Chúng ta sắp sống trong thế giới của Trung Quốc (Trung Quốc đang viết lại các luật lệ về thương mại, công nghệ, tiền tệ, khí hậu, và những thứ khác)

Liệu có phải tình cờ mà tạp chí Newswweek đăng tiểu luận này ngay sau tuyên bố của Ôn Gia Bảo ngày 14/3 mới đây trước báo chí rằng: TQ không thể là một bá quyền, TQ vẫn là nước đang phát triển trong 100 năm nữa, v.v và v.v.

Vừa đọc “Giấc mơ TQ”, lại đọc bài này, đọc xong không khỏi giật mình: Có bao nhiêu trong số những người nắm vận mệnh dân tộc thực sự lo lắng cho một âm mưu “diễn biến hòa bình”đang lù lù ở phương Bắc thay vì luôn kêu gào chống một thứ “diễn biến hòa bình” tưởng tượng từ phương Tây?

Những vẻ ngoài mềm mỏng ngọt ngào của những kẻ cổ họng (tham vọng) cực lớn, lòng dạ (mưu mô) cực sâu ở liền vách nhà mình mới thật đáng sợ phải không ạ? Đến lúc này mà vẫn không dám (hay không muốn, vì lý do gì đó?) xác định nguy cơ thực sự của đất nước là ở đâu thì quả thực không sao hiểu nổi!!!

Dịch giả

Nhớ lại thời Tổng thống Obama sống ở Indonesia, cuối thập kỷ 1960, lúc đó TQ lù lù ở phía Bắc, nơi các cán bộ cộng sản âm mưu nhập cảng cuộc cách mạng của họ vào phần còn lại của châu Á. Thành phố Jakarta mà ông sắp đến thăm cuối tháng này có một thái độ hoàn toàn khác đối với nước CHND. Các công ty địa phương đang giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, hơn là bằng đồng đô la. Nếu như Jakarta lâm vào khó khăn tài chính, như hồi năm 1997, nó có thể kêu gọi 120 tỷ $ của quỹ dự trữ khu vực, một phiên bản châu Á duy nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (QTTQT), sẽ được tung ra trong tháng này, một phần do quỹ dự trữ ngoại hối khổng lồ của TQ cấp vốn. Những vấn đề kinh tế và chính trị then chốt của châu Á không còn phải bàn thảo rắc rối qua những chuyến công du như của Obama – giữa các quốc gia riêng rẽ với Hoa Kỳ – mà tại những cuộc họp thượng đỉnh chỉ gồm có TQ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và các nước Đông Nam Á. “TQ đã là mấu chốt trong sự chuyển đổi tiêu điểm từ “châu Á-Thái Bình Dương” mà phần lớn là Mỹ và Nhật, sang “Đông Á” mà TQ là trung tâm”, đó là lời Martin Jacques, tác giả cuốn Khi TQ cai trị thế giới.

Kể ra cũng công bằng: ai ai cũng hiểu rằng TQ xứng đáng có tiếng nói quan trọng đối với những gì đang tiến triển ở quốc gia lân bang của nó. Nhưng phần lớn chưa để ý rằng Bắc Kinh còn muốn viết – hay ít ra là góp phần viết – những luật lệ đi đường mới cho thế giới. “Giờ đây TQ muốn có chỗ ngồi ở đầu bàn”, Cheng Li, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm TQ John L. Thornton thuộc Viện Brookings Institution nói. “Các nhà lãnh đạo của nó trông đợi mình hiện diện trong số Kiến trúc sư chính của các thiết chế toàn cầu”.

Ta dễ quên rằng những cơ quan quốc tế như QTTQT hay Ngân hàng Thế giới chỉ do một số quốc gia lập nên và do Hoa Kỳ lãnh đạo. Những tổ chức kinh tế ấy có tầm bao quát toàn cầu, nhưng quả cầu này thường bị thống trị bởi siêu cường Mỹ, và các chính sách của nó tràn ngập các giá trị Mỹ. Khi Bắc Kinh còn là tay cò con, các nhà lãnh đạo BK chẳng bao giờ thích cơ cấu của nó nhưng vẫn sống chung với nó, thậm chí còn phải đàn áp những tiếng nói phản đối từ cơ sở để gia nhập Tổ chức Thương mại TG.

Nhưng giờ đây TQ đã có thêm oai quyền trên thế giới, dư luận nội địa đã mang một giọng chiến đấu (và đôi khi sô-vanh hiếu chiến một cách thẳng thừng). Vậy là một mắt nhìn vào lợi ích quốc gia, mắt kia nhìn những lời phê phán bên trong buộc tội chế độ “nuông chiều” phương Tây, BK đã bắt đầu đẩy mạnh hơn việc định hình lại các hệ thống quốc tế để làm chúng thân TQ hơn (và, trong quá trình ấy, tăng thêm cơ hội sống sót cho chế độ).

Trớ trêu thay, các quan chức Mỹ thường phàn nàn rằng BK không tham dự nhiều hơn vào việc điều hành thế giới – chối từ giúp đỡ những nỗ lực lập lại an ninh ở Afghanistan chằng hạn. Nhưng trong phần lớn những trường hợp như thế, TQ đã được yêu cầu tham gia một hệ thống không do nó thiết lập – một hệ thống mà nó coi như mặc nhiên ngả theo lợi ích của phương Tây. Người TQ hăng hái hơn nhiều khi tham gia những nhóm mà họ có góp tay xây dựng, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một kiểu NATO Trung Á trong đó TQ (có thể danh nghĩa là khách mời) đóng vai trò lãnh đạo. Trong khi liên minh này khởi đầu như một trò đùa vào năm 1966, hiện nay nó đã lớn lên thành một cột trụ của nền an ninh khu vực.

Tương tự, những nỗ lực của BK đẩy đồng yuan (nhân dân tệ) thành đối thủ của đồng đô la nay đang có bước tiến thăm dò. Mấy tháng vừa qua, TQ đã in đậm dấu vào những thỏa thuận trị giá 100 tỷ đô la bằng tiền chuyển đổi với 6 nước, trong đó có Argentina, Indonesia, Hàn Quốc. Đồng yuan đã trở thành đồng tiền mậu dịch chính thức  giữa Đông Nam Á với hai tỉnh của TQ nằm dọc theo biên giới với nó. “Sau đó đồng yuan sẽ được dùng như đồng tiền mậu dịch với Ấn Độ, Pakistan, Nga, Nhật, và Bắc Triều Tiên”, Gu Xiaosong, Giám đốc Viện Nghiên cứu ĐNA ở Nam Ninh nói thế.

Những nước này cuối cùng sẽ có khả năng dùng đồng tiền TQ để giao thương với nhau. Và trong một bước đi không ầm ĩ nhưng quan trọng khác để tiến tới việc làm cho đồng yuan thành đồng tiền chuyển đổi tự do, đồng tiền quốc tế, BK đã phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên của mình tại Hongkong cuối năm ngoái.

Cũng lặng lẽ như thế, BK đang tham gia tái thiết kế mạng Internet. Những tin tức hàng đầu đã tập chú vào cú đấm của TQ cho Google, Công ty này đã thông báo sẽ từ chối tiếp tục tuân theo các luật lệ kiểm duyệt của nước sở tại sau khi mạng của Công ty bị tin tặc từ các máy chủ ở TQ tấn công. Nhưng, một cách riêng rẽ, TQ đã và đang ra sức làm việc về các chuẩn Internet thế hệ sau – cái được gọi là IPv6 (Giao thức Internet phiên bản 6). Phiên bản hiện hành, IPv4, được trông đợi sẽ hết các địa chỉ IP sử dụng được ngay trong năm tới. Với BK thì cái ngày đó không thể tới sớm như mong muốn, vì đại đa số địa chỉ – khoảng 1,4 tỷ vào tháng 8 năm 2007 – đã là của các hãng kinh doanh và cá nhân người Mỹ, chọi với con số ít ỏi 125 triệu của TQ. Tức là không đến 1 địa chỉ IP trên 100 dân, so với 5 trên đầu người ở Mỹ.

IPv6 sẽ cung cấp hàng nghìn tỷ địa chỉ mới cho mọi thứ từ các website đến các thiết bị thông minh tư gia và thiết bị quân sự – và BK nhắm chia phần trong đó. TQ cũng có thể nắm được một cơ hội gián điệp mạng: không như kiến trúc cũ, IPv6 cho phép các địa chỉ gắn với những máy tính hay điện thoại di động cụ thể, điều sẽ cho chế độ khả năng cảnh sát lớn hơn đối với các công dân mạng của nó.

Tất cả những nỗ lực ấy có động cơ là sự trộn lẫn giữa sự tự tin, tự hào, và sự thiếu tự tin. Một mặt, TQ biết năng lực công nghệ của mình tiến bộ một cách vượt bậc và thấy mình có cơ may qua mặt phương Tây về một số lĩnh vực. “Ở TQ và một số nước đang phát triển khác luôn luôn có cảm nghĩ rằng phương Tây là nơi chốn để đến – và bây giờ đột nhiên điều đó không đúng nữa”, đó là lời Ruchir Sharma, lãnh đạo khu vực các thị trường nổi bật của Ban Quản trị đầu tư Morgan Stanley. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu người Hoa đang lũ lượt quay về cố quốc để tiến hành việc nghiên cứu ở những phòng thí nghiệm được cấp bộn tiền.

Mặt khác, người TQ lo lắng rằng họ không được tham gia viết lên những tiêu chuẩn mới, những tiêu chuẩn có thể bị kẻ thù thao túng. Tỷ như chế độ đã cấm các máy tính của chính quyền chạy phần mềm Microsoft, lý do chính là cho rằng phần mềm này có thể chứa một “cổng sau” cho phép Chính phủ Mỹ tung ra những cuộc tấn công bằng Internet  chống lại TQ.

Thực ra, trong khi TQ không nhất thiết nhắm đến việc nắm quyền khắp thiên hạ, mọi  hành động của nước này đều đặt quyền lợi của TQ trên hết. Các chương trình không gian của BK bí mật cao độ, nhưng những năm gần đây họ đã leo lên với cuộc thử thành công đầu tiên vũ khí vệ tinh vào năm 2007, tiếp đến năm nay việc phóng tên lửa đất đối không ngoài tầng khí quyển (mà một số chuyên gia an ninh phương Tây cho là có thể thực sự là một vũ khí diệt vệ tinh loại mới). Đầu tháng này, TQ xác nhận các kế hoạch cho chuyến thăm dò mặt trăng không người lái lần thứ hai vào tháng 10 và việc tung lên một mô-đun không gian phục vụ cho thử nghiệm đầu tiên về cặp phi thuyền với phi thuyền của nước này vào năm 2011, tất cả hướng đến cuộc đổ bộ lên mặt trăng vào năm 2013. Với việc ngân quĩ của NASA sụt giảm, giờ đây TQ là nước duy nhất đầu tư lớn cho thăm dò không gian.

Vì sao có sự hối thúc lên mặt trăng? Rõ ràng BK trông mong đạt nhiều lợi ích vật chất hơn người Mỹ trong những cuộc phiêu lưu thăng thiên của mình. Một số nhà khoa học TQ chắc chắn rằng không gian là nơi tìm ra những nguồn năng lượng mới như helium-3, cũng như những khoáng sản hiếm đã cạn kiệt trên trái đất vì sản xuất công nghiệp; Ye Zili, thuộc Hội Khoa học không gian TQ, được dẫn lời rằng: khi người TQ lên được mặt trăng, họ sẽ không “chỉ lượm một mảnh đá” – rõ ràng ám chỉ những phi vụ trước đây của Mỹ. Các luật lệ cho thăm dò tài nguyên ngoài trái đất chưa được viết lên. Khi có chúng, TQ muốn cọc mốc của mình phải có mặt rõ rệt.

Cũng nguyên tắc ấy giải thích việc nước này toàn diện tiến lên dẫn đầu thế giới: nhắm bảo đảm mình có tiếng nói thực sự trong việc lập ra các luật lệ và tiêu chuẩn tương lai. Nó biết nó có thể leo lên chiếc thang kinh tế một cách dễ dàng hơn trong những công nghệ mới đang phát triển hơn là ở những ngành công nghiệp truyền thống, và do đó TQ, kẻ gây ô nhiễm lớn nhất, lại cũng trở thành nhà nước duy nhất ủng hộ công nghệ xanh. Nhờ những khoản tài trợ lớn của chính quyền, ngày nay nước này trở thành người dẫn đầu thế giới về thiết bị năng lượng mặt trời và gió, và đang tiến nhanh đến việc thiết lập tiêu chuẩn cho các phương tiện giao thông năng lượng sạch thế hệ sau. Pin do hãng BYD của TQ đã được dùng ở ít nhất ¼ thị trường ĐTDĐ thế giới; hiện nay nhà sản xuất pin này đang dẫn đầu cuộc đua toàn cầu đưa pin vào ô tô, vốn là rào cản lớn nhất còn lại trong việc tạo một thị trường có sức sống cho xe hơi chạy điện và chạy hai nguồn năng lượng ghép.

Nhờ những sự uỷ thác từ nhà nước, TQ đã có đội phương tiện giao thông năng lượng sạch lớn nhất thế giới. Với tiến bộ công nghệ, bạn có thể đoan chắc BK sẽ đưa ô tô sạch vào khắp thị trường tiêu thụ trong nước (năm ngoái đã vượt Mỹ về số xe bán được). Và khi người TQ thành công trong việc phát triển không chỉ công nghệ tiêu chuẩn vàng của lĩnh vực xe hơi mà cả một thị trường quy mô lớn, họ có thể trông đợi kiểm soát tương lai của ngành kinh doanh ô tô toàn cầu.

Nếu và khi cái ngày ấy tới, sẽ thật thú vị nhìn xem liệu người TQ – và thế giới – có còn tiếp tục ủng hộ những luật lệ hiện hành về tự do mậu dịch và cạnh tranh mở toàn cầu vốn góp phần cung cấp thái bình thịnh vượng cho họ ở trình độ hiện nay không.  Đã có thể thấy những thay đổi đáng lo ngại trong cách BK đối xử với các công ty nước ngoài. Mười năm trước, BK làm mọi điều có thể được để dụ các nhà đầu tư từ nước ngoài. Bây giờ luật lệ đã thay đổi. Gói tài chính kích thích 88 tỷ đô la của nước này được đưa vào phần rất lớn cho các công ty nhà nước chứ không cho khu vực tư nhân. Những luật liên doanh mới được đưa ra để làm cho các công ty ngoại quốc khó thu nạp công ty TQ hơn.

Tháng 12 năm 2009, Phòng Thương mại Hoa Kỳ và 33 tổ chức kinh doanh khác trên khắp thế giới đã gửi một bức thư cho BK phản đối việc luật hóa mà họ nói rằng sẽ ngăn chặn một cách hữu hiệu các công ty ngoại quốc tiếp cận những thị trường béo bở từ nguồn nhà nước. BK thậm chí còn kiểm soát ngành kinh doanh vốn đầu tư mạo hiểm. Một trong những công ty cổ phần tư nhân hàng đầu thế giới, Carlyle Group, vừa bị buộc phải hợp lực với chính quyền thành phố BK để được phép đầu tư vào thêm các thương vụ ở TQ.

Ý nghĩ rằng khi đã giàu lên, TQ sẽ đơn giản trở thành giống với Mỹ hơn, hay ít ra là thiện cảm hơn với nghị trình của Mỹ, hóa ra là sai lầm. TQ chưa bao giờ thay đổi từ bên ngoài, và giờ đây cũng chẳng có vẻ gì như thế. Giữa những người TQ bình thường, niềm tự hào với triển vọng của quốc gia đi đôi với cảm nghĩ phiền trách rằng mọi sự vẫn còn quá mới mẻ và non trẻ. Bước tiến chóng mặt của sự thay đổi đã có tác động đặc biệt mạnh mẽ với giới trẻ TQ, khiến họ trở nên hướng nội và dân tộc chủ nghĩa hơn – một khuynh hướng mà những chuyên gia như John Lee của Viện Hudson tin rằng sẽ là một tác nhân cho những chính sách mới gây gổ hơn về mặt an ninh, thương mại và ngoại giao. Tính gây gổ này xem ra chỉ có tăng lên kể từ nay đến năm 2012, khi mà bộ phận lãnh đạo cao nhất của ĐCS thay đổi. Các quan chức mánh mung chạy ghế từ nay đến lúc đó sẽ “mất điểm nếu bị coi là quá mềm theo bất cứ kiểu nào trong thương thảo với Mỹ”, đó là lời ông Li ở Viện Brookings.

Rõ ràng TQ vẫn đang xây dựng căn cước của mình: nó là một quốc gia giàu hay nghèo, một siêu cường lãnh đạo trên các vấn đề toàn cầu hay một nước đang phát triển chỉ đơn giản lo cho chính mình? Sự bối rối ấy dường như đưa đến thêm những thất bại như cuộc họp thượng đỉnh về thay đổi khí hậu ở Copenhagen tháng 12 vừa qua, ở đó BK làm hỏng một thỏa thuận khi từ chối cam kết cắt giảm lượng khí thải. Còn hơn nữa là việc Thủ tướng Ôn Gia Bảo làm mất mặt Tổng thống Obama bằng cách gửi một quan chức cấp thấp đến cuộc gặp tối quan trọng của những nguyên thủ quốc gia toàn cầu. Người ta có thể hỏi: nếu TQ thực sự muốn có một chiếc ghế trong bàn, tại sao lại đưa một thuộc hạ ngồi vào đó?

Theo lời một quan chức ngoại giao biết rõ đường đi nước bước, nhưng không được phép phát ngôn chính thức, Ôn đã không được giao thẩm quyền có những quyết định tại cuộc họp. Để khỏi bị lúng túng vì việc ấy, ông chọn cách tránh mặt (Quan chức TQ thay thế ông đã cự rằng sở dĩ ông ta cũng không thể có quyết định gì hết là do chiếc ĐTDĐ của mình hết pin).

Cuối cùng, đó là nỗi sợ bị sập bẫy do phương Tây giăng ra đã là lý do chính đưa đến ứng xử kiểu nhướng lông mày của phái đoàn TQ ở Copenhagen. Còn lâu mới biết rõ thế giới của chúng ta sẽ ra thế nào khi TQ đã giành được phần tái định hình nó. Nhưng con đường đến cái thế giới còn gập ghềnh lắm.

Hoàng Hưng dịch (Newsweek, 15 –  22/3/2010)

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.