Henry Farrell và Martha Finnemore, Forein Affairs, tháng 11/tháng 12. 2013
Trần Ngọc Cư dịch
HENRY FARRELL là Phó Giáo sư Khoa Chính trị và Sự vụ Quốc tế tại Đại học George Washington. Xin theo dõi ông ta trên Twitter @henryfarrell. MARTHA FINNEMORE là Giáo sư Đại học Khoa Chính trị và Sự vụ Quốc tế tại Đại học George Washington.
Chính phủ Mỹ tỏ ra giận dữ khi có người làm rò rỉ những tư liệu mật về hành vi không mấy tốt đẹp của mình. Rõ ràng là, chính phủ này có lối ứng xử như thế: ba năm trước, sau khi Chelsea Manning, một binh nhì bộ binh Mỹ lúc bấy giờ mang tên Bradley Manning, chuyển hàng trăm ngàn bức điện mật cho nhóm chống bí mật WikiLeaks, nhà cầm quyền Mỹ đã cầm tù người lính này trong những điều kiện mà báo cáo viên đặc biệt của LHQ về vấn đề tra tấn cho là tàn ác và vô nhân đạo. Nhân vật hàng đầu của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, Mitch McConnell, xuất hiện trên chương trình Meet the Press của NBC không bao lâu sau đó, đã gọi người sáng lập WikiLeaks, Julian Assange, là “tên khủng bố công nghệ cao.”
Gần đây hơn, sau khi các chương trình theo dõi bí mật do Mỹ cài đặt bị Edward Snowden – một cựu nhân viên kỹ thuật của Cơ quan An ninh Quốc gia – tiết lộ, các quan chức Mỹ đã tiêu phí nhiều vốn liếng ngoại giao trong nỗ lực thuyết phục các nước khác từ chối việc cho Snowden tị nạn. Và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hủy bỏ một cuộc họp thượng đỉnh được dự kiến từ lâu với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông này không chịu đồng ý làm theo.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, chính quyền Mỹ thường gặp phải nhiều khó khăn trong việc giải thích chính xác vì sao những kẻ rò rỉ thông tin này đặt ra một đe dọa nghiêm trọng. Trên thực tế, không có gì trong những rò rỉ của Manning và Snowden đáng gây sốc cho những ai chú ý theo dõi. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, người bất đồng ý kiến về những hoảng hốt do vụ Wikileaks gây ra, đã gợi ý như thế khi ông nói với các nhà báo năm 2010 rằng những thông tin rò rỉ chỉ có một hậu quả “tương đối khiêm nhượng” và không gây tổn thất cho các nguồn tin hay các phương pháp tình báo. Snowden chắc chắn đã gây tổn thương cho các nguồn tin và phương pháp tình báo, nhưng ông không tiết lộ điều gì thực sự nằm ngoài dự kiến của mọi người. Trước khi ông ta phơi bày sự thật, hầu hết mọi chuyên gia đã đinh ninh trong đầu là Mỹ đang mở những cuộc tấn công mạng nhắm vào Trung Quốc, cài đặt bọ điện tử tại các trụ sở cơ quan châu Âu, và theo dõi việc truyền thông trên mạng Internet toàn cầu. Thậm chí cả tiết lộ nảy lửa nhất của Snowden – rằng Mỹ và Anh đã gây tổn thất cho những hệ thống phần mềm và mã hóa trong ngành truyền thông được thiết kế để bảo vệ đời tư và an ninh trên mạng – cũng chỉ xác nhận những gì mà các quan sát viên am tường thời sự đã ngờ vực từ lâu.
Mối đe dọa sâu sắc hơn mà những người rò rỉ thông tin như Manning và Snowden đặt ra còn tinh tế hơn một cuộc tấn công trực tiếp vào nền an ninh quốc gia của Mỹ: họ phá hoại khả năng ứng xử đạo đức giả và không bị bắt quả tang của Washington. Mối nguy không nằm trong việc họ rò rỉ những thông tin mới mẻ, mà nằm trong việc họ cung cấp văn bản để khẳng định những việc mà trên thực tế Mỹ đang làm và vì sao phải làm vậy. Khi những hành vi này trở nên mâu thuẫn với những ngôn từ hoa mỹ của Chính phủ, như vẫn thường xảy ra, thì các đồng minh của Mỹ càng khó bỏ qua hành vi lén lút của Washington và các địch thủ của Mỹ lại càng dễ dàng biện minh cho hành vi lén lút của họ.
Ít quan chức Mỹ nào coi khả năng ứng xử đạo đức giả của mình như một tài nguyên chiến lược chủ yếu. Thật vậy, một trong những lý do để hành vi đạo đức giả của Mỹ rất có hiệu quả là vì nó phát xuất từ sự chân thành: hầu hết các nhà chính trị Mỹ không nhận ra quốc gia họ có bộ mặt tráo trở như thế nào. Nhưng khi Mỹ thấy khó chối cãi sự cách biệt giữa lời nói và việc làm của mình, nước này sẽ đối diện với những lựa chọn ngày càng khó khăn – và cuối cùng có thể bị buộc phải bắt đầu thực hiện những điều mình rao giảng.
MỘT BÁ QUYỀN ĐẠO ĐỨC GIẢ
Đạo đức giả giữ vị trí trung tâm trong quyền lực mềm của Washington – khả năng làm cho các nước khác chấp nhận tính chính đáng trong các hành động của Mỹ – nhưng ít có người dân Mỹ nào chịu đánh giá cao vai trò của đạo đức giả. Những đầu óc tự do có xu thế tin tưởng rằng những nước khác hợp tác với Mỹ vì các lý tưởng Mỹ có sức thu hút và hệ thống quốc tế do Mỹ lãnh đạo là sòng phẳng. Những người theo chủ nghĩa thực tế có thể có cái nhìn yếm thế hơn, nhưng nếu họ có nghĩ gì về hành vi đạo đức giả của Washington chăng nữa, họ vẫn coi nó không hệ trọng. Đối với họ, chính cái quyền lực cứng và lạnh lùng [sức mạnh quân sự] của Washington, chứ không phải các lý tưởng của nó, đã thúc đẩy các nước khác hợp tác với Mỹ.
Hẳn nhiên, Mỹ không phải là tên đạo đức giả duy nhất trong các vấn đề chính trị quốc tế. Nhưng hành vi đạo đức giả của Mỹ có ý nghĩa nghiêm trọng hơn hành vi đạo đức giả của các nước khác. Đấy là vì hầu hết thế giới ngày nay đang sống trong một trật tự mà Mỹ đã xây dựng, một trật tự vừa được bảo hiểm bằng chính sức mạnh của Mỹ vừa được hợp pháp hóa bằng các lý tưởng tự do. Những cam kết của Mỹ đối với chế độ pháp trị, dân chủ, và mậu dịch tự do được khắc sâu trong các định chế đa phương mà Mỹ đã giúp thành lập sau Thế chiến II, gồm Ngân hàng Thế giới, Quĩ Tiền tệ Quốc tế, Liên Hiệp Quốc, và về sau này Tổ chức Thương mại Thế giới. Mặc dù có những thách đố gần đây đối với địa vị siêu cường của Mỹ, từ Chiến tranh Iraq đến cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng trật tự quốc tế vẫn là một trật tự Mỹ.
Hệ thống này cần đến đạo đức giả làm dầu trơn cho guồng máy của nó chạy đều. Để đảm bảo rằng trật tự thế giới này tiếp tục được coi là chính đáng, các quan chức Mỹ phải thường xuyên cổ vũ và đòi hỏi sự trung thành đối với các nguyên tắc tự do cốt lõi của nó; Mỹ không thể áp đặt địa vị bá quyền của mình đơn thuần bằng vũ lực. Nhưng như những rò rỉ gần đây cho thấy, Washington cũng không thể nhất quán tuân theo những giá trị mà nó cổ vũ. Sự không ăn khớp giữa lời nói và việc làm này tạo ra nguy cơ là các quốc gia khác có thể kết luận dứt khoát rằng trật tự do Mỹ lãnh đạo trên cơ bản là thiếu chính nghĩa.
Tất nhiên, từ lâu nay Mỹ đã từng qua được trót lọt các hành vi đạo đức giả của mình. Chẳng hạn, qua một thời lâu dài Mỹ rêu rao những ưu điểm của việc chống bành trướng vũ khí hạt nhân và cưỡng ép một số quốc gia từ bỏ tham vọng hạt nhân của họ. Nhưng đồng thời Mỹ đã ngấm ngầm chấp thuận chương trình hạt nhân của Israel và, năm 2004, đã ký kết một hợp đồng chính thức với Ấn Độ khẳng định nước này có quyền sử dụng năng lượng hạt nhân dân sự mặc dù trước đó Ấn Độ đã coi thường Hiệp định Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân bằng cách tự mình thủ đắc vũ khí hạt nhân. Trong một thái độ tương tự, Washington nói rất hay ho về dân chủ, nhưng Mỹ chỉ đứng nhìn khi quân đội Ai Cập lật đổ một chính phủ dân cử vào tháng Bảy vừa qua, không chịu gọi đích danh một cuộc đảo chính là cuộc đảo chính. Còn về “cuộc chiến chống khủng bố”: Washington mạnh mẽ thúc đẩy các chính phủ khác về vấn đề nhân quyền, nhưng lại đòi hỏi nhiều biệt lệ rộng rãi cho lối ứng xử của mình khi Washington cảm thấy sự an toàn của mình bị đe dọa.
Lý do cho đến nay Mỹ ít hứng chịu hậu quả về sự đạo đức giả này là vì các quốc gia khác rất thích nhắm mắt làm ngơ. Do thừa hưởng quá nhiều lợi ích công cộng toàn cầu mà Washington cung ứng, những quốc gia này ít khi muốn phê bình bá quyền Mỹ về hành vi xấu xa của nó. Chỉ trích công khai có rủi ro là đẩy Chính phủ Mỹ đến những lập trường ích kỷ có hại cho một trật tự thế giới rộng lớn hơn. Ngoài ra, Mỹ có thể trừng phạt những ai dám vạch ra sự bất nhất trong cách hành động của mình bằng cách giáng cấp quan hệ thương mại hay thông qua các hình thức trả đũa trực tiếp khác. Do đó, các đồng minh thường bày tỏ riêng những mối quan tâm của mình. Các địch thủ của Mỹ có thể công khai lên tiếng chỉ trích, nhưng không mấy nước được nhìn nhận là có thẩm quyền đạo lý để làm việc này. Những than phiền của Trung Quốc và Nga gần như không gợi lên niềm khâm phục đối với những chính sách trong sạch hơn của hai nước này.
Mức độ dễ dãi mà Mỹ có thể hành động bất nhất đã tạo ra tâm lý tự mãn cho các lãnh đạo nước này. Vì ít có nước nào chịu vạch ra sự trắng trợn trong thái độ đạo đức giả của Mỹ, và vì những nước làm việc này thường không được đếm xỉa đến, các chính trị gia Mỹ đã trở nên vô cảm trước các tiêu chuẩn kép [double standards] của nước họ. Nhưng nhờ có Manning và Snowden, những tiêu chuẩn kép này càng ngày càng khó được bỏ qua.
SỰ QUAN TRỌNG CỦA THÁI ĐỘ NGHIÊM CHỈNH
Để thấy được sự tác động qua lại này sẽ kết thúc như thế nào, ta hãy xét đến ý nghĩa tiềm ẩn trong những tiết lộ của Snowden đối với chính sách an ninh mạng của Mỹ. Cho đến rất gần đây, các quan chức Mỹ không bàn về những khả năng tấn công của nước mình trên mạng Internet, mà chỉ nhấn mạnh các chiến lược phòng thủ chống lại các cuộc tấn công từ nước ngoài. Đồng thời, họ đưa ra những cảnh báo ngày càng trực tiếp về tin tặc Trung Quốc, mô tả chi tiết mối hiểm họa đối với các mạng lưới điện toán Mỹ và sự thiệt hại tiềm năng cho quan hệ Mỹ-Trung.
Nhưng từ lâu Mỹ vẫn lén lút tấn công dữ dội vào các máy điện toán Trung Quốc – và của các địch thủ khác. Chính phủ Mỹ lặng lẽ đổ hàng tỉ đôla vào việc phát triển các khả năng tấn công, cũng như các khả năng tự vệ, trên không gian mạng. (Thật ra, cả hai khả năng thường có thể hoán đổi nhau – lập trình viên nào có đủ mưu mẹo bảo vệ hệ thống điện toán của mình cũng đều biết cách xâm nhập hệ thống của kẻ khác.) Và Snowden xác nhận rằng quân đội Mỹ không những xâm nhập các máy điện toán quân đội Trung Quốc mà còn xâm nhập các máy điện toán của các công ty điện thoại di động Trung Quốc và của trường đại học uy tín nhất nước này.
Mặc dù trước khi các tiết lộ của Snowden xuất hiện, nhiều chuyên gia đã biết – hoặc chí ít tin chắc một cách hợp lý – rằng Chính phủ Mỹ có dính dấp đến việc dùng tin tặc chống phá Trung Quốc, nhưng Washington vẫn có thể liên tục từ chối công khai. Nhờ được che chở để khỏi bị chỉ trích nặng nề, các quan chức Mỹ mở ra một chiến dịch quần chúng quan trọng nhằm áp lực Trung Quốc phải dập tắt các hành động trái phép trên không gian mạng, bắt đầu bằng những đe dọa và có lẽ sẽ dẫn đến việc đưa ra toà các tin tặc Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc, mặc dù biết người Mỹ đang có hành vi đạo đức giả, nhưng tránh chỉ trích họ trực tiếp để khỏi gây thêm thiệt hại cho quan hệ hai nước.
Nhưng Bắc Kinh thay đổi lôgic của mình sau vụ tiết lộ của Snowden. Trung Quốc đột xuất có đủ mọi lý lẽ để công khai bài bác thái độ đạo đức giả của Mỹ. Dẫu sao, Washington không thể tỏ ra hằn học với Bắc Kinh vì họ chỉ trích một hành vi của Mỹ được xác nhận bằng chính các văn bản chính thức của Mỹ. Trên thực tế, những tiết lộ này gần như không cho Trung Quốc lựa chọn nào khác hơn là phải phản ứng công khai. Nếu Bắc Kinh không vạch ra hành vi đạo đức giả của Mỹ, sự im lặng của họ sẽ bị giải thích là dấu hiệu của sự yếu đuối. Tại cuộc họp báo sau khi Snowden đưa ra các tiết lộ, một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh rằng vụ tai tiếng này “đã để lộ bộ mặt thật và lối ứng xử đạo đức giả [của Mỹ] liên quan đến an ninh mạng.”
Mỹ thấy mình ở vào thế lúng túng. Washington có thể cố gắng, như cựu giám đốc phản gián Mỹ Joel Brenner thúc đẩy, vạch ra những khác biệt giữa việc Trung Quốc sử dụng tin tặc bất hợp lệ để đánh cắp các bí mật thương mại và việc Mỹ sử dụng kỹ thuật hoàn toàn hợp pháp để xâm nhập các mục tiêu quân sự hay các mục tiêu khác liên quan đến an ninh quốc phòng. Nhưng những phân biệt này có thể rơi vào tai người điếc. Washington đành phải từ bỏ chiến dịch gọi đích danh thủ phạm để chống tin tặc Trung Quốc.
Những rò rỉ của Manning và Snowden đánh dấu sự bắt đầu một kỷ nguyên mới trong đó Chính phủ Mỹ không còn tin tưởng vào khả năng che giấu hành vi bí mật của mình. Hàng trăm ngàn người Mỹ ngày nay có thể tiếp cận các văn kiện mật có khả năng gây bối rối cho quốc gia nếu chúng được lưu hành công khai [trên mạng]. Như những tiết lộ gần đây cho thấy, trong thời đại máy hình điện thoại di động và thẻ nhớ flash drive, thậm chí những luật lệ và cách trả thù nghiêm khắc nhất cũng không ngăn được loại thông tin này rò rỉ ra. Do đó, Washington đang đối diện cái gọi là sự suy sụp đang tăng tốc của bộ mặt đạo đức giả – một sự thu hẹp nhanh chóng khoảng không gian mà Mỹ có thể xoay xở giữa những nguyện vọng cao đẹp được tuyên bố và việc theo đuổi lợi ích vị kỷ đôi khi rất bệnh hoạn của mình. Chính phủ Mỹ, các nước bạn, và thù địch của Mỹ không còn có thể từ chối một cách thuyết phục mặt trái hắc ám của chính sách đối ngoại Mỹ, mà phải đối đầu trực diện với nó.
VIỆC LÀM PHẢI PHÙ HỢP VỚI LỜI NÓI, LỜI NÓI PHẢI PHÙ HỢP VỚI VIỆC LÀM
Chiếc mặt nạ đạo đức giả rơi xuống, đặt Mỹ trước nhiều lựa chọn không thoải mái. Bằng các này hay cách khác, chính sách và lời nói hoa mỹ của Washington cần phải tiến tới gần nhau hơn.
Đường lối dễ nhất mà Chính phủ Mỹ cần theo đuổi là phải từ bỏ luôn lối nói hoa mỹ đạo đức giả và phải nhìn nhận những mục tiêu ích kỷ hẹp hòi trong nhiều hành động của mình. Lúc đó những rò rỉ sẽ ít gây lúng túng – và ít gây thiệt hại cho Mỹ hơn – nếu chúng chỉ xác nhận những gì mà Washington đã tuyên bố là chính sách của mình. Trên thực tế, Mỹ có thể làm theo bài bản của Trung Quốc và Nga: thay vì đặt hành vi của mình vào khuôn khổ lợi ích chung, các nước này lên án bất cứ điều gì mà họ cho là vi phạm chủ quyền quốc gia của họ và khẳng định quyền theo đuổi lợi ích quốc gia theo ý mình. Washington cũng có thể làm như vậy, trong khi tiếp tục trừng trị những kẻ tiết lộ thông tin mật bằng những án tù nghiêm khắc, đồng thời đe dọa các nước có thể cho họ tị nạn.
Tuy nhiên, vấn đề cần đặt ra với đường lối này là, lợi ích quốc gia của Mỹ gắn liền với một hệ thống toàn cầu gồm các quan hệ đa phương và có đặc tính tương đối cởi mở. Washington đã phá hoại sự cam kết của mình đối với chủ nghĩa tự do bằng cách gợi ý là sẽ trả đũa bằng biện pháp kinh tế đối với những nước dung túng những kẻ rò rỉ thông tin. Nếu Mỹ từ bỏ các tuyên bố nhân danh lợi ích chung, cường quốc này sẽ báo hiệu cho thế giới biết rằng nó không còn giữ cam kết với cái trật tự mà nó lãnh đạo. Một khi các nước khác theo gương Mỹ để rút về bảo vệ lợi ích trần trụi của mình, các giềng mối mậu dịch và hợp tác mà Washington đã mất hàng thập kỷ để xây dựng có thể sẽ tan rã. Mỹ sẽ không tiếp tục giàu mạnh trong một thế giới mà mọi người nghĩ về hợp tác quốc tế theo kiểu Putin.
Một giải pháp tốt đẹp hơn sẽ là, Washington phải quay ngược lại, hành động theo những cung cách phù hợp với lối nói hoa mỹ của mình. Đường lối này cũng sẽ tốn kém và bất toàn, vì trong chính trị quốc tế, lý tưởng và lợi ích thường xung đột nhau. Nhưng chính phủ Mỹ chắc chắn đủ sức đẩy lui một số hành vi đạo đức giả mà không gây tổn thất cho an ninh quốc gia. Một tiêu chuẩn kép về vấn đề tra tấn, một sự gần như dửng dưng đối với thương vong của thường dân không phải là người Mỹ, sự bành trướng thô bạo của nhà nước giám sát – không điều nào trong những điều này là thiết yếu cho an ninh của nước Mỹ, và trong một số trường hợp, chúng phá hoại an ninh đó. Mặc dù chính quyền đương nhiệm đã chặn bớt một số lạm dụng của chính quyền trước đó, nhưng con đường trước mặt vẫn còn dài.
Việc bảo mật có thể được biện hộ như một chính sách trong thể chế dân chủ. Nhưng đạo đức giả trắng trợn rất khó được người khác tin theo. Cử tri chấp nhận thực tế là họ không thể biết hết mọi điều chính phủ làm, nhưng họ không thích bị lừa dối. Nếu Mỹ muốn giảm bớt sự lệ thuộc nguy hiểm vào lối nói trí trá, nó phải chấp nhận một sự giám sát thật sự và một cuộc tranh luận công khai, dân chủ về chính sách của mình. Thời đại của việc giả đạo đức dễ dàng đã qua rồi.
H. F. – M. F.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.