Tóm tắt vụ án như sau : Thuyền trưởng Hồ Văn Tạo- làm thuê cho Công ty CP Vận tải – Công nghiệp Tàu thủy Bình Định- vốn Nhà nước 90% (Vinashin Binh Định). Ngày 18/5/2008 Đăng kiểm Việt Nam cho phép tàu chỉ chạy cách bờ 50 hải lý. Dù Đăng kiểm quy định như vậy nhưng từ 6/2008 đến 12/2008 , Vinashin Binh Định vẫn lệnh cho thuyền trưởng chạy 4 chuyến vượt biển Đông từ bờ biển Nam bộ đến bờ tây đảo Bocneo [Kalimantan] rộng 550 hải lý, trong đó 3 chuyến có hàng và 1 chuyển chạy rỗng. Những chuyến chạy tàu thành công trên đã tạo siêu lợi nhuận rơi vào lợi ích nhà nước 90%. Chuyến thứ 5 vượt biển Đông, ngày 8/01/2008 thì tàu đắm, toàn bộ thuyền viên 15 người được tàu Hàn quốc cứu sống nhưng tàu và hàng hóa là thiết bị dầu khí đã bị chìm xuống đáy biển. Vinashin Binh Định đã mua bảo hiểm nhưng không trả tiền, nên Cty bảo hiểm không bồi thường.
Thuyền trưởng Hồ Văn Tạo bị Công an tỉnh Bình Định khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và bắt tạm giam tại trại tạm giam công an Thành phố Quy Nhơn từ ngày 16/11/2012. Do bị tai biến xuất huyết não, ngày 28/12/ 2012 ông Hồ Văn Tạo được gia đình bảo lãnh tại ngoại.
Ngày 30/9/2013, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định ra “Cáo trạng” buộc thuyền trưởng Hồ Văn Tạo phải đền thân tàu với giá trị 6.839.465.521 đồng vì vi phạm quy định của Đăng kiểm.
Ông thuyền trưởng Hồ Văn Tạo chỉ có một trong hai lựa chọn: Theo lệnh Doanh nghiệp Nhà nước – Vinashin Binh Định vi phạm quy định của Đăng kiểm hoặc thất nghiệp.
Khi kinh doanh bằng sự vi phạm Đăng kiểm mà thành công thì Doanh nghiệp nhà nước Vinashin Bình Định hưởng. Khi kinh doanh bằng sự vi phạm Đăng kiểm mà thất bại thì người lao động phải bồi thường và chịu tù đày!
Đó là số phận thực tế hiện nay của thuyền trưởng Hồ Văn Tạo – một điển hình của người lao động trong xã hội Việt Nam hôm nay.
Hôm nay 21/10/2013 Quốc hội đang xem xét sửa đổi Hiến pháp 1992. Án lệ tàu Bình Định River đang được xét xử là một thực tiễn đòi hỏi xem xét khi sửa đổi Hiến pháp:
– Doanh nghiệp Nhà nước Vinashin Binh Định với những con người quản trị thiếu năng lực nên phải dựa vào sự vi phạm Đăng kiểm để tìm kiếm nguồn thu.
– Doanh nghiệp Nhà nước Vinashin Binh Định vi phạm quy định của Đăng kiểm thu lợi nhưng không đưa số tiền trên vào sản xuất. Ở đây, Vinashin Binh Định không nộp tiền mua bảo hiểm thân tàu.
– Doanh nghiệp Nhà nước Vinashin Binh Đinh khi vi phạm quy định của Đăng kiểm đưa đến sự cố mất tàu, mất hàng thì đổ trách nhiệm lên người thuyền trưởng.
– Việc Viện kiểm sát Bình Định đưa ra “Cáo trạng” yêu cầu thuyền trưởng Hồ Văn Tạo phải bồi thường thân tàu với số tiền 6.839.465.521 đồng là hiện tượng trái ngược với Luật pháp và tập quán hàng hải quốc tế. Phải chăng Viện kiểm sát Bình Định thiếu năng lực hay đã chịu sức ép từ Doanh nghiệp Nhà nước Vinashin Binh Định?
Từ sự việc cụ thể này, mô hình Doanh nghiệp Nhà nước Vinashin Binh Đinh đã bộc lộ sự yếu kém từ năng lực trong điều hành sản xuất và sự thiếu lương tâm đối với người lao động – ông thuyền trưởng Hồ Văn Tạo – dù ông là một cựu sĩ quan quân đội, dù là cha của một thượng úy công an. Từ sự việc này Quốc hội nên xem xét lại vai trò của Doanh nghiệp Nhà nước trong Hiến pháp.
Việc Viện kiểm sát nhân dân Bình Định đưa ra “Cáo trạng” trái với Luật pháp và tập quán hàng hải quốc tế nhưng vì lợi ích Doanh nghiệp Nhà nước Vinashin Binh Định mà buộc người lao động phải bồi thường. “Cáo trạng“ đã làm mất lòng tin của người dân đối với Chính quyền và tạo ra mầm mống bất ổn trong an ninh và trật tự xã hội. Từ sự việc này, người dân mong mỏi Quốc Hội sửa Hiến pháp phải bảo đảm tính độc lập của Tư pháp trên tinh thần Tam quyền phân lập và sự minh bạch trong thông tin.
D.M.D.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
Ghi chú : Chi tiết của Án lệ đang xét xử được đưa trên trang www.kinhtebien.vn