Câu lưu Bloggers và quy luật “nhập kho – xuất kho”

Xu hướng đối ngoại càng rõ thì góc mở chính trị đối nội càng rộng, từ đó dẫn đến một quy luật chính trị khác và ứng nghiệm với tình hình mới: khi chính thể mạnh, “nhập kho” tăng và “xuất kho” giảm; nhưng khi chính thể yếu đi, “nhập kho” giảm còn “xuất kho” lại tăng

Sẽ trấn áp nặng nề?

Mối quan hệ giữa nhà cầm quyền và giới blogger “đường phố” lại một lần nữa trở nên “manh động”, cùng và sau khi diễn ra hội nghị trung ương 8 của Đảng.

Tháng 10/2013, chỉ ba ngày sau vụ xét xử luật sư công giáo Lê Quốc Quân với bản án sơ thẩm 30 tháng tù giam cho điều bị xem là “trốn thuế”, các blogger trẻ Việt Nam đã tiếp tục phải “trả giá” với hàng chục người bị câu lưu ở sân bay Tân Sơn Nhất ngay sau khi kết thúc một khóa học ở Philippines về xã hội dân sự.

Bức tranh sinh động trên lại chỉ xảy ra khoảng 10 ngày sau vụ tấn công của công an vào nhà blogger Nguyễn Tường Thụy ở Hà Nội mà đã dẫn tới kết quả câu lưu một số blogger trong 3-4 tiếng đồng hồ.

Rõ ràng, đang có một “chiến dịch” mới tập trung vào giới blogger hành động. Tính hành động nổi bật và mang dấu ấn thách thức nhất đối với chính quyền chính là hoạt động trao “công hàm” phản đối điều luật hình sự 258 về “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” cho nhiều tổ chức dân chủ và cơ quan đại diện ngoại giao quốc tế ở Bangkok và ngay tại Hà Nội.

Hẳn nhiên, hoạt động của Mạng lưới blogger Việt Nam là chuyện không thể chấp nhận được trong não trạng của tất cả các cơ quan an ninh. Việc những người đại diện của giới blogger này còn được tự do vẫn đang là một dấu hỏi trong đầu những người thường chịu ấn tượng bắt bớ nặng nề vào những năm trước trong khi ít quan tâm đến tính xu hướng của tình hình mới vào năm 2013.

Vụ việc câu lưu các blogger ở sân bay Tân Sơn Nhất cũng một lần nữa dội lên câu hỏi về việc tại sao các thành viên của xã hội dân sự lại được cơ quan an ninh nhanh chóng “phóng thích” chỉ sau một ngày tạm giữ.

Câu hỏi tiếp nối là hành động “bắt cóc bỏ dĩa” từ vụ nhà blogger Nguyễn Tường Thụy cho đến vụ việc sân bay Tân Sơn Nhất có thể phản ánh một động thái đối nội nào từ phía chính quyền, và động thái này có liên quan gì với những chuyển biến trên chính trường đối nội cũng như xu thế đối ngoại?

Và tất nhiên, câu hỏi còn lại luôn là sau các vụ “bắt giữ” vừa qua, liệu có xảy ra một chiến dịch bắt bớ diện rộng đối với giới blogger trong thời gian tới hay không, và chiến dịch này sẽ đi đến “tận cùng” hay chỉ mang dáng dấp của chủ nghĩa “chiết trung”.

Xã hội dân sự kiểu Việt Nam?

Khác rất nhiều với vụ bắt giữ và lôi ra truy tố 14 thanh niên công giáo và tin lành vào nửa cuối năm 2011, tính chất “câu lưu” có lẽ là phù hợp nhất đối với những vụ việc xảy đến với các blogger trong nửa cuối năm 2013.

Cũng khác hẳn với trường hợp 14 thanh niên Công Giáo, Tin Lành bị nhà cầm quyền ghép vào hành vi quan hệ với đảng “khủng bố” Việt Tân, khóa học về “xã hội dân sự ở Philippines” của các blogger bị câu lưu ở sân bay Tân Sơn Nhất lại được tổ chức do Asian Bridge (Nhịp cầu châu Á), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Quezon, Philippines. Do đó ít nhất, các blogger khi tham dự khóa học này cũng mang trên mình tính chính danh. Hơn nữa, đó lại là một sự chính danh đậm nét quốc tế.

Tuy nhiên, vấn đề có thể được chứng nghiệm không ít lần là mô thức xã hội dân sự vẫn luôn bị coi như “một thủ đoạn của diễn biến hòa bình” – theo ít nhất một bài xã luận trên báo Nhân Dân vào cuối năm 2012.

Chứng nghiệm trên kéo dài cho đến khi Viện Những vấn đề phát triển (VIDS) của tiến sĩ Nguyễn Quang A [đây là một viện khác (xin xem ở đây) và vẫn còn hoạt động, còn viện mà tiến sĩ Nguyễn Quang A làm Viện trưởng là Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) – BVN] phải tự giải tán, được cho rằng dưới áp lực của Chính phủ. Song song với không khí thoái trào dân sự như vậy, nhiều trí thức cũng công khai phản ứng về việc nhà cầm quyền đã “khuôn” hoạt động của xã hội dân sự tại Việt Nam chỉ ở mức hội thảo, để phần lớn còn lại phải dành “đất” cho chủ trương “phòng, chống diễn biến hòa bình”.

Chỉ đến đầu năm 2013, khi hoạt động “Kiến nghị 72” thành hình và đề cập đến những chủ đề trực tiếp và thâm sâu hơn nhiều so với xã hội dân sự, loại bài viết “phản tuyên truyền” trên báo đảng đối với xã hội dân sự mới giảm bớt. Thời gian này lại khớp với một xu thế mới đang mở ra tại Việt Nam: một số chuyến ngoại giao song phương và đa phương đã dẫn tới việc tái lập đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ, đối thoại nhân quyền Việt Nam – Cộng đồng châu Âu, cũng như điều được xem là “cơ hội” cho Việt Nam trước viễn cảnh tham gia vào khung trời Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Và chắc chắn cả tương lai hứa hẹn về “đối tác chiến lược toàn diện” với người Mỹ.

Hai chuyến đi Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Tấn Dũng đều không ngoài những mục tiêu trên.

Trong bối cảnh ấy, sau khi Diễn đàn xã hội dân sự được một nhóm nhân sĩ, trí thức khởi xướng ở Việt Nam, sức phản kháng của báo đảng lại yếu ớt một cách đáng ngạc nhiên. Thay vì công kích toàn bộ xã hội dân sự, giới dư luận viên tỏ ra e ấp hơn khi chỉ đề cập đến “xã hội dân sự theo tiêu chí phương Tây”. Hiển nhiên, dư luận có thể suy diễn đang hoặc sẽ có một “xã hội dân sự theo kiểu Việt Nam”, thậm chí còn được chấp nhận bởi Nhà nước.

Và có lẽ đó cũng là lý do vì sao một khi hành động “tạm giữ hành chính” của cơ quan an ninh không được phép kéo dài quá 24 giờ, việc chấp hành này đã được giám sát và thúc đẩy đắc lực bởi cuộc biểu tình đòi người của hàng chục blogger chưa bị câu lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất vào đầu tháng 10/2013.

Cuộc biểu tình trên, tuy chỉ mang tính “mini”, nhưng lại tạo thêm một tiền lệ nữa, tiếp theo các vụ biểu tình của hàng trăm người đòi trả tự do cho Phương Uyên tại Long An vào tháng 8/2013 và cuộc biểu tình của hàng ngàn giáo dân tại Hà Nội trong vụ xét xử Lê Quốc Quân vào đầu tháng 10/2013, mô phác cho một sắc thái mới mẻ trong mối quan hệ “ngoại giao đa phương hóa” của không chỉ chính quyền mà ứng với cả phong trào dân chủ còn manh nha tại Việt Nam.

“Nhập kho” giảm, “xuất kho” tăng

Nếu hệ thống lại những gì vừa kín đáo vừa lộ diện diễn ra từ đầu năm 2013 đến nay, không quá khó để nhận ra rằng mối tương quan đối ngoại đang có chiều hướng tác động dần mạnh mẽ đối với quan điểm cai trị dân chúng của Nhà nước, trong đó có chủ đề dân chủ và nhân quyền – vốn đang được xem là điều kiện đặc trưng của TPP và “đối tác chiến lược toàn diện” với người Mỹ.

Chiều hướng lại có ảnh hưởng đến hoạt động “nhập kho – xuất kho”. Xu hướng đối ngoại càng rõ thì góc mở chính trị đối nội càng rộng, từ đó dẫn đến một quy luật chính trị khác và ứng nghiệm với tình hình mới: khi chính thể mạnh, “nhập kho” tăng và “xuất kho” giảm; nhưng khi chính thể yếu đi, “nhập kho” giảm còn “xuất kho” lại tăng.

Có lẽ đó là lý do vì sao từ đầu năm 2013 đến nay, ngoài một ít trường hợp blogger bị bắt giữ mà nhiều khả năng liên quan đến động thái tranh đấu nội bộ, giới blogger hoạt động dân chủ không mấy bị hề hấn, cho dù hoạt động của họ đã mang tính trực diện hơn nhiều và có cả chiều sâu so với những năm trước.

Không khí, cách thức bắt giữ và cách thả đối với các blogger trong vụ việc nhà Nguyễn Tường Thụy đều phảng phất hoặc lặp lại những gì mà nhà cầm quyền đối phó với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào giữa năm 2011.

Nhưng đặc biệt hơn, vụ tấn công vào nhà blogger Nguyễn Tường Thụy lại xảy đúng vào thời điểm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang ở Paris và sắp đến New York cho một sứ mệnh quan trọng của chính thể và các cá nhân trong chính thể. Không có bất kỳ nguyên do nào để bắt và cũng chẳng có bất cứ lý do nào để thả, cánh an ninh Hà Nội cứ như muốn biến vụ việc thành một sự kiện để mọi người đều biết và phải biết.

Cách thức đậm đặc sắc màu “PR” như thế đã ngay lập tức có tác dụng: hầu hết các đài Việt ngữ quốc tế đều thông tin và lên tiếng, đặc biệt nhấn mạnh đến trường hợp nữ sinh Phương Uyên bị đánh gây thương tích. Người ta cũng tự hỏi với cách gợi tin và truyền tin quá lộ liễu như thế, không hiểu Tổng thống Pháp Hollande có “càm ràm” gì với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên bàn đàm phán về những chiếc Airbus hay không.

Tiếp theo lời cam kết cấp bộ trưởng vào tháng 4/2013, lộ trình “đối tác chiến lược toàn diện” Việt – Pháp coi như tạm ổn thỏa vào cuối năm nay. Đó cũng là một cú nhấp mới của Nhà nước Việt Nam trong chiến dịch chinh phục các đối tác khác, mà đỉnh cao cuối cùng là người Mỹ.

Chừng nào lộ trình mở cửa đối ngoại vẫn tiếp diễn, cho dù với diễn tiến chậm, góc mở chính trị đối nội cũng phải tuân theo xu thế đó. Chính yếu tố này đang và sẽ tiếp tục trả lời cho câu hỏi: liệu có diễn ra chiến dịch bắt giữ blogger ở Việt Nam hay không?

“Tạm giữ để điều tra”, “tạm giam để điều tra” là những thuật ngữ khác rất nhiều về bản chất với phương án “truy tố” và “xét xử”. Cho tới nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền và các cơ quan an ninh tìm cách “xé rào” để chuyển hoạt động tố tụng hình sự sang vế thứ hai – quyết liệt hơn.

Phần lớn động thái “bảo vệ an ninh quốc gia”, cho đến nay, có lẽ vẫn xoay quanh mục đích “răn đe”.

Ngay cả trường hợp hai blogger Phạm Viết Đào và Trương Duy Nhất bị bắt giam vào giữa năm nay cũng có thể đang có chiều hướng “nhẹ” đi.

Nếu quy luật “nhập kho giảm, xuất kho tăng” được ứng nghiệm trong cuối năm nay và có thể cả trong năm sau, người ta hy vọng “anh em công an” sẽ nương tay hơn, để sẽ không hoặc khó có blogger bị truy tố. Ngược lại, sẽ diễn ra những cuộc trùng phùng không được thông báo trước.

 

P. C. D.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pham-chi-dung-blog-1012-10122013130159.html

This entry was posted in báo chí, Blog. Bookmark the permalink.