Nghe, xem tin trên truyền hình, báo mạng, báo giấy viết về những dòng người tưởng như vô tận, suốt mấy ngày liền đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng của Cụ ở 30 Hoàng Diệu, tôi thật không tin nổi! Ở quê tôi, người già trên 90 tuổi chết được gọi là “quy Tiên”, con cháu không khóc lóc, mà lúc tiễn đưa còn đốt pháo râm ran… Ai cũng biết Cụ Giáp có nhiều công lớn với nước, với dân, nhưng Cụ đã nghỉ hưu gần 30 năm nay, Cụ thọ đến 103 tuổi rồi, Cụ về Trời là đẹp quá. Còn chức vụ của Cụ, nghe đồn, một quan lớn đương thời phán rằng Cụ chỉ là ủy viên Bộ Chính trị mà chức to nhất là Phó Thủ tướng, có gì đâu… Thì hàng chục cụ thuộc diện “khai quốc công thần” đã ra đi lặng lẽ đó thôi. Cái lý là như thế. Vậy mà lòng dân ta lạ quá… Có người bảo, dân ta nặng tâm lý bầy đàn, hay a dua, bắt chước… Đúng là trong xã hội có quy luật lây lan tâm lý, nhưng nó chỉ gây hiệu quả khi đám đông có sự đồng cảm, thấu cảm, cùng tâm trạng. Thử hỏi: cả đồng bọn của một tên trùm tham nhũng đang gào khóc thảm thiết tiếc thương đại ca của chúng, liệu người dân có a dua, bắt chước, đồng cảm không?
Gần 5 giờ chiều ngày mồng 9/10 tôi phóng xe máy lên đường Hoàng Diệu, đi lượn vòng sang đường Hoàng Văn Thụ, về đường trước cửa lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà Quốc hội (đang xây), vòng xuống đường Điện Biên Phủ, rồi lại vòng về đường Hoàng Diệu… Vòng thứ hai, tôi chạy xe chầm chậm, quan sát dòng người xếp hàng ba, hàng bốn, nối dài từ trước nhà Quốc hội – Điện Biên Phủ – Hoàng Diệu… Thỉnh thoảng tôi dừng lại chụp vài kiểu ảnh. Đến 5 giờ chiều mà dòng người dài như vậy thì đến đêm cũng không thể vào viếng hết, nhưng mọi người vẫn bình tĩnh, trật tự, kiên nhẫn chờ đợi dưới cái nắng chiều thu gay gắt. Họ che nắng bằng đủ thứ: quạt, tờ báo, mũ nón, ô lớn, ô nhỏ… Điều đặc biệt, phần lớn là những người trẻ, rất nhiều nam thanh, nữ tú…thái độ nghiêm trang, cử chỉ văn minh lịch sự. Rất nhiều người ôm những bó hoa trên tay. Nhiều bông hoa đã héo đi dưới nắng hanh khô… Họ khác hẳn với cảnh lộn xộn, lam lũ hồi chúng tôi đi viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969. Trên các vườn hoa, bãi trống quanh khu vực nói trên đều chật đầy người đứng ngồi, chờ đợi, nhưng văn minh, trật tự. Các cảnh sát, dân phòng, thanh niên tình nguyện làm nhiệm vụ nhẹ nhàng lịch sự… chưa từng thấy! Một cái gì đó gắn kết con người lại, nâng cao văn hóa con người lên? Tôi đã từng rất thất vọng, khi nhìn đám thanh niên, sinh viên chen nhau giành giật những cành hoa anh đào trong ngày Văn hóa Nhật – Việt; thấy họ xô đẩy, giẫm đạp lên bồn hoa, thảm cỏ quanh hồ Gươm trong dịp lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long – Hà Nội… Nay thì hàng vạn người hoàn toàn “tự ý, tụ tập thành những đám đông tự phát”, không phải do “toàn hệ thống chính trị” được lệnh “đồng loạt ra quân” tổ chức việc này, cũng không phải “do các thế lực thù địch kích động, xúi giục”… Thế mới lạ! Trên đường về nhà tôi vẫn nghĩ miên man… Cái “tự phát tụ tập” này nó mới tuyệt diệu làm sao!
Hôm sau 10/10, từ 4 giờ chiều, tôi lại chạy xe máy lên đường Hoàng Diệu. Lại lượn hai vòng, rồi ba vòng như hôm trước. Hôm nay nắng gắt hơn. Dòng người cũng đông hơn gấp bội, vì được thông báo: việc viếng Đại tướng sẽ phải kết thúc vào 6 giờ chiều nay để gia đình còn chuẩn bị lễ Quốc tang và an táng Đại tướng… Tôi ái ngại, chỉ còn hơn một giờ nữa, nhiều lắm chỉ dăm trăm người có thể kịp vào viếng Cụ. Vậy mà hàng vạn người sao cứ kiên nhẫn, trật tự xếp hàng mãi thế kia?…
Tôi dừng xe cạnh vườn hoa nhỏ, phía bên phải lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi khá đông người đang đứng, ngồi dưới các tán cây, chụp vài kiểu ảnh rồi đi một vòng qua đường Hoàng Diệu, mới ra về…
Buổi tối, gặp cụ đại tá quân y, nghỉ hưu, bên hàng xóm, hỏi:
– Bác có đi viếng Đại tướng không?
– Không, mình không đi. Đại tướng lúc nào cũng trong tim mình rồi! Ông đặt tay lên ngực, mỉm cười.
– Tôi vẫn chưa lý giải được, vì sao dân ta đi viếng Đại tướng đông không tưởng tượng được?
Người lính già từng làm y tá trong chiến hào Điện Biên Phủ, cúi mái đầu bạc, trầm ngâm một lúc rồi nói: “Lòng dân ta ghê gớm lắm”. Câu nói của người lính già khiến tôi như bừng hiểu, “ngộ ra” rằng, người dân đi viếng Đại tướng không chỉ vì tiếc thương một lão tướng đầy công trạng đã ra đi, mà còn vì những điều lớn lao hơn. Phải chăng đó là sự biểu thị lòng tôn kính một người anh hùng dân tộc thực sự “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, cũng là để tỏ thái độ coi khinh những kẻ luôn mồm “vì nước, vì dân” nhưng toàn làm những việc hại nước, hại dân. Phải chăng đó là lòng ngưỡng mộ một thần tượng với tầm cao văn hóa, đã kế thừa xuất sắc truyền thống Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, nâng tầm người dân lên, để có thể tự hào trước thế giới, để đối lập với những kẻ đầy quyền lực đã làm cho đất nước tụt hậu, với bao điều phản văn hóa, đáng xấu hổ trước thế giới văn minh. Phải chăng đó là tâm tư, tình cảm xã hội tiếc nhớ một nhân cách lớn lao, một biểu tượng cao đẹp của nhân, trí, dũng, liêm, cũng là tỏ thái độ khinh ghét bọn tham quan ô lại, chỉ biết làm giàu cho bản thân và phe nhóm. Phải chăng mọi người tìm thấy ở con người có uy quyền lớn lao, nhưng luôn gần gũi, giản dị, chân thật, thân thiết với người dân; đối lập hoàn toàn với những kẻ cậy chức cậy quyền, khinh dân, hoặc đeo những chiếc “mặt nạ” lố bịch, diễn những trò cũ rích, vụng về trước bàn dân thiên hạ. Phải chăng… còn rất nhiều điều nữa. Nhưng tất cả những điều đó suốt mấy chục năm nay, chỉ thể hiện ở một số cựu chiến binh thân cận thường đến thăm Đại tướng vào dịp sinh nhật Cụ hay những ngày đại lễ, còn lòng dân gần như giấu kín. Thế mà mấy ngày nay lòng dân bỗng tự phát bùng lên, tuôn chảy dạt dào… “ghê gớm”. Ngay từ năm 1952 đồng chí của Cụ đã gọi Cụ là “ngọn núi lửa phủ tuyết” (theo lời thuật lại của nhà báo Pháp Jean Lacouture đăng trên Le Monde hồi ấy – “à Saïgon, un de ses camarades l’avait défini devant nous: le “volcan sous la neige””) để mô tả trái tim đầy nhiệt huyết bên trong phong thái bình tĩnh kiên nhẫn của ông. Phải chăng lòng dân lâu nay cũng là “những ngọn núi lửa phủ tuyết”, khi gặp những sự kiện lay động lòng người thì “lòng dân ghê gớm” mới bùng nổ dữ dội như núi lửa phun trào!
Tôi tin lắm, nhất là khi ngắm nhìn đông đảo những người trẻ nghiêm trang, trầm tư đứng dưới trời thu Hà Nội năm sáu tiếng đồng hồ để được cúi mình trước di ảnh của Đại tướng, ngắm nhìn ngôi nhà cũ kỹ, giản dị của Cụ và ghi vào sổ tang những dòng chân thật nhất tự đáy lòng.
Cái chết của Đại tướng đã gieo vào lòng dân, nhất là giới trẻ một điều gì đó thiêng liêng lắm. Rồi những lớp tuyết của đời thường sẽ phủ dày lên, nhưng nó không mất đi mà vẫn âm ỉ cháy…
Hà Nội, 12 -10 – 2013
M. V. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.