Dân chủ đa nguyên về mọi mặt là cơ sở hình thành nhà nước Dân chủ pháp quyền. Nhà nước Dân chủ pháp quyền là cơ sở đảm bảo cho mọi người phải sống và hành động theo pháp luật.
Pháp luật là hiến pháp và những luật cơ bản, chúng như là những khế ước hay những bản hợp đồng được thỏa thuận chung trong cộng đồng dân tộc. Pháp luật có tác dụng khuôn khổ quyền hạn của giới cầm quyền và hạn chế tối đa sự phóng túng vô kỷ vô cương vốn thuộc tính con người. Pháp luật như hàm khớp và dây cương đối với những con ngựa thồ. Pháp luật là phép nước, chúng chỉ cho những người cầm quyền được làm những gì pháp luật cho phép, dân chúng được làm những gì pháp luật không cấm.
Nói xuôi, nhưng cũng phải nói ngược lại: Người ta sẽ không tuân thủ pháp luật nếu nó cấu tạo không đủ những yếu tố của một khế ước được thỏa thuận chung trong cộng đồng dân tộc như đã nói trên.
Ở Việt Nam ta, gần nhất là Hiến pháp 1992. Hiến pháp nầy mang tính áp đặt, có nhiều điều khoản chưa ổn, nhất là sự thiếu dân chủ và không bình đẳng…, gây bất ổn nhiều mặt đời sống xã hội. Có lẽ do vậy, Quốc hội mới chủ trương sửa đổi Hiến Pháp 1992 mà ông Phan Trung Lý, trưởng ban soạn thảo dự thảo Hiến Pháp, mớm ý: “Lần nầy góp ý Hiến pháp thoải mái, không có vùng cấm, kể cả điều 4”.
Chưa bao giờ có cuộc thỉnh cầu góp ý sửa đổi Hiến Pháp “cởi mở”như vậy. Có lẽ từ đó, cũng chưa bao giờ người góp ý kiến trái chiều so với dự thảo Hiến pháp lần nầy đông đến như thế. Chỉ riêng kiến nghị của nhóm trí thức gạo cội (gọi tắt là Kiến nghị 72) đã có đến hơn một vạn người tự giác ký tên tán đồng. Những ý kiến góp ý trái chiều theo tôi chúng xác đáng, lô-gíc và khoa học:
Về tên nước: Ngoài Việt Nam, chưa có nước nào trên thế giới bạo gan đưa 4 từ XHCN vào cụm từ quốc hiệu, kể cả nước Cộng sản thứ thiệt như Bắc Triều Tiên. Góp ý: nên thay quốc hiệu “Cộng hòa XHCN Việt Nam” bằng “Cộng hòa VN” chẳng hạn, vừa gọn, dễ nhớ, mang tính dân tộc, vừa hợp với thời cuộc.
Về thể chế chính trị: Từ chối học thuyết Mác Lê-nin và chính quyền Chuyên chính vô sản. Phải tôn trọng nguyên lý “Tồn tại quyết định ý thức”, nói cách khác “Hạ tầng quyết định thượng tầng”. Hạ tầng đang đa nguyên kinh tế, xã hội thì thượng tầng kiến trúc cũng phải đa nguyên về chính trị. Góp ý: Bỏ hoặc luật hóa điều 4 Hiến pháp, thực hiện thể chế chính trị dân chủ đa nguyên, có nghĩa là xóa bỏ thể chế độc tài Đảng CS trị và nhà nước chuyên chính vô sản – Phải hiểu cho đúng, kiến nghị xóa thể chế độc tài chớ không phải xóa Đảng CS. Đây là góp ý quan trọng nhất, có dụng ý chớ không ác ý, bởi chính thể chế chính trị độc tài toàn trị là mẹ đẻ bao trì trệ, thảm trạng… đang gây tổn thương cho đất nước và dân tộc.
Về thể chế kinh tế: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” là mẫu hình chẳng theo nguyên lý nào, chỉ có vô lý. Bởi vì kinh tế thị trường và kinh tế XHCN là hai hình thức kinh tế ngược chiều, đối lập nhau, cùng một lúc bám cả hai thứ thì không có đích đến, luôn lâm vào cảnh “treo đầu dê bán thịt chó”. Góp ý: Chọn một trong hai, nên chọn kinh tế thị trường, cắt đuôi “sao chổi” XHCN.
Đưa kinh tế thị trường vào thực chất: Do còn duy trì “định hướng XHCN” nên mới duy trì “Kinh tế quốc doanh đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế quốc dân”. Chúng thật sự trở thành hình thức kinh tế tư bản Nhà nước, phục vụ cho nhóm lợi ích trong giới cầm quyền; chúng được giới cầm quyền xem như những đứa con “trong giá thú”, được cưng chiều, trở thành bọn phá của; chính chúng giết hàng ngàn đứa con “ngoài giá thú”, đẩy ra xã hội hàng triệu người thất nghiệp. Và cũng do chúng một phần, cho đến nay chưa có nước nào công nhận VN có nền kinh tế thị trường thật sự, dầu chúng ta cố sức nài nỉ. Góp ý: Phải đảm bảo bình đẳng trong cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế. Nên sớm cổ phần hoặc tư nhân hóa kinh tế quốc doanh.
Về tư liệu sản xuất: Đã là kinh tế thị trường thì tư nhân được sở hữu tư liệu sản xuất, đất đai là một trong những tư liệu sản xuất cơ bản và quan trọng. Người xưa có nói “nhất hậu hôn nhì điền thổ”, vì vậy, đất đai không thể chỉ “sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý” để tránh giới cầm quyền các cấp lợi dụng luật đất đai hiện hành cướp đất của dân bằng mọi hình thức, dẫn đến khiêu kiện, biểu tình, phản ứng bất lực như tự thiêu, tự sát, phản ứng bạo lực dùng hung khí, vũ khí… đã và đang ngày một gia tăng. Góp ý: Sửa đổi luật đất đai theo hướng đa sở hữu: nhà nước, tập thể và tư nhân – căn cứ quyền sử dụng hiện thời chuyển đổi thành quyền sở hữu vốn có trước đây.
Về bộ máy Nhà nước: Nhà nước chuyên chính vô sản là nhà nước Đảng quyền, nó là nguồn gốc gây ra bất công, bất ổn xã hội, là mẹ đẻ của bạo lực cường quyền, là nơi sản sinh tham nhũng quyền lực dẫn đến tham nhũng vật chất vô độ, gần như hết thuốc chữa. Góp ý: Thay nhà nước Đảng quyền bằng nhà nước Dân chủ pháp quyền thật sự của dân, vì dân, do dân. Phải thực hiện tam quyền phân lập trong lập pháp, hành pháp, tư pháp, thay cho tam quyền phân công như lâu nay, nhằm tránh tình trạng “Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi”.
Về lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an): Lực lượng vũ trang mang tên Nhân dân, từ nhân dân mà ra, được nhân dân nuôi dưỡng và trang bị, dĩ nhiên nó phải “Trung với nước, hiếu với dân”. Góp ý: Đảng CSVN chỉ là bộ phận nhỏ của dân tộc, không được biến lực lượng vũ trang thành công cụ bảo vệ cho riêng mình. Nếu Đảng CSVN còn tiếp tục buộc chúng “Trung với Đảng” thì phải coi đây là một trong những hình thức tham nhũng quyền lực.
.v.v…
Qua phát biểu của những người lãnh đạo cao nhất của Đảng, tôi thấy dường như các vị không chấp nhận những ý kiến trái chiều với dự thảo sửa đổi hiến pháp như tôi vừa tổng hợp. Đảng tiếp tục giành giữ vị thế nhằm bảo vệ lợi ích cho mình, đó là điều dễ hiểu. Còn Quốc hội, cơ quan với danh nghĩa đại diện cho dân đang họp, sắp thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp, họ sẽ xử lý thế nào về những góp ý trái chiều nói trên. Về việc này, chắc chắn họ bị kẹt ở giữa, một bên là đại biểu của dân, một bên là thành viên của Đảng – nghe theo Đảng trái ý dân, nghe theo dân trái ý Đảng – hãy chờ xem lập trường của họ. Về phía cử tri, họ chỉ còn chờ xem đại biểu của mình theo lập trường giai cấp hay lập trường dân tộc.
Nếu dự thảo sửa đổi Hiến pháp được Quốc hội thông qua mà không có đổi sửa gì đáng kể, cử tri sẽ thất vọng trong bực bội. Chính trị, kinh tế, xã hội… tiếp tục ngập chìm trong phức tạp, khó khăn.
21/10/2013
T.T.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN