Tại sao…?

“Cuộc sống khiến chúng ta luôn đặt ra câu hỏi tại sao, vì sao rồi tự tìm ra câu trả lời để tồn tại. Với ngành giáo dục hiện nay, đặc biệt là bậc đại học, quả là có quá nhiều câu hỏi tại sao? Chỉ có điều hơi khác hai từ “tại sao” vốn đã được các cơ quan quản lý về giáo dục biết trước khi cho phép hàng loạt các trường đại học mọc lên mà vẫn không tự mình trả lời sớm để giờ đây khiến cả xã hội phải đặt câu hỏi tại sao nền giáo dục đại học nước ta có quy mô [bỗng nhiên trở thành khổng lồ] và chất lượng [bỗng nhiên trở thành đôi chân đất sét] như vậy?”. Tác giả Lê Hà hỏi mà cũng chính là đã trả lời cho tình trạng chung mà ngành giáo dục nước ta – không riêng gì bậc đại học – lâu nay lâm phải: vị nào lên võ đài hình như lúc đầu cũng muốn làm một chàng hiệp sĩ Đông Kisôt song rốt cuộc thì đều trở thành ông chúa đảo Xăngsô Păngxa hết thảy.

Bauxite Việt Nam

Cổng trường Đại học Hồng Bàng. (Ảnh minh họa. Nguồn: Thanh Niên).

Cổng trường Đại học Hồng Bàng. (Ảnh minh họa. Nguồn: Thanh Niên).

(TBKTSG) – Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức họp báo công bố chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010- 2012. Trong đó, ngoài 12 nhiệm vụ mà Thủ tướng giao bộ này phải tiến hành kiểm tra, đôn đốc chất lượng các trường đại học, thì một trong những điểm nhấn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là xử lý nghiêm các trường được thành lập trong vòng ba năm qua mà chưa đáp ứng các tiêu chí so với những cam kết được ghi trong đề án…

Việc kiểm tra, đôn đốc đối với các phân ngành, lĩnh vực trong đời sống kinh tế – xã hội là chuyện bình thường. Nhưng việc Thủ tướng phải chỉ thị Bộ Giáo dục và Đào tạo “đồng loạt” kiểm tra chất lượng đào tạo được dư luận hết sức quan tâm.

Vẫn biết, trong nền kinh tế thị trường, mọi lĩnh vực đều phải tuân theo quy luật cung – cầu, lĩnh vực giáo dục – đào tạo cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, việc phê duyệt, cấp phép thành lập các trường đại học thời gian qua quá dễ dãi. Không ít dự án thành lập trường đại học, dù chưa có địa điểm chính thức, phải đi thuê, rồi đội ngũ giảng viên cũng đi “thuê nốt”, vậy mà cơ quan quản lý vẫn cấp phép. Thử hỏi những cơ sở đào tạo kiểu như vậy làm sao có thể cung cấp nhân lực có chất lượng cao cho xã hội? Thế nên, người dân có quyền hỏi trước khi cấp phép, các cơ quan quản lý như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thẩm định năng lực thực sự của các trường đó không?

Một vị Phó hiệu trưởng Trường đại học Công đoàn Hà Nội cho biết không ít cơ sở cấp phép xong, để cỏ mọc um tùm, hỏi ra mới hay doanh nghiệp chỉ lấy cái mác mở trường để chiếm đất chờ thời cơ là sang nhượng, chuyển đổi! Dù chưa được kiểm chứng song đây cũng là một cảnh báo cần được lưu tâm.

Bên cạnh đó, theo số liệu được GS. Phạm Minh Hạc đưa ra trên Đài Truyền hình Việt Nam, hiện trên toàn thế giới có khoảng hơn 6.000 trường đại học, trong đó Mỹ có khoảng 4.000 trường. Thế mà Việt Nam với dân số 85 triệu người đã có ngót nghét 450 trường đại học các loại. Phát triển nhanh như vậy, nên chỉ trong vòng một năm, số lượng sinh viên đã bằng 20 năm trước đây cộng lại.

Theo chiến lược phát triển đại học – cao đẳng, thời gian tới cả nước sẽ có 600 trường đại học- cao đẳng. Với số lượng này, có lẽ Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai thế giới sau Mỹ về số lượng trường đại học.

Cuộc sống khiến chúng ta luôn đặt ra câu hỏi tại sao, vì sao rồi tự tìm ra câu trả lời để tồn tại. Với ngành giáo dục hiện nay, đặc biệt là bậc đại học, quả là có quá nhiều câu hỏi tại sao? Chỉ có điều hơi khác hai từ “tại sao” vốn đã được các cơ quan quản lý về giáo dục biết trước khi cho phép hàng loạt các trường đại học mọc lên mà vẫn không tự mình trả lời sớm để giờ đây khiến cả xã hội phải đặt câu hỏi tại sao nền giáo dục đại học nước ta có quy mô và chất lượng như vậy!

Nguồn: thesaigontimes.vn

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.