Được tin GS Nguyễn Huệ Chi vừa được Hội nhà văn Hà Nội xét tặng giải thưởng 2013 cho công trình nghiên cứu Văn học Cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật, nhà văn Vũ Ngọc Tiến gửi đến BVN bài viết sau đây, vốn đã đăng trên Viet-studies mà tác giả có hiệu chỉnh ít nhiều. Xin đăng lên để bạn đọc cùng thưởng lãm.
Bauxite Việt Nam
Mặc dầu ngưỡng mộ tìm đọc trước tác của GS Nguyễn Huệ Chi đã lâu, nhưng phải đợi đến khi cầm trên tay tuyển tập đồ sộ các công trình nghiên cứu văn học sử của ông từ cổ đại đến cận đại: cuốn Văn học Cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật(*), tôi mới cảm nhận hết tầm vóc của một bậc học giả tài hoa, uyên bác, vững cổ thông kim (Tôi rất thích cụm từ “vững cổ thông kim” của TS Đặng Thị Hảo thay vì cụm từ quen thuộc “thông kim bác cổ” mà nhiều người hay dùng). Tự lượng sức mình mỏng học, kiến văn có hạn, tôi chỉ dám tiếp cận và tham góp đôi lời về một công trình nghiên cứu trong cả rừng trước tác của ông suốt hơn nửa thế kỷ qua. Đó là bài “Cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược Minh và văn học yêu nước thế kỷ XV cùng những bước nối tiếp về sau” (tr. 666-725). Đọc kỹ hơn 60 trang sách với nhiều đề mục khác nhau, tôi tạm chia công trình này của GS Huệ Chi thành hai phần, cũng là những bài học lịch sử đắt giá về giữ nước và bài học về quản trị, xây dựng đất nước mà tôi muốn đi sâu tìm hiểu thêm những gì còn ẩn chứa đằng sau mỗi trang sách.
1- Tình trạng đất nước 3 thập niên đầu thế kỷ XV và bài học giữ nước
Trong phần này, chỉ giới hạn trên tư cách nhà văn bản học và sử gia, và với quan điểm “triết – văn – sử bất phân”, tác giả đã kỳ công truy tìm, khảo cứu, đưa ra những văn bản cổ chân xác để bóc trần tham vọng điên cuồng, âm mưu nham hiểm, thủ đoạn tàn độc của bọn xâm lược Minh, đồng thời lý giải đầy sức thuyết phục nguyên nhân thất bại của nhà Hồ và nhà Hậu Trần. Từ đó, tác giả khẳng định cống hiến to lớn của Lê Lợi và những anh hùng trong đội quân khởi nghĩa Lam Sơn đã cứu dân tộc ta thoát khỏi nguy cơ Bắc thuộc lần thứ hai. Như lời tác giả viết: “Bộ mặt lịch sử của thế kỷ XV đã hiện ra với tất cả sự khốc liệt và dữ dội” (tr. 667). Về phía giặc, vua Chu Đệ nhà Minh (Minh Thành Tổ) luôn thèm khát mảnh đất phương Nam giàu có, lại hằn học vì sự thất bại cay đắng của các hoàng đế Trung Hoa thời trước trên đất Đại Việt nên đã chỉ thị cho thuộc hạ không từ một thủ đoạn hèn hạ, xảo quyệt, độc ác nào trong lịch sử nhân loại để biến nước ta thành quận huyện của chúng. “Trương Phụ đi đến đâu là giết hại hoặc chất thây người thành núi, hoặc rút ruột người quấn vào cây, hoặc rán thịt người lấy mỡ, hoặc làm nhục hình bào lạc để mua vui. Thậm chí có kẻ mổ bụng người chửa, moi thai, cắt lấy tai của mẹ và con để tính làm hai mạng người” (tr. 672). Cướp giết chưa đủ, chúng còn đốt sạch, phá sạch mọi dấu vết văn minh, văn hóa người Việt. Sắc chỉ bí mật của vua Minh Thành Tổ còn ghi: “… hết thảy mọi sách vở văn tự cho đến cả những loại (sách) ca lý dân gian hay sách dạy trẻ, như loại sách có câu “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước, phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh, một chứ chớ để còn” (sắc chỉ này được chính Minh Thành Tổ ban bố những hai lần) (tr. 678). Hay như lời kết tội đanh thép của tác giả: “Chúng tìm cách thâu tóm vào tay mình hoặc nếu không thì triệt cho bằng hết trong đám người còn sống sót những ai thật sự có tài năng. Hễ nghe ở đâu trong các châu quận nước ta có thầy hay, thợ giỏi, bọn quan cai trị đều cho lập danh sách đem tiến về Yên Kinh” (tr. 673). Điều đặc biệt nguy hại là giặc Minh đã thâm hiểm áp đặt một cách gay gắt vấn đề hệ tư tưởng đối với xã hội nước ta. Trong “Chiếu bá cáo thiên hạ về bình định An Nam” của vua Chu Đệ nhà Minh đã thể hiện rõ sự hằn học của kẻ bá quyền cả về mặt tư tưởng vì y thấy vua nhà Hồ đã dám coi thường, phỉ báng cái đạo mà các hoàng đế Trung Hoa tôn thờ: “Coi đạo của mình hơn cả Tam vương, đức cao hơn Ngũ đế; cho Vũ, Thang, Văn vương, Vũ vương không đủ để noi theo; Chu Công, Khổng Tử không đáng làm thầy mình, Mạnh Tử là nhà Nho ăn cắp…” (tr. 677). GS Huệ Chi đã phân tích rất sâu “mục tiêu tối hậu” ẩn sau cái gọi là sắc chỉ 10 điều của Minh Thành Tổ gửi Tổng binh Chu Năng: “Vậy ra, sự lựa chọn của y chẳng phải là đạo Nho hay một hệ tư tưởng chính thống nào cả. Đối với người Giao Chỉ cũng như các dân tộc bị y xâm lược, y chỉ cần một sự lựa chọn đơn giản mà lại thực dụng hơn nhiều: hãy bắt họ từ bỏ tất cả những gì sinh ra trong đầu óc của chính dân tộc họ kể cả trong quá trình tiếp nhận những gì là vốn liếng tinh thần của “nước mẹ Đại Minh”. Ý hẳn hoàng đế nhà Minh muốn bắt các dân tộc thôi đừng có tự mình tư tưởng nữa. Mà không tư tưởng thì có nghĩa là… không tồn tại!” (tr. 678). Đọc những trang viết của tác giả với những bằng chứng lịch sử chắc nịch, trích dẫn cẩn trọng từ các văn bản chữ Hán trong các đạo chỉ dụ của vua Minh, người đọc không thể không liên tưởng đến hiện tình đất nước từ sau cuộc chiến biên giới tháng 2/1979 đến nay. Trong tâm thế cồn cào bất an ấy, tôi chợt nhớ tới bài từ của một vị hoàng đế mới của nước Trung Hoa thời hiện đại. Ông ta làm bài từ “Tuyết” khi ngồi trên máy bay rời Trùng Khánh về lại Diên An, sau cuộc hội đàm với Tưởng Giới Thạch. Bài từ có đoạn:
“… Nhi kim ngã vị Côn Lôn
Bất yếu giá cao, bất yếu giá đa tuyết.
Ỷ thiên trừu bảo kiếm
Bả nhữ tài vi tam triệt:
Nhất triệt di Âu
Nhất triệt tặng Mỹ
Nhất triệt lưu Trung Quốc.
Thái bình thế giới
Hoàn cầu đồng thử lương nhiệt”.
Dịch là:
“…Này ta bảo cho núi Côn Lôn kia biết
Mi không cần cao như thế, không cần nhiều tuyết như thế
Nếu ta tựa lưng được vào trời rút bảo kiếm
Ta sẽ chặt mi làm ba khúc:
Một khúc gửi châu Âu
Một khúc tặng châu Mỹ
Một khúc lưu lại Trung Quốc
Lúc đó thế giới tất thái bình
Quả đất chung một cơn ấm lạnh”.
Thế đấy. Vào lúc Thế chiến thứ Hai sắp tàn cuộc, cầm chắc thắng họ Tưởng trong tay, sẽ lên làm hoàng đế nước Trung Hoa mới, tác giả đã vội ôm giấc mộng bá chủ thế giới và sỗ sàng gửi nó vào những lời từ nghe như có âm thanh “sang sảng” của chính mình. Các thế hệ cầm quyền sau ông ta cũng thế cả thôi. Bài học lịch sử thế kỷ XV nhắc chúng ta hãy cảnh giác. Nói như nhà văn Hoàng Quốc Hải: “Cả dân tộc Việt lúc này sống bên cạnh ông bạn láng giềng khổng lồ đầy tham vọng bá quyền đại Hán hãy nên chỉ ngủ bằng một con mắt!”
Tình trạng đất nước đầu thế kỷ XV trong trước tác của GS Nguyễn Huệ Chi còn cho ta nhiều bài học thấm thía khác nữa. Nhà Trần sau hơn 100 năm oanh liệt, đến 3 thập niên cuối thế kỷ XIV đã suy thoái, mục ruỗng cực độ nên vương triều mất về tay nhà Hồ, xét cho cùng cũng là tất yếu lịch sử. Đáng tiếc rằng cha con Hồ Quý Ly nắm quyền điều hành đất nước luôn trong tâm lý tự kỷ ám thị về xu hướng phục Trần diệt Hồ, từ chỗ xa dân, ngờ dân đến chỗ sợ dân nên đã phải chống giặc Minh trong thế cô độc, chỉ chưa đầy một năm đã nhanh chóng thất bại. Lực lượng kháng chiến của nhà Hậu Trần dù được lòng dân ủng hộ, nhưng nội bộ lại cắn xé lẫn nhau, tranh giành quyền lực nên cũng chỉ tồn tại được 7 năm (1407 – 1414) cũng bị giặc Minh tiêu diệt. Đối lập với hai bài học thất bại vừa nêu là bài học thành công của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và 10 năm kháng chiến chống giặc Minh (1418 – 1428). Lê Lợi – vị lãnh tụ tài ba và uy tín của nghĩa quân đã biết tập hợp sức dân, thu phục được các thủ lĩnh của các cuộc khởi nhĩa nhỏ lẻ khác như Nguyễn Chích, biết dàn hòa mâu thuẫn giữa nhóm văn hóa kinh lộ và nhóm văn hóa Việt – Mường trong bộ tham mưu khởi nghĩa… nên lực lượng ngày một lớn mạnh. Sau 5 năm khốn khó ở miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, nghĩa quân đã chuyển hướng Nam tiến, giải phóng vùng lãnh thổ từ Thuận Hóa ra Thanh – Nghệ, sau đó mới Bắc tiến, giải phóng toàn bộ lãnh thổ Đại Việt. Bài học này cho thấy, Lê Lợi được lòng dân là được tất cả và ông xứng đáng là vị anh hùng dân tộc đã có công cứu Đại Việt thoát khỏi nguy cơ Bắc thuộc lần thứ hai. Bên cạnh Lê Lợi, hình ảnh Nguyễn Trãi đại diện cho tầng lớp trí thức đã giữ vai trò không nhỏ vào thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn. Những phân tích sâu sắc của GS Huệ Chi đối với tác phẩm “Quân trung từ mệnh tập” cho thấy tác giả đánh giá rất cao tài ngoại giao khôn khéo của Nguyễn Trãi. Toàn bộ tác phẩm văn xuôi của ông trong giai đoạn này toát lên tinh thần “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” và ông là người khơi dòng, mở đường cho thể văn chính luận đặc sắc thời Lê…
2- Tìm hiểu văn học thời Lê Sơ và bài học về quản trị, xây dựng đất nước
Tôi dùng cụm từ “văn học thời Lê Sơ” thay cho cụm từ “văn học yêu nước thế kỷ XV cùng những bước nối tiếp về sau” vì thực ra trong phần hai này, tác giả đã bàn cả đến văn học yêu nước thế kỷ XVI-XVII với dung lượng khá lớn (tr.715-725). GS Huệ Chi là người khởi xướng và kiên trì thực thi lý thuyết về phân kỳ văn học trong nghiên cứu văn học sử nên ngay trong phần hai của công trình nghiên cứu, ông cũng đã phân chia khá chuẩn xác thành bốn giai đoạn 1406 – 1417, 1418 – 1428, 1428 – 1497 và từ 1497 trở về sau. Ở mỗi giai đoạn tác giả đều có những nhận định xác đáng, cách xử lý văn bản và hướng tập trung khai thác khác nhau. Nếu ở giai đoạn thứ nhất, văn học yêu nước mang âm hưởng chung là sự mặc cảm thất bại, nỗi u hoài và niềm uất giận kẻ thù nên tác giả chỉ tập trung phân tích mấy bài thơ của Nguyễn Trãi, Lê Thiếu Dĩnh, Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Biểu…, thì ở giai đoạn hai ông lại tập trung nghiên cứu, phân tích tỷ mỷ thể loại văn xuôi trong “Quân trung từ mệnh tập” để làm nổi bật lên cuộc bút chiến văn chương trong đấu tranh ngoại giao với giặc Minh, đề cao đại nghĩa của ta, bóc trần âm mưu thâm độc và tính chất phi nghĩa trong hành động của kẻ thù (Trước đó, ông đã có hẳn một bài viết dài, đặc sắc và thấu triệt, bàn toàn diện “Quân trung từ mệnh tập” của Nguyễn Trãi – tr. 113-178), đặc biệt nhấn mạnh tư duy phân loại trong tác phẩm bất hủ này, đánh dấu triết thuyết “an chỉ” thâm hậu của ông. Về mặt nghệ thuật thể hiện, GS Huệ Chi cũng có những tổng kết lý thú: “Chưa bao giờ văn xuôi Việt Nam lại gọn ghẽ, đanh thép, chặt chẽ đến như vậy… Phong cách chính luận rắn rỏi chiếm ưu thế. Song chính luận không lấn át, trái lại luôn quyện chặt với trữ tình” (tr. 706).
Có lẽ giai đoạn thứ ba (1428 – 1497), nhất là quãng thời gian Lê Thánh Tông cầm quyền (1459 – 1497), văn học yêu nước phát triển khá rực rỡ, đông đảo về số lượng tác giả, đồ sộ về khối lượng văn bản, đa dạng về đề tài và thể loại, khởi sắc về nội dung – thấm đẫm tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Và vì thế, những gì là tinh túy trong nghiên cứu văn học sử của GS Huệ Chi đến phần này, như tính chuẩn mực trong thao tác văn bản học, sự tinh tế và uyên áo trong thẩm văn, nét tài hoa trong dịch thuật… đã đạt tới mức tinh luyện. Tác giả có một phát hiện về sự chuyển đối bản sắc của hình tượng nhân vật anh hùng, về cách so sánh địch – ta trong văn học giai đoạn chiến tranh (1418 – 1428) và giai đoạn thời bình (1428 – 1497) với nhiều ẩn ý, buộc người đọc phải đào bới sâu qua từng vỉa quặng ngôn ngữ mới cảm nhận hết được cái điều ông muốn nói: “Nhưng nói chung, khi hình ảnh tập thể nghĩa sĩ chống giặc đã nhường chỗ cho hình ảnh một cá nhân anh hùng, vị hoàng đế anh hùng, rồi sau đó là một triều đại thì sự so sánh ở đây cũng chuyển sang một hướng khác: không so sánh nhiều quân ta với quân giặc nữa mà so sánh nhà Lê với nhà Hán, nhà Đường. Chủ ý của so sánh là muốn làm nổi bật công lao cứu nước, dựng nước, tinh thần thân dân và tấm lòng độ lượng, bác ái của vua Lê, khác xa việc tranh giành ngôi báu trong nội bộ quốc gia nhà Hán, giữa các tập đoàn phong kiến Việt và Ngô, Hán và Sở, Đường và Tùy…” (tr. 710). Tôi rất hào hứng khi đọc những trang ông phân tích về đề tài dựng nghiệp, đề tài bang giao và đề tài lịch sử của văn học giai đoạn này (tr. 709-713).
Có thể do kết cấu của công trình nghiên cứu, hoặc do muốn nhấn mạnh đặc điểm hồi cố của tâm lý yêu nước trong lòng dân tộc ở các thời đại sau, nên việc lắp ghép văn học yêu nước từ 1497 vắt sang thế kỷ XVI-XVII vào chung với dòng chảy văn học yêu nước của các giai đoạn trước, theo tôi nghĩ, có phần nào gượng ép. Những văn bản tác phẩm văn học được tác giả đưa vào phân tích công phu như truyện thơ “Tống Trân – Cúc Hoa” và “Phạm Công – Cúc Hoa” (tr. 718-720) hay 4 truyện ngắn “Hai gái thần”, “Người trần ở thủy phủ” trong “Thánh Tông di thảo” và “Chức phán sự đền Tản Viên”, “Lệ Nương” trong “Truyền kỳ mạn lục” (tr. 722-725) về hình thức nghệ thuật thật ra chỉ mang ý nghĩa xác lập một bước tiến mới trong văn xuôi; còn về nội dung hàm chứa giá trị xã hội và nhân văn là chính, và tất nhiên sự kết đọng tính dân tộc thì vẫn là một tố chất không thiếu, song tinh thần yêu nước trực diện trong đó thì phải nói đã khá nhạt nhòa (!?). Bởi thế, như trên đã nói, tôi xin không đi vào các phần này.
Nhìn một cách tổng thể, đúng như lời khẳng định của GS Huệ Chi, văn học yêu nước chống giặc Minh thế kỷ XV là sự nối tiếp dòng chảy văn học yêu nước thời Lý – Trần. Văn học yêu nước trong 10 năm trường kỳ kháng chiến chống giặc Minh (1418 – 1428) phản ánh sự trưởng thành vượt bậc của con người Việt Nam so với thời Trần, thông qua thực tiễn chiến đấu bảo vệ đất nước, giúp đúc kết thành khái niệm “dân” của Nguyễn Trãi trong mối quan hệ với khái niệm “nước”; hình ảnh “một mảnh nhung y nên công đại định” thực chất là quy tụ trong nó cả một tập thể những con người bình dị như “rừng cây xúm xít, răng lược khít nhau” vây lấy kẻ thù cho đến lúc chúng phải quy hàng. Nếu ta đọc kỹ bài “Đề nghị một cách hiểu mối quan hệ giữa văn học thời Trần và cuộc kháng chiến chống xâm lược thời Trần” trong tuyển tập (tr. 903-923) sẽ thấy khái niệm “dân” trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi có nhiều điểm mới so với khái niệm “dân” trong tác phẩm “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn. Nhưng nhà Trần, nhất là vua Trần Nhân Tông, lại cũng có những tư chất thiên bẩm riêng để tụ hội nên sức mạnh thắng giặc: về triết lý “biết nắm vững phạm trù động – tĩnh”, “biết cách vượt qua thử thách trong tư thế của người lúc nào cũng tự chủ – tự tại”, “giữa một trạng thái vần xoay liên miên tột cùng của cả thế giới” (tr. 907); về đạo lý biết sống khoan hòa, nhân ái, “có niềm tin vững chắc vào con người… không hề thần thánh hóa, tuyệt đối hóa con người nhưng lại biết tin ở sự vận động, biến cải, lớn lên của mỗi con người cụ thể”, nhờ đó, “đã không chấp nê vào mọi định kiến cũ, mà kiên quyết, táo bạo trong cách dùng người” (tr. 911); “biết đánh giá cao phẩm chất của những nô tỳ”, đến mức “dường như muốn bất chấp thành kiến đẳng cấp nghiêm ngặt, yêu cầu điều chỉnh khái niệm người và khái niệm dân theo hướng xích gần lại với những lớp người lâu nay vẫn mất quyền làm người và làm dân trong xã hội” (tr. 912); và hơn thế nữa đã bước đầu “phát hiện ra tính người” qua những hành động cao nhã hiếm thấy như cởi áo hoàng bào đắp lên đầu tướng giặc Toa Đô, hay bày tỏ tình thương một tên tù ở chỗ nhìn ra giữa y và những người thắng trận đều có cùng một phẩm chất, một trái tim thương nhớ như nhau (bài thơ Ai phù lỗ của Huyền Quang – tr. 913)… Ở chỗ này thì tầm vóc cuộc kháng chiến chống Minh chưa chắc đã cao trội hơn được, trái lại việc nhận thức khái niệm “người” trong thơ văn yêu nước suốt cả một thế kỷ XV dường như lúc nào cũng bị cái hình ảnh “đấng minh quân” đứng ở vị trí trung tâm lấn át; vì thế khi hết chiến tranh, tư tưởng “dân” tiến bộ của Nguyễn Trãi đã không được Lê Lợi và triều đình thời Lê Sơ phát huy, mà kết cuộc, mọi mặt của xã hội triều Lê lại là một bước lùi so với thời kỳ hưng thịnh của triều Trần. Chỉ so sánh sơ qua vài khía cạnh ở hai bài viết khác nhau về cùng một chủ điểm là văn học yêu nước của hai thời đại cũng đủ thấy, phương pháp tiếp cận đối tượng của nhà học giả không hề cứng nhắc đúc khuôn theo một kiểu. Ông biết vận dụng nhiều thủ pháp thích đáng để nhìn sâu, rút ra những kết luận cụ thể, những bước tiến bước lùi cụ thể đối với từng đối tượng đặc thù, có khi tưởng như nghịch lý đấy, nhưng kỳ thực, đấy mới đúng là biện chứng của lịch sử. Nhìn được như thế phải nói bút lực của người viết thâm hậu, cao minh đến bậc nào.
Tuy nhiên, nhắc tới văn học thời Lý – Trần ta còn phải thấy có hai đỉnh chói sáng là dòng văn học yêu nước do các danh nho, danh tướng sáng tác và dòng văn học Thiền do các vua Trần và Thiền sư sáng tác. Vì thế, trong tôi chợt bộn lên điều trăn trở, thắc mắc: vì sao trong suốt thời Lê sơ văn học Thiền đột nhiên vắng bóng? Nguyên nhân do đâu và điều này tác động vào xã hội Việt Nam thời đó ra sao? Tôi lật mở phần “Tiếp cận các hiên tượng văn học I & II” của tuyển tập, đọc lại các bài viết của GS Huệ Chi về Mãn Giác (tr. 51-59), Trần Nhân Tông (tr. 337-359), Trần Tung (tr. 375-406), Chu Văn An (tr. 360-374), chùa Quỳnh Lâm và thi phái Bích Động (tr. 924-944)… càng thêm hứng thú với thơ Thiền thời Lý – Trần. Tiếp cận thơ Thiền, nắm bắt được thần thái nội dung và nghệ thuật tác phẩm; hiểu sâu và diễn giải bằng thứ ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu triết lý thâm viễn của tác giả thì có lẽ GS Huệ Chi là một trong những cây bút có ưu thế khó chối cãi hiện nay. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng nói: “Đọc sách hiểu được đã khó, nhưng cái cần thiết hơn là phải lý rộng ra ngoài sách”. Trên tinh thần ấy, cộng với quan điểm “triết – văn – sử bất phân”mà tác giả lưu ý, tôi muốn mở rộng thêm chút ít, đi tìm lời giải đáp những câu hỏi vừa nêu, nhìn bề ngoài ngỡ như thoát ly khỏi văn bản trước tác của ông, nhưng ngẫm kỹ thì nó cũng vẫn gắn bó với những gì hàm chứa trong đề tài nghiên cứu của tác giả, cho ta những bài học lịch sử thấm thía, có giá trị thời sự hôm nay. Lê Lợi – vị thủ lĩnh tài ba của nghĩa quân Lam Sơn, anh hùng giải phóng dân tộc, nhưng khi bước vào chính sự cung đình, ngồi trên ngai vàng quyền lực ông đã phạm phải hai sai lầm đáng tiếc: về quản trị đất nước, ông lo giữ ngai vàng cho dòng tộc mà thẳng tay giết hại công thần; về xây dựng đất nước, ông đã thiết lập một nền giáo dục quan phương, độc đoán, vứt bỏ tam giáo đồng nguyên thời Lý – Trần, đưa Tống Nho lên hàng độc tôn tư tưởng ở các trường học từ kinh đô đến các lớp học của các thầy đồ ở làng quê. Việt Nam nằm trong địa vực văn minh Hoa – Ấn nên từ xa xưa đã chịu ảnh hưởng của ba dòng triết học lớn, đặc sắc của phương Đông là Nho – Phật – Lão giáo. Vào giai đoạn phồn thịnh thời Lý – Trần, tinh thông tam giáo là tiêu chuẩn kén chọn hiền tài nên vua, quan và tầng lớp sĩ phu có tư tưởng phóng khoáng, giàu sức sáng tạo; còn trong dân chúng tính gắn kết cộng đồng rất cao. Nhờ đó đất nước ổn định và phát triển, văn học hưng thịnh. Thật ra, trong một công trình nghiên cứu khác, “Các yếu tố Nho – Phật – Đạo được tiếp thu và ảnh hưởng thế nào trong đời sống tư tưởng và văn học thời đại Lý – Trần” (tr. 875-902), GS Huệ Chi cũng đã có những kiến giải độc đáo về tầm ảnh hưởng của Nho – Phật – Lão và sự chuyển hóa tất yếu của chúng trong đời sống tinh thần cũng như trong thực tiễn sinh hoạt của xã hội dân tộc Việt. Tôi chỉ là người kế tiếp ông lý giải về nó ở một khía cạnh khác mà thôi. Trong ba dòng triết học nói trên thì đạo Lão khi vào nước ta vai trò và ảnh hưởng khá mờ. Sự cạnh tranh ảnh hưởng trong xã hội chủ yếu là giữa Nho và Phật. Chính sự cạnh tranh đó đã phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của mỗi đạo. Quá trình thu nhận và tiếp biến văn hóa của hai đạo Nho, Phật ở nước ta cũng có nhiều điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Triết học của Nho giáo, theo học giả Trần Trọng Kim thì ngay ở xứ sở phát sinh là Trung Quốc đã có sự tiếp biến thụt lùi về giá trị tư tưởng từ Nho Tiên Tần của Khổng – Mạnh qua Hán Nho của Đổng Trọng Thư đến Tống Nho của Chu Hy và Trình Hạo, mỗi lần biến đổi lại mất đi những điểm ưu so với trước đó. Đạo Nho vào nước ta theo vó ngựa của quân xâm lược nên trong tâm lý cộng đồng người Việt đã đã có sự e dè nên chỉ trụ lại một cách thụ động trong giới sĩ phu, còn trong dân chúng luôn ngấm ngầm phản kháng. Trong dân gian đã từng có những câu giễu nhại đạo Nho khá sâu cay, không chỉ cười cợt thứ châm ngôn giáo điều cứng nhắc của các bậc “sư biểu” chuyên đi rao giảng cho người mà chưa chắc đã hiểu gì thực tế, mà còn khôn khéo dạy lại các vị về bản tính đích thực của con người: “Nhân chi sơ là sờ vú mẹ, tính bản thiện là miệng muốn ăn”. Đạo Phật vào nước ta sớm hơn vào Trung Quốc, lại theo con đường hòa bình của các thuyền buôn nên được cộng đồng người Việt đón nhận một cách chủ động. Quá trình thích ứng văn hóa của đạo Phật với văn hóa Việt Nam từ thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ XIII luôn theo chiều hướng tích cực là chủ yếu. Vào thời nhà Trần, với sự kiện vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm riêng của Đại Việt thì nền triết học đạo Phật nước ta đã đạt tới mức hoàn thiện, có quy chế triết học chặt chẽ gọi là Pháp ấn. Ai lĩnh hội được Pháp ấn, suốt đời hành xử theo nó như nắm được giấy thông hành về cõi Niết Bàn. Nếu điểm tựa triết học của Nho giáo là Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) thì điểm tựa của Phật giáo, kết đọng tinh hoa trong Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Ngũ uẩn (sắc, thụ, tưởng, hành, thức) và cả hai đều là những nhịp biến đổi tuần hoàn của thế giới và tâm linh con người, nhưng lại có những nét thâm viễn, độc đáo riêng. Từ điểm tựa đó hình thành nội dung của Pháp ấn gồm bốn luận điểm triết học cơ bản: vô tạo giả, vô ngã, vô thường và nhân quả tương tục (bao chứa cả yếu tố duy vật, biện chứng và hiện sinh chủ nghĩa). Bốn luận điểm triết học này là tiền đề dẫn đến nhân sinh quan của đạo Phật coi cuộc đời là bể khổ, nước bốn biển không nhiều bằng nước mắt chúng sinh. Muốn diệt khổ thì con người phải sống theo phương châm tự độ độ tha – tự giác giác tha, còn hành xử thường nhật phải theo phép ứng xử Lục hòa (thân hòa, khẩu hòa, ý hòa, kiến hòa, giới hòa, lợi hòa). Tất thảy chúng sinh đều làm được như thế thì thế giới đại đồng, con người sống hạnh phúc trong môi trường xã hội kiêm ái tương lợi. Và vì thế, các vị Trúc Lâm Tam Tổ chủ trương tu trong một kiếp, đốn ngộ thành Phật chứ không đợi ở kiếp sau. Đó là phép tu chủ động, tích cực, giúp con người Việt Nam ta sống tử tế trong thời bình; còn khi sơn hà nguy biến, nó sẽ là chất keo gắn kết cộng đồng thành sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nhấn chìm mọi thế lực ngoại xâm phương Bắc. Lê Lợi lên ngôi đã chèn ép đạo Phật gay gắt tức là đã từ bỏ những tinh hoa của một hệ tư tưởng tiến bộ, đầy chất nhân văn cao cả, giàu sức sáng tạo của Thiền phái Trúc Lâm rất riêng ở Đại Việt. Bởi vậy mà suốt thời Lê Sơ văn học nước nhà vắng bóng thơ Thiền! Các triều đại thời Lê Sơ đưa Tống Nho lên địa vị độc tôn trong giáo dục, thành thống soái trong hệ tư tưởng của toàn xã hội, tự giam trói cả dân tộc vào thứ đạo Nho hai lần bị bóp méo nên nền học nước nhà ngày càng trở nên trì trệ, bế tắc, chạy theo khoa bảng mà tầm chương trích cú, không có tranh biện, phản bác hoặc bổ sung cho nhau giữa học thuyết Nho và Phật. Nền giáo dục đó chỉ sản sinh ra những lứa trí thức chỉ biết vâng lời, lẻo mép, cơ hội để vinh thân phì gia, khô cứng tư duy, cùn mòn sáng tạo. Một khi nền học đã suy đồi, bế tắc thì kỷ cương xã hội cũng bị đảo lộn, đạo đức con người băng hoại, làm sao có thể có được nguồn nhân lực chất lượng cao để quản trị và xây dựng đất nước! Nhìn lại thực tế lịch sử 100 năm thời Lê Sơ ta chỉ thấy lóe sáng được 38 năm nhờ một ông vua sáng suốt Lê Thánh Tông. 31 năm đầu (1428 – 1459) đất nước vừa đại thắng giặc Minh đã rơi ngay vào khủng hoảng chính trị triền miên, nhất là sau khi Lê Lợi chết thì bọn quyền thần vô học như Lê Sát, Lê Ngân khuynh đảo chính trường, dân tình điêu đứng. Từ năm 1497 – 1527, các triều vua kế tiếp cứ lụn bại dần rồi để mất Thăng Long về tay nhà Mạc bởi đất nước không có nguồn nhân lực tốt làm nền tảng cho sự kế thừa những thành quả 38 năm phát triển do vua Lê Thánh Tông dày công vun đắp. Thiết nghĩ, bài học lịch sử này đến nay vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự bởi ngành Giáo dục – Đào tạo nước nhà đang xuống cấp nghiêm trọng mà nguyên nhân sâu xa bên trong, mọi biểu hiện bên ngoài không khác gì nhiều so với thời Lê Sơ…
Lời kết
Việc tập hợp và biên tập, tuyển chọn công phu các công trình nghiên cứu văn học sử của GS Nguyễn Huệ Chi trong hơn nửa thế kỷ qua là một thành công lớn của NXB Giáo dục, đóng góp không nhỏ cho việc dạy và học các môn khoa học xã hội ở bậc phổ thông và đại học cả về kiến thức lẫn phương pháp tư duy. Những phát kiến quan trọng của ông trong tuyển tập dày 1.200 trang này không chỉ thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu, phê bình văn học mà giới sáng tác cũng tìm thấy trong đó nhiều điều bổ ích về đề tài sáng tác, cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.
Hà Nội ngày 27/8/2013
V.N.T.
(*) NXB Giáo dục, H., 2013
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN. Bài đã đăng trên Viet-studies, bản gửi lần này có sửa sang thêm bớt một đôi điểm.