The Telegraph, 14 tháng 3, 2010
Túy Vân phỏng dịch
Xung đột âm ỉ từ lâu giữa hai đại cường thế giới đang đến hồi gay cấn có nhiều nguy biến cho hệ thống mậu dịch toàn cầu.
Trung Quốc (TQ) đã quá say mê với đà hùng cường của mình. TQ đã nhầm lẫn chính sách mềm mỏng của Obama là yếu đuối, nhầm lẫn cơn khủng hoảng tín dụng tại Hoa Kỳ (HK) là Mỹ xuống dốc, và nhầm lẫn cái bong bóng ngoại thương của mình là TQ có uy thế của một đại cường. Quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung hiện nay đang vang vọng những cuộc tranh cãi giữa Anh và Đức trước Thế chiến I, khi Berlin dưới đế chế Wilhelm đã hiểu lầm nghiêm trọng về cán cân lực lượng chiến lược tại châu Âu và vì thế đã đi quá đà.
Trong vòng tháng tới, Bộ Tài chánh HK phải ra quyết định là TQ có phải là một quốc gia “đã dùng thủ đoạn tiền tệ để thao túng thị trường” hay không; nếu đúng thế HK sẽ tuân thủ luật pháp đã có sẵn mà đưa ra những hình phạt về mậu dịch với TQ. Tình hình này trước đây còn được châm chế, nhưng nay thì khác: chúng ta đang ở trong một thế giới hoàn toàn mới với nạn thất nghiệp ở mức U6, có đến 16.8% người thất nghiệp kể cả những người khiếm dụng hay không còn muốn đi kiếm việc làm.
“Một lần nữa, Bộ Tài chánh khó nhắm mắt trước sự kiện rõ mồn một là TQ đang dùng thủ đoạn tiền tệ để thao túng thị trường. Nếu không đưa ra một lời đe dọa khả tín, chúng ta sẽ không đi tới đâu”, kinh tế gia Paul Krugman, người được giải Nobel kinh tế năm 2008 đã phát biểu như thế.
Về phía TQ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo vẫn giữ thái độ hung hăng thách đố.
Ông Ôn Gia Bảo đã nói hôm qua: “Tôi không nghĩ đồng nguyên (yuan) được định giá ở mức quá thấp. Chúng tôi phản đối những quốc gia chỉ biết xỉa xói người khác và thậm chí còn đòi quốc gia khác phải tăng giá trị tiền tệ của mình”. Một lần nữa, ông đòi HK phải thực hiện “những bước cụ thể để trấn an giới đầu tư” về sự an toàn tài sản đầu tư tại Hoa Kỳ.
Ôn Gia Bảo còn tuyên bố: “Một số người cho rằng TQ càng ngày càng trở nên kiêu ngạo và cứng rắn. Một số người đưa ra lý thuyết về cái gọi là ‘TQ say men chiến chắng’. Nhưng lương tâm tôi không hề bị hoen ố trước những lời bôi bác đến từ bên ngoài.”
Mấy hôm trước đó Quốc vụ viện TQ lên án HK đã gây ra hàng loạt hành động gian ác. Cơ quan này nói: “Tại HK, quyền dân sự và quyền chính trị bị Chính phủ hạn chế và vi phạm nghiêm trọng. Quyền của công nhân cũng bị chà đạp”.
Và họ nói: “Hoa Kỳ, với lực lượng quân sự hùng mạnh của mình, luôn luôn theo đuổi mộng bá quyền thế giới, chà đạp chủ quyền của các quốc gia khác và xâm phạm nhân quyền của họ”.
Giọng điệu của Quốc vụ viện TQ tiếp tục: “Trong lúc thế giới đang chịu thảm họa nhân quyền nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, mà đầu mối là do khủng hoảng địa ốc tại Mỹ, thì chính phủ HK lại bừng bừng lên án nhiều nước khác”.
Phải chăng Bộ chính trị TQ đang ngây ngất với khói cần sa?
Tôi muốn để người khác bàn luận về cái đúng cái sai trong lời cáo buộc trên của TQ, mà bản thân nó chỉ là một phản ứng đáp lại bản tường trình của HK về hành vi của TQ. Rõ ràng là Bắc Kinh chối phăng trách nhiệm của mình về những bất quân bình trong cán cân mậu dịch toàn cầu, một sự kiện nằm đằng sau cuộc khủng hoảng tín dụng. Thật ra, trách nhiệm của TQ nằm ở chỗ đã đẩy mạnh thặng dư mậu dịch một cách hệ thống và đã đưa lãi suất dài hạn xuống thấp qua việc ào ạt mua trái phiếu đôla và euro. Dĩ nhiên, các nước phương Tây cũng mắc nhiều sai phạm, nhưng cách nhìn vụ việc của TQ bị méo mó đến độ gần như hoang tưởng.
Điều làm cho tôi chú ý ở đây là đầu óc muốn thách đố của Bắc Kinh. TQ đe dọa trừng phạt bất cứ công ty HK nào tham dự vào thương vụ vũ khí 6,4 tỉ đôla với Đài Loan, một đe dọa có thể cấm luôn hãng Boeing hoạt động tại TQ và là bước leo thang mới trong cuộc tranh chấp Mỹ-Trung liên quan đến Đài Loan.
Tại Copenhagen, Ôn Gia Bảo đã phái một viên chức thấp đến thương thuyết với ông Obama, một hành vi cố tình hạ nhục Mỹ– và đã được Mỹ hiểu đó là một hành vị sỉ nhục. Tổng thống Mỹ đã xẳng giọng nói: “Tôi không còn muốn đùa bỡn với việc này thêm nữa”. Phát biểu này đã gói ghém thái độ của Nhà Trắng đối với Trung Quốc hiện nay.
Chúng ta đã tự thuyết phục chính mình để tin rằng TQ hiện nay là một quốc gia cực mạnh (a hyper-power). TQ có thể trở thành một quốc gia như thế, nhưng hiện nay thì chưa. Trung Quốc bị vây quanh bởi những quốc gia sẽ trở thành đồng minh của HK khi cuộc đối đầu trở nên nghiêm trọng – như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Ấn Độ. TQ còn phải đối diện với một nước Nga đầy gai góc trên một đường biên giới dài 4.000 km, nơi mà dân TQ đang thèm khát di qua sinh sống ở vùng nhiều tài nguyên bên kia Hắc Long Giang. Các quốc gia tân hưng ở châu Á, cùng là Ba Tây, Ai Cập và cả châu Âu đều rất khó chịu với thủ đoạn hạ giá đồng tiền (nguyên) của TQ để bán phá giá các mặt hàng xuất khẩu.
Michael Pettis của Đại học Bắc Kinh lý luận rằng lượng tiền dự trữ khoảng 2.400 tỉ đôla của TQ – có thể lên đến 3.000 tỉ – là một dấu hiệu của thế yếu chứ không phải thế mạnh. Chỉ có hai lần trong lịch sử hiện đại một quốc gia đã tích lũy một lượng trữ kim tương đương với 5 đến 6% tổng sản lượng GDP toàn cầu. Đó là Hoa Kỳ trong thập niên 1920 và Nhật Bản trong thập niên 1980. Cả hai lần đều dẫn đến khủng hoảng kinh tế tại nước đó.
TQ không thể sử dụng lượng tiền dự trữ ấy ở trong nước để chống đỡ cho nền kinh tế của mình. Lượng tiền dư thừa đó là một thứ trọng lượng chết (dead weight), vượt ra ngoài mọi mức cần thiết để có được sự tín nhiệm vĩ mô (macro-credibility). Thật vậy, những lượng tiền dự trữ kếch xù này là hậu quả của một chiến lược bị rối loạn chức năng (dysfunctional strategy), theo đó TQ bắt buộc phải mua 30 – 40 tỉ đôla trái phiếu nước ngoài mỗi tháng, chỉ để giữ thấp trị giá đồng nguyên, không cho nền kinh tế thích nghi với tình hình thực tế của thương mại thế giới. Kết quả là TQ đã đầu tư quá tải vào các hãng xưởng, – làm tràn ngập thị trường thế giới bằng hàng hóa xuất khẩu chỉ có hơn giá sản xuất chút xíu. Lượng thép sản xuất quá mức của TQ hiện nay còn lớn hơn toàn bộ sản lượng thép của châu Âu.
Nước cờ kinh tế này cũng đang mang lại hậu quả đáng ngại cho TQ. Giáo sư Victor Shuh của Đại học Northwestern cảnh báo rằng 8.000 cơ sở tài chính mà các chính quyền địa phương tại TQ dựa vào để nới rộng khả năng vay mượn của mình đã tạo những món nợ và những cam kết cho vay nợ tương đương với 3.500 tỉ đôla, phần lớn liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Shuh cho rằng ngân hàng TQ có thể phải cần Chính phủ tiếp cứu một số tiền xấp xỉ 500 tỉ đôla.
Là chủ nợ của Hoa Kỳ – sở hữu đến 1.400 tỉ đôla gồm công khố phiếu của Bộ Tài chính HK, trái phiếu của các cơ quan, và các văn kiện đầu tư tại Mỹ – TQ có khả năng sử dụng đòn bẩy tài chính của mình. Nhưng sự đời trông vậy mà không phải vậy. Nếu Bộ chính trị ĐCSTQ triển khai sức mạnh ảo tưởng của mình, Washington có khả năng bóp nghẹt nền kinh tế xuất khẩu của TQ bằng cách tức khắc đóng cửa thị trường. Trong trường hợp này, ai sẽ là kẻ bắt giữ ai để đòi tiền chuộc?
Mọi âm mưu trả đũa bằng cách gây ra một cuộc khủng hoảng trái phiếu tại Mỹ sẽ đập ngược vào mặt Trung Quốc và, trong tình thế cực đoan, âm mưu này có thể bị chặn đứng bằng các biện pháp kiểm soát tư bản. Roosevelt đã từng thay đổi luật lệ kiểm soát tài chính năm 1933. Những động thái như thế có thể xảy ra. Hẳn nhiên, Trung Quốc và Hoa Kỳ có tương quan cộng sinh, nhưng nếu một cuộc đụng độ xảy ra thì không có nghĩa là “chắc chắn hai bên đều bị hủy diệt” như người ta vẫn thường rêu rao. Hoa Kỳ sẽ thắng.
Trái với những lý giải đầy tính huyền thoại, tiến trình đi đến chế độ bảo hộ mậu dịch, theo sau Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley năm 1930, thực sự đã không gây ra cuộc Đại khủng hoảng kinh tế (1929 – 1940). Vào thập niên 1930, hoạt động mậu dịch suy giảm chậm chạp hơn hiện nay. Bài học rút ra từ đạo luật Smoot-Hawley cho ta biết rằng hàng rào thuế quan mang lại những hệ quả không đối xứng. Nó tác hại ghê gớm cho nước thặng dư hàng hóa (surplus countries), lúc bấy giờ là Hoa Kỳ. Trong khi đó, Anh Quốc là nước thâm thủng mậu dịch (deficit) lại trở nên khấm khá hơn nhờ biết rút về chế độ ưu đãi thuế quan đối với các nước trong Liên hiệp Anh (Imperial Preference).
Barack Obama chưa bao giờ đề cao tự do mậu dịch. Lý thuyết thương mại chính thống này dẫu sao cũng đang bị đe dọa ở phương Tây. Cố vấn kinh tế hàng đầu của Obama, Larry Summers, đã chủ ý buột miệng tại Davos rằng những luận cứ của tự do mậu dịch không còn đứng vững trong việc giao dịch với các nước lớn có thủ đoạn tráo trở mậu dịch. Chính Adam Smith cũng nhận biết điều này, mặc dù những người chủ trương tự do mậu dịch cực đoan luôn dùng danh tiếng của ông để hô hào cho lý luận của họ.
Sự chuyển đổi của Trung Quốc đã diễn ra ngoạn mục kể từ ngày Đặng Tiểu Bình khai thác sức mạnh của tư bản. Nhưng như cựu viên chức ngoại giao George Walden đã viết trong cuốn China: a Wolf in the World? (Trung Quốc: một con sói trên thế giới?), không ai có thể thoải mái với một chế độ vẫn còn bao che cái chủ nghĩa tận diệt đẫm máu của Mao (Mao’s murderous nihilism). Walden còn nhắc nhở chúng ta rằng Trung Quốc chưa bao giờ bỏ qua những tủi nhục dưới bàn tay của phương Tây khi hai nền văn minh chạm trán nhau vào thế kỷ XIX. Trung Quốc vẫn nuôi ý chí phục thù. Ta phải ứng xử thận trọng với Trung Quốc.
TV, theo nguồn:
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập