Có đâu như ở Việt Nam?

Không biết trên hành tinh này có nước nào chi ngân sách quốc gia giống như Việt Nam?

Ở Việt Nam chúng tôi, dưới thể chế Chuyên chính Vô sản, ngoài chi tất nhiên cho hệ thống bộ máy công quyền, còn phải chi cho hệ thống Đảng Cộng sản (Đảng) và hệ thống tổ chức quần chúng của Đảng – gọi tắt là chi cho “hệ thống chính trị”. Với cái “kiềng ba chân” này, người dân chúng tôi nộp thuế nuôi muốn ẹo xương sống.

Bộ máy hành chính được cấu tạo theo thể thức “Đảng cử, Dân bầu”, nó mắc bịnh quan liêu, cửa quyền nặng lắm. Nhưng, một xã hội mà không có bộ máy quản lý nhà nước thì làm sao được – phải vui dầu nó “hành là chính”!

Bộ máy Đảng được tổ chức ban bệ song trùng với bộ máy Nhà nước, bao gồm: Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức, Ban Kiểm tra, Ban Nội chính, Ban Tài chính, Ban Dân vận, v.v. Chưa hết, còn kèm theo hệ thống trường Đảng (trường chính trị), hệ thống báo chí của Đảng – báo biếu chớ không phải báo bán (vì không bán được, hoặc thực chất là lấy tiền thuế của dân mua báo để phát không trong các cơ quan nhà nước – BVN) – và ăn theo báo là những nhà xuất bản, nhà in tiêu tiền như. Đất nước chỉ có một Đảng chớ phải nhiều Đảng như thế thì người dân chúng tôi đứt hơi luôn!!!

Bộ máy đoàn thể quần chúng của Đảng cũng đông lắm, chịu sự chỉ huy trực tiếp của Ban Dân vận của Đảng gồm: bao trùm là Mặt trận Tổ quốc; giai cấp có Công đoàn, Nông dân; giới có Phụ nữ, Thanh niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản, và ăn theo là các hội như Hội Cựu Chiến binh chẳng hạn!

“Kiềng ba chân” mà tôi vừa kể là những tổ chức Hiến định, được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận. Vì vậy, về chế độ đãi ngộ, để cho công bằng, từ trụ sở làm việc, lương bổng đến phương tiện đi lại, v.v. đều được hưởng như nhau, từ nguồn ngân sách quốc gia.

Đảng viên đi trước làng nước theo sau” ứng dụng trong hành động thì quá đúng, vì lẽ lãnh đạo phải gương mẫu, nhưng ứng dụng nó vào hưởng thụ thì không ổn, ngoài làm phương hại đến uy tín của Đảng còn làm tổn thất ngân sách quốc gia, bần cùng hóa nhân dân. Xin kể vài việc ở tỉnh tôi để đọc giả hình dung:

– Vào những năm 80, chê Dinh Tỉnh trưởng Việt Nam Cộng hòa để lại, Tỉnh ủy mời kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (tác giả xây dinh Độc Lập ở Sài Gòn thời Việt Nam Cộng hòa) thiết kế xây Tổng hành dinh của mình rập khuôn dinh Độc Lập. Đảng xây mới thì phải cho Chính quyền xây mới. Sở Tài chính, cơ quan nắm tiền, dẫn đầu xây mới thì phải cho các sở khác xây mới – cơ quan nào cũng xúm nhau đổi mới trụ sở. Tỉnh ủy đặt hệ thống điều hòa thì các nơi ứng lên xin tiền đặt máy điều hòa. Cứ cơ quan Đảng đi trước, cơ quan Nhà nước theo sau, chơi xả láng. Hết ganh đua “đổi mới” trụ sở trong tỉnh đến ganh đua với tỉnh bạn. Dầu mới xây nhưng thấy thua kém người ta, thì đập xây lại cho nếu không hơn cũng ngang bằng bè bạn, coi cho được. Có nhiều cơ quan 38 năm qua ít nhất hai lần đập xây lại lộng lẫy, cờ phướn thường xuyên phần phật trước gió. Giờ đây, Tỉnh ủy đang đập công trình của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ để xây theo bản vẽ của kiến trúc sư nào tôi không biết, không dám nói ẩu.

– Phương tiện đi lại, công tác phí, tiếp khách, điện thoại… vô tội vạ, không sao kiểm soát được. Đi về quê, đi thăm người thân, đi nhậu… cũng dùng công xa và được tính là đi công tác cho cả thầy trò; gọi điện thoại cho bồ nhí cũng do công quỹ chi tiền, mở tiệc hay vào nhà hàng đãi bè bạn cũng được chi bằng quỹ tiếp khách, v.v. và v.v.

Quả là dân Việt Nam ta quá bất hạnh, phải nộp thuế để ngoài phải chi cho “kiềng ba chân”, còn phải chi đền ơn đáp nghĩa do hậu quả của nhiều cuộc chiến tranh để lại như thương binh liệt sĩ, người có công, v.v.

Trừ mặt hàng không khí chưa thu, các thứ khác đều đã tận thu, người dân ngoài chịu các thứ thuế chính ngạch đã quá cao so với các nước, còn phải chi cho các thứ không chính ngạch như những khoản phải đóng góp do địa phương sáng tác, phí lót tay cho quan chức để sớm được việc, phí học đường, phí chữa bịnh, v.v.

Quốc hội luôn than bội chi, nợ nần chồng chất… Thu đã tận thì không thể tăng, chỉ còn giảm chi. Giảm ở đâu, theo tôi chỉ còn những chỗ không hợp lý mà tôi vừa nêu ở những phần trên. Phải bắt chước các nước cChâu Âu “thắt lưng buộc bụng” để nền kinh tế khỏi sụp đổ. Có điều, với Việt Nam ta, dân đã thắt sát eo, chỉ còn thắt ở những cơ quan và những “bụng phệ” đang phung phí ngân sách quốc gia.

Chuyện tham ô lãng phí ở Việt Nam ta thuộc loại truyện dài nhiều tập – “biết rồi, khổ quá, nói mãi!”. Để kết thúc bài viết, tôi xin gởi đến quý độc giả bài thơ sau:

Sống chết như ông (bà)

Làm việc như ông (bà) sướng bậc tiên,

Việc gì cũng có trợ lý riêng,

Xe đưa, xe rước trưa, chiều, sớm…

Trần thế khác gì chốn non tiên?

Tiếp khách kiểu ông sướng quá tay,

Bao nhiêu phí tổn cứ chi xài,

Kê chung phiếu “đỏ” đưa ông ký,

Công quỹ phải nào của riêng ai?

Nằm viện như ông sướng bậc cha,

Nhân viên nuôi bịnh chia thành ca,

Ông sai ông khiển như đầy tớ,

Lựng bựng coi chừng ông thải ra!

Đám táng của ông lớn quá trời,

Ngày đêm phúng điếu chẳng giờ ngơi,

Tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ,

Xe nối đuôi dài đếm hụt hơi!?

20/09/2013

T. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

 

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.