Ông Phạm Quý Ngọ, thượng tướng Công an, người bị cáo buộc mật báo tin để nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Dương Chí Dũng chạy trốn. Ảnh : trang web chính phủ Việt Nam
Sau những lời khai chấn động của nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Dương Chí Dũng hôm qua, tố cáo Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ là người đã mật báo cho mình và nhận hối lộ nửa triệu đô la, hôm nay 08/01/2014 tòa án Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật Nhà nước theo điều 263 Luật hình sự. Đồng thời kiến nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao điều tra hành vi nhận hối lộ 20 tỉ đồng để chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn.
Điều khiến dư luận trong và ngoài nước chú ý chính là diễn biến kịch tính của vụ «kỳ án» này, khi Dương Chí Dũng, bị cáo đã lãnh án tử hình vì tội tham ô và cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng trong phiên xử ngày 17/12/2013, đã khai ra cả những tên tuổi như Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, thậm chí cả Bộ trưởng Trần Đại Quang. Các thông tin trên đây được báo chí Việt Nam đưa tin đầy đủ và kịp thời – một điều hiếm thấy.
Có thể rút ra những nhận định gì từ các sự kiện trên đây? Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh ngay sau khi có kết quả của phiên tòa hôm nay.
RFI : Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng, rất hân hạnh lại có dịp trao đổi với anh hôm nay. Thưa anh, anh có nhận định như thế nào về các sự kiện liên quan đến « đại án » Dương Chí Dũng đang được người dân hết sức chú ý ?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Vụ án này theo tôi là một kết quả tạm thời, chưa phải thống nhất và chưa phải là cuối cùng. Vì mọi chuyện có lẽ vẫn sẽ diễn tiến với những chiều hướng đột biến và mang tính bước ngoặt, vào một thời điểm nào đó sau này.
Giờ đây có lẽ chúng ta nên nhìn lại bức tranh vụ án xử Dương Chí Dũng, với hình ảnh đọc thơ của bị cáo này trước tòa. Đó là một hình ảnh lạ lùng, đọc thơ ca ngợi Đảng quang vinh. Điều đó làm dấy lên dư luận rằng Dương Chí Dũng có thể đã biết trước là tình hình không đến nỗi quá xấu đối với mình. Và Dương Chí Dũng cũng hy vọng dù cho tòa có tuyên án tử hình, thì bản thân ông ta sau này vẫn có thể thoát án, thậm chí thoát án một cách tương đối nhẹ nhàng. Đó là việc thứ nhất.
Việc thứ hai là ngay sau khi tòa kết án tử hình đối với Dương Chí Dũng, thì đã chuyển sang vụ xử án Dương Tự Trọng, là em ruột của Dương Chí Dũng, người đã bao che và tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn. Nhưng điều đặc biệt bất ngờ tại kỳ án này, là với sự có mặt với tư cách nhân chứng của Dương Chí Dũng, thì tòa đã cho Dương Chí Dũng khai thoải mái, khai một cách độc lập và công bố rộng rãi cho báo chí. Khác với một số phiên tòa kinh tế-hình sự trước đây, báo chí đã được đưa tin một cách công khai, trực tiếp và nhanh nhạy chưa từng thấy. Có thể nói là hiếm có tiền lệ !
Kể cả về một nhân vật mà Dương Chí Dũng đã khai, đó là Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ của Bộ Công an. Ông Phạm Quý Ngọ trước đó cũng đã bị nhiều dư luận đồn đoán về mối quan hệ đối với Dương Chí Dũng từ năm 2012, nhưng chưa có điều kiện làm rõ. Việc tòa cho Dương Chí Dũng khai, đồng thời báo chí công bố công khai về mối quan hệ rất đặc biệt giữa Phạm Quý Ngọ và Dương Chí Dũng, cho thấy một ẩn ý gì đó.
Chúng ta cũng cần nhìn lại trước đó : trong phiên tòa Dương Tự Trọng vào ngày đầu tiên xét xử, Viện Kiểm sát cũng đã đưa ra đề nghị khởi tố tội cố ý làm lộ bí mật công tác. Theo đánh giá của dư luận chung, thì việc đưa ra một đề nghị như thế có lẽ cần phải có một khoảng thời gian nhất định, chứ không phải là ngay lập tức, khi mà Dương Tự Trọng và Dương Chí Dũng đưa ra những lời khai mà Viện Kiểm sát có thể đề nghị khởi tố ngay đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác.
Và chúng ta cũng thấy là vừa rồi trong quá trình, kết quả xét xử sơ thẩm đối với Dương Tự Trọng, Hội đồng xét xử đã quyết định chiếu theo đề nghị của Viện Kiểm sát để yêu cầu khởi tố tội cố ý làm lộ bí mật công tác. Điều đó cho thấy có khả năng đây là một kịch bản đã được thu xếp, và việc yêu cầu khởi tố tội danh này là một bộ phận, một nội dung nằm trong kịch bản đó.
RFI : Kịch bản đó sẽ dẫn tới đâu, theo anh ?
Tôi muốn nói tới một hệ trục đặc biệt các nhân vật trong vụ án Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng. Đó là mối quan hệ giữa Dương Tự Trọng, Dương Chí Dũng, Phạm Quý Ngọ và có thể là một ẩn số cấp cao hơn. Đây là một phương trình hỗn hợp và là một phương trình nhiều ẩn số.
Có khả năng diễn ra hai phương án. Phương án thứ nhất phụ thuộc vào việc giải mã ẩn số đầu tiên là Dương Tự Trọng. Nếu án của bị cáo này vẫn giữ nguyên từ 18 tới 20 năm, thì án tử hình của Dương Chí Dũng cũng có thể được xem xét thay đổi. Và nếu án tử của Dương Chí Dũng cũng có thể thay đổi theo chiều hướng nhẹ bớt, thì có lẽ phải có một nhân vật mang tính chất « thế chấp » sau đó.
Nhân vật đó là ai ? Có khả năng nhân vật đó là Phạm Quý Ngọ, hoặc một người nào đó đã cung cấp tin cho Dương Chí Dũng để bỏ trốn. Và sau đó, từ Phạm Quý Ngọ biết đâu đấy, cơ quan cảnh sát điều tra hoặc an ninh điều tra có thể lần ra những mối quan hệ ở cấp cao hơn. Đó là những ẩn số cấp cao hơn hẳn, và nằm trong phương trình hỗn hợp mà chúng tôi đã đề cập.
RFI : Như vậy thì hệ quả sẽ như thế nào, thưa anh ?
Trong trường hợp này, nhóm lợi ích sẽ bị thiệt hại nặng nề. Vấn đề là như thế. Và chúng ta cũng so sánh lại hình ảnh một kịch bản ở Trung Quốc trong năm 2013 : vụ xử án Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh.
Trước khi Bạc Hy Lai bị xử, thì giám đốc công an Trùng Khánh là Vương Lập Quân cũng đã bị xét xử. Theo những đánh giá của giới quan sát ở Trung Quốc, thì Vương Lập Quân được đưa ra như một cần câu, để từ đó dẫn tới Bạc Hy Lai. Và theo tôi nhớ thì án của Vương Lập Quân cho tới giờ là không nặng, thậm chí khá nhẹ nhàng.
Nhưng như Tập Cận Bình đã xác định, « diệt cả ruồi lẫn hổ », và con hổ ở đây chính là Bạc Hy Lai, mà Tập Cận Bình, hoặc là giới lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc muốn nhắm tới. Điều đó cho thấy có thể có sự tái hiện kịch bản của những vụ án chính trị-hình sự-kinh tế ở Trung Quốc đối với Việt Nam.
Chúng ta cũng cần liên hệ lại một yếu tố là cách đây không lâu đã diễn ra chuyến đi của Trưởng ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh đến Bắc Kinh. Trong phiên tòa xử Dương Chí Dũng, ông Nguyễn Bá Thanh cũng đã đi thị sát một vòng xung quanh văn phòng tòa án, tuy không phát biểu một điều gì cả.
Như vậy dư luận cũng đang đặt ra một giả thiết là, liệu có tác động của Nhà nước Trung Quốc, của những kịch bản Trung Quốc đến việc xử án đối với hệ trục Dương Tự Trọng- Dương Chí Dũng và Phạm Quý Ngọ hoặc là một nhân vật cấp cao nào đó của Việt Nam hay không.
Cuối cùng thì xin chúc mừng năm mới ! Vì năm mới đã diễn ra với hai sự kiện liên tục, đều gây chấn động và tiếng vang.
Sự kiện thứ nhất xảy ra ngay vào đầu năm. Đó là thông điệp chào đón năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với những cụm từ rất ấn tượng như đổi mới thể chế, xóa độc quyền, nắm chắc ngọn cờ dân chủ, Nhà nước kiến tạo phát triển.
Và tiếp sau đó là sự kiện thứ hai : việc Dương Chí Dũng khai ra một quan chức cấp cao, đã cung cấp tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn. Cho dù tới nay người ta vẫn chưa thể làm rõ được quan chức cấp cao đó là ai, nhưng dư luận cho rằng không thể không có một bàn tay cấp cao nào đó nhúng vào, để Dương Chí Dũng đã có thể được giải thoát một cách thành công trót lọt như trước đây.
RFI : Chúng tôi xin chân thành cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm nay.
T.M.