Ngay sau án treo cho Đinh Nhật Uy vào ngày 29/10/2013, giới blogger và facebooker bất đồng chính kiến ở Việt Nam lại có thêm một chỉ dấu về chiến dịch bắt bớ họ sẽ… khó xảy ra.
Không có phép màu
Tất nhiên, giới không đồng thuận với chính thể Việt Nam như nhóm phản đối điều luật 258, Tổ chức nhân quyền quốc tế, Tổ chức ân xá quốc tế, Tổ chức phóng viên không biên giới… và đương nhiên gia đình bên “bị hại” không hoàn toàn tán đồng mức án tù treo 15 tháng mà giới “tài nguyên nhân quyền” dành cho Đinh Nhật Uy.
Thế nhưng như người đời thường bình phẩm, hãy cho tất cả những thành viên của giới đấu tranh nhân quyền ở các quốc gia phát triển, chẳng hạn như phong trào “Chiếm Phố Wall” vào cuối năm 2011 ở Mỹ, đến cư ngụ tại Việt Nam chỉ trong một quý, có lẽ họ sẽ không còn quá tha thiết với câu chuyện tranh đấu “được voi đòi tiên” ở đất nước mình.
Với Việt Nam, án treo được hiểu ngầm là tự do. Với những vụ việc mang màu sắc chính trị như Uy, tự do còn có ý nghĩa hơn rất nhiều bởi khái niệm này tuyệt đối không liên đới gì với cơ chế chạy án diễn ra thanh thiên bạch nhật trong lĩnh vực kinh tế.
Cũng chẳng hề có án treo chính trị nào từ trên trời rơi xuống, ứng với trường hợp Việt Nam. Rất thực tế, đó là kết quả cộng hưởng của những tác động liên tục của giới đấu tranh nhân quyền trong nước với ảnh hưởng của cộng đồng và chính giới quốc tế.
Đơn giản là nếu không có những tác động trên, dù lương tâm Đinh Nhật Uy không một chút áy náy về hành vi “phạm tội” mà các cơ quan kiểm sát và an ninh đòi hỏi ở anh, Uy vẫn có thể được bố trí “nằm” trong trại tạm giam của công an tỉnh ít nhất một năm, nếu vụ việc không đưa ra xét xử cũng như không kết án.
Ở Việt Nam, tình trạng giam giữ không xét xử là phổ biến, rất phổ biến. Mãi về sau này, những cuộc kiểm tra của cơ quan pháp luật Quốc hội mới làm rõ được vài ba vụ việc mà thời gian tạm giam kéo dài đến 7 năm, bất chấp tinh thần thượng tôn luật pháp mà đội ngũ tư pháp từng thề thốt.
Bây giờ là năm 2013
Ngay sau án treo cho Đinh Nhật Uy, giới blogger và facebooker bất đồng chính kiến ở Việt Nam lại có thêm một chỉ dấu về chiến dịch bắt bớ họ sẽ… khó xảy ra.
Một lần nữa, người ta nhìn thấy một tín hiệu mới, rất mới, tiếp sau trường hợp nữ sinh áo trắng Phương Uyên vào tháng 8/2013, cũng tại tòa án Long An.
Nếu 3 năm án treo của Phương Uyên đã làm nhiều người quá bất ngờ, thì vào lần này, sự ngạc nhiên lại càng vỡ ra, tuy hàm lượng của nó có thể đã giảm đi một nửa.
Nếu trong vụ việc Phương Uyên, giới dân chủ Việt Nam còn lấn cấn nghi vấn về một “phép màu” của tạo hóa, hoặc bởi cung mệnh của cô bé khăng khăng tuyên bố “Tôi chỉ chống đảng cộng sản chứ không chống lại đất nước” là quá may mắn, thì với chiến dịch xử án Đinh Nhật Uy, điều được xem là phép màu đã biến thành một cái gì mang tính thực thể và biện chứng hơn hẳn.
Hai án treo chỉ cách nhau qua hơn hai tháng, cùng tại Long An. Hai nhân vật chính trị đều “cứng đầu” và đều được hai cơ quan an ninh điều tra và viện kiểm sát cố thuyết phục “nhận tội” ngay trước khi bị đưa ra xét xử… Đó là vài ba sự đồng điệu mà giới phân tích chính trị đối nội lẫn đối ngoại không thể bỏ qua.
Logic giản dị là nếu chính quyền sở tại và nhà nước trung ương đã “quyết tâm” cho Đinh Nhật Uy đi tù, thậm chí là tù lâu năm, họ đã không cần phải vào tận buồng tạm giam để bắt buộc Uy ký giấy nhận tội hoặc làm một thủ tục “khoan hồng” nào đó. Chẳng phải vào năm 2012, hai nhạc sĩ Việt Khang và Phạm Vũ Anh Bình, chỉ với một ca khúc chống Trung Quốc, chẳng cần “thủ tục” gì mà vẫn bị xử án đến 4 năm và 6 năm tù giam đó sao?
Chỉ có điều, bây giờ là năm 2013 chứ không còn là năm ngoái hay những năm “gian khổ” trước đây nữa. Năm nay lại le lói dấu chỉ phớt hồng bởi sự hồi sinh mối quan hệ giữa hai cựu thù Việt – Mỹ, cùng hàng loạt ấp ủ của nhà nước Việt Nam về đối tác chiến lược toàn diện với những quốc gia không còn man rợ về dân chủ, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự; về một cái ghế trong Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc, nhưng còn đang bị “chống đối” bởi nhiều “thế lực thù địch”; và cả về lối thoát cho nền kinh tế – chính trị có thể nảy ra từ điều được giới chuyên gia quốc doanh cho là “cơ hội chưa từng có từ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương”, cho dù hiệp định này vẫn còn lâu mới được giải tỏa bởi vô số “rào cản kỹ thuật” về xuất xứ hàng hóa, kiểm dịch, nhãn mác, nghiệp đoàn lao động, nhân quyền…
Trong hoàn cảnh chính trị Việt Nam giờ đây, động cơ đối ngoại luôn hữu cơ với hành xử đối nội. Không phải ngẫu nhiên mà từ tháng 7/2013 – thời điểm diễn trình cử chỉ chủ tịch nước Việt Nam trao bản sao lá thư năm 1946 của ông Hồ Chí Minh cho tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ – cho tới nay đã không xảy thêm một vụ bắt bớ nào nữa.
Không khí “bắt giữ” thật ra chỉ xảy ra đối với một số blogger và ủng hộ viên mà chính quyền coi là “quá khích”, như nhóm 258. Và thật ra hành động trấn áp cũng chỉ chủ yếu nhằm tác động về tâm lý, cô lập cá nhân và biểu hiện ở mức độ câu lưu trong 1-2 ngày.
Trong những trường hợp chẳng đặng đừng, lực lượng “vô sản lưu manh” xuất hiện. “Vô sản lưu manh” cũng là cụm từ chuyên biệt mà Các Mác đặc tả về những kẻ có khuynh hướng biến cách mạng thành một mớ hổ lốn.
Quang cảnh vừa hoạt náo vừa sẵn lòng thượng cẳng tay, hạ cẳng chân của một lực lượng công an và dân phòng Long An, đông gấp vài chục lần số người biểu tình đòi trả tự do cho Đinh Nhật Uy mới đây, cho thấy không phải những người “bảo vệ pháp luật” không muốn tống giam vĩnh viễn loại “ngoan cố” như Uy, mà chẳng qua “điều kiện khách quan” không cho phép họ xuống tay bất chấp.
Quanh cảnh trong tòa lại khác hẳn ngoài tòa. Vào lần này, tín hiệu “cởi mở” đã được lặp lại và đang dần trở thành phản xạ có điều kiện.
Phản ứng hóa học chưa kết tủa này có thể khiến tâm trạng các cơ quan an ninh từ trung ương xuống địa phương trở nên khó tả, khó nghĩ và càng khó quyết định về chuyện cho “nhập kho” ai đó.
Trong xu hướng chưa “minh bạch” về đối ngoại và kể cả cốt kịch cần “theo ai”, cách thức khôn ngoan nhất vẫn là im lặng và chờ đợi.
Tất cả vẫn đang “treo”
Vì sao Uyên và Uy được thả, trong khi Lê Quốc Quân vẫn bị cầm tù?
Trong một góc nhìn tế nhị, cả Phương Uyên lẫn Đinh Nhật Uy đều chỉ là những nhân vật mang tính biểu tượng chứ chưa đặc trưng cho vai trò thủ lĩnh, cầm chịch trong các cuộc phản kháng đối với chính quyền. Nói cách khác, cho dù không phải nhận án treo và cũng không bị ràng buộc bởi bất kỳ “thời gian thử thách” nào, các bạn trẻ này cũng chưa thể xúc tiến một hành động nào “nguy hiểm” đối với chính thể.
Một câu hỏi khác cũng nảy nòi: vì sao mức án đối với những nhân tố mang dấu ấn chính trị như Phương Uyên và Đinh Nhật Uy chỉ là treo, còn án tù giam lại dành cho hành vi bị quy kết là “trốn thuế” đối với Lê Quốc Quân – người đã từng tự nguyện ứng cử đại biểu Quốc hội và có tương lai trở thành một chính khách chuyên nghiệp?
Và câu trả lời có thể không cần quá tế nhị: trên con đường “giao lưu nhân quyền” với quốc tế, có lẽ nhà nước Việt Nam đang dần hé cánh cửa nhà giam. Nhưng chỉ là hé chứ chưa phải mở, khác hẳn hành động dũng khí thả vài trăm tù chính trị từ năm 2011 đến nay của Tổng thống Thein Sein ở Miến Điện.
Chủ thuyết “hé mở uyển chuyển” như thế, về mặt logic, hẳn nhiên sẽ được bắt đầu với những “đối tượng” không quá nguy hiểm như Phương Uyên và Đinh Nhật Uy. Ngược lại, Lê Quốc Quân lại có vẻ xứng đáng với vai trò “con hổ dân chủ” đến mức không một ai đủ can đảm để ký lệnh thả nhân vật này, cho dù Quân mới là tiêu điểm mà cộng đồng nhân quyền quốc tế chú tâm và không ngớt kêu gọi trả tự do.
Nhưng dù gì và hiểu theo cách nào đó, “hé” cũng là “mở”, cho dù động tác giằng kéo như thế lại như hình bóng với não trạng trì độn và thiếu bản lĩnh của “một bộ phận không nhỏ” trong giới chính khách đương đại Việt Nam.
Trong lộ trình mở hé như vậy, tất cả vẫn còn “treo”. Treo từ nhà giam đến viễn cảnh đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, TPP và cả vài gương mặt chính khách đang muốn “tự chuyển hóa”.
Nhưng dù sao, một chút mở mang “dân trí chính trị” như với trường hợp Đinh Nhật Uy cũng khiến cho giới blogger bất đồng chính kiến có thêm hy vọng về tương lai không đến nỗi quá tăm tối đối với hai người bị bắt cùng đợt với Uy vào giữa năm nay – Phạm Viết Đào và Trương Duy Nhất.
Có hy vọng những người còn trong trại tạm giam sẽ không bị kết án.
Thảng hoặc, họ còn được ung dung trở về nhà vào một buổi tối trời trong không bao lâu nữa, sau khi đã “hoàn thành trách nhiệm đối với gia đình và xã hội” – như kết luận của Đinh Nhật Uy tại tòa Long An mới đây.
Việt Nam 30-10-2013
P. C. D.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/thoisu-103013-pcd-10302013112112.html