Nội dung
Dẫn đề…………………………………………………………………………………………tr. 1
I – Vài nét về thế giới hôm nay………………………………………………………………tr. 3
II – Đôi lời về Mỹ …………………………………………………………….………………tr. 4
III – Đôi điều lưu ý về Mỹ…………………….. .………………………………………….tr. 11
IV – Trung Quốc trở thành vấn đề của cả thế giới……………………….…………………tr. 28
V – Siêu cường đang lên Trung Quốc có thể với tới đâu……………….……………………tr. 43
VI – Siêu cường Trung Quốc không thể lãnh đạo thế giới…………………………………tr. 52
VII – Nhìn lại chặng đường 38 năm…………………………………………………………tr. 63
VIII – Thách thức, cơ hội và sự lựa chọn của Việt Nam ……………….…………………tr. 96
Tài liệu tham khảo………………………………………………………………………… tr. 123
*
Dẫn đề
Ngày 12-07-2013, một ngày như mọi ngày. Song đây là ngày tôi bắt đầu sưu tầm các tài liệu cho việc ghi lại những suy ngẫm của mình về thời cuộc. Lên mạng, thấy các kênh truyền thông trong nước đưa tin:
– Phát huy kết quả chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Trương Tấn Sang;
– Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương khai mạc vòng đối thoại song phương (hàng năm, lần thứ 5) về Chiến lược và Kinh tế;
– Tin Tổng thống Obama sẽ đón tiếp Chủ tịch Trương Tấn Sang vào ngày 25-07-2013;
– 2 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị hải quân Trung Quốc tấn công, chặt cờ, cướp săng dầu và thiết bị, hành hung ngư dân… trong vùng biển Hoàng Sa; cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, ông Lương Lê Phương, lên tiếng: “…phải hỗ trợ ngư dân khi đánh bắt trên biển. Phải thành lập lực lượng kiểm ngư mạnh, đủ tầm để bảo vệ ngư dân khi đánh bắt xa bờ…”
– Thương lái Trung Quốc hoành hành khắp các vùng từ Bắc chí Nam trong cả nước ta, thực hiện nhiều hoạt động lũng đoạn như: thu gom mua vải thiều, dìm giá nhãn đang vào mùa, thu mua các hàng độc như móng trâu, rễ quế, đỉa, râu ngô, lá điều, mua vơ vét dừa khiến nhiều nhà máy chế biến dừa của ta chỉ còn hoạt động được khoảng 1/3 công suất…
– Trung Quốc phản ứng dữ dội bác bỏ Sách trắng Quốc phòng 2013 của Nhật…
– Hải quân hai nước Nga và Trung Quốc lần đầu tiên cùng nhau tập trận lớn…
– Vụ Edward J. Snowden rầm rĩ báo chí mọi phương trời và gây rắc rối cho một số nước …
– Liên hiệp quốc tiếp tục bó tay trong vấn đề nội chiến Syri đã kéo dài hơn 30 tháng không làm sao có được giải pháp, vì Nga và Trung Quốc đi với chính quyền Asad và sử dụng quyền veto ngăn cản mọi quyết định của Hội đồng Bảo an LHQ; Mỹ và phương Tây không chấp nhận chính quyền tàn sát phong trào nổi dậy…
– IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 2013 giảm –0,2% so với 2012 vì những khó khăn của những nền kinh tế lớn và các châu lục còn nguyên vẹn…
Vân vân…
Trong một ngày như mọi ngày, những mẩu tin như vậy có vẻ như rời rạc, chẳng ăn nhằm gì với nhau, nhưng lại phản ánh đầy đủ nhất tình hình địa chính trị toàn cầu đầy xáo động đang diễn ra và những tác động vào Việt Nam. Đời sống quốc tế hiện tại là sự tổng hợp những ngày đầy ắp những sự kiện nóng bỏng như thế.
Tìm hiểu những chuyển biến đang diễn ra trên bàn cờ quốc tế hôm nay và nhận định xu thế của chúng với những phân tích khách quan, để rút ra những đánh giá, nhận định cần thiết, đấy là mong muốn của chuyên đề này.
*
I – Vài nét về thế giới hôm nay
(1) Việc Mỹ dưới thời Obama (nhiệm kỳ I bắt đầu từ ngày 20-01-2009) tìm cách mau chóng rút ra khỏi chiến trường Iraq và Afghanistan để tập trung sự quan tâm của mình vào chính sách “trục xoay hướng về châu Á – Thái Bình Dương” (ngoại trưởng Hillary Clinton công bố ngày 14-10-2011); (2)việc Trung Quốc với tính cách là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ) đã thôi náu mình trong cái vỏ “trỗi dậy hòa bình” để công khai tham lam hơn trên thị trường thế giới và hiếu chiến hơn trên Biển Đông, qua đó đang trở thành mối lo của cả thế giới; và (3)tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay tiếp tục kéo dài, thậm chí đang ngày càng đặm nét của một cuộc đại suy thoái toàn cầu lần thứ hai (lần thứ nhất là cuộc đại suy thoái toàn cầu 1929 – 1933), có lẽ đấy là 3 yếu tố nổi bật nhất chi phối tình hình địa chính trị và địa kinh tế toàn cầu hiện nay.
Hệ quả là tất cả các quốc gia trên thế giới, dù lớn dù nhỏ, dù tọa độ tại châu lục hay vùng nào, đều phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế, nhiều vấn đề chính trị (đối nội cũng như đối ngoại) mà trước đây họ chưa bao giờ gặp phải:
– Trong quá trình toàn cầu hóa ở giai đoạn hiện tại, sự vận động của kinh tế thế giới đặt ra cho mọi quốc gia những đòi hỏi mới về cải cách và cấu trúc mới nền kinh tế nước mình, nhằm phát huy tốt hơn động lực của nội địa và tạo ra năng lực cạnh tranh mới. Những đòi hỏi và thách thức mới này sâu xa đến mức kinh tế của mỗi nước gần như phải làm mới mình về cấu trúc và hệ điều hành, để thích nghi và phát triển được trong bối cảnh quốc tế hôm nay.
– Thể chế chính trị và chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia bắt buộc phải đáp ứng được những đòi hỏi mới của phát triển kinh tế trong nước cũng như những vấn đề mới trong trật tự quốc tế “một siêu đa cường” đã hình thành; những thách thức truyền thống và phi truyền thống trong quan hệ quốc tế tiếp tục đan xen nhau rất phức tạp; xung đột lợi ích và tập hợp lực lượng trong các mối quan hệ song phương, đa phương, khu vực, quốc tế ngày càng đa dạng và phức tạp. Ở nấc thang mới hiện nay của quá trình toàn cầu hóa, hơn bao giờ hết thể chế chính trị của một quốc gia một mặt phải đáp ứng tốt nhất những chuẩn mực quốc tế chung, mặt khác nó còn phải có khả năng phát huy tối đa nội lực của mình trong xử lý mọi vấn đề nó phải đối mặt.
– Trong những biến động mới của một trật tự một siêu đa cường đã hình thành, những đòi hỏi truyền thống của nhân loại (1)về hòa bình, (2)về phát triển, (3)về dân chủ và quyền con người, (4)và về gìn giữ môi trường… là những giá trị toàn cầu phổ cập, đang ngày càng được chú trọng hơn trong các chuẩn mực chi phối các mối quan hệ và trật tự quốc tế. Trật tự quốc tế mới một mặt làm xuất hiện những tập hợp lực lượng mới, song đồng thời cũng ngày càng chịu sự chi phối của những giá trị toàn cầu này. Nói một cách khác: Những giá trị này có tính phổ cập toàn cầu ngày càng cao và trở thành một xu thế chung ngày càng lớn. Các tập hợp lực lượng đang diễn ra trong trật tự quốc tế mới hôm nay đều tận dụng, lợi dụng, hay bám vào sự vận động này. Quốc gia nào thành công nhiều nhất trong phấn đấu cho những giá trị toàn cầu này, sẽ có được tập hợp lực lượng đáng mong muốn nhất cho chính mình.
II – Đôi lời về Mỹ
Trong giới nghiên cứu không ít ý kiến cho rằng Mỹ là một siêu cường đang đi xuống. Cách đánh giá này dựa vào nhận định chung cho rằng ảnh hưởng của siêu cường Mỹ đang “nhỏ” đi (a)so với thời cao điểm sau khi kết thúc chiến tranh lạnh (các nước Liên Xô – Đông Âu sụp đổ 1989-1991), (b)so với kết quả đạt được trong những vấn đề nó phải giải quyết, (c)so với những thách thức mới nó phải đương đầu, và (d) so với sự lớn mạnh của các cường quốc khu vực và một số quốc gia đối tác / đối thủ. Nói một cách khác: Nước Mỹ đang ngày càng chậm hơn so với những diễn tiến trên thế giới liên quan đến nó, ngày càng nhỏ đi so với vị thế siêu cường duy nhất của nó[2].
Có rất nhiều số liệu và dữ kiện làm căn cứ cho nhận định nói trên.
– Về kinh tế Mỹ, cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2008 mang tính khủng hoảng cơ cấu và thể chế, chịu nhiều tác động sâu sắc của những quan điểm của chủ nghĩa tân tự do bắt đầu từ thời R. Reagan; mặt khác quá trình toàn cầu hóa kinh tế – nhất là vấn đề “outsourcing” tạo ra những mất cân đối mới về cấu trúc. Có thể nói đây chính là cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản Mỹ (F. Fukuyama, P. Krugman…). Cuộc khủng hoảng này tuy đã qua thời kỳ chạm đáy, song hiện nay về cơ bản vẫn là “đi ngang” hay đang bước vào thời kỳ phục hồi chậm chạp.
Từ nhiều năm nay, nợ công của Mỹ đã vượt 100% GDP, thâm hụt cán cân thương mại và dịch vụ bắt đầu giảm nhưng vẫn còn cao (540 tỷ USD năm 2012 so với 559 tỷ USD năm 2011…), trong đó riêng thâm hụt cán cân thương mại và dịch vụ với Trung Quốc giảm nhiều song vẫn còn rất cao (năm 2012 là -315 tỷ USD, những năm cao nhất trước đó ước khoảng từ -400 đến -450 tỷ USD/năm), tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm nhưng vẫn ở mức cao (năm 2009 là 11%, năm 2012 là 8,2%), tỷ lệ lạm phát bắt đầu giảm (năm 2012 là 1,8%, vài năm trước đó là <2%) … Nói một cách tổng quát, những tổn thất mọi mặt kinh tế Mỹ đang phải gánh chịu trong cuộc khủng hoảng hiện nay gần tương đương với những tổn thất của kinh tế Mỹ trong đại suy thoái kinh tế thế giới lần thứ nhất (1929 -1933), những vấn đề nước Mỹ hôm nay phải giải quyết có nhiều mặt trầm trọng không kém, hoặc thậm chí có những vấn đề phức tap hơn[3].
Nhiều dự báo cho rằng phải sau năm 2017 kinh tế Mỹ mới có thể lấy lại sức tăng trưởng như trước khi lâm vào khủng hoảng. Tuy nhiên điều kiện phải có cho triển vọng này là Mỹ phải thành công trong thay đổi tư duy kinh tế vỹ mô và trong kiến trúc lại thể chế điều hành – trước hết là hệ thống tài chính – ngân hàng (Lawrence Summers[4]). Nói một cách đơn giản: Mỹ phải cấu trúc lại nền kinh tế và thể chế điều hành với tư duy mới – chỉ làm như vậy mới có thể đối mặt với quá trình siêu cường Mỹ đang đi nhanh vào dĩ vãng (John Kao). Trong giới nghiên cứu Mỹ không ít ý kiến cảnh báo bản thân thể chế dân chủ của các nước phương Tây – kể cả Mỹ – đang gặp nhiều bất cập trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay[5]
– Có hay không trong quá trình suy yếu này Mỹ đã phạm phải sai lầm chiến lược (hay những sai lầm chiến lược) trong địa chính trị toàn cầu? Câu hỏi này không dễ trả lời, nhưng phải đặt ra để phân tích. Người viết bài này đứng về phía trả lời: “Có!”. Cuối năm 2010, nghĩa là ít lâu sau khi chiến tranh Iraq kết thúc, trong bài viết “Việt Nam trong thế giới của thập kỷ thứ 2 thế kỷ 21” tôi đã phần nào trình bày những suy nghĩ của mình cho câu trả lời này[6].
Hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan dù được tiến hành với bất kể lý do gì, kết quả Mỹ đạt được rất hạn chế so với mục tiêu đề ra, cái giá Mỹ phải trả là thế và lực của Mỹ bị tác động đáng kể. Mỹ đã mất 6640 binh sỹ (nếu tính cả đồng minh trong NATO là trên 8000), bị thương khoảng trên 40.000 (chưa kể đồng minh NATO), và phải chi trên 2000 tỷ USD. Kết cục, Mỹ đạt được một thế chiến lược yếu hơn so với vị thế Mỹ đã với tới được sau khi Liên Xô sụp đổ và đã duy trì được vị thế chưa từng có này cho đến khi tiến quân vào Iraq ngày 20-03-2003[7]. Thậm chí có thể nói, trong hai cuộc chiến tranh này Mỹ không đạt được một số mục tiêu chiến lược hàng đầu về địa chính trị và địa kinh tế.
Song thất bại lớn nhất của Mỹ trong hai cuộc chiến này có lẽ nằm bên ngoài chiến trường: Trung Quốc chớp được thời cơ vươn lên vị trí nền kinh tế có quy mô GDP lớn thứ hai trên thế giới, với nhiều tác động có tính toàn cầu và không ít hệ lụy cho một số nước hữu quan, nhất là các nước láng giềng. Tình hình phức tạp đến mức (a)kinh tế Mỹ và Tây Âu ngày nay rất khó được cải thiện nếu không cải thiện được các mối quan hệ nhiều mặt của họ với Trung Quốc – kể cả trên phương diện kinh tế; sự phụ thuộc lẫn nhau trong kinh tế ngày càng lớn; (b)đặc biệt là từ một thập kỷ nay Trung Quốc đẩy mạnh uy hiếp công khai bằng vũ lực trên biển, uy hiếp ngày càng trực tiếp các nước láng giềng – trong đó có các đồng minh quan trọng của Mỹ như Nhật, Hàn Quốc, có địa bàn chiến lược của Mỹ là Đông Nam Á; hòa bình ở Biển Đông bị de dọa nghiêm trọng, quyền lực mềm Trung Quốc luồn sâu vào sân sau của Mỹ ở châu Mỹ Latinh..; (c) chính sách thực dụng và 2 mặt của Trung Quốc trong một số vấn đề nóng bỏng ở châu Phi, trong những vấn đề có liên quan đến những đối tượng/đối tác rất nhạy cảm của Mỹ (Pakistan, Afghanistan, Iran, Syri, thế giới hồi giáo và vấn đề chống khủng bố…) luôn gây ra cho Mỹ những diễn biến phức tạp mới.
Nhìn theo tư duy “zero sum game” của địa chính trị toàn cầu, cũng có thể nói một cách hình ảnh: Sa lầy vào chiến tranh tại Iraq và Afghanistan, siêu cường Mỹ dưới thời Bush đã đánh mất thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 vào tay Trung Quốc[8].
– Chưa thấy các lý lẽ thuyết phục để cho rằng hai cuộc chiến tranh Iraq & Afghanistan là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Mỹ (bắt đầu từ năm 2008), mặc dù hai cuộc chiến tranh này và những hệ lụy kèm theo đã gây ra gánh nặng rất lớn cho nền kinh tế Mỹ.
Bản tổng kết của Mỹ trong thập kỷ vừa qua là: (1) kết cục không như mong muốn đã xảy ra của hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan, (2) khủng hoảng kinh tế của Mỹ diễn ra đồng thời, lại trong bối cảnh cùng một lúc toàn bộ các nền kinh tế của phương Tây (trước hết là EU và Nhật) đều rơi vào khủng hoảng lớn, giữa lúc toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang trở thành khu vực kinh tế phát triển năng động nhất của thế giới, (3) rồi đến sự lớn mạnh của các cường quốc khu vực là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ đang đặt ra nhiều vấn đề mới cho chính sách đối ngoại của Mỹ, (4)những vấn đề phức tạp có liên quan đến thế giới Hồi giáo, đặc biệt là những thách thức đặt ra trực tiếp đối với Mỹ (trong đó có nguy cơ Iran sẽ có thể sản xuất vũ khí A, nguy cơ khủng bố lại bùng phát…) hầu như còn nguyên vẹn…
Toàn bộ tình hình như thế trên cả 2 bình diện địa chính trị và địa kinh tế đã tạo ra sức ép mới, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược có tính mở đầu một giai đoạn mới: trọng tâm chính của mọi nỗ lực mới của Mỹ sẽ chuyển vào châu Á – Thái Bình Dương.
Trên bình diện địa chính trị, sư thay đổi chiến lược của Mỹ là chủ trương thực hiện “trục xoay hướng vào châu Á – Thái Bình Dương” (the pivot to Asia & Pacific).
Trên bình diện địa kinh tế, đấy là đẩy mạnh xúc tiến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership Agreement – TPP).
Đồng thời Mỹ đẩy mạnh tập hợp lực lượng dưới ngọn cờ hòa bình – phát triển – dân chủ & quyền con người – bảo vệ môi trường. Đối tượng chủ yếu của Mỹ trong chiến lược trục xoay này và trong TPP là Trung Quốc.
Như vậy hoàn toàn có thể nói: Trật tự quốc tế một siêu đa cường đã chấm hết thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Trong cục diện quốc tế mới này xuất hiện những “cuộc chơi” mới (các games) song phương và đa phương, trong đó các “cuộc chơi” Mỹ – Trung có xu hướng ngày càng nổi bật, có tác động sâu sắc mang ý nghĩa chi phối nhất định đối với địa chính trị và địa kinh tế toàn cầu – thậm chí là chi phối quyết định trong một số vấn đề cụ thể (ví dụ: quan hệ Mỹ – Trung trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên…).
Dù là dưới hình thức tranh giành nhau hay đối phó, dù là dưới hình thức hợp tác hay đối đầu, trong tình hình nhất định không loại trừ đụng độ quân sự.., nét nổi bật của các “cuộc chơi” Mỹ – Trung là: địa bàn chính là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đụng độ quân sự như thế nào, gián tiếp hay trực tiếp, giữa ai và ai là chính.., là những vấn đề để ngỏ. Thực tế này đẻ ra nhiều hệ lụy mới cho các nước trong khu vực – đặc biệt là cho các quốc gia từ Nhật trở xuống tới hết vùng Đông Nam Á.
Những nỗ lực của Mỹ dồn vào chuyển hướng chiến lược mới này là toàn diện và rất lớn: Những biện pháp vực dậy nền kinh tế, đổi mới hệ thống tài chính tiền tệ, cải cách giáo dục – đặc biệt là hệ đại học..; khắc phục tình trạng sa lầy ở Iraq và Afghanistan (bao gồm cả chủ trương tiến hành đàm phán trực tiếp với phe Taliban), xắp xếp lại quân đội theo hướng đẩy mạnh hiện đại hóa và tối ưu hóa hơn nữa; giảm ngân sách quốc phòng (tổng mức phải giảm từ nay cho đến trong vòng 10 năm tới là 500 tỷ USD) nhưng vẫn phải ưu tiên nâng cao vị thế và sự có mặt về quân sự của Mỹ ở khu vực CA-TBD (nhất là tại Nhật, Philippines, Đài Loan, Úc…); bố trí lại hải quân đáp ứng những ưu tiên mới này trên khu vực CA-TBD; tăng cường hợp tác và sự có mặt quân sự của Mỹ tại Úc; gia tăng các mối quan hệ với Ấn Độ, Myanmar; cổ vũ sự hợp tác của ASEAN…
Đồng thời Mỹ tiến hành nhiều hoạt động kinh tế và chính trị khác tăng cường các mối quan hệ đồng minh và liên minh của mình với mọi đối tác truyền thống ở các châu lục; tìm cách cải thiện quan hệ với một số nước châu Mỹ Latinh bất hòa – chủ yếu ở Nam Mỹ; giảm bớt những căng thẳng với thế giới đạo Hồi… Có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ tích cực thúc đẩy hòa đàm Israel – Palestine, thậm chí đang tính đến những bước đi mới với Iran… Cùng với các đồng minh và liên minh của mình và thông qua tăng cường mọi hình thức hợp tác, Mỹ đang ra sức nâng cao vai trò của các thể chế khu vực và quốc tế mọi dạng – từ các diễn đàn như G7, G20.., đến các thể chế như UNO, WTO, IMF, WB, các diễn đàn với ASEAN, đẩy mạnh các vấn đề chung như môi trường, vấn đề chống các thách thức truyền thống và phi truyền thống (trong đó có những vấn đề hệ trọng như Không phổ biến vũ khí A, vấn đề chống khủng bố)…
Không phải ngẫu nhiên đã có không ít tiếng nói của Trung Quốc – đặc biệt là nhóm “diều hâu” trong quân đội… – cho rằng: Mỹ đang thực thi chiến lược bao vây Trung Quốc!
Mỹ có theo đuổi một chiến lược bao vây Trung Quốc không?
Câu hỏi này cũng được đề cập đến trong giới nghiên cứu – kể cả ở Mỹ. Đương nhiên chính giới Mỹ chính thức bác bỏ sự nghi ngờ này (!). Trong đối thoại kinh tế & chiến lược Mỹ – Trung lần thứ 5 (Obama – Tập Cẩm Bình ngày 07 & 08-06-2013), Obama nhấn mạnh xây xựng mối quan hệ nước lớn dựa trên sự tin cậy chiến lược (strategic trust).
Giới nghiên cứu Mỹ cũng có không ít ý kiến cho rằng không có khả năng ngăn chặn hay bao vây Trung Quốc; hợp lý và khả thi hơn là phải hướng Trung Quốc vào thực hiện trách nhiệm nước lớn của mình đối với thế giới (K. Rudd, J. Cassidy. R. Klapan…).
Song dù thừa nhận hay không thừa nhận, “pivot to Asia & Pacific” và “TPP” trước hết hay sâu xa là nhằm kiềm chế Trung Quốc.
N. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
[1] Bài viết phục vụ công việc nghiên cứu của sinh viên và giảng viên. Tác giả giữ bản quyền.
[2] Khoảng mươi năm nay, ở Mỹ xuất bản khá nhiều sách, các bài nghiên cứu, các bài báo của những tác giả có tên tuổi nói về chiều hướng đi xuống của siêu cường Mỹ. Có thể rút ra từ những ấn phẩm này một nhận xét khái quát là: Xu thế chung đi xuống này của siêu cường Mỹ là rõ rệt, tuy có những lúc thăng trầm khác nhau, nhưng đây là một quá trình dài. Khác với sự suy vong của các đế chế trong quá khứ, siêu cường Mỹ tuy có ảnh hưởng ngày càng thu hẹp, nhưng do bản chất sự phát triển của nó nằm trong trào lưu phát triển chung của thế giới, nên trong một tương lai nhất định Mỹ vẫn giữ được vai trò đi đầu , vai trò lãnh đạo với nghĩa rất có giới hạn, trong sự vận động của thế giới; và đây là sự khác biệt quan trọng giữa siêu cường Mỹ và các đế chế trước nó. Siêu cường Mỹ chưa bao giờ là một đế chế, mặc dù có thời nó rất khát vọng điều này, “Pax Americana” vĩnh viễn chỉ là một ước mơ trong quá khứ.
[3] (1) Tham khảo: J. Bradford DeLong “The Second Great Depression – Why the Economic Crisis Is Worse than you Think” – Foreign Affairs July/August 2013.
(2) Mark Urban – “Is the United States an empire in decline?”, BBC 20-09-2012
[4] (a) Tìm xem cuộc trao đổi ý kiến tại London School of Economics giữa LAWRENCE SUMMERS, AXEL WEBER, MERVYN KING, BEN BERNANKE và OLIVIER BLANCHARD – March 25, 2013
(b) Tham khảo thêm: John Kao “Innovation Nation: How America Is Losing Its Innovation Edge, Why It Matters, and What We Can Do to Get It Back”.
© Tham khảo thêm: Các số liệu thống kê về tình hình kinh tế Mỹ trong CIA – World Factbook 2012, phần về USA – https://www.cia.gov/library/publications/the-world–factbook/geos/th.html
[5] Tìm xem: Charles A. Kupchan. “Tình trạng bất ổn tại các nước dân chủ”, tạp chí Phía trước, do Trần Ngọc Cư dịch.
[6] Tìm xem: Nguyễn Trung, “Việt Nam trong thế giới của thập kỷ thứ hai thế kỷ 21” www.tapchithoidai.org/…/201018_NguyenTrung.htm
[7] Điều này không có nghĩa nếu Mỹ chẳng làm gì thì hôm nay có thể sẽ có vị thế quốc tế cao hơn. Cuộc sống thực tế của quan hệ quốc tế không có gì đứng yên một chỗ. Đứng yên và không phát triển đồng nghĩa với tụt hậu, với chết lâm sàng và dẫn tới bị loại bỏ. Vấn đề chỉ là lựa chọn quyết định hành động nào mà thôi.
[8] Hãy đặt các vấn đề đạo lý – chính nghĩa và phi nghĩa, nhân đạo và vô nhân đạo, tiến bộ và phản động v… v… – sang một bên, tiến hành chiến tranh ở Iraq và Afghanistan có thể siêu cường Mỹ đã tính toán: Đây là bước mạo hiểm phải thực hiện, với triển vọng mở ra một cục diện mới trong trật tự quốc tế với lá cờ Mỹ sẽ được giương cao hơn, vì thời cơ xuất hiện cho Mỹ sau sự kiện 11-9 (September 11th) rất quyến rũ! Siêu cường nào mà lại chịu bỏ lỡ cơ hội nâng cao vị thế và uy quyền của mình? – còn thành hay bại lại là chuyện khác! Hơn nữa không thể bỏ qua thực tế: Sự kiện 11-9 đã thách thức Mỹ chí mạng. Là siêu cường và vì lo nhiều hậu họa khó lường, nên Mỹ không thể khoanh tay chấp nhận. Có thể xem bước phiêu lưu này của Mỹ như một nỗ lực của chủ nghĩa tân tự do, vốn hình thành từ thời Reagan – Tatcher và trở thành một nếp nghĩ sâu sắc ở Mỹ, nhất là trong kinh tế? Có thể đánh giá đấy là một phiêu lưu có tính toán, nhưng thực tế đã cho thấy Mỹ tính toán chưa hết và do đó phải trả giá? Bởi vì trước khi bước vào 2 cuộc chiến tranh này, Mỹ đã có rất nhiều bài học của chính mình, bài học thảm bại của Liên Xô cũ trong chiến tranh Afghanistan… V… v… Chú dẫn này chỉ nhằm lưu ý: Cường quốc có lối suy nghĩ riêng và hành động riêng của cường quốc – kể cả những phiêu lưu nó dám chấp nhận, người đọc không nên hiểu cường quốc theo cách nghĩ của mình, cũng không thể dậy khôn họ. Cách nhìn nhận đối với Trung Quốc cũng vậy.