbank lại đổ toàn bộ cho Huỳnh Thị Huyền Như mà không thừa nhận một trách nhiệm nào? Và câu hỏi lớn ở trên nữa, là tại sao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Thống đốc Nguyễn Văn Bình có vẻ như là không liên đới chịu trách nhiệm trong việc quản lý những ngân hàng như Vietinbank, để xảy ra những vụ án như Huỳnh Thị Huyền Như?

Như vậy cuối cùng chúng ta trở lại vấn đề như tôi đã đề cập là bài báo của Tiền Phong hay những tờ báo khác: người dân cảm thấy bất an khi gởi tiền vào ngân hàng. Cho dù gần đây chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình của Ngân hàng Nhà nước đã phải kêu gọi người dân gởi tiền vào ngân hàng, vì đó vẫn là một kênh an toàn và hiệu quả trong năm 2014.

Nhưng với những ngân hàng Việt Nam mang tính chất sở hữu chéo như thế này, xảy ra những vụ án khủng khiếp như vậy – mà thật ra họ không thể minh bạch được số tiền người dân gởi, và việc thanh toán, quyết toán lẫn nhau – thì làm sao người dân có thể an tâm mà gởi vào được?

Từ đó dẫn tới việc chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong năm 2014 và những năm tới cố gắng huy động vàng từ dân. Người dân mà đã ngại gởi tiền vào hệ thống ngân hàng, thì làm sao có thể yên tâm mà rút vàng từ những nơi cất giấu, chôn giấu tại các ngõ ngách trong nhà, để gởi vào két sắt của Ngân hàng Nhà nước hoặc các ngân hàng thương mại cổ phần. Làm sao mà yên tâm, lỡ số vàng, số tiền đó mất đi thì sao! Lỡ khủng hoảng ngân hàng, đổ vỡ ngân hàng, giống như bài học nhãn tiền vào năm 1997.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á- Thái Bình Dương, một số ngân hàng thương mại nước ngoài – kể cả HSBC, đã đầu tư quá nhiều vào bất động sản, và sau đó họ không có tiền để trả cho khách hàng nữa. Đối với các ngân hàng thương mại ở Việt Nam bây giờ cũng vậy. Họ ôm quá nhiều tài sản thế chấp bất động sản. Đến một lúc nào đó họ sẽ không còn tiền mặt để trả cho cho khách nữa. Lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này?

Chính vì thế, giữa chuyện được coi là nhỏ là ngân hàng Vietinbank và vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, với cả một cái lỗi hệ thống trong hệ thống ngân hàng hiện nay, đó là mối liên hệ móc xích liên đới với nhau. Nó cho thấy nếu không giải quyết được bài toán này, thì nhiều khả năng là đến giữa năm 2014 – khi các ngân hàng thương mại không được quyền tái cơ cấu nợ nữa, không được quyền đảo nợ nữa, và nợ xấu bắt đầu lộ diện, bóc ra từng mảng, từng lớp – các ngân hàng bắt đầu kêu thét lên. Lúc đó nhiều khả năng là có những ngân hàng phải ra đi đầu tiên, kể cả những ngân hàng bậc trung như tôi đã đề cập đến, chẳng hạn như ngân hàng Agribank.

RFIThưa anh trong tình cảnh Việt Nam có nguy cơ vỡ nợ như anh nói, ngân hàng không được người dân tin cậy nữa thì sẽ không huy động được tiền, doanh nghiệp cần vốn không vay được…Có vẻ là một bức tranh quá u ám, nếu không muốn nói là đen tối?

Bây giờ tình hình rất là u ám. U ám đến mức mà chúng ta nhìn thấybóng ma khủng hoảng đang lồ lộ, đang lừng lững hiện ra, và gần như vô phương cứu chữa.

Như tôi đã đề cập, theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 6/2014 sẽ áp dụng, các ngân hàng thương mại sẽ phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Để làm gì? Để bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng thương mại một phần thôi, nhưng đồng thời phải bảo đảm thanh khoản và thanh toán cho Ngân hàng Nhà nước. Những món vay mà các ngân hàng thương mại đã vay từ Ngân hàng Nhà nước, thì phải có trách nhiệm trả lại.

Có nghĩa là đã đến tình trạng Ngân hàng Nhà nước không thể “bao sân”, không thể lo lắng, quán xuyến toàn bộ cho hệ thống thanh khoản của các ngân hàng thương mại, mà phải lo cho chính mình. Có nghĩa là đã đến lúc đèn nhà ai nấy rạng, thân ai người đó lo, và đường ai người ấy đi.

Vấn đề là nếu xảy ra tình hình các ngân hàng thương mại không thể giải quyết được nợ xấu và nợ bất động sản vào giữa năm 2014 – mà thời gian từ đây tới đó chỉ còn có năm, sáu tháng mà thôi – trong khi toàn bộ hơn 100.000 căn hộ cao cấp và trung cấp từ Hà Nội tới Thành phố Hồ Chí Minh vẫn bất động hoàn toàn, thì lúc đó sẽ có những ngân hàng có khả năng vỡ nợ. Như chúng tôi đã đề cập, đã có dự thảo cho việc vỡ nợ, phá sản của ngân hàng rồi. Và một trong những ưu tiên đầu tiên của các ngân hàng phá sản là phải thanh toán trước hết cho Ngân hàng Nhà nước, chứ không phải cho người gởi.

Nếu tình hình đó xảy ra thì rất dễ thấy một triển vọng gần gũi: năm 2014 cùng với tình trạng ngân hàng bắt đầu phá sản, có thể vỡ nợ, thì nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ đặt một chân vào hố sâu khủng hoảng. Và bắt đầu một chu kỳ khủng hoảng, có lẽ kéo dài khoảng hai tới ba năm. Khi đó đừng nói gì tới chuyện cho vay giá rẻ như khẩu hiệu tuyên ngôn trong suốt thời gian vừa rồi đối với các doanh nghiệp sản xuất.

Vì thực ra trong suốt thời gian vừa rồi doanh nghiệp vẫn hầu như chưa tiếp cận được vốn vay giá rẻ. Cái được gọi là vốn vay giá rẻ, lãi suất thấp nhất cũng là 8 – 9%. Trước đó lên tới 13-15%, còn vào năm 2011 thì các doanh nghiệp sản xuất đã phải vay với tỉ lệ 21-23%. Còn nếu như tình hình các ngân hàng phá sản, vỡ nợ dây chuyền với nhau, lúc đó lại đua nhau huy động vốn, lãi suất tiết kiệm tăng, dẫn tới lãi suất cho vay vốn cũng tăng theo và sẽ phá sản chính sách cho vay vốn giá rẻ.
RFI: Hậu quả sẽ như thế nào theo anh, nhất là khi Việt Nam không có chế độ an sinh xã hội như các nước phát triển?

Sẽ dẫn tới những hệ quả và hậu quả xã hội vô cùng trầm trọng. Một minh chứng là vào năm 2013 đã xuất hiện thông tin từ chính các cơ quan nhà nước, dự báo là nếu tình hình quỹ lương chi trả như thế này thì có khả năng đến năm 2030, quỹ lương hưu của Việt Nam sẽ vỡ. Có nghĩa là sẽ không còn tiền để chi trả cho những người về hưu nữa.

Nhưng tôi cho là điều đó có thể xảy ra sớm hơn. Vì thông thường sau một cuộc khủng hoảng, thì có một độ trễ từ một năm rưỡi tới hai năm quỹ lương hưu sẽ nguy ngập. Điều đó người ta đã nhìn thấy ở Liên Xô những năm 1992-1993, tức là thời kỳ hậu Liên Xô, sau cuộc khủng hoảng quỹ lương hưu đã gần đổ bể. Lúc đó giá trị lương hưu của người về hưu nhận được chỉ còn lại một phần ba cho tới một nửa giá trị thông thường trước đó mà thôi.

Ở Việt Nam cũng có thể như vậy, và những ngày gần đây nổi lên một hiện tượng như thế này. Cho đến giờ phút này, hôm nay là ngày 18, nhiều cơ quan đơn vị vẫn chưa có lương, hưu trí cũng vậy. Thông thường, từ ngày 4 tới ngày 5 hàng tháng là có lương, nhưng đến nay sát Tết rồi mà vẫn chưa có. Và đã có một số cán bộ hưu trí ở Saigon phải kéo nhau lên Ủy ban Nhân dân Thành phố để khiếu nại, kêu cứu về chuyện này – tại sao giờ này chưa có lương.

Tôi cho đó là một dấu hiệu cho thấy ngân sách nhà nước đang hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là có hiện tượng cạn kiệt ngân sách. Vấn đề đó dẫn tới một tương lai rất nguy hiểm đối với quỹ lương hưu là, không phải chờ tới năm 2030, mà một khi nền kinh tế cực kỳ khó khăn và dợm chân vào khủng hoảng, quỹ lương hưu là một trong những nơi bị ảnh hưởng đầu tiên. Cần phải nói thẳng ra một sự thật như vậy.

Và lúc đó chính tầng lớp hưu trí, trong đó rất nhiều người là đảng viên, sẽ phản ứng. Như tôi đã đề cập, bình thường các đảng viên hưu trí không lên tiếng một cách chính thức. Người ta chỉ tụm năm tụm ba, phản ứng về những sự bất công, những chính sách bất hợp lý trong đảng, trong chính quyền. Nhưng một khi đã ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của họ, thì lúc đó họ sẽ bắt đầu lên tiếng.

Thông thường đã có nhiều người trong số đảng viên hưu trí muốn xa rời đảng Cộng sản cầm quyền hiện nay. Họ không sinh hoạt, không đóng đảng phí, và bằng cách nào đó, họ thoái đảng. Còn sau này nếu ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ liên quan đến quỹ hưu trí, thì – tôi cho rằng đó cũng là lẽ tất nhiên, là quy luật tự nhiên của xã hội – họ sẽ lấy điều này làm lý do hợp lý để chia tay với đảng, bỏ đảng luôn. Lúc đó sẽ sinh ra một làn sóng thoái và bỏ đảng trên diện rộng, thậm chí sâu sắc trong từng khu vực, từng địa phương, từng tế bào của quốc gia.

Đồng thời đối với những tầng lớp nhân dân khác, việc tung hoành của giá điện, xăng dầu, sữa, gaz… và những chính sách đặc quyền đặc lợi làm cho họ bất mãn vô cùng. Chỉ cần chờ khủng hoảng, thì tất cả những yếu tố đó sẽ cộng hưởng với nhau, và cùng nhấn chìm. Có nghĩa là sẽ nổ ra những làn sóng phản ứng tự phát ngoài xã hội.

Đó là những hệ quả xã hội, mà tôi cho là sẽ diễn ra ngay trong năm nay thôi. Và có một sự bất hợp lý: hệ thống điều hành quản lý kinh tế tài chính của Việt Nam quá yếu kém so với thế giới. Phải nói thẳng ra một sự thật như vậy.

Nền kinh tế Mỹ thực ra đã chạm đáy vào cuối năm 2011, bắt đầu từ năm 2012 phục hồi. Thậm chí đến năm 2014 này, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng như Ngân hàng Thế giới và hàng loạt tổ chức khác, đó là một năm phục hồi đáng kể, đáng khích lệ của nền kinh tế thế giới của Mỹ, của Tây Âu – kể cả của Pháp nữa. Tỉ lệ tăng trưởng của Pháp chỉ có 0,3-0,4% thôi, nhưng vẫn được coi như là tăng trưởng, chứ không đến nỗi tồi tệ như tình hình ở Việt Nam.

Trong khi đó nền kinh tế Việt Nam hầu như lệch pha với thế giới trong suốt sáu năm vừa qua. Ngay cả khi nền kinh tế thế giới tạm phục hồi hoặc bắt đầu phục hồi một cách bền vững, thì nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể tốt nhất là đi ngang mà thôi, chứ chưa có gì gọi là thoát đáy cả. Tình hình sắp tới trong năm 2014 này, nhiều khả năng nền kinh tế Việt Nam sẽ càng khó khăn, và khó khăn gấp bội.

Xin nhắc lại là khi xảy ra vấn đề bùng vỡ bong bóng tín dụng, đổ bể nợ xấu ; thì lúc đó nền kinh tế sẽ chính thức đặt chân vào giai đoạn khủng hoảng, dẫn tới khủng hoảng xã hội.

RFIXin chân thành cảm ơn tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã vui lòng nhận trả lời RFI Việt ngữ hôm nay.

Nguồn:http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140118-tien-si-pham-chi-dung-kinh-te-viet-nam-kiet-que-tet-giap-ngo

This entry was posted in phản biện. Bookmark the permalink.