Buổi thời sự 19 h ngày 22/11/2013 tôi vô tình lướt qua VTV1 thấy phóng sự “Xây sân bay Long Thành rẻ hơn mở rộng Tân Sơn Nhất” ngụ ý tất yếu phải xây sân bay Long Thành.
Đây là một phóng sự được đầu tư lớn, dàn dựng rất bài bản, tốn kém. Những nhân vật trong phóng sự đủ các thành phần, rất “khách quan” như lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, ngành HKVN (Hội khoa học HK), lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất, doanh nhân nước ngoài Hiorlnnd. Để hẹn gặp, phỏng vấn đủ các nhân vật này ở hai miền cách nhau cả hơn ngàn km là rất công phu, tốn kém. Có vẻ như tất cả chỉ nhằm khuất phục dư luận đang sôi sục: Không nên xây sân bay Long Thành lúc này mà hủy dự án sân golf cải tạo sân bay TSN để đỡ tốn kém tiền dân, khỏi mất “thương hiệu vàng” của nó…
Để thuyết phục dư luận phải xây sân bay Long Thành, VTV trích ý kiến các nhân vật đưa ra các thông tin số liệu mập mờ và lảng tránh những vấn đề cốt lõi nhất mà nhân dân, cử tri TP Hồ Chí Minh, những lão thành tâm huyết đang sôi sục.
– Đó là vấn đề tiết kiệm: VTV đưa ra con số nếu mở rộng TSN thì nhà nước phải chi 9,4 tỷ USD trong khi xây Long Thành chỉ mất 7,7 tỷ USD chủ yếu là đền bù giải tỏa mặt bằng. Đây là con số vô căn cứ. Theo số liệu điều tra, quy hoạch của cục HKVN năm 2010 thì diện tích sân bay TSN là 1.150 ha. VTV nói TSN chỉ có hơn 800 ha là sai hoàn toàn. Phải chăng “nhóm lợi ích” báo cáo sai hoặc không tính 157 ha đang làm sân golf vào TSN? Ai có quyền cắt 157 ha kia ra khỏi khu vực đất quốc phòng? Nếu thế, với 1.150 ha TSN không phải giải tỏa một mét đất nào mà vẫn có sân bay công suất 40-70,80 triệu khách/năm. Hãy xem, sân bay Check Lap Kok (mới xây thay cho sân bay Kai Tak) của Hongkong cũng có diện tích xấp xỉ TSN (1.200 ha) nhưng họ làm được sân bay công suất hiện tại 45 triệu khách/năm và có thể tăng lên 80 triệu khách/năm. Như vậy nếu cải tạo TSN lên 40-50 triệu khách/năm thì có cần phải chi cho GPMB số tiền lớn đến mức ấy hay không?
– TSN quá tải: Đúng, TSN quá tải từ năm 2005 kể cả sân đỗ và nhà ga hành khách. Năm 2008 TSN đưa nhà ga HK mới công suất hơn 10 triệu khách vào khai thác thì chỉ tồn tại quá tải sân đỗ. Từ năm 2007 chính phủ đã đồng ý cho TSN quy hoạch thêm 30 ha sang phía đất quân sự nhàn rỗi để làm 30 chỗ đỗ nhưng không thành. Từ đó nhiều chuyến bay đến TSN phải bay vòng chờ, nhiều hãng nước ngoài đã bỏ đi transit ở nước khác. Những khi nhiều chuyến bay hạ cánh, TSN vẫn phải thuê chỗ đỗ bên quân sự. Tuy nhiên, trong phóng sự VTV chỉ nói TSN quá tải chung chung là một cách để khán giả hiểu lầm. Việc VTV nói “quy hoạch TSN trước kia cho công suất chỉ gần chục triệu khách nay đã 20 triệu khách” (gần gấp 2 lần) nên quá tải là không đúng. Để đầu tư có hiệu quả, xây dựng sân bay bao giờ người ta cũng chia ra từng giai đoạn theo tăng trưởng khách như: Nhà ga T (terminal) 1,2,3… Không có chuyện trước kia sân bay chỉ thiết kế mấy triệu nay mấy triệu… Nay TSN quá tải sân đỗ thì xây thêm, bao giờ nhà ga hiện thời chật thì lại làm thêm một “T” nữa… TSN với 1.150 ha đủ diện tích để xây thêm hạ tầng công suất đến 40-70, 80 triệu khách/năm…
– “Không thể để sân bay trong nội thành, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân”: Đây là ý kiến ông Trần Quang Châu (Hội khoa học HK) cũng rất mơ hồ, không khách quan. Tất nhiên sân bay hoặc bất cứ hoạt động nào gây ra tiếng ồn, thải ra khí độc cũng “ảnh hưởng đến đời sống nhân dân” nhưng sân bay cũng không thể để quá xa thành phố vì càng xa càng tốn thời gian đi lại, nhiên liệu và thải ra môi trường chung càng nhiều khí độc nên người ta thường xây dựng sân bay cách thành phố 20- 30 km là tối ưu. Tuy nhiên, nhiều sân bay do hoàn cảnh cụ thể (hạn chế về địa hình, bị dân cư bao vây, hoàn cảnh kinh tế chưa cho phép, nhu cầu tăng trưởng khách chưa cấp bách…) việc sân bay nằm sát với thành phố như TSN vẫn tồn tại, như sân bay Check Lap Kok (Hongkong), Haneda (Tokyo-Nhật)… TSN rõ ràng cũng “ảnh hưởng không tốt với đời sống người dân” nhưng còn máy bay quân sự và sân golf thì sao không thấy các nhân vật đáng kính và VTV nhắc đến trong khi tiếng ồn và khí thải máy bay quân sự cao hơn nhiều lần một máy bay dân dụng cùng công suất, sân golf dùng rất nhiều hóa chất ô nhiễm môi trường đất, nước, còn nguy hiểm khí thải trên không (?).
– IATA (tổ chức vận tải HK quốc tế) và doanh nhân châu Âu đều có ý kiến ủng hộ Long Thành… Nhà đầu tư nào không muốn nước khác có dự án lớn để đầu tư? Nhà nước Nhật đang tháo dỡ, giảm dần, tiến đến xóa sổ điện hạt nhân nhưng doanh nhân họ lại động viên VN xây điện hạt nhân. Những năm trước đây, báo chí (nhất là VTV) doanh nhân nước ngoài… đã từng ca ngợi hướng đi, thành tựu của Vinashin lên tận mây xanh đấy thôi…
Đặc biệt, có một vấn đề mà nhân dân cả nước, cử tri TP Hồ Chí Minh, công luận bức xúc nhất, là tại sao TSN không có đất mở rộng sân đỗ máy bay, không có đất cho sân bay để mở mang thì lại có 157 ha làm sân golf trái luật thì không thấy nhân vật nào nói tới? Phải chăng đây mới là cốt lõi vấn đề chuyển TSN về Long Thành?
Theo tôi, về lâu dài có thể vẫn phải xây dựng sân bay Long Thành thay cho TSN, nhưng không phải là lúc này, khi TSN vẫn có khả năng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng khách, nền kinh tế đất nước, đời sống dân ta đang rất khó khăn… Đặc biệt nếu TSN chuyển đi thì đất của TSN không nên làm căn cứ quân sự, đặc biệt không thể để làm sân golf, trong khi thành phố khổng lồ này rất thiếu các công trình công cộng như quảng trường, công viên, sân bay thể thao, sân bay cấp cứu… mà bất cứ thành phố hiện đại nào cũng phải có.
Tôi chỉ là nhà báo hạng “tép” nhưng cũng hiểu rằng, khi viết bài, làm phóng sự phải có phân tích độc lập không chỉ copy mù quáng ý kiến của cơ sở. VTV càng không thể vô tình đưa ra những thông tin sai sự thật, thiếu khách quan và vô lý trong khi quốc hội đang họp như thế.
Phải chăng VTV là công cụ của nhóm lợi ích?
N.Đ.A.
Nguồn: http://huynhngocchenh.blogspot.com/2013/11/phai-chang-vtv-la-cong-cu-cua-nhom-loi.html