Bạn bè cùng một số thân hữu tập trung đòi trả tự do cho các bloggers bị bắt tại sân bay Tân Sơn Nhất. Courtesy danlambao
Trong hai ngày 5 và 6 tháng 10 vừa qua, một số công dân Việt Nam ra nước ngoài, khi trở về tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Hà Nội, bị cơ quan an ninh giữ lại.
Lý do ban đầu được nêu ra là những người bị giữ lại vừa tham gia một chương trình học về xã hội dân sự tại Philippines.
Bắt giữ ngay khi trở về
Thông tin từ người thân và bạn hữu của anh Châu Văn Thi, người viết blog và facebook với biệt danh Yêu Nước Việt, cho hay anh này bị an ninh bắt giữ vào rạng sáng ngày 5 tháng 10 khi về đến tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Một ngày sau đó, vào rạng sáng ngày 6 tháng 10, có thêm blogger và facebookers khác cũng sau khi về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng bị an ninh bắt giữ; đó là Vô Thường – Trần Hoài Bão, Peter Lâm Bùi – Bùi Tuấn Lâm.
Ngoài ra tin còn nói có thêm một số người khác nữa cũng trong tình trạng tương tự như trình bày của blogger Huỳnh Công Thuận sau đây:
Trong đó có những người không có thân nhân ở đây hoặc chúng tôi không liên lạc được thì không biết chắc người ta như thế nào. Nhưng biết chắc trong hai ngày, hai đêm nay tại sân bay Tân Sơn Nhất có 7 người ( bị bắt) mà không có lý do gì hết. Vì có một cô gái đi chung chuyến bay đêm trước, sáng nay gặp có nói là chuyến bay đêm trước có những anh thanh niên đi ra rồi nhưng họ rượt theo họ bắt lại. Hành lý xét hết không có vấn đề gì nhưng họ rượt theo bắt lại.
Những người không có thân nhân ở đây hoặc chúng tôi không liên lạc được thì không biết chắc người ta như thế nào. Nhưng biết chắc trong hai ngày, hai đêm nay tại sân bay Tân Sơn Nhất có 7 người ( bị bắt) mà không có lý do gì hết
blogger Huỳnh Công Thuận
Sáng nay chúng tôi có đến công an Phường 2, địa bàn quản lý luôn khu vực sân bay. Những người đó vào về vấn đề Châu Văn Thi bị bắt quá 24 tiếng đồng hồ rồi; nhưng không ai làm việc. Đến trưa chưa thấy nên chúng tôi quyết định ngồi lại biểu tình, và sau đó Châu Văn Thi được thả vào khoảng sau 12:30’, còn những người khác thì chưa biết.
Bùi Tuấn Lâm tức Facebooker Peter Lam Bui (trái), Trần Hoài Bảo tức Facebooker Vô Thường (phải) – ảnh chụp trước giờ ra sân bay về Việt Nam. Ảnh: Dân Làm Báo
và các bạn đang tranh đấu để “Free us now” tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Dân Làm Báo
Thân nhân & bạn bè đòi người
Chính blogger Châu Văn Thi đã báo tin qua điện thoại cho biết việc anh bị an ninh bắt giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Gia đình cùng với một số thân hữu ngay trong ngày 5 và sang ngày 6 tháng 10 đã đến ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất để hỏi cơ quan chức năng về việc anh Châu Văn Thi bị giữ ở đó.
Từ trái: em trai của Trần Hoài Bảo, blogger Nguyễn Hồ Nhật Thành (đang bị đau mắt) và chị của blogger Châu Văn Thi. Ảnh: Dân làm Báo
Lúc 11h, đoàn người biểu tình ở sân bay Tân Sơn Nhất đã kéo qua số 1 Bạch Đằng, P2, Q. Tân Bình để làm việc với Cục quản lý xuất nhập cảnh về việc bắt giữ người. Vừa đi vừa giương hình ảnh tranh đấu cho tự do của đồng đội. Ảnh: Dân làm Báo
Blogger Nguyễn Thảo Chi, một trong những thân hữu của blogger Châu Văn Thi, vào chiều ngày 6 tháng 10 sau khi người này được thả ra cho biết lại việc nhận được thông tin:
Khi vừa đáp máy bay xuống, từ trong anh Thi đã nhắn tin cho em nói đã đến rồi. Sau đó khi ra hải quan anh cũng báo tin cho em nói bị giữ lại rồi. Khoảng 10 phút sau anh lại gọi ra nói đang làm việc, đi về đi nếu không có gì thì sáng mai về thôi, còn không thì hai ba ngày nữa về. Sáng hôm sau tôi thấy anh Thi chưa về nên cùng với gia đình của anh Thi cùng với một vài bạn bè nữa lên sân bay để kiếm người. Đầu tiên người ta không tiếp, có một người đại diện ra nói không có bắt ai tên Châu Văn Thi cả; người đó đi luôn không trở lại, nên chúng tôi đi vòng vòng trong sân bay …
Để một tiếng nữa đi, an ninh nhiều lắm!
Cuộc nói chuyện với blogger Nguyễn Thảo Chi bị gián đoạn vì theo blogger này thì an ninh rất nhiều tại đó.
Chỉ một lúc sau, blogger Nguyễn Hoàng Vi, một trong những người cùng đến sân bay Tân Sơn Nhất để hỏi cơ quan chức năng về việc bắt giữ người cũng điện thoại thông báo họ bị một nhóm người khác đến quấy rối giật điện thoại, biểu ngữ…
Blogger Huỳnh Công Thuận vào lúc 2:30 chiều thuật lại:
Họ cho côn đồ đến bao vây, giật điện thoại, máy ảnh, băng rôn biểu tình và đòi bắt nữa. Hôm nay chủ nhật nên cũng hòa hoãn thôi: có một ông xếp ở trong ra nói không muốn tình hình căng thẳng, yêu cầu mọi người ra về, vấn đề thả người sẽ giái quyết sau
Blogger Huỳnh Công Thuận
Lúc nãy có một vụ hơi lộn xộn là họ cho côn đồ đến bao vây, giật điện thoại, máy ảnh, băng rôn biểu tình và đòi bắt nữa. Hôm nay Chủ nhật nên cũng hòa hoãn thôi: có một ông xếp ở trong ra nói không muốn tình hình căng thẳng, yêu cầu mọi người ra về, vấn đề thả người sẽ giái quyết sau, mọi người đồng ý ra về hết rồi.
Bắt vì tham gia học về xã hội dân sự
Blogger Nguyễn Hoàng Vi trên trang facebook cá nhân cho biết nhận được một văn bản mà blogger Châu Văn Thi gửi về cho cô trong những ngày qua. Đó là ảnh chụp thư của của tổ chức Asian Bridge tại Philippines đề ngày 1 tháng 9 năm 2013 gửi cho những người tham gia khóa học về xã hội dân sự do tổ chức này thực hiện tại Philippines.
Ảnh: Facebook An Đổ Nguyễn
Bức thư cho biết những người tham dự chương trình kéo dài trong hai tuần lễ được đến thăm nhiều tổ chức phi chính phủ NGOs, và nghe những diễn giả nổi tiếng trình bày về những hoạt động mà họ thực hiện để giúp cho những đối tượng kém may mắn và không có tiếng nói trong xã hội.
Họ làm việc khi tôi đi học ở Philippines về vấn đề xã hội dân sự về. Bây giờ tôi không thể nói gì vì mệt, họ hành hung tôi trong đồn. hẹn nói chuyện lại
blogger Châu Văn Thi
Blogger Nguyễn Hoàng Vi đặt vấn đề liệu có phải những bloggers tham dự chương trình học đó khi về đã bị bắt làm việc như trường hợp các bloggers bị giữ lại tại sân bay Tân Sơn Nhất hồi ngày 5 và 6 tháng 10!
Đến chiều ngày 6 tháng 10, blogger Châu Văn Thi được trả tự do sau hơn một ngày làm việc. Anh nói lại nguyên nhân bị giữ làm việc và hành xử của cơ quan chức năng đối với bản thân anh trong thời gian làm việc đó:
Họ làm việc khi tôi đi học ở Philippines về vấn đề xã hội dân sự về. Bây giờ tôi không thể nói gì vì mệt, họ hành hung tôi trong đồn. Hẹn nói chuyện lại.
Vụ việc xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất trong hai ngày 5 và 6 tháng 10 vừa qua khiến nhiều người nhớ lại việc bắt Nguyễn Phương Uyên hồi tháng 10 năm ngoái. Gia đình của cô sinh viên trẻ không hề được biết gì về việc con gái đang học ở Sài Gòn bị bắt. Mãi cả chục ngày sau khi tìm đến các cơ quan chức năng để hỏi, gia đình mới nhận được câu trả lời.
Tương tự hai giáo dân Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải, thuộc giáo họ Trại Gáo, xứ Mỹ Yên, giáo phận Vinh bị bắt khi đang trên đường làm công việc riêng hồi ngày 26 tháng 7 vừa qua. Mãi một tuần lễ sau gia đình họ mới được cơ quan an ninh thông báo về việc bắt giữ như thế.
Những người trong cuộc đều cho rằng họ bị bắt giữ một cách bất minh khi không hề làm gì sai phạm qui định của Hiến pháp Việt Nam như việc tham dự một khóa học về xã hội dân sự mà blogger Châu Văn Thi tham dự vừa qua.
G.M.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/late-deten-fr-o-10062013063250.html
BVN cập nhật: Đến 16h30 chiều nay 6/10/2013 các anh Châu Văn Thi, Trần Hoài Bão, Bùi Tuấn Lâm đã được trả tự do từ sân bay Tân Sơn Nhất.
________________________
Việc sách nhiễu tương tự cũng đã xảy ra với blogger Mẹ Nấm năm 2012
Làm việc với an ninh 26/09/2012
Blogger Mẹ Nấm
Ở đất nước này việc tự do đi lại, tự do thu thập kiến thức, học hỏi đôi khi trở thành một điều cấm kỵ. Bởi nhiều khi, nó có thể bị chụp lên đầu một cái mũ nguy hiểm với những lời “nhắn nhủ” rất ngọt ngào: bạn có thể bị đe dọa là bạn sẽ phải ân hận, phải trả giá, là sẽ bị bắt giam… Chuyện đã xảy ra với nhiều người, hôm nay, vừa diễn ra với tôi.
………..
Sáng 25/09/2012, tôi nhận được giấy mời đến Công an thành phố Nha Trang, gặp ông Hải (đội An ninh) để “làm việc”.
Tôi đã phúc đáp bằng thư gửi ông Hải vào đầu giờ chiều cùng ngày với lý do như sau:
Hai tiếng sau, tờ giấy mời lần 2, được gửi ngay, lần này đã có lý do làm việc cụ thể hơn.
Trên tinh thần đối thoại với nội dung làm việc rõ ràng, tôi đến Công an thành phố Nha Trang đúng như giấy mời đã ghi.
Có 6 người tiếp tôi, và ông Hải (Đội phó Đội An ninh – CA Thành phố Nha Trang) cùng ông Trí (người ký giấy mời) chỉ xuất hiện ở phần giới thiệu cá nhân. Sau đó là màn chào hỏi người quen: anh Phương (người nói giọng Nam, đã gặp trong buổi Trà chiều 14/03/2011) và một người trạc tuổi, tự giới thiệu là Nguyên (nói giọng Bắc). Mặc dù được giới thiệu là công an tỉnh, nhưng vì không lạ với anh Phương, nên tôi đoán đây là hai người từ Bộ Công an.
Hơi lạ, vì từ xưa giờ tôi chưa bao giờ phải làm việc với Công an thành phố, và hai người từ Bộ Công an vào sao lại “mượn” danh Công an Thành phố để làm việc với tôi? Không biết công an tự diễn biến hay mình hết nguy hiểm nữa.
Hai người còn lại là em Huy, CA Tp Nha Trang, người vẫn thường xuyên gặp và trao đổi với tôi. Người còn lại là phụ nữ, vì lý do tôi đang mang thai, nên chị này có mặt.
Để buổi làm việc được rõ ràng và nhanh chóng tôi đề nghị nên làm việc theo nội dung đã ghi trên giấy mời là liên quan đến blog, các việc không liên quan sẽ hỏi sau (nếu có thời gian).
Tuy nhiên, trình tự buổi làm việc đã không diễn ra đúng như vậy.
Ngoài việc hỏi tôi, mục đích của tôi khi tôi viết bài là gì, tức là thông báo ý muốn chuyển tải của người viết cho người đọc trên blog là gì thì các câu hỏi quan tâm đến bài viết khá ít.
Tôi đã bật cười khi cho an ninh cho rằng, một tác giả phải trình bày mục đích với người viết. Bởi với quan điểm của tôi, khi anh chia sẻ điều anh nghĩ, thì đương nhiên phải có nhiều ý kiến khác nhau, viết để buộc người khác nghĩ đúng điều mình muốn là khiên cưỡng, là can thiệp vào tự do tư tưởng của người khác. Đó không phải là điều tôi theo đuổi.
Điều các anh quan tâm hôm nay là việc đi học ở Philippines của tôi, và việc đi Thái Lan trong khoảng thời gian đó.
Cá nhân tôi chỉ chịu trách nhiệm về những việc làm của mình nên không có gì để giấu diếm. Thiết nghĩ việc đi học hay gặp gỡ cá nhân nào đó là quyền tự do và cũng không ảnh hưởng gì đến ai.
Hội thảo “Nhân quyền – Quyền Tự do phát biểu” tại Bangkok tháng 5/2012 do Liên minh báo chí Đông Nam Á (SEAPA) tổ chức, đã tạo cơ hội cho cá nhân tôi là một blogger thấy và hiểu nhiều hơn về khái niệm tự do.
Bên cạnh đó việc tham dự lớp học Bảo mật Internet do Front Line Defenders tổ chức là nhu cầu học hỏi để trang bị kinh nghiệm và tự bảo vệ an toàn cho máy tính của mình cũng chẳng có gì để giấu.
Điều đáng buồn cười, là anh Nguyên liên tục khích tôi rằng: Chị là nhà dân chủ, hoạt động dân chủ, đã làm thì không sợ, sợ thì không làm. Những người khác người ta đã khai hết rồi thì chị cứ khai đi, có gì phải giấu đâu?
Tôi cũng nói rất rõ ràng rằng: Tôi không phải là nhà dân chủ, và tôi nghĩ rằng tôi không có gì để giấu. Hơn nữa, chẳng có lý do gì để tôi phải chịu trách nhiệm về những gì người khác làm hoặc người khác đã khai. Nếu tôi có làm gì vi phạm pháp luật thì cứ thẳng thắn mà xử, không cần phải dọa nhau như thế.
Không biết, anh Nguyên có giữ được bình tĩnh hay không, nhưng anh liên tục tỏ thái độ với tôi bằng cách nhắc đi nhắc lại rằng: “Chị tưởng mình là ai, đừng nghĩ rằng các anh ở đây nhẹ nhàng với chị thì chị muốn gì cũng được. Chưa đến lúc thôi, chúng tôi chưa muốn thôi… Chị chưa là gì so với Hải Điếu Cày, Tạ Phong Tần đâu, chị muốn nổi tiếng như họ không?”
Lúc này, tôi không giữ được bình tĩnh và đập tay xuống bàn: Anh đang dọa tôi đấy à? Tôi nghĩ, việc tôi đến đây làm việc, trong thời gian đang mang thai thế này là cách tôi thể hiện rằng tôi tôn trọng anh và công việc của anh. Anh đừng nói chuyện với tôi bằng thái độ đó.
Những người khác khuyên tôi nhẹ nhàng, bình tĩnh, và tôi có hỏi lại: Nếu là chị (anh) thì chị (anh) có giữ được bình tĩnh hay không? Tôi đã từng bị đi tù chứ chưa phải là không? Và cuối cùng thì sao? Có gì thay đổi không? – Không một ai trả lời!
Không kiềm chế được cảm xúc vì tức, tôi chảy nước mắt.
Anh Nguyên sau một hồi đi ra ngoài đã quay lại và nhắc tôi rằng: “Tôi nhắc để chị nhớ, người không vì mình thì trời tru đất diệt. Mấy thằng ở nước ngoài hả, tụi nó chỉ giỏi kích chị lên, có giỏi thì tụi nó về đây, để xem lúc có chuyện thì ai cứu chị. Làm người là phải vì mình, phải biết mình là ai, đang ở đâu”. Trước đó anh cũng liên tục nhắc tôi rằng, những người khác đã khai thế này về tôi, thế kia về tôi… Xét rằng những điều đó có thể không đúng, ảnh hưởng đến tôi nên anh “tạo cơ hội” cho tôi đính chính.
– Đương nhiên là tôi sẽ vì tôi, nhưng không phải vì mình mà phát ngôn những điều chẳng liên quan đến người khác. Từ trước giờ, cả hai phía an ninh và dân chủ đã cho tôi quá nhiều cái mũ rồi, oan cũng đã sẵn rồi, có oan thêm nữa cũng không sao. Và với tôi, không nhất thiết phải đi giải thích những gì người khác nói. Tôi đương nhiên là người luôn biết mình là ai, và đang ở đâu, vì vậy anh không cần phải dọa tôi như thế.
– Chúng tôi không dọa chị, chúng tôi muốn là chúng tôi làm được, chưa đến lúc thôi. Chị nghĩ tự do là cái gì, là như chị đang viết blog đó hả?
Đúng là có những người có thể nói chuyện, đối thoại, làm việc, cũng có những người không thể chỉ vì thái độ dành cho nhau.
Tôi trả lời rất rõ ràng rằng: “Tự do đối với tôi đơn giản lắm, đó là tôi tôn trọng anh, anh cũng phải tôn trọng tôi. Quan điểm của tôi về đảng phái rất rõ ràng, và tôi không hoạt động chính trị, bởi ở Việt Nam, việc tham gia đảng phái chính trị là con đường ngắn nhất để đến nhà tù. Đó là chuyện tôi nói, còn nghe và tin hay không là quyền của anh”.
Tóm lại rất rõ ràng thế này, anh Nguyên kết luận: Việc đi học là do Việt Tân tổ chức, cơ quan an ninh có đủ bằng chứng để kết luận như vậy.
Tôi cũng trả lời rất rõ ràng rằng: Tôi không tham gia khóa học nào của Việt Tân hết. Nếu mà tôi thực sự có liên quan đến Việt Tân thì tôi nghĩ tôi không còn ngồi được ở đây để làm việc như thế này.
Cái trò cứ thấy việc gì cũng đội cho cái mũ Việt Tân nó đã nhàm chán rồi. Điều này chỉ làm cho người ta tưởng mấy ông bà Việt Tân làm hết tất cả mọi thứ mà thôi.
Việc tôi đi học ở Phi hay đi Thái học, là chuyện cá nhân của tôi, không liên quan đến ai, cũng không liên quan đến tổ chức nào. Những gì tôi học, nếu có ích cho người khác, cho cộng đồng thì tôi không ngại để chia sẻ nó với tất cả mọi người một cách công khai như tôi đã và đang làm.
Chuyện tôi đi đâu và làm gì, tôi có viết, có chia sẻ trên Facebook và blog, không có gì phải giấu diếm.
Tên cơ quan, tổ chức làm việc ở Philippines cũng như Front Line tôi cũng đã cung cấp rồi, các anh có thể tự điều tra xem họ là ai.
Anh Phương cũng có hỏi thăm anh Nguyễn Xuân Châu người có liên quan đến việc in áo năm 2009 trong nhóm Người Việt Yêu Nước mà tôi vẫn giữ liên lạc hỏi thăm trên Facebook đến bây giờ, và Tập hợp Thanh niên Dân chủ mà tôi không giữ liên lạc, cũng như không có thông tin gì về nhóm từ 2009 đến giờ.
Điều làm tôi chú ý nhất là việc các anh hỏi: “Có cá nhân, tổ chức nào nhờ tôi về nước làm việc này, việc kia, hoặc tiếp xúc với ai sau khi đi học về không? Và tại sao phải đi học?”.
Hình như, trong suy nghĩ của những người như anh Nguyên, việc một người tự tìm tòi nghiên cứu điều mình cần học hỏi, và trang bị kiến thức cho mình nó không tồn tại. Phải học và phải làm theo chỉ đạo của người khác – đó là cái khuôn, và mọi người đều phải được đúc cùng một cái khuôn như thế.
Tôi còn nhớ anh Nguyên đã nói thế này:
– Chị nói chị không làm chính trị, nhưng những gì chị viết nó ít nhiều thể hiện điều đó!
– Những gì tôi viết là điều tôi nghĩ và là điều tôi muốn, đừng nghĩ xa xôi đó là làm chính trị, đó chỉ là những nhu cầu căn bản về tự do của một con người đã bị tước đoạt lâu nay thôi. Anh đừng quy chụp những gì tôi nghĩ một cách thiển cận như thế.
Đến 11h trưa, buổi làm việc tạm kết thúc, với lý do để đảm bảo sức khỏe cho tôi, và sẽ bắt đầu lại vào lúc 2 giờ chiều. Tôi đã đề nghị rất thẳng thắn rằng, còn việc gì chưa làm xong thì cùng làm rồi kết thúc luôn. Tôi không thích đi về rồi lại đi lên đồn công an như thế này, và nếu tôi về mà không lên thì lại mang tiếng là không giữ lời, nên nếu muốn, các anh có thể đến làm việc tại nhà tôi.
Các anh chị rất tốt tính và nhân đạo khi cho rằng một bà bầu như tôi cần ăn trưa, nghỉ ngơi rồi làm việc.
Và tôi ra về mà không hứa là sẽ quay lại.
Đôi dòng gửi em Huy (CA Tp Nha Trang) thân mến,
Nếu em đọc những dòng này, có lẽ em hiểu vì sao chị không trả lời điện thoại buổi chiều của em. Chị thực sự mệt và cảm thấy mình không được tôn trọng, bởi bản thân chị không làm gì sai cả. Và vì chị không hứa, cũng không có lý do gì để chị ép mình phải làm việc với an ninh trong trạng thái không thoải mái như thế.
Hơn nữa, khi phải làm việc với một người luôn muốn khẳng định mình đúng, và đe dọa tinh thần người khác (dù bằng kiểu nói rất nhẹ nhàng thảo mai) là điều không tốt cho phụ nữ đang mang thai như chị.
Việc điều tra và tìm bằng chứng để kết tội người khác là việc của cơ quan an ninh, chị đã làm việc và sẽ chịu trách nhiệm về phần của mình. Thế là đủ.
Bạn bè thân mến,
Tôi viết lại những dòng này, để mọi người hiểu rõ những gì đã xảy ra thật rõ ràng và công khai đúng như nguyên tắc từ xưa giờ của tôi.
Tôi nghĩ, việc tìm tòi học hỏi của mỗi người là chuyện cần thiết và là quyền tự do. Bởi có đi, có học chúng ta mới thấy rõ cái mình cần và cái mình thiếu. Không một ai có thể ngăn cấm chuyện học hỏi của người khác với lý do an ninh quốc gia. Đương nhiên ở trong thể chế chính trị này, người ta sẽ vẽ ra rất nhiều con ma để nhát người khác, nhưng tôi tin rằng, không một con ma nào có thể tồn tại khi chính chúng ta được trang bị kiến thức đầy đủ cho chính mình, để tự bảo vệ mình, và bảo vệ những người khác.
Và chuyện làm việc với cơ quan an ninh, hoàn toàn là quyền của bạn, nếu thấy không đủ an toàn, không rõ lý do và không có nguyên nhân cụ thể, chúng ta có quyền từ chối lời mời.
Muốn công dân tuân thủ pháp luật, trước hết, lực lượng an ninh hãy thôi nhân danh pháp luật để ngồi xổm lên mọi thứ. Làm việc với an ninh, không có nghĩa người được mời là tội phạm, bởi an ninh quốc gia không có nghĩa là vi phạm quyền tự do của con người.
M.N.