cho ông Lê Quốc Quân bị truy tố “Tội trốn thuế” theo k 3 đ 161, BLHS tại phiên tòa HSST ngày 02/10/2013, tại TAND TP Hà Nội
Lập luận của luật sư Hà Huy Sơn rất vững chắc, dựa vào chính cái luật pháp được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban bố, nhưng ai cũng hiểu rằng cho dẫu chánh án Lê Thị Hợp có nhận ra điều đó chăng nữa, thì bà cũng chỉ có thể tuyên một bản án đã được soạn sẵn do chỉ thị từ bên trên. Chẳng phải ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, rồi sau đó Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công khai tuyên bố không chấp nhận tam quyền phân lập, thậm chí tam quyền phân lập còn bị lên án là “đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc “, là “âm mưu diễn biến hoà bình” đó sao? Nhân loại đã tiến bộ đến mức kẻ dã man phải nấp sau bộ mặt tử tế. Trong chế độ toàn trị này, nhà cầm quyền cố tạo ra thế chính đáng cho mình bằng luật pháp. Nhưng ngay cái luật pháp đó, nếu cần, thì người ta không ngần ngại ngang nhiên vứt bỏ, vì xét cho cùng, nhại câu nói của Louis XIV, “Luật pháp chính là Đảng”. GS Cao Huy Thuần viết có lý: “Kẻ độc tài nào cũng bắt buộc phải tạo chính đáng cho mình bằng cách chính đáng hóa quyền lực. Nhưng bản tâm đã độc tài thì cái gì nhắm đến cũng chỉ là quyền lực mà thôi, càng chính đáng hóa càng lộ ra tính bất chính, thủ thuật.” Cho nên, rốt cuộc, vẫn lòi ra bản chất dã man. Đó chính là cái luẩn quẩn không giải quyết được mang tính hệ thống và của hệ thống. Bản án của luật sư Lê Quốc Quân một lần nữa cho thấy sự khốn cùng của nền chính trị Việt Nam và thêm một cái đinh đóng vào quan tài “lý luận xã hội chủ nghĩa”! Bauxite Việt Nam |
Luật sư Hà Huy Sơn nói về vụ xử ông Lê Quốc Quân
Giám định viên vụ án Ls. Lê Quốc Quân không có giấy hành nghề
VRNs (03.10.2013) – Sài Gòn – Ls Hà Huy Sơn cho biết “Ý kiến của phần tranh luận thì không được tòa chấp nhận. Trong vụ án này các cơ quan tiến hành tố tụng, người ta không nhằm mục đích truy thu thuế mà nhằm bỏ tù thì hơn. Vì sở thuế chưa và không đưa ra thông báo về chưa hoàn thành thuế đối với công ty của ông Quân, nếu đưa ra thì doanh nghiệp sẽ hoàn thiện. Nhưng tại phiên tòa hôm qua thì sở thuế quận Cầu Giấy là đơn vị quản lý doanh nghiệp của ông Quân, họ nói chưa từng yêu cầu công ty ông Quân phải khắc phục nghĩa vụ thuế, thiếu thuế hay nợ thuế. Công ty ông Quân trốn thuế là do cơ quan điều tra của công an Hà Nội đưa ra chứ không phải do sở thuế thông báo. Điều này đi ngược lại với tiến trình giám sát và điều tra về thuế. Và đây là thuế thu nhập doanh nghiệp chứ không phải là đối với cá nhân ông Quân trốn thuế.
Giám định viên của bộ tài chính chưa có thẻ hành nghề, tức là kết quả giám định không có giá trị, nên Tòa án cũng như Viện kiểm sát dùng là không hợp pháp. Mức phạt đến 1,2 tỷ là do tòa án xử ngoài quy định, vì Viện Kiểm Sát chỉ đề nghị xét xử đến khoản 3 của điều luật 161 nhưng tòa án lại xử đến khoản 4 điều 161, điều này chứng tỏ tòa án vi phạm điều 196 bộ luật tố tụng hình sự. Bản án ngày hôm nay có mâu thuẫn về tù tội vì luật chưa phân định rõ là khi doanh nghiệp trốn thuế thì xử phạt doanh nghiệp hay phạt ai.
Ý chính của việc tranh tụng:
1. Vụ án vi phạm thủ tục tố tụng, tức là không có căn cứ khởi tố vụ án.
2. Căn cứ khởi tố bị can đối với Lê Quốc Quân là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Người ta, tức Tòa án và Viện kiểm sát không chấp nhận điều chỉnh báo cáo doanh nghiệp theo qũy khoa học và công nghệ đã được pháp luật cho phép.”
Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi với luật sư bào chữa cho Ls Quân sau phiên xử sơ thẩm.
Chúc bình an
Thomas Việt, VRNs
Nguồn: chuacuuthe.com
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Tôi, Hà Huy Sơn Luật sư Công ty Luật TNHH Hà Sơn xin trình bày quan điểm bào chữa cho ông Lê Quốc Quân như sau:
“Điều 161. Tội trốn thuế
1. Người nào trốn thuế với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.
2. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ ba trăm triệu đồng đến dưới sáu trăm triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ sáu trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến ba lần số tiền trốn thuế.”
Phần I: Tóm tắt các sự kiện của vụ án và nhân thân
-
1. Các sự kiện của vụ án.
Ngày 25/12/2012, Quyết định số 38 khởi tố vụ án của Cơ quan Cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội về “Tội trốn thuế” theo điều 161 BLHS.
Ngày 25/12/2012, Quyết định số 119 khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội đối với Lê Quốc Quân về “Tội trốn thuế” theo điều 161 BLHS.
Ngày 20/02/2013, Quyết định số 239 khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội đối với Phạm Thị Phương về “Tội trốn thuế” theo điều 161 BLHS.
Ngày 27/12/2012, ông Lê Quốc Quân bị bắt tạm giam cho đến nay.
Ngày 22/03/2013, Kết luận điều tra vụ án số 145/PC46-Đ 9 của Cơ quan Cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội.
Ngày 09/04/2013, Cáo trạng số 170/CT-VKS-P1 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố ông Lê Quốc Quân theo khoản 3 điều 161 BLHS.
Ngày 02/10/2013, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm.
-
2. Nội dung cáo buộc của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát:
Theo cáo trạng: 02 năm 2010 và 2011 Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam do ông Lê Quốc Quân làm giám đốc đã chi phí khống 2.580.900.700đ.
Trong đó:
– Ký hợp đồng môi giới thương mại khống là : 1.750.000.000đ.
– Sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng khống là : 830.900.790đ.
Từ đó cho rằng Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam trốn thuế thu nhập doanh nghiệp 645.225.197đ (2.580.900.700đ x 25%).
Các số liệu trên căn cứ vào:
1- Văn bản số 32640/CT-TTr1 ngày 12/12/2012 của Cục thuế Tp.Hà Nội “V/v: Trả lời Công văn số 326/CSĐT-Đ9 của Cơ quan CSĐT – Công an Tp.Hà Nội”. Nội dung cho rằng: Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam trốn thuế TNDN 02 năm 2010 và 2011 do lập hồ sơ thuê chuyên gia khống là 437.500.000đ.
2- Văn bản số 6576/CT-TTr1 ngày 13/03/2013 của Cục thuế Tp.Hà Nội “V/v: Trả lời Công văn số 1132; 1428/CV-CSĐT-Đ9 của Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an Tp.Hà Nội”. Nội dung cho rằng: Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam trốn thuế TNDN 02 năm 2010 và 2011 do sử dụng hóa đơn GTGT bất hợp pháp là 212.262.697đ.
3- Sau đó, ngày 22/03/2013 Giám định tư pháp Bộ Tài chính ra Kết luận giám định tư pháp. Nội dung cho rằng: Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam 02 năm 2010 và 2011 do sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, hạch toán chi phí khống nhằm giảm số thuế TNDN phải nộp 02 năm 2010 và 2011 là645.225.197đ.
-
3. Nhân thân
Lê Quốc Quân sinh năm 1971, tại Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An.
HKTT: Phòng 504, nhà NO9, tổ 64, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam.
Tôn giáo: Thiên chúa.
Có vợ, 03 con (con lớn nhất sinh năm 2002, con nhỏ nhất sinh năm 2011).
Tiền án: không.
Ngày 19/03/2007, ông Lê Quốc Quân bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can về “Tội tổ chức hoạt động nhằm lật đổ Chính quyền nhân dân” theo điều 79 BLHS. Ngày 25/10/2007, đình chỉ điều tra bị can.
Ngày 13/04/2011, ông Lê Quốc Quân bị Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính cảnh cáo “Gây rối trật tự công cộng”.
Ngày 27/11/2011, ông Lê Quốc Quân bị Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính cảnh cáo “Gây rối trật tự công cộng”.
Ngày 13/01/2012, ông Lê Quốc Quân bị UBND phường Yên Hòa ra quyết định đưa vào diện giáo dục tại phường, xã theo Nghị địng 163 của Chính phủ, thời hạn 06 tháng.
Phần II: Các vi phạm tố tụng hình sự với Lê Quốc Quân số 119 công an thành phố Hà Nội như sau:
-
Căn cứ khởi tố vụ án hình sự:
Căn cứ điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự, quy định:
“ Căn cứ khởi tố vụ án hình sự
Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau đây:
1. Tố giác của công dân;
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức;
3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;
4. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm;
5. Người phạm tội tự thú.”
1.1. Không có căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Cơ quan điều tra không được giao nhiệm vụ điều tra trực tiếp Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam như khoản 4 điều 100 – BL TTHS quy định mà do điều tra vụ án ông Lê Đình Quản (em trai ông Lê Quốc Quân), giám đốc Công ty TNHH thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam và cho rằng đã thu thập được nhiều tài liệu liên quan đến việc trốn thuế của Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam. Tại hồ sơ vụ án không có bút lục nào chứng minh cho nhận định của Cơ quan điều tra. Do vậy, việc khởi tố vụ án hình sự là không khách quan – trái với quy định của điều 100, Bộ luật TTHS.
1.2. Căn cứ khoản 2 điều 76 “Xử lý kết quả kiểm tra thuế, thanh tra thuế” Luật quản lý thuế năm 2006, quy định:
“Trường hợp kiểm tra thuế, thanh tra thuế mà phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm thì trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện, cơ quan quản lý thuế chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm phối hợp với cơ quan điều tra trong việc thực hiện điều tra tội phạm về thuế theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, quy trình phải xuất phát từ kiểm tra thuế, thanh tra thuế mới đến CQĐT, nhưng ở đây hồ sơ từ CQĐT chuyển hồ sơ sang cơ quan thuế để hợp thức hóa việc “trốn thuế” của đối tượng bị điều tra. Hay nói cách khác, cơ quan điều tra đã “đặt hàng” cơ quan thuế để làm trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự là “suy đoán vô tội” thành “suy đoán có tội”. Tức là xác định đối tượng là có tội trước và sau đó xây dựng chứng cứ kết tội.
-
Vụ án này đã được “an ninh hóa” ngay từ đầu, bằng chứng là các Điều tra viên chủ yếu điều từ Cơ quan ANĐT sang Cơ quan CSĐT trong thời gian chỉ để phục vụ vụ án.
-
Tại Kết luận điều tra Cơ quan điều tra cho rằng Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam “trốn thuế” là dựa chủ yếu vào lời khai của bà Phạm Thị Phương, người làm kế toán ngoài giờ cho Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam, ông Lê Quốc Quân không có lời khai. Nếu theo logic thì bà Phạm Thị Phương bị khởi tố bị can trước, rồi từ lời khai của bà Phương là căn cứ để khởi tố bị can với ông Lê Quốc Quân. Nhưng ông Quân lại bị bắt, khởi tố bị can trước (ngày 25/12/2012), CQĐT không lấy được lời khai, không đủ chứng cứ đề nghị truy tố thì phải ra quyết định đình điều tra đối với bị can theo điều 119, BL TTHS. Nhưng gần 02 tháng sau, ngày 20/02/2013 CQĐT ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Phương nhằm tìm kiếm chứng cứ truy tố ông Quân.
– Hành vi này đi ngược với nguyên tắc “suy đoán vô tội” của pháp luật hình sự Việt Nam, vi phạm điều 10 “Xác định sự thật của vụ án” Bộ luật TTHS, quy định: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội,”.
– Vi phạm khoản 1, điều 126 “Khởi tố bị can”, Bộ luật TTHS 2003, quy định:
“Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.”
Ở đây ngày 25/12/2013, CQĐT ra Quyết định số 38 khởi tố vụ án và đồng thời ra Quyết định số 119 khởi tố bị can với Lê Quốc Quân về “Tội trốn thuế” theo điều 161 BLHS. Nhưng sau gần 02 tháng bắt ông Quân CQĐT đã không tìm được bằng chứng ông Quân phạm tội “trốn thuế” nhưng lại khởi tố bị can bà Phương để tìm bằng chứng làm căn cứ cho việc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Quân trước đó. Quá trình tiến hành tố tụng của CQĐT là không khách quan vì CQĐT đã mặc định ông Quân là phạm tội trước sau rồi tìm mọi cách chứng minh bằng được.
-
Các chứng từ kế toán thu, chi liên quan đến thuê chuyên gia, đều được lập phù hợp với quy định của điều 17 “Nội dung chứng từ kế toán” Luật kế toán năm 2003 – đây là chứng cứ. Nhưng Cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào “lời khai” của người liên quan để khẳng định công ty sử dụng các chứng từ hạch toán không hợp pháp. Nguyên tắc lời khai được đánh giá thấp hơn chứng cứ khách quan vì người khai thường bị áp lực, đe dọa… Việc CQĐT dựa vào lời khai để phủ nhận các chứng từ hợp pháp là đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của pháp luật là “trọng chứng hơn trọng cung”.
Với các điểm (1, 2, 3, 4) nêu trên tôi cho rằng Kết luận điều tra, Cáo trạng của vụ án là không khách quan, không công bằng vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự, nên không thể sử dụng Kết luận điều tra này để đề nghị truy tố và làm căn cứ lập Cáo trạng truy tố, xét xử ông Lê Quốc Quân.
-
Cơ quan điều tra không khách quan làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, (Điều 10 – BL TTHS 2003). Để xác định DN trốn thuế TNDN phải căn cứ vào Báo cáo kiểm toán độc lập để xác định DN có doanh thu chịu thuế thu nhập không? Doanh thu đó là bao nhiêu để từ đó mới có thể cho rằng DN trốn thuế. Nếu DN không có doanh thu chịu thuế thì không thể cáo buộc DN trốn thuế. Việc chỉ dựa vào các hóa đơn cho rằng “sử dụng bất hợp pháp” để cáo buộc doanh nghiệp trốn thuế là không có cơ sở. Giám định tư pháp của Bộ Tài chính không căn cứ vào Báo cáo kiểm toán đã đưa ra kết luận doanh nghiệp trốn thuế là chủ quan, hợp thức hóa theo yêu cầu của CQĐT.
-
Căn cứ điều 167 Bộ luật TTHS, VKS phải chứng minh được hậu quả của tội phạm, số tiền công ty trốn thuế TNDN là 645.225.197đ là có thật hay không và số tiền đó đang ở đâu, được sử dụng như thế nào? Hơn nữa ông Lê Quốc Quân là giám đốc công ty nhưng vốn tham gia chỉ từ 50% – 75% tùy từng thời gian, nếu có thì số tiền đó được phân chia như thế nào? Cơ quan điều tra không xác định được.
-
Nếu có báo cáo kiểm toán độc lập sẽ xác định thành tích đóng góp cho ngân sách nhà nước của doanh nghiệp trong 03 năm 2009, 2010, 2011. Đồng thời làm rõ hoàn cảnh xảy ra sai xót (nếu có) trong hạch toán của doanh nghiệp. Một trong những nhiệm vụ chính của pháp luật tố tụng hình sự là “bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân,” tôi đề nghị HĐXX xem xét: Một năm Công ty TNHH giải pháp Việt Nam do ông Lê Quốc Quân làm giám đốc đã đóng góp cho ngân sách nhà nước bao nhiêu tiền và tạo ra bao nhiêu việc làm cho xã hội so với số tiền “trốn thuế” 645.225.197đ nếu đúng. Hoạt động của công ty đã đem lại nguồn thu bằng USD không nhỏ cho đất nước và ý nghĩa lớn hơn là công ty góp phần thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam và quảng bá Việt Nam với thế giới. Sau khi khởi tố vụ án, công ty đã hoàn toàn ngừng hoạt động gây thất thu cho ngân sách, người lao động bị mất việc làm, hậu quả này ai phải chịu trách nhiệm; số thiệt hại này lớn hơn nhiều lần số tiền 645.225.197đ. Trong tình hình suy thoái kinh tế hiện nay, nhà nước đã phải áp dụng mọi biện pháp như: giảm thuế, hoãn thuế, miễn thuế, rót vốn, hạ lãi xuất…để cứu doanh nghiệp thì các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố vụ án lại bức tử doanh nghiệp là Công ty TNHH giải pháp Việt Nam. Làm như vậy để đạt mục đích gì? Tại sao không sử dụng các biện pháp kinh tế, hành chính trước khi khởi tố vụ án hình sự, đây có có phải là một chứng cứ nối tiếp các hành vi phân biệt đối xử với ông Lê Quốc Quân trong một số năm gần đây để đạt mục đích truy cứu TNHS bằng được ông Lê Quốc Quân vì một lý do uẩn khúc nào khác?
