Le marxisme n’est pas mort, il continuera à exister (…) ce n’est pas une science mais une croyance .
(Chủ nghĩa Mác không chết, học thuyết này tiếp tục tồn tại, đó không phải là một môn khoa học mà là đức tin.)
Verdès-Leroux, Đức tin của những người thất bại, La foi des vaincus
Hiến pháp mới sửa đổi khẳng định Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng cho chế độ chính trị hiện nay, phải chăng đây là lựa chọn đúng đắn? Lựa chọn này của riêng đảng hay của nhân dân Việt Nam? Hiến pháp năm 1992 đánh dấu thời kì đổi mới vì hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu không còn tồn tại. Chỉ còn lại 4 nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa, mỗi nước áp dụng mô hình này theo hoàn cảnh riêng. Tuy nhiên một số nguyên tắc chung dễ nhận thấy ở tất cả các nước này là: Lấy hệ tư tưởng Mác-LêNin làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của một chính đảng duy nhất (Trung Quốc lấy chủ nghĩa Mác-LêNin và tư tưởng Mao cùng thuyết ba đại diện của Đặng Tiểu Bình, Cuba theo chủ nghĩa Mác-LêNin và tư tưởng José Martín, riêng Bắc Triều Tiên trong đợt sửa đổi Hiến pháp năm 2010, đã bỏ tư tưởng Mác-LêNin lấy thuyết Juche của Kim Nhật Thành làm nền tảng, nhưng vẫn công nhận trong Hiến pháp là Nhà nước xã hội chủ nghĩa). Điều kì lạ là các đảng cộng sản đều có quan điểm vô thần, nhưng hệ tư tưởng ở các nước này khiến người ta liên hệ đến một thứ tôn giáo chính trị có 3 ngôi, được khẳng định trong Hiến pháp.
Khi nghiên cứu các bản Hiến pháp tiến bộ của phương Tây, mỗi người đều dễ nhận thấy các nhà lập hiến không đưa ra bất cứ một hệ tư tưởng nào làm nền tảng cho các chính sách chính trị, xã hội. Các bản Hiến pháp dân chủ chỉ nêu ra một số nguyên tắc mà Nhà nước cũng như công dân phải tuân theo. Đó là bảo vệ quyền con người, bảo vệ nền cộng hòa, khẳng định chủ quyền dân tộc, duy trì tính độc lập của ngành tư pháp…
Hệ tư tưởng có thể phù hợp cho một giai đoạn nhất định, cho một nhóm người nhất định nhưng không phải là suy nghĩ chung hay quan điểm của nhiều lớp người trong xã hội vì xã hội luôn thể hiện sự đa dạng và ẩn chứa nhiều mâu thuẫn cần được giải quyết trên cơ sở thương lượng để có thỏa thuận chung. Chủ nghĩa Mác-Lênin liệu có phải là lựa chọn đúng đắn và phù hợp với xu thế hiện nay? (I). Những kết quả của học thuyết này ra sao đối với con người hôm qua và hôm nay? (II).
I. Chủ nghĩa Mác-Lênin có phải là lựa chọn sáng suốt?
Tuyên ngôn đảng Cộng sản năm 1848 trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của các đảng phái cực tả ở Châu Âu nửa sau thế kỉ XIX. Karl Marx và Friedrich Engels là hai tác giả chính. Mở đầu bản Tuyên ngôn đảng Cộng sản, hai ông viết: “Một bóng ma đang ám ảnh Châu Âu: bóng ma ấy là chủ nghĩa cộng sản. Tất cả các cường quốc của lục địa Châu Âu già cỗi đã tập hợp thành một liên minh thần thánh để tầm nã bóng ma ấy: Từ đức Giáo hoàng đến Sa hoàng, Mettemich và Guizot, những người cấp tiến ở Pháp và những viên cảnh sát ở Đức”. Trong phần đầu có tiêu đề “Tư sản và vô sản”, các tác giả nhấn mạnh “Lịch sử của mọi xã hội từ xưa cho đến thời đại chúng ta là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp”. Trước hết khái niệm đấu tranh giai cấp là từ của nhà sử học người Pháp François Guizot, ông nhắc đến từ này đầu tiên trong giáo trình Lịch sử văn minh Châu Âu từ khi đế chế La Mã sụp đổ đến cách mạng Pháp năm 1789, được giảng dạy tại đại học Sorbonne năm 1828. Các nhà trí thức và các nhà chính trị như Augustin Thierry, Adolphe Thiers, François-Auguste Mignet và sau này là Karl Marx và Friedrich Engels đều dùng lại khái niệm này.
Marx và Engels, hai tác giả của Bản tuyên ngôn đảng Cộng sản, 1848
Liệu lịch sử của mọi xã hội chỉ là đấu tranh giai cấp? Karl Marx suy luận theo nghĩa hẹp. Ông cho rằng nhân loại đã biết đến một loạt phương thức sản xuất, mỗi phương thức sản xuất dẫn đến một hình thức phân công lao động, phương pháp này sẽ dẫn đến sự đối lập giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, nhưng theo đà tiến hóa của lịch sử, các phương thức sản xuất mới xuất hiện, sẽ tạo ra sự chênh lệch giữa phân công lao động kiểu cũ và kiểu mới. Lực lượng sản xuất mới sẽ thế chỗ cho lực lượng sản xuất cũ trong các mối quan hệ sản xuất, sẽ dẫn đến sự xung đột giữa các lực lượng sản xuất. Đấu tranh giai cấp sẽ dẫn đến một hình thức sản xuất mới ra đời. Sẽ có phân công lao động mới và lịch sử lại bắt đầu.
Quan điểm này mang nghĩa hẹp và khá hài hước. Marx đã bỏ qua tất cả các sự kiện lịch sử khác và chỉ quan tâm đến đấu tranh giai cấp. Lịch sử phát triển của xã hội loài người còn được tạo lập nhờ các luồng tư tưởng, các ngành khoa học xã hội và tự nhiên như triết học, luật học, toán học, y học, các sáng tạo vĩ đại của con người làm thay đổi xã hội, lịch sử phát triển của xã hội còn nhờ các cuộc cách mạng về tư tưởng và đổi mới mà không hề qua đấu tranh giai cấp, lịch sử tiến triển của xã hội cũng nhờ các phát kiến địa lí và cả các cuộc chiến tranh… Quan điểm nhận thức của Karl Marx và Friedrich Engels không hề chú ý đến thiện chí của con người, ngược lại con người được xác định trong các điều kiện của các phương thức sản xuất, kinh tế quy định lịch sử.
Tuyên ngôn đảng Cộng sản sau này trở thành tài liệu quan trọng của tất cả các đảng phái cực tả trên khắp thế giới. Chương trình 10 điểm được nêu ra trong bản Tuyên ngôn, được tất cả các đảng Cộng sản tuân thủ, có sự hợp tác chặt chẽ giữa các đảng Cộng sản ở khắp nơi, phương thức hành động đều giống nhau và phù hợp với nội dung văn bản. Điều này này góp phần tạo ra những sự kiện đầy biến động trong thế kỉ XX. Chủ nghĩa Mác-Lênin hướng đến hành động, hệ tư tưởng này được chuyển từ lí thuyết sang hành động trong thực tế.
Karl Marx chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng của Saint-Simon, kết hợp với triết học biện chứng của Hégel. Năm 1859, Charles Darwin xuất bản cuốn sách, Nguồn gốc các loài qua con đường chọn lọc tự nhiên, lí thuyết tiến hóa trong tự nhiên đã được Karl Marx áp dụng cho quá trình phát triển của các hình thái xã hội. Marx sinh ra vào thời kì đầu của kỉ nguyên công nghiệp, ông quan sát các cuộc di dân từ nông thôn ra thành thị và chứng kiến đời sống cùng khổ của giai cấp công nhân. Marx mất năm 1883. Về chính trị, Marx không được chứng kiến quá trình xây dựng nền dân chủ đa đảng và hình thức bỏ phiếu phổ thông, Marx cũng không có dịp chứng kiến những tiến bộ đầu tiên về chính trị xã hội và giáo dục phổ thông bắt buộc. Marx sống ở Anh và đã biết đến các đạo luật đầu tiên tạo điều kiện cho người nghèo, poor laws. Nền đệ tam cộng hòa bắt đầu hình thành ở Pháp từ năm 1870, mở đầu thời kì vàng son về dân chủ và tự do. Các quyền cơ bản của con người về chính trị và xã hội được bảo vệ. Các tổ chức công đoàn được thành lập để bảo vệ người lao động. Các đạo luật đầu tiên quy định về thời gian làm việc và cấm trẻ em không được lao động ở các nhà máy vào ban đêm. Luật bảo hiểm xã hội đã được thông qua năm 1880 dưới thời Bismarck ở Đức… Marx đã không suy nghĩ những tiến triển tích cực đó.
Jacques Ellul, trong tác phẩm Tư tưởng Marxiste, 1992 cho rằng chính Karl Marx đã phủ nhận Tuyên ngôn đảng Cộng sản 1848, vì Karl Marx quan sát diễn biến của công xã Paris, và suy luận đây sẽ là Nhà nước đầu tiên của giai cấp vô sản áp dụng lí thuyết của mình. Sau khi công xã thất bại năm 1871, Karl Marx ghi mấy dòng vào sổ: “Tôi xin bổ sung một số điểm quan trọng, điều này có thể làm thay đổi căn bản Tuyên ngôn đảng Cộng sản, từ nay văn bản này không còn áp dụng được nữa”.
Tây Âu sau chiến tranh thế giới thứ 2 đều nhận thức được những nguy cơ của chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng không dám lớn tiếng. Có nhiều lí do để giải thích cho sự im lặng này: Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Châu Âu kiệt quệ, mục tiêu hàng đầu của các nước là khôi phục kinh tế và ổn định cuộc sống. Các nước Tây Âu không muốn đối đầu trực tiếp với Liên bang Xô viết, các nước này cũng bỏ rơi các nước Đông Âu, sau hiệp ước Yanta kí kết giữa Stalin, Roosevelt và Winston Churchill. Hơn 1 triệu quân của Liên bang Xô viết đóng tại các nước Đông Âu và Đông Đức, đây là nguy cơ đe dọa thường trực với phương Tây. Những vi phạm về nhân quyền, các biện pháp bóp nghẹt các quyền tự do, hay tin đồn về sự tồn tại của hơn 400 goulag ở Sibéri, nơi giam giữ hàng triệu người bị coi là chống đối Nhà nước Liên bang Xô viết. Các tù nhân phải làm việc trong các điều kiện khắc nghiệt, nhiều người trong số họ nằm lại vĩnh viễn tại các nghĩa trang ở các trại lao động cưỡng bức rải rác khắp nơi. Phương Tây đều biết nhưng nhắm mắt làm ngơ vì các nhà lãnh đạo lo sợ về một cuộc chiến khác với phe Cộng sản, phương Tây muốn hòa bình.
Các đảng Cộng sản ở Tây Âu sau chiến tranh có ảnh hưởng rất mạnh trong đời sống chính trị và đều ra sức bênh vực Liên bang Xô viết và mô hình xã hội chủ nghĩa. Các lãnh tụ Cộng sản cho rằng Liên bang Xô viết đã có công cứu Châu Âu và thế giới nhờ chiến thắng Đức Quốc xã. Đảng Cộng sản Pháp sau chiến tranh nhận được 14 % số phiếu ủng hộ và chiếm được nhiều ghế trong Nghị viện. Đảng này cũng nhận được 2 triệu đôla tiền viện trợ từ Mascơva để xây dựng phong trào Cộng sản ở Pháp, các nhà trí thức lớn như Jean-Paul Sartre, Paul Eluard, Louis Aragon đều có cảm tình với Chủ nghĩa cộng sản. Louis Aragon tham dự đại hội tại thánh đường Mascơva và ủng hộ việc xây dựng các goulag, nhà văn Marxime Gorki đi thăm và động viên những người đang làm việc ở các goulag vì mục đích giáo dục con người trong xã hội chủ nghĩa.
Sẽ có ý kiến cho rằng chủ nghĩa Mác có cơ sở nhân đạo và có mục đích giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột. Tư tưởng cộng sản hướng đến một thế giới tốt đẹp, mọi người đều bình đẳng làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Sẽ không còn giai cấp, sẽ không còn Nhà nước và luật pháp. Con người sẽ phát triển hoàn thiện… Những ý tưởng này luôn có sức hấp dẫn đối với các nước thuộc địa và đặc biệt đối với tầng lớp công nhân và nông dân có nhận thức một chiều và có hạn chế về trình độ. Vì vậy các nhà lãnh đạo luôn vội vã xây dựng chủ nghĩa xã hội và đào tạo con người xã hội chủ nghĩa. Quyết tâm của họ dẫn đến những hệ lụy lâu dài vì địa ngục được lát nền từ những ý tưởng tốt đẹp (l’enfer est pavé de bonnes intentions).
Các nhà lãnh đạo trước đây chưa nhận thức được đầy đủ về chủ nghĩa Mác-Lênin do điều kiện hoàn cảnh lịch sử và mức độ tri thức có hạn. Các nhà lãnh đạo hiện nay, đa số đều ý thức được mô hình chính trị này không còn phù hợp nhưng rất khó thay đổi vì một khi thể chế chính trị được xây dựng và củng cố trong nhiều năm, nó sẽ tiếp tục vận hành theo một chiều hướng định sẵn. Cũng cần nhấn mạnh ở đây, các nhà cầm quyền hiện nay là những người kế thừa những gì đã được xây dựng từ trước, họ không phải là những người sáng lập. Để có sự thay đổi rất cần lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước thương dân ở họ, cần có sự thỏa thuận giữa những nhà trí thức tiến bộ và các nhà lãnh đạo để bảo vệ đầy đủ quyền lợi cho họ và gia đình.
Cũng sẽ có ý kiến cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin luôn đúng nhưng con người áp dụng sai. Điều này không thuyết phục, vì học thuyết này đã được áp dụng và thất bại ở nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử: Thời kỳ Convention năm 1793 ở Pháp, nhóm cực tả gồm Robespierre, Saint-Just, Danton, Babeuf đã biến các ý tưởng của Jean-Jacques Rousseau, (một trong những người thầy đầu tiên về chủ nghĩa cộng sản), thành hiện thực. Kết quả đã dẫn đến những rối loạn trong xã hội và rất nhiều người oan uổng bị đưa lên máy chém. Công xã Paris năm 1871, nơi thử nghiệm đầu tiên cho tư tưởng của Marx, chỉ tồn tại được hơn 2 tháng. Nhà nước Liên bang Xô viết (1917-1991) cũng như tất cả các nước Đông Âu và Trung Âu đã sụp đổ. Các nước vệ tinh ở Châu Á và Châu Phi như Bắc Triều Tiên, Angola, Cuba đều bế tắc về kinh tế và chính trị, cho dù học thuyết Mác-Lênin được tuân thủ đến mức giáo điều, được vận dụng sáng tạo theo hoàn cảnh của mỗi nước và được Liên bang Xô viết giúp đỡ nhiệt tình. Chủ nghĩa xã hội đã để lại những vết thương lòng cho nhiều dân tộc vì những hậu quả xuất phát từ tính không tưởng của nó.
II. Những hậu quả của chủ nghĩa Mác-Lênin
Viện sĩ hàn lâm Pháp Jean-François Revel trong tác phẩm Cuộc thao diễn vĩ đại, la grande parade, (trang 163, 164) nhà xuất bản Plon năm 2000 đã thuật lại câu chuyện của Max Weber và Joseph Schumpeter bàn về chủ nghĩa xã hội, dựa theo tài liệu nghiên cứu của Karl Jasper về Weber. Weber là nhà xã hội học có ảnh hưởng lớn nhất thế kỉ XX, người sáng lập ra ngành xã hội học biện giải. Ông chịu ảnh hưởng của Marx, nhưng cũng là người phê phán những sai lầm của Marx. Schumpeter là nhà kinh tế lớn của thế kỉ, ông từng là học trò của Weber, sau này trở thành giáo sư kinh tế tại Đại học Havard, cả hai người đều có chung văn hóa Đức như Marx.
Hai người gặp nhau ở một quán café ở Vienne, hai người quen khác là Ludo Moritz Hartmann và Felix Somary cũng có mặt ở đó. Schumpeter khẳng định ông rất vui mừng về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga. Lí tưởng xã hội chủ nghĩa từ nay không còn trên giấy nữa mà đang trở thành hiện thực, nhìn thấy được. Weber tỏ ra khó chịu và đáp lại: “Chủ nghĩa cộng sản đang phát triển ở Nga và sẽ gây ra nhiều tội lỗi, lí thuyết này sẽ dẫn đến sự đói nghèo và những thảm họa khủng khiếp.» Schumpeter cự lại vẻ mỉa mai: “Nếu mọi việc diễn ra như thế, đó có thể là thí nghiệm tuyệt vời làm sao”. Weber đáp lại với giọng rất bực mình:”Thí nghiệm được thực hiện với hàng núi xác người”. Schumpeter đáp trả vẻ khó chịu: “Chúng ta có thể ví như công việc của bất kì phòng giải phẫu nào”. Hai người tiếp tục tranh luận gay gắt, mọi cố gắng hướng sang chuyện khác đều thất bại. Weber càng ngày càng nói to và tỏ ra giận dữ. Schumpeter im lặng, thỉnh thoảng lại chọc thêm mấy câu khiêu khích. Những người khác lắng nghe với vẻ tò mò đến khi Weber đứng lên và nói: “Tôi không muốn nghe gì thêm nữa”, ông bỏ đi và quên cả mũ. Hartmann theo sau và cầm mũ cho Weber. Schumpeter ở lại quán café vừa cười vừa nói: “Làm sao ông ấy có thể to tiếng như thế”. Là nhà kinh tế, Shumpeter nghĩ rằng sự phá sản một mô hình kinh tế thể hiện sự sai sót của lí thuyết. Với quan điểm của một nhà xã hội học, Weber cho rằng một lí thuyết không tưởng không bị bác bỏ, ngay cả khi việc thực hiện nó dẫn đến thất bại. Weber mất năm 1920, ông không có dịp chứng kiến những diễn biến của lịch sử. Schumpeter sang Mỹ, ông mất năm 1950, nên cũng không kiểm nghiệm được những suy nghĩ của mình, tuy nhiên sau này suy nghĩ của ông khác đi, ông bác bỏ hoàn toàn quan điểm của Rosa Luxembourg và Lênin về chủ nghĩa đế quốc.
Hermann Rauschning một cựu quan chức cao cấp của Đức quốc xã đã thuật lại những cuộc thảo luận của ông với Hitler trong tác phẩm Hitler đã nói với tôi, Hitler m’a dit, xuất bản tại Pháp năm 1939, sau khi Rauschning trốn sang Pháp và sau đó sang Anh định cư. Hitler tuyên bố với Rauschning: “Tôi không chỉ là người chiến thắng chủ nghĩa Mác, tôi còn là người thực hiện nó. Tôi đã học được ở chủ nghĩa Mác rất nhiều, tôi không che giấu điều đó. Không phải học các chương chán ngắt về lí thuyết đấu tranh giai cấp hay về chủ nghĩa duy vật lịch sử, cũng không phải học điều vô lí mà ông ấy gọi là giới hạn lợi tức hay những thứ nhảm nhí khác. Điều mà tôi quan tâm và học được ở những người Marxist là phương pháp của họ. Tôi rất coi trọng vai trò của những nhân viên bán hàng vặt vãnh, những thư kí đánh máy chữ. Toàn bộ chế độ Đức quốc xã ẩn chứa nơi họ. Ông hãy nhìn kĩ: Các hiệp hội thợ thuyền, các chi bộ ở các xí nghiệp, các đoàn người diễu hành đông đảo, những tờ truyền đơn được viết ra theo cách đặc biệt để giác ngộ quần chúng. Tất cả những phương thức đấu tranh chính trị mới này gần như đều do những người Cộng sản nghĩ ra. Tôi chỉ cần nắm lấy những phương pháp đó, phát triển lên một bước và như thế là tôi có được công cụ mà chúng ta cần”, (trang 96).
Tranh cổ động vẽ hình các lãnh tụ cộng sản thời Liên bang Xô viết
Nhiều sự kiện đau thương đã diễn ra trong thế kỉ XX, như chiến tranh, nạn đói…Trong các năm 1932-1933, 6 triệu người Ucraina chết đói, do một nghị quyết của Bộ Chính trị, đứng đầu là Stalin. Quyết định này cấm người nông dân Ucraina không được rời bỏ làng quê, đồng thời Nhà nước tiến hành trưng thu lương thực của người dân. Tin về nạn đói đang hoành hành ở Ucraina đến tai một số nhà lãnh đạo Châu Âu. Edouard Herriot, nghị sĩ đảng cực tả được Stalin mời sang Liên bang Xô viết và đến Ucraina giám sát tình hình. Con tàu đưa viên nghị sĩ đầu đất (cách gọi của viện sĩ hàn lâm Jean-François Revel) đi đến một số nơi, gặp gỡ người dân và nhận thấy không hề có nạn đói. Edouard Herriot nhận xét với báo chí: “Tôi chỉ nhìn thấy những vườn rau ở các nông trang được trồng trọt và chăm sóc cẩn thận, với hệ thống tưới tiêu đáng khâm phục, nếu ai đó bảo tôi có nạn đói ở Ucraina, hãy cho phép tôi nhún vai từ chối”. Viên nghị sĩ đầu đất không hề biết, trước khi đoàn đến các nơi đã có chuẩn bị sẵn, bánh mì đã được phân phát từ ngày hôm trước, mọi thứ đã được dọn dẹp ngăn nắp. Với chính sách tuyên truyền của Stalin, Edouard Herriot không hề biết những gì xảy ra.
Mao áp dụng chính sách đại công nghiệp thực hiện bước nhảy vọt về kinh tế, đã dẫn đến nạn đói kinh hoàng trong những năm 1958 đến 1961. Khoảng 15 triệu người Trung Quốc chết đói, theo thống kê của Nhà nước, trong thực tế con số này có thể lớn hơn. Với kế hoạch sản xuất gang thép phục vụ cho phát triển công nghiệp, hàng triệu người đã buộc phải rời bỏ đồng ruộng để phục vụ cho các ngành công nghiệp nặng. Sản xuất nông nghiệp được thực hiện trong các hợp tác xã, khiến sản lượng rất thấp. Do quản lí điều hành yếu kém cộng với tình hình mất mùa do thiên tai, đã dẫn đến nạn đói. Người dân ở nhiều nơi tập trung ở các kho lương thực của Nhà nước và khẩn khoản: “Đảng Cộng sản và chủ tịch Mao, hãy cứu lấy chúng tôi”. Ở hai vùng, kho lương thực đã được mở ra cứu đói cho dân, ở đó không có người chết. Tại những nơi khác, cán bộ chỉ nghĩ đến cách tự cứu mình, bằng cách giao đủ sản lượng cho Nhà nước, ở những nơi đó, có nhiều người chết đói. Mao nói với những người thân cận: “Không có báo chí đưa tin, không có nạn đói”. Đã xảy ra hiện tượng ăn thịt đồng loại để sống sót ở Trung Quốc. Năm 1980, Trung Quốc đã tiến hành kiểm điểm và đưa ra kết luận. Nguyên nhân nạn đói 70 % là do yếu tố con người, 30 % do thiên tai mất mùa.
Bắc Triều Tiên, dưới thời Kim Nhật Thành cũng phải hứng chịu nạn đói khốc liệt năm 1990, do thiên tai và do chính sách tự cấp tự túc được nhà lãnh đạo này để xướng. Không có con số chính xác về số lượng người chết đói, nhưng rất nhiều người Bắc Triều Tiên mất đi người thân trong nạn đói này. Một số người đã thành công đào thoát được sang Nam Triều Tiên.
Một sự kiện đau thương khác diễn ra năm 1933 trên đảo Nazino. Chính quyền Liên bang Xô viết đưa một đoàn 6000 người, (4000 người sau đó đã chết), chủ yếu là những người được đánh giá là phần tử phản cách mạng và bất phục tùng chế độ, tới đảo Nazino, trên sông ở Sibéri, cách Tomsk khoảng 600 km về phía bắc. Với một số nông cụ, một lượng bột mì để làm bánh, do không có lò làm bánh mì tại chỗ, họ lấy nước sông, trộn với bột mì để ăn. Kết quả là bệnh kiết lị xuất hiện. Sau một vài tuần, bạo lực đã diễn ra để tranh giành lương thực, một số vụ ăn thịt người đã xảy ra. Đảo Nazino, được người dân địa phương mệnh danh là đảo ăn thịt người. Các nhà lãnh đạo đã tiến hành kiểm điểm những người chịu trách nhiệm. Vụ việc này được giấu kín trong nhiều năm. Năm 2000, các tổ chức xã hội ở Nga đã có các hoạt động tưởng nhớ các nạn nhân trên đảo Nazino.
Nạn đói chỉ tồn tại ở các nước xã hội chủ nghĩa, không có ở các nước dân chủ.
Hình bìa cuốn sách, Đảo của những kẻ ăn thịt người của Nicolas Werth
Kết luận
Chủ nghĩa Mác-LêNin đem lại những bi kịch cho nhiều dân tộc trên thế giới. Việc công nhận học thuyết này là nền tảng cho chế độ chính trị ở Việt Nam, là không hề phù hợp với văn hóa và truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Vì sao các nhà lãnh đạo lại chọn học thuyết Mác-LêNin và trang trọng ghi vào bản Hiến pháp mới sửa đổi? Vì sao lời mở đầu bản Hiến pháp chỉ dành ba dòng như khúc nhạc dạo đầu để nói về lịch sử và truyền thống của Việt Nam trong suốt gần 3000 năm, còn những ý tứ quan trọng và mục đích của Hiến pháp được các nhà lập hiến dành hẳn 13 dòng khác trong lời mở đầu để nói về lịch sử của 68 năm thời hiện đại và về chủ nghĩa xã hội. Bản Hiến pháp sửa đổi lặp lại từ “nhân dân” đến 166 lần, giống như Hiến pháp của các nền dân chủ nhân dân hay dân chủ hình thức ở Liên bang Xô viết và Đông Âu trước đây. Nhưng suy nghĩ kĩ, văn bản này in đậm dấu ấn của đảng Cộng sản.
Dù Karl Marx và LêNin không được công nhận là những danh nhân văn hóa thế giới và không phải là người Việt Nam nhưng vẫn được nhắc đến trong Hiến pháp. Các nhân vật lịch sử xuất sắc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, những nhà văn hóa lớn của dân tộc được l’UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới, lại không được nhắc đến. Nền văn hóa Việt Nam đã tồn tại suốt mấy nghìn năm. Những truyền thống tốt đẹp của cha ông đã được giữ gìn qua bao nhiêu thử thách và biến cố lịch sử, phải trở thành nền tảng cho Hiến pháp, kết hợp với những giá trị dân chủ tự do của nhân loại tiến bộ.
P.T.Đ.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
Tài liệu tham khảo
- La grande parade, Jean-François Revel, de l’Académie française, Plon 2000.
2. Pensées et idées politiques, Nathanie Blanche-Noël, Faculté de droit et science politique de l’Université de Bordeaux.
3. La pensée marxiste, Jacques Ellul, IEP de Bordeaux, 1992.