Nelson Mandela: tha thứ và hoà giải

 

Nelson Mandela, tranh Marian Kamensky (internet)

Từ cuộc đời tranh đấu phi thường của Mandela, bài học lớn nhất mà ta có thể rút ra có lẽ là sự tha thứ và quyết tâm hoà giải thực sự của ông vì ông ý thức sâu sắc được rằng đó là cách làm duy nhất nhằm tránh một cuộc nội chiến đẫm máu giữa người da đen và người da trắng ở Nam Phi.

Trong một cuộc họp quan trọng giữa ANC và các tướng lĩnh hưu trí của quân đội và các tổ chức tình báo Nam Phi, Mandela đã nói thẳng với họ rằng: “Nếu các ông muốn chiến tranh, tôi phải lương thiện thừa nhận rằng chúng tôi sẽ không thể đương đầu với các ông trên chiến trường. Chúng tôi không có phương tiện. Cuộc tranh đấu sẽ dài và gian khổ, nhiều người sẽ chết, đất nước có thể rốt cuộc sẽ thành tro bụi. Nhưng các ông đừng quên hai điều. Các ông không thể thắng vì chúng tôi đông người hơn: không thể nào giết hết chúng tôi. Và các ông không thể thắng vì có cộng đồng quốc tế. Họ sẽ đứng về phía chúng tôi và sẽ ủng hộ chúng tôi”.

Chủ trương hoà giải của ông được dựa trên một số ý tưởng không cao siêu gì nhưng vô cùng cơ bản.

Ngay từ lúc trẻ, Mandela đã thấm nhuần tư tưởng bất bạo động (ahimsa) của Gandhi mà ông rất ngưỡng mộ và xem như người thầy của mình. Nhưng đối với ông, bất bạo động không phải là một giáo điều: trong cuốn tự truyện Con đường dài đi đến tự do , ông xác định bất bạo động là một chiến lược, một quyết định thực tế sau khi đã duyệt qua các chọn lựa khác. Theo ông, “để tạo dựng hoà bình với một kẻ thù, ta phải làm việc với kẻ thù này nên anh ta thành người đối tác với ta”.

Có một quan hệ biện chứng mật thiết giữa hai bên: “Tôi không thực sự tự do nếu tôi tước đoạt tự do của kẻ khác. Kẻ bị áp bức và kẻ áp bức cả hai đều bị tước mất nhân tính của mình” ; “…tự do không phải chỉ là tháo bỏ gông cùm, mà là sống theo cách tôn trọng và tăng cường tự do của người khác” ; “Tôi biết rõ rằng người áp bức cũng phải được giải phóng như người bị áp bức. Một người tước đoạt tự do của kẻ khác là tù nhân của sự hận thù, của các thành kiến và của tinh thần hẹp hòi”.

Các tư tưởng trên đã được Mandela rút ra từ quan niệm đạo đức và triết lý nhân bản “Ubuntu” của dân tộc ông: phải ý thức sâu sắc về quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, vì “chúng ta hiện hữu, vậy thì tôi hiện hữu” và vì ”một cá nhân là cá nhân là do (có) các cá nhân khác”.

Khác với nhiều đồng chí của ông, Mandela không xem người Afrikaner là “kiều dân”, mà là người Nam Phi cũng giống như người da đen, vì họ đã lập nghiệp ở nước ông từ hơn ba thế kỷ. Do đó, ở trong tù, ông đã học tiếng afrikaans của người da trắng, nghiên cứu lịch sử và văn hoá của họ. Và; ông cũng đã khuyên các đồng chí của ông làm như thế, vì “sẽ có một ngày, các dân tộc của nước ta, kể cả dân tộc Africaner, sẽ phải hiểu nhau để sống chung với nhau”. Chính nhờ thế mà ông đã hiểu rõ nỗi sợ hãi của người Afrikaner: nếu hủy bỏ chế độ apartheid và nếu có dân chủ, người da đen, do chiếm đa số tuyệt đại, chắc chắn sẽ lên nắm quyền và sẽ tước đoạt tất cả các đặc quyền đặc lợi khổng lồ của họ, thậm chí còn có thể trục xuất, thậm chí tàn sát họ để trả thù sau mấy thế kỷ bị áp bức tàn bạo. Do đó, ông chủ trương phải làm tất cả những gì có thể làm được để trấn an họ.

Cũng như Gandhi hay Martin Luther King, Mandela đã biết chống lại các các xung lực hận thù và bạo động. Và thuyết phục người khác cũng làm như thế. Ông đã tự thắng được mình, nên tạo được cho mình sức mạnh để cùng thắng với kẻ thù, đúng như Lão tử đã viết trong Đạo đức kinh: “Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường” (kẻ thắng người là có sức lực, nhưng kẻ tự thắng mình mới có sức mạnh”. Ông chỉ ra con đường để thoát khỏi cái mà triết gia Pháp René Girard gọi là “bạo lực bắt chước” (violence mimétique), tức là không ngừng trả lời bạo lực bằng bạo lực. Thế mà, theo Mandela bạo lực không phải là giải pháp duy nhất để giải quyết tranh chấp. Ông chủ trương phải nỗ lực thảo luận với kẻ thù để biến họ thành ngưới đối tác.

Cũng cần nói thêm rằng Mandela là một chính khách thực sự yêu chuộng dân chủ, tự do và công bằng. Năm 1964, trước toà án sẽ kết án ông tù chung thân, ông đã tuyên bố: “Suốt đời tôi, tôi đã tập trung vào cuộc đấu tranh vì nhân dân châu Phi. Tôi đã chống lại sự thống trị của người da trắng và tôi đã chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi yêu lý tưởng có được một xã hội tự do và dân chủ trong đó tất cả mọi người đều sống cùng nhau trong sự hài hoà và với cùng các cơ hội như nhau. Đó là một lý tưởng mà tôi hy vọng sống và hành động vì nó. Nhưng, nếu cần, tôi cũng sẵn sàng chết vì lý tưởng đó”.

Theo ông, “không ai có thể an nghỉ chừng nào còn có những người còng lưng dưới sức nặng của đói khát, bệnh tật, thiếu giáo dục, và chừng nào hàng triệu người khác trên thế giới còn sống trong sự mất an ninh và sự sợ hãi hằng ngày”.

Mandela hoàn toàn khác với nhiều nhà giải phóng dân tộc khác hô hào dân chủ, tự do nhưng lại không chấp nhận đối lập (và ngay cả đối trọng), và nhất là lại cấm tự do báo chí, tự do biểu tình, lập đảng… Thực không thể tưởng tượng nổi là, vào thập niên thứ hai này của thế kỷ 21, vẫn còn có những người ra sức duy trì – với bất cứ giá nào – sự thống trị của tập đoàn hay đảng phái của mình, cho đến ngày tận thế !

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến nỗi bàng hoàng của tôi khi nghe một trí thức kiêm ca sĩ dõng dạc đọc – với vẻ mặt rực lửa căm thù – đoạn sau đây trích từ bài thơ nổi tiếng “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của Tố Hữu, trong một đêm văn nghệ Tết Việt kiều cách đây khoảng 50 năm, khi tôi mới chân ướt chân ráo đến Paris:

“Đường giải phóng mới đi một nửa 

Nửa mình còn trong lửa nước sôi 

Một thân không thể chia đôi 

Lửa gươm không thể cắt rời núi sông 

Gươm nào chém được dòng Bến Hải? 

Lửa nào thiêu được dải Trường Sơn? 

Căm hờn lại giục căm hờn 

Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu!”

Khi động cơ của tranh đấu là căm hờn, thì không đời nào thực hiện được hoà giải, chứ chưa nói đến hoà hợp dân tộc, vì hoà giải là điều kiện tiên quyết cho hoà hợp. Có thể là tôi sai lầm và lạc hậu, nhưng tôi nghĩ không thể xây dựng một hệ thống đạo đức, xã hội, chính trị trên hận thù, mà là trên nhân nghĩa, từ bi, bác ái…

 

Nelson Mandela (1918-2013) 

Tiểu sử tóm tắt

NTN 

Nelson Mandela, một ngày sau khi được trả tự do (1990), sau 27 năm bị cầm tù

18.7.1918: Mandela sinh ở làng Mvezo (vùng Transkei) trong một gia đình hoàng tộc thuộc dân tộc Xhosa . Dù có tên riêng là Rolihlahla (kẻ gây rối hay gây vấn đề), ông được cô giáo đặt cho tên khác là Nelson, nhưng người Nam Phi thường thân mật gọi ông là Madiba.

1939: Chống việc gia đình bắt lấy vợ, Mandela bỏ nhà trốn đến Johannesburg làm nghề gác mỏ, rồi làm cho một văn phòng luật sư vừa học hàm thụ luật ở đại học Fort Hare.

1942: tốt nghiệp cử nhân luật.

1943: tiếp xúc với ANC. Ghi tên ở đại học Witwatersrand để lấy bằng luật sư. Sau đó ông tiếp tục học luật ở đại học Witwatersrand

1944: ông gia nhập Đảng Quốc đại Nam Phi (ANC), hoạt động trong Đoàn Thanh niên của đảng. Cũng trong năm này ông lấy bà Evelyn Ntoko-Mase.

1945: ANC đòi phổ thông đầu phiếu phi chủng tộc thay vì chỉ chống phân biệt chủng tộc.

1948: thắng lợi của Đảng Quốc gia kéo theo một chính sách phân biệt chủng tộc mới, cực kỳ tệ hại, được gọi là apartheid . Từ năm 1913 đến 1942, chính quyền của người da trắng (Afrikaner) thông qua nhiều đạo luật bất công: phân biệt cư trú, cấm đình công… và nhất là cấm người da đen sở hữu đất đai bên ngoài các khu cư trú của họ (kết quả là dù chỉ chiếm chưa đến 10 % cư dân, người Afrikaner sở hữu đến 80 % đất canh tác).

1950: ANC lấy lại chương trình của Đoàn Thanh niên thuộc ANC, chủ trương đình công, bất tuân dân sự, tẩy chay và bất hợp tác với chế độ apartheid.

1951: Mandela cùng bạn học là Olivier Tambo trở thành hai luật sư da đen đầu tiên ở Johannesburg.

1952: được bầu làm chủ tịch Đoàn Thanh niên của ANC, Mandela phát động chiến dịch đòi hủy bỏ các đạo luật phân biệt chủng tộc mà đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 6.4.1952: Mandela ở trong số 8500 người bị bắt.

1953: bị kết án 8 tháng tù treo, cấm hội họp, quản thúc tại gia ở Johannesburg

5.12.1956: bị bắt cùng với 155 người khác vì tội phản bội.

1957: li dị với bà Evelyn Ntoko-Mase.

1958: lấy bà Winifred Madikizela.

21.3.1960: tàn sát ỏ Sharpeville (69 người bị giết ). Liên hiệp quốc lên án, đòi Nam Phi phải bỏ chính sách apartheid.

1961: ANC bị cấm. Thành lập Umkhonto we Sizwe (MK), tổ chức vũ trang của ANC do thấy đấu tranh bất bạo động không có hiệu quả trước chính sách đàn áp của chính quyền. Mandela chuyển sang hoạt động bí mật.

5.1961: phát động tổng đình công, rồi phát động chiến dịch phá hoại những mục tiêu biểu tượng nhưng cố không gây thiệt hại nhân mạng.

1962: bí mật sang Anh sáu tháng rồi sang Ethiopia tập luyện quân sự. Sau khi về Nam Phi bị bắt, rồi bị kết án 5 năm tù.

12.6.1964: Mandela và sáu đồng chí khác bị kết án tù chung thân, bị giam 18 năm ở đảo Robben.

6.1976: tàn sát ở Soweto (hơn 300 người bị giết).

1982: chuyển sang nhà tù Pollsmoor và bị giam cách ly trong sáu năm.

2.1985: Mandela từ chối đề nghị trả tự do cho ông của tổng thống Pieter Willem Botha nếu ông từ bỏ đấu tranh vũ trang.

1988: Được đưa vào bệnh viện vì bị lao, rồi được chuyển sang nhà tù Paarl. Mandela trở thành tù nhân chính trị nổi tiếng nhất thế giới trong khi tình hình ngày càng thêm xấu cho chính quyền apartheid: với sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa và sự chấm dứt chiến tranh lạnh, nó ngày càng bị các nước phương Tây – kể cả Mỹ – bỏ rơi ; ANC ngày càng hoạt động mạnh ở bên trong cũng như ở ngoài Nam Phi.

7.12.1988: quản thúc tại gia.

6.1988: hoà nhạc mừng Mandela 70 tuổi ở Wembley, được 600 triệu người ở 67 nước xem qua truyền hình trực tiếp.

1989: Mandela đề nghị thương thuyết giữa chính phủ Nam Phi và ANC để tránh việc hai phe tàn sát lẫn nhau.  Mandela cho rằng tổng thống Frederik de Klerk là người nghiêm túc và lương thiện nhất trong số các nhà l ãnh đạo da trắng, nên có thể thương thuyết với ông ta.

11.2.1990: được trả tự do sau 27 năm bị cầm tù.

26.2.1990: hô hào các đồng chí của ông từ bỏ đấu tranh vũ trang.

8.1990: ANC chính thức từ bỏ đấu tranh vũ trang.

30.6.1991: Mandela được bầu làm chủ tịch ANC lại trở thành hợp pháp. Thương thuyết với tổng thống Nam Phi Frederik de Klerk

30.6.1991: Hủy bỏ chế độ apartheid.

11.1991: ly thân với bà Winnie, rồi ly dị trong năm sau.

9.1992: ký kết hiệp định về quốc hội lập hiến và chính phủ chuyển tiếp

Đêm 17.6.1992: ở Boipatong đảng Inkatha Tự do của người Zoulou (đảng này chịu cộng tác với chính quyền apartheid) tàn sát 46 người da đen.

7.9.1992: ở Bisho, đảng Inkatha Tự do lại giết  29 người và làm bị thương 200 người

17.3.1993: với sự ủng hộ của Mandela, de Klerk được 68,7% cử tri ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý kiến dân da trắng về việc chấm dứt apartheid.

1993: Mandela và de Klerk được giải Nobel hoà bình năm 1993 nhờ đã hoạt động “nhằm hủy bỏ chế độ apartheid và nhằm xây dựng một nước Nam Phi mới và dân chủ”. Khi nhận giải, Mandela đã tôn vinh sự can đảm của de Klerk

10.4.1993: sau khi Chris Hani, một nhà lãnh đạo của MK, bị ám sát, Mandela kêu gọi dân Nam Phi giữ bình tĩnh. Nhưng nhiều cuộc bạo loạn bùng nổ sau đó.

27.4.1994: tổng tuyển cử đa chủng tộc đầu tiên ở Nam Phi. Trước đó, Mandela phải thương thuyết trong ba tháng rưỡi với tướng Constand Viljoen, lãnh tụ của Mặt trận nhân dân Afrikaner (Afrikaner Volksfront) tập hợp nhiều tổ chức bảo thủ hay cực hữu muốn tạo ra một “nhà nước thuần túy chủng tộc” (Volkstaat) cho người Afrikaner và xem de Klerk là kẻ phản bội ; mặt khác ông cũng phải thương thuyết cực kỳ khó khăn với vua của người Zoulou là Goodwill Zwelithini kaBhekuzulu muốn lập ra nước zoulou ở Natal và với đảng Inkatha Tự do của hoàng thân Mangosuthu Buthelezi (cả hai đều đã cộng tác với chính quyền apartheid). Rốt cuộc Mandela thuyết phục được họ chấp nhận tham gia tuyển cử. ANC được 62,6% số phiếu. Được bầu làm tổng thống, ông thành lập chính phủ thống nhất dân tộc với sự tham gia của ANC, Đảng Quốc gia, và đảng Inkatha Tự do. Frederik de Klerk được cử làm Phó tổng thống. Mandela đã mời các cai ngục ở đảo Robben và công tố viên đã đòi ông phải bị kết án tù chung thân tham dự lễ nhận chức tổng thống của ông.

Nelson Mandela với thủ quân đội bóng bầu dục Nam Phi F. Pienaar, 1995

1995: chủ trương “forgive but not forget” (tha thứ nhưng không quên), Mandela cho thành lập Ủy ban sự thật và hoà giải do Tổng giám mục Desmond Tutu làm chủ tịch để thu thập chứng từ về các bạo hành và tội ác đã phạm trước đó không những của chính quyền apartheid mà ngay cả của các tổ chức chống apartheid như ANC. Những người chịu công khai thú tội sẽ được ân xá. Trái lại những người không chịu thú tội sẽ bị đưa ra toà, nếu nhà cầm quyền tìm ra đủ bằng chứng. Để nêu gương, Mandela kể chi tiết các bạo hành của ANC, đặc biệt là ở Angola, trong những năm 1970. Ông công nhận là trong khi đấu tranh, ANC cũng đã vi phạm nhân quyền và phê phán một số người trong ANC đã toan hủy bỏ các thông tin về các sai trái của ANC ghi trong các báo cáo của Ủy ban.

8.1995: Mandela đến tận nhà gặp vợ goá cực kỳ bảo thủ của Hendrik Verwoerd, lý thuyết gia tệ hại nhất của chính sách apartheid. Cũng trong năm này, Mandela kêu gọi dân da đen ủng hộ đội Springboks (mà trước đó họ tẩy chay vì chỉ gồm toàn cầu thủ da trắng) ở giải bóng bầu dục thế giới 1995.

1997: Mandela từ chức chủ tịch ANC.

18.7.1998: kết hôn – vào tuổi 80 – với bà Graça Machel, vợ goá của tổng thống Samora Machel (Mozambique). Ông tuyên bố như sau về mối tình này: “Yêu đương là một trải nghiệm mà mỗi người nên biết. Đối với tôi, đó là một trải nghiệm phi thường”.

1999: sau khi hết nhiệm lỳ, Mandela không tái ứng cử tổng thống để phục vụ nhân dân Nam Phi cho đến chết như nhiều nhà cách mạng khác!

2000: Mandela được bổ nhiệm làm trung gian để giải quyết tranh chấp giữa người Hutu và người Tutsi ở Burundi.

1.2002: Mandela chính thức tích cực tham gia chống bệnh AIDS ở châu Phi.

5.12.2013: Mandela từ trần.

N. T. N.

Nguồn: http://www.diendan.org/the-gioi/nelson-mandela-tha-thu-va-hoa-giai

This entry was posted in Dân chủ, Quốc Tế. Bookmark the permalink.