-
Tệ nạn phong bì, tiêu cực phí mà doanh nghiệp phải chi cho các tổ chức, cá nhân quản lý ở các cấp nếu là một người trung thực thì không ai phủ nhận thực tế này. Đây là một nguyên nhân làm cho không ít các doanh nghiệp có những sai xót do phải hợp thức các tiêu cực phí trong hạch toán. Công ty TNHH giải pháp Việt Nam là một doanh nghiệp phi nhà nước không nhận được một sự giúp đỡ về tài chính, nhân lực … nào từ nhà nước nhưng từ ngày thành lập năm 2001 cho đến khi khởi tố vụ án đã đóng góp cho ngân sách là bao nhiêu tiền? Và sự sai xót trong hạch toán là bao nhiêu, có gây ra hậu quả đáng kể gì cho xã hội. Để công bằng hãy so sánh với hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước trong những năm gần đây đã sử dụng tiền của nhà nước như Vinashin, Vinaline… thậm chí được miễn thuế về tài nguyên (dự án boxit Tây Nguyên) mà không làm ra một đồng lợi nhuận nào cho ngân sách, lại còn ăn cụt cả vốn hàng ngàn tỷ đồng, “chết” không chôn được, đang để công nợ hàng trăm ngàn tỷ đồng cho nhà nước, người dân đóng thuế phải gánh chịu.
Đề nghị Tòa xem xét một cách công bằng cho Công ty TNHH giải pháp Việt Nam trong bối cảnh chung của xã hội.
-
Khởi tố bị can đối với ông Lê Quốc Quân về “Tội trốn thuế” là không đúng đối tượng:
Nếu có việc trốn thuế, là doanh nghiệp hay Công ty TNHH giải pháp Việt Nam do ông Lê Quốc Quân làm giám đốc trốn thuế chứ không phải ông Lê Quốc Quân trốn thuế. Nghĩa vụ nộp thuế TNDN là công ty hay pháp nhân, ông Quân chỉ chịu sự chi phối của Luật thuế TNCN, hay nói cách khác ông Quân không phải là đối tượng của Luật thuế TNDN.
Chính vì, để giới hạn và xác định trách nhiệm về tài sản của cá nhân trong hoạt động doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp 2005 đã quy định các loại hình doanh nghiệp thành: Công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân mà trong đó chỉ có doanh nghiệp tư nhân là chủ doanh nghiệp là cá nhân đồng thời là pháp nhân phải chịu trách nhiệm về tài sản do hoạt động của doanh nghiệp.
10. Căn cứ khoản 3 điều 8 Bộ luật hình sự và khoản 2 điều 176 và điều 194 của Bộ luật tố tụng hình sự vụ án thì phiên tòa hôm nay 02/10/2013 đã vi phạm thời hạn quyết định mở phiên tòa xét xử vụ án.
Phần III. Những vi phạm về nội dung của Cáo trạng
-
Kết luận giám định tư pháp ngày 22/03/2013 của Bộ Tài chính căn cứ vào Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010. Nhưng Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày chỉ có hiệu lực từ ngày 01/01/2011 nhưng Kết luận giám định tư pháp tại mục 3 phần A: “ Phạm vi giám định: – Về thời gian: Năm 2009, 2010”. Vi phạm nguyên tắc bất hồi tố, nên tại điểm 2.2 “Thuế TNDN” mục 2 phần B của Kết luận giám định tư pháp xác định Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam giảm thuế TNDN là không có giá trị pháp lý, cụ thể năm 2010 :235.768.125đ
– Do hạch toán hóa đơn GTGT bất hợp pháp là : 13.018.125đ;
– Do hạch toán hợp đồng thuê chuyên gia khống là : 222.750.000đ.
-
Kết luận điều tra (trang 17), Cáo trạng (trang 07) đều căn cứ Văn bản số 32640/CT-TTr1 ngày 12/12/2012 của Cục thuế Tp.Hà Nội “V/v Trả lời Công văn 362/CSĐT – Đ 9 của Cơ quan CSĐT công an Tp.Hà Nội” cho rằng: Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam lập khống hồ sơ thuê chuyên gia, trong 02 (2010 và 2011) với số tiền 1.750.000.000đ (Trong đó, năm 2010: 891.000.000đ, năm 2011: 859.000.000đ). Nhưng theo Kết luận điều tra (trang 13), công ty kê khai với Chi cục thuế quận Cầu Giấy năm 2011, ông Phan Thanh Hải nhận 19.685.750đ chứ không phải năm 2010, nên số tiền cho rằng khai khống trong từng năm (năm 2010: 891.000.000đ, năm 2011: 859.000.000đ) do Văn bản số 32640/CT-TTr1 ngày 12/12/2012 của Cục thuế Tp.Hà Nội cung cấp là không đúng, yêu cầu đại diện VKS xác định lại. Đây là một vi phạm tố tụng, chứng tỏ CQĐT và VKS đã không độc lập, không khách quan trong quá trình giải quyết vụ án nên mới dẫn đến không xác định được sai sót do Cục thuế Tp.Hà Nội cung cấp.
-
Kết luận điều tra khẳng định ông Phan Thanh Hải có làm việc và có nhận tiền của công ty. Đây là chi phí hợp lệ, hợp pháp VKS phải xác định để loại trừ trong số tiền 1.750.000.000đ cho rằng chi khống thuê chuyên gia. Tương ứng thuế TNDN (19.685.750đ x 25% = 4.921.438đ).
-
Tại Kết luận giám định tư pháp ngày 22/03/2013 của Bộ Tài chính, cho rằng Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam đã lập khống chứng từ thuê chuyên gia trong 02 năm 2010 và 2011với số tiền 1.750.000.000đ để giảm thuế TNDN tương ứng là 437.500.000đ. Tại Kết luận giám định cũng xác nhận Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam đã thực hiện kê khai khấu trừ 10% thuế TNCN là 175.000.000đ, nhưng số tiền nộp thuế TNCN này không được CQĐT và VKS tính đến. Về nội dung này, tôi đã có Kiến nghị của người bào chữa “V/v: Bị can Lê Quốc Quân bị truy tố “Tội trốn thuế” điều 161 BLHS” ngày 15/04/2013 gửi Tòa án nhân dân Tp.Hà Nội và Viện Kiểm sát nhân dân Tp.Hà Nội. Theo khoản 1 điều 176 BL TTHS thì Tòa phải quyết kiến nghị này của tôi, người tham gia tố tụng nhưng cho đến nay chưa có trả lời.
-
Ngày 30/03/2013, Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam có văn bản số 002/2013/CV- GPVN “V/v đề nghị hướng dẫn thủ tục điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính năm 2012” gửi Chi Cục thuế quận Cầu Giấy. Ngày 16/04/2013, Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam có Thông báo số 003/2013/TB-GPVN “Điều chỉnh số liệu doanh thu tính thuế TNDN các năm 2009, 2010, 2011 trong năm báo cáo tài chính 2012” gửi Chi Cục thuế quận Cầu Giấy, Viện trưởng Viện kiểm sát Tp.Hà Nội, Chánh án Tòa án nhân dân Tp.Hà Nội.
Nội dung:
– Căn cứ khoản 1 điều 17 “Trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp” Luật thuế TNDN 2008;
– Căn cứ khoản 1 điều 18 “Trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp” Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn một số điều của Luật thuế TNDN;
– Căn cứ điểm 22, Chuẩn mực số 29 “Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót” Ban hành và công bố theo Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC ngày 15/02/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, quy định”;
Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp 10% thu nhập chịu thuế các năm 2009, 2010, 2011, 2012 trong năm báo cáo tài chính 2012 tổng số 1.452.056.866đ. Số tiền 1.452.056.866đ nếu được loại trừ thu nhập cho rằng trốn thuế là 2.580.900.700đ thì bản chất sự việc là hoàn toàn khác. Hay số thuế TNDN phải loại trừ là: 1.452.056.866đ x 25% = 363.014.217đ
-
Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (khoản 2, điều 21 – Thông tư 153/2010/TT-BTC) trong 02 năm (2010, 2011), có tổng giá trị tiền hàng 830.900.790đ (2010: 52.072.500đ, 2011: 778.828.290đ). Thuế TNDN giảm tương ứng là 207.725.197đ. (Kết luận Giám định tư pháp ngày 22/03/2013 – tr 06).
-
a. Kết luận điều tra (trang 23) cho rằng: 06 hóa đơn GTGT có nội dung tiếp khách do Công ty TNHH Đào Xuân phát hành có trụ sở tại nhà 11, tập thể Bưu điện, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, tổng giá trị tiền hàng 86.122.000đ, VAT 8.612.200đ, tiền ghi trên hóa đơn 94.734.200đ. Công ty TNHH Đào Xuân đã bỏ địa chỉ kinh doanh. Ngày 29/01/2013, Chi cục thuế quận Hoàn Kiếm có văn bản số 258 kết luận “06 hóa đơn GTGT này không do Chi cục thuế quận Hoàn Kiếm phát hành, công ty không thông báo phát hành hóa đơn, không kê khai với Chi cục thuế quận Hoàn Kiếm”. Nếu đúng như vậy thì Công ty TNHH Đào Xuân phải chịu trách nhiệm và Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam chính là nạn nhân. Nên phải trừ đi số tiền bị tính giảm thuế TNDN của Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam là: 86.122.000đ x 25% =21.530.500đ.
-
Hóa đơn GTGT (04) có nội dung tiếp khách của Công ty CP dịch vụ và thương mại Đào Phương, giảm thuế TNDN 13.144.250đ và Hóa đơn GTGT (01) có nội dung tiếp khách của Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Hùng Cường, giảm thuế TNDN 4.371.250đ. Tổng cộng: 17.515.500đ. Các hóa đơn GTGT này cơ quan giám định kết luận là hóa đơn giả nhưng chưa xác định được Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam làm giả do đó không thể kết luận Công ty giảm thuế TNDN phải chịu trách nhiệm nên số tiền cho rằng giảm thuế TNDN 17.515.500đ phải được loại trừ.
-
Kết luận điều tra chỉ dựa vào lời khai của Phạm Thị Phương, Nguyễn Thị Thơm và đại diện các công ty cung cấp dịch vụ phát hành hóa đơn để làm chứng cứ duy nhất để cho rằng Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam khai khống toàn bộ chi phí của Công ty (bao gồm: tiếp khách, văn phòng phẩm, thẻ cào điện thoại, tiền trang phục, cước chuyển phát nhanh…với tổng giá trị tiền hàng 830.900.790đ (2010: 52.072.500đ, 2011: 778.828.290đ) mà không tính đến thực tế hoạt động của công ty trong 02 năm 2010 và 2011 có bao nhiêu nhân viên, doanh thu cung cấp dịch vụ năm 2010 (3.528.579.119đ – Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2010, BL 761), 2011 (4.665.424.410đ – Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2011, BL 776) thì sẽ phải chí bao nhiêu là phù hợp. Vì trong vụ án này CQĐT đã không thực hiện việc kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp, rồi từ đó mới có cơ sở xác định doanh nghiệp có trốn thuế TNDN không. CQĐT đã thực hiện trái với nguyên tắc của pháp luật nên mặc định DN là trốn thuế ngay từ đầu và yêu cầu cơ quan thuế hợp thức bằng các văn bản kết luận, giám định.
-
Kết luận Giám định tư pháp ngày 22/03/2013 (trang 04): Tổng số thuế GTGT 02 năm là 85.307.190đ (2010: 5.207.250đ; 2011: 80.099.940đ), được hoàn thuế, nhưng công ty chưa làm thủ tục hoàn.
-
-
Tóm lại:
1- Phải thực hiện kiểm toán độc lập báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam các năm 2009, 2010, 2011 để xác định DN có doanh thu chịu thuế TNDN không? Và doanh thu đó là bao nhiêu, những chí phí hợp lệ, hợp pháp phải được thừa nhận.
2- Doanh thu tính thuế TNDN của Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam các năm 2009, 2010, 2011, 2012 phải loại trừ 10% doanh thu trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để quyết toán vào năm thứ 05 (2013) là 1.452.056.866đ.
3- Kết luận giám định tư pháp ngày 22/03/2013 của Bộ Tài chính phải loại trừ số giảm thuế TNDN của Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam trong 02 năm 2010, 2011: 903.051.970đ. Trong đó:
-
Thuế TNDN năm 2010 là 235.768.125đ (điểm 1, phần III);
-
Thuế TNDN là 4.921.438 đ (điểm 3, phần III)
-
Thuế TNCN là 175.000.000đ (điểm 4, phần III);
-
Thuế TNDN là 363.014.217đ (điểm 5, phần III);
-
Hóa đơn GTGT 21.530.500đ (điểm 6.1, phần III);
-
Hóa đơn GTGT 17.515.500đ (điểm 6.2, phần III);
-
Thuế GTGT được hoàn 85.307.190đ (điểm 6.4, phần III).
Nghĩa là số “trốn thuế” nếu có: (645.225.197đ – 903.051.970đ) = –257.826.773đ.
4- Xác định các chi phí của Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam một cách khách quan, phù hợp với thực tế chi phí của doanh nghiệp (điểm c mục 6 phần III).
Phần IV: Kiến nghị của luật sư
Kính thưa HĐXX,
Trong tình hình đất nước “thù trong, giặc ngoài hiện nay”, và kinh tế thì suy thoái, hãy đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, tôi đề nghị các HĐXX hãy công minh xem xét vụ án này.
Ông Lê Quốc Quân người bị truy tố hôm nay là một người Công giáo, từ năm 2007 liên tục cho đến nay đã bị bắt giam nhiều lần vì cho rằng có hành vi liên quan đến an ninh quốc gia. Nếu phiên tòa hôm nay không xem xét khách quan, công bằng thì đây sẽ là một chứng cứ cho rằng Đảng, Nhà nước đã để cho người thi hành công vụ vi phạm chính sách đối xử bình đẳng về Tôn giáo và trù dập người bất đồng chính kiến. Hậu quả sẽ là không có lợi cho chính sách Đại đoàn kết toàn dân và trái với lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước về quyết tâm xây dựng một nhà nước pháp quyền.
Nếu Công ty TNHH giải pháp Việt Nam có sự sai sót trong hạch toán thì đây cũng không phải là sự lãng phí, mất mát. Tại sao nhà nước dễ dãi để mất hàng ngàn tỷ đồng trong việc cho nước ngoài khai thác tài nguyên. Dẫn chứng Báo Thời báo kinh tế ngày 08/07/2013: “Năm 2011 và 2012, lượng xuất khẩu quặng sắt của Việt Nam sang Trung Quốc thực tế vượt xa mọi thống kê của hải quan Việt Nam…
Thất thu thuế hàng nghìn tỷ từ xuất khẩu quặng sắt”
Hiện nay, Việt Nam tuy đã là thành viên chính thức của WTO, nhưng Việt Nam cần phải được quốc tế công nhận là một nền kinh tế thị trường trước năm 2018 để trở thành một thành viên có quyền đầy đủ trong WTO. Đây là một mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước đang được nỗ lực thực hiện từ nhiều năm gần đây. Gần đây là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi suy thoái hiện tại và tăng trưởng lâu dài. Một trong những tiêu chí cơ bản để Việt Nam được Quốc tế công nhận là một nền kinh tế thị trường và để được gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là phải có một hệ thống pháp luật minh bạch và được thực thi một cách nghiêm túc mà ở đó các doanh nghiệp và các người dân phải được đối xử công bằng và khách quan. Mới nhất là ngày 27/09/2013 trong chuyến đi dự họp Đại hội đồng LHQ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Bộ trưởng Thương Mại Mỹ: Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Việt Nam đi đến ký kết TPP và đề nghị Mỹ công nhận VN là nền kinh tế thị trường (Nguồn TTXVN ngày 27/09/2013).
Vụ án này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận Quốc tế, nó chứng tỏ việc Việt Nam thực hiện các cam kết với Quốc tế. Ngày 25/09/2013 các nghị sĩ Mỹ đứng đầu là Chủ tịch UB Đối ngoại Hạ viện Mỹ Edward Royce cùng 09 người khác đã ký thư gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thúc giục trả tự do cho ông Quân và mọi tù nhân chính trị khác và ngưng bắt và giam giữ các công dân có kêu gọi và biểu đạt ôn hòa (Nguồn BBC 26/09/2013).
Kính thưa HĐXX,
Trong vụ án này, tôi cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng ở trước giai đoạn xét xử đã có những vi phạm nguyên tắc của tố tụng hình sự, đi ngược với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước như tôi đã trình bày. Và để tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, tôi hy vọng điều này sẽ được HĐXX sửa sai ngay tại phiên tòa hôm nay.
1- Căn cứ khoản 1 điều 107 và khoản 1 điều 217 BL TTHS tôi đề nghị đại diện Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố đối với ông Lê Quốc Quân vì không có sự việc phạm tội. Hoặc đề nghị HĐXX căn cứ khoản 2 điều 222 BL TTHS tuyên bố ông Lê Quốc Quân không có tội và căn cứ khoản 2 điều 199 BL TTHS ra quyết định đình chỉ vụ án.
2- Căn cứ khoản 1 điều 227 BL TTHS đề nghị HĐXX trả tự do cho ông Lê Quốc Quân;
3- HĐXX xem xét việc bồi thường cho ông Lê Quốc Quân bị tạm giam 100 ngày năm 2007 vì đã có quyết định đình chỉ điều tra bị can;
4- Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội là cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra thành phố Hà Nội trả lại tài sản, không liên quan đến vụ án cho Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam, con dấu của Công ty; tài sản của gia đình ông Lê Quốc Quân.
Tôi xin chân thành cám ơn sự lắng nghe của quý vị./.
Hà Nội, ngày 02/10/2013
Luật sư Hà Huy Sơn