“Thiên thủ thiên nhỡn” và cái két sắt

Lên kế hoạch dẫn cánh Miền Nam lần đầu ra thăm đất Bắc đi các danh lam thắng cảnh, tôi gợi ý nên đến thăm Bút Tháp, ngôi chùa nổi tiếng với kiến trúc độc đáo và pho tượng Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay độc nhất vô nhị.

Nghe nói vậy, có anh cãi: “Ủa, sao lại nghìn mắt nghìn tay? Nghìn mắt nghìn tai chứ? Phật bà có nghìn mắt để soi xét thiên hạ, nghìn tai để nghe thấu ý muôn dân rồi chỉ bảo con người làm việc thiện, giữ gìn cỏ cây muôn lòai trường tồn. Sao lại nói nghìn tay?” Thì ra tiếng Nam Bộ chữ tay hay chữ tai nó nghe lớ lớ nên ông bạn hiểu lầm rồi suy luận như ý ông nghĩ dzậy mà không phải là dzậy. Chẳng buồn cãi lại, tôi bảo: “Cứ đến tận nơi khắc biết”.

Lâu lắm không lên thăm chùa, bước qua cổng thấy chỉ lèo tèo dăm chiếc xe máy, xe đạp, hàng quán vắng tanh. Độc mỗi cái ô tô do mấy anh chị chụp ảnh đám cưới dẫn đôi bạn trẻ sắp lên xe hoa vào sân chùa ôm nhau chụp ảnh làm cuốn an bom khổng lồ để trưng trong đám cưới sắp tới.

Buớc qua cổng ngoài, tôi ngỡ ngàng thấy hai hàng cây cọ tây lạ hoắc cao hơn đầu người, chẳng ăn nhập gì với cây cối cổ truyền vốn được trồng trong chùa xưa nay. Qua tam quan, một lư hương và hai cây đèn đá mới toanh to đùng án ngữ ngay giữa chùa chính, chẳng ăn nhập gì với không gian kiến trúc hài hòa vốn có nơi đây. Nghe bảo đấy là đồ hiến tặng, của công đức nên được bầy ở đây. Chạnh nghĩ, công đức sao cứ phải làm cho thật to, nó làm hỏng cả kiến trúc tự nhiên của nơi thờ tự cổ kính.

Vào sân chùa, giật mình thấy những gốc cau đã bị đổ gục từ bao giờ bị cưa ngang thân mà chẳng ai trồng thế cây mới. Thiếu tiền tu bổ chăng?

Tôi dẫn anh em vào thăm pho tượng nghìn mắt nghìn tay. Chẳng cần phải giải thích. “Thực tiễn là thước đo của chân lí”. Anh nào anh ấy im thin thít đứng chiêm ngưỡng pho tượng khiêm tốn, bố cục cực hài hòa với nghìn mắt nghìn tay được các nghệ nhân xưa tạc thật tinh xảo, hài hòa. Chẳng ai còn nghĩ đến chuyện nghìn tai hay nghìn tay nữa.

Cùng cả đòan đi hết gian này qua gian khác, vượt qua cây cầu đá xinh xinh qua tòa tháp phía sau để xem chiếc tháp gỗ cao bằng cả gian chùa quay được bốn phương tám hướng rồi tới bàn thờ Bác Hồ ở gian trong cùng…

Một anh trong đoàn nhận ra chuyện lạ hỏi “Quái! Sao trong chùa này lắm két sắt thế? Có cơ quan tài chính nào về đóng ở đây chăng? Đâu đâu cũng toàn két sắt cả! Nghe câu nói lạ, cả đoàn mới chú ý và thấy quả là ở đây lắm két sắt thật! trước các ban bệ thờ, các tượng người ta đều đặt chềnh ềnh một cái két sắt to tướng.

Ngắm nhìn chiếc bệ thờ Tam Bảo với những hoa văn điêu khắc cổ chạm những sóng mây thẳng vút vươn lên điển hình cho trang trí điêu khắc đời Lê đang bị bụi phủ, chẳng ai quét bụi, lau chùi, chiếc mõ lớn bị xếp vô trật tự ngay bên gầm bệ thờ. Hai cái thùng loa điện tử và hai chiếc lọ “Độc bình” to đùng, men xanh đỏ lòe lọet chẳng ăn nhập gì được bê vào đặt hai bên bệ thờ “Tam Bảo”. Chiếc két sắt trơ trẽn đứng chềnh ềnh ngay giữa bệ thờ. Anh bạn tôi súyt xoa. “Trời ơi! Cái bệ thờ quý vậy sao lại để đây ? Sao lại đặt những đồ vật tầm thường vào chỗ linh thiêng này?”

Nhìn lên những dòng chữ in vi tính được photocopy hàng loạt dán trên cột hay ngay cạnh các két sắt với dòng chữ to in ngay ngắn “Quý khách thành tâm tự tay để tiền công đức vào hòm công đức đề phòng kẻ gian lấy cắp”. Chết cha! Ở đây lắm kẻ gian vậy sao? Tôi buộc lòng phải nhắc khéo anh em “Khi đi thăm chùa, cẩn thận kẻo kẻ gian móc túi” Mọi người phì cười “Vắng như chùa thế này chứ có phải chợ Đồng Xuân đâu mà có kẻ gian?” Tôi bảo: “Cứ đọc các chỉ dẫn này khắc biết”. Ừ thì ra lắm kẻ gian thật nên người ta mới phải bệ vào đây tới 15 cái két sắt cải biên khoét lỗ nhét tiền trên mặt thành hòm “công đức” đặt rải rác khắp nơi trước mọi bệ thờ, tượng thiêng.

Định tìm vị sư trụ trì để hỏi thực hư ra sao thì chỉ thấy hai vị mặc áo nâu trụ trì ở đây đang ngồi trước chiếc bàn bán hương và ghi tên công đức cạnh một chiếc két sắt cỡ lớn trên có tấm biển ghi mấy dòng chữ song ngữ Việt Anh “Nơi ghi nhận công đức . Place sign donation”. Hoá ra các vị cũng đang ngồi túc trực canh giữ cái két công đức rồi. Chẳng buồn hỏi thêm.

Thắp hương kính cẩn trước bàn thờ Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay tôi khấn thầm: “Nếu quả ngài có chưởng lực “Thiên thủ thiên nhỡn” xin ngài hãy ra tay tiễu trừ gian tặc phù trì cho việc tôn tạo, trùng tu sao cho chốn thờ tự vô giá này của cả dân tộc được trường tồn cùng quế nguyệt”.

Nguồn: http://nhkien61.wordpress.com/2010/03/20/thien-thủ-thien-nhỡn”-va-cai-ket-sắt/

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.