Lý Sơn cách thành phố Quảng Ngãi 16 hải lý, tương đương với 25 km. Hơn 80% người dân Lý Sơn sống bằng nghề trồng tỏi, và cũng hơn 80% dân ở đây luôn đối diện với nghèo đói và mất trắng.
“Sống ở biển mà phải mua cát, nghe cũng buồn cười”
Ông Hùng, cư dân lâu năm, từng sống bốn đời ở Lý Sơn bằng nghề trồng tỏi, bộc bạch: “Nghề trồng tỏi ở đây khá vất vả, phải mua cát, mình sống ở biển mà phải mua cát, nghe cũng buồn cười, nhưng mỗi mùa tỏi, phải mua cát sạch người ta vớt dưới lòng biển, mua đất trong đất liền đưa ra, trộn vào nhau, sau đó mới phủ lên vườn mà trồng tỏi”.
“Tiền đầu tư cho việc mua cát và đất thịt không phải ít, có năm lãi nếu thời tiết thuận, chứ không thuận thì đưa lưng với trời. Nhưng bây giờ không trồng tỏi cũng chẳng biết làm chi, làm biển thì khó lắm, khó đủ bề, chỉ có trồng tỏi là yên thân một chút. Nhiều năm đói cả làng”.
“Thu nhập bình quân mỗi người lao động trồng tỏi chưa đến 50 ngàn đồng (tương đương $2.5) một ngày. Nhưng phải làm mới có cái để sống, vì đất hẹp người đông, quanh năm quanh quẩn trên đảo này chẳng có chi ngoài trồng tỏi, giỏi lắm thì cũng đi buôn bán, đi mua một ít cá vụn rồi mang ra chợ bán, tự cung tự cấp”.
“Ở Lý Sơn có nhiều nhà nghề biển thất bại, chuyển sang đi trồng tỏi thuê”
Bà Hường, chủ một gia đình gồm sáu người, có chồng chết trên biển Đông trong một lần đi đánh cá, mà theo như bà nói thì chết không phải do gặp bão, chết vì bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Gia đình bà vốn đã nghèo càng thêm khó vì những đứa con nhỏ ăn chưa no lo chưa tới và cả một gia đình đè nặng lên đôi vai của bà. Bà nói: “Nghề trồng tỏi cứu gia đình tôi, hai bàn tay tôi giờ chai hoàn toàn, cầm lửa cũng không biết nóng mấy bởi cầm cuốc”.
“Trung bình, nếu trúng vụ, cả năm thu nhập được chừng ba chục triệu đồng, (tương đương với $1,500), chừng đó đủ sống cho cả gia đình bảy người chi tiêu, dành ra một ít phòng khi thất vụ, đau ốm và phòng khi thiên tai”.
“Có năm thua vụ, thua suốt hai vụ, vậy là vừa thiếu nợ đất và cát, vừa phải đi vay tiền mà ăn. Nhưng dù sao thì mình cũng có một ít đất để trồng tỏi, chứ ở đây, có nhiều nhà vốn là dân đi biển, đất đai không có, nghề biển thất bại, chuyển sang đi làm thuê, đi trồng tỏi lấy công, mỗi ngày năm chục ngàn đồng, khổ lắm!”
“Ở đây, những người không có đất để trồng tỏi thì xem như không có gì cả. Số người này không phải là ít, họ làm vất vả từ 6h sáng cho đến 6h chiều, không có cơm trưa, tiền công rẻ bèo. Nghiệt nỗi, nếu trả cao hơn thì không có để trả, người trồng tỏi đều nghèo như nhau. Mà nếu không làm cho mình thì họ phải vào đất liền làm thuê”.
Chị Hằng, chủ của gia đình ba người, gồm hai đứa con nhỏ và chị, cũng có chồng chết ngoài biển khơi giống như bà Hường. Mỗi ngày của chị bắt đầu từ 5h30 sáng đến 7h tối, các con nhỏ phải ở nhà giặt giũ, nấu cơm giúp chị, nói chung là đầu tắt mặt tối. Khi nghe chúng tôi hỏi về bảo hiểm y tế của gia đình, chị ngạc nhiên hỏi: “Bảo hiểm là cái chi?”
“Mình đâu có làm cán bộ mà có bảo hiểm chứ, ở đây chỉ có cán bộ nhà nước, người giàu mới mua nổi bảo hiểm, chứ mình không có tiền, lấy chi mà bảo hiểm, mà bảo hiểm cái chi? Vì mình càng sống càng thêm khổ, tôi đã nhiều lần định mang con đi nhờ viện mồ côi nuôi rồi quyên sinh, nhưng nhìn tụi nó bé bỏng, thương quá, nên tiếp tục sống”.
“Sống bữa đói bữa no, con cái học hành không tới đâu, chán lắm. Nhưng phải sống, phải nuôi con. Nghe chị hỏi về bảo hiểm y tế, tôi lại nghĩ đến khi mình bệnh, chẳng có đồng nào để chữa bệnh, vì hiện tại làm ngày nào ăn ngày đó, thêm nữa là con mình đói… Tôi chỉ muốn chết. Nhưng tôi phải sống!”
Cái câu khẳng định, nhấn mạnh cuối câu chuyện: “tôi phải sống!” của chị Hằng cũng là câu nói rất kiên quyết của những người dân nghèo, luôn đối diện với cái đói và bệnh tật, thu nhập bấp bênh nhưng không dám rời đảo đi làm thuê vì còn phải chăm sóc bầy con nhỏ, mới nghe thấy không có gì là ghê gớm lắm, nhưng ngẫm lại, thấy ra cả một vấn đề về thân phận và thời cuộc, lịch sử, vận mệnh dân tộc!
H.H.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN