Chuyện ghi chép ở Đức

1/ Nói một cách lý thuyết thì NHÂN QUYỀN thể hiện mối quan hệ của bộ máy cầm quyền đối với người dân đẻ ra chính bộ máy ấy, thể hiện bằng hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật vì con người. Nhưng có lẽ mọi định nghĩa, khái niệm về nhân quyền đều đã cũ, đã lạc hậu so với thực tế cuộc sống, so với cách hành xử của bộ máy cầm quyền đối với người dân ở hầu hết các nước châu âu tư bản chủ nghĩa cũ. (Xin không bàn đến các nước châu Âu vốn là các nước xã hội chủ nghĩa trước đây như nước Nga của ông Putin hay các nước Đông Âu cũ trong bài viết này).

Trong thời gian này, tức là khoảng giữa năm 2012, nhân có cuộc đụng độ giữa chính quyền với người dân, một xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng và một ở tiểu bang Niedersachsen của nước Đức, nhiều bài báo đã viết và so sánh khá sâu sắc cả hai trường hợp này. Chuyện ở Tiên Lãng thì tôi không cần nói gì thêm, tôi chỉ tóm tắt những nội dung chính về vụ việc xẩy ra ở Tiểu bang Niedersachsen mà thôi. Chuyện này xảy ra đối với một gia đình người Việt, gia đình ông bà Nguyễn Trâm đã sinh sống 20 năm nay ở Đức, báo chí gọi là gia đình ông bà Nguyễn.

Dù đã sinh sống hơn 20 năm ở Đức, đang làm việc tại một công ty của Đức, hai con nhỏ đang theo học tại trường phổ thông sở tại, nhưng gia đình ông bà Nguyễn vẫn chưa được cấp phép cư trú chính thức ở Đức. Theo quy định của luật pháp Đức thì ông bà Nguyễn đã qua đủ các trình tự để làm thủ tục xin cư trú nhưng đều bị từ chối, từ Tòa án đến Quốc hội rồi Ủy ban cứu xét các trường hợp đặc biệt… Đêm ngày 8/11/2011, trừ cô con gái đầu 20 tuổi được chấp nhận ở lại học tiếp ở một trường Đại học, còn hai vợ chồng và hai con nhỏ, một 9 tuổi và một 6 tuổi bị trục xuất theo lệnh của cơ quan cảnh sát tiểu bang. Hạn trong vòng một giờ rưỡi là phải rời khỏi nhà để lên xe ra sân bay Frankfurt về Việt Nam. Việc trục xuất dù hoàn toàn đúng trình tự và thủ tục pháp luật, nhưng đã gây ra một thảm họa kinh hoàng không chỉ đối với gia đình ông bà Nguyễn mà còn gây sốc cho rất nhiều người, kể cả người Đức.

Thế là một làn sóng chống lệnh cưỡng chế trục xuất được phát động bởi những người Đức rồi kéo theo cả những người Việt tham gia. Người ta nói rằng một làn sóng phẫn nộ chưa từng có nhắm vào ông Bộ trưởng Nội vụ Tiểu bang và các cơ quan hành pháp của Bang Neidersachsen. Bắt đầu là hàng xóm, rồi phụ huynh và học sinh trường tiểu học, tổ chức nhà thờ, lan sang các nghị sĩ quốc hội của Bang và Liên Bang ứng cử ở vùng này. Mạnh mẽ nhất và bài bản nhất là các phương tiện truyền thông. Đài truyền hình vùng Bắc Đức (NDR) vào cuộc, tường thuật tỉ mỉ vụ trục xuất với sự tham gia của con gái ông bà Nguyễn. Hiệp hội giúp đỡ người tị nạn Fruchtlingsrat của Bang cũng vào cuộc bằng những chỉ trích dữ dội về “lương tâm và tính không khoan dung” của chính quyền. Các thành viên của hai đảng đối lập FDP và SPD cho rằng những gì ông Bộ trưởng Nội vụ Bang khẳng định đúng luật đều vi phạm các quan niệm cơ bản về nhân đạo của đa số dân chúng. “Một dòng thác e-mail phản đối đã ào ạt chảy về hai địa chỉ là Thủ hiến Bang và Bộ trưởng Nội vụ Bang”. Trước tình hình bức xúc này, Thủ hiến Bang, Chủ tịch và Phó chủ tịch đảng cầm quyền CDU của Bang, Trưởng đoàn Nghị sĩ đảng CDU của Bang, Cựu Phó Chánh án Tòa án Hiến pháp Liên bang… đều lên tiếng phản đối, thậm chí có đảng viên của đảng cầm quyền CDU đã tuyên bố ra khỏi đảng. Chính quyền huyện Neinburg, nơi trực tiếp thực thi lệnh trục xuất cũng ra tuyên bố rằng đáng lẽ Bang phải cấp giấy phép nhập cư cho ông bà Nguyễn đúng hơn là trục xuất. (Hình như chính quyền Tiên Lãng vẫn khăng khăng bảo đúng khi Trung ương đã bảo là sai; ông Đại tá chỉ huy vụ cưỡng chế có câu phát biểu tự khen nổi tiếng là “trận đánh đẹp” đã được lên Tướng…). Tất cả lực lượng chống đối này đều có chung một yêu cầu là phải hủy bỏ lệnh trục xuất và đưa gia đình ông bà Nguyễn trở lại Đức. Đây là chuyện về một gia đình chưa phải là người Đức mà còn như thế đấy.

“Chỉ sau ba ngày bị công luận nhất loạt phản đối, theo đề xuất của nhóm nghị sĩ đảng Linken, Quốc hội Bang đã cho mở một phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Bang cùng với những yêu cầu sửa đổi Luật cư trú và đón gia đình ông bà Nguyễn trở lại Đức. Bộ trưởng Schunemann đã giải trình các thủ tục pháp lý mà gia đình ông bà Nguyễn đã thực hiện như qua các tòa án từ thấp đến cao, Quốc hội, Ủy ban cứu xét…, tất cả đều bị bác bỏ và bộ ông không thể làm gì khác được. Nhưng vụ trục xuất này đã không còn dừng ở phạm vi pháp luật nữa mà là tính người, “bởi thế tôi, Bộ trưởng cũng có tim, không thể nhắm mắt trước sự khốn cùng của con người, tôi đề nghị phải bổ sung luật và cho đón gia đình ông bà Nguyễn trở lại Đức”. Cũng lại là một tuyên bố gây sốc theo chiều ngược lại.

Cuộc chiến pháp lý này dẫn đến hai kết quả: Bộ Tư pháp ra quyết định hủy quyết định trục xuất gia đình ông bà Nguyễn về Việt Nam và Quốc hội thông qua việc bổ sung điều khoản 104a, phải cấp giấy phép lưu trú cho người nước ngoài có con nhỏ đã sống ở Đức từ 6 năm trở lên. Sau 83 ngày, đúng 10 giờ 55 phút sáng ngày 31/1/2012, ông bà Nguyễn cùng hai con được cấp phép và cấp cả vé máy bay trở lại Đức sinh sống đã xuống sân bay Hannover-Langenhagen trong sự đón tiếp cũng nồng nhiệt và cảm động chưa từng có của nhiều bạn bè người Việt và người Đức, của hơn 30 đại biểu người Đức đại diện cho các tổ chức, các trường học, hội đoàn, các nhà báo, các em nhỏ là bạn của hai con gia đình ông bà Nguyễn, có cả biểu ngữ, bóng bay và rất nhiều hoa…

Một số người đề cao nhân quyền và dân chủ ở nước ta thường nói tới tinh thần “thượng tôn pháp luật” ở phương Tây như một tấm gương mà ta có thể học tập. Điều này không sai nhưng có lẽ ở ta thì còn lâu nữa mới có cái “thượng tôn” ấy, còn ở Tây thì đã cao hơn thế. Bộ máy nhà nước ngày nay của Đức và một số nước Bắc Âu không chỉ có pháp luật và thực thi pháp luật mà đã ở một đẳng cấp cao hơn. Các bạn nào đã học tập nhiều năm ở Đức thì chắc là rất thấm cái triết lý sống của người Đức ở trong xã hội Đức, cho dù là nước Đức xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa. Nhưng nay, các quan chức cao cấp trong chính quyền Đức không chỉ nói luật pháp một cách cứng nhắc, vô cảm mà họ đã nói và hành xử theo cả cái Tâm ở bên trên và bên ngoài luật pháp. Trao đổi sự trăn trở này với vài bạn già sống ở Đức thì các bạn tôi lại nói như đùa rằng chế độ này đang tiến dần về xã hội “Đức trị” phương Đông! Không có chuyện như vậy vì cái gọi là Đức trị của Khổng Mạnh thực chất cũng là thứ phép tắc khắt khe do các ông “Thánh nho” bày đặt ra, kiểu tam tòng, tứ đức hay tam cương, ngũ thường… Cái đức đặc sệt phong kiến cường quyền ấy lại được phái lý học của các nhà Chu Hy, Trình Di nhào nặn thêm càng đậm chất quan liêu, sáo rỗng, không nên cơm cháo gì. Theo tôi, nếu tiến như thế này thì bộ máy công quyền Đức và một số nước Bắc Âu sẽ đi dần đến cảnh giới Tâm từ bi của Phật giáo hoặc đến chỗ Vô vi của Lão giáo vậy.

Chúng ta thử nghĩ xem, vụ Tiên Lãng, những công bộc của dân, những người thi hành công vụ cũng nói thực thi pháp luật mà chắc khác thế này lắm lắm.

2/ Có một thứ “thượng tôn” khác rất đáng quan tâm, đó là đề cao việc bảo vệ và kiến tạo môi trường sống cực kỳ trong sạch và tự nhiên. Họ đặt quyền sống của tất cả các loài ngang với quyền con người và được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt. Lại đúng là tư tưởng Phật giáo và Lão giáo nữa: Vạn hữu chúng sinh đều bình đẳng. Hoặc như trong Nam Hoa Kinh, Trang tử cũng có một chương mang tên “Tề vật luận”, bàn về sự ngang nhau của muôn loài.

Con trai của chúng tôi đã sinh sống nhiều năm ở Đức bằng việc mở quán ăn, mà khổ nỗi phải lấy tên China Restaurant mới có khách! Tôi thấy một dãy thùng rác to vật vã để liền nhau trong đó có một thùng đựng dầu rán thừa hàng ngày. Hỏi cháu, nó bảo rác phải phân loại ngay từ đây, nếu con đổ lẫn lộn các loại giấy, xương, nilon, nhựa cứng, hộp cứng… là họ trả lại ngay. Riêng dầu rán bỏ đi của quán, phải tự mình đem đến nơi quy định để xử lý, nếu đổ xuống cống rãnh thì trong phạm vi 24 giờ, cảnh sát môi trường đến lập biên bản ngay lập tức bởi họ có máy dò, không chối vào đâu được. Ba mẹ ở đây cũng phải nhớ phân loại rác giúp con, không để họ trả lại. Thế là chúng tôi cũng thành người Đức được một thời gian.

Sách báo của bạn không nói nhiều đến hai chữ tiết kiệm, nhưng các cháu nhà tôi luôn nhắc ông bà tiết kiệm điện, tiết kiệm nước. Nước chẳng hạn, không có gì hạn chế chúng ta dùng nước cả, nhưng một khối nước sạch ta dùng thì người ta cũng tính tiền một khối nước thải. Vậy nhưng giá một khối nước thải cao gấp ba lần một khối nước sạch. Cứ thế mà trả tiền thôi. Lấy tiền đó, bạn đã xây khắp nơi các trạm xử lý nước thải nên các sông suối của họ cực sạch chứ không dễ tính vứt rác và xả nước thải vô tư như ở ta.

Hỏi một đứa cháu: sao đất ở đây quá rẻ, vật liệu xây dựng thì rất sẵn lại tốt thế mà không mua một mảnh đất xây nhà ở cho rộng rãi? Cháu nó bảo tiền thì không khó và xây nhà rẻ hơn ở bên nhà, nhưng thủ tục để xây một ngôi nhà ở đây khó gấp hàng chục lần ở Việt Nam, chỉ khác là không có cách gì đút lót được cả. Chú thấy trong vườn nhà con đây đã nhỏ lại bị mấy cái cây to lấn hết, không dùng làm gì được cả. Cây thì bố con trồng đã hơn 20 năm nay, lúc trồng chắc ông không nghĩ nó to đến như vậy. Bây giờ con muốn chặt bốn cái cây này đi là đại vấn đề. Trước hết, con phải làm một luận chứng trình bày cho thuyết phục vì sao phải chặt bốn cây này. Luận chứng thứ hai là con sẽ phải trồng lại ít nhất là bốn cây tương tự ở đâu (lại chờ cho đến lúc cây mới trồng ra lộc được kiểm chứng mới được chặt). Mà chuyện trồng ở đâu là không đơn giản vì lại phải mua một mảnh đất tương đương ở đâu đó chỉ để trồng lại mấy cây của nhà mình định chặt đi… Mà không phải chỉ có phường xã đâu, phải qua cấp quận, cấp tỉnh đấy. Đụng vào môi trường ở xứ này như đụng vào người đấy chú ạ. Mai con đưa chú đi xem. Xem họ xẻ một quả núi thấp để làm đường cao tốc.

Cháu nó bảo họ có cả “hàng chục cân thủ tục” mình không cần biết, chú cháu mình chỉ đi xem họ đang xây hai cái cầu qua đường cùng với việc làm đường. Tôi rất ngạc nhiên vì cầu xây khá to, đẹp và vững chắc, nhưng trên mặt cầu lại trồng cỏ và hai mố cầu chẳng có đường gì cả. Tôi hỏi cháu cầu xây kiểu gì đây? Bắc cầu cho thú đi lại thôi! Từ xửa xưa, tất cả các con vật sinh sống ở đây đều tự do đi lại. Nay con người vì lợi ích của mình mà xẻ núi ra làm đôi, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bọn thú, nên ngoài hàng rào an toàn để thú không chạy ra đường cao tốc, họ phải làm hai cái cầu này cho bọn thú đi lại như cũ ấy mà. Trời ơi! Không phải chưa từng sang các nước châu Âu, vậy mà nghe cứ như chuyện ở hành tinh nào lạ lẫm quá, trong lòng tôi cứ nghĩ mãi đến chuyện “làm cầu cho thú qua lại”. Lại nói thượng tôn pháp luật chắc chưa đủ. Họ đặt ngang hàng quyền sống của muôn loài với chính loài người vậy thôi.

Có một điều tôi băn khoăn mà khi đang ở bên đó không ai giải thích cho cả: đã đi qua chín nước với nhiều chợ, nhiều cửa hàng, kể cả các cửa hàng thực phẩm được gọi là cửa hàng châu Á ở Đức, ở Pháp và cả ở Hungary mà không thấy hàng Việt Nam bán ở đâu cả, kể cả gạo, các loại trái cây và rau củ, cá tôm… Toàn hàng sản xuất từ Trung Quốc, Thái Lan, các nước Nam Mỹ. Một người bạn ở Hungary nói với tôi có lẽ ở các nước Đông Âu cũ có nhiều hơn vì thị trường xưa đã quen, còn các nước tư bản chủ nghĩa thì trước đây hàng ta không vào được nên nay không nhiều. Cũng có thể như thế nhưng vấn đề là vị thế của hàng hóa Việt Nam chưa ở tầm nào trong xứ này cả, kể cả gạo, chè, cà phê, tôm, cá là những mặt hàng nước ta có khối lượng lớn và chất lượng không tồi.

 

Hà Nội, tháng 5/2013.

N. T. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.