Đường đời không lối rẽ

 Đôi lỜi

Câu chuyện bắt đầu như mọi câu chuyện theo kiểu Nguyễn Quang Lập, nghĩa là như không có văn, không định làm văn, càng không thấy dấu vết nào của sự cố ý “làm văn”. “Tôi làm ở báo Cửa Việt … tôi túng bài cho số Tết … tôi mò ra Hà Nội … tôi không định đặt bài cái “thằng Phương” bạn tôi ấy, nhưng rồi lại có bài của nó đem về dùng, chỉ bỏ đi chừng năm trăm chữ …”

Thế rồi câu chuyện cứ nở ra, và nở ra một cách thật có duyên – có thể nói thật văn chương nữa – vì văn chương là cái duyên, mà phải là cái duyên của người viết ngay đúng lúc người cầm bút đó không định “làm duyên bằng văn chương”, càng không cố ý “sáng tạo”, “phá phách”, tưởng đâu như định “mở ra một chân trời văn chương hoàn toàn mới mẻ”…

Trong chừng mức nào đó, Nguyễn Quang Lập rất giống với Nguyễn Ngọc Tư. Hai anh ả này viết văn như người ta đi ra đồng lùa vịt rồi kể dăm ba điều chất chưởng, viết văn mà ngây ngô như chính mình đang tròn xoe mắt trước những hiện tượng văn chương cao sang hơn mình… chất chưởng đấy, ngây ngô ngơ ngác đấy, nhưng phải là người gan lì lắm mới ngăn nổi cho mắt mình không nhòe đang khi đọc văn chương của hai anh ả này.

Riêng với Nguyễn Quang Lập, ngày Chủ nhật này Bauxite Việt Nam tự động gắp từ trang Quê Choa ngày 18 tháng 12 năm 2013 của anh một câu chuyện để mang về làm đẹp cho trang BVN khô khan của mình. Một câu chuyện hoặc một tác phẩm, nếu thích nói quá lên, đó là một kiệt tác.

Có hai nhân vật. “Thằng” Phương, tên đại bịp, tên lừa đảo, có điều là anh ta lừa đảo và bịp bợm một cách quá ư hồn nhiên, như là một “thiên tính”. Anh ta thích làm rung động những trái tim thôn nữ – xin nhấn mạnh, “trái tim thôn nữ”. Cái lực lượng làm quân chủ lực của cách mạng. Cô gái quê quá tự ti và quá nhút nhát chẳng thấy chàng trai đó có gì là hấp dẫn hết. Và chính sự ngờ nghệch gái quê ấy đã khiến “thằng” Phương tìm cách “giết” cho bằng được. Và rồi, nhà văn tên thật là Phương bút danh là Quì ấy đã thành công. Anh ta “giết” được cô gái quê ấy – và giết với nghĩa đen hoàn toàn trần trụi của khái niệm giết.

Nguyễn Quang Lập kể chuyện trong kiệt tác của mình rất kiệm lời nhưng hoàn toàn đủ: thằng-nhà-văn-Phương-Quì đã “nâng tầm” cô gái quê bị lừa thành “o du kích nhoẻn cười dưới ánh trăng”. O du kích bịa tạc ấy đã tôn thờ nhà văn Phương-Quì cùng với đứa con trai của hai người, cái đứa bé chết mà chưa được chụp ảnhđể đến nỗi trên bàn thờ chỉ có ảnh nhà văn Phương-Quì chưa chết trong tư thế tự thu xếp hoàn hảo một vị trí trên bàn thờ cho mình!

Thư giãn Chủ nhật cùng BVN, xin mời bạn đọc Nhà văn Nguyễn Quang Lập. Thật bất công, và lại có phần ngốc nghếch nữa, nếu ta tin lời những nhà phê bình đã phán một cách nhẹ tênh, rằng “Nguyễn Quang Lập viết văn lối khẩu ngữ”. Và chớ tin nhảm vào những chê trách hơi nặng nề, rằng nhà văn Việt Nam đương thời quay lưng với thực tại. Nhà văn đương thời như “anh Nập” (và Nguyễn Ngọc Tư) hoàn toàn không quay lưng với thực tại. Ẩn dụ của họ quá đẹp và quá mong manh đến độ có thể bị bỏ qua, có khi còn bị hiểu nhầm.

Vì thế mới cần dạy Văn cho trẻ em của cả dân tộc này ngay từ lớp Một theo một cung cách hoàn toàn khác! Nói thật đấy!

Phạm Toàn

clip_image002

Hai mươi năm trước tôi làm ở tạp chí Cửa Việt, tờ văn nghệ địa phương thôi nhưng được cả nước biết tới, thích lắm, tự hào nữa. Trước tết khoảng hai tháng bao giờ tôi cũng mò ra Hà Nội, vừa moi bài vở vừa tận hưởng mùa lá rụng và nhấm nháp chút văn hóa Bắc Hà.

Nhậu ở Hồ Tây, ăn ốc bươu uống bia hơi, bạn văn có thằng Phương là chỗ quen biết cũ, tôi nói ông có cái gì kha khá ném cho tôi cái dùng số tết với, đang kẹt quá. Thằng Phương ngửa cổ cười khá kha kha, nói ông cũng tin tôi viết được văn à. Tôi vỗ vai nó phát, nói không tin ông thì tin thằng đéo nào. Phương cười khá kha kha, nói chí lý chí lý.

Là nói vậy, chỉ là cách lấy lòng cánh viết lách với nhau thôi, chứ thực tình chẳng hy vọng gì ở nó, xưa nay thằng Phương không mặn chuyện viết lách. Nó khởi nghiệp bằng tin tiến độ, đắm đuối với lối viết “Nét mới” “điểm sáng”, đến khi giới viết lách bất ngờ đổi mới, quyết định nhúng toàn bộ chữ nghĩa vào đời sống, thì nó trơ khấc ra, tự nhiên tắc ngỏm.

Thằng Phương đang nổi tiếng trong cái nghề MC hoa hậu và người mẫu thời trang. Nó không trẻ cũng chẳng đẹp trai (đẹp hơn Đỗ Trung Quân chút chút, hi hi) nhưng cái khoản nói năng, ứng đối lưu loát thì không ai bì kịp.

Thời các đám cưới đang ở tình trạng nửa họp nửa mét tinh, người ta tranh nhau đăng kí nhờ nó làm chủ hôn, có khi trước cả nửa năm. Làm lính như nó thật khỏe re, sáng vác mõm đi tối vác bị về. Cơm rượu no say lại được tiếng hoàn thành xuất sắc công tác dân vận. Chúng tôi cũng nhờ nó mà được trơn mồm ngọt lưỡi, đỏ da thắm thịt.

Làm thằng lính hễ không tài cán gì thì thôi chứ ló ra cái tài nào là lập tức được sử dụng tối đa, vinh dự bao nhiêu cơ cực bấy nhiêu, kể cả cái tài tầm thường là tài cắt tóc.

Có lẽ chỉ cái tài bẻm mép của thằng Phương là xem ra vớ bẩm. Ở hậu phương thì ba ngày tiệc nhỏ năm ngày tiệc lớn, nó đều có chỗ ở chiếu trên. Ra trận cũng khỏi sa vào tầm tên bay đạn lạc. Một mình một cái loa, nó ngồi rung đùi “ bắn” vào tai địch, bắn liên thanh cả giờ không nghỉ, chẳng những địch vuốt mặt không kịp mà đến cố tổ cao tằng địch cũng muốn đội mồ đứng dậy.

Chiến dịch nào thằng Phương cũng có tên trong sổ báo công. Rõ cái mồm ngàn vàng khôn chuộc, tam vinh tứ khoái đều nhờ nó mà nên cả, hi hi.

Cứ nghĩ thằng Phương nói vậy thôi, đời nào nó viết, té ra nó ném vào mặt tôi cái ký Chuyn tình đêm cui năm chừng mười trang, vỗ đùi tôi đánh bốp, nói chuyện thật chứ không bịa đâu nhé!

Tôi không đọc cứ gật bừa, nói được được hay hay. Thằng Phương thích lắm, ngửa cổ cười khá kha kha, nói tao chỉ phắn ra một mẩu tình đem bán lấy vài trăm uống bia. Mai mốt kẹt tiền tao lại phắn ra một mẩu khác. Toàn chuyện tình máu lửa, vừa hoành tráng vừa ẩm ướt, thách đứa nào gạt của tao được một chữ.

Quen tính  thằng Phương và quen thói huênh hoang vui vẻ trong các cuộc rượu của giới văn bút tỉnh chẵn, tôi mỉm cười không nói gì. Về nhà, tôi lẳng lặng gạt đi năm trăm chữ rồi cho in. Cái kí không lấy gì hay lắm nhưng cần cho số tết, cần chút tráng ca làm gia vị trong bữa tiệc ngồn ngộn những trò vui vẻ.

Ngỡ cái ký ba thật bảy bốc phét của thằng Phương sẽ chẳng làm ai xuýt xoa, thế mà có chuyện.

Một đêm mưa gió có một người đàn bà gõ cửa nhà tôi, chị chừng  40 tuổi nhưng thoạt nhìn cứ tưởng trên năm mươi, mặt mày hom hem, chỉ đôi mắt vẫn còn tươi sáng lắm.

Chị đứng dúm dó một gốc nhà, trân trố nhìn tôi, nói anh có phải nhà văn Lập không, tôi nói vâng. Chị nói bài Chuyn tình đêm cui năm, cái người tên Hương là tui. Tui không phải tên Hương, tui tên Trâm, nhưng chuyện là chuyện của tui với anh nớ.

Tôi giật mình nghĩ bụng ôi thôi bỏ mẹ rồi, cha Phương bịa tào lao cái gì, người ta đến thắc mắc kiện cáo đây. Dường như chị đoán được, vội vã xua tay, nói không không, tui đến đây không phải đôi co chuyện đúng sai. Tui chỉ hỏi anh nớ tên Phương chứ không phải tên Quì phải không. Tôi nói vâng, Quì là bút danh của anh Phương. Chị hét to cha mạ ơi, rứa là đúng rồi. Rồi ôm mặt khóc rống lên.

Chuyện tình của chị với thằng Phương cũng đã hai mươi năm, với thằng Phương đó chỉ là cuộc tình chốc lát, nằm trong danh sách gần năm chục nàng của nó, còn với chị là mối tình đầu.

Cái ký thằng Phương viết thì hay ho lắm, chuyện lần đầu nó gặp chị nó viết giống như phim: “Bng t chiến hào, mt n du kích lao lên, qua ánh la xanh lét ca đn pháo, ch bng sáng ngi và lp lánh”. Chị nói mô có anh, anh Phương gặp tui ở giếng làng. Hi hi thì nó cũng kể rồi.

Chị ra giếng giặt áo quần, thằng Phương đi qua thấy trăng trắng múp múp bèn sà vào ngồi thành giếng cợt nhả đôi câu, đại loại người đâu xinh  thế nhẩy, sao giặt áo một mình thế này hả iem, để anh múc nước cho iem, nha iem! Chị nghe rác tai, bê thau áo quần đi thẳng. Thằng Phương nhìn cái mông tròn lẳn của chị, nói đ.mẹ, chết tao cũng giết cho được con này.

Thằng Phương thổi sáo giỏi, phải nói là siêu, nó nói chỉ một cây sáo này thôi tao đã giết được mấy chục con nhà quê rồi. Chắc chị cũng trong số “ mấy chục con nhà quê” đó.

Mấy hôm liền sau đó, tối nào nó cũng ra ngồi tựa thành giếng thổi sáo, chị ra giếng giặt áo nó cũng mặc kệ, cứ mải miết thổi. Hôm sau, hôm sau nữa… tiếng sáo của thằng Phương đã hớp hồn chị đến nỗi nó chưa kịp ngõ lời, chị đã ngã vào lòng nó rồi.

Thằng Phương mô tả cuộc tình trong ba mươi đêm của chị và nó rất hấp dẫn, buồn cười nữa. Nó nói đàn bà kêu la rên rỉ tao biết cũng đã nhiều, nhưng con này nó kêu như mèo kêu chúng mày ạ. Tôi cười, nói ông nói phét. Nó  trợn mắt vung tay thề, nói mẹ, tao nói sai trời đánh tao chết liền. Rồi nó nhái lại tiếng mèo kêu của chị, nói ôi anh ơi anh ơi, mau lên mau lên, em sắp sướng rồi. Cả hội cười sằng sặc, tôi cũng cười sằng sặc.

Tôi gọi điện cho thằng Phương, nói tình hình như vầy như vầy. Nó cười khá kha kha, nói tiên sư con mẹ này cũng biết đọc báo à bay. Tôi nói mày liều hồn nàng còn thương mày lắm đó. Thằng Phương cười khá kha kha, nói tiên sư bố mày, tao tưởng mày thông minh lắm. Tôi nói thì tao đọc bài mày, tưởng mày còn da diết với nàng lắm. Nó lại cười khá kha kha, nói da diết cái củ khẹc.

Mới ngày hai mươi chị đã cúng tất niên, gọi điện rối rít mời tôi ra cho bằng được. Nể quá tôi đành đi. Vào nhà thấy cái ảnh thằng Phương trên bàn thờ, ngạc nhiên quá trời. Chị nói tại khi chia tay, anh Phương nói nếu hòa bình anh không về tìm em thì có nghĩa là anh đã chết. Tôi rủa thầm tổ cha cái thằng láu cá, cắt đuôi êm như nhíp.

Nhìn cái nhà trống hoác như cái trại giữ vịt, biết ngay nhà vắng đàn ông, tôi nói thế từ bấy đến giờ chị vẫn thờ anh Phương à? Chị thở hắt ra, nói thì vẫn.

Chị ngồi bệt, rưng rưng nước mắt nói tui chỉ ân hận không giữ được đứa con cho anh Phương, tôi há hốc mồm. Hóa ra chị có với thằng Phương một đứa con gái, chuyện này nó không biết, chị có gửi cho nó mấy chục lá thư mà chẳng thấy nó hồi âm, chiến tranh loạn lạc chuyện đó cũng dễ hiểu. Con gái chị mất năm mười ba tuổi vì bệnh hoại thư đường ruột, cháu mất khi chưa kịp chụp một cái ảnh nào để chị đặt lên bàn thờ.

Từ đó chị thủ tiết thờ chồng con, kiên quyết không đi bước nữa. Chị gạt nước mắt gượng cười, nói ai cũng kêu tui ngu, mới yêu đương sơ sơ, cưới hỏi chi mà chồng con. Mặc kệ thiên hạ anh ạ, mình đã có con với ai thì đương nhiên người đó là chồng mình chớ.

Tôi nghẹn đắng không biết nói sao.

Tôi lại gọi điện cho thằng Phương, nói tình hình như vầy như vầy, nó nói chết chết chết, tình hình xấu. Tôi nói mày làm sao thì làm, tao đéo biết đâu. Nó nói thôi được, thế này nhé, nhuận bút của tao được bao nhiêu, ba trăm ngàn à, số tết mà bèo thế. Mày cầm giùm tao đưa cho nó, bảo tao gửi vào làm quà tết. Mày phải nói kheo khéo, gái nhà quê hay sĩ diện hão lắm đấy. Mày có thông minh không hả Lập?

Tôi cầm tiền ra vừa đúng lúc chị gói ghém chuẩn bị lên tàu ra Hà Nội. Tôi nói chị ra làm gì. Chị cười như không, nói tui phải chộ cái mặt anh Phương cái rồi chết cũng cam tâm. Tất nhiên chị biết thằng Phương đã vợ con đề huề rồi, nhưng cản không nổi.

Tôi gọi điện cho thằng Phương báo nó giờ tàu chạy để nó ra đón chị. Nó nói chết chết chết, tao đang ăn tết ở Vũng Tàu với vợ con, biết làm thế nào.

Nó nói phét, chị đã nhìn thấy nó nhưng nó nhanh chân lẻn mất, đem vợ con sang trú ẩn ở nhà ngoại. Mồng ba tết chị về nhà, nói chưa chộ mặt anh Phương nhưng chộ được cái lưng anh cũng thỏa mãn lắm rồi.

Rồi chị ngồi lặng lẽ khóc.

Sau đó tôi đem vợ con ra Hà Nội kiếm ăn. Bốn năm sau mới nháo về thăm viếng bạn cũ ở Quảng Trị, có ghé qua thăm nhà chị.

Chị không còn đó nữa, cái nhà cũng bay đâu mất tiêu, hỏi chị đi đâu chẳng ai biết. Cây xấu hổ mọc vống lên trùm lấp cả khu vườn.

Mấy người hàng xóm nói không có ai dám dựng nhà trong khu vườn của chị. Người ta đồn khu vườn ấy có ma. Đêm đêm, trong các lùm cây xấu hổ, ma ngồi nghiến răng ken két.

N.Q.L.

Nguồn: bolapquechoa.blogspot.com

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.