Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 14)

Dịch giả: Nguyễn Quang A

Quyền lực, Đặc ân và Hệ tư tưởng trong sự Sụp đổ được Dàn xếp của Chế độ Cộng sản

(tiếp theo)

Michael D. Kennedy

Những người hậu-Cộng sản Bảo thủ

Tại hội thảo này, Mieczysław Rakowski đã đưa ra các lý lẽ bảo thủ quen thuộc nhất bảo vệ mối quan hệ giữa quyền lực và đặc ân. Ông đã không quay lại chỉ Bàn Tròn, mà đã quay lại đến 1945, và đặc biệt 1956, để viết lại sự cai trị của những người Cộng sản và sự phục vụ của họ cho dân tộc Ba Lan. Chính quyền cộng sản Ba Lan đã cử chín ngàn rưởi người đã tốt nghiệp các đại học Ba Lan, đa số họ là đảng viên, sang phương Tây để nghiên cứu, và quay về nước, họ đã tạo ra một bầu không khí mới, một bầu không khí cởi mở phóng khoáng hơn nhiều.[1] Những người Cộng sản Ba Lan cũng đã bảo vệ việc làm ăn tư nhân của nông dân sau 1956, cho phép Ba Lan trở thành nước duy nhất dưới sự thống trị Soviet trực  tiếp để có một “khu vực đỗ xe-parking orbit”[2] như vậy cho tinh thần kinh doanh.[3] Gomułka, nhà lãnh đạo của Ba Lan giữa năm 1956 và 1970, đã đặc biệt quan tâm giữ gìn chủ quyền của Ba Lan chống lại một thỏa thuận mới giữa những người Đức và những người Nga, và đã làm những gì có thể để giữ gìn nó.[4] Ngay cả người anti-Semitic (bài Do Thái) nhất đó trong số những người cộng sản Ba Lan, Mieczysław Moczar, cũng đã giúp để xây dựng nhân tố dân tộc của những người Cộng sản Ba Lan.[5] Tóm lại, Rakowski biện luận: những người Cộng sản, mặc dù tất cả các nhân tố tiêu cực của họ, đã làm những gì họ có thể để nâng cao quyền tự do bên trong Ba Lan và bảo vệ chủ quyền của nó. Vì thế, ta không được nghĩ về sự tham gia của họ vào Bàn Tròn như bất cứ thứ gì kỳ lạ, mà đúng hơn là nhất quán với việc làm những gì họ đã có thể để mở rộng quyền tự do và chủ quyền và hợp lý hóa nền kinh tế. Và chính sự cai trị tương đối thoải mái của những người Cộng sản đã là cái cho phép bản thân phe đối lập hình thành.[6] Tất nhiên phần lớn lãnh đạo của Đảng, thậm chí đến tận cuối năm 1988, đã tin rằng họ đã có thể, và đã phải, làm mà không có phe đối lập. Nhưng Rakowski cho rằng chính những người Cộng sản, cuối cùng, đã là những người đã cho phép sự thay đổi này xảy ra, và trên thực tế, chính sự thay đổi thái độ của những người Cộng sản Ba Lan đã dẫn đến sự kết thúc của chính chế độ cộng sản. Stanisław Ciosek, một nhân vật cựu Cộng sản hàng đầu, người sau đó đã trở thành Đại sứ Ba Lan ở Nga, đã đưa ra một lý lẽ khác theo cùng chủ đề: mối quan tâm hàng đầu của chính quyền cộng sản đã là để tránh nội chiến.

Nhưng hệ thống đã có thể bị sụp đổ trong một thời gian dài và theo cách khá đẫm máu. Đó là một sáo ngữ, nhưng trước khi một cái gì đó thực sự kết thúc, nó có thể đi theo nhiều cách khác nhau. Lịch sử không luôn luôn đi về phía trước. Ba Lan đã không bị định mệnh buộc để thỏa hiệp… tất cả mọi thứ đã xảy ra ở Ba Lan đã thực sự không logic. Nó trái với những kết luận rút ra từ kinh nghiệm trước đây. Nó thực sự đã không có quyền xảy ra, nhưng dẫu sao đi nữa nó vẫn đã xảy ra!… Có thể đã có Thượng đế Linh thiêng, Đức Chúa, canh gác các bước đi của chúng ta. Theo lẽ thường, và theo kết luận rút ra từ lịch sử của hệ thống, điều này đã phải dẫn đến cuộc đối đầu đẫm máu. Đã có thể đủ cho các tùy chọn khác thắng ở Liên Xô và ở Ba Lan, và khi đó không cần quá nhiều trí tưởng tượng, chúng ta có thể giả định các nỗ lực cải cách kinh tế mà không có bất kỳ thay đổi nào về hệ thống chính trị, thậm chí kể cả khả năng trải qua… Quảng trường Thiên An Môn ở Trung Quốc… Điều này đã là thật, nỗi sợ này về nội chiến, nó thực sự đã