Cụm từ “kẽ hở Pháp luật” phát sinh từ giới nhà báo, có lẽ được khoảng gần hai chục năm nay. Cũng có thể thoạt tiên là do giới lãnh đạo dùng, sau đó các nhà báo “hiểu ý” rồi yên tâm đem ra dùng lại trên báo chí và khiến nó phổ biến đến mức trở thành một thuật ngữ báo chí, tuy nhiên chưa bao giờ một hệ thống Pháp luật đúng nghĩa lại chấp nhận khái niệm này.
Ngoài giới nhà báo còn rất nhiều trí thức, đặc biệt là các chính trị gia, các đại biểu Quốc hội và ngay cả giới luật sư cũng dùng nó một cách rất tự nhiên.
Khái niệm “kẽ hở Pháp luật” nhằm ngụ ý đến những tình thế mà Pháp luật chưa quy định cụ thể khiến ai hiểu sao cũng được, trong đó một bên tinh ranh hơn đã áp dụng nó theo hướng có lợi cho mình bất kể thiệt hại cho nhà nước hay cho người khác (cũng có khi không ai bị thiệt hại cả). Nếu đem Luật thực định áp dụng vào tình huống đó thì “không xử” được kẻ tinh ranh nọ bởi vì anh ta đã “lách luật” thành công.
Một bài báo kể rằng “Ở quận Tân Bình, Tân Phú, chủ hộ chỉ có diện tích nhà ở khoảng 30m2 và 80m2… mà bảo lãnh cho 20-30 người vào nhà mình!?. Chính kẽ hở của Luật Cư trú đang tạo thành dòng chảy cho người dân từ các tỉnh đổ xô về TP gây bùng nổ tăng dân số cơ học.” Có thể hiểu ý của bài báo rằng chủ nhà đã lợi dụng “kẽ hở Pháp luật” ở chỗ không giới hạn số người mà chủ nhà được phép bảo lãnh, căn nguyên là do Luật quy định thiếu cụ thể.
Một bài báo khác cũng đặt tựa là ‘Không đưa dự án bô-xít ra Quốc hội là lách luật’.
Mới đây Thời báo kinh tế Sài Gòn đưa tin rằng “Các ngân hàng ngoại kiếm lãi gấp hơn 8 lần so với những ngân hàng nội phần nhiều là nhờ chiêu thức mua bán ngoại tệ lòng vòng, lách luật”.
Nói chung không thể kể ra hết những tình huống “lách luật” mà báo chí hiện nay đang dùng.
Tất nhiên tôi không nêu ra các ví dụ này để phân giải hay khẳng định việc một chủ nhà đã bảo lãnh cho 20-30 người nhập hộ khẩu là sai hay đúng, việc “không đưa dự án bô-xít ra Quốc hội” thì có vi phạm Pháp luật hay không, hoặc việc mua bán ngoại tệ lòng vòng là tốt hay xấu… Vấn đề tôi muốn nói đến là cách hiểu và cách dùng từ “kẽ hở Pháp Luật” và “lách luật”.
Kiểu nhận định rằng ai đó lách luật là lối nói mơ hồ, khiến người đó bị treo lơ lửng giữa tình thế không biết có vi phạm hay không. Lẽ ra nếu người viết chưa có thái độ dứt khoát thì có thể nói rằng “có dấu hiệu vi phạm” hoặc nói rằng “có khả năng vi phạm”, tuy nhiên việc dùng chữ lách luật là không ổn về logic Pháp lý.
Thực ra trong Pháp luật không có chỗ nào là kẽ hở cả. Pháp luật là nơi phân định lẽ công bằng, nó chỉ có một lằn ranh ở giữa, lằn ranh đó chia ra làm hai miền, một bên là cấm đoán, một bên là cho phép. Một hành vi, một tình huống chỉ có thể hoặc đúng Luật hoặc sai Luật, hoặc vi phạm hoặc không vi phạm, hoặc có tội hoặc vô tội… mà thôi. Ví dụ như lằn vạch kẻ đôi phân ranh đường hai chiều, bánh xe chạm vào đó tức là vi phạm mà chưa chạm vào thì chưa vi phạm, chỉ có 2 khả năng đó, không có sự lưng chừng nửa đúng nửa sai.
Xét về góc độ lập pháp
Hệ thống Pháp luật Việt Nam ban cho Quốc hội thẩm quyền lập pháp và cho chính phủ thẩm quyền lập quy, điều đó khẳng định rằng các cơ quan này có nghĩa vụ phải lập pháp và lập quy. Bất cứ một hành vi nào xảy ra trong xã hội cũng phải được Pháp luật điều chỉnh và đều có cách phân xử, các cơ quan làm luật không thể biện bạch rằng vì quá bận bịu, vì thiếu người, vì lý này do nọ… nên khi chuyện xảy đến thì không biết đúng biết sai vì chưa có Luật, chưa kịp làm Luật.
Phải hiểu rằng tất cả những gì nhà nước chưa (hoặc chưa kịp) quy định cấm thì người dân đều được phép làm, đó là một nguyên tắc từ suy lý. Chỗ mà Pháp luật không buộc tội, không cấm thì dứt khoát không phải là vi phạm và không thể gọi đó là kẽ hở, là lách luật.
Pháp luật cũng là một công cụ hạn chế quyền lực của nhà nước, một khi Pháp luật chưa ban quyền thì dứt khoát cơ quan nhà nước chưa thể thực hành quyền ấy. Phát biểu một cách khác rằng “cơ quan nhà nước chỉ được phép làm những gì Pháp luật đã quy định”. Mọi hành động của cơ quan nhà nước vượt quá quyền hạn đã được Pháp luật ban cho đều là sai trái và lạm quyền.
Trong Pháp luật có một số quy phạm có tính chất tùy nghi, ví dụ như “cơ quan nhà nước phải cấp giấy phép trong vòng 30 ngày”. Thực tế áp dụng Pháp luật thì có người được cấp giấy phép chỉ trong một vài ngày, nhưng nhiều người khác thì đến đúng 30 ngày mới có giấy phép. Như vậy thì khoảng tùy nghi 30 ngày này có phải là kẽ hở không?
Tôi cho rằng đây cũng không thể gọi là kẽ hở, bởi sự bình đẳng và công bằng luôn luôn là nguyên lý và thuộc tính của Pháp luật. Vì thế hành động cấp phép thiếu công bằng về thời gian, đối xử bất bình đẳng chính là một biểu hiện của hành vi trái Luật, có tư ý hoặc thiếu sót của công chức hoặc lãnh đạo. Người bị đối xử bất bình đẳng, thiếu công bằng có thể khiếu nại hành chính hoặc khởi kiện ra tòa.
Chúng ta có thể thấy Pháp luật tràn ngập mọi kẽ mọi ngách của đời sống và mọi người có tự do hành xử cho đến khi chạm đến giới hạn, đó là những điều cấm đoán và chạm đến sự tự do của người khác. Có một lằn ranh ở giữa để phân biệt đúng hay sai, có vi phạm hay không, đó là Pháp luật và cũng là lẽ công bằng.
Tóm lại khi xét trên nguyên lý “công dân được làm tất cả những gì Pháp luật không cấm” và “cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì Pháp luật cho phép”, thì không thể định ra những vùng thuộc về kẽ hở hay phần lưng chừng của Pháp luật.
Về nghĩa vụ xét xử của tòa án
Dựa trên giả thiết rằng tòa án có nghĩa vụ xét xử và sự khước từ xét xử là sai trái, Tòa có quyền xét xử và cũng bị buộc phải xét xử, bởi lẽ không có tòa thì người dân không biết trông chờ vào ai. Nếu tòa án mà không giúp dân chúng việc xét xử tranh chấp thì tòa án không còn ý nghĩa của nó nữa và xã hội sẽ nên hỗn loạn.
Một số quốc gia theo trường phái “án lệ” như Anh quốc thường đem “lẽ công bằng” như là một tiêu chuẩn cho sự xét xử. Các tòa án chưa bao giờ từ chối việc xét xử với lý do rằng chưa có Luật điều chỉnh bởi vì họ có “lẽ công bằng” và họ thừa nhận nghĩa vụ phải xét xử của mình. Thông thường những phán quyết phải vận dụng lẽ công bằng (vì chưa có Luật) thường trở thành án lệ, và chính những án lệ “bất thường” đó sẽ trở thành một quy chuẩn cư xử mới mang tính chất của Pháp Luật.
Có một điều cần phải thừa nhận mặc nhiên ở đây đúng theo tinh thần thượng tôn Pháp luật rằng: bản án chính là điểm dừng của Pháp luật. Phán quyết của Tòa án sẽ khiến cho mọi sự dị nghị phải dừng lại và mọi “kẽ hở Pháp luật” còn sót lại phải biến mất.
Hãy bỏ thói quen dùng chữ “kẽ hở Pháp luật” và “lách luật”
Dù rằng thực tế có rất nhiều người dùng những âm mưu thủ đoạn che dấu sự vi phạm Pháp luật, thậm chí họ kết bè kết cánh để bao che lẫn nhau và lũng đoạn Pháp luật, đó không phải là sự lách luật mà chính là sự vi phạm. Ngược lại bất cứ ai khi áp dụng Pháp luật một cách khôn ngoan, hợp lý có lợi nhất cho mình và không phạm điều cấm, thì đều có thể tự tin rằng mình hành động đúng và không vi phạm luật.
Uy tín và quyền năng của Pháp luật chỉ có được khi nó xuất phát từ sự thừa nhận và niềm tin của dân chúng vào công lý, vào sự công bằng mà Pháp luật đang đại diện. Sự cưỡng ép bằng bạo lực mà không dựa trên tính đúng đắn của Pháp luật và lẽ công bằng thì dù có dùng danh nghĩa của nhà nước cũng chẳng khác gì hành động của kẻ cướp, của lũ giặc hay của bọn MAFIA. Nói khác đi, yếu tố tinh thần trong Pháp luật quan trọng hơn rất nhiều so với phần vật chất của nó.
Việc bỏ thói quen dùng từ “kẽ hở Pháp luật” và “lách luật” sẽ khiến cho cách hiểu Pháp luật không bị méo mó, tinh thần thượng tôn Pháp luật trở thành một chân lý nằm sâu trong tư duy của dân chúng, chỉ khi ấy việc xây dựng nhà nước Pháp quyền ở Việt nam mới có thể thành công.
Phan Thanh Hải