* Phần 1: Người nước ngoài và một Quốc hội đa sắc tộc
Trong văn bản nhà nước Đức, tất cả những người mang quốc tịch Đức, nhưng di dân tới CHLB Đức sau năm 1949, người nước ngoài sinh ra ở Đức, người nhập quốc tịch Đức, người có bố và/hoặc mẹ là người nước ngoài, được gọi chung là „người Đức có nguồn gốc nhập cư“, còn dân dã vẫn quen gọi là „người nước ngoài“.
Trong danh sách ứng cử nghị sỹ 2013 vừa qua có ít nhất 89 ứng viên nguồn gốc nhập cư, gồm 23 ứng viên của Đảng Xanh, 20 ứng viên của Đảng Linke, 20 của SPD, 10 FDP, 8 Piraten, 8 CDU, tổng cộng chiếm 4% tổng số ứng viên của các đảng có đại diện trong Quốc hội. Nếu tính theo số dân, cứ 0,8 triệu dân có 1 ứng viên người nước ngoài, nhưng phân bố không đều, đặc biệt tại 4 tiểu bang Đông Đức Brandenburg, Mecklenburg-Vorpommern, Sachsen và Thüringen từng thuộc khối Xã hội Chủ nghĩa „vô sản thế giới liên hiệp lại“, không có một ứng viên người nước ngoài nào.
Kết quả bầu cử, 35 trên tổng số 89 ứng viên trúng cử gấp rưỡi so với khoá bầu cử trước chỉ 21, chiếm 5,6% trên tổng số 630 nghị sỹ, trong khi tỷ lệ người nước ngoài ở Đức là 19% tổng dân số. Đặc biệt số nghị sỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, tộc người nước ngoài đông nhất chiếm 3,7% dân số Đức, tăng gấp đôi từ 5 trong kỳ bầu cử trước lên 11 kỳ này chiếm 1,7% tổng số nghị sỹ. Các nhà phân tích cho kết quả đó phản ảnh „sức khoẻ“ của một nhà nước dân chủ đại diện của mọi công dân, không phân biệt nguồn gốc từ đâu, bởi nhà nước nào ngày nay đều thừa nhận nguyên lý của, do, vì dân (tất cả mọi người) thì phải do sức mạnh tổng hợp toàn dân định đoạt chính trường. Người nước ngoài không ngoại lệ, phải được thu hút, hoà nhập vào sức mạnh đó!
Thành phần trong đảng phái cũng vậy, đứng số 1 trong danh sách ứng cử không phải chỉ người Đức mà cả người nước ngoài như Philipp Rösler gốc Việt, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Đảng FDP, hay Cem Özdemir người Thổ Nhĩ Kỳ Chủ tịch Đảng Xanh, nghị sỹ từ năm 1994. Điều mới mẻ nhất trong lịch sử quốc hội Đức là có 2 người da đen đều gốc Senegal trúng cử. Karamba Diaby sinh năm 1961 tại Marsassoum, nguyên là cậu bé mồ côi, tốt nghiệp Đại học Halle, mang quốc tịch Đức từ 2001, gia nhập đảng SPD năm 2009. Là Tiến sỹ ngành hóa, trưởng phòng đặc trách hoà nhập của Chính phủ Tiểu bang Sachsen-Anhalt. Còn Charles Muhamed Huber, cháu chắt của cố Tổng thống Senegal Léopold Sédar Senghor, sinh ở München, là diễn viên, nhà viết văn nổi tiếng, tư vấn chính sách cho các cơ quan cấp bộ ở Đức và FAO Liên hợp quốc. Hiện người da đen quốc tịch Đức chừng 500.000 (gấp 3 người Việt và gốc Việt ở Đức), tính ra tỷ lệ đại diện họ ở Quốc hội nay đã đạt một nửa so với người Đức.
* Phần 2: Bao nhiêu phần trăm Ba Lan trong con người Thủ tướng Merkel?
Trong nội các Đức hiện nay không chỉ Philipp Rösler Phó thủ tướng là gốc ngoại quốc thuần Việt, mà chính Thủ tướng Merkel cũng vậy, nếu tính mốc từ đời ông bà vốn thuộc tộc người Ba Lan. Ông nội Angela Merkel là Ludwik Kazmierczak sinh năm 1896 tại Posen, đất Ba Lan, hồi đó thuộc Đế chế Đức (sau thế chiến thứ nhất trả lại Ba Lan). Bà con của Kazmierczak thế hệ cháu chắt ở Ba Lan còn lưu bức ảnh năm 1920 chụp 2 vợ chồng, ông Ludwik Kazmierczak trong bộ quân phục quân đoàn người Đức gốc Ba Lan bị bắt, đặt dưới sự chỉ huy của quân đội Pháp chống lại Đế chế Đức hồi chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Năm 1915, Ludwik Kazmierczak, 19 tuổi gia nhập quân đội Đức tham gia mặt trận phía Tây, có thể bị bắt hoặc trốn sang hàng ngũ quân Ba Lan thuộc Pháp. Quân đoàn này sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất được trả lại Ba Lan, tham gia phòng thủ biên giới phiá Đông chống Hồng quân Nga. Cũng vào thập niên trên, Ludwik Kazmierczak di dân sang Đức, sống ở Berlin-Pankow, làm cảnh sát, mất năm 1959. Cha Merkel được sinh ra tại Berlin năm 1926 mang họ tên Horst Kazmierczak, 4 năm sau đổi họ sang người Đức thành Horst Kasner, sau này chuyển về Hamburg, quận Barmbek sinh sống. Tại đó, năm 1954, ông cùng vợ Herlind Kasner sinh hạ Angela Kasner, Thủ tướng Angela Merkel hiện nay. Ông mất năm 2011. Merkel nhiều lần kể về nguồn gốc Ba Lan của mình. Năm 1995 tại ngày lễ thánh Hamburg, bà cho biết cha mình gốc Ba Lan. Năm năm sau, trả lời phỏng vấn báo Spiegel bà khẳng định 1/4 con người bà là Ba Lan. Vậy là cháu ruột Ludwik Kazmierczak, người Ba Lan nhập cư sang Đức cách đây hơn 70 năm, đã trở thành Thủ tướng Đức 3 nhiệm kỳ liên tiếp, một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Phải chăng, bài học lịch sử thảm khốc nước Đức phát xít thù ghét, tiêu diệt, xua đuổi người nước ngoài cùng mọi người Đức thuộc đảng phái khác, người thiểu năng, đồng tính luyến ái… để làm “trong sạch“ dòng giống Đức “thượng đẳng“ đã biến nước họ nay thành một chính trường rộng mở, hoà nhập với cả thế giới, thu hút bất cứ chính khách lỗi lạc nào của bất kỳ quốc gia dân tộc nào, sẵn sàng phụng sự dân tộc họ, quốc gia họ? Thế giới không thiếu gì quốc gia mức độ thảm khốc tương tự, nhưng liệu có rút ra được bài học như dân tộc Đức đưa quốc gia họ lên hàng đầu thế giới?
* Phần 3: Merkel còn bao nhiêu phần trăm Chủ nghĩa Xã hội trong ý thức hệ?
35 năm đầu cuộc đời Merkel người Tây Đức ít biết, được hé mở trong cuốn sách „Quãng đời đầu tiên của Angela Merkel“ do nhà sử học Ralf Georg Reuther và nhà báo Günther Lachmann xuất bản hồi đầu năm nay: Vào thời kỳ phân chia 2 nước Đức, hàng tháng có tới hàng vạn người ở xứ sở „Nhà nước công nông liên minh“ quay lưng lại với chính quyền chuyển sang Tây Đức, thì một nhà thần học trẻ cùng vợ với một đứa con gái mới vài tuần tuổi, Thủ tướng Đức hiện nay, lại chuyển sang CHDC Đức ở. Ông chủ hãng giúp di chuyển nhà cửa hỏi ông Horst Kasner, cha đẻ của Angela Merkel: „Tại sao một cố đạo tin lành lại tự nguyện rời miền Tây để sang sống ở miền Đông? Chỉ những người cộng sản hoặc những kẻ ngu ngốc thực sự mới làm điều đó“. Vài năm sau, việc chuyển nhà của gia đình Kasner hoàn tất từ Hamburg đến làng Quitzow, tỉnh Brandenburg, CHDC Đức. Cố đạo sau này của Hamburg có tên là Hans Otto Völber nói với Kasner rằng, „ông rất cần cho Brandenburg, vì ở đó không đủ cố đạo“. Albrecht Schönherr, Tổng Giám mục giáo xứ Brandenburg an der Havel đã cất nhắc Kasner từ trợ lý cố đạo lên chức vụ cao hơn, và đưa vào làm việc trong nhóm VVeißenseer, gồm những nhà thần học được giới thiệu làm việc cho nhà nước Đông Đức. Nhóm này giành nhiều thời gian và tổ chức nhiều cuộc họp nhằm đả thông tư tưởng cho giáo dân ủng hộ xây bức tường thành Berlin, đồng thời cho rằng nhà thờ cần phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH. Ông „Kasner đỏ“, tên dân làng gọi cha của Angela Merkel, có thái độ thù nghịch với CHLB Đức mãi cho đến khi mất vẫn không muốn thay đổi.
Năm 1961, Angela Merkel bắt đầu đi học và cũng là năm bức tường thành Berlin được xây dựng. Cô là một học sinh xuất sắc luôn mang điểm 1 và 2 về nhà. Không thể khác được, bởi bà Herlind đã nói với con gái khi tới trường rằng: „Con là con của cố đạo, phải luôn học giỏi hơn những đứa trẻ khác“.
Với tính hiếu học đặc biệt, Angela học giỏi nga văn. Vào năm lớp 9, cô nữ sinh mẫu mực đạt giải Olympiade tiếng Nga của CHDC Đức. „Kasi“ như các bạn cùng lớp thường gọi Merkel lúc đó, được cử sang Moskva năm 1970 để thi Olympiade quốc tế tiếng Nga. Từ năm lớp hai, Angela đã được đeo khăn quàng xanh của Đội thiếu niên trẻ, một tổ chức cơ sở cấp dưới của Đoàn Thanh niên tự do Đức FDJ. Điều đó gần như tự động, bởi „đơn giản em cũng như bao học sinh khác thích vào Đội thiếu nhi“. Lên các lớp trên, Kasi thuộc những thanh niên tiêu biểu nhất, luôn là cán bộ Đoàn FDJ của lớp, được thưởng huy chương bạc Lessing vào năm lớp 10. Duy nhất một lần trong cuộc đời học sinh, nữ sinh lớp 12b Angela có „vấn đề“ khi tham gia tổ chức chương trình văn nghệ với chủ đề „Đoàn kết với Việt Nam“. Angela lên sân khấu đọc bài thơ „Cuộc sống buồn tẻ“ của Christian Morgenstern, tiếp đó hát bài „Quốc tế ca“ không bằng tiếng Nga hay Đức mà lại bằng tiếng Anh, rồi rời bỏ sân khấu. Hậu quả, Angela Kasner mất chức Phó Bí thư Đoàn và suýt nữa không được vào đại học. Cha của Angela phải lo cho con gái thoát khỏi kỷ luật. Trước tiên, ông nhờ cậy đến Schönherr với cương vị vừa là bạn bè vừa là cấp trên để có thể tác động tới Văn phòng tỉnh phụ trách các vấn đề tôn giáo, gửi bản kiểm điểm của con tới BCH Đảng bộ SED tỉnh Brandenburg, bảo con gửi tiếp tới Hội đồng tôn giáo tối cao Berlin do ông Manfred Stolpe phụ trách, sau này là thủ hiến tiểu bang Brandenburg. Cuối cùng thì Angela cũng được tha thứ với mức cảnh cáo cho hành động „khiêu khích chính trị“. Tuy nhiên trong văn bằng tốt nghiệp không hề ghi hình thức kỷ luật này.
Cô nữ sinh tốt nghiệp phổ thông với điểm xuất sắc bắt đầu khóa học mùa thu năm 1973 tại Leipzig, với chuyên ngành vật lý. Ngoài học tập nghiên cứu, Angela Kasner luôn là Ủy viên BCH Đoàn cơ sở, được phân công phụ trách tuyên truyền.
Tháng 6.1978, Angela Merkel nhận được tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, và phân công về Viện hàn lâm khoa học CHDC Đức vốn được coi là nơi làm việc tốt nhất của CHDC Đức. Nhà nữ vật lý trẻ với mức lương 650 Mark Đông Đức hàng tháng nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống hàn lâm, và còn là một cán bộ BCH Đoàn FDJ năng động phụ trách công tác cổ động tuyên truyền. BCH Đoàn của Viện trực thuộc Trung ương Đoàn mà Bí thư lúc bấy giờ là Egon Krenz sau trở thành Tổng Bí thư cuối cùng của đảng SED cầm quyền. Thông thường, hàng tháng cứ 1-2 lần, tại Viện, những vấn đề chủ nghĩa Mác – Lê Nin, đánh giá kết quả các kỳ Đại hội, Nghị quyết Đảng cũng như những tranh cãi nóng bỏng về kẻ thù giai cấp được đưa ra bàn luận. Tuy nhiên, năm 1991 trong một lần phỏng vấn báo FAZ Merkel nói: „Tôi chỉ là một đặc trách viên về văn hóa. Tôi lo đi mua vé xem kịch và tổ chức các buổi đọc sách“. Còn người đỡ đầu và ủng hộ bà Merkel sau này là Günther Krause, nguyên Bộ trưởng Giao thông vận tải thì phản bác lại: „Bà ấy phụ trách công tác cổ động, tuyên truyền, được trang bị đầy đủ các kiến thức Mác trong đầu và với mọi thủ thuật chính trị để làm việc“. Như biên bản của kỳ họp vào tháng 11.1981 ghi, Angela Merkel là 1 trong 9 ủy viên BCH công đoàn Viện. Bà chịu trách nhiệm về công tác thanh niên. Tuy nhiên, trong chuyến trở lại từ Ba Lan năm 1981, công an biên phòng Đức kiểm tra túi xách tay của bà, phát hiện được 2 tấm ảnh mang biểu tượng công đoàn đoàn kết Ba Lan, một tạp chí và một huy hiệu công đoàn đoàn kết. Merkel giải thích được các bạn Ba Lan đưa đi thăm quan và tặng qùa, không hề biết những thứ đó có được phép mang theo hay không.
Chủ trương „mở cửa“ và „đổi mới“ mà Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô muốn cải cách Chủ nghĩa xã hội như luồng điện đánh thức tất cả những người ngưỡng mộ Liên Xô như Angela Merkel. Kỹ sư hóa lượng tử Michael Schindhelm nhớ lại, „người bạn, nữ đồng nghiệp phòng bên cạnh (Angela Merkel) mỗi ngày uống hai cốc cà phê hòa tan của Thổ Nhĩ Kỳ tại bàn của tôi. Chúng tôi dẹp phần „thế giới máy tính“ của chúng tôi sang một bên, để quan tâm đến sự phát triển tuyệt vời của đất nước đổi mới“. Không khí Viện sôi động. Angela Merkel đọc lại các diễn văn của Gorbaschow trên báo Sự thật và nghị quyết của Đại hội Đảng CS Liên Xô, rồi giải thích rằng: „Có sự khác biệt rất lớn giữa lãnh đạo Liên Xô với những người đứng đầu Đảng SED, CHDC Đức“.
Tháng 9.1989, tại nhà thờ Templin, bà Merkel tham dự hội thảo về tình hình chính trị của đất nước cùng với cha, em trai và Günther Nooke sau này là ủy viên đoàn chủ tịch phong trào „Khởi xướng dân chủ“. Tuy nhiên bà Merkel lại cương quyết từ chối một hệ thống xã hội kiểu phương Tây: „Nếu chúng tôi cải cách thì sau đó cũng không có nghĩa như kiểu CHLB Đức“. Về những gì xảy ra trong sự kiện bức tường thành Berlin sụp đổ vào ngày 9.11.1989, Angela Merkel kể: „Tôi xem Günther Schabowski (Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư SED phụ trách truyền thông) trên truyền hình và sau đó gọi điện cho mẹ tôi. Trước đó, ở nhà chúng tôi hẹn nhau, nếu bức tường thành bị sụp đổ, thì chúng tôi sẽ đi ăn ở nhà hàng Kempinski Austern“.
Vào thời điểm này, Angela Merkel đã thuộc về đảng đối lập „Khởi xướng dân chủ“. Cũng như các đảng đối lập khác, Đảng này theo quan điểm xây dựng Chủ nghĩa Xã hội Dân chủ ở miền Đông nước Đức. Bà Merkel cũng như hàng triệu người dân CHDC Đức, kết thúc năm 1989 vẫn không muốn rời bỏ hoàn toàn Chủ nghĩa Xã hội. Nhóm trí thức cánh hữu, trong đó có nhà văn Christa VVolf và Stefan Heym, tháng 11.1989 vẫn đưa ra lời hiệu triệu: „Tất cả cho đất nước chúng ta“. Trong đó, họ đặt nhân dân trước sự lựa chọn: Một bên là một „xã hội đoàn kết“ trên mảnh đất CHDC Đức cũ và một bên là „bán hết mọi giá trị tinh thần và vật chất của chúng ta“ bằng việc chuyển giao cho Tây Đức. Trong một lá thư ngỏ gửi Chrita VVolf, Merkel viết: „Nếu như Ngài còn muốn tin vào tương lai của Chủ nghĩa Xã hội thì đó có thể là một điều cần thiết, song phải soạn thảo ngay một dự án để hiện thực nó, chứ đừng tranh luận vô bổ. Ngay bây giờ chúng ta không có viễn cảnh tương lai chấp nhận được. Trong 40 năm CHDC Đức chúng ta đã phải đau đớn trả giá cho cái mỹ từ đầy hy vọng „Chủ nghĩa Xã hội“ rồi. Trong thời điểm nóng bỏng của đất nước này, việc các Ngài còn đi tập hợp và quyên góp chữ ký để nghiên cứu thì sẽ không còn tác dụng!“. Vì sao một Angela Merkel trong tháng 12.1989 còn đang ủng hộ một viễn cảnh CNXH, sau 13 tháng đã trở thành Bộ trưởng Gia đình trong Chính phủ Liên bang Đức? Làm sao từ một người ý thức hệ cộng sản, sau hơn chục năm thống nhất nước Đức, bà đã trở thành Chủ tịch Đảng CDU, Thủ tướng CHLB Đức, và lãnh đạo CDU thắng cử kỳ bầu cử quốc hội lần này cao bậc nhất trong lịch sử Đảng CDU? Nhiều nhà quan tâm tới tiểu sử Merkel tự hỏi, còn bao nhiêu phần trăm CHDC Đức trong con người Angela Merkel? Phải chăng ý thức về vận mệnh và tiền đồ dân tộc quyết định vai trò của chính khách, bất luận tư tưởng của họ sẵn có như thế nào, miễn là họ hoà nhập vào xu thế chính trường của thời đại? Nếu không xã hội loài người đã dẫm chân tại chỗ, không phát triển tới thế giới hiện đại ngày nay!
* Phần 4: Chính trường và quy luật „chọn lọc tự nhiên“
„Chính trường“, „thương trường“, hay „chiến trường“, thậm chí „tình trường“ đều là những phạm trù chỉ số nhiều, cho tới „vô cùng lớn“, nếu không, không thể gọi là „trường“. Tất nhiên, để có thể tạo ra sức mạnh, số nhiều chỉ mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ để đạt tới „khi và chỉ khi“ nó có khả năng tự chọn lọc và đào thải liên tục. Sẽ không có được những hàng hoá thương hiệu mạnh, nếu thị trường không tập hợp được vô cùng lớn các nhà kinh doanh tham gia và qua đó đào thải những hàng hoá không còn nhu cầu. Chính trường Đức cũng vậy!
Lần đầu tiên trong lịch sử CHLB Đức, Đảng FDP, một đảng lớn hàng đầu xưa nay, bị loại ra khỏi Quốc hội với số phiếu bầu tụt từ 14,7% kỳ bầu cử năm 2009 xuống còn 4,8% năm nay, dưới ngưỡng tham gia Quốc hội quy định 5%. Chủ tịch đảng FDP, Philipp Rösler gốc Việt và toàn bộ BCH trung ương Đảng phải nhận trách nhiệm đối với thất bại, cùng từ chức, mặc dù nguyên nhân gốc rễ chưa hẳn đã hoàn toàn do họ.
Từng nổi tiếng là một tài tử chính trị xuất chúng, Rösler được kỳ vọng có thể cứu vớt được Đảng FDP sau khi uy tín Đảng tụt xuống đáy chỉ còn 3% mức tín nhiệm, xảy ra ngay sau thắng lợi kỳ bầu cử trước. Rösler được bầu làm Chủ tịch, thay người tiền nhiệm, với số phiếu cao nhất nhì xưa nay, nhưng rốt cuộc bất lực; như một thương hiệu mất giá trên thương trường, FDP bị đào thải khỏi Quốc hội.
Trước hết, FDP đã sai lầm khi tranh cử bằng „mưu lược“ với lời kêu gọi cử tri, „Nếu muốn tiếp tục bầu Merkel, hãy bầu đảng FDP“, nhằm vận động phiếu bầu của những tín đồ liên minh Đảng CDU/ CSU với lập luận, chỉ khi bầu đảng FDP, Chính phủ của Liên minh FDP+CDU/CSU rất uy tín hiện nay mới có thể duy trì. Tuy nhiên, nhiều tín đồ thất vọng, cho đó là hành động tự hạ thấp không thể tưởng tượng được khi không tin vào chính khả năng, trí óc của mình mà „ăn mày dĩ vãng“, bám vào qúa khứ, vào danh tiếng của nữ Thủ tướng Merkel. Các cử tri đã đưa ra quyết định logic nhất, đánh dấu tín nhiệm vào ô bầu Đảng CDU/ CSU khi muốn tiếp tục thấy bà Merkel trong dinh Thủ tướng mà không cần đánh vào ô Đảng FDP. Kết quả, hơn 2 triệu người năm 2009 bầu đảng FDP năm nay chuyển sang ủng hộ liên minh Đảng CDU/ CSU, khiến số phiếu bầu của họ đạt kỷ lục xưa nay tới 41,5%. Đảng FDP mất phiếu nhiều nhất ngay tại tiểu bang Baden-Württemberg từng tín nhiệm họ nhất vào năm 2009 tới 18,8% phiếu bầu; nay có tới 570.000 số cử tri đó chuyển sang bầu cho đảng SPD và 400.000 bỏ bầu cử do quá thất vọng. Ngoài ra, đảng AfD mới thành lập xuất hiện trong kỳ bầu cử này với tôn chỉ mục đích chống đồng Euro đã lấy mất tới 440.000 cử tri của FDP. Không đảng nào mất số phiếu bầu nhiều hơn thế vào tay AfD.
Tiếp theo, đảng được dân tín nhiệm cầm quyền hay không rốt cuộc do niềm tin của họ vào chủ trương đường lối đảng đó qua thực tế quyết định; nhưng chính sách thuế của đảng FDP, theo thăm dò dư luận, chỉ được 6% dân chúng ủng hộ, chính sách y tế chỉ 4%, và chính sách kinh tế mặc dù thuộc lĩnh vực chủ chốt có tiếng của đảng FDP xưa nay cũng chỉ 3%. Đặc biệt có tới 83% người được hỏi, đồng ý với đánh giá: Đảng FDP hứa hẹn nhiều nhưng gần như không thực hiện được, tức bất lực – nguyên nhân cốt lõi FDP bị người dân bất tín nhiệm!
Đó cũng là thước đo „chọn lọc tự nhiên“ nghiệt ngã nhất của chính trường, khi lá phiếu định đoạt số phận đảng phái được đặt vào tay người dân tự chọn lựa. Nó buộc mọi đảng phái dù thắng cử cũng phải nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi nếu không sẽ bị người dân gạt bỏ tại bất cứ kỳ bầu cử nào. Nhưng nó cũng tạo cơ hội cho bất cứ Đảng nào quyết tâm vượt qua thất bại. Ngay đêm bầu cử, Christian Lindner, Phó Chủ tịch FDP, Chủ tịch đoàn Nghị sỹ FDP tiểu bang Nordrhein-Westfalen đã nhận thấy nguy cơ thất cử, ra tuyên bố, kêu gọi „tình trạng FDP rất nguy ngập, chúng ta phải cải cách tư duy tận gốc rễ“ ! Quốc hội Đức là nơi tập trung mọi sức mạnh chính trường Đức; FDP dù thất cử, hay bất kỳ đảng nào, chính khách nào cũng vậy, đều có quyền kỳ vọng tham chính, một khi thay đổi được chính mình như người dân mong đợi, chứ không phải ngược lại!
N.S.P.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN