Lễ thắp nến kỷ niệm 60 năm ngày ra đời bản Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào năm 2008 – Reuters
Hôm nay 27/11/2013 bốn mươi nhân sĩ trí thức tại Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố bản kiến nghị lên Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Việt Nam. Kiến nghị này đề xuất việc cho thành lập các hội đồng thúc đẩy nhân quyền, với mục đích phổ biến và thực thi các quyền cơ bản của công dân.
RFI Việt ngữ đã phỏng vấn giáo sư Tương Lai tại thành phố Hồ Chí Minh, một nhân sĩ ký tên trong bản kiến nghị.
Nghe clip âm thanh RFI phỏng vấn Gs. Tương Lai.
RFI: Kính chào giáo sư Tương Lai, xin giáo sư vui lòng cho biết vì sao các nhân sĩ trí thức Saigon đưa ra kiến nghị tổ chức hội đồng thúc đẩy nhân quyền?
Giáo sư Tương Lai: Chúng tôi có kiến nghị với Nhà nước tổ chức Hội đồng thúc đẩy nhân quyền vì việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc – một trong hai hội đồng có tiếng nói rất quyết định ở Liên Hiệp Quốc là Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền – phải nói rằng đây là một cơ hội để Việt Nam hòa nhập với thế giới.
Vì sao nói thế? Trong khái niệm về nhân quyền, thì trước đây mỗi lần phản bác những thông tin của các lãnh đạo thế giới, của truyền thông thế giới nói Việt Nam vi phạm nhân quyền, thường nhà cầm quyền Việt Nam và các phương tiện truyền thông chính thức của Nhà nước luôn luôn nói là mỗi nước có một tiêu chuẩn, và tùy theo đặc điểm của mỗi nước mà vận dụng vấn đề nhân quyền! Và người ta nói việc lớn nhất là giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, v.v.
Thực ra đấy là một cách đánh tráo khái niệm! Bởi vì vấn đề nhân quyền là một trong những đòi hỏi rất cấp bách của không phải chỉ Việt Nam mà của thế giới hiện đại. Cuộc đấu tranh trên thế giới để giải phóng con người là một cuộc đấu tranh trường kỳ từ xưa tới nay. Và giải phóng con người là để con người thoát khỏi ách nô lệ.
Việt Nam từ một nước nô lệ, chịu ách thực dân ngót một trăm năm và khi giành được độc lập, ra Tuyên ngôn độc lập ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, thì câu mở đầu cho Tuyên ngôn độc lập đó chính là câu trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Trong đó nói về nhân quyền và dân quyền, và Tuyên ngôn nhân quyền & dân quyền của cách mạng Pháp.
Như vậy là ngay từ đầu, khi Việt Nam được độc lập thì đã chính thức hội nhập vào với thế giới, và thấy rằng cần phải thực thi những chuẩn mực mang tính quốc tế trong đấu tranh giải phóng con người.
Thế nhưng khi cần thiết thì người ta bẻ quẹo khái niệm này đi. Đánh tráo khái niệm, nói rằng là, không, mỗi nước có một cái chuẩn riêng, vân vân. Và lại lôi ra là nước các anh vi phạm nhân quyền ở chỗ này chỗ kia, còn ở chúng tôi thì rất là (tôn trọng) nhân quyền, theo cái kiểu như là “triệu lần dân chủ hơn”… đại khái như thế.
Bây giờ với việc Việt Nam tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cam kết thực thi với thế giới những vấn đề nêu lên trong Tuyên ngôn nhân quyền đó. Thì đây là một cơ hội hết sức thuận lợi để nói rằng trước đây cái lối đánh tráo khái niệm là “chúng tôi có kiểu nhân quyền của chúng tôi”, bây giờ không thể nói theo luận điệu bịp bợm ấy nữa, mà phải theo tiêu chuẩn chung của thế giới!
RFI: Trong kiến nghị có đề nghị các hoạt động chào mừng việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc…
Có nhiều cách để tôn vinh danh dự Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với số phiếu rất cao. Một vài nhà chính trị đã hí hửng tuyên bố rằng đây là một cái tát vào mặt những kẻ lâu nay lên án Việt Nam không có nhân quyền.
Chúng tôi nói đùa với nhau rằng, đúng! Nếu đây là tát vào má bên trái thì tôi chìa má bên phải để người ta tát nốt. Để rồi sau đó nói rằng, chịu cái tát rồi thì bây giờ chúng tôi đòi hỏi các ngài hãy thực thi lấy nhân quyền. Cái quyền con người mà lâu nay các ngài chà đạp, thì bây giờ hãy thực hiện nó, khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc!
Đấy chính là ý nghĩa sâu xa của vấn đề chúng tôi đề nghị hình thành Hội đồng xúc tiến nhân quyền của Việt Nam.
RFI: Giáo sư có thể giải thích thêm về ý nghĩa của việc này như thế nào?
Có mấy ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất, như chúng tôi đã đòi hỏi, từ trước đến nay trên các báo đài chính thống hiếm khi đăng tải toàn văn các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết. Đặc biệt là các Công ước của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền mà dư luận rất quan tâm, như Công ước về các quyền dân sự và chính trị, Công ước chống tra tấn…
Trong thực tế thì các văn bản này người ta chỉ trích thôi. Trích rồi diễn giải theo ý rất chủ quan của người cầm quyền. Vì vậy khi thông tin đó đến với đông đảo người dân thì không còn nguyên nghĩa, với nội dung mà dân cần biết. Mà lại là chuyển tải những ý đã xuyên tạc theo yêu cầu của người cầm quyền, muốn dân phải hiểu theo ý họ hiểu – hay nói đúng hơn, theo ý họ muốn.
Đến bây giờ, với việc Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, thì đây là lúc phải bằng hành động cụ thể để công khai, minh bạch tất cả những gì đã ký kết hoặc đã là thành viên, đã chấp nhận. Hoặc mới đây là 14 điều cam kết mà chính phủ Việt Nam ký khi nộp đơn ứng cử.
Như vậy chúng tôi cho rằng từ nay trở đi cần có hành động cụ thể, có sự kiểm tra và giám sát chặt chẽ của nhiều định chế của Nhà nước và nhất là của dân. Nói là của dân thì phải làm sao cho vai trò của tổ chức xã hội dân sự được phát huy, để giám sát việc thực thi những điều đã ghi trong Tuyên ngôn nhân quyền, và Nhà nước của ta đã cam kết thực hiện với thế giới.
Đây là một đòi hỏi rất là tường minh, không có một cái gì khuất tất cả. Không thể nói rằng đây là cái bọn đang “diễn biến hòa bình”, định nhân chuyện này để phá rối trật tự trị an. Không! Chúng tôi chỉ làm một việc quang minh chính đại. Mà một Nhà nước biết tự trọng, một Nhà nước có liêm sỉ trước thế giới, một Nhà nước biết giữ danh dự quốc gia thì không được nói một đằng làm một nẻo, phải làm những điều đã cam kết!
Chúng tôi nghĩ đây là lúc hết sức thuận lợi. Cho nên rất vui mừng nhận định rằng việc Việt Nam tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là một cơ hội để thúc đẩy quá trình dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Và đây là một tiền đề để Việt Nam vượt lên những hạn chế mà trước đây chưa thực hiện được.
RFI: Có lẽ một trong những hạn chế là việc người dân biết rất ít về những quyền lẽ ra mình được hưởng, như giáo sư đã nói?
Đây là một dịp rất tốt để quảng bá rộng rãi tri thức về nhân quyền cho đông đảo quần chúng nhân dân biết. Điều này quan trọng lắm. Bởi vì từ xưa tới nay báo chính thống chỉ đưa một chiều thôi, tức là trích dẫn những văn bản của thế giới, ký kết này nọ có bao giờ họ tuyên bố một cách công khai đâu. Vì vậy người dân biết được rất ít.
Dịp này khi chúng tôi đề nghị thành lập Hội đồng xúc tiến nhân quyền của trung ương rồi của địa phương, Mặt trận các cấp để làm gì? Để cho nhân dân thông hiểu, biết được quyền của mình để mà đấu tranh đòi hỏi.
Vì trong thực tế lâu nay quyền của con người đang bị vi phạm một cách rất ghê gớm, mà nhân dân khi đấu tranh đương nhiên là gặp phải sự đàn áp một cách tàn bạo. Và ở đây để giúp người ta vượt qua nỗi sợ hãi để đi tới, thì người ta phải được trang bị những kiến thức về vấn đề nhân quyền.
Như bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện đã phát biểu “đối với tôi nhân quyền bây giờ là phải biết vượt qua sự sợ hãi để mà đi tới”. Vượt qua nỗi sợ hãi đó, con người mới có thể dám đứng lên để giành quyền sống, quyền làm người của mình được.
Dịp này là dịp chính thức có thể tuyên truyền công khai, thêm vào đó lại có sự hỗ trợ của quốc tế, để cho người dân Việt Nam hiểu về nhân quyền. Hiểu về cuộc đấu tranh cho dân chủ gắn liền với đấu tranh cho quyền con người.
Đấy là ý nghĩa của việc mà chúng tôi phải làm gấp, đưa ra đề nghị thành lập Hội đồng xúc tiến nhân quyền.
RFI: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn giáo sư Tương Lai tại thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ về bản kiến nghị đòi hỏi thành lập Hội đồng thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam.
T. M.