Nelson Mandela và Thánh Gióng
Sáng nay, mấy người bạn cũ gặp nhau. Câu chuyện dẫn về cái chết của con người huyền thoại Nelson Mandela. Một câu hỏi cùng được nêu: Tại sao nhà nước VN không có động thái nào đáng kể trước sự kiện được cả thế giới long trọng tổ chức, đến cả cung điện Hoàng gia Anh (“phong kiến”) cũng treo cờ rủ, “đế quốc Mỹ (mà xấu)” thì ra lệnh treo cờ rủ tại Toà Bạch Ốc và các cơ quan công quyền vào ngày thứ mai (thứ hai 9/12/2013). Chẳng lẽ nhà nước “xã hội chủ nghĩa” ta bây giờ không còn coi trọng lý tưởng chống thực dân, bình đẳng và hòa giải dân tộc là thiêng liêng như thời trước?
Cờ rủ được treo trước Cung điện Buckingham, London
Nhân đó, PGS TS Kinh tế Nông nghiệp Vũ Trọng Khải, con trai ông Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của Chính phủ VNDCCH (Luật gia Vũ Trọng Khánh, không phải đảng viên ĐCS, sau đó vì tranh luận đề cao pháp trị mà mất chức, cuối đời chỉ còn là… Trưởng ban phổ biến Khoa học Kỹ thuật của TP Hải Phòng) kể cho mọi người chuyện này:
“Tháng 3 năm 2011, tôi sang Cuba với tư cách chuyên gia giúp cải tiến chính sách phát triển lúa gạo cho Bộ NN Cuba. Tôi đến thăm một ông chủ trang trại làm ăn giỏi. Ông nà thực chất là một nghệ sĩ, ông có xưởng gốm trong đó treo bức tranh tường vẽ một con bò sữa có bầu vú rất to nhưng miệng bị khoá. Tôi khen bức tranh có nhiều ý nghĩa. Thấy vậy, ông bắt đầu nói chuyện cởi mở, lan man sang các đề tài xã hội chính trị. Ông nói: ‘trong các nhà lãnh đạo, tôi kính trọng nhất Nelson Mandela’. Tôi hỏi tại sao? Ông trả lời: ‘Nelson Mandela cả đời đấu tranh oanh liệt, ở tù 27 năm, vậy mà khi ra tù lòng không hận thù; trúng cử Tổng thống qua bầu cử dân chủ nhưng chỉ làm một nhiệm kỳ 5 năm chứ không làm suốt đời như những người khác.’ Tôi bèn kể cho ông nghe câu chuyện cổ VN về Thánh Gióng. Sau khi đánh đuổi giặc Ân khỏi bờ cõi, Gióng không xưng Vua (cũng không làm Tổng thống, Chủ tịch hay Tổng bí thư… – HH) mà bay lên trời. Ông bạn Cuba cười thích thú: ‘Vậy là dân tộc VN với dân tộc Nam Phi có nhân vật huyền thoại giống nhau.’”
Tôi cười nhưng lòng se lại. Nam Phi có huyền thoại nhưng là huyền thoại giữa thời nay, và đang hưởng những lợi ích thực tế mà huyền thoại ấy đem lại: một nhà nước (khá) dân chủ, không còn sự độc tài dù là của thực dân hay người bản xứ. Còn huyền thoại Việt Nam vẫn chỉ là huyền thoại, những anh hùng đánh đuổi ngoại xâm đã biến thành kẻ độc tài biến chính nhân dân mình thành tôi mọi.
Lại liên tưởng, thế giới vừa kỷ niệm 50 năm ngày Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy bị ám sát. Một trong những câu nói hay của ông này mà tôi ghi nhớ: “Với những nhà nước mới mà chúng tôi chào mừng gia nhập hàng ngũ các nước dân chủ, chúng tôi xin cam kết rằng một hình thức thống trị thực dân sẽ không qua đi chỉ để được thay bằng một nền chuyên chế còn cứng rắn hơn nhiều. Không phải bao giờ chúng tôi cũng chờ đợi họ ủng hộ quan điểm của chúng tôi. Nhưng chúng tôi sẽ luôn luôn hy vọng thấy họ ủng hộ mạnh mẽ nền tự do của chính (dân tộc) họ – và hy vọng họ nhớ rằng, trong quá khứ, những kẻ ngu dại tìm kiếm quyền lực bằng cách cưỡi lên lưng hổ đã kết thúc (sinh mệnh của chúng) trong miệng hổ” (To those new states whom we welcome to the ranks of the free, we pledge our word that one form of colonial control shall not have passed away merely to be replaced by a far more iron tyranny. We shall not always expect to find them supporting our view. But we shall always hope to find them strongly supporting their own freedom – and to remember that, in the past, those who foolishly sought power by riding the back of the tiger ended up inside.” (Diễn văn của John F. Kennedy trong ngày nhậm chức Tổng thống ở Washington 20/1/1961)
8/12/2013
H.H.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN