Bài viết của tôi đăng trên tạp chí Diễn đàn có nhan đề Tiêu diệt tận gốc văn hóa Việt Nam: Thủ đoạn của Minh Thành Tổ trong cuộc chiến tranh xâm lược 1406-1407 (xem tại đây) sau đó đăng lại trên mạng BVN với nhan đề có thay đổi chút ít: Thủ đoạn tiêu diệt tận gốc văn hóa Việt Nam của Minh Thành Tổ trong cuộc chiến tranh xâm lược 1406-1407 (xem tại đây), thật ra vẫn chỉ là một phần trích từ thiên khảo luận Cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược Minh và văn học yêu nước thế kỷ XV cùng những bước nối tiếp về sau, được viết từ năm 1980 (không phải viết năm 2000 như ông Hồ Bạch Thảo nói) và in trong cuốn Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược do NXB Khoa học xã hội công bố năm 1981, gần đây in lại trong sách Văn học Cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật, NXB Giáo dục, 2013. Cũng vì thời gian cách nay đã trên 30 năm, bấy giờ mạng internet chưa ra đời, nên lúc viết tôi không có điều kiện tìm tòi thêm tư liệu khác của Trung Quốc. Muốn làm điều ấy chỉ có thể vào thư viện, mà thư viện chuyên ngành ở Việt Nam là Thư viện Khoa học Xã hội tiếp quản từ Viễn Đông bác cổ Pháp, thì số sách Trung Quốc còn tàng trữ, trừ Việt kiệu thư ra, hầu như rất hiếm những sách nói sâu về cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Minh. Tìm kiếm các bộ Minh sử, Minh thực lục… ở Hà Nội thời điểm đó cũng bằng như “ngậm ngải tìm trầm”. Những nhận xét của học giả Hồ Bạch Thảo về sự hạn chế tài liệu tham khảo trong bài quả tình xác đáng.
Tập I Việt kiệu thư, bản của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp cũ
Tuy vậy, từ đó mà đi tới cho rằng những tư liệu tôi “trưng ra” từ sách Việt kiệu thư là không có giá trị, do tác giả cuốn sách, Lý Văn Phượng, là một nhà viết sử không chuyên, chỉ nhặt nhạnh những truyền ngôn đầu đường xó chợ, như những gì tôi lĩnh hội được qua cách “thử lý giải” về “sự khác lạ” theo ý ông Hồ Bạch Thảo (xin xem: Thử lý giải tại sao những sử liệu thời Minh do Giáo sư Nguyễn Huệ Chi trưng lên từ Việt Kiệu Thư khác với Minh Thực Lục, trang mạng Văn hóa Nghệ An 28-9-2013: xem tại đây), thì lại là một nhận định e chưa thật thanh thỏa, nên xin được trao đổi lại với ông.
Trước hết, hãy làm rõ Lý Văn Phượng là người thế nào? Nói như ông Hồ Bạch Thảo, Lý Văn Phượng “không phải là nhà viết sử chuyên nghiệp” thì về hình thức nghe dường như hợp lý, song có lẽ chính xác hơn ta nên dùng cụm từ ông “không phải là sử quan”. Bởi vì ở phương Đông nói chung, trong thời kỳ phong kiến, làm gì có trường đại học chuyên ngành để có những sinh viên được học chuyên về sử học và khi ra trường trở thành nhà viết sử hoặc dạy sử chuyên nghiệp? Chẳng qua, người nào được vua cử vào ngạch nào thì nhận lấy chức việc ở ngạch ấy, và ngay cả khi nhận rồi cũng không phải cứ thế là mang lấy “nghiệp” cho đến chết; có khi đang từ ngạch “sử quan” hay “học quan” bỗng được đổi sang ngạch “đường quan”, bổ ra làm quan ngoài để trở thành một bậc “dân chi phụ mẫu” – hoặc cũng có trường hợp ngược lại – là chuyện vẫn thường xảy ra. Vậy, nếu tính đến sự hơn kém giữa Lý Văn Phượng với những vị làm việc trong Viện Quốc sử đương thời của triều Minh thì thiết tưởng, điều đầu tiên đáng xét, là về khoa danh, liệu ông này có được học hành chu đáo, nghĩa là có đỗ đạt gì không. May mắn, đây vốn là một nhân vật được coi là danh sĩ của đất Quảng Tây nên trong một thập kỷ vừa qua đã có không ít bài trên báo chí địa phương, nhắc đến, hoặc giới thiệu, bình luận, khảo cứu về tiểu sử và sự nghiệp, trong đó có bài của Lục Nguyệt Linh (mà ông Hồ Bạch Thảo có viện dẫn): Học giả thời Minh kê cứu phong vật của Việt Nam (Bàn điểm Việt Nam phong vật đích Minh đại học giả盘点越南风物的明代学者) viết trên tờ Nam quốc tảo báo南国早报 số ra ngày 25-7-2009, rất đáng chú ý, và công trình biên khảo tương đối kỹ lưỡng của Đàm Hồng Song, một nữ Thạc sĩ nghiên cứu sinh ở Viện Văn học thuộc Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây: Khảo về cuộc đời và trước tác của Lý Văn Phượng người Nghi Sơn triều đại Minh (Minh đại Nghi Sơn Lý Văn Phượng sinh bình cập trước tác đích khảo明代宜山李文凤生平及其著作考) đăng trên Hà Trì học viện học báo河池學院學報, Q. 29, kỳ thứ 3, tháng 6 năm 2009, căn cứ vào hầu hết sách vở từ thời Minh cho đến hiện đại, cả địa phương chí cũng như Tứ khố toàn thư, đưa ra những kiến giải đáng tin cậy. Tổng hợp các nguồn tài liệu này lại, ta có được vài thông tin tóm lược sau đây: Lý Văn Phượng tự Đình Nghi, hiệu Nguyệt Sơn Tử, người huyện Nghi Sơn (nay là Nghi Châu), tỉnh Quảng Tây, sinh khoảng 1510, mất khoảng 1552, đỗ Giải nguyên khoa thi Hương năm Ất Dậu niên hiệu Gia Tĩnh (1525) và đỗ Tiến sĩ năm Nhâm Thìn cùng niên hiệu (1532). Được bổ chức Đại lý tự thiếu khanh ở kinh đô trong 8 năm. Đến 1540, thăng Binh bị thiêm sự Quảng Đông. Về sau đổi sang làm Thiêm sự Vân Nam. Một thời gian sau đó, do bị bệnh đau chân không lành nên xin về trí sĩ. Tác phẩm có Việt kiệu thư và Nguyệt Sơn tùng đàm. Nguyệt Sơn tùng đàm có cả văn xuôi và thơ, góp nhặt tác phẩm từ khi còn ở kinh đến mãi cuối đời, được một số danh sĩ đề bạt; riêng Việt kiệu thư thì còn có những bản sao lưu lạc, tàn khuyết, bị người khác thay đổi nhan đề thành Cô trung tiểu sử孤忠小史, rồi có một vị Tổng đốc Lưỡng Giang (Giang Nam – Giang Tây) đem dâng lên triều đình để đưa vào Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu. Như vậy, nói về học vấn, Lý Văn Phượng không phải là một anh đồ nho vườn mà là một học sĩ xuất thân từ bậc học cao nhất, cũng không phải là người quá xa lạ với các nguyên tắc ngôn hành mà triều đình nhà Minh quy định cho văn nhân học sĩ, vì ông có đến 8 năm kinh lịch trong triều. Ông là người có học thức ngang ngửa các vị sử quan cùng thời mình.
Nhưng còn quan trọng hơn, là cách đánh giá trước tác của Lý Văn Phượng so với trước tác của các vị sử quan. Không nói quan điểm nước ngoài mà ngay tại Trung Quốc thôi, giới sử học từ lâu vẫn ít khi xem xét thành tựu của sử quan một cách chung chung, trừu tượng. Họ thường gọi những người có vị trí học thuật đáng kể trong giới sử là “sử gia”, mà sử gia xuất thân từ sử quan trong lịch sử thường chỉ là một số, còn tuyệt đại bộ phận thì lại không phải là sử quan (换言之, 史官当中固不乏优秀的史家, 而优秀的史家则并非都是史官. 因此要全面认识中国古代的史学, 还必须充分认识到历代都有很多并非身为史官的史家所作出的杰出贡献. 他们的业绩, 有不少是历代史官所不及的. Xem: tại đây). Chỗ mấu chốt: sử quan thì phải viết sử theo những thể lệ nghiêm ngặt của nhà nước; việc lấy hay bỏ các sự kiện lịch sử đều phải tuân thủ những tiêu chí chặt chẽ, với tinh thần tôn vinh đấng chủ tể và chế độ mà mình phụng sự, không được để sót trong trang viết những “tì vết” làm giảm uy phong của triều đình. Chẳng hạn, Minh Thành Tổ vốn là người đa nghi hiếu sát, cướp ngôi Kiến Văn Đế là cháu ruột khiến Văn Đế phải tự thiêu mà chết, lại giết hết những đại thần thân tín của Văn Đế, trong đó có người như Phương Hiếu Nhụ ông ta giết đến 10 họ (tru di thập tộc); và là người suốt đời nung nấu tham vọng bành trướng lãnh thổ, bên cạnh việc xâm lược Việt Nam còn tự thân chinh đánh Mông Cổ đến 5 lần trong gần suốt 22 năm làm vua. Thế nhưng khi ghi chép vào bộ thực lục về ông ta (mà học giả Hồ Bạch Thảo đã trích dịch thành ba tập riêng về quan hệ Trung Quốc – Việt Nam rất công phu, nghiêm túc) thì sử quan vẫn phải viết cho “đẹp mặt” ngài ngự, rằng ngài vốn có đức hiếu sinh, lúc nào cũng thương xót dân đen trong bốn biển, bất đắc dĩ lắm mới đụng đến đồ binh khí. Những chuyện là sự thực sờ sờ không thể che giấu thì cũng cố gắng lược bớt, hoặc dùng uyển ngữ làm giảm chỗ “khó nuốt” xuống dăm ba phần. Với những người viết sử đứng ngoài cơ quan quốc sử lại không hẳn thế. Họ cũng bị câu thúc không phải không ngặt nghèo song ít nhiều vẫn có được sự phóng túng trong ngòi bút, dám có bản lĩnh ghi lại những cái gọi là “sử thực”. Bởi vậy, không phải đến bây giờ Trung Quốc mới biết đánh giá cao lớp người gọi là “tư nhân soạn thuật lịch sử”, coi đó là một bước tiến vượt bực của sử học so với “quan sử” tức sử nhà nước, sử quan phương. Lý Văn Phượng chính là thuộc lớp người sau.
Việt kiệu thư của Lý Văn Phượng là một bộ sử nhưng thuộc một môn loại khác với thông sử. Nó là “địa phương chí”, “địa lý chí”. Đối tượng của nó là thu thập tài liệu, khảo sát nhiều mặt về mảnh đất Việt Nam – mà Phượng khinh thường gọi là cái gò hoang – qua các thời kỳ lịch sử từ thượng cổ cho đến năm 1540 là năm sách hoàn thành. Nó không viết về chính tích của triều đại Minh (nội trị, ngoại giao, quân sự – đánh Bắc dẹp Nam, bành trướng lãnh thổ…) nên đương nhiên thể tài khác hẳn với Minh thực lục. Nhưng trong vấn đề chính sách cũng như hành động của Minh Thành Tổ đối với “An Nam” thì nó lại ghi chép sâu, kỹ và đầy đủ hơn hẳn Minh thực lục, đó cũng là lẽ thường.
Ông Hồ Bạch Thảo cho rằng Lý Văn Phượng phải dùng An Nam chí lược của Lê Trắc làm “lam bản”, tức là tài liệu tham khảo chính, và ông suy luận: “Phải dùng sử liệu của một tác giả người Việt để thực hiện phần lớn bộ sử, chứng tỏ tài liệu dưới tay Lý Văn Phượng rất hạn chế”. Tôi nghĩ ngược lại. Một cuốn sách địa chí về Việt Nam thì phải tham khảo những cuốn sách cùng thể loại viết trước mình và cùng một đối tượng, có gì lạ đâu. Mà những cuốn sách viết trước cùng thể loại với Việt kiệu thư hỏi có cuốn nào đầy đủ, hệ thống như An Nam chí lược? Trong trường hợp này, bỏ qua không tham khảo An Nam chí lược mới là điều đáng trách. Tuy nhiên, An Nam chí lược chỉ viết đến thời Nguyên trở về trước (theo khảo chứng của học giả Trần Kinh Hòa thì bài tựa của tác giả viết năm 1336). Việt kiệu thư, như đã nói, còn viết đến tận 1540. Cách nhau đến hơn 200 năm. Theo đà suy luận ở trên, ông Hồ Bạch Thảo nhận định: “riêng về các sử liệu từ đầu triều Minh cho đến lúc đó [1540] thì cũng chỉ thu thập những điều ghi chép tản mạn trong dân chúng, hoặc có kẻ nhớ được thì kể lại, đúng như cái mà cụ Khổng gọi là “đạo thính đồ thuyết” (nghe ngoài đường, nói ngoài lộ), bởi vậy độ tin cậy rất hạn chế”. Nhưng khác với ông, không hiểu sao đối với một cuốn sách “tầm thường” như thế, nữ Thạc sĩ Đàm Hồng Song và rất nhiều học giả Trung Quốc lại không dám khinh suất, coi thường. Đàm Hồng Song xét kỹ hành trạng của Lý Văn Phượng vào năm 1540, cho biết, trong năm này, An Nam nhiều lần xâm phạm duyên hải Quảng Đông nên Lý là một trong những sĩ đại phu được Tổng đốc Lưỡng Quảng mời lên trình bày phương lược đối phó và được giao cho chuyên trách quân vụ Quảng Đông. Nhờ đó, ông đi sâu xem xét tình hình, bày mưu bắt “giặc biển” có thành tích. Do công việc đòi hỏi, “Văn Phượng được tham duyệt nhiều sử liệu liên quan đến An Nam, và đó là cơ sở vững chắc và xác thực giúp ông biên chép nên cuốn Việt kiệu thư cũng vào thời gian ấy” (文鳳此期間參說了許多有關安南的史料, 從而為他編瀉《越嶠書》打下了堅實的基礎. 其著作《越嶠書》亦當編于此期間. Xem: baidu.com →[doc格式] 明代宜山李文凤生平及其著作考 –豆丁网). Đàm Hồng Song còn mượn lời một học giả đàn anh là Trương Tú Dân để đánh giá tổng quát: “Việt kiệu thư do mang tính chất một bộ sử thư nên có giá trị cao về lịch sử và văn hiến (chúng tôi nhấn mạnh – NHC). Đặc biệt, những sử liệu về An Nam vào thời Minh thu thập được trong sách, cực kỳ rõ ràng đầy đủ, có thể bổ sung cho phần thiếu khuyết của bộ Minh sử, phần “An Nam truyện”. Có thể nói Việt kiệu thư là một trước tác tham khảo trọng yếu cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam và lịch sử quan hệ Trung Việt” (《越嶠書》因其史書性質使它具有較高的歷史, 文獻价值. 尤其書中所收明代安南史料, 極為詳備,可以補《明史。安南傳》之缺. 可以說《越嶠書》是研究越南歷史及中越關系史的重要參考著作. Xem: baidu.com →[doc格式] 明代宜山李文凤生平及其著作考 –豆丁网 ).
Kỳ thật, Trương Tú Dân张秀民 (1908 – 2005), chuyên gia thư tịch học nổi tiếng ở Thư viện Bắc Kinh, từng có nhiều công trình khảo tả rất chi tiết về thư mục chuyên ngành quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam, trước Đàm Hồng Song 13 năm đã viết về Việt kiệu thư tỉ mỉ hơn nhiều: “Nội dung bộ sách phong phú, sử liệu về An Nam vào thời Minh mà ông [Lý Văn Phượng] thu thập được cực kỳ rõ ràng đầy đủ, có thể bổ sung những chỗ thiếu khuyết của bộ Minh sử, phần “An Nam truyện”. Những đạo sắc dụ bí mật do vua Vĩnh Lạc [Minh Thành Tổ] ban ra trong thời gian bình định Giao Chỉ, phần nhiều trong Minh Thái Tông thực lục chưa hề được ghi chép, nên lại càng đáng coi là trân quý; [đây] là bộ sách tham khảo trọng yếu nhất nghiên cứu lịch sử An Nam” (chúng tôi nhấn mạnh – NHC) (內容豐富, 所收明代安男史料極為祥備, 可補《明史。安南傳》之缺. 永樂平交所頒機密敕諭多為《明太宗實錄》, 所未載, 尤可珍贵, 為研究安南史最重要之參考書. Xem: An Nam thư mục đề yếu thập nhất chủng安南书目提要十一種, 《中国东南亚研究会通讯》,1996,(1、2)tr. 45. Có thể đọc từ: tại đây). Chính Trương Tú Dân là người đã biết đến bản in trên giấy dầu (du ấn油印) lưu tại Viễn Đông bác cổ Pháp Hà Nội – sau đó được Émile Gaspardone dịch một phần sang tiếng Pháp – mà chúng tôi từng tìm đọc năm 1972 và mấy ngày gần đây cất công tìm lại, may mắn vẫn còn.
Kể cả một người Nhật (?) là Luuchicuong trong bài Những thư tịch văn sử Hán văn có quan hệ đến lịch sử và văn hóa Việt Nam (有关越南历史文化的汉文史籍) đăng trên Học thuật luận đàn学术论坛số tháng 12 năm 2007 cũng mô tả và đánh giá Việt kiệu thư gần như Trương Tú Dân: “Bộ sách ghi chép những sự tích về An Nam, nội dung phần lớn tương đồng với An Nam chí lược của Lê Trắc, nhưng những sự tích trong khoảng từ đầu thời Minh cho đến niên hiệu Gia Tĩnh thì được bổ sung thêm. Những sắc dụ cơ mật về việc bình định An Nam ban bố trong niên hiệu Vĩnh Lạc [Minh Thành Tổ] phần lớn không được ghi lại trong Minh Thái Tông thực lục thì ở Việt kiệu thư có thể tìm thấy không ít” (chúng tôi nhấn mạnh – NHC) (该书所记安南事迹,内容与黎崱所著《安南志略》大多相同,但增加了明朝初年到嘉靖年间的事迹,永乐年间平定交阯所颁机密赦谕,在明朝《太宗实录》中很多都没有记载,在《越峤书》可查到不少。Xem: tại đây).
Ngay việc lấy An Nam chí lược làm “lam bản” thì cũng không phải Việt kiệu thư cứ thế bê nguyên xi mọi thứ trong An Nam chí lược vào sách của mình. Là người có điều kiện “tham duyệt nhiều tài liệu liên quan đến lịch sử An Nam”, “và tiếp xúc hỏi han đám “giặc biển” Việt Nam bị bắt” như khảo cứu của Đàm Hồng Song, trong khi tham khảo Lê Trắc, họ Lý có những chỗ đã thêm bớt, hiệu chỉnh. Ông Hồ Bạch Thảo viện dẫn Lục Nguyệt Linh để chêViệt kiệu thư là không đáng tin cậy, nhưng chúng tôi đọc bài Lục Nguyệt Linh không thấy toát lên ý này. Ngược lại, Lục Nguyệt Linh cho rằng “sáchViệt kiệu thư đúng là sách có tính chuyên nghiệp tương đối cao, một bộ địa lý chí, về nội dung có cứ liệu đáng tin cậy” (《越峤书》则是较为专业、详述安南的地理书,内容有据可考). Lý Văn Phượng đã “bổ sung một khối lượng lớn sự kiện lịch sử xác thực từ đầu Minh cho đến niên hiệu Gia Tĩnh trong thời gian ông đảm nhiệm chức Binh bị thiêm sự ở Quảng Đông để soạn nên Việt kiệu thư” (加入了明初至嘉靖年间的大量史实,在广东兵备佥事任期内, 撰写了《越峤书》), nên giữa hai sách có khá nhiều xuất nhập. Một vài ví dụ: “Về phong tục của An Nam, An Nam chí lược và Việt kiệu thư miêu thuật tựa hồ tương tự nhau, nhưng chỗ khác biệt giữa hai tác giả mới là thú vị nhất. Như: nội dung mà Lý Văn Phượng làm rõ thêm là người An Nam giữ gìn phong tục “xứ di” song họ không thẹn, vẫn dám so sánh chỗ hơn với Trung Quốc. Ông còn nhấn mạnh rằng hôn lễ An Nam rất tự do, do chính lớp người trẻ tự sắp đặt lấy. Trong đó, đám cưới của các gia đình sĩ tộc thường quyết định vào mùa xuân. Bà mối đến nhà gái đánh tiếng, nếu được nhận lời thì việc thế là xong, tiền của làm sính lễ từ trăm đến nghìn [quan]. Còn trong mắt người bình dân thì được vài trăm “chữ” [đồng tiền] đã là con số may mắn, thậm chí đưa nhiều đưa ít cũng không quá xét nét. Con gái những nhà vùng biển, từ tháng Giêng đến tháng Ba nông lịch thường kết bạn đi chơi giữa đồng ca hát. Đám con trai đã lớn ở các vùng phụ cận cũng mời bạn bè trang lứa tụ tập kéo đến trước mặt hát đối đáp với nhau. Nếu có cặp nào nảy sinh cảm tình trong khi ca xướng thì bèn kết thành đôi lứa. Cũng có người nhân đó mà trở thành vương phi” (《安南志略》与《越峤书》关于安南风俗部分,描述几乎一模一样,但两者不同处最有意思。如,李文凤加进的内容是安南人保存了夷地风俗,虽然他们不耻,仍敢跟中国比较。他还强调安南的婚礼很自由,由年轻人自己安排。其中士族的婚嫁一般在春天时决定,媒人上女方家问一声,如答应就算成了,送的财物从百到千。在平民眼里,整百的数字为吉祥数,至于送多送少不太讲究。海上人家的女孩,从农历正月到三月,结伴到野外放歌。附近的成年男子也邀同伴前往对歌,如果一来二往唱出感情,便可结合。还有人因此成为王妃. Xem: tại đây). Cách đánh giá của Lục Nguyệt Linh cho thấy ông không hạ thấp mà đề cao Việt kiệu thư.
Tất nhiên, do không được in ấn từ sớm, tình trạng “tam sao thất bản” của Việt kiệu thư là không tránh khỏi. Ông Hồ Bạch Thảo đã vạch ra rất đúng sự chênh lệch về ngày tháng ban bố “Chiếu bá cáo thiên hạ bình định xong Giao Chỉ” của Minh Thành Tổ giữa văn bản chép ở Việt kiệu thư và văn bản chép ở Minh Thái Tông thực lục. Một bên, Việt kiệu thư ghi ngày 1 tháng Ba năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), một bên, Minh Thái Tông thực lục lại ghi ngày 1 tháng Sáu năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407). Cách nhau đúng 3 tháng. Nếu đối chiếu với sự kiện lịch sử thì tháng Ba âm lịch năm đó, quân Minh mới chiếm được thành Thăng Long và kéo vào Tây Đô, còn phải đánh nhau giằng co và đuổi theo cha con Hồ Quý Ly đến đầu tháng Năm mới bắt được họ ở cửa biển Kỳ La. Không thể chối được, hậu quả “tam sao thất bản” của Việt kiệu thư chính là những tỳ vết như trên. Và không chỉ có chừng ấy. Ông Hồ Bạch Thảo còn tìm thấy sự “khác lạ” trong bài Bá cáo thiên hạ do Lý Văn Phượng ghi chép ở một đoạn đáng coi là quan trọng: đoạn Minh Thành Tổ kết tội Hồ Quý Ly khinh rẻ các bậc “tiên nho” sư biểu của đám vua quan Đại Hán.
