Thưa các bạn,
Đến hẹn lại lên, hôm nay chúng ta sau khi thắp nén nhang trên mộ ở nghĩa trang, lại gặp nhau để cùng nhớ đến anh Sáu Dân, người chúng ta vô vàn yêu mến. Đây là lần thứ năm chúng ta có buổi họp mặt tưởng niệm nhân ngày sinh của Anh, 23.11, ngày Nam Kỳ Khởi nghĩa, kể từ lúc anh Sáu quyết dứt áo ra đi, cho dù chúng ta có thảng thốt thiết tha “đừng đi, đừng đi” như lời thơ Việt Phương. Và thơ đã bất lực! Nhưng “kia, rất gần chúng ta anh Sáu Dân với nụ cười rạng rỡ sẵn sàng đón nhận, với bàn tay cởi mở hòa đồng, với bao khát vọng vừa sâu lắng vừa sôi nổi, với dáng người hào hoa nghệ sĩ, đang đi đến và sắp nắm lấy bàn tay của chúng ta“. Chúng ta đang cảm nhận rất rõ điều đó.
Ngồi lại với nhau sớm một ngày là thể theo nguyện vọng của Hiếu Dân muốn được có mặt trong buổi tưởng niệm để chu đáo tiếp đón những người bạn, người học trò thân thiết của Ba mình vì ngày mai phải về nhà tưởng niệm tại Vĩnh Long, và chúng ta thì lại muốn nhớ lại khung cảnh ấm cúng, quen thuộc như dạo nào bên ông để bồi hồi nhắc lại những hồi ức.
Năm ngoái, kỷ niệm 90 năm ngày sinh, có anh Nguyễn Trung đại diện cho anh chị em ở Hà Nội vào. Năm nay, như thường lệ vào ngày mai, 23.11, chắc anh chị em ở Hà Nội lại ngồi với nhau tại nhà anh Việt Phương hay anh Hoàng Tụy, có lẽ số người cũng như ta hôm nay ở đây, và rồi cũng sẽ nói câu quen thuộc “Giá lúc này còn ông Sáu Dân“.
Tôi nhớ dạo tháng 9.2013 ở Hà Nội, trong buổi họp ở nhà anh Hoàng Tụy, nguyên Chủ tịch Viện IDS được thành lập theo ý tưởng của ông Sáu Dân, để bàn về nội dung ra Tuyên bố của “nhóm 72” về Hiến pháp, anh Đào Xuân Sâm, nguyên Tổ phó Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt của chúng tôi hồi ấy, nay cũng đã 91 tuổi, bỗng buông một câu khiến cả phòng lặng đi, “Vận nước nó xui ra thế. Giá mà lúc này có ông Sáu Dân, tình hình có thể khác đi“!
Lịch sử không có chuyện “giá mà“. Ông Sáu ra đi ở tuổi 86 cũng thuận với tuổi trời, ấy vậy mà cuộc sống của đất nước như chông chênh thế nào khi thiếu vắng một ngọn cờ! Thời thế tạo anh hùng hay anh hùng tạo thời thế, lịch sử từng đặt ra câu hỏi quen thuộc ấy. Và câu hỏi này như một bức xúc đang nổi cộm trong bối cảnh thời cuộc khi vận nước đang đứng trước những thách đố gay gắt rất cần đến một bản lĩnh của người lèo lái con thuyền đất nước như bản lĩnh Võ Văn Kiệt.
Thế nhưng, lịch sử là con người nhân với thời gian. Tư tưởng và bản lĩnh Sáu Dân đang sống mãnh liệt trong lòng dân tộc, sống trong dân, trước hết là trong bộ phận tinh hoa của quần chúng nhân dân. Chính thời gian đã tích tụ vô vàn mảnh vụn của niềm tin, của ý chí con người để từ đó mà sản sinh ra tư tưởng của một thời đại, ở đó, nổi bật lên tư tưởng và bản lĩnh của những nhân vật lịch sử như Sáu Dân.
Và chúng ta hôm nay có mặt ở đây, những học trò của Sáu Dân, ít nhiều cũng đã học được ở ông những điều ông đã nghĩ, đã làm để cố gắng sống, suy nghĩ và hành động xứng đáng với ông, người chúng ta thương yêu, kính trọng và noi gương.
Đấy là lý do của buổi chúng ta ngồi lại với nhau hôm nay.
Ngày 22.11.2013
T. L.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.