Sáng ngày 15/9/1013, Lý Khắc Cường, thủ lĩnh đế quốc Trung Cộng đến thăm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Đây là một trong vài ba điểm đến rất hiếm hoi của ông ta trong cuộc viếng thăm Việt Nam tuần qua.
Để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của ông ta, các cơ quan hữu quan đã làm rất nhiều việc, nói là theo yêu cầu của thủ lĩnh Trung Cộng họ Lý: Nào là hai hàng nữ sinh mặc áo dài đứng nghênh chào suốt từ cổng phía đường Nguyễn Trãi vào hội trường lớn, nào là đồng thanh hát bài “Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông” của ông nhạc sỹ ăn bánh bao Tàu họ Đỗ, nào là phải cung cấp danh sách trích ngang của tất cả những người vào hội trường dự họp mặt, nào là phải mời tất cả các thủ lĩnh đầu khoa và lớp trí thức thượng thặng thuộc hàng giáo sư và phó giáo sư đến để nghe họ Lý rao giảng về cường quốc thiên triều Đại Hán, nào là phát sẵn hàng trăm cái cờ “Ngũ tinh Hồng Kỳ” có ký tên đóng dấu để rồi sẽ thu về đầy đủ, chắc để điểm danh số người đến hội trường cho đủ số mà Thiên triều mong đợi, vân vân và vân vân.
Ngài thủ lĩnh họ Lý đưa ra đủ thứ đòi hỏi hết sức trịch thượng và chi tiết như thế để cho bộ máy của đám thái thú Thiên triều ở giữa thủ đô Hà Nội đến làm việc chi tiết với Nhà trường.
***
Nhưng câu chuyện diễn ra hết sức thú vị.
– Các bạn nữ sinh thì bảo: “Em mới tắm táp đã giặt hết áo dài không có áo để đón ngài Thiên tử”.
– Các nam sinh thì bảo: “Ông … éo đi đón cái thằng ấy”.
– Các giáo sư thì bảo “Các cụ đây già rồi, ngồi nghe tuồng Tàu điếc tai”.
– Các chú bảo vệ thì nói: “Chỉ khổ các bố phải săm soi bọn trẻ căm thù ném đá tên đầu đảng của nước đế quốc Trung Cộng sài lang”.
– Các vị lãnh đạo nhà trường thì bàn thảo nhức đầu để phát biểu ý kiến sao cho cái cơ quan thông tấn quen lươn lẹo của Đại Hán không dễ bề lợi dụng xuyên tạc.
– Vân vân và vân vân
***
Thế rồi, cái gì phải đến tất đã đến
Ngài thủ lĩnh họ Lý tiến qua cổng, hai hàng sinh viên Việt Nam và Trung Cộng đứng vẫy cờ theo nghi thức đón một ngài Thủ tướng, cứ một sinh viên Việt Nam thì xen vào một sinh viên Trung Cộng. Sinh viên Trung Cộng thì được phát đồng phục quần hoặc váy đen áo trắng, còn sinh viên Việt Nam thì không có được đủ hai hàng nữ sinh để Thủ lĩnh họ Lý ngắm nhìn như đặt hàng ban đầu.
Trong hội trường tầng 8, Ban tổ chức cũng huy động được số người ngồi đủ 500 ghế, nhưng giáo sư thì chỉ có một vài ngài tò mò đến nghe xem anh ta diễn trò gì cho giới trí thức xem…
Sau vài màn dạo đầu, hôm nay, mọi người cố chờ xem anh chàng họ Lý kể công lao gì về việc “Nhân dân Trung Cộng nhường cơm sẻ áo để nhân dân Việt Nam làm bia đỡ đạn cho nước Trung Cộng xây dựng thiên đường cộng sản”. Nhưng hoàn toàn không có một câu nào như thế, anh ta chỉ ra sức vuốt ve tình hữu nghị với dân tộc “thuộc quốc Việt Nam”… Chỉ ca ngợi nhân dân Việt Nam “tuyệt đỉnh anh hùng”, nghe thật sướng lỗ tai những kẻ chuyên ăn mày quá khứ. Tuy nhiên đầu lĩnh họ Lý cũng đá nhẹ một câu, tinh ý một chút mới hiểu ra là đang kể lể công ơn của Đảng Trung Cộng, ý là: Trong khi nhân dân Việt Nam có cơm ăn no bụng để đánh nhau với Pháp và Mỹ, thì đấy là thời thơ ấu của chúng tôi, cái thời thơ ấu phải ăn khoai môn để sống qua ngày… Những người nhẹ dạ nghe mà rớt nước mắt.
Lạ thay, vì hôm nay anh chàng đầu lĩnh họ Lý không kể lể bất cứ công ơn trời biển nào của Đại Hán với Đảng Việt Nam.
Nhưng không.
Những lời vàng ý ngọc ấy được nhường cho ngài Phó thủ tướng họ Nguyễn của nước Việt Nam.
Trong khi đầu lĩnh họ Lý nói vo để khoe tài hùng biện và “tình cảm chân thành” không công thức khuôn sáo, thì ngài Phó thủ tướng họ Nguyễn trình bày một báo cáo dài giằng dặc, một nửa ngài nói bằng tiếng Việt, còn một nửa ngài nói bập bẹ bằng tiếng của mẫu quốc Đại Hán, thì ra, ông đầu lĩnh họ Lý tiết lộ: “Thời nhỏ, năm lên 8 tuổi, ngài phó họ Nguyễn của Việt Nam đã từng lưu vong sống ở nước Tàu”.
Ngài kể lể rất nhiều công ơn của Thiên triều, nào là nhường cơm sẻ áo cho cuộc “chiến đấu” của nhân dân Việt Nam, nào là các binh sỹ của “mẫu quốc” Đại Hán đã “hy sinh” trên chiến trường Việt Nam… trong khi bộ máy tuyên truyền của Việt Nam thì ra sức tuyên bố chỉ có lĩnh Mỹ mới bỏ xác trên đất Việt Nam (!). Ngài Phó thủ tướng họ Nguyễn chỉ quên một chi tiết, là không trích dẫn lời thơ Tố Hữu, rằng dân Việt Nam đổ máu để “chết cho ba ngàn triệu trên đời”, làm tiền đồn đỡ đạn để bảo vệ cho cái phe xã hội chủ nghĩa, mà ngày nay đã sụp đổ tàn lụi đầy bóng ma của quá khứ.
***
Hí trường nào rồi cũng đến chung cục.
Cuộc gặp mặt đã kết thúc, nhưng không ai hát bài ca của nhạc sỹ Màn thầu (Bánh bao không nhân) họ Đỗ, mà hát một bài ca ca ngợi Việt Nam.
Anh chàng đầu lĩnh họ Lý tỏ ra rất khiêm nhường, lịch lãm, muốn tỏ ra một bộ măt giả nhân giả nghĩa trước giới trí thức mà ông ta cho là không biết gì đến những trò bẩn thỉu, đê tiện, lấn đất lấn biển phá hoại môi trường, đút tiền cho bọn quan tham ô lại để trì hoãn các công trình kinh tế mà bọn họ “thắng thầu” nhờ những khoản đút lót khổng lồ trên đất Việt Nam, khi cuộc họp mặt kết thúc, anh chàng thủ lĩnh họ Lý không bắt tay chia ly bịn rịn với giới lãnh đạo ngồi ở hàng ghế trên, mà bắt tay thân thiện với những kẻ “vô danh” ngồi ở những hàng ghế phía dưới hội trường.
Đoàn xe chở ông ta đi rất chậm ra cổng trường, anh chàng đầu lĩnh họ Lý còn mở cửa sổ ô tô vẫy chào thân thiện hầu như với mọi người được bố trí hai bên đường, làm cho những kẻ nhẹ dạ tin rằng ông ta đã đến đây như sứ giả của hòa bình và hữu nghị.
***
Sau khi đầu lĩnh họ Lý đi rồi, những người chỉ đạo từ đâu đến đòi thu lại số cờ đã phát có con dấu và chữ ký của cơ quan chỉ đạo… thì thấy thiếu. Cho người lùng sục mãi, cuối cùng cũng tìm thấy một lá cờ năm sao “Ngũ tinh Hồng Kỳ” bị giẫm nát dưới bãi cỏ… chắc là để tiễn đưa anh chàng đầu lĩnh họ Lý vừa mới tung ra một chiêu hiểm độc để lừa bịp giới trí thức trẻ Việt Nam.
Không thể nói gì hơn về cuộc viếng thăm… “thân tình” nhưng không kết quả này, kể cả anh chàng đầu lĩnh họ Lý và viên quan Thái thú họ Nguyễn tháp tùng cố gắng chứng minh lòng trung thành của mình bằng một nửa bài diễn văn thống thiết với thứ tiếng Hán bồi còn ngọng của nước mẹ Đại Hán.
Chia tay với đầu lĩnh họ Lý nha.
Chúc ông thành đạt trong chiêu trò mới để lừa gạt những viên thái thú Việt Nam.
C.C.B.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN