Sau Tư duy kinh tế Việt Nam – Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, xuất bản năm 2008 (xem bài giới thiệu của Hòa Vân), tái bản năm 2009 với nhiều bổ sung và tên mới Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989 – Nhật ký thời bao cấp (nxb Tri Thức, 476 trang), sử gia kinh tế Đặng Phong đã cho ra tiếp theo ‘Phá rào’ trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới (nxb Tri Thức 2009, 534 trang). Công trình này giới thiệu 20 điển cứu (case studies) trong tổng số gần một trăm trường hợp phá rào của nền kinh tế Việt Nam thời tiền Đổi mới ở các lãnh vực : nông nghiệp (khởi đi từ khoán ở tỉnh Vĩnh Phú cho đến nông trường Sông Hậu), công nghiệp (từ Nhà máy dệt Nam Định đến Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội), phân phối lưu thông (từ Công ty lương thực Thành phố Hồ Chí Minh đến cơ chế một giá và xóa bỏ tem phiếu của tỉnh Long An), ngoại thương (từ các ‘imex’ đến vai trò đầu tàu của Vietcombank Thành phố Hồ Chí Minh).
« Phá rào », ở đây, chỉ hành động của những lãnh đạo ở cấp cơ sở vượt qua các hàng rào thể chế để thảo gỡ ách tác của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Thực tiễn này được xem là khởi động công cuộc đổi mới tư duy và chính sách của lãnh đạo ở cấp Trung ương, mà tác giả đã trình bày trong Tư duy kinh tế Việt Nam. Cũng như tập sách này, Phá rào căn cứ trên chứng từ cá nhân của các tác nhân tham gia những cuộc đột phá nói trên. Hai tập sách, do đó, hình thành một tổng thể và cần được đọc chung với nhau. Là tập hợp sử liệu đầy đủ nhất cho đến nay về quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế thị trường, Phá rào và Tư duy kinh tế Việt Nam hẳn là bộ sách qui chiếu đối với những ai muốn nghiên cứu giai đoạn lịch sử này. Nhân việc chuẩn bị đại hội XI của ĐCSVN, nhiều tiếng nói đang cất lên đòi hỏi một “đổi mới 2” hòng thoát ra được những khó khăn chồng chất của nền kinh tế – xã hội Việt Nam, ngẫm lại những chặng đường của “đổi mới 1” tưởng cũng không là vô ích.
Được sự đồng ý của tác giả, Diễn Đàn trân trọng giới thiệu dưới đây chương kết luận của Phá Rào có nhan đề « Những bài học lịch sử từ những mũi đột phá ».
Trên phương diện phân tích, bộ sách của Đặng Phong đặt ra nhiều vấn đề cần được thảo luận thêm. Trong bài viết đầu tiên đăng kèm chương kết luận này (bấm vào đây để xem), Trần Hải Hạc sẽ bàn về việc sử dụng phạm trù « think tank » ở Việt Nam.
Những bài học lịch sử từ những mũi đột phá
Sau khi viết về những mũi đột phá, người viết bỗng trầm ngâm trước một câu hỏi (mà có thể phần lớn bạn đọc cũng đặt ra câu hỏi đó):
Tại sao phải đột phá?
Theo lẽ thường và cũng là điều phổ biến trong thế giới đương đại, sự phát triển là chuyện hàng ngày, hàng giờ, khi xuất hiện những tình huống mới thì tư duy xã hội phải nắm bắt kịp thời, để kịp thời điều chỉnh chủ trương, chính sách, thể chế. Đó là chuyện thường tình của mọi quốc gia.
Đến mức phải mở những mũi đột phá mới tiến lên được, có nghĩa là đã có sự trì trệ, ách tắc, có cái gì đó cản trở sự vận động của quy luật.
Nền kinh tế Việt Nam thời kỳ 1976-1986 đã ở trong tình trạng trì trệ và ách tắc từ khá lâu. Đó cũng là hội chứng chung ở hầu hết những nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa cũ.
Sở dĩ có sự ách tắc đó, vì trong thể chế của các nước xã hội chủ nghĩa, đều có một số yếu tố giống nhau sau đây:
– Thể chế kinh tế đã bị xơ cứng hàng thập kỷ bởi một số công thức mang nặng tính duy ý chí. Những công thức đó có thể là không sai trong một hoàn cảnh lịch sử nào đấy, nhưng khi đã được tuyệt đối hóa thành những húy kỵ, thì nó bắt đầu trở thành chướng ngại vật cho sự phát triển. Đó là những húy kỵ về chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa, về sự điều khiển toàn bộ nền kinh tế theo một kế hoạch tập trung, thống nhất, được quy định từ trên xuống một cách chủ quan. Đó là sự nghi kỵ và phủ nhận những thành quả của khoa học quản lý mà loài người đã đạt được trong thế giới đương đại, là cách thức áp đặt những quyền uy trong việc xác nhận chân lý…
– Một hệ thống rất không tối ưu của các kênh truyền dẫn thông tin từ thực tiễn tới tư duy và từ tư duy tới chính sách. Nhiều công cụ phản ánh thông thường nhất của loài người như ý kiến của người dân, những cuộc điều tra thăm dò khách quan, vai trò của báo chí, vai trò của Quốc hội, các cơ quan nghiên cứu độc lập đã không có điều kiện để phát huy hết hiệu quả. Có nơi, chúng chỉ mang nặng tính chất hình thức, như những vật làm cảnh hơn là những công cụ hữu hiệu của xã hội. Thay vào đó là một hệ thống những kênh thông tin khép kín, vừa chậm chạp, vừa nghèo nàn và méo mó. Trong nhiều trường hợp, sự méo mó đó cộng với quyền uy đã dẫn tới những sai lầm mang nặng tính chủ quan, duy ý chí, mà sau này Đại hội Đảng lần thứ VI đã kiểm điểm và phê phán nghiêm khắc.
– Vai trò của tư duy kinh tế, của các nhóm chuyên gia rường cột (mà tiếng Anh thường gọi là những những think tank), bị suy yếu, ở một số nước, thậm chí bị tê liệt. Thay vì là yếu tố quan trọng nhất tạo ra sức mạnh kinh tế của một quốc gia, tư duy kinh tế lại mang nặng chức năng thực hiện thụ động những thực đơn có sẵn. Tại nhiều nước xã hội chủ nghĩa thời đó, những nhà lãnh đạo thường suy nghĩ thay cho các nhà khoa học. Còn những chuyên gia thì thường chỉ được sử dụng như những người thể hiện cho tư duy của những nhà lãnh đạo.
Tại Liên Xô chẳng hạn, các nhà lãnh đạo thời đó, đôi khi cũng hay cho mời các nhà chuyên môn lên gặp để nghe ý kiến. Nhưng trong nhiều cuộc gặp, nhà lãnh đạo lại giành phần lớn thời gian để chỉ giáo về chính ngành chuyên môn đó! Cuối cùng, khi ra về, cả hai chẳng thu hoạch được bao nhiêu! Về điều này, thì những thí dụ cụ thể do V.Afanasiev kể lại trong cuốn sách cuối đời của ông – Quyền lực thứ tư và bốn đời Tổng Bí thư – là rất tiêu biểu1.
Việt Nam mấy thập kỷ trước đây, cái gọi là “văn hóa nghe” cũng còn kém phát triển hơn nhiều so với bây giờ. Tất nhiên, không phải là tất cả đều như vậy. Ngoài Hồ Chí Minh, thì Phạm Văn Đồng cũng là một con người rất đáng kính về “văn hóa nghe”. Khi gặp những nhà chuyên môn, ông thường nói: “Người nói là anh, người nghe là tôi, nếu đảo ngược thì cần gì anh phải gặp tôi.”2
Lại nhớ đến Bình Ngô Đại cáo có câu:
Đất nước có lúc thịnh lúc suy
Nhưng hào kiệt thì không bao giờ thiếu
Từ đó có thể đặt câu hỏi: Nếu anh tài lúc nào cũng có thì cớ sao nước lúc thịnh lúc suy? Hẳn là có nhiều nguyên cớ khác nhau, nhưng bao giờ cũng có một nguyên cớ rất quan trọng: Có cơ chế như thế nào để sử dụng tối ưu những bậc hiền tài, tức những tinh hoa trí tuệ của đất nước.
– Trong điều kiện vẫn thống trị một quan niệm cho rằng đấu tranh giai cấp còn rất gay gắt ngay trong chủ nghĩa xã hội, nhất là ở những nước mới ra khỏi chiến tranh khốc liệt, thì những tìm tòi, sáng tạo khó tránh khỏi bị quy chụp là nhiễm nọc độc của những giai cấp thù địch. Những bộ óc tiên phong muốn gợi ý về những biện pháp tối ưu cho kinh tế thường có độ rủi ro khá cao. Đó chính là trường hợp của Vavilov, Leontiev, Liberman… ở Liên Cô, Oscar Lange ở Ba lan, Otar Sik ở Tiệp Khắc, Kornai ở Hungary, Tôn Giã Phương ở Trung Quốc, Kim Ngọc và một số người khác ở Việt Nam. Với sự sàng lọc như thế thì các think tank nếu có thì cũng khó còn nhạy bén và khó có khả năng khai phá, phát hiện. Cuối cùng cái thể chế tưởng là an toàn đó lại chính là chỗ mà nền kinh tế lâm bệnh nhưng không được chẩn bệnh và chữa trị kịp thời.
Không nên coi rằng sự thiếu tự do tư tưởng ấy là bản chất của chủ nghĩa cộng sản. Nó chỉ là “biến thể” sau Mác và sau Lênin, mà giới nghiên cứu thường gọi là mô hình “Liên xô.”
Ngay trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác đã quan niệm về chủ nghĩa cộng sản phải là:
“Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”3.
– Mô hình “Liên xô” đó có thể là bách chiến bách thắng trong những điều kiện chiến tranh và cách mạng. Nhưng trong điều kiện xây dựng hòa bình thì nó tỏ ra ít hiệu quả hơn. Cũng như trong chiến tranh, những chiếc xe tăng là rất cần thiết và có thể là bách chiến bách thắng. Nhưng trong điều kiện hòa bình xây dựng thì không ai dùng xe tăng để đi lại.
Điều này thì Lênin đã tỉnh ngộ 1-2 năm trước khi ông qua đời:
“Chúng ta buộc phải thừa nhận là toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi về căn bản.”4
“Các nước còn lạc hậu như các nước ở phương Đông,… và chúng ta nữa, chúng ta cũng chưa đủ văn minh để có thể trực tiếp chuyển lên chủ nghĩa xã hội, tuy chúng ta đã có được những tiền đề chính trị về mặt đó.”5
“Không được làm cho nông dân đâm ra phẫn nộ bằng cách biến công cuộc hợp tác hóa thành một trò chơi ngu ngốc.”6
“Xét cả về mặt lý luận lẫn về mặt thực tiễn, trong điều kiện một nền kinh tế tiểu nông mà lại đem thực hiện ngay lập tức chủ nghĩa cộng sản toàn vẹn là hết sức sai lầm.”7
“Không thể đưa ngay vào nông thôn những tư tưởng cộng sản chủ nghĩa một cách vô điều kiện. Chừng nào chúng ta còn chưa có được một cơ sở vật chất ở nông thôn cho chủ nghĩa cộng sản, thì làm như thế có thể nói là một việc có hại, một việc nguy hiểm cho chủ nghĩa cộng sản.”8
“Nếu nông dân cần được tự do buôn bán trong những điều kiện hiện tại và trong những phạm vi nhất định, thì chúng ta phải để cho họ được tự do buôn bán.”9
“Nếu có thể dùng cách xung phong mà chiếm lĩnh được trận địa kinh tế của chủ nghĩa tư bản thì thật là dễ chịu hơn nhiều. Sai lầm hiện nay chính là ở chỗ chúng ta không muốn hiểu rằng nhất thiết phải hành động một cách khác.”10
“Sống trong bầy lang sói thì phải gào thét lên như lang sói. Còn việc tiêu diệt bọn lang sói… thì chúng ta hãy nắm vững câu tục ngữ khôn ngoan của Nga đã: Đừng vội khoe khoang khi ra trận, hãy đợi đến khi thắng trận trở về…”11
Bọn tư bản hoạt động theo lối kẻ cướp. Chúng thu được nhiều lời, nhưng chúng biết cách cung cấp cho dân chúng. Còn các anh, các anh có biết làm việc đó không? Không! Các anh đang thử thách những phương pháp mới: Lời lãi thì các anh không thu được. Nguyên lý của các anh là những nguyên lý cộng sản. Lý tưởng của các anh thì tuyệt diệu. Tóm lại, nếu cứ nghe như lời các anh nói thì các anh là những ông thánh con, và ngay khi còn đang sống các anh cũng đáng lên thiên đường rồi. Nhưng các anh có biết cách làm việc không?”12
“Từ nay, hoặc là chúng ta chứng minh được rằng chúng ta có khả năng làm việc, hoặc là chính quyền Xô Viết không thể tồn tại được nữa. Nguy cơ lớn nhất là ở chỗ tất cả mọi người đã không nhận thấy được như thế.”13
“Bây giờ là thời gian hòa bình để làm những việc bình thường hàng ngày. Các đảng viên cộng sản phụ trách ở hàng đầu hãy lùi lại! Người buôn bán bình thường tiến lên!”14
– Nhưng khi Lê nin tỉnh ngộ những điều này và phát hiện ra “bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản”, thì cũng là lúc cuối đời. Ông không còn thời gian để xử lý những vấn đề mà ông mới phát hiện. Sau ông, cái gọi là mô hình Liên Xô đã hình thành, mà theo nhận định của nhiều nhà cải cách kinh tế ở Trung Quốc gần đây thì mô hình đó có đặc điểm chung là “tả khuynh nặng”15.
Đến một giai đoạn nào đó thì căn bệnh đó trở nên rất khó chữa, vì trong mô hình đó đã xuất hiệnmâu thuẫn giữa quyền uy và cuộc sống. Trong mô hình này quyền uy mạnh là di sản tất yếu của một quá khứ đấu tranh cách mạng kiên cường. Nó có thể là điều rất tốt cho xã hội, nếu nó thuận với quy luật phát triển. Nhưng nếu nó đã trở thành trì trệ và không nhận thức được quy luật phát triển, nhất là lại cộng thêm sự kiêu ngạo của người chiến thắng (như Lênin nhận xét, rằng sau khi cách mạng thắng lợi, có thể có nguy cơ mắc bệnh “kiêu ngạo cộng sản”), thì nó lại trở thành vật cản trở sự vận hành của quy luật, cản trở sự tìm đường của chính cuộc sống. Tất nhiên, theo triết lý muôn thuở của lịch sử thì cuộc sống cuối cùng vẫn tìm được đường đi cho mình. Nhưng trong trường hợp này thì thường cuộc sống chỉ mở được đường đi sau hàng thập kỷ trì trệ và suy thoái, và phải mở đường bằng những mũi đột phá, thay vì có thể tìm ra giải pháp mới ngay trong sự phát triển, để phát triển tốt hơn, nhanh hơn, xa hơn.
Tình hình chung và phổ biến của hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ khủng hoảng và trì trệ là như vậy. Và như nhận xét của các nhà kinh tế Trung Quốc đã kể trên, thì để ra khỏi tình trạng đó, “đường dây xuyên suốt của mọi mũi đột phá là chống bệnh tả khuynh”16.
Nhưng con đường ra cụ thể thì ở mỗi nước một khác.
Vậy con đường của Việt Nam là gì?
Xin thử rút tỉa một vài bình luận sau đây để các nhà nghiên cứu cùng suy ngẫm, và nếu có chút gì là hữu ích thì xin được trình lên để góp phần vào những bài học kinh nghiệm tham khảo cho hôm nay và mai sau:
1. “Xả lũ” chứ không “vỡ bờ”
Cổ nhân thường nói tức nước thì vỡ bờ. Đó là trường hợp của Liên Xô và các nước Đông Âu.
Nguyên nhân của sự “vỡ bờ” đó thì các nhà nghiên cứu trên thế giới đã bàn rất nhiều rồi. Ở đây có thể bình luận về mấy yếu tố:
Đối với Liên Xô thì mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa đã hình thành quá lâu. Trong hơn 70 năm tồn tại của chủ nghĩa xã hội, mọi yếu tố của kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân đều đã bị xóa bỏ tới mức gần như “triệt sản”. Sự “triệt sản” đó đã lấp hết những kẽ hở, nếu không nói là những cửa sổ nhỏ, để xã hội có thể hít thở một chút trong những điều kiện ngột ngạt của mô hình kinh tế toàn trị. Đến một mức nào đó thì sự bức xúc ắt dẫn tới “vỡ bờ”.
Đối với các nước Đông Âu thì cũng mới thiết lập mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa sau Đại chiến thế giới II như Việt Nam, ở đó cũng còn khá nhiều những yếu tố thị trường và kinh tế tư nhân. Nhưng khác với Việt Nam, mô hình xã hội chủ nghĩa ở các nước đó là do Liên Xô trực tiếp mang sang và áp đặt, ở đó ít nhiều đã có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, đã gắn với thị trường thế giới, trước hết là với Tây Âu. Nên trong sự bức xúc của kinh tế, có cả yếu tố dân tộc, chính yếu tố đó tạo ra sự nứt rạn đầu tiên và dẫn tới sụp đổ nhanh chóng.
Việt Nam và Trung Quốc thì lại giải quyết sự “tức nước” đó bằng con đường “xả lũ” (Trung Quốc cũng đã từng có “vỡ bờ” bộ phận, như vụ trừng trị “bè lũ bốn tên”, vụ Thiên An Môn. Nhưng sau đó Trung Quốc mạnh tay “xả lũ” và đã thành công).
Ở Việt Nam “xả lũ” chính là những cuộc đột phá. Nó tháo gỡ từng phần, nó nạo vét những lòng lạch, mở ra những dòng chảy cho cuộc sống, từng bước và từng bước làm giảm áp lực của sự bức xúc. Rồi cũng từng bước và từng bước những cuộc đột phá đã vô hiệu hóa những “con đê”, để đi tới chỗ “sống chung với lũ”. Nói cách khác, thay vì những người phá rào bị trừng trị thì những hàng rào đã được xử lý.
Có lẽ cũng phải xem xét đến một yếu tố lịch sử nữa. Dân tộc Việt Nam không phải là một dân tộc dễ khuất phục trước những áp đặt. Lịch sử hàng ngàn năm đã cho thấy rõ điều đó. Nhưng đối với những áp đặt của mô hình kinh tế quan liêu, bao cấp thì họ không muốn giải quyết theo cách“vỡ bờ”. Sự nghiệp cách mạng và kháng chiến đã để lại trong lòng người dân những tình cảm rất sâu đậm với chế độ, với Hồ Chí Minh. Họ không dễ gì giũ bỏ nó, và cũng khó ai có thể xui giục họ giũ bỏ nó chỉ vì những khó khăn trong đời sống hay vì những khiếm khuyết của Nhà nước hay của một số người điều hành.
Vả chăng người Việt Nam có một cách “vỡ bờ” khác: Thời kỳ đó trên báo chí, trong các cuộc họp Quốc hội và các tổ chức khác chưa được rộng đường phê phán hay góp ý như bây giờ, thì người ta dùng ca dao, hò vè, tiếu lâm truyền miệng để thể hiện sự phản ứng. Những năm cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 những chuyện đó nở rộ và được lan truyền rất rộng, chứng tỏ nó được quần chúng đồng tình hưởng ứng. Từ ngày có đổi mới, “xả lũ” rồi, quả nhiên những chuyện đó giảm hẳn đi.
Về khía cạnh này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Dân mình tốt quá, tốt lạ lùng. Ta có đền đáp bao nhiêu cũng chưa đủ, chưa đúng, chưa thỏa đáng, bất cứ ai có chức có quyền cũng phải đóng góp thật tương xứng cho dân. Tình hình kinh tế của ta thế này, người ta cực, người ta có nói, có nói nặng một chút cũng phải nghe, để thấy hết cái hư hỏng của mình…”17
2. Sức sống của kinh tế thị trường
Việt Nam tuy đã qua nhiều cuộc cải tạo khá mạnh tay, nhưng kinh tế phụ, thị trường tự do, sản xuất nhỏ và tiểu thương vẫn tồn tại dai dẳng và “bất trị”. Những ai đã từng sống ở Việt Nam thời đó đều vẫn chưa quên rằng ở khắp mọi nơi, những chợ nông thôn, hàng vỉa hè, quán xá, những luồng buôn bán tiểu ngạch đã có tác dụng như những chiếc phao bảo hiểm khi khu vực kinh tế xã hội chủ nghĩa không đảm bảo đủ cho cho sản xuất và đời sống. Nói cách khác, trước khi có những cuộc phá rào thì những hàng rào đó ở Việt Nam có phần thưa thớt và ít kiên cố hơn ở nhiều nước khác.
Một đặc thù của Việt Nam là từ sau 1975, một nửa đất nước vẫn là một xứ sở của nền kinh tế thị trường. Hàng năm miền Nam còn nhận được tiền và hàng do Việt kiều gửi về cho thân nhân. Khoản này trị giá khoảng vài trăm triệu đôla. Tiền có thể tạo ra vốn kinh doanh hoặc tạo thêm sức mua trong xã hội. Hàng thì cũng phần lớn được đem bán lại trên thị trường, như một nguồn tiếp sức cho thị trường tự do.
Ngoài Việt kiều ở các nước phương Tây, từ thập kỷ 80 bắt đầu có vai trò ngày càng lớn của lao động xuất khẩu và những thỦy thủ tàu viễn dương. Họ có ảnh hưởng khá mạnh tình hình kinh tế trong nước: Họ khai thác nhiều mặt hàng trong nước mang đi. Họ gửi về gần như tất cả những thứ gì trong nước đang thiếu. Chính lực lượng này đã làm cho ngay cả khi nền kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, thì xã hội và dân tình cũng không đến nỗi gian nan như ở Cuba và Bắc Triều Tiên hay ở Trung Quốc thời trước Đặng Tiểu Bình. Điều này góp phần giải thích tại sao sự chuyển đổi ở Việt nam diễn ra thuận lợi hơn, êm thấm hơn.
Lại cũng vì kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường ở Việt Nam là những yếu tố đã có sẵn, nên khi được hợp pháp hoá, nó là những chất men thúc đẩy quá trình bung ra và phát triển rất nhanh. Xét về những khía cạnh này thì đổi mới ở Việt Nam không chỉ là sự tạo dựng cái mới, mà trong một chừng mực đáng kể lại là trở về với nhiều giá trị cũ, là sự thừa nhận và là hợp pháp hoá kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường là những cái đã từng bị coi là bất hợp pháp.
3. Bắt đầu từ cuộc sống, từ dân, từ dưới lên
Đột phá là quá trình phản ánh cái logic của mối quan hệ từ thực tiễn đến tư duy, từ tư duy đến chính sách. Nói từ dưới lên trên cũng có nghĩa là nó bắt đầu từ chính thực tiễn, với những tín hiệu cấp báo của cuộc sống. Đó cũng đồng thời là phản ứng từ người dân. Phản ứng này dội vào não trạng của những người trực tiếp với dân nhất: Những người lãnh đạo ở cơ sở. Nó đặt lương tâm họ trước một sự lựa chọn giữa hai cái, mà trước đây vốn là đồng nhất, bây giờ đã thành mâu thuẫn: Dân và những húy kỵ. Cuối cùng họ đã theo nguyên lý dân vi quý, xã tắc thứ chi. Đột phá bắt đầu từ đó(*).
Đến lượt nó, những kết quả tích cực của đột phá ở cơ sở đã góp phần rất đắc lực trong việc giải quyết những vấn đề lý luận và thuyết phục những bộ óc hoặc còn hoài nghi, từng bước giúp nó vỡ nhẽ ra rằng: Chuyển đổi không phải là điều nguy hiểm, mà lại tránh được nguy hiểm. Những tìm tòi mới đó không phải là “trệch hướng”, mà là mở đường đi đúng hướng. Ngược lại, chính những công thức cũ kỹ vẫn được ngộ nhận là “đúng hướng” thì lại là trệch hướng, vì nó đưa nền kinh tế vào những ngõ cụt đầy ách tắc. Từ đó bắt đầu có những thay đổi trong chính sách. Rồi những thay đổi của chính sách lại tạo điều kiện để tháo gỡ cho thực tiễn.
Kinh nghiệm lịch sử này để lại một bài học: Nếu chỉ lấy những khuôn thước đã xơ cứng để phán xét cái gì là đúng hướng và cái gì là trệch hướng thì rất có thể bản thân sự phán xét đó lại là trệch hướng, nó làm chậm bước tiến của lịch sử vì nó là trở ngại cho những tìm tòi, khai phá. Từ kinh nghiệm lịch sử đó, bài học đáng rút ra ở đây là: Phải rất cảnh giác với những sự “trệch hướng”, vì nó có thể đưa cả một nền kinh tế đến thảm họa khôn lường. Nhưng để làm điều đó thì không thể chủ quan và tùy tiện quy kết thế nào là trệch hướng, mà phải căn cứ vào tác dụng của nó đối với sự phát triển. Thước đo đúng sai chính là hiệu quả trong cuộc sống, là lòng dân thuận hay không thuận.
4. Những điểm tựa lịch sử
Tưởng cũng nên nhấn mạnh thêm một đặc điểm của Việt Nam là hầu hết những người tiến hành đột phá trên những mũi hệ trọng nhất đều đã từng là những chiễn sỹ cách mạng kiên cường. Đó là những Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Hơn, Nguyễn Văn Chính, Ba Thi… đã bao năm lăn lộn trong máu lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đó là những người từng nổi tiếng dũng cảm và kiên cường tại các nhà tù đế quốc. Với những con người đầy hào quang cách mạng như thế, khó ai có thể nghi ngờ về lập trường và phẩm chất của họ. Nếu không có những “bùa hộ mệnh” này, cũng khó có thể đột phá thành công. Một số người còn gọi những thành tích và uy tín đó là “chiếc áo chống đạn khi phải đi giữa hai làn đạn” *. Như vậy, sự nghiệp cách mạng và kháng chiến không chỉ để lại cho Việt Nam một nền độc lập, mà còn chuẩn bị cho nước Việt Nam sau giải phóng cả những “hiệp sĩ” lẫn những bộ “áo giáp” để họ đột phá vào tương lai.
Điều đó cũng góp phần giải thích tại sao trên lộ trình đột phá kinh tế, sáng tạo mở đường, lại thấy khá thưa thớt những nhà kinh tế học, mà chủ yếu là những nhà lãnh đạo kỳ cựu ở cơ sở 18.
5. Từ mâu thuẫn đến đồng thuận
Cũng vì mở đường đột phá là những bậc “công thần” cách mạng, nên đột phá ở Việt Nam không phải là sự xung đột giữa những người bảo vệ chủ nghĩa xã hội và những người chống chủ nghĩa xã hội, giữa người theo Đảng và phái chống Đảng. Không ai trong số những người tiến hành đột phá lại có ý đồ thủ tiêu chủ nghĩa xã hội. Ngược lại, chính vì tinh thần trách nhiệm với sự nghiệp của cách mạng, là cái mà họ đã từng cống hiến gần trọn đời, vì lo cho dân, lo cho nước nên họ quyết tâm và dũng cảm tìm cách tháo gỡ. Với tinh thần đó thì tháo gỡ không gây đổ vỡ, năng động không dẫn tới hỗn loạn, làm trái quy định nhưng không mất tính tổ chức.
Với tinh thần đó, hầu hết các cuộc đột phá dù muôn hình vạn trạng, đều có mấy đặc điểm giống nhau:
– Tránh không chống đối trực diện với chủ trương đường lối hiện hành, mà chỉ: Hoặc khai thác những tình tiết nào thích hợp trong các văn bản chính thức để làm điểm tựa, hoặc tìm những kẽ hở trong các văn bản đó để “lách” qua.
– Phải có sự đoàn kết và nhất trí cao ở ngay cơ sở. Những nơi nào không khắc phục được sự bất đồng ý kiến thì không dám phá rào.
– Người đứng đầu ở cơ sở phải là người đi tiên phong. Với uy tín và quyết tâm cao, bằng tài năng chỉ đạo và tài năng ứng phó, người lãnh đạo cao nhất ở cơ sở phải là người đứng mũi chịu sào mới có thể tránh được những “búa rìu” của cơ chế cũ.
– Trước khi đột phá, bao giờ cũng phải tranh thủ được sự đồng tình của một hoặc một vài người lãnh đạo cấp cao ở Trung ương. Dựa vào danh nghĩa đó, cộng với những kết quả tích cực trong thực tế của đột phá, tranh thủ thêm ngày càng nhiều sự đồng tình, giảm thiều từng bước những sức ép của những quan điểm bảo thủ, tiến tới đồng thuận.
Vì phương thức tiến hành đột phá thường rất khôn khéo và mềm dẻo như trên, lại vì bản chất là đồng thuận, cho nên những cuộc đột phá để tìm đường và mở đường không dẫn đến cảnh mỗi người đi một ngả, “xẻ đàn tan nghé” như ở nhiều nước khác. Điều đồng thuận lớn nhất ở đây là phải tìm cho được con đường phát triển. Điều nhất trí cơ bản là phải làm sao thoát ra khỏi tình trạng trì trệ. Do vậy, dù ý kiến khác nhau, lựa chọn khác nhau, nhưng vẫn trong một đội hình. Những sự khác nhau được giải quyết bằng chờ đợi, thuyết phục. Rồi mỗi bước đột phá là một bước thêm đồng thuận. Trong đó có thể chính những người lập ra hàng rào lại đồng thuận với việc dẹp bỏ nó đi. Những người phá rào thì từ chỗ bị “huýt còi” có thể được giao cho “cầm còi”. Trong sự chuyển biến này thì không chỉ đơn thuần là do “phép vua thua lệ làng”, mà điều thú vị là nhiều “lệ làng” đã trở thành “phép vua”.
Như vậy trong sự đồng thuận có sự chuyển hóa rất linh hoạt về quan điểm và lập trường. Hầu hết những người phá rào vốn đã từng đồng tình, thậm chí góp phần dựng lên hàng rào. Những người bảo thủ sớm muộn cũng đồng tình tham gia vào việc gỡ bỏ hàng rào. Vì vậy công cuộc đổi mới ở Việt Nam là một cuộc đấu tranh có thắng lợi, có thất bại, nhưng không có người thất bại. Tất cả đều chiến thắng – chiến thắng cái cũ trong bản thân mình và đi tới chiến thắng cái cũ nói chung.
6. Vừa đi vừa mở đường
Đột phá là một quá trình vừa đi vừa tìm đường và mở đường. Mỗi bước đột phá là một bước sáng tỏ ra con đường đi tiếp, cuối cùng tới đổi mới toàn cục. Mục tiêu “công khai” của những mũi đột phá không phải là đi tới cơ chế thị trường, mà chỉ là tháo gỡ những ách tắc của mô hình kinh tế cũ, điều chỉnh những bất hợp lý của nó, nhằm hoàn thiện nó hơn. Nhưng mỗi bước hoàn thiện lại là một bước nhích xa mô hình đó và cuối cùng, khi đã đặt chân lên một bến bờ mới, mới vỡ nhẽ ra rằng, cơ chế thị trường chính là đích đã được chọn. Có thể so sánh được chăng lộ trình này với việc Christophe Colombe đi tới châu Mỹ trên đường tìm kiếm xứ Ấn Độ?
Như trên đã nói, phá rào ở Việt Nam là nỗi bức xúc chung của xã hội. Nó chín dần trong nhận thức, trong nhu cầu và trong khả năng của nền kinh tế. Nó có thể sớm hơn ở chỗ này, ở người này, có thể chậm hơn ở chỗ kia, ở người kia. Thậm chí ngay ở một con người, về mặt này thì rất hăng hái đòi cải cách, nhưng về mặt khác thì lại rất bảo thủ.
Có lẽ cũng chính vì thế nên ở Việt Nam, khó có thể nói được, ai là tổng công trình sư duy nhất của công cuộc đổi mới. Lý do là bởi, thực ra không có một tổng sơ đồ được thiết kế ngay từ đầu cho lộ trình đó. Con đường chuyển đổi ở Việt Nam là loại đường mà cứ đi thì mới thành đường.
Cũng chính vì phải vừa đi vừa tìm đường và mở đường nên đây là một lộ trình khúc khuỷu, gian truân, có biết bao giằng co, trăn trở giữa một bên là những nguyên tắc cũ kỹ nhưng đã trở thành những húy kỵ rất thiêng liêng, một bên là lợi ích của cuộc sống, của nhân dân, của cơ sở. Làm thế nào giữ được trọn vẹn cả hai yêu cầu đó? Cả những lực đẩy và cả những lực kéo đều có chung một lo lắng là làm sao tháo gỡ nhưng vẫn giữ được ổn định, làm sao ổn định nhưng không ách tắc. Cũng vì thế, lộ trình đột phá luôn luôn được điều chỉnh. Có khi là nhân rộng, đẩy tới, có khi là tạm dừng, thậm chí lùi lại, tìm những giải pháp khác. Trên con đường đó, cũng đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, đã phạm không ít những sai lầm, những thất bại, những vấp váp, những trả giá và mất mát.
7. Hệ quả hai mặt
Những bước đột phá từ cuối thập kỷ 70 cho tới giữa thập kỷ 80 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải thoát Việt Nam khỏi những nguy cơ khủng hoảng, sụp đổ.
Ý nghĩa lịch sử lớn lao nhất của những bước đột phá có lẽ là, nó đã chuẩn bị những điều kiện nhiều mặt cho công cuộc đổi mới.
Nếu công cuộc kháng chiến chống Mỹ đã tôi rèn nên những con người kiên nghị, quả cảm, táo bạo cho đột phá, thì thời kỳ đột phá, đến lượt nó lại chuẩn bị những điều kiện cho quá trình đổi mới sau này: Chuẩn bị về cả con người và kinh nghiệm, chuẩn bị về cả phong cách và về tư duy, về kiến thức và uy tín… để đến thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã có thể vững tin rằng, đất nước – quốc gia – dân tộc đang đi trên con đường an toàn, vừa đi vừa tạo cơ sở và những điều kiện kinh tế cho sự ổn định.
Tuy nhiên, vì là biện pháp vạn bất đắc dĩ để mở đường, nên xã hội cũng đã phải trả giá không ít:
– Thứ nhất, khi kinh tế đã có những dấu hiệu trì trệ và ách tắc, vẫn phải mất nhiều thập kỷ chờ đợi, đến mức phải dùng đến đột phá mới chuyển đổi được, thì đã chậm biết bao so với những quốc gia có khả năng thường xuyên điều chỉnh, nhờ có được những kênh thông tin nhanh nhạy từ cuộc sống đến não trạng…
– Thứ hai, con đường đi từ ách tắc tới đột phá là con đường phải trả giá, bởi nhiều tài năng bị thải loại, nhiều ý tưởng sáng tạo bị vùi dập. Đó cũng là một sự mất mát lớn.
– Thứ ba, dù sao thì tình thế đột phá cũng là tình thế “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Vì thế, nếu một mặt, nó giúp khơi thông lộ trình phát triển, thì mặt khác, cách khơi thông đó đã để lại những di chứng tai hại: Từ chỗ coi thường một cách giả tạo nhưng khá triệt để những lợi ích vật chất và tiền bạc chuyển sang một thái cực ngược lại, đi đến chỗ coi thường kỷ cương, coi thường thể chế, coi thường những quy tắc xã hội, chỉ biết coi tiền là trên hết*… Khi xã hội đã xây dựng được những kỷ cương mới, phù hợp với quy luật rồi, thì những thói quen tự do tản mạn đó lại chuyển thành yếu tố kìm hãm sự phát triển. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều cuộc phá rào, ban đầu có tác dụng tháo gỡ tích cực, nhưng sau đó lại lâm vào những vòng xoáy của tiêu cực, làm cho không ít người đã từng có công khai phá cơ chế mới lại trở thành nạn nhân của chính cơ chế đó.
– Thứ tư, đã là phải vừa đi vừa mở đường thì đương nhiên khó có thể có sẵn một lộ trình tổng thể, được tính toán và hoạch định có tính chất chiến lược. Do đó, khó tránh khỏi những vấp váp, khó lường hết những rủi ro. Vả chăng, đã đến mức phải phá bỏ những hàng rào cũ kỹ, bất hợp lý thì thường chưa thể thiết lập ngay một hành lang pháp lý mới hoàn thiện, vì thế, không thể tránh khỏi giai đoạn giao thời, tranh tối tranh sáng. Hậu quả của giai đoạn đó là sự hình thành những hành lang tự do và tùy tiện, khó phân biệt được đâu là đúng đâu là sai, từ đó có thể xẩy ra không ít hiện tượng đồng hành giữa oan ức và tội phạm.
Bài học lịch sử về mặt này là: Trong điều hành kinh tế, phải phản ứng nhạy bén với cái mới, phải làm sao có những kênh thông tin và cơ chế đưa ra quyết sách tối ưu, để tránh tình trạng tư duy kinh tế và chính sách kinh tế lạc hậu và trì trệ đến mức, quần chúng và cơ sở buộc phải “bất tuân thượng lệnh”, phải phá rào để mở đường đi. Hiện tượng đó, dù sao cũng chỉ là hạ sách mà thôi…
8. Tổng quan về lộ trình
Cuối cùng, nếu để diễn đạt một cách vắn tắt, có thể nói như sau:
Về mô hình kinh tế, chúng ta đã lựa chọn một con đường vòng khá dài và tốn kém, mà ban đầu chúng ta vững tin rằng, đó là con đường thẳng nhất, ngắn nhất, dễ đi nhất và đi nhanh nhất.
Còn cái xa lộ thông thường của quy luật lịch sử thì đã từng bị ngộ nhận là con đường vòng nguy hiểm, đầy tai hoạ và khổ đau, cần và có thể “bỏ qua” nó, nên đã đặt ở đó nhiều loại biểm cấm và biển báo “nguy hiểm”.
Đổi mới là một cuộc đại uốn nắn lộ trình, tìm lại được xa lộ của quy luật, từ đó cỗ xe của chúng ta đi thênh thang, nhanh hơn, đỡ vất vả hơn.
Còn các cuộc đột phá chính là việc nhổ dần những biển cấm và biển báo sai
quy luật, để đưa chúng ta về lại đường đi đúng quy luật.
Bản thân việc đi nhổ những chiếc biển báo “nguy hiểm”, “chết người” hẳn cũng là công việc nguy hiểm, chết người. Đây chính là lý do để tôn vinh những người đã đi tiên phong trong sự nghiệp đột phá.
Đó cũng là động cơ thôi thúc những người viết cuốn sách này.
9. So sánh quốc tế
Vừa qua, tại Bắc Kinh, diễn ra một cuộc Hội thảo quốc tế bàn về lộ trình và cách điều hành sự nghiệp chuyển đổi tại các nước XHCN do Quỹ Rosa Lucxemburg của Đức và Viện Nghiên cứu CNXH của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phối hợp tổ chức (từ ngày 20 đến ngày 21/11/2008). Thành viên tham dự hội thảo này bao gồm nhiều đại biểu đến từ nhiều nước XHCN khác nhau, trong đó có Việt Nam19.
Qua trình bày của các nhà nghiên cứu đến từ những nước khác nhau, có thể thấy rằng, hiện tượng phá rào ở các nước XHCN là rất hiếm hoi.
Ở các nước XHCN Đông Âu, mô hình kinh tế XHCN, thường còn được nhiều người gọi là Mô hình Stalin, đã được du nhập vào cùng Hồng quân Liên Xô sau Đại chiến thế giới thứ II. Mô hình đó không mấy thích hợp với hoàn cảnh lịch sử của các nước Đông Âu và cũng không hoàn toàn hợp với lòng dân. Do đó, thường xuyên có những phản ứng từ trong lòng xã hội của những quốc gia bị áp đặt mô hình đó. Những phản ứng đó có lúc đã được ngăn chặn bằng lực lượng quân sự, có lúc được giải quyết bằng những giải pháp chính trị, nhưng nói chung, thường xuyên được kiềm chế và xoa dịu bởi viện trợ từ Liên Xô. Tuy nhiên, đến khi bản thân Liên Xô cũng không có khả năng nuôi sống mô hình đó nữa, thì phản ứng của các xã hội Đông Âu ngày càng mạnh mẽ. Trong nền kinh tế của các quốc gia Đông Âu, không xảy ra hiện tượng phá rào. Phản ứng bắt đầu bằng những phong trào đấu tranh chính trị hòa bình dẫn tới sự sụp đổ của bức tường Berlin. Sau đó, mới bắt đầu quá trình chuyển đổi kinh tế.
Ở Liên Xô, mô hình kinh tế XHCN cũ đã được xây dựng từ hơn 70 năm trước. Nhờ vào tài nguyên rất dồi dào của Liên Xô, mô hình này đã được nuôi dưỡng bằng thiên nhiên hơn là bằng năng suất lao động của bản thân nó. Có điều, nếu cứ ỷ lại mãi vào thiên nhiên thì sức mạnh không thể kéo quá dài. Nền kinh tế Xô viết bắt đầu gặp nhiều khó khăn và từ thập kỷ 50, đã có triệu chứng khủng hoảng. Những biện pháp cải cách từ sau cái chết của Stalin không mấy thành công. Sau này, vào những năm 80, các biện pháp cải cách mạnh hơn, được gọi là Perestroika (Πерестройка) cũng không đem lại kết quả, mà chỉ làm cho tình hình càng thêm rối ren. Cuối cùng, những mâu thuẫn chính trị – xã hội đã làm Liên Xô sụp đổ (1991). Chỉ sau đó, nhà nước Nga mới “cấy” lại nền kinh tế thị trường và nền kinh tế tư nhân vốn đã bị “triệt sản” từ hơn một nửa thế kỷ trước. Tuy nhiên, phải mất nhiều năm nữa, nền kinh tế thị trường và nền kinh tế tư nhân dưới nhiều hình thức khác nhau mới dần dần được tái sinh20.
Ở Cuba, sau khi cách mạng thành công, mô hình kinh tế cũng đã được du nhập từ Liên Xô vào cùng với sự viện trợ to lớn. Bất chấp việc Liên Xô bị sụp đổ và trước những sức ép của các thế lực thù địch, việc chuyển đổi mô hình kinh tế ở Cuba vẫn còn rất khó khăn, bởi vì ngoài lợi ích kinh tế, còn phải tính đến các vấn đề thuộc an ninh quốc gia. Cho đến năm 2007, khi đoàn nghiên cứu của Việt Nam sang tìm hiểu ở Cuba, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, khả năng chuyển đổi sang kinh tế thị trường và phát triển kinh tế tư nhân còn rất hạn hẹp. Hiện tượng phá rào hầu như không có21.
Ở Trung Quốc, mô hình kinh tế sau giải phóng cũng gần giống như Việt Nam, nhưng Trung Quốc là một nước rất lớn, có kỷ cương rất chặt chẽ. Hiện tượng phá rào gần như không thể xảy ra. Mọi sự chuyển đổi đều bắt đầu từ ý tưởng của các nhà lãnh đạo cao cấp ở Trung ương, kể cả những sáng kiến của địa phương cũng phải thông qua sự xem xét của Trung ương, chuyển thành ý tưởng chung, nhất quán từ Trung ương. Do đó, sự chuyển đổi chỉ thực sự bắt đầu từ lãnh đạo tối cao. Trước hết là với Đặng Tiểu Bình. Ban đầu ông đưa ra quan điểm: Dù là mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột đều là mèo tốt (管白猫黑猫,会捉老鼠就是好猫 – Phiên âm: Bất quản bạch miêu hắc miêu, hội tróc lão thử, tựu thị hảo miêu)22. Với tư tưởng đó, nền kinh tế được khai mở, nhưng là sự khai mở từng bước, dè dặt, thận trọng. Khi chưa qua nghiên cứu, chưa có mệnh lệnh từ cấp trên thì cấp dưới không được tự tiện. Đó cũng là một tư tưởng lớn nữa ở Trung Quốc, được người Trung Quốc gọi là dò đá qua sông (摸 着 石 头 过 河 – Phiên âm: Mô trước thạch đầu quá hà). Bằng cách dò đá qua sông, Trung Quốc từng bước, từng bước đi vững chắc vào con đường cải cách và phát triển23.
Ở Việt Nam thì khác. Những sáng kiến của địa phương, ngay cả trong chiến tranh cũng như trong thời bình, luôn luôn có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi các sáng kiến này là vì dân, vì nước, chứ không phải vì lợi ích riêng của địa phương, do đó, dù có những điều chưa nhất trí với Trung ương, nhưng Trung ương vẫn nhìn nhận đó là những cố gắng tìm tòi. Việt Nam không dùng phương pháp dò đá qua sôngnhư ở Trung Quốc mà mở những mũi đột phá để tìm tòi. Kết quả của “phá rào” được thực tế chứng minh là tích cực thì sau đó, được Trung ương nhận thức và chấp nhận, chuyển thành chính sách chung của cả nước. Đó là một con đường khá đặc thù của Việt Nam.
Đặng Phong
1. Victor Afanasiev nhiều năm là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, rồi Tổng Biên tập báo Pravda. Trên cương vị đó, ông đã từng kinh qua nghệ viết lách cho 4 đời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Về cuối đời, ông để lại cuốn sách Quyền lực thứ tư và bốn đời Tổng Bí thư, Nxb Progess, Moskva, 1991. Bản dịch tiếng Việt của Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1992.
2. Trần Bạch Đằng: Một tầm vóc lớn. Trong Hồi ký Phạm Văn Đồng trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tr.185.
3. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. C. Mác và Ph. Ăngghen. Toàn tập, tập 4. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr.626.
4. Thà ít mà tốt. Lênin. Toàn tập, tập 45, tr.428.
5. Như trên, tr.458.
6. Thư gửi Molotov để chuyển cho toàn thể Bộ Chính trị. Lênin. Toàn tập, tập 45, tr.53.
7. Bàn về đề cương ruộng đất. Lênin. Toàn tập, tập tr.44, tr.344.
8. Những trang nhật ký, ngày 2/1/1923. Lênin. Toàn tập, tập 45, tr.419.
9. Báo cáo tại Đại hội XI Đảng Cộng sản Nga. Lênin. Toàn tập, tập 45, tr.143.
10. Diễn văn đọc tại Hội nghị lần thứ VII Đảng bộ Mátxcơva, ngày 29/10/1921. Lênin. Toàn tập, tập 44, tr.269.
11. Lênin. Toàn tập, tập 44, tr.275.
12. Báo cáo tại Đại hội XI Đảng Cộng sản Nga, Lênin. Toàn tập, tập 45, tr.95.
13. Bàn về tác dụng của vàng… Lênin. Toàn tập, tập 44, tr.96.
14. Lênin. Toàn tập, tập 45, tr.463.
15. Mã Lập Thành – Lăng Chí Quân. Giao Phong. Nxb Trung Quốc Ngày nay. Bản dịch tiếng Việt của Hội đồng Lý luận Trung ương, tr.506.
16. Như trên.
17. Lược ý kiến của anh Tô đối với nhóm biên tập trong tổ thơ ký của bản tổng kết kinh tế (ngày 25/3/1981).
(*) Đây là một đặc điểm khác với Trung quốc. Ở Trung Quốc, đột phá thường bắt đầu từ việc “đánh thông” về lý luận ở cấp cao, rồi từ đó mới dội vào thực tiễn. Bắt đầu là cuộc đấu tranh chống lại “hai cái phàm là” của Hoa Quốc Phong (phàm là Mao Chủ tịch đã nói thì không được bàn cãi nữa, phàm làMao Chủ tịch đã quyết rồi thì không được xét lại nữa). Sau đó là cuộc tranh luận về việc theo họ “xã” hay họ “tư” (XHCN hay TBCN). Tiếp đó là việc khai thông quan điểm về theo “công” hay theo “tư” (công hữu hay tư hữu)…
18* Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có lần giải thích với các tác giả về nhận xét này của ông: “Khi tôi làm Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, tôi phải đi giữa “2 làn đạn”. Một bên là để dân đói, để sản xuất đình đốn là có tội với dân, với Đảng. Một bên là để cơ sở bung ra tự cứu là phạm vào nhiêu điều cấm kỵ. Nhưng nhờ hơn 20 năm chống Mỹ kiên cường, không ái nỡ quy cho chúng tôi cái tôi phản bội, đó là cái áo chống đạn giúp chúng tôi thoát hiểm và thành công.”
Giả sử cũng những sáng kiến ấy, cũng thực thi những biện pháp ấy, nhưng bởi một tiến sĩ học nước ngoài về hay một chuyên gia của một viện nghiên cứu nào đó, thì có sức thuyết phục không? Có tránh được “búa rìu” không? Chắc là không.
* Chính thời kỳ phá rào cũng là thời kỳ xuất hiện câu vè: “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật con người, là nụ cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già…”
19. Hội thảo quốc tế: “Steering Transformation: Historical Experiences and Current Challenges”, tại Bắc Kinh, ngày 20 và 21/11/08. Một trong những tác giả của cuốn sách này (Đặng Phong) là đại biểu của Việt Nam được mời tham dự Hội thảo.
20. Andrey Kolganov. The character of the Governing of the process transformation (an example of Russia). Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: “Steering Transformation: Historical Experiences and Current Challenges”, tr.102-103.
21. Perez Cruz. Ratiffication, Rectification and Changes. The Cuban Revolution in the 21 Century. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế…, đd, tr.120.
22. Câu này vốn là một ngạn ngữ dân gian của vùng An Huy là nơi có sáng kiến khoán hộ đầu tiên vào năm 1978 và được Trung ương cho phép. Đặng Tiểu Bình đã sử dụng câu ngạn ngữ này để diễn đạt chính sách chuyển đổi tại buổi Khai mạc Hội nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1979.
23. Tôn Đại Nghiêu, Viện Chủ nghĩa Marx thuộc Đại học Bắc Kinh: “Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường là thông qua việc mạnh dạn thử nghiệm, dò đá qua sông. Có người nhận định, công cuộc cải cách của Trung Quốc chính là dựa vào hai luận thuyết khởi nghiệp là “luận về mèo trắng mèo đen” và “luận thuyết dò đá qua sông”. Tôi cho rằng hai luận thuyết khởi nghiệp này chính là đặc điểm và ưu điểm của công cuộc cải cách ở Trung Quốc.” Kỷ yếu Hội thảo quốc tế…, đd, tr.73 (bản tiếng Hoa), tr.136 (bản tiếng Anh).
Nguồn: http://www.diendan.org/Doc-sach/hai-cuon-sach-kinh-te-cua-111ang-phong/