Nước Pháp phải xiết chặt các mối liên hệ với Việt Nam

Le Monde.fr | 24.09.2013

Phạm Toàn dịch

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tiến hành cuộc thăm chính thức Pháp từ 24 đến 27 tháng chín. Chuyến viếng thăm này đã được chuẩn bị bởi các chuyến di của hai Bộ trưởng Ngoại giao, ông Phạm Bình Minh qua Paris hồi tháng ba vừa rồi, và ông Laurent Fabius qua Hà Nội hồi tháng Tám. Vào dịp đi thăm này, Thủ tướng Việt Nam sẽ ký với người đồng nhiệm một Hiệp nghị về đối tác chiến lược Pháp-Việt. Tổng số 26 điều của Hiệp nghị này chia thành năm chương và nhập lại thành một văn bản duy nhất gồm những Hiệp nghị hợp tác khác nhau đã được ký kết, từ đó các mối quan hệ giữa hai nước sẽ thêm gắn bó và liên tục.

Hiệp nghị Đối tác Chiến lược cũng mang một giá trị tượng trưng. Nó được ký vào năm kỷ niệm thứ 40 nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước và trong “năm chéo Pháp-Việt 2013-2014”. Thế nhưng, Hiệp nghị lại không có điều gì sáng tạo đáng kể.

Hai quốc gia sẽ làm trọng tài cho công việc đối tác của họ với các tổ chức khu vực mà họ là thành viên, một bên là Hiệp hội các nước Đông Nam Á, và bên kia là Liên minh Châu Âu. Nước Pháp sẽ cố gắng xin Liên minh Châu Âu cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường. Còn về chuyện quốc phòng, Hiệp nghị ký ngày 12 tháng Mười một năm 2009 sẽ được mở rộng thêm. Pháp sẽ góp sức giúp nền công nghiệp quốc phòng của Việt Nam.

MỘT VÁN BÀI QUAN TRỌNG HƠN ĐỐI VỚI PHÁP

Về kinh tế, hai bên sẽ nỗ lực tiếp tục cuộc đối thoại chiến lược họp ở Hà Nội ngày 9 tháng Tư năm 2013. Những cuộc trao đổi, công việc hợp tác, các khoản đầu tư sẽ phải được phát triển hơn lên, nhất là trong các ngành công nghiệp hàng không, giao thông, hạ tầng cơ sở thành thị, những vấn đề về phát triển bền vững, tin học, y tế, công nghiệp thực phẩm nông nghiệp, năng lượng hạt nhân. Là nhà cung cấp thứ nhì về viện trợ công cho sự phát triển của Việt Nam, nước Pháp khẳng định quyết tâm tiếp tục công cuộc viện trợ. Pháp sẽ tiếp nhận các sinh viên Việt Nam trong những điều kiện tối ưu, Pháp sẽ tăng cương trợ giúp cho Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và sẽ tiếp tục trợ lực cho việc dạy tiếng Pháp ở Việt Nam.

Đối với nước Pháp, ván bài quan trọng hơn nhiều so với những gì lời lẽ bản Hiệp nghị công khai cho thấy. Dường như Pháp đang mất chân đứng ở Việt Nam. Ngay cả khi tổng khối lượng trao đổi giữa hai bên có tăng lên, thì thiếu hụt thương mại của Pháp năm 2012 vẫn là 2,1 tỷ euro. So với năm 2011, thiếu hụt như vậy đã tăng hơn một nửa.

Mặc dù Pháp là nước phương Tây đầu tiên đầu tư vào Việt Nam, đầu tư của Hoa Kỳ vào nước này đã gấp hai lần của Pháp vào năm 2006, tiếp đến vào năm 2007 là Hà Lan. Song ảnh hưởng của Việt Nam đang gia tăng tại Đông Nam châu Á. Thế giới xếp hạng Việt Nam vào loại nước mới nổi đầy hứa hẹn. Kể từ khi hiệp nghị tự do trao đổi giữa Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Trung Quốc có hiệu lực hồi năm 2010, thì một nhà đầu tư Pháp có thể xuất khẩu tới một khu vực tự do trao đổi lớn nhất thế giới. Đó là một cơ sở mang tính chiến lược.

MỘT NỀN NGOẠI GIAO QUAY VỀ CHÂU Á

Bị ảnh hưởng vì khủng hoảng toàn cầu, vị thế của Việt Nam bị sa sút kể từ đầu năm 2011. Việt Nam đã dũng cảm khôi phục các khoản chi công, mà phần nào đã bị hao đi trong cuộc lạm phát phi mã năm nay còn 6 %. Sau bốn lần phá giá, từ một năm nay đồng tiền đã bình ổn tỷ suất, đã hồi phục các dự trữ trao đổi. Cán cân thương mại của Việt Nam đã dôi dư. Các khoản đầu tư nước ngoài đã quay trở lại. Tỷ số phát triển năm 2012 là 5,25%  và sẽ giữ như thế cho năm 2013.

Nhưng các khó khăn vẫn còn. Các doanh nghiệp và các ngân hàng công đều kém quản lý, nhiều khi thua lỗ. Nhiều vụ bê bối xảy ra tại các doanh nghiệp và ngân hàng đó. Những vụ cho vay rất đáng ngờ, thống kê kém, dường như gia tăng. Vậy mà, chuyện cải tổ khu vực công là khu vực bảo đảm một phần ba của sản phẩm quốc nội ròng (PIB, Produit Intérieur Brut, ND) là một điều hết sức khó khăn, vì đó là đụng tới cái lõi của hệ thống chính trị cộng sản. Những hiệp nghị đối tác giữa các quốc gia được gia tăng. Các hiệp nghị đó không có kỳ hạn (échéance), cũng không có phương tiện cung cấp tài chính. Cho nên có những hiệp nghị kiểu đó ký rồi nằm đấy. Ta nên hy vọng là Hiệp nghị kỳ này không cùng số phận như thế.

Cuối cùng thì nền ngoại giao Pháp cũng tin chắc là phần lớn tương lai diễn ra tại Viễn Đông. Hành động ngoại giao Pháp quyết tâm hướng về châu Á. Chuyển đổi này tăng cường hy vọng rằng Hiệp nghị Đối tác chiến lược với một nước có vị trí đáng thèm thuồng trên Biển Đông và có những liên hệ lịch sử vẫn còn mạnh mẽ với nước Pháp rồi sẽ dẫn tới những thành tựu cụ thể mà cả hai bên đều sẽ có lợi.

Nguồn bản gốc: http://www.lemonde.fr/idees/article/2013/09/24/la-france-doit-resserrer-ses-liens-avec-le-vietnam_3483722_3232.html

 

This entry was posted in Tin Tức. Bookmark the permalink.