The Diplomat, VOA Interview
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.
Giữa lúc Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry đang chuẩn bị đi thăm Việt Nam và Philippines trong chuyến công du thứ Tư của ông tới Châu Á vào cuối tuần này, giới quan tâm một lần nữa lại nêu bật thành tích nhân quyền mà họ đánh giá là không tốt đẹp của Việt Nam, và yêu cầu Ngoại trưởng Kerry chuyển đạt những quan tâm sâu xa của Hoa Kỳ về thực trạng nhân quyền cũng như các vụ vi phạm vẫn đang tiếp diễn tại Việt Nam.
Tờ báo The Diplomat cho đăng bài viết mang tựa đề “Đã đến lúc phải có một hướng tiếp cận nghiêm túc về vấn đề nhân quyền Việt Nam.”
Bài báo viết rằng bất chấp Hoa Kỳ đã nhiều lần bày tỏ quan tâm và khẳng định tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền trong các quan hệ với Việt Nam, tình hình nhân quyền thay vì được cải thiện, đã trở nên xấu đi tại Việt Nam trong mấy năm gần đây, đặc biệt những hành động bắt bớ và giam cầm để bịt miệng những tiếng nói bất đồng.
Tác giả bài viết là luật sư Jared Genser, đồng sáng lập viên tổ chức Freedom Now, và ông Greg McGillivary, một luật sư hoạt động vô vụ lợi đang giúp Freedom Now trong các hồ sơ có liên quan tới quyền của người lao động.
Theo quan điểm của các tác giả, dựa trên tầm quan trọng của mối quan hệ song phương Việt-Mỹ, “giờ đã đến lúc phải đặt vấn đề nhân quyền lên hàng đầu trong nghị trình song phương.”
Họ nói rằng trong thời gian ở Hà Nội, Ngoại trưởng Kerry phải truyền đạt 3 thông điệp tới chính quyền Việt Nam về vấn đề nhân quyền.
Thứ nhất, Hoa Kỳ sẽ không cổ vũ các quan hệ thương mại với Việt Nam trừ phi có cải thiện đáng kể trong thành tích nhân quyền, kể cả việc trả tự do cho khoảng 120 tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Thứ nhì, Hoa Kỳ sẽ không nới rộng các quan hệ quân sự trừ phi có cải thiện nhân quyền.
Và cuối cùng, Ngoại trưởng Kerry nên thông báo cho Việt Nam rằng Bộ Ngoại giao Mỹ dự định đưa Việt Nam trở lại danh sách đáng quan tâm về tự do tôn giáo, theo đề nghị của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ.
Freedom Now nhắc lại trường hợp Linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý, đã bị giam cầm tổng cộng khoảng 18 năm trong 36 năm qua, và hiện vẫn đang bị giam cầm bất chấp tình trạng sức khỏe yếu kém của ông.
Freedom Now còn nêu các trường hợp của các nhà hoạt động bênh vực người lao động, Đoàn Huy Chương, Đỗ thị Minh Hạnh, và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị bỏ tù từ 7 tới 9 năm chỉ vì đã tổ chức nghiệp đoàn lao động tại một xưởng sản xuất giầy dép và phân phát tờ rơi nêu lên những đòi hỏi của công nhân.
Là một tổ chức bảo vệ nhân quyền chuyên vận động để phóng thích các tù nhân lương tâm trên khắp thế giới, Freedom House liệt Việt Nam vào danh sách các nước “không có tự do” vì những hành động đàn áp quyền công dân và các quyền chính trị. Freedom Now nói xu hướng đàn áp giờ đây đã được nới rộng để bao gồm các nhạc sĩ, blogger, luật sư và những người hoạt động tổ chức công đoàn.
Nhưng mặt khác, chuyến đi Việt Nam của Ngoại trưởng Kerry cũng minh chứng cho những chuyển biến tích cực trong mối quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực, kể cả hợp tác an ninh và thương mại.
Từ khi ký hiệp định thương mại năm 2001, Hoa Kỳ đã nhanh chóng trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Kim ngạch mậu dịch tăng gần 60% trong 5 năm qua, lên tới 25 tỉ đôla hàng năm. Và giờ đây hai nước đang cùng một số quốc gia khác trong khu vực tham gia thương thuyết để đạt Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/van-de-nhan-quyen-duoc-neu-len-truoc-chuyen-tham-vietnam-cua-ngoai-truong-my/1809644.html