Thư gửi Quốc hội của 42 hộ dân bị cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật

Không thể nói gì khác khi đọc lá thư này của những người nông dân thực thụ: Người nông dân Việt Nam hôm nay có nhận thức quá tỉnh táo về các quyền chính trị, kinh tế của mình và về bản chất các mối quan hệ ĐCS – Quốc hội– Nhân dân, đến mức không còn ai có thể lừa phỉnh và “nhân danh” họ để chống lại chính họ. Chỉ cần nêu một câu hỏi trong thư, câu hỏi đơn giản nhưng cực kỳ mấu chốt mà chắc chắn không ông bà “Nghị” nào có thể trả lời với cử tri: Ông/bà là đại biểu của nông dân, vậy trước khi “bấm nút” thông qua cái “Hiến pháp sửa đổi” sắp tới, ông/bà có bao giờ đi hỏi xem có người nông dân nào đồng ý “đất đai là sở hữu nhà nước”? Không trả lời được câu hỏi này mà vẫn nhắm mắt “bấm”, thì đến lúc lâm chung, liệu ông/bà có nhắm mắt được không?

Bauxite Việt Nam  

 Bình Dương, ngày 11 tháng 11 năm 2013

Kính gởi: Quốc hội nước CHXHCN VIỆT NAM

 đang họp tại Hà Nội.

Chúng tôi là 32 hộ nông dân có đất bị chính quyền cưỡng chế thu hồi để làm Khu Liên hợp Bình Dương. Nhân Quốc hội đang họp và sắp quyết định một số vấn đề quan trọng như sửa đồi hiến pháp, sửa đổi luật đất đai, chúng tôi xin gởi đến Quộc hội một số ý kiến như sau:

1. Hiến pháp hiện hành quy định: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước.”

Trên thực tế, đại đa số người dân Việt Nam hiện nay không ai muốn diện tích đất mình đang sử dụng “thuộc sở hữu toàn dân”.

Thế nhưng tại sao dự thảo Hiến pháp sửa đổi và Luật đất đai sửa đổi vẫn cứ xác định đất đai là thuộc sở hữu toàn dân?

Đưa vào dự thảo như vậy để đem ra thảo luận và biểu quyết thông qua là Quốc hội làm theo ý chí và nguyện vọng của ai?

2. Có phải vì 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên đảng CSVN, nên phải làm theo cương lĩnh và nghị quyết của đảng CSVN. Nhưng nếu như vậy thì quốc hội có còn là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” như Hiến pháp đã quy định hay không? Và có phải khi Quốc hội thông qua Hiến pháp và Luật đất đai sửa đổi như vậy là Quốc hội đã phản lại nhân dân, là làm trái lại ý chí và nguyện vọng của nhân dân hay không?

3. Lúc còn chiến tranh, những người cộng sản hứa với nhân dân là khi hòa bình lập lại, người cày sẽ có ruộng. Người dân tin như vậy nên đã sẵn sàng hy sinh cho độc lập của đất nước. Chúng tôi đâu có hứa là khi hòa bình lập lại, người dân sẽ giao hết quyền lực cho những người cộng sản, muốn dẫn dắt nhân dân đi đâu tùy ý, muốn quyết định thế nào cũng được. Vậy mà nay đảng CSVN nhân danh xây dựng chủ nghĩa xã hội, quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân để căn cứ vào đó mà tước đoạt hết đất đai của chúng tôi, làm giàu cho bọn tham nhũng, đẩy chúng tôi vào hoàn cảnh mất hết đất đai, tài sản không còn gì để sống.

Được bầu làm đại biểu, ngồi vào Quốc hội thì phải làm theo ý chí và nguyện vọng của nhân dân; chứ tại sao lại làm theo ý đảng của các ông?

4. Hơn mười năm nay chúng tôi đã gởi rất nhiều đơn khiếu nại, tố cáo UBND tỉnh Bình Dương cố ý làm trái pháp luật trong việc thu hồi đất của chúng tôi đang sử dụng. Họ đã công khai và trắng trợn làm ngược lại với các quy định pháp luật do chính Quốc hội đã ban hành. Chưa có quy hoạch sử dụng đất và chưa có đề án được chính phủ phê duyệt, Chủ tịch tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi trên 4.000 ha đất người dân đang sử dụng hợp pháp. Thu hồi đất theo Luật đất đai 2003 nhưng lại bồi thường đất theo nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998. Đến năm 2008-2009 mới ra quyết định bồi thường cho dân, nhưng lại tính toán tiền bồi thường theo nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 đã hết hiệu lực từ năm 2004. Thu hồi sai, bồi thường không đúng quy định hiện hành, chúng tôi chưa chịu nhận tiền giao đất thì ra quyết định và tổ chức cưỡng chế hằng trăm hộ để lấy đất rồi bỏ hoang từ 4, 5 năm nay. Nhà cửa bị ủi sạch, vườn tược bị phá nát, tài sản không còn gì, nhiều người trong chúng tôi đã sống cảnh ăn bờ ngủ bụi suốt bốn năm nay.

Nhưng hằng trăm đơn của chúng tôi đã gởi cho một số đại biểu Quốc hội, cho các Ủy ban của Quốc hội, cho Ban Thường vụ Quốc hội và cho Chủ tịch Quốc hội vẫn không được trả lời.

Trong năm 2012, chúng tôi ba lần cử hàng chục người đại diện ra Hà nội. Mỗi lần cả tháng trời phải lang thang trong công viên, trên đường phố mà không bao giờ được lọt vào Quốc hội để gặp những người đại biểu của dân. Với quyền hành được Hiến pháp dành cho rất lớn, tại sao Quốc hội không kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật, xử lý tham nhũng và trả lại những quyền lợi hợp pháp cho nhân dân? Tại sao Quốc hội ngoảnh mặt làm ngơ để cho bọn tham quan cướp đoạt hết của cải đất đai làm cho người dân phải trắng tay, không còn nhà cửa, phải sống lang thang năm nầy qua năm khác?

Phải chăng vì hầu hết Đại biểu Quốc hội là cùng phe cùng đảng với những kẻ đã làm trái để cướp đất của chúng tôi? Và quyền lợi của những người cùng phe đảng lớn hơn nhiều so với trách nhiệm của người đại biểu phải đại diện và bảo vệ quyền lợi cho nhân dân?

5. Từ thực tế cuộc sống, chúng tôi đã thấy rõ tuy hiến pháp hiện hành ghi rõ nhà nước nầy là của dân, do dân và vì dân. Nhưng việc làm đã chứng tỏ toàn bộ nhà nước- kể cả Quốc hội- là của đảng, do đảng và vì đảng CSVN mà thôi. Chúng tôi gởi thơ nầy cho Quốc hội là vì, như nhiều người khác đã gởi thơ cho Quốc hội trong những ngày qua, chúng tôi hy vọng trong lương tri của một số đại biểu vẫn còn một chút tự trọng, không thể để người dân nhìn mình như nhìn một kẻ phản bội.

Tuy nhiên, nếu trong kỳ họp  nầy, Quốc hội vẫn thông qua hiến pháp và luật đất đai sửa đổi như nội dung dự thảo hiện nay, là các đại biểu đã tự lột áo đại biểu của mình và Quốc hội Việt Nam coi như đã tự giải nhiệm không còn là  cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân nữa. Người dân chúng tôi không thể coi là người đại diện những kẻ không bảo vệ mà lại làm hại nhân dân.

Mong Quốc hội quan tâm những ý kiến nêu trên.

32 người cùng ký tên với địa chỉ cụ thể đính kèm.

Địa chỉ liên lạc: Ông Thái văn Dậu, khu phố 3 Phường Phú Tân, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương.

 

Bài được gửi trực tiếp đến BVN

This entry was posted in Lên Tiếng, Nông Thôn. Bookmark the permalink.