Kỳ 2
II. Các quyền cơ bản của con người được đề cao ở Đức
Hiến pháp Đức đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ bảo vệ quyền con người (A). Có thể khẳng định đây là bộ luật cơ bản tốt nhất hiện nay bàn về nhân quyền ở Đức. Tòa án Hiến pháp liên bang là cơ quan tối cao bảo vệ các giá trị quan trọng của Hiến pháp (B), các quyết định của cơ quan này ảnh hưởng trực tiếp đến các tòa án cấp dưới trong nhiệm vụ bảo vệ quyền con người. Các phán quyết của Tòa án Hiến pháp cũng có ảnh hưởng đến các quyết định của Tòa án về quyền con người của Hội đồng Châu Âu.
A. Luật cơ bản Đức quan tâm đặc biệt đến các quyền cơ bản của con người
Luật cơ bản Đức (Hiến pháp Đức) được biên soạn trong bối cảnh đặc biệt, nước Đức tạm thời bị chia cắt theo thỏa thuận của phe Đồng minh gồm một bên là Anh, Pháp, Mỹ và một bên là Liên bang Xô viết. Nghị viện Đức nhóm họp và thông qua một bản Hiến pháp dân chủ dưới sự giám sát 3 nước đồng minh phương Tây. Gọi là luật cơ bản vì văn bản tối cao này chỉ có giá trị tạm thời tại Cộng hòa liên bang Đức, sau khi nước Đức thống nhất một bản Hiến pháp mới sẽ được thông qua. Tuy nhiên khi bức tường Berlin sụp đổ, Luật cơ bản vẫn được giữ nguyên và được áp dụng cho 5 Länder của Cộng hòa dân chủ Đức vì điều 23 cho phép các vùng phía Đông Đức sát nhập vào Tây Đức, còn điều 146 lại ghi nhận Luật cơ bản Đức sẽ không còn hiệu lực khi một bản Hiến pháp mới được nhân dân Đức thông qua trong tư thế hoàn toàn có tự do lựa chọn. Khi nước Đức thống nhất, Luật cơ bản được áp dụng theo điều 23.
Đây là bản Hiến pháp rất có giá trị vì nhiều lẽ: Một là, văn bản luật tối cao này quan tâm đặc biệt đến nhiệm vụ bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Các quyền này được ghi nhận ngay trong phần I, từ điều 1 đến điều 20, các nhà lập hiến đề cập đến các quyền tự nhiên của con người như quyền được tôn trọng về nhân phẩm, quyền được sống, quyền bình đẳng, quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do ngôn luận (từ điều 1 đến điều 5), quyền tự do hội họp và lập hội, quyền được tự do đi lại và tự do chọn lựa nghề nghiệp, quyền được bảo vệ thư tín, quyền sở hữu (từ điều 8 đến điều 14). Các quyền cơ bản này thuộc về quyền con người thuộc thế hệ thứ nhất. Nhà nước không thể vi phạm, và không thể đưa ra các lý do để vi phạm, trừ trường hợp cần thiết khi Nhà nước hạn chế một số quyền tự do để bảo vệ tốt hơn các quyền khác. Ví dụ hạn chế quyền tự do đi lại và quyền bất khả xâm phạm về thư tín trong một số hoàn cảnh đặt biệt vì lý do an toàn cho con người nhằm ngăn chặn các hành động khủng bố, nguyên nhân giới hạn một số quyền để bảo vệ tốt hơn quyền được sống. Hai là, Hiến pháp Đức thiết lập chế độ nghị viện (thể chế chính trị dân chủ theo truyền thống của Châu Âu), ưu điểm của chế độ nghị viện là dễ tránh được lạm quyền vì cơ quan lập pháp và hành pháp có thể phủ định lẫn nhau qua cơ chế bỏ phiếu bất tín nhiệm và giải tán Quốc hội. Nguyên tắc này có thể giảm thiểu được khả năng thiết lập chế độ độc tài, nhưng cũng có thể gây ra bất ổn chính trị. Tuy nhiên nước Đức đã xây dựng được thể chế nghị viện hợp lý và ổn định vì luôn tồn tại một liên minh đa số tại Nghị viện. Các điều kiện để giải tán Quốc hội (le Bundestag) được Hiến pháp quy định chặt chẽ, để tránh bất ổn về chính trị. Điều 67 và 68 của Luật cơ bản quy định Quốc hội chỉ có thể giải tán Chính phủ sau khi đã bầu ra một người kế nhiệm Thủ tướng, người kế nhiệm là thành viên thuộc liên minh đa số tại Quốc hội. Chủ tịch Liên bang sẽ bầu người được chỉ định làm Thủ tướng, giữa thời gian bỏ phiếu bất tín nhiệm và thời gian bầu cử Thủ tướng không được vượt quá 2 ngày. Thủ tướng cũng có thể đề nghị Chủ tịch liên bang giải tán Quốc hội, nhưng quyền đề nghị giải tán Quốc hội sẽ không còn tác dụng nếu liên minh đa số tại Quốc hội chọn ra một Thủ tướng mới. Những quy định chặt chẽ trong Hiến pháp đã góp phần giảm bớt việc lạm dụng quyền lực của Thủ tướng để giải tán Quốc hội cũng như buộc Quốc hội phải xem xét kĩ lưỡng trước khi bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ. Đây là những sáng tạo độc đáo của người Đức để hoàn thiện chế độ nghị viện hợp lý (le régime parlementaire rationnalisé).
Hiến pháp Đức thiết lập Nhà nước liên bang, theo mô hình nước Mỹ, tổ chức bộ máy quyền lực theo mô hình liên bang đảm bảo tốt hơn các nguyên tắc dân chủ cũng như quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở cơ sở. Với tất cả những điểm tiến bộ trên, Luật cơ bản Đức năm 1949 cùng với Hiến pháp Pháp năm 1958 trở thành các tài liệu quan trọng được các nhà lập hiến Đông Âu và Trung Âu tham khảo khi họ tiến hành biên soạn Hiến pháp mới sau khi hệ thống Xã hội chủ nghĩa sụp đổ năm 1991.
Luật cơ bản Đức từ điều 1 đến điều 20 đảm bảo quyền con người, đặt các quyền cơ bản của con người lên trên các nguyên tắc tổ chức Nhà nước vì các nhà lập hiến bị ám ảnh về quá khứ đau thương trong thời kỳ chiến tranh khi mà tất cả các quyền cơ bản bị coi thường, khi Nhà nước phục vụ cho một mục đích duy nhất là bành trướng để biến tư tưởng phân biệt chủng tộc thành hiện thực. Để tránh những nguy cơ có thể đe dọa đến các giá trị về nhân quyền được Hiến pháp bảo vệ, các nhà lập hiến đặt ra nguyên tắc trong điều 79-3, cấm Nghị viện sửa đổi 20 điều đầu tiên về nhân quyền, cấm sửa đổi mô hình Nhà nước liên bang để tránh tập trung quyền lực. Vì đây là nguyên nhân chính khiến một cá nhân hay một nhóm người dễ thâu tóm quyền lực và thiết lập chế độ độc tài. Mô hình nhà nước liên bang đảm bảo các nguyên tắc dân chủ tốt hơn một khi quyền lực được chia cho các vùng. Ngoài ra các điều 72 và 74 trong Hiến pháp còn ghi nhận thẩm quyền lập pháp cạnh tranh giữa Nhà nước liên bang và các Länder (16 bang), nhờ đó, quyền lập pháp được phân chia giữa trung ương và địa phương. Nguyên tắc này vừa đảm bảo dân chủ ở cơ sở vừa tránh được nguy cơ tập trung quyền lực. Quy định cấm sửa đổi các điều khoản về nhân quyền và tổ chức Nhà nước theo mô hình liên bang kiểu Mỹ trong điều 79-3 là sáng kiến tuyệt vời của những người biên soạn Hiến pháp nhờ sự giúp đỡ của các nước đồng minh.
Tòa án Hiến pháp liên bang với nhiệm vụ bảo vệ quyền con người và xem xét các đạo luật vi hiến, bằng các phán quyết quan trọng của mình, cơ quan tư pháp đặc biệt này đã khẳng định được vị trí tối cao để thi hành nhiệm vụ bảo hiến. Vai trò của Tòa án Hiến pháp liên bang gắn liền với tiến trình dân chủ hóa đất nước.
B. Tòa án Hiến pháp Đức, cơ quan bảo vệ hiệu quả các quyền hiến định
Tòa án Hiến pháp liên bang được thành lập năm 1951, có trụ sở tại Karlsruhe, vùng Bade-Wurtemberg. Cơ quan tư pháp đặc biệt này gồm có 16 thành viên, được Thượng viện (le Bundesrat) và Quốc hội (le Bundestag) bầu ra. Các thẩm phán có nhiệm kỳ 12 năm và không được bầu lại. Các điều 93 và 94 quy định thẩm quyền của các thẩm phán. Tòa án Hiến pháp có vai trò bảo vệ các nguyên tắc được Luật cơ bản công nhận như tôn trọng các quyền cơ bản ghi trong Hiến pháp, đảm bảo nguyên tắc tam quyền phân lập giữa các cơ quan nhà nước, giải quyết các tranh chấp xuất phát từ các phán quyết của các cơ quan cấp dưới, công bố tính hợp pháp của các cuộc bầu cử.
Các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp liên bang Đức tại Karlsruhe
Tòa án Hiến pháp ra phán quyết về tính hợp hiến của các đạo luật theo yêu cầu của Chính phủ liên bang hoặc chính quyền địa phương (le Land), hoặc theo yêu cầu của 1/3 số đại biểu của Quốc hội hoặc các cơ quan tư pháp cấp dưới. Nếu công dân nhận thấy các quyền của mình được Hiến pháp công nhận bị vi phạm cũng có thể gửi đơn đến Tòa án Hiến pháp.
Tòa án Hiến pháp liên bang có nhiều phán quyết quan trọng nhằm bảo vệ quyền con người. Nhiều quyết định có ảnh hưởng đến việc hình thành các nghị quyết của Liên minh Châu Âu. Trong một quyết định quan trọng năm 1974 có tên So lange I, các thẩm phán Đức cho rằng nước Đức có quyền loại bỏ các nghị quyết của Cộng đồng Châu Âu (nay là Liên minh Châu Âu) nếu các nghị quyết này vi phạm các quyền cơ bản được Luật cơ bản Đức bảo vệ. Đây là quyết định thách thức đối với Liên minh Châu Âu về vấn đề nhân quyền vì tổ chức này được thành lập với mục đích ban đầu là hợp tác kinh tế, các nhà sáng lập đã quên bàn về vấn đề nhân quyền. Theo quy định của tổ chức này, các nghị quyết và chỉ thị của các cơ quan trong Liên minh Châu Âu đều có giá trị cao hơn Hiến pháp và các đạo luật của các nước (quyết định có tên Costa, năm 1961, của Tòa án thuộc Liên minh Châu Âu). Các thẩm phán Đức đã bác bỏ phán quyết này một khi vấn đề nhân quyền không được đảm bảo, điều này buộc Liên minh Châu Âu phải có kế hoạch bảo vệ nhân quyền đi kèm với chính sách hợp tác và phát triển kinh tế. Tòa án Hiến pháp liên bang đưa ra phán quyết có tên So lange II năm 1986 với lý luận như sau: Liên minh Châu Âu đã có nỗ lực bảo vệ nhân quyền, từ nay các quyết định của tổ chức này đều có giá trị tại Đức vì các nghị quyết phù hợp với nội dung của Hiến pháp Đức. Các quyền cơ bản của con người được Liên minh Châu Âu bảo vệ cũng là các quyền cơ bản được Hiến pháp Đức bảo vệ do đó giám sát các văn bản luật của tổ chức này không còn quan trọng nữa.
Năm 1991, Tòa án Hiến pháp liên bang đưa ra một phán quyết quan trọng trong nỗ lực đảm bảo nguyên tắc bình đẳng theo điều 3, Luật cơ bản Đức 1949. Các thẩm phán tuyên bố việc bắt buộc những người phụ nữ khi cưới phải mang tên chồng là không đúng với nguyên tắc bình đẳng, việc người phụ nữ mang tên của gia đình nhà chồng phải dựa trên sự đồng ý tự nguyện.
Năm 2008, Tòa án Hiến pháp liên bang có một phán quyết đáng chú ý về vấn đề gián điệp mạng. Các thẩm phán nhận xét việc theo dõi và giám sát các máy tính cá nhân chỉ được phép diễn ra trong quá trình điều tra các mối đe dọa đến cuộc sống của con người và an ninh quốc gia. Đó là các âm mưu tiến hành khủng bố. Quyết định theo dõi cần thiết phải có ý kiến của luật sư. Tòa án Hiến pháp đưa ra các điều kiện trong quá trình giám sát, đồng thời công nhận quyền cơ bản của công dân trong việc bảo vệ thông tin cá nhân và các nguồn dữ liệu. Nhà nước không được phép khai thác và theo dõi nếu không nhận được sự đồng ý của chủ nhân.
Tòa án Hiến pháp liên bang còn đảm nhiệm thêm vai trò xét xử tính hợp pháp của các đảng phái chính trị. Năm 1951, các thẩm phán cấm đảng cộng sản Đức không được phép hoạt động, các quan tòa hiến pháp cho rằng nội dung và kế hoạch hoạt động của đảng này không đảm bảo các nguyên tắc về tự do theo như Hiến pháp, quyết định đưa ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh thể hiện quan điểm chính trị khác biệt giữa Đông Đức và Tây Đức. Năm 1956, Tòa án Hiến pháp liên bang cũng cấm một đảng cực hữu có tư tưởng Đức quốc xã mới, không được phép hoạt động vì trái với các nguyên tắc của Hiến pháp.
Bảo vệ quyền con người trở thành nhiệm vụ quan trọng nhất của các thẩm phán ở Tòa án Hiến pháp liên bang, nhiệm vụ này cũng được các tòa án hiến pháp các vùng thực hiện. Nước Đức với một quá khứ đau thương và gây đau thương cho các dân tộc khác, đặc biệt là người Do Thái, nhờ những cố gắng của mình từ 64 năm qua, nước Đức đã trở thành một nền dân chủ tiêu biểu ở Châu Âu, và là đất nước bảo vệ tốt các quyền cơ bản của con người. Điều này đã góp phần đưa nước Đức trở thành một nước lớn, và có ảnh hưởng trên thế giới.
P.T.Đ.
Ghi chú
Với mong muốn làm sáng tỏ nội dung bài viết, người viết bài này bổ sung thêm một số đoạn văn trích từ các văn bản khác nhau, chúng ta đều biết một thời kỳ đen tối đã tồn tại trong lịch sử của nước Đức và của thế giới, đó là giai đoạn chiến tranh, khi đó các quyền cơ bản của công dân bị vi phạm nghiêm trọng. Nhưng cũng xuất phát từ những tổn thất về người và của trong chiến tranh. Con người biết quan tâm đến nhân quyền và dân chủ vì coi trong nhân quyền và xây dựng tốt nền dân chủ sẽ giảm bớt được nguy cơ chiến tranh:
1. Nhật kí của Gobbels, The Gobbels Diaries, 1948, p 147-148
“Ngày 14 tháng hai năm 1942: le Führer(chỉ Hitler) lại bày tỏ quyết tâm quét sạch những người Do Thái ở Châu Âu, ông không có một chút tình cảm thể hiện xúc động nào về chủ đề này, những người Do Thái xứng đáng chịu hậu quả đang đến với họ.
Ngày 27 tháng ba năm 1942: Thủ tục tiến hành khá dã man, không cần miêu tả chính xác ở đây. Gần như không còn người Do Thái nữa. Nói một cách tổng thể, 60% trong số họ đã bị xóa sổ, 40% còn lại có thể được sử dụng cho lao động khổ sai”.
(Joseph Gobelles, Bộ trưởng Báo chí và tuyên truyền đã tự tử cùng với gia đình khi quân đồng minh tiến vào Berlin).
2. Nhật kí Anne Frank
Từ tháng 5 năm 1940, thời kỳ tốt đẹp đã chấm hết, chiến tranh đã nổ ra, rồi có nước đầu hàng, khi người Đức đến đây, những người Do Thái chúng tôi bắt đầu sống trong nghèo khó, nhiều đạo luật bài Do Thái đã được ban hành, tự do đi lại của chúng tôi ngày càng bị hạn chế. Người Do Thái phải đeo một ngôi sao vàng trước ngực, người Do Thái phải đi bằng xe đạp, người Do Thái không có quyền đi tàu điện, người Do Thái không có quyền đi xe bus, không được đi lại bằng ô tô riêng, người Do Thái chỉ được phép đi chợ từ 3 h đến 5 h chiều, người Do Thái chỉ được đi cắt tóc tại tiệm của người Do Thái, người Do Thái không có quyền ra đường trong khoảng từ 8 h tối đến 6 h sáng, người Do Thái không có quyền được thường xuyên đi nhà hát, đi xem phim hay đến các khu giải trí, người Do Thái không được đi bơi, không được chơi tennis, chơi hockey hay chơi các môn thể thao khác, người Do Thái không được chơi bất kỳ môn thể thao nào trước mặt công chúng, người Do Thái không được ở trong vườn, hay ở nhà bạn bè sau 8 h tối, người Do Thái không có quyền bước vào nhà những người công giáo. Trẻ em Do Thái chỉ được học ở trường dành cho người Do Thái. Chúng tôi sống lay lắt như thế, chúng tôi bị cấm hết điều này đến điều khác, Jacque thường nói với tôi: “Tôi không còn dám làm gì nữa, tôi sợ cái gì cũng bị cấm”.
(Anne Frank là một cô bé 15 tuổi người Do Thái chạy chốn khỏi Frankfurt đến Amsterdam cùng gia đình, sau đó cả nhà bị bắt và bị đày đến trại tập trung Bergen-Belsen, Anne chết vì bệnh thương hàn 7 tháng sau đó, chị gái tên là Margot cũng bị chết tại trại tập trung. Nhật kí Anne Frank được tìm thấy tại Amsterdam, được dịch ra nhiều thứ tiếng và được giảng dạy tại các trường phổ thông).
3. Điều 2, Luật cơ bản Đức 1949
“Mỗi người đều có quyền tự do để phát huy năng lực bản thân, miễn sao khi thực hiện quyền của mình không vi phạm quyền của người khác, không vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Mỗi người đều có quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm thân thể, quyền tự do của con người không thể bị vi phạm. Những giới hạn về các quyền căn bản này chỉ có thể thực hiện được theo luật định”.
4. Điều 3, Luật cơ bản Đức 1949
“Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nam nữ bình đẳng về quyền lợi. Nhà nước cần cố gắng thực hiện quyền bình đẳng trước pháp luật đối với nam và nữ. Nhà nước có các hoạt động nhằm loại bỏ những bất công và phân biệt đối xử vẫn tồn tại giữa nam và nữ. Không ai bị phân biệt đối xử hay được thiên vị vì giới tính, gia đình, chủng tộc, ngôn ngữ, tổ quốc, nguồn gốc, đức tin hay vì có ý kiến khác nhau về tôn giáo hoặc chính trị. Không ai bị phân biệt đối xử vì tình trạng bản thân bị tật nguyền”.
5. Điều 8, Luật cơ bản Đức 1949
“Tất cả các công dân đều có quyền hội họp trong không khí ôn hòa, không mang theo vũ khí, không cần tuyên bố hay xin phép trước. Đối với quyền tụ họp ngoài trời, quyền này có thể bị hạn chế bằng luật pháp, hay theo nội dung của một điều luật được thông qua”.
Tài liệu tham khảoo
1. http://d-d.natanson.pagesperso-orange.fr/
2. http://d-d.natanson.pagesperso-orange.fr/race_aryenne.htm
3. http://www.toupie.org/Dictionnaire/Pangermanisme.htm
4. http://www.juspoliticum.com/L-interpretation-constitutionnelle.html
5. http://www.collasius.org/DEUTSCHLAND/4-HTML/01-grund-f.html
6. Pensées et idées politiques, Nathalie Blanc-Noel, faculté de droit et science politique, l’Université de Bordeaux.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN