Góp ý trước thềm phán quyết – sửa đổi Hiến pháp 1992

PGS. Đào Công Tiến

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam

Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ

Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM

 

Kính thưa Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng và quý vị Đại biểu Quốc hội khóa 13

Chương trình nghị sự đối với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa 13 đã qua “vòng 1” – nghe giải trình và thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Việc còn lại của sự lựa chọn và phán quyết đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là công việc hết sức quan trọng, nhưng vô cùng khó khăn vì còn nhiều khoảng cách khác nhau cho sự lựa chọn đó, đòi hỏi Đại biểu Quốc hội tiếp tục suy tư, trăn trở để xác định lời giải cho mình về những vấn đề lớn của dân của nước đặt ra đối với sửa đổi Hiến pháp.

Trên tinh thần đó, tôi xin được tiếp tục chia sẻ với những ý kiến góp ý sau đây với Đại biểu Quốc hội.

1. Việt Nam là một đất nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời. Các dân tộc Việt Nam là một khối thống nhất, đều bình đẳng, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, đảng phái.

Vì thế, Hiến pháp phải khẳng định mạnh mẽ lập trường chủ quyền đối với một đất nước độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và lập trường dân tộc với khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam là chủ thể của chủ quyền đó.

Điểm quy chiếu xuyên suốt của lập trường dân tộc như đã đề cập ờ trên là thực thi quyền con người, quyền Dân sự và Chính trị của công dân.

Hơn 65 năm qua, với 4 Hiến pháp và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân có được đề cập như liệt kê những quyền cơ bản, nhưng những chuẩn mực cần có chưa được làm rõ, nhất là quyền trong sự gắn kết với nghĩa vụ bị nghĩa vụ lấn lướt làm mờ nhạt, thậm chí còn bị vô hiệu hóa.

Điều 33 (sửa đổi bổ sung điều 58 của Hiến pháp hiện hành) thừa nhận quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, nhưng thiếu chế tài đề bảo vệ nguồn thu nhập hợp pháp đó tránh khỏi sự bòn rút bởi những biến động của giá, lương, thuế, phí làm cho thu nhập trên thực tế trở thành thu nhập không đủ sống (ngay cả với mức sống tối thiểu).

Những Hiến định về quyền con người, quyền Dân sự và Chính trị của công dân cần thể hiện những quy định và chuẩn mực quốc tế, nhất là với Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, công bố ngày 10/12/1948 và công ước quốc tế về những quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký tham gia ngày 24/09/1982.

2. Chế độ chính trị mà Việt Nam chọn đưa vào Hiến pháp, xin đề nghị là Cộng hòa hoặc Cộng hòa Dân chủ, chứ không phải Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (như Hiến pháp 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992) vì tinh thần của nền cộng hòa sáng rõ và đầy sức thuyết phục, còn XHCN có nhiều nội hàm không phù hợp, không đúng, gây ra nhiều bất ổn cho tiến trình phát triển và hoàn thiện xã hội. Với chế độ chính trị là Cộng hòa hoặc Cộng hòa Dân chủ đề nghị đổi tên nước từ “Cộng hòa XHCN Việt Nam” thành “Việt Nam Cộng hòa” hoặc “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (như Hiến pháp 1946).

Sứ mạng và tầm nhìn của chính thể Cộng hòa hoặc Cộng hòa Dân chủ là bảo vệ độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Sự lựa chọn và thay đổi này phù hợp với tinh thần cộng hòa theo tư duy Hồ Chí Minh, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố trước quốc dân, đồng bào, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè trên thế giới qua Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 và Hiến pháp năm 1946.

Sự thay đổi này cũng phù hợp với nhận thức mới về học thuyết Mác – Lênin và Chủ nghĩa Xã hội đã được cuộc sống kiểm định và phán xét về sự không phù hợp và không đúng của nó. Và trên thực tế nó đã không vượt qua được khủng hoảng và sụp đổ bởi nguyên nhân tự thân của nó.

3. Nhà nước của nước Việt Nam Cộng hòa hoặc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhà nước của dân, do dân, vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân với khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, chứ không phải của giai cấp công nhân hoặc giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức là nền tảng (như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992).

Nhà nước của nước Việt Nam Cộng hòa hoặc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhà nước pháp quyền tam quyền phân lập, chứ không phải nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (như Hiến pháp 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992). Các nhánh quyền lực nhà nước – lập pháp, hành pháp, tư pháp – phải được phân định rạch ròi theo chức năng, nhiệm vụ của nó. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm và quyền hạn tương thích với chức năng nhiệm vụ ở các nhánh phải hoạt động độc lập, không ỷ lại, dựa dẫm vào nhau và cũng không để cho tổ chức và cá nhân bất kỳ nào can thiệp, chi phối, nhất là đối với hệ thống tư pháp phải được xét xử độc lập trên cơ sở Hiến pháp và luật.

Sự phân định rạch ròi đó cũng tạo chuẩn mực để các nhánh quyền lực nói riêng và các tổ chức chính trị, xã hội khác nói chung ràng buộc, chế ước lẫn nhau nhưng không chi phối theo kiểu vượt thẩm quyền hoặc độc quyền quyền lực.

4. Ở điều 4 của Hiến pháp 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nên bỏ những phần nói cụ thể về Đảng Cộng sản Việt Nam và “Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, và thay vào đó là những hiến định về đảng cầm quyền.

Đảng cầm quyền là Đảng tôn trọng chủ quyền quốc gia, dân tộc Việt Nam, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật, được nhân dân tín nhiệm, người của đảng được nhân dân bầu chọn, đưa vào bộ máy nhà nước của dân, do dân, vì dân qua các cuộc bầu cử thật sự tự do, dân chủ có sự sàng lọc của cạnh tranh chính trị trong môi trường đa nguyên, đa đảng.

5. Với tầm của Hiến pháp, cần có quyết sách đúng và rõ ràng về chủ quyền và quyền sở hữu đất đai.

Đất với tư cách là lãnh thổ, là tài nguyên và là cảnh quan môi trường tự nhiên, thuộc chủ quyền quốc gia và quyền của chủ quyền đó là của toàn dân và Nhà nước được trao quyền đại diện chủ quyền.

Đất được đưa vào khai thác, sử dụng còn là sản phẩm của lao động (cả lao động cha truyền con nối) là tài sản hoặc bộ phận cấu thành tài sản (trong bất động sản), là tư liệu sản xuất (trong sản xuất nông nghiệp) của người dân và các chủ thể sản xuất kinh doanh nhất định, lẽ ra phải được cư xử như những tài sản, những tư liệu sản xuất như đã đề cập ở điều 33 của dự thảo. Ở đó quyền sở hữu tư nhân được thừa nhận và bảo hộ bên cạnh sở hữu nhà nước và tập thể.

Hiến pháp 1980 và 1992 không thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai, đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế và bất ổn xã hội. Thiết nghĩ, đã đến lúc phải sửa đổi. Bên cạnh sự khẳng định tài nguyên đất thuộc chủ quyền quốc gia, toàn dân tộc, Hiến pháp phải thừa nhận và bảo hộ sở hữu tư nhân về đất đai bên cạnh sở hữu nhà nước và tập thể.

Đất đai là tài sản có chủ thể sở hữu rõ ràng, trong kinh tế thị trường việc dịch chuyển quyền sở hữu được thực hiện dưới hình thức mua bán là tất yếu. Nhà nước khi có nhu cầu vì quốc kế dân sinh thường phải trưng mua theo cơ chế và giá cả thị trường. Trong những trường hợp đặc biệt vì an ninh, quốc phòng có thể trưng thu đất nhưng phải có đền bù không để thiệt đối với người dân.

6. Mô hình kinh tế tổng quát, đã và đang được thể hiện trong Hiến pháp 1992 và bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, bị chi phối bởi chế độ kinh tế nặng về công hữu là nền tảng, kinh tế nhà nước là chủ đạo, đã không còn phù hợp phải thay đổi trong tu chỉnh Hiến pháp kỳ này.

Để tạo điều kiện và khuyến khích huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân để chấn hưng kinh tế và an sinh xã hội, thì không thể không bình đẳng trong hiến định về cách ứng xử đối với các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp.

Vẫn tiếp tục xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo như trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là không phù hợp với tinh thần bình đẳng và lẽ công bằng mà Hiến pháp cần có.

Tác giả của bản dự thảo còn cho rằng “Quy định (kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo) như vậy để thể hiện hạ tầng kinh tế của chế độ XHCN ở nước ta”. Vậy trong mối quan hệ giữa hạ tầng kinh tế và thượng tầng kiến trúc chế độ XHCN cái nào quyết định cái nào? Sẽ không có sự biện minh nào cho việc đi ngược lại quy luật của tác giả bản dự thảo.

Chế độ XHCN ở Việt Nam là cái gì, mà bắt hạ tầng kinh tế phải theo để thể hiện? Thiết nghĩ, ngoài những ý tưởng nhân văn vốn là khát vọng của loài người tiến bộ, đã được các nhà sáng lập ra lý thuyết XHCN kế thừa và coi là sứ mệnh của CNXH, thì không còn cái gì đúng và phù hợp với cuộc sống đương đại. Mô thức tổ chức xã hội XHCN với những nội hàm: (1) Về tổ chức xã hội theo thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp, thực thi chuyên chính vô sản, lấy nhà nước vô sản chuyên chính thay cho nhà nước pháp quyền và quyền dân sự và chính trị của công dân; (2) Công hữu hóa tư liệu sản xuất và tạo lập vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước được coi là giải pháp cách mạng XHCN đánh vào chế độ tư hữu, làm suy yếu khu vự dân doanh – cái gốc của nền kinh tế; (3) Không còn độc đoán chuyên quyền của giới chủ nô lệ, của vua quan và chúa đất, nhưng thâu tóm quyền lực của thể chế độc đảng lãnh đạo đã gây nhiều bất ổn xã hội. Trên thực tế quyền lãnh đạo của đảng đã trở thành siêu quyền đặt lên trên dân quyền và pháp quyền. Chế độ XHCN đó đã đi vào khủng hoảng và sụp đổ, nên không thể bất chấp quy luật mà bắt hạ tầng kinh tế phải tiếp tục tùng phục thượng tầng – chế độ XHCN.

Từ những điều đã trình bày ở trên, xin có mấy đề nghị sửa đổi liên quan đến mô hình kinh tế tổng quát cần được thể hiện trong Hiến pháp như sau:

Thay kinh tế thị trường định hướng XHCN bằng “kinh tế thị trường hiện đại” – đỉnh cao của sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước vốn đã được chọn ngay từ đầu đổi mới.

Bỏ quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Mô hình kinh tế tổng quát cần được thể hiện trong Hiến pháp sửa đổi với những đặc trưng khái quát là: (1) Kinh tế thị trường hiện đại; (2) Đa dạng hóa sở hữu, thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp; (3) Không coi công hữu là nền tảng, kinh tế nhà nước là chủ đạo, mà chỉ cần xác định đúng mức vai trò quản lý của nhà nước pháp quyền đối với nền kinh tế thị trường Việt Nam; (4) Thực thi dân chủ trong kinh tế, mà vấn đề cốt lõi là quyền của người dân và thực quyền kinh doanh của doanh nghiệp; (5) Liên kết và hợp tác quốc tế.

Những góp ý trên đây là ý kiến từ tấm lòng và ít nhiều của sự hiểu biết của một công dân có trách nhiệm với chuyện dân, chuyện nước. Rất mong được chia sẻ cùng quý Đại biểu Quốc hội.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/10/2013

Kính chào

Đ. C. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in Hiến Pháp, Lên Tiếng. Bookmark the permalink.