Một bên Minh Thái Tông thực lục viết: “Rồi tặc thần Lê Quý Ly cùng con là Thương, soán thí quốc chúa, giết hết cả nhà [chúa], làm khổ hại sinh linh, tiếng oan dậy đất; ngụy cải họ tên là Hồ Nhất Nguyên, con đổi tên là Hồ Đê. Chúng che đậy sự thực, xưng là cháu ngoại họ Trần; nói xằng rằng nhà Trần nay đã tuyệt tự, cầu xin được phong tước. Trẫm nghĩ rằng dân trong nước phải được coi sóc, nên đành nghe theo, rồi mưu gian chúng lộ ra rõ ràng, lăng loàn không kiêng kỵ. Tự cho ưu việt như Tam Hoàng, đức cao bằng Ngũ đế; chê Văn Vũ không cần theo, Chu Khổng không đủ học; tiếm xưng hiệu là Đại Ngu, đặt niên hiệu Nguyên Thánh, xưng Lưỡng Cung Hoàng đế. Chúng mạo lập triều đình, thiết lễ nghi”
(Minh thực lục, V, 11, tr. 943; Thái tông thực lục Q. 68,tr. 1a) (Bản dịch và bản Hán văn đều theo Hồ Bạch Thảo, Minh thực lục – Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỷ XIV – XVII, Tập I, NXB Hà Nội, 2010; tr. 256-257 và tr. 667).
Một bên Việt kiệu thư viết: “Mới rồi bề tôi [cũ của họ Trần] là [Lê] Quý Ly và Lê [Hán] Thương từ lâu nuôi lòng lang sói, rốt cuộc làm việc cắn càn, ra tay thí nghịch quốc vương, tàn sát người trong dòng họ [Trần], lan đến cả bề tôi thân tín, đều lâm tai họa thảm khốc, bị truy bức tru diệt. Chúng hung hãn gieo đau khổ cho sinh dân, đến gà chó cũng không yên sống, tiếng hờn oán dấy lên đầy đường. Cáo đa nghi vượn náu nấp, chuột ranh mãnh sói tham lam. Quỷ quyệt đổi họ tên là Hồ Nhất Nguyên, con là Hồ Đê. Che giấu sự thực, mạo xưng cháu ngoại họ Trần, nói gạt rằng họ Trần đã tuyệt tự, xin kế thừa ngôi vương. Trẫm nghĩ người trong nước không có chỗ thống thuộc, có biết đâu kẻ kia man trá, nên cũng nghe lời. Mắc may mà đạt được mưu gian, liền buông thả ngay cái chí bay nhảy. Hoàn toàn không còn chút kiêng sợ. Chẳng có việc gì mà không làm. Tự coi đạo của mình hơn cả Tam vương, đức cao hơn Ngũ đế, cho Vũ, Thang, Văn Vương, Vũ Vương không đủ để noi theo, Chu Công, Khổng Tử không đáng làm thầy mình, giễu Mạnh Tử là nhà nho ăn cắp, nhạo Chu [Đôn Di], Trình [Hiệu, Trình Di], Truơng [Tải], Chu [Hy] là phường trộm cướp. Lừa thánh dối trời, vô luân vô lý. Tiếm xưng quốc hiệu là Đại Ngu. Trộm ghi niên hiệu là Thiệu Thánh. Tự gọi mình là lưỡng cung hoàng đế, mạo dùng nghi lễ của triều đình [nhà Minh]”
Việt Kiệu thư. Q. 2, tờ 27b, ký hiệu Thư viện Viện Thông tin khoa học Xã hội: HV. 000276(1)).
Chiếu bá cáo thiên hạ bình An Nam, bản in Việt kiệu thư tại Viễn Đông bác cổ Pháp cũ, tờ 27b
So sánh sơ qua giữa hai bản thì lời lẽ “mắng nhiếc” nhà Hồ trong Việt kiệu thư nặng nề hơn và cũng hằn học hơn, mặt khác việc Hồ Quý Ly bài xích các đại nho tên tuổi nhiều đời của Trung Quốc cũng được liệt kê đầy đủ, không nói lướt đi như trong Minh Thái Tông thực lục. Theo lô gích thông thường mà tôi đọc được trong tinh thần “chất chính” của ông Hồ Bạch Thảo thì bản trong Việt kiệu thư cầm chắc không đúng với bản gốc, vì ngay thời điểm ban bố bài chiếu vào mồng một tháng Ba (khi chưa toàn thắng) đã khiến người đọc phải nghi ngờ. Ấy thế mà thật lạ, nếu đối chiếu với cũng chính bài Chiếu bá cáo thiên hạ bình định Giao Chỉ do Minh Thành Tổ phái các viên quan nhà Minh sang tuyên đọc trước triều đình nước Triều Tiên vào ngày 1 tháng Năm âm lịch, sau đó in vào bộ sử Triều Tiên thực lục, có dè đâu so với văn bản Việt kiệu thư lại gần nhau như hai giọt nước, chỉ sai khác cùng lắm là vài chục chữ. Xin trích lại đoạn tương đương trong Triều Tiên thực lục để tiện đối sánh.
Triều Tiên thực lục viết: “Mới rồi kẻ thần tặc [của họ Trần] là [Lê] Quý Ly và con Lê [Hán] Thương từ lâu nuôi lòng lang sói, rốt cuộc làm việc cắn càn, ra tay thí nghịch quốc chủ, tàn sát người trong dòng họ [Trần], lan rộng đến cả bề tôi thân tín, đều lâm vào tai họa thảm khốc, bị truy bức tru diệt. Chúng hung hãn gieo đau khổ cho sinh dân, đến gà chó cũng không yên sống, tiếng hờn oán dấy lên đầy đường. Cáo đa nghi vượn giảo hoạt, chuột ranh mãnh sói tham lam. Quỷ quyệt đổi họ tên là Hồ Nhất Nguyên, con là Hồ NgẫnChe giấu sự thực, mạo xưng cháu ngoại họ Trần, nói gạt rằng họ Trần đã tuyệt tự, xin kế thừa phong vương. Trẫm nghĩ người trong nước không có chỗ thống thuộc, có biết đâu kẻ kia man trá, nên cũng nghe lời. Mắc may mà đạt được mưu gian, liền buông thả ngay cái chí bay nhảy. Hoàn toàn không còn chút kiêng sợ. Chẳng việc gì khuất tất không làm. Tự coi đạo của mình hơn cả Tam hoàng, đức cao hơn Ngũ đế, cho Văn Vương, Vũ Vương không đủ để noi theo, Chu Công, Khổng Tử không đáng làm thầy mình, giễu Mạnh Tử là nhà nho ăn cắp, nhạo Trình Chu là phường trộm cướp.Lừa thánh dối trời, vô luân vô lý. Tiếm xưng quốc hiệu là Đại Ngu. Trộm ghi niên hiệu là Thiệu Thánh. Tự gọi mình là lưỡng cung hoàng đế, mạo dùng nghi lễ của triều đình [nhà Minh]” (比者賊臣黎季釐子黎蒼。久蓄虎狼之心。竟爲呑噬之擧。殺其國主。戕及闔宗。覃被[彼]陪臣重罹其慘。掊克殺戮。毒痡生民。雞犬不寧。怨聲載路。狐疑狙狡。鼠黠狼貪。詭易姓名爲胡一元。子爲胡夽。隱蔽其實。矯稱陳甥。誑言陳氏絶嗣。請求紹襲王封。朕念國人無所統屬。不逆其詐。聽允所云。倖成奸譎之謀。輒肆跳梁之志。專無忌憚。靡慝不爲。自以爲聖優於三皇。德高於五帝。以文武爲不足法。下周孔爲不足師。毁孟子爲盜儒。謗程朱爲剽竊。欺聖欺天。無倫無理。僭國號曰大虞。竊紀年曰紹聖。稱爲兩宮皇帝。冒用朝廷禮儀。Xem: tại đây(2)).
Hẳn học giả Hồ Bạch Thảo cũng thấy, cùng một bài chiếu thôi mà hai bản gửi ra khỏi biên cương, đến hai nơi cách xa nhau nghìn trùng về địa lý, lại gần giống hệt nhau, riêng bản “chuẩn” lưu ở hoàng cung thì khác nhiều về câu chữ. Chẳng lẽ đám sử quan Triều Tiên dám tự tiện thêm thắt vào những lời vàng ngọc của đấng thiên tử thiên triều? Và thêm thế nào mà rốt cuộc lại giống với bản của An Nam (sau nhiều chặng đường lưu chuyển đã lọt vào kho tài liệu ở Quảng Đông để sau rốt đến tay một viên quan Thiêm sự ham mê địa lý học lịch sử)? Khó nghĩ quá. Chỉ có một giả thuyết có phần hợp lý và cũng đúng với “quy luật vận động thông thường giữa trung tâm và ngoại vi” là “cái nằm tại ngoại vi” thường giữ được ổn định lâu dài, còn “cái nằm tại trung tâm”, nơi đám sử quan nhiều phẩm hàm cao thấp của triều đình nhà Minh phải có nghĩa vụ để mắt săm soi, điều chỉnh, gọt giũa, khuyên điểm, nhấc lên đặt xuống từng câu chữ, trước khi trở thành “châu bản” cất vào kho báu (và sao chép ra hai bản để đưa vào thực lục), thì mới bị xáo trộn nhiều – theo hướng làm sao tôn cao hình ảnh “chí đức chí thiện” của đấng quân vương, kể cả giảm đẳng thái độ “xấc xược” của kẻ thù về lời nói và hành vi (nếu không tâm lý chung của vua quan thiên triều sẽ không chịu nổi) – và rốt cuộc mới ra nông nỗi vênh lệch hẳn với nhau.
Còn về ngày tháng, theo tôi, sự sai dị giữa ba văn bản cũng gợi lên một giả thuyết: Ngày tuyên bố chiếu chỉ ở “cõi ngoài” hẳn là mồng một tháng Năm âm lịch. Cả ở An Nam, ở Triều Tiên và có thể ở Chiêm Thành, Tiêm La, Nhật Bản, Tây Tạng, Mông Cổ, v.v. đều có phái đoàn Trung Quốc sang tận nơi ban chiếu và tuyên chiếu cùng một khoảng thời điểm nhất định, như trong sử Triều Tiên viết, triều đình Triều Tiên cho mở hội diễn trò, hoan hỷ chào đón, kế đó mới kéo nhau đến một ngôi điện long trọng, nhận chiếu chỉ, và một người đọc lên bằng tiếng Hán, một người dịch ra tiếng Triều (甲寅朔/內史鄭昇,行人馮謹,齎平安南詔來,結山棚,陳百戲,上率百官具朝服,迎于盤松亭。前導至景福宮,使臣宣詔,命鄭矩以鄕音,曺正以漢音讀(3)). Nếu đúng như vậy thì phải chờ khi các sứ bộ đã trở về Yên Kinh đầy đủ, tâu cáo lên bề trên, xong đâu đấy Minh Thành Tổ mới cho chính thức đọc trước lầu Ngọ môn ngoài hoàng thành. Cách nhau một tháng, mồng một tháng Năm và mồng một tháng Sáu, là hợp lý. Chữ “tam 三” trong Việt kiệu thư là do chữ “ngũ 五” viết nhầm, hai chữ này rất dễ nhầm với nhau lúc sao đi chép lại(4).
Vấn đề cuối mà ông Hồ Bạch Thảo tỏ ý băn khoăn là đạo sắc nói về việc không dùng Bùi Bá Kỳ. Trong Việt kiệu thư đạo sắc này viết vào ngày 20 tháng Ba năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), nhưng gần ba tháng sau đó lại có sắc ban cho Bùi Bá Kỳ làm Tả hữu tham chính ở Giao Chỉ. Sao lại mâu thuẫn như vậy? Đọc lại bài viết của mình, tôi nghĩ do bản thân diễn đạt không sáng rõ nên đã làm ông Thảo hiểu lầm. Đạo sắc Minh Thành Tổ gửi đến Tổng binh Trương Phụ (thay Chu Năng) chỉ muốn nhắc Phụ cần chú ý tranh thủ sử dụng đám quan chức An Nam, nhân tiện đưa việc Bùi Bá Kỳ không được dùng để làm ví dụ. Sử nhà Minh chép Bùi Bá Kỳ là tỳ tướng của Trần Khát Chân, vào ngày 6 tháng Tám năm Vĩnh Lạc thứ 2 (1404) trốn sang Nam Kinh kêu cầu triều đình Minh đem quân sang “phạt tội” cha con họ Hồ để vãn hồi lại cơ nghiệp nhà Trần. Đến ngày 28 tháng đó lại có Trần Thiên/Thiêm Bình (Minh thực lục: Thiên天 / Đại Việt sử ký toàn thư: Thiêm添) xưng là con cháu nhà Trần, được Tuyên úy sứ nước Lão Qua hộ tống sang Nam Kinh xin nhà Minh xuất quân xuống phương Nam “cứu dân phạt tội”. Thế rồi, nhân có Nguyễn Cảnh Chân là sứ giả của Hồ Đê sang Minh dâng biểu tạ, Minh Thành Tổ bèn ra lệnh cho Tổng binh Quảng Tây là Hàn Quan đem 5.000 quân hộ tống Thiên/Thiêm Bình về nước; khởi hành vào khoảng giữa tháng Giêng, đến ngày 16 tháng Ba năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406), đạo quân của Hàn Quan bị phục binh của nhà Hồ đánh cho tan tác tại biên giới, Trần Thiên/Thiêm Bình bị giết. Mãi cho đến khi Minh Thành Tổ điều Tổng binh Chu Năng và Phó tướng quân Mộc Thạnh chính thức kéo đại quân sang xâm lăng Việt Nam, xuất phát vào ngày 4 tháng Bảy cùng năm, cũng không còn một dòng nào nhắc đến thân phận của Bùi Bá Kỳ. NhưngĐại Việt sử ký toàn thư thì ghi rất rõ: Thiêm Bình vốn ngụy xưng con cháu nhà Trần, Bùi Bá Kỳ vì thế có lẽ không mấy mặn mà, nên khi vua Minh cho hai người gặp nhau, hỏi Bá Kỳ có biết Thiêm Bình không, Kỳ trả lời không biết. Rồi trước khi nhà Minh cho đưa Thiêm Bình về nước, ướm hỏi Thiêm Bình cần bao nhiêu quân, Thiêm Bình tâu chỉ cần vài nghìn là đủ. Bá Kỳ lên tiếng phản đối ý tưởng viển vông của Bình. Minh Thành Tổ vốn đã có chủ định từ trước, thấy Kỳ nói không hợp ý, ông ta liền cho bắt giam Bá Kỳ, đem an trí tại Thiểm Tây, Cam Túc. Thiêm Bình bị thất bại nhục nhã, ông vua kiêu căng mới thấy lời Bá Kỳ là đúng, bèn lại cho triệu về ban sắc chỉ an ủi, hứa làm theo lời Kỳ (伯耆本陳渴真黨。稱南朝忠義臣。出亡明國。會見偽陳王添平先到。明人問識否。伯耆以不知對。及明人送添平還國。問合用幾多人。添平曰。不過數千。到彼則人自服。伯耆曰不可。明帝怒。廢伯耆陝西甘肅安置。及添平敗召伯耆還。敕賜諄諄以立陳氏。Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, Q. 9, Hậu Trần kỷ, tờ 8b). Ý trong đạo sắc của Minh Thành Tổ chép ở Việt kiệu thư hẳn là chỉ muốn nhắc lại việc làm “không phải”trước đó của chính ông ta, cũng là để ngầm tỏ rằng mình biết rút kinh nghiệm trong cách đối nhân xử thế. Sau khi đánh cướp được nước ta, đặt thành quận Giao Chỉ, Minh Thành Tổ liền cho Bùi Bá Kỳ trở về nhận quan tước (Đại Việt sử ký toàn thư nói là Bùi Bá Kỳ đi theo trong đoàn quân của Trương Phụ và khi Phụ đã chiếm xong An Nam thì ban cho Kỳ chức Hữu tham nghị chứ không phải Tả hữu tham chính). Nhưng cũng chẳng được lâu. Đến tháng Mười, Kỳ lại bị bắt về Kim Lăng vì bản tâm Kỳ chỉ muốn khôi phục lại ngai vàng cho con cháu nhà Trần, mà Minh Thành Tổ thì đâu có muốn. Kỳ là nạn nhân của một đầu óc ngu trung đến lú lẫn, cả tin vào bụng dạ thật thà của “nước mẹ Đại Hán”, có biết đâu bản chất chúng vẫn là lang sói từ nghìn muôn đời nay (xem tiếp Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, Q. 9, Hậu Trần kỷ, tờ 8b-9a).
Tôi đã giải trình xong bấy nhiêu băn khoăn trong bài viết của học giả Hồ Bạch Thảo, nghĩ có thể chấm dứt được ở đây. Nhưng rồi đọc kỹ lại Việt kiệu thư và đối chiếu với Minh Thái Tông thực lục phần do ông Thảo dịch, theo tinh thần “ý tại ngôn ngoại” mà suy ngẫm, thì cảm thấy băn khoăn của ông hình như vẫn còn, và chỗ “tồn đọng” không nói ra này mới là điều trở trăn then chốt nhất. Vậy nên lại đành phải cố gắng mở rộng việc khảo sát văn bản thêm một vài điểm, may ra có thể cùng “giải tỏa” được chăng. Vấn đề là tại sao trong Việt kiệu thư có hai đạo sắc của Minh Thành Tổ hạ lệnh cho quân lính phải đốt phá tại chỗ sách vở, bi ký của An Nam, thế mà Minh Thái Tông thực lục lại ghi một đạo sắc khác, với lời căn dặn rất… lương thiện, gần như bác bỏ ý tứ của hai đạo sắc kia: thu hồi sách thì cứ thu hồi song đừng đốt. Ông Hồ Bạch Thảo dịch lời văn sắc chỉ ấy: “Ngày 2 tháng Bảy nhuận năm Vĩnh Lạc thứ 4 (15/8/1406): sắc dụ quan Tổng binh chinh thảo An Nam Thành quốc công Chu Năng: “quân vào An Nam, phàm tịch thu được thư tịch, bản đồ, đều không được hủy” (永乐四年闰七月戊午 ○ 己未敕征讨安南總兵官成国公朱能等曰師入安南下郡邑凡得文籍圖志皆勿毁。) (Minh thực lục V, II, tr.835; Thái Tông thực lục Q. 57, tr.1a) (Minh thực lục – Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỷ XIV – XVII, Tập I, sđd, tr.231 và 611).
Chính tôi cũng lấy làm ngạc nhiên. Giải thích theo kiểu đổ lỗi cho sử quan thiên triều đã che giấu chỗ vô cùng “nhạy cảm” trong hành vi tàn bạo vượt quá giới hạn cho phép – cả về uy và đức –của đấng quân vương thì hợp lý quá, nhưng chưa chắc trong thẳm sâu của tâm thức người đọc hiện đại đã dễ chấp nhận, vì còn đạo sắc ra lệnh “đừng đốt” nằm từ lâu trong Minh thực lục, sử quan làm sao mà bịa được? Đó là lý do khiến tôi phải đánh đường đi tìm đọc lại Việt kiệu thư đúng bản của Viễn Đông bác cổ Pháp xưa. Sau một ngày rà đi soát lại, đáp số bất ngờ đã tìm ra. Nó đây rồi. Thì ra chẳng ở đâu xa, đó là điều thứ hai trong mật chỉ 10 điều gửi viên tướng Tổng chỉ huy quân đội Chu Năng mà điều thứ ba tiếp theo sau, là hạ lệnh phải đốt phá cho bằng hết sách vở bi ký của người Việt. Nhưng cái điều thứ hai chép trong Việt kiệu thư dài hơn và chi tiết hơn đạo sắc ghi trong Minh thực lục, chứng tỏ sự “lược gọn” của sử quan dưới trướng Minh Thành Tổ là cả một nghệ thuật hết sức tài tình. Nguyên văn và bản dịch trong Việt kiệu thư: “Binh lính vào An Nam, phàm thư tịch ghi chép những thứ tàng trữ trong kho tàng chứa của cải, kho thóc gạo, cùng với sổ ghi hộ khẩu, thuế má, binh bị của nước, bản đồ các quận ấp, thì đều giao cho Thượng thư Lưu Tuấn nắm giữ, các ngươi chỉ cần nắm được đại khái [là đủ]” (兵[入]安南。凡其府庫商廩所儲。及戶口國賦甲兵籍冊。郡邑圖誌並令尚書劉 掌之爾總其大概。Việt kiệu thư, Q.2, tờ 17a, ký hiệu Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội: VH.000276). Thế đấy. Mấy chữ “bản đồ quận ấp” đúng là cái “chìa khóa” để ta lần ra gốc gác thống nhất giữa hai văn bản hiện tồn có lời lẽ ít nhiều so le nhau và chép ở hai cuốn sách tưởng chừng cách biệt về đẳng cấp trong thư khố. Tất nhiên, những “thư tịch biên chép của cải, lúa gạo tích trữ trong kho nhà nước, những sổ hộ khẩu, sổ ghi binh khí và đồ bản từng quận huyện, làng xã” thì Hoàng đế nhà Minh dại gì mà cho đốt đi chứ. Phải giữ lại và giao cho một vị Thượng thư có học chứ không giao cho đám võ biền, để còn “khai thác” chúng, nhằm phục vụ công cuộc đô hộ mà từ Yên Kinh ông vua Minh đã sắp đặt việc nào ra việc ấy. Tỉ mỉ, cẩn thận, và cũng gớm ghê thay!
Chẳng biết sự giải trình như thế đã làm học giả Hồ Bạch Thảo hài lòng hay chưa, hay ông vẫn còn nửa tin nửa ngờ. Nửa tin nửa ngờ cũng phải. Hai đạo sắc dụ bí mật của Minh Thành Tổ bắt phải đốt phá hết thảy sách vở, bi ký của người Việt là sự kiện động trời, ai đọc đến mà chẳng bị “sốc”. Người Việt Nam hiểu biết như học giả Hồ Bạch Thảo đã đành, trí thức Trung Hoa lại càng sốc nặng. Nhưng hễ ai có chút lương tri tất cũng sẽ hiểu, phủ định dễ dãi hai đạo sắc này thì lại càng không ổn; chúng đã được ghi vào sách của một nhà khoa bảng thời Minh, lại đã được học giới Trung Quốc xác nhận là sách có giá trị, người biên soạn không tùy tiện lấy ở “đầu đường xó chợ” đem vào. Vì thế, một học giả đương đại Trung Quốc, Phó nghiên cứu viên Trần Văn陈文ở Sở Nghiên cứu Đông Nam Á Trường Đại học Kỵ Nam, trong bài Thử bàn về chính sách văn hóa giáo dục của nhà Minh tại quận Giao Chỉ và ảnh hưởng của nó (Thí luận Minh triều tại Giao Chỉ quận đích văn giáo chính sách cập kỳ ảnh hưởng 试论明朝在交阯郡的文教政策及其影响), đăng trên tạp chí Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu 中国边疆史地研究, Q.18, Kỳ thứ 2, tháng 6 – 2008, tuy đã vận dụng nhiều dẫn chứng trongMinh thực lục để ca ngợi Minh Thành Tổ từng thực thi những chủ trương thiết đáng, đem lại cho Giao Chỉ một sự giáo hóa tốt đẹp về nhiều phương diện, song đến phần kết vẫn phải lên án ông ta “đưa ra chính sách đồng hóa quá khích làm cho dân Giao Chỉ bất mãn và phản kháng”. Và thật không ngờ, tác giả cũng đã phải thừa nhận hai đạo sắc trong Việt kiệu thư mà tôi từng công bố trước đấy đúng 41 năm là văn liệu không thể phản bác, dẫu rằng cuối cùng vẫn cố gỡ tội cho hành vi của “nước mẹ” bằng cách tìm “phản chứng” trong sách vở của Việt Nam: “Nhà Minh cho tìm bắt các loại nhân tài của Giao Chỉ dem về Nam Kinh và Bắc Kinh để sai khiến, những công việc lao dịch trên con đường dài tất nhiên dẫn đến làm cho nhân dân Giao Chỉ bất mãn. Một mặt, số lớn thợ thủ công Giao Chỉ cùng với gia thuộc của họ bị bắt về nước [Trung Quốc] để làm việc xây dựng các loại công trình thổ mộc, nhìn trong ngắn hạn thì rõ ràng bất lợi cho sự phát triển thủ công nghiệp của Giao Chỉ. Mặt khác, đối với việc đại quân [Trung Hoa] áp sát biên giới tìm chọn bắt người đều là những việc trưng tập họ đi xa, chẳng có một ai mong muốn, nên người Giao Chỉ hoặc bỏ trốn, hoặc chống đối lại. Nguyễn Hồn [Trãi] sau khi thân phụ là Nguyễn Phi Khanh bị bắt về Nam Kinh, ngày đêm nghĩ cách báo thù, về sau tìm đến Lê Lợi dâng “Bình Ngô đại cáo” [“Bình Ngô sách”], được dùng làm tham mưu, trở thành vị công thần khai quốc của triều nhà Lê. Khi nhà Minh mở khoa thi chọn kẻ sĩ ở Giao Chỉ thì “đám học trò đều lẩn tránh không ra ứng thí” (Phan Huy Chú [Việt Nam], Lịch triều hiến chương loại chí, Q.26, “Khoa mục chí”, bản sao ở Viện Hán Nôm, ký hiệu: A.50/3). Khi một nền văn hóa dân tộc chịu một cú sốc từ văn hóa bên ngoài tất nhiên sẽ thu nhận vào mình một thái độ áp chế ngang ngược. Căn cứ vào ghi chép của sách Việt kiệu thư, tháng Bảy nhuận niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 4 (1406), vào thời gian Chu Năng đem quân sang xâm lược An Nam, Minh Thành Tổ ra lệnh cho quân đội, sau khi đã đánh vào An Nam rồi, “trừ các sách kinh, Đạo giáo, Phật giáo ra thì không thiêu hủy, hết thảy sách vở văn tự cho đến sách ghi chép lễ tục, sách dạy trẻ con, như loại sách có câu “Thượng đại nhân Khưu ất dĩ”, một mảnh một chữ đều phải tiêu hủy hết. Khắp trong nước ấy phàm những nơi di tích có bia do Trung Quốc dựng thì giữ lại, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy hết, một chữ chớ để còn” (Lý Văn Phượng [Minh], Việt kiệu thư, Quyển 2, tr. 695). Đến ngày 21 tháng Năm niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), Minh Thành Tổ lại một lần nữa ra lệnh cho Trương Phụ “hễ bắt gặp một thứ gì thuộc về văn tự ở xứ ấy thì phải cho đốt phá lập tức, không được giữ lại” (Lý Văn Phượng [Minh], Việt kiệu thư, Quyển 2, tr. 798). Còn như quân đội nhà Minh tại An Nam có chấp hành tuyệt đối lệnh chỉ của Minh Thành Tổ hay không, thì chưa thấy sử sách [nhà Minh] nói đến, nhưng sử Việt lại có ghi việc nhà Minh cho sưu tầm sách ở quận Giao Chỉ: tháng Bảy năm 1418 “nhà Minh sai Hành nhân Hạ Thanh, Tiến sĩ Hạ Thì sang lấy sách ghi sự tích cổ kim của nước ta mang về” (Trần Văn Vi [Việt Nam], Lê sử toản yếu, Q.1, bản sao tại Thư viện Viện Hán Nôm, ký hiệu: VHv. 1452/2); “Thơ ca, sách vở, bản đồ, thư tịch của nước ta từ thời Trần trở về trước, hết thảy đều [bị người Minh] thu thập mà đưa về Kim Lăng” (Hoàng Cao Khải [Việt Nam], Việt sử yếu, Q. 2, khắc bản trong năm Giáp Dần niên hiệu Duy Tân của Việt Nam). Điều đó đã nói lên rằng mệnh lệnh đốt phá thư tịch của Minh Thành Tổ đều chưa được [quân lính] chấp hành. Tuy vậy, chính sách đồng hóa bằng việc thu thập hết sách vở, bản đồ để thay vào đó các sách kinh điển Nho gia, và các sách luân lý cương thường [của Trung Quốc] tất nhiên cũng dẫn đến sự phản cảm của nhân dân Giao Chỉ” (明朝从交阯搜罗各色人才,送到南、北京师叙用,长途跋涉的劳役必然引起交阯人民的不满。一方面,大量的交阯工匠及其家小被送到内地从事各项工程建设,在短期内对交阯手工业的发展无疑是不利的。另一方面,面对大军压境的搜访选送,那些不愿意被征召的交阯人或躲藏起来,或起来抗明。阮俒[廌]在父亲阮飞卿被明军俘回南京后,日夜思虑复仇,后向黎利献《平吴大诰》,被用为参谋,成为黎朝的开国功臣。明朝在交阯开科取士,“士皆隐避不应”。([越]潘辉注:《历朝宪章类志》卷26《科目志》,越南汉喃研究院藏手抄本,编号A.50/3).当一种民族文化在受到外来文化冲击时,必然会采取顽强抑制的态度。据《越峤书》载,永乐四年(1406)闰七月,在朱能率军出征安南时,明成祖就令军队攻入安南后,“除释道经板经文不毁外,一切书板文字以至礼俗童蒙所习,如上大人丘乙巳之类,片纸只字悉皆毁之。其境内凡有古昔中国所立碑刻则存之,但是安南所立者,悉坏之,一字勿存”。([明]李文凤:《越峤书》卷2,第695页).永乐五年(1407)五月二十一日明成祖再次下令张辅,“遇彼处所有一应文字,即使焚毁,毋得存留”。([明] 李文凤:《越峤书》卷2,第708页)。至于明朝军队在安南是否完全执行明成祖的指令,尚未查到有史书记载。而越史则记载明朝在交阯郡搜集书籍之事,1418年七月, “明遣行人夏清、进士夏时,来取我国古今事迹志书。([越]陈文为:《黎史纂要》卷1,越南汉喃研究院藏抄本,编号: VHv.1452/2)“我国自诗书图籍,悉收而送之金陵。”([越]黄高启:《越史要》卷2,越南维新甲寅年刻本),说明明成祖烧毁安南图书的命令并未执行,但这种收集当地图书,代之以儒家经典和封建伦理纲常书籍的同化政策,也必然引起交阯人民的反感。Xem: tại đây).
Khỏi cần bàn việc Trần Văn phải mượn lời một người Việt sống ở thế kỷ XX là Hoàng Cao Khải để biện bác rằng lệnh chỉ của Minh Thành Tổ ở thế kỷ XV đã không được quân lính dưới trướng ông ta răm rắp thực hiện là yếu ớt gượng gạo đến đâu. Nếu sách vở của Việt Nam được tập trung hết về Kim Lăng thì vì sao cho đến nay giới nghiên cứu chúng ta đã bỏ bao nhiêu công sức lục tìm trong các tàng thư Trung Hoa mà chẳng đâu còn tăm bóng, ngoại trừ một cuốn Đại Việt sử lược? Người viết bài này còn nhớ vào năm 2001, có dịp sang Đại học Massachusetts ở thành phố Boston Hoa Kỳ công tác, nhiều lần ghé thăm Thư viện Harvard Yenching là nơi tàng trữ rất nhiều sách Trung Quốc và các nước Á Đông. Một lần tìm ra một cuốn Tiều Ẩn thi tập 樵隱詩集 lòng mừng khấp khởi, tưởng đã gặp lại được một báu vật của nhà thơ Chu An thời Trần. Nào hay mở ra đọc mới chưng hửng, biết đó là một ông Tiều Ẩn người Triều Tiên thuở nước Triều Tiên còn dùng chữ Hán. Dẫu sao, cái hay của học giả Trần Văn là đã biết thừa nhận lệnh chỉ của Minh Thành Tổ là văn bản có thực chứ không dám sỗ sàng chối bỏ. Trần Văn lấy khá nhiều dẫn chứng trong Minh Thái Tông thực lục mà không hề dùng đến đạo sắc chép việc Minh Thành Tổ ra lệnh không được phá hủy thư tịch và đồ bản quận huyện của Giao Chỉ, như trên đã nhắc, để bác bỏ hai đạo sắc của Việt kiệu thư. Ý hẳn ông ta cũng biết sử quan nhà Minh ngồi trong cung đình để soạn ra Minh thực lục là đã phải thông qua rất nhiều “bộ lọc” để loại đi vô vàn chất liệu quý giá mà đương thời coi là “sống sít” không đáng tồn lưu, nên nếu đem nó đọ với Việt kiệu thư thì sẽ không tránh khỏi bị những người hiểu biết ở tầm chuyên gia như nhà thư mục học Trương Tú Dân chê cười, nhạo báng.
Trở lại với học giả Hồ Bạch Thảo, xin bộc bạch với ông, Việt kiệu thư theo tôi, cũng chỉ tin được ở một số chương mục nào đấy, nhất là phần thu thập chiếu sắc của nhà Minh. Đó là tài liệu sống, được liệt nhập vào sách một cách tương đối nguyên vẹn và hệ thống. Còn như việc miêu thuật, phẩm bình về đất nước, con người, phong tục Việt Nam, thì con mắt Lý Văn Phượng từ bên ngoài nhìn vào, từ quan điểm của một người coi đất Việt chỉ là cái gò hoang, dù tài giỏi và khách quan đến đâu cũng làm sao tránh khỏi thiếu sót và lệch lạc. Xin lấy câu của Mạnh Tử mà tôi hằng tâm niệm để làm lời kết thúc: “Tin hết vào sách thì chẳng bằng không có sách” (Tận tín thư tắc bất như vô thư).
Hà Nội, 5-10-2013
N.H.C.
(1) Việt kiệu thư gồm 6 tập, vốn trước mang ký hiệu 1731, gần đây Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội đã đổi thành VH.000276 – VH.000281. Cũng xin đính chính: Trong năm 1972, lần đầu tìm ra cuốn sách này và đọc nó trong không khí đang sắp phải sơ tán vì Mỹ ném bom trở lại miền Bắc, tôi đã đọc trong tâm thế vội vàng để về nhà gói buộc đồ đạc đi ngay trong ngày hôm sau, nên ghi nhầm số trang của một ít trích đoạn mà mình chép được lúc bấy giờ. Vào năm 2001, lại tham khảo được bản in của Tề Lỗ thư xã (1996) ở Thư viện Yenching Harvard, nên việc đối chiếu giữa hai bản làm cho cách ghi số trang trong bài viết đăng trên Diễn đàn, và trên BVN, đã dẫn, càng sai lạc. Nay BBT tạp chí Diễn đàn cũng như trang BVN đã giúp tôi sửa lại các số trang trong bài viết ấy, dựa theo một bản là bản của Trường Viễn Đông bác cổ Pháp cũ cho thống nhất. Xin trân trọng cám ơn 2 tờ báo mạng và chân thành cáo lỗi cùng bạn đọc.
(2), (3) Văn bản này do Thạc sĩ Trần Quang Đức, Viện Văn học chỉ giúp. Nhân đây xin bày tỏ lời cảm ơn. Cách tra tìm Triều Tiên thực lục như sau: bấm vào đường link đã nói; bấm tiếp vào hai chữ: 원문; bấm tiếp vào太宗實錄tức太宗恭定大王實錄; bấm tiếp vào七年五月一日 sẽ ra đường link: ○ 내사정승과행인풍근이가지고온안남을평정했다는조서; bấm vào đó ta có văn bản muốn tìm.
(4) Nhưng cũng có thể “Chiếu bá cáo thiên hạ bình xong Giao Chỉ” được ban bố tại An Nam đúng vào ngày 1 tháng Ba như trong Việt kiệu thư, bởi nếu căn cứ vào đạo sắc đề ngày 15 tháng Hai chép ngay sát trước bài Chiếu thì có vẻ Minh Thành Tổ rất sốt ruột muốn tuyên bố đánh xong Giao Chỉ sớm, dù vẫn còn tàn binh chưa giải quyết được trên chiến trường, hoặc giả do bị hối thúc, Trương Phụ đã tâu cáo về triều không chính xác thời gian đánh xong An Nam: “Ngày 15 tháng Hai niên hiệu Vĩnh Lạc thứ năm (1407), sắc cho quan Tổng binh chinh di hữu phó tướng quân Tân Thành hầu Trương Phụ, Hữu Tham tướng Vân Dương bá Trần Húc, Binh bộ Thượng thư Lưu Tuấn biết: Trước đây đã sắc cho các ngươi đem quân thắng trận trở về trong tháng Hai, nay Tăng Nhật Chương về tâu rằng tàn đảng của giặc còn chưa diệt hết, muốn đại quân đóng lại. Lại nói Giao Chỉ không có dịch bệnh, còn mấy nơi Khưu Ôn, Long Châu thì dịch bệnh, mưa bão đang hoành hành. Các người nên nghị bàn tường tận, lo việc thỏa đáng, có thể đưa quân về thì đưa quân về, còn nếu chưa đưa quân về được mà lại không có dịch bệnh, thì chọn mảnh đất trên cao hướng về phía mặt trời cho quân lính làm doanh trại, thì trăm bệnh sẽ không phát tác. Lại càng nên giữ gìn đề phòng thật nghiêm mối lo đột kích của lũ lợn hung ác. Cốt bắt được tên cầm đầu, quét sạch dư đảng thân thích của giặc Lê [Quý Ly], còn những kẻ thân thích của dư đảng chúng đến hàng thì cho đưa về kinh đô, trẫm sẽ phủ dụ chúng. Nếu đợi đến tháng Mười mới rút quân thì người Giao Chỉ bị khốn quẫn bởi sự tàn ngược của giặc Lê lâu quá, đạo cai trị và vỗ về tất phải quang minh ở chỗ phải vừa khoan vừa mãnh. Vì thế ban sắc chỉ này” (永樂五年二月十五日敕總兵官征夷右副將軍新城侯張輔。右參將雲陽伯陳旭。兵部尚書劉 。前着敕爾於二月中班師今曾日彰來奏賊之殘黨尚未盡滅欲大軍鎮守。且言交阯無瘴癘。丘溫龍州數處此時瘴癘雨澇正作。爾等宜詳審會議度事相機。可班師即班師。如未可班師果無瘴癘則擇高元向陽之地屯營駐兵則百疾不作。尤須嚴固守備防殘孽豕突之患。渠魁務在得獲。黎賊親戚餘黨務盡掃除。其親戚餘黨有來投降者遣送赴京朕撫慰之。俟十月班師交人為黎賊困虐已久。撫治之道必光寬恤。故敕。Việt kiệu thư, Q. 2 tờ 17a, ký hiệu Thư viện Viện Thông tin khoa học Xã hội: HN.000276).
Đạo sắc đề ngày 15 tháng Hai chép sát trước “Chiếu bá cáo thiên hạ bình định xong Giao Chỉ”, Việt kiệu thư Q. 2, tờ 27a