1. “(…) Vị trí của Đảng trong xã hội (…) là vấn đề gốc, không giải quyết đúng vấn đề này thì không thể nói tới bất cứ một sự cải thiện đáng kể nào trong quan hệ của Đảng và nhân dân, cũng như không thể nói một cách nghiêm túc tới vấn đề chỉnh đốn bản thân Đảng. (…) Để bảo đảm cho nhân dân thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng (sự độc quyền lãnh đạo của Đảng xét về mặt khách quan), thì không có gì hay hơn bằng việc thủ tiêu càng sớm càng tốt, càng triệt để càng tốt những đặc quyền của Đảng đối với xã hội. Và một lần nữa, không chỉ thủ tiêu những đặc quyền vật chất, mà quan trọng hơn cả, là thủ tiêu đặc quyền tinh thần, độc quyền chân lý. Từ những phân tích trên đây, xin có mấy kiến nghị cụ thể: – Xóa bỏ điều 4 trong hiến pháp qui định về mặt pháp lý vai trò lãnh đạo của Đảng trong xã hội, để cho các tổ chức Đảng và đảng viên không thể dựa vào ưu thế pháp lý của mình trong sự lãnh đạo, và sự lãnh đạo của Đảng chỉ dựa vào phương pháp thuyết phục. Tất cả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng không mang tính chất bắt buộc đối với các công dân về mặt pháp lý (trừ những trường hợp đã biến thành luật); – Đảng không độc chiếm các cơ quan dân cử, các cơ quan lãnh đạo và quản lý xã hội; chỉ dành một tỉ lệ không quá 50% thành phần các cơ quan này cho đảng viên, như vậy sẽ tập hợp được những người ngoài Đảng ưu tú vào công việc quản lý đất nước; – Ban lãnh đạo các cấp, kể cả trung ương, tiến hành những cuộc đối thoại bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau với những người tiêu biểu cho các xu hướng khác nhau trong xã hội, cả với những người có ý kiến ngược với ý kiến của Đảng, không định kiến, không trù dập; – Tiến hành những cuộc tranh luận công khai trên báo chí về các vấn đề quốc kế dân sinh, không hạn chế tự do tư tưởng, chỉ với điều kiện không trái với hiến pháp và luật pháp được xây dựng thật sự dân chủ; – Các cơ quan thuộc bộ máy Đảng không được trực tiếp chỉ huy điều hành của những cơ quan, những tổ chức không thuộc hệ thống tổ chức của Đảng (cụ thể: ban tuyên huấn không trực tiếp chỉ huy báo chí, ban tổ chức không được trực tiếp quyết định công việc nhân sự…). – Cuối cùng, giải quyết tất cả những vụ án oan về tư tưởng và chính trị trước đây, sòng phẳng với những sai lầm của Đảng trong quá khứ; thật sự khôi phục đầy đủ các quyền công dân cho người bị oan ức; thực hiện hòa hợp dân tộc một cách chân thành. Tóm lại, Đảng lãnh đạo xã hội nhưng không đứng trên xã hội và chịu sự kiểm soát của xã hội”.
2. Một bài viết, một cách nhìn nhận vấn đề như trên, hoàn toàn có thể đưa vào cuộc thảo luận về sửa đổi Hiến pháp vừa diễn ra một năm qua, và hoàn toàn có thể thuộc vào hàng những quan điểm được coi là đổi mới, cấp tiến mạnh mẽ (để rồi, như đã có thể chờ đợi từ trước, rốt cục vẫn không được “tiếp thu”). Có điều, rất đáng để ý là thời điểm ra đời của bài viết thượng dẫn: tạp chí “Khoa học và Tổ quốc” số tháng 4/1990, tức là cách đây hơn 23 năm! Tác giả của nó đã đề cập thẳng thắn và không nhân nhượng tới một vấn đề trước nay vốn vẫn bị/được coi là cấm kỵ (taboo) ở Việt Nam: sự lãnh đạo độc tôn của Đảng. “Bàn về sự lãnh đạo của Đảng” chỉ là một trong số rất nhiều bài viết, chuyên luận – mà trong một chừng mực nào đó, có thể gọi là “đi trước thời đại” – của nhà hoạt động xã hội và chính trị, nhà nghiên cứu, học giả Nguyễn Kiến Giang, người vừa qua đời vào hồi 9h sáng ngày 2/11/2013 tại Hà Nội, hưởng thọ 83 tuổi. Tuy nhiên, “quả bom tấn” kể trên đã mang trong nó đầy đủ mọi yếu tố đặc trưng của “phong cách Nguyễn Kiến Giang”: điềm đạm, chừng mực mà không kém phần mạnh mẽ, uyên bác, nghiêm túc nhưng không kém phần sáng sủa. Và, không ít ý kiến của ông mang tính “tiên tri”, vượt nhiều người cùng thời và cùng cảnh ngộ với ông.
3. Trong một trao đổi cá nhân với Hoàng Khoa Khôi (1915-2009), người anh lớn, người thầy của nhiều anh em làm báo Đông Âu trong thể loại chính luận, bác có nói một câu khiến mình rất để ý: “Phải nói rằng ông ấy (Nguyễn Kiến Giang) có căn bản Marxist, nên những gì ông ấy viết khúc chiết, mạch lạc lắm, xem là biết ngay…”. Tạm bỏ qua nội dung lời khen ấy, phải nói rằng quả thực, Nguyễn Kiến Giang đã đắm mình trong những kinh điển Marxist và có lẽ vì vậy, là một trong số ít người ở Việt Nam thực sự thấu hiểu bản chất của trào lưu này. Trong đó, đáng tiếc, có cả khuynh hướng Stalinist (pha Maoist) mà ông từng là nạn nhân trong thời gian dài. Nếu trên cương vị một nhà nghiên cứu đứng đắn, Nguyễn Kiến Giang ý thức được những hạn chế của chủ nghĩa Marxist thì có lẽ những năm tháng dài chịu đại nạn “Xét lại chống Đảng” đã khiến ông hiểu quá rõ những tệ hại và không thể cải đổi cả về mặt thực tiễn lẫn lý thuyết của cái gọi là “CHXH hiện thực”. Từ đấy, kèm theo những hiểu biết sâu rộng của ông về lịch sử phong trào cộng sản thế giới, về văn hóa, xã hội, tâm linh và bản sắc Việt Nam, những kiến giải mang tính tiên phong từ mấy chục năm trước về thực trạng khủng hoảng của Việt Nam và lối ra khả dĩ, cũng như cảm quan chính trị của ông, tới nay vẫn chính xác và giữ nguyên giá trị.
4. Trích đoạn sau đây rút từ hồi tưởng của Hoàng Khoa Khôi trong chuyến về thăm “chui” thăm quê hương, lần đầu và cũng là cần cuối, sau 55 năm xa xứ, vào năm 1995. Trong chuyến đi ấy, ông đã có dịp gặp gỡ vào trao đổi chân tình với nhiều “kẻ sĩ” Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chính trị, mà Nguyễn Kiến Giang là một. Là tư liệu quý báu đối với người quan tâm và nghiên cứu lịch sử nước ta hậu bán thế kỷ 20, những ghi chép rất giàu thông tin và đặc sắc của Hoàng Khoa Khôi đã được biên tập và chỉnh lý, hiệu đính để chờ xuất bản thành sách. Tuy nhiên, sự ra đi của ông cách đây 4 năm tại Paris đã khiến mong muốn này không thể trở thành hiện thực. Xin gửi lời chia buồn chân thành tới anh Nguyễn Quốc Tuấn và gia quyến!
* Sau khi làm những việc lặt vặt buổi sáng và kéo nhau đi ăn điểm tâm, chúng tôi rời đường Lê Duẩn, tìm đến một phố nhỏ gần Quốc Tử Giám. Nơi có một ngõ cụt dẫn đến khu tập thể của công nhân xí nghiệp bao bì xuất khẩu. Đó là nơi ở của anh Nguyễn Kiến Giang, một trong những nạn nhân của vụ án “Xét lại chống Đảng” cách đây 30 năm. Nhiều người Việt ở hải ngoại đã biết đến anh từ dăm năm nay với hàng loạt bài viết của anh mà tôi cho rằng, có nội dung trước hết là thực sự “nhìn thẳng vào sự thật”. Từ khách sạn Việt – Mỹ, nơi chúng tôi nghỉ, đến nhà anh Nguyễn Kiến Giang chỉ mất độ 15 phút đi bộ. Đầu phố, cuối phố chỗ anh ở, đâu đâu tôi cũng thấy những đống gạch, ngói, vôi vữa, cả trên vỉa hè lẫn dưới lòng đường. Trước khi Việt Nam hóa Rồng, có lẽ dân Hà Nội đang tập “thăng” bằng những tầng cao của các ngôi nhà. Nhìn cảnh ngổn ngang đó đây, tôi bỗng có ý nghĩ ngồ ngộ như vậy. Không chỉ ở Hà Nội, anh bạn cùng đi nói với tôi, Việt Nam đang trải qua sự bùng nổ về xây dựng. Công trường xây dựng ở khắp nơi, khiến tôi liên tưởng đến cảnh tượng tương tự ở Nam Tư cách đây mấy chục năm, khi tôi có dịp sang bên đó. Muốn xây mới tất phải phá cũ, nếu không lấy đâu chỗ mà xây. Có một điều mà chắc nhiều người đều nhận thấy, là kiến trúc của các ngôi nhà mới xây phần nhiều là lộn xộn, tùy hứng, phụ thuộc vào túi tiền và thẩm mỹ của chủ nhân của chúng. Mặt khác, nhìn những ngôi nhà xanh xanh, hồng hồng, những song cửa bằng sắt “kiểu Thụy Điển”, với những giò phong lan đung đưa trước gió, tôi còn nhận thấy dân Việt ta không cam chịu nghèo hèn. Ngôi nhà hai tầng của anh Nguyễn Kiến Giang không to lắm; thực ra đó là nhà một tầng được cơi nới lên hai tầng. Anh tiếp chúng tôi trong phòng khách rộng khoảng 12 mét vuông. Đồ đạc trong phòng cũng thuộc loại tầm tầm. Nhưng ấn tượng khá mạnh đối với tôi là chiếc giá sách đầy đặn của anh, khiến bức tường nơi để giá giống như một bức tường bằng sách. Anh ăn mặc giản dị, dáng người gầy nhưng vẫn lanh lợi. Với gương mặt vuông, trán cao, có phần hói, tóc thưa, anh có nhiều nét của một người thiên về cuộc sống suy tư hơn, tất nhiên anh không phải là người duy tâm. Nghe nói trước đây, khi còn học ở Trường Đảng cao cấp trực thuộc Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô, anh đã có những tư tưởng khác với tư tưởng chính thống ở trong nước. Biết điều đó là nguy hiểm, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, anh vẫn về nước. Thế là sau những chuyến “đi thực tế” ở nông thôn, một hình thức kỷ luật quen thuộc đối với cán bộ, đảng viên không làm cấp trên vừa lòng, anh đã bị bắt. Có thể “vấn đề cán bộ” của ông Lê Duẩn (và ông Lê Đức Thọ) đã khởi đầu từ đây. Anh Nguyễn Kiến Giang tự tay pha trà, rồi với giọng Quảng Bình ấm áp, anh niềm nở mới chúng tôi uống trà. Tôi ngỏ ý hỏi, liệu anh có bị theo dõi không. anh nhẹ nhàng đáp: “Công an theo dõi tôi cũng dễ thôi. Nhà tôi ở trong ngõ cụt, họ chỉ cần ngồi đầu ngõ là biết ai vào nhà tôi”. Cửa nhà anh sát mặt đường, bước chân qua ngưỡng cửa là tới ngay lòng đường, ở ngoài có thể nghe thấy người trong nhà nói chuyện. Tôi đành từ bỏ ý định chụp ảnh và ghi âm cuộc nói chuyện của anh với chúng tôi. (Đó cũng là lý do trong cuốn sách này không có ảnh của Nguyễn Kiến Giang). Nguyễn Kiến Giang là người đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam – điều khoản khẳng định sự độc quyền lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản – từ khá sớm. Tôi không rõ có phải do tác dụng của những tư tưởng như của anh hay không, mà trong Hiến pháp sửa đổi năm 1992, hai chữ “duy nhất” trong Điều 4 đó đã biến mất. Nhưng trong nhiều bài viết của anh, tôi cho rằng, anh đã có những quan điểm khá xác đáng, có chừng mực và tương đối khách quan. Trong bài “Bàn về sự lãnh đạo của đảng” của anh cách đây năm năm, trong khi không khí khủng bố trong nước vẫn còn nặng nề, đã có đoạn viết: “Nhưng từ khi Đảng nắm được chính quyền một cách toàn vẹn, lúc đầu ở miền Bắc và sau đó ở miền Nam, trên cả nước, thì cách hiểu về độc quyền lãnh đạo đã biến đổi về tính chất của nó. Từ chỗ là một sự lựa chọn lịch sử khách quan, sự độc quyền lãnh đạo của Đảng dần dần được hiểu và được thực hiện thành sự thống trị tuyệt đối của đảng trong mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, thậm chí có khi cả đời sống cá nhân, thành “đảng trị” (partocracy). Đảng biến thành “đảng nhà nước”, thành một thứ “siêu nhà nước”… (*) Trong những bài viết về chủ nghĩa Marxist, về những trào lưu tư tưởng triết học trên thế giới, tôi cũng cho anh đã có những khám phá nhất định. Những khám phá đó, nếu tôi không nhầm, thì nó có nguồn gốc sâu xa từ những năm tháng anh học tập ở Liên Xô. Nơi đó, trong hàng chục năm, người ta cứ tưởng là thành trì bảo vệ đến cùng học thuyết của giai cấp vô sản. Rồi những khám phá đó được anh kiểm chứng, so sánh với thực tại trong những năm tháng anh “đi thực tế” và cả khi anh sống trong bốn bức tường của nhà giam. Trong bài “Vấn đề con người đang được đặt lại”, anh đã đưa ra một nhận định ngắn gọn, nhưng hàm súc: “Có những vấn đề tưởng chừng như đã được giải đáp xong xuôi lại bật dậy: “Con người là gì?”. (**). Rất đúng! Tất cả những biến tướng của chủ nghĩa Marxist, tính bất cập của nó cũng như tệ quan liêu, giáo điều đã dẫn đến sự sụp đổ của hàng loạt các nước XHCN, và bởi vậy những dị nghị đối với học thuyết này không phải là không có cơ sở. Suy cho cùng, sự việc đều xoay quanh vấn đề “con người là gì?”, hay “con người là ai?”. Cả Hà Sĩ Phu và Nguyễn Kiến Giang, tuy lập luận có nhiều điểm khác nhau, nhưng hai anh đều coi “con người” là trọng tâm các quan điểm của các anh. Từ góc độ này, có thể coi đó là một sự đồng điệu ngoạn mục về tư tưởng! Nguyễn Kiến Giang nói tiếp với chúng tôi: “Xã hội công dân đang hình thành ở Việt Nam. Nó sẽ lấn dần…” Tôi nghĩ anh có lý khi tôi nhớ lại cuộc gặp gỡ của tôi với anh chị em văn nghệ sĩ ở cố đô Huế. Mặc dù bị đày ải chừng đó năm trời, phải chịu cái đau của thể xác đã đành, anh còn phải chịu đựng nỗi đau khôn tả về tinh thần. Tôi hiểu tâm trạng của con người đớn đau như thế nào khi danh dự bị tổn thương, nhân phẩm bị xúc phạm, bị cô lập với mọi người, bạn bè, họ hàng, bị xa lánh vì những người thân thiết sợ bị liên lụy, vợ con bị o ép, dị nghị. Trong xã hội “cộng sản” mang nặng màu sắc phong kiến ở miền Bắc Việt Nam vào những năm tháng đó, Nguyễn Kiến Giang và bao người khác cùng chung hoàn cảnh đã phải chịu một sức ép ghê gớm về tâm lý. Phải là một con người giàu nghị lực và có bản lĩnh thì mới đứng vững nổi trong cơn phong ba phũ phàng như vậy. Có điều, anh không hề thổ lộ với tôi về thái độ của anh đối với chính quyền mà tôi cho là nếu có, thì cũng là dẽ hiểu. Ngồi nghe anh nói, tôi quên cả chén trà đã nguội đi từ lúc nào. Đợi anh nhấp xong chén trà, tôi hỏi anh: “Ngoài anh là người phê phán chủ nghĩa Marxist, liệu trong giới trí thức có còn nhiều người tin vào chủ nghĩa đó không?”. Anh gật nhẹ: “Còn nhiều chứ!” Tôi hỏi: “Sao anh biết?” Anh đáp: “Tôi thường xuyên thảo luận với họ mà”. Tôi tò mò: “Họ là người như thế nào, có tâng bốc chế độ không hay là thành thật?”. Anh mỉm cười: “Họ là những người thành thật. Họ không đồng ý với quan điểm của tôi”. Tôi hỏi tiếp: “Thế tại sao họ không viết ra?”. Anh đáp: “Hình như họ vẫn chưa tin họ lắm. Qua những lần tiếp xúc với họ trong các trường đại học hay trong các buổi gặp gỡ, tôi biết được điều đó. Họ có lý luận của họ. Họ đang đi tìm đường lối của họ”. Cuộc nói chuyện của chúng tôi kéo dài khá lâu. Trời đã xế trưa. Tôi mời anh cùng đi dùng cơm với chúng tôi. Anh ngỏ lời cám ơn và nói, anh đã hẹn với người khác rồi. Đồng thời anh mời chúng tôi trở lại chuyện trò với anh một lần nữa, vào chiều hôm sau. Tôi ngầm hiểu, không phải lúc nào anh cũng có được người tiếp chuyện lý thú như tôi. Tạm chia tay anh, chúng tôi đi về khách sạn. Y hẹn, chiều hôm sau chúng tôi lại đến gặp anh Nguyễn Kiến Giang. Cũng như buổi sáng hôm trước, chúng tôi trao đổi với nhau nhiều về chủ thuyết, về các sự kiện liên quan và về thời cuộc. Trung thành với nguyên tắc của những lần tiếp xúc do tôi tự đặt ra cho mình, tôi chỉ hỏi anh mà không tranh luận, vì tôi có gắng tìm hiểu tư tưởng của anh. Anh cho chúng tôi biết: chính quyền trong nước vẫn mời anh tham gia các buổi hội họp. các cơ quan văn hóa, xã hội hay triết học vẫn mời anh tới để tham khảo ý kiến. Chính quyền thường cho người tới thăm hỏi anh. Những ngày lễ tết họ cho công an mang quà cáp đến biếu anh. Họ còn mời anh viết bài để bày tỏ ý kiến. Có lần, anh hỏi lại: “Tôi viết nhưng các anh có đăng đâu mà viết?”. Họ nói: “Anh cứ viết. Nếu đăng được thì chúng tôi đăng. Nếu chưa đăng được thì chúng tôi sửa lại hoặc trả lại anh”. Anh nói tiếp: nếu như trước kia thì anh đã có thể bị tù vì những bài viết đó của anh. Tôi hiểu, chính quyền đã thay đổi chiến thuật. Một mặt họ dùng vật chất để câu nhử, xoa dịu, mặt khác họ vô hiệu hóa những người có tư tưởng khác với tư tưởng chính thống. Nhưng những cư xử thô bạo của họ đối với các anh thì họ lờ tịt đi. Thái độ đó vẫn là thái độ trịch thượng, bất công, nếu không nói là thiếu quân tử. Dường như để tự vệ đối với chế độ, anh nói với tôi rằng anh chỉ là một nhà tư tưởng, chứ anh không tham gia một tổ chức nào có ý đồ lật đổ chính quyền trong nước. Cuộc nói chuyện lần thứ hai của chúng tôi với anh Nguyễn Kiến Giang diễn ra khá lâu, nhưng tôi e rằng nếu kể ra nữa thì sẽ khá dài dòng và làm mệt óc bạn đọc. Càng trao đổi với nhau, chúng tôi càng thấy hào hứng và cảm thấy hiểu nhau hơn, đến nỗi hình như câu chuyện có vẻ khó có điểm dừng. Trời đã về chiều, chúng tôi đành xin phép cáo từ anh. Tiễn chúng tôi ra cửa, tay nắm chặt tay, anh xúc động nói với chúng tôi: “Thể chế này sẽ sụp đổ. Nó sụp đổ từ bên trong nội bộ Đảng. Nhưng nó cần có thời gian, chứ nó không sụp đổ ngay như nhiều người tưởng. Anh nhắn với anh em ở bên ngoài không nên nôn nóng, không nên tưởng nó sụp đổ ngay rồi thất vọng”. Tôi khẽ gật đầu rồi chào anh. Chúng tôi bước ra phố. Quang cảnh đời thực bên ngoài lại ập tới vây quanh chúng tôi. Xe đạp, xe máy chưa quen với luật giao thông, lượn vòng vèo, uốn éo, kẻ gồng, người gánh, chợ cóc, chợ xanh, hàng quán sang trọng có, úi xùi có, ngổn ngang, chềnh ềnh hai bên đường mà một bộ phim quảng cáo du lịch của nước ngoài đã coi những cảnh đó là những “mô-típ” ảnh hấp dẫn. Trời chạng vạng tối. Những chiếc đèn cao áp thủy ngân tỏa xuống mặt đường những vầng sáng xanh ngằn ngặt…
Ghi chú: (*) “Bàn về sự lãnh đạo của đảng” (Nhà xuất bản Trăm Hoa, Hoa Kỳ, 1993, tr. 72). (**) “Vấn đề con người đang được đặt lại (Một chủ nghĩa nhân văn mới sắp ra đời?” (sđd, tr.77)
N.H.L. – H.H.K.
Nguồn: facebook.com