QUAN NIỆM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ PHƯƠNG CHÂM GIÁO DỤC VÀ VAI TRÒ NGƯỜI THẦY GIÁO

Tham luận tại Hội thảo khoa học “Học tập, làm theo tư tưởng Hồ chí Minh về giáo dục qua những bức thư của Người gửi cho ngành giáo dục” do Trung ương  Hội Cựu giáo chức tổ chức vào tháng 9 năm 2013.

Trong hội thảo này có một số tham luận cho rằng phải kiên trì chủ nghĩa Mác kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi cho rằng điều này nên nhận thức lại. Nhân dân ta đã từng nhờ Chủ nghĩa Mác mà làm cách mạng thắng lợi. Về việc đó chúng ta biết ơn và quý trọng Chủ nghĩa Mác. Nhưng gần đây Chủ nghĩa Mác tỏ ra có nhiều quan điểm không còn đúng, nếu cứ tiếp tục theo nó thì lợi bất cập hại. Vì vậy nên chăng chúng ta tách rời Chủ nghĩa Mác ra khỏi tư tưởng Hồ Chí Minh và để phát triển đất nước cũng như phát triển nền giáo dục thì nên từ bỏ chủ nghĩa Mác.

Nguyễn  Đình  Cống

Tháng 8 năm 2013 Trung ương đảng vừa ra nghị quyết về đổi mới toàn diện giáo dục. Có nghị quyết đó là vì trong nhiều năm qua nền giáo dục của chúng ta phát triển có phần chệch hướng, chưa làm tròn nhiệm vụ phục vụ cho sự  ổn định và phát triển xã hội. Để đổi mới, hay nói chính xác hơn là để sửa chữa sai lầm, để duy trì và phát triển một cách đúng hướng nền giáo dục thì một trong những vấn đề quan trọng là quán triệt quan điểm triết lý giáo dục của Hồ Chí Minh cùng những quan điểm của Người về phương châm, phương pháp giáo dục, về vai trò người thầy giáo.

Trong mấy chục năm qua nền giáo dục của chúng ta đạt dược nhiều thành tích và cũng phạm nhiều thiếu sót. Tôi xin không trình bày cụ thể các thành tích và thiếu sót, cũng không phân tích các nguyên nhân của thành công mà chỉ xin nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến thiếu sót, vì tôi nghĩ rằng có biết đúng nguyên nhân thì mới tìm được cách đổi mới. Trước khi trình bày quan niệm của Hồ Chí Minh về giáo dục và bàn đến việc vận dụng tư tưởng của Người tôi xin điểm qua một số nguyên nhân gây nên sự yếu kém của nền giáo dục.

Theo tôi sự yếu kém của nền giáo dục của chúng ta do những nguyên nhân sau:

+ Từ cấp lãnh đạo cao nhất: Tuy có nghị quyết viết rằng “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và không biết trong thâm tâm các vị lãnh đạo cao nhất nghĩ như thế nào nhưng bên ngoài thấy rằng các vị cho làm giáo dục là dễ, không khó, không quan trọng như quân sự, ngoại giao, kinh tế, v.v., vì vậy một mặt  đã không đầu tư thích đáng cho việc lãnh đạo ngành giáo dục, không kịp thời phát hiện và nghiêm khắc chấn chỉnh những sai lầm của giáo dục, mặt khác đã quá coi trọng việc chính trị hóa nền giáo dục, quá coi trọng đường lối giai cấp trong giáo dục, dẫn đến lệch lạc khi hiểu và thực hiện quan hệ giữa hồng và chuyên, giữa việc đào tạo những con người có khả năng sáng tạo trong tự do và những cán bộ trung thành với lý tưởng.

+ Việc thu nhận, đề bạt cán bộ, xếp lương quá chú trọng đến bằng cấp mà ít quan tâm đến năng lực thực sự. Việc này dẫn đến nhiều người đi học chủ yếu để lấy bằng, hiện tượng bằng thật mà học giả và bằng giả tràn lan. Việc này tồn tại được là vì nhiều người có trách nhiệm, có quyền quyết định chỉ có thể dựa vào bằng mà không thể đánh giá được trình độ, năng lực thực sự của cán bộ. Việc này ảnh hưởng lớn đến tinh thần, thái độ học tập của một số đông học sinh, sinh viên.

+ Chủ trương phát triển giáo dục quá nhanh, mất cân đối so với nền kinh tế và khả năng quản lý. Việc này kéo theo sự hạ thấp vai trò và đời sống của thầy cô giáo, là nguyên nhân gây ra nhiều tiêu cực khác (thầy cô giáo xem việc dạy học chính khóa ở trường như nghề phụ, lo kiếm sống bằng các công việc khác). Để ổn định và phát triển giáo dục thì điều then chốt là có được đội ngũ thầy cô giáo có phẩm chất tốt nhưng vì vai trò không cao của họ trong xã hội mà các trường sư phạm khó tuyển được học sinh giỏi để đào tạo, các thầy cô đương chức ít có điều kiện nâng cao trình độ và phương pháp, có được ít người thực sự tâm huyết với nghề.

+ Sau khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và Tạ Quang Bửu mất, việc cử một số Bộ trưởng Giáo dục kém năng lực là khuyết điểm của Chính phủ và Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Giáo dục cần phải là người giỏi về khoa học xã hội và nhân văn, là người thành thạo về giáo dục phổ thông, là nhà chính trị có tầm nhìn chiến lược để có thể ra những quyết sách đúng, ngăn chặn kịp thời những mầm mống sai lầm. Những Bộ trưởng kế tiếp như Nguyễn Thị Bình, Trần Hồng Quân, Nguyễn Minh Hiển, Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Vũ Luận đều thiếu năng lực nên mới để cho nhiều tệ nạn, nhiều sai lầm xảy ra mà không kịp thời phát hiện và ngăn chặn, để phát triển lây lan nhanh chóng.

+ Ngành giáo dục nằm trong hệ thống xã hội vì thế không tránh khỏi những căn bệnh nan y của hệ thống, đó là “bệnh thành tích” kéo theo sự dối trá, gian lận, làm băng hoại đạo lý, là “nạn tham nhũng” kéo theo sự mua bán chức quyền, sự hối lộ, làm hủy hoại thanh danh và chức năng của một số người và tổ chức trong ngành, là “sự lãng phí” tràn lan về thời gian, công sức, tiền của, làm hao mòn sinh lực của một nền giáo dục vốn đã yếu kém.

+ Chương trình đào tạo phổ thông quá nặng, quá thiên về kiến thức hàn lâm và để phục vụ cho việc thi. Điều này xảy ra là do những người làm và duyệt chương trình hiểu sai, vận dụng sai quy luật và nguyên tắc dạy học, do việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa được giao sai đối tượng. Chương trình quá nặng, quá khó so với trình độ trung bình đã làm cho việc học đối với một số không ít học sinh gần như lao động khổ sai, đã làm thui chột các khả năng tự học và sáng tạo của số đông. Đa số học chỉ là để đối phó, học và thi xong là quên, học như thế chỉ là lãng phí thời gian và sức lực.

+ Phương pháp dạy học và quản lý kém hiệu quả. Việc đổi mới phương pháp được kêu gọi rất nhiều nhưng hầu như ít được thực hiện và có một số lại thực hiện sai, lợi bất cập hại, ví như việc vội vàng áp đặt “tín chỉ”, vội vàng sử dụng giáo án điện tử, vội vàng sử dụng phương tiện đèn chiếu, v.v. Việc chậm đổi mới phương pháp có  nguyên nhân sâu xa là do trình độ và tinh thần của thầy cô nhưng chủ yếu là do yếu kém của lãnh đạo, do sự không hợp lý của cơ chế, chính sách.

+ Tâm lý tôn trọng bằng cấp, thích hư danh của nhân dân được truyền thông đại chúng khuếch trương thêm, tạo cơ sở cho nhiều người, nhiều nơi mở ra quá nhiều trường đại học. Sự mất cân đối giữa đào tạo đại học và các trường dạy nghề làm cho xã hội bị thiếu lực lượng lao động có tay nghề và thừa người có kiến thức dở dang, đẩy nền giáo dục vào khủng hoảng.

Để đổi mới hoặc cải cách giáo dục, một trong những điều cần thiết và đáng tin cậy là tiếp thu sáng suốt những phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục. Bác rất quan tâm và đánh giá cao vai trò của giáo dục, nhiều lần dự hội nghị của ngành, thăm các cơ sở giáo dục, gửi thư cho thầy cô giáo, cán bộ và học sinh. Mỗi một lần như thế Bác đều có những lời chỉ bảo có giá trị.

Để chỉ rõ sự quan trọng của giáo dục Bác căn dặn: “giáo dục là sự nghiệp trồng người, sự nghiệp của toàn dân…”. Trong thư gửi cho học sinh ngay sau khi cách mạng thành công năm 1945 Bác viết “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai được các cường quốc 5 châu hay không, một phần là nhờ công học tập của các cháu”.

Giáo dục là sự ngiệp quan trọng của toàn dân. Cải cách giáo dục phải trở thành công việc bức thiết với sự tham gia của toàn dân nhưng trước hêt nó phải trở thành nhận thức và tình cảm của những người lãnh đạo cao nhất, phải nhận được quyết tâm  của lãnh đạo cao nhất. Mặc dầu có nghị quyết “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”,  nhưng nó chỉ tồn tại trên giấy như một khẩu hiệu mà không trở thành hiện thực được vì nó chưa thực sự biến thành nhận thức và tình cảm của lãnh đạo cao nhất, nó chỉ là thắng lợi nhất thời của một số người soạn thảo và ra nghị quyết.

Gần đây người ta hay nói đến nền giáo dục lấy người học làm trung tâm, lấy công nghệ thông tin hiện đại làm cơ sở. Điều đó chỉ đúng một phần đối với từng môn học, từng lớp học và chỉ có thể phát huy hiệu quả khi được điều khiển bởi thầy cô giáo có trình độ và trách nhiệm, còn không thì lợi bất cập hại. Để giữ ổn định và phát triển nền giáo dục, điều then chốt và quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ thầy cô giáo có phẩm chất cao. Về việc này Hồ Chí Minh căn dặn: “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Nhưng để thực hiện được vai trò quan trọng của mình thì trước hết “thầy phải xứng đáng là thầy, thầy phải được lựa chọn cẩn thận vì không phải ai cũng làm thầy được”. Để xứng đáng làm thầy thì “chúng ta cần phải chính tâm, tu thân và muốn cải tạo xã hội thì phải tự cải tạo mình trước”.

Làm thế nào để thầy phải xứng đáng là thầy. Đó là thầy phải có được phẩm chất cao đẹp, bao gồm tâm hồn, kiến thức và phương pháp sư phạm. Người ta hay nói dạy học là nghề cao quý nhưng càng ngày câu đó càng trở thành sáo rỗng khi mà đại đa số người trong xã hội và bản thân các thầy cô chỉ xem dạy học là một nghề kiếm sống như các nghề khác, khi mà nhà nước và xã hội đối xử với thầy cô giáo chưa xứng đáng với vai trò của họ. Tuy có một vài ưu đãi cho người học và làm nghề sư phạm nhưng chính sách tiền lương, điều kiện làm việc và sinh sống chưa đủ để hấp dẫn học sinh giỏi vào học các trường sư phạm, chưa tạo tiền đề cho các nhà máy cái của nền giáo dục đào tạo ra những nhà giáo có phẩm chất cao, chưa tạo điều kiện để các thầy cô đương chức hoàn thiện và phát triển năng lực, chưa có được nhiều người thực sự tâm huyết với nghề.

Làm thế nào để nền giáo dục có được một đội ngũ thầy cô giáo theo mong ước của Hồ Chí Minh? Trong tình hình của xã hội hiện nay đó là điều quá khó, hầu như không làm nổi nếu chưa bài trừ được tệ nạn tham nhũng và mua quan bán tước.

Về quản lý nền giáo dục, về quan hệ thầy trò Bác dặn: “Trong trường cần có dân chủ, dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò”. Dân chủ là cần, là đúng nhưng để có được dân chủ thực sự trước hết cần có dân trí cao, được thông tin đầy đủ, được nhận thức đúng đắn, nếu không thì chỉ là dân chủ hình thức. Trong mấy năm qua việc đào tạo theo tín chỉ là một dạng áp dụng dân chủ nhưng vì chạy theo thành tích nên vội vàng áp đặt, làm cho tại nhiều nơi lợi bất cập hại.

Một vấn đề lớn của giáo dục là phương pháp. Người ta nói nhiều đến việc cần đổi mới phương pháp nhưng xem ra nó cũng chủ yếu dừng lại ở khẩu hiệu, còn thực hiện rất chậm chạp. Về phương pháp Bác Hồ dạy: “Các thầy giáo và cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để trò hiểu chúng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh… Thầy dạy tốt, trò học tốt, đó là nhiệm vụ vẻ vang của thầy, cô giáo”.

Phương pháp sư phạm bao gồm nhiều vấn đề mà trước hết và quan trọng nhất là biết khơi dậy trong lòng học sinh sự say mê học tập, sự khát khao vươn tới cỏi chân, thiện, mỹ, là biết cách trình bày các kiến thức một cách sáng sủa, dễ hiểu, là làm cho học sinh hứng thú trong việc tìm tòi, khám phá cái mới, cái đẹp. Dạy học chủ yếu là dạy cách suy nghĩ, dạy cách khám phá để làm phát triển khả năng sáng tạo chứ không phải là tìm cách nhồi nhét kiến thức. Nhồi nhét cho nhiều kiến thức mà không vận dụng được, mà rồi để quên đi thì sẽ làm thui chột khả năng tự học, làm tiêu tan ý chí và khả năng sáng tạo. Sự tiến bộ trong việc học phải là tiến bộ về phát triển tài năng, về sáng tạo.

Hiện nay một số nơi mở rộng việc soạn giáo án điện tử, dùng đèn chiếu khi giảng bài, cho rằng như thế là dùng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp. Tôi đã tìm hiểu và thấy rằng chỉ có một số ít hiểu đúng, làm đúng và thành công còn phần lớn, nếu chỉ  làm theo hình thức, chạy theo mốt để báo cáo thành tich thì mang lại nhiều tác hại cho người học.

Chúng ta hoan nghênh nghị quyết về đổi mới toàn diện nền giáo dục. Công việc quan trọng và cấp thiết này không phải của riêng ngành giáo dục mà của toàn dân, của toàn xã hội, bị chi phối bởi cả hệ thống chính trị và kinh tế. Chính vì thế mà rất khó thực hiện trong tình trạng tham nhũng tràn lan, trong tình trạng nền kinh tế phát triển kém ổn định với nền tài chính lạm phát ở mức cao. Việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh cũng không phải của một ngành nào mà của toàn xã hội. Cả xã hội đã tổ chức học tập, thực hiện, mở các cuộc thi trong nhiều năm qua. Bây giờ Hội Cựu giáo chức tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục qua những bức thư Người gửi cho ngành giáo duc”. Hy vọng hội thảo sẽ có được kết quả nào đó về đổi mới nhận thức và hành động.

Trong hội thảo này có một số tham luận cho rằng phải kiên trì chủ nghĩa Mác kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi cho rằng điều này nên nhận thức lại. Nhân dân ta đã từng nhờ Chủ nghĩa Mác mà làm cách mạng thắng lợi. Về việc đó chúng ta biết ơn và quý trọng Chủ nghĩa Mác. Nhưng gần đây Chủ nghĩa Mác tỏ ra có nhiều quan điểm không còn đúng, nếu cứ tiếp tục theo nó thì lợi bất cập hại. Vì vậy nên chăng chúng ta tách rời Chủ nghĩa Mác ra khỏi tư tưởng Hồ Chí Minh và để phát triển đất nước cũng như phát triển nền giáo dục thì nên từ bỏ chủ nghĩa Mác.

N.Đ.C.

* GS Nguyễn Đình Cống là chuyên gia ngành kết cấu xây dựng, nguyên Chủ nhiệm Khoa Xây dựng Trường đại học Xây dựng Hà Nội.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.