Tự do luôn luôn là tự do của người có quan điểm khác

Đó có phải là khẩu hiệu của “thế lực thù địchˮ âm mưu “diễn tiến hòa bìnhˮ? Không! Đó là câu châm ngôn nổi tiếng của Rosa Luxemburg (1871-1818), nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa, sáng lập viên đảng Dân chủ Xã hội Vương quốc Ba Lan và đảng Cộng sản Đức, đồng thời là chuyên gia kinh tế chính trị học, nhà lý luận mác-xít, nhà báo…

Cuộc đời Rosa Luxemburg trong bối cảnh lịch sử

Rosa Luxemburg chào đời ngày 5-3-1871 tại Zamość, một phố nhỏ trong phần lãnh thổ Ba Lan bị Nga chiếm đóng còn có tên là Vương Quốc Ba Lan. Bà là con út trong một gia đình Do Thái trí thức có năm con. Cuối thế kỉ 19, nhân dân Nga rên xiết dưới chế độ quân chủ chuyên chế của Nga hoàng nhưng vùng đất Ba Lan thuộc Nga còn phải chịu ách đô hộ nặng nề. Các cuộc khởi nghĩa năm 1830 và 1863/1864 đều bị đàn áp dã man.

Rosa Luxemburg (1912)

Khi Rosa mới lên ba, gia đình dọn nhà đi Vacxava vì cha của bà, một nhà buôn gỗ, hy vọng việc làm ăn sinh sống ở thủ đô sẽ dễ dàng hơn. Dường như ông đã không đạt được điều mong muốn nên nhiều khi gia đình túng thiếu đến nỗi phải đem đồ đạc đi cầm. Dù vậy, nhà họ không có không khí buồn chán, cay đắng. Rosa và các anhchị được hưởng một tuổi thơ đầm ấm và được cha mẹ tạo điều kiện phát triển tốt. Hồi nhỏ, Rosa là một cô bé vui tươi, lanh lợi, ai cũng yêu thích. Lúc năm tuổi, bà mắc bệnh đau hông, phải nằm giường suốt cả năm trời và từ đó có bước chân hơi khập khểnh. Bà sớm tiếp nhận từ cha mẹ mình tinh thần yêu nước, yêu tự do cũng như lòng hâm mộ văn học Đức và Ba Lan. Noel 1881, Rosa đã chứng kiến một cuộc tàn sát, cướp bóc kéo dài ba ngày đêm ở khu biệt cư Do Thái. Tội ác ấy chắc hẵn đã gây một chấn thương nơi tâm hồn cô bé mới mười tuổi. Rồi đến việc đàn áp đảng Vô Sản thành lập năm 1882, một năm sau khi Nga hoàng Alexander Đệ nhị bị ám sát. Mặc dù đảng ấy không liên quan gì đến vụ ám sát, nhưng chính quyền Nga mượn cớ truy lùng, giam giữ và hành quyết nhiều đảng viên khiến đảng suy yếu rồi tan rã năm 1886.

Rosa được mẹ dạy học ở nhà tới năm mười tuổi mới vào trường trung học nữ II ở Vacxava. Đó không phải là điều dễ dàng vì thông thường trường trung học chỉ dành cho học sinh Nga hoặc con các gia đình thượng lưu thân Nga, còn học sinh Ba Lan và Do Thái phải trải qua kỳ thi tuyển gắt gao. Tại các trường này, chính sách Nga hóa được thi hành thô bạo hơn ở trường học Ba Lan. Thầy cô dạy các môn chính đều là người Nga. Không những phải học bằng tiếng Nga, học sinh Ba Lan cũng không được trao đổi với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, kể cả lúc ra chơi. Nhà trường lập một hệ thống chỉ điểm có trách nhiệm báo cáo với hiệu trưởng những học sinh nói tiếng Ba Lan. Các em sẽ bị quở trách, nhiều khi còn bị đuổi học.

Có lẽ từ những trải nghiệm trên, Rosa đã sớm có nhận định như theo lời viết cho một người bạn học: “Lý tưởng của tớ là một trật tự xã hội cho phép tớ thương yêu tất cả mọi người. Trong sự cố gắng đạt tới trật tự ấy và nhân danh lý tưởng của mình, có thể một lúc nào đó tớ sẽ có khả năng thù ghétˮ[1].

Rosa học rất giỏi, luôn luôn đứng đầu lớp trong suốt thời gian ở trường và tốt nghiệp trung cấp năm 1887 với tấm bằng xuất sắc. Tuy nhiên, bà không được thưởng huy chương vàng dành cho các học sinh tốt nghiệp với thành tích như thế, có lẽ vì bà hiệu trưởng nghi ngờ Rosa thuộc thành phần bất mãn với chế độ. Mà thật vậy, lúc còn đi học bà đã là thành viên của một nhóm học sinh, sinh viên và công nhân yêu nước.

Ra trường chẳng bao lâu, bà hoạt động trong đảng cách mạng Vô Sản II và tổ chức nhiều cuộc đình công. Bà bị mật vụ Nga hoàng theo dõi. Vào cuối năm 1888, khi chính quyền đàn áp đảng Vô Sản II, sát hại đa số lãnh đạo đảng, bà cũng có nguy cơ bị bắt nên phải rời Vacxava đi ẩn trốn nơi khác. Đầu năm sau, vừa thoát khỏi một cơn bệnh ngặt nghèo, bà bí mật vượt biên đi Thụy Sĩ với ý định theo học đại học ở đất nước tự do nhất châu Âu thời ấy.

Học kỳ mùa đông 1889 – 1890, Rosa đăng ký học các môn khoa học tự nhiên ở trường đại học Zurich, một trong vài trường cao đẳng trên thế giới nhận sinh viên nữ. Nhưng sau đó, theo lời khuyên của Leo Jogisches, một nhà cách mạng Litva cũng buộc phải lưu vong như Rosa, bà chuyển sang ngành chính trị và kinh tế quốc dân. Trong một thời gian dài, giữa Jogisches và Rosa nảy nở một mối tình thắm thiết nhưng cũng khá phức tạp. Zurich vào bán thế kỷ thứ hai của thế kỷ 19 là một nơi tỵ nạn chính trị của nhiều người Đức, Nga và Ba Lan. Rosa nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, vừa học tập vừa viết nhiều bài báo về phong trào công nhân Ba Lan cũng như về đường lối, mục tiêu của tờ Sprawa Robotnicza (Sự nghiệp Công Nhân) ra đời năm 1893. Tờ báo ấy trở thành cơ quan ngôn luận của đảng Dân chủ Xã hội Vương quốc Ba Lan (DCXH Ba Lan) do Rosa, Jogisches và một số đồng chí Ba Lan khác thành lập trong cùng năm ấy. Giữa đảng này và đảng Xã hội Chủ nghĩa Ba Lan (PPS) xuất hiện một năm trước đó có mâu thuẫn chủ yếu về mục tiêu: Trong khi đảng PPS đấu tranh cho độc lập dân tộc, đảng DCXH Ba Lan chủ trương giai cấp vô sản Nga và Ba Lan cùng chung sức lật đổ chế độ Nga Hoàng, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn đế quốc Nga, tức là bao gồm cả các nước thuộc địa. Một tuần sau ngày thành lập đảng DCXH Ba Lan, Đại hội Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa (Quốc tế XHCN) họp tại Zurich với hơn 400 đại biểu từ 20 nước và nhiều nhân vật có tiếng tăm, uy tín lớn trong phong trào công nhân quốc tế như Friedrich Engels, August Bebel, Wilhelm Liebknecht, Karl Kautsky, Clara Zetkin, Victor Adler, Georgi Plekhanov, Eleanor Marx-Eveling (con gái của Karl Marx), v.v. Người phụ nữ bé nhỏ mới 22 tuổi đã can đảm bước lên diễn đàn phân tích sự khác nhau giữa hai đảng Ba Lan và đề nghị Đại hội cho hai đại biểu của đảng mình được quyền tham dự. Lúc ấy, chưa ai biết đến đảng DCXH Ba Lan; hơn nữa, đảng PPS đã được công nhận và tham dự hội nghị với 9 đại biểu nên đề nghị của Rosa không được chấp thuận.

Năm 1897, Rosa đậu tiến sĩ hạng xuất sắc với đề tài “Phát triển công nghiệp của Ba Lanˮ. Đó là một nghiên cứu về quá trình công nghiệp hóa của một vùng trước kia chủ yếu sản xuất nông nghiệp trong quan hệ kinh tế hữu cơ với “mẫu quốcˮ. Bà đã dùng nó làm cơ sở lý luận chống chủ nghĩa dân tộc Ba Lan.

Với ý muốn hoạt động ở địa bàn rộng hơn, năm 1898 Rosa rời Thụy Sĩ sang Đức, gia nhập đảng Dân chủ Xã hội Đức (DCXH Đức) lúc bấy giờ là đảng mác-xít mạnh nhất châu Âu. Đảng ấy có hơn 100.000 đảng viên với nhiều nhà cách mạng kỳ cựu như August Bebel, Paul Singer (hai đồng chủ tịch), Wilhelm Liebknecht (chủ nhiệm báo Tiến Lên), Karl Kautsky (lý thuyết gia chính của đảng, chủ nhiệm báo Thời Đại Mới), Clara Zetkin (ủy viên Ban Giám Sát, chủ nhiệm tập san phụ nữ Bình Đẳng), v.v…  Tuy là “lính mớiˮ, chẳng bao lâu Rosa đã bắt tay vào cuộc luận chiến chống khuynh hướng xét lại của Eduard Bernstein, người đã từng là thư ký của Friedrich Engels và cùng Karl Kautsky soạn thảo Cương lĩnh Erfurt của đảng DCXH Đức. Cuộc luận chiến này được sự chú ýcủa công chúng. Đặc biệt, tác phẩm “Cải cách xã hội hay cách mạng?ˮ của Rosa mới ra đời vài tuần đã bán gần hết 3000 bản. Tại Đại hội Quốc tế XHCN tổ chức ở Paris năm 1900, bà vạch rõ sự cần thiết của một phong trào quốc tế chống chủ nghĩa đế quốc, chế độ quân phiệt và chính sách thuộc địa. Trong dịp ấy, Văn phòng Xã hội Chủ nghĩa Quốc tế (Văn phòng XHCN) được thành lập gồm đại biểu các đảng XHCN nhằm liên lạc, phối hợp hoạt động giữa các kỳ họp đại hội.

Trong mười năm 1904 – 1914, Rosa làm việc cho Văn phòng XHCN, đồng thời có nhiều hoạt động khác. Cuối tháng 12-1905 bà đến Vacxava hỗ trợ đảng DCXH Ba Lan và Litva (đảng DCXH Ba Lan mở rộng) trong cuộc cách mạng chống chế độ Nga hoàng. Tháng 3-1906, bà bị bắt giam cho đến tháng 6 mới được trả tự do. Rút kinh nghiệm từ cách mạng Nga 1905/1906, bà nhận định trong quyển sách nhỏ “Tổng đình công, đảng và công đoànˮ rằng tổng đình công là một vũ khí lợi hại của phong trào công nhân, quan trọng hơn việc đấu tranh nghị viện do nhiều đảng viên DCXH Đức chủ trương. Cuộc tranh luận về tổng đình công kéo dài cho đến đầu năm 1910 thì lãnh đạo đảng DCXH và công đoàn Đức bác bỏ hình thức đấu tranh ấy, cấm báo đảng Tiến Lên và có lẽ cả tạp chí lý luận Thời Đại Mới dưới quyền Karl Kautsky đăng bài của Rosa.

Tại Đại hội Quốc Tế XHCN năm 1907, Rosa cùng với Lenin và Julius Martow thuộc đảng DCXH Nga được giao nhiệm vụ soạn thảo đề cương chống chiến tranh của phong trào công nhân quốc tế. Từ 1907 đến 1914, bà dạy môn kinh tế quốc dân ở trường đảng và cho xuất bản quyển “Nhập môn kinh tế quốc dânˮ (1908). Với tác phẩm “Tích lũy tư bảnˮ (1913), bà giải thích chủ nghĩa đế quốc, đồng thời phê phán Karl Marx đã sai lầm trong lý thuyết về sự tích lũy tư bản của ông. Tháng 2-1914, bà bị kết án một năm tù vì tội tuyên truyền phản chiến và lời kêu gọi trong một buổi mít tinh: “Nếu ai đòi hỏi chúng ta phải cầm vũ khí sát thương chống các anh em Pháp của chúng ta hay những anh em nước ngoài khác thì chúng ta tuyên bố rằng: không, chúng tôi không làm điều ấy!ˮ Ngày 1 tháng 8 trong cùng năm ấy, chiến tranh thế giới bùng nổ. Ba tuần sau, bà phải ngồi tù ba tháng vì tội khi quân, rồi đến đầu năm 1915, bà lại phải chấp hành bản án về tội tuyên truyền chống chiến tranh. Trong thời gian một năm tù này, bà viết quyển sách nhỏ với bút danh Junius phân tích nguyên nhân chiến tranh và vai trò của đảng DCXH Đức. Số là ngay từ đầu cuộc chiến, ban lãnh đạo đảng đã ủng hộ chính sách chiến tranh của chính phủ Đức (giống như đa số lãnh đạo phong trào công nhân ở các nước khác đều ủng hộ chính sách chiến tranh của chính phủ họ, mặc dù trước đó không lâu ai cũng muốn đoàn kết quốc tế, chống chiến tranh). Để đối lại, một số đảng viên cánh tả trong đảng DCXH Đức như Rosa, Franz Mehring, Karl Liebknecht, Leo Jogisches, Wilhelm Piek v.v. họp thành nhóm Quốc tế, tiền thân của Liên đoàn Spartakus. Năm 1915, ban lãnh đạo khai trừ một nhóm đảng viên phản chiến. Đầu năm sau, nhóm này lập đảng mới lấy tên đảng DCXH Độc lập mà liên đoàn Spartakus gia nhập với tư cách một tổ chức thành viên cánh tả. Để phân biệt với đảng mới, đảng cũ được gọi là đảng DCXH Đa số. Trong khoảng thời gian ấy, Rosa hết hạn tù nhưng mới ra ngoài hoạt động được mấy tháng, bà bị bắt giam trở lại, lần này từ tháng 7-1916 đến tháng 11-1918. Những năm tháng ngồi tù, bà viết nhiều bài báo ủng hộ cách mạng Nga, đồng thời phê phán Lenin và đảng Bôn-sê-vích về việc duy trì quá lâu chính sách khủng bố, độc tài mà họ buộc phải thi hành trong “thời kỳ khó khăn ghê gớmˮ ban đầu. Rồi mùa thu 1918, bà tổng hợp những suy nghĩ và nhận thức của mình về cách mạng Nga trong một bản thảo giao cho luật sư và người yêu của mình là Paul Levi giữ, nhưng quyết định không công bố với ý định biên soạn một quyển sách hoàn hảo hơn trong tương lai, điều bà không thể thực hiện được (xin xem chi tiết ở phần II). Trong bản thảo ấy, có câu viết nổi tiếng: “Tự do luôn luôn là tự do của người có quan điểm khácˮ (Ba năm sau khi bà mất, Levi xuất bản bản thảo ấy dưới dạng sách, lấy tựa đề “Cách mạng Ngaˮ.)

Sau cuộc nổi dậy của thủy thủ ở Kiel, cuộc cách mạng Tháng Mười Một lan rộng khắp nước Đức, Ủy ban Công nhân và Quân nhân được thành lập ở nhiều thành phố. Vừa mới được tự do, Rosa lao mình ngay vào công việc, mặc dù sức khỏe của bà sút kém rất nhiều từ khi còn ở trong tù. Bà phát hành chung với Karl Liebnecht tờ Cờ Đỏ và viết báo, tuyên truyền kích động quần chúng tiếp tục cuộc cách mạng vô sản, không dừng lại ở việc lật đổ chế độ quân chủ. Đường lối ấy của bà cũng như của Liên đoàn Spartakus không được sự ủng hộ của đa số người dân muốn có hòa bình, ổn định sau cuộc chiến tranh tàn khốc để có thể làm ăn sinh sống bình thường. Tình hình nước Đức lúc bấy giờ hết sức phức tạp và đầy kịch tính. Ngày 9 tháng 11-1918, gần như cùng một lúc, Philipp Scheidemann trong ban lãnh đạo đảng DCXH Đa số tuyên bố thành lập Cộng hòa Đức, còn Karl Liebknecht lại tuyên bố thành lập Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Đức. Sau đó, hoàng đế Wilhelm Đệ nhị và các vua chúa Đức đều thoái vị. Quyền hành nằm trong tay Hội đồng Ủy viên Nhân dân ban đầu gồm mỗi ba ủy viên từ hai đảng dân chủ xã hội Đức và được Đại hội đồng các Ủy ban Công nhân và Quân nhân Berlin công nhận ngày 10 tháng 11-1918. Chưa đầy ba tuần sau, các ủy viên DCXH Độc lập rút lui vì sự bất đồng quan điểm giữa hai đảng về chế độ tương lai: Trong khi đảng DCXH Độc lập chủ trương một chế độ dân chủ trực tiếp theo mô hình xô-viết (thường bị hiểu lầm là chế độ bôn-sê-vích) thì đảng kia quyết định thiết lập nền dân chủ nghị viện. Hội đồng Ủy viên Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Friedrich Ebert được bổ sung bởi hai đảng viên DCXH Đa số mà một người là Gustave Noske giữ trách nhiệm quốc phòng. Hội đồng này cũng như lãnh đạo đảng DCXH Đa số quyết ngăn ngừa một cuộc cách mạng “bôn-sê-vichˮ ở Đức và tái lập trật tự với những đội quân bảo hoàng thiên hữu trở về từ chiến trường. Về phía phe xã hội chủ nghĩa, ngày 30 tháng 12-1918 đến ngày 1 tháng 1-1919, Liên đoàn Spartakus họp đại hội thành lập đảng Cộng Sản Đức (Rosa đề nghị lấy tên đảng Xã hội Chủ nghĩa Đức nhưng không được đại hội chấp thuận). Ban chấp hành đảng gồm 14 người; ngoài Rosa ra còn có 10 thành viên Liên đoàn Spartakus (Karl Liebknecht, Paul Levi, Leo Jogisches, Wilhelm Piek…) và 3 đại diện hai nhóm thiên tả khác. Tại đại hội này đã nổ ra cuộc tranh luận sôi nổi về việc có tham gia kỳ bầu cử quốc hội sắp tới hay không. Mặc dù ban chấp hành đảng chủ trương tham gia nhằm có tiếng nói ở diễn đàn quan trọng này nhưng phải phục tùng đa số cho đó là công cụ của giai cấp tư sản, cần được thay thế bằng các xô-viết theo mô hình cách mạng Nga.

Ngay từ khi đảng Cộng Sản Đức được thành lập, phe phản cách mạng đã mở một chiến dịch bôi nhọ và truy lùng các đảng viên, nhất là Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht. Cùng lúc ấy, giám đốc Sở Cảnh sát cảnh sát Berlin là đảng viên XHCN Độc lập Emil Eichhorn vốn có biện pháp mạnh mẽ đối với các phần tử phản động quá khích cũng bị tờ Tiến Lên của đảng XHCN Đa số vu khống, rồi bị chính quyền nước Phổ cách chức. Theo lời kêu gọi của các đại diện công nhân cách mạng, lãnh đạo XHCN Độc lập và Trung ương đảng Cộng Sản Đức, ngày 5 tháng 1-1919 hàng trăm ngàn công nhân ở thủ đô bầu Ủy ban Hành động Cách mạng gồm đại biểu của ba tổ chức trên và tuần hành phản đối, chiếm nhà in báo Tiến Lên và vài cơ quan khác. Khi ấy, có sự bất đồng trong Ủy ban Hành động: một số đại biểu đảng XHCN Độc lập muốn điều đình với chính phủ tức Hội đồng Ủy viên Cách mạng, còn một số đại biểu khác chủ trương cướp chính quyền bằng vũ lực. Karl Liebknecht sợ đảng Cộng Sản Đức xa rời bộ phận nhân dân đòi lật đổ chính phủ nên quyết định ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang. Mặc dù Rosa cho là việc ấy không thực tế nhưng bà vẫn đoàn kết với Liebknecht và các đồng chí “chủ chiếnˮ khác. Ngày 7 tháng 8, khi cuộc điều đình giữa đại diện XHCN Độc lập và Hội đồng Ủy viên Nhân dân thất bại, Ebert trao ngay quyền chỉ huy quân đội cho Gustav Noske. Chính quyền cũng kêu gọi thành lập thêm những đội quân tình nguyện (Freikorps) và hô hào dân chúng chống lại phe cách mạng.

Từ ngày 10 đến 12, các đội quân trang bị vũ khí nặng tấn công lực lượng nổi dậy, sát hại hàng trăm chiến sĩ cách mạng và một số dân thường. Cuộc “nổi dậy Spartakusˮ (đúng hơn, nên gọi: cuộc nổi dậy tháng Một Đức) bị dập tắt. Ngày 15 tháng 1-1919, Rosa và Liebknecht lọt vào tay Waldemar Papst, chỉ huy trưởng một trong những đội quân tình nguyện lớn nhất, rồi bị Papst − với sự đồng ý ngầm của Noske − ra lệnh giết một cách dã man.

Với cuộc sống tương đối ngắn ngủi, Rosa Luxemburg đã để lại cho đời những tác phẩm vẫn còn mang tính thời sự với nhiều gợi ý cho những ai quan tâm đến tình trạng chính trị – kinh tế – xã hội của đất nước cũng như trên thế giới. Mặc dù lúc nào cũng bề bộn công việc, bà đã viết trên 2700 lá thư cho bạn bè, người quen cũng như cho các đồng chí của bà. Qua những lá thư cá nhân ấy, người đọc có thể hiểu rõ con người của bà hơn và tìm thấy bao lời hay ý đẹp, như lời sau đây trong thư gởi một người bạn:

“Điều chủ yếu là phải có nhân cách, nghĩa là phải vững vàng, trong sáng và thanh thản; đúng thế, thanh thản bất kể mọi điều này điều nọ, bởi việc khóc gào thuộc về kẻ yếu đuối. Có nhân cách nghĩa là nếu cần thì sẵn sàng ‘liều với số phận’, đồng thời vui hưởng từng ngày trời trong, từng vầng mây đẹp. Ơ mà tôi không biết diễn tả nhân cách thế nào cho đúng, tôi chỉ biết nó ra sao thôi […] Thế giới thật đẹp mặc cho bao điều khủng khiếp và có lẽ còn đẹp hơn nữa nếu không có những kẻ yếu hèn trong đóˮ.

Hamburg, ngày 15.11.2013

               P. H. H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

 


[1] Những câu chữ viết nghiêng được tác giả dịch từ tiếng Đức.

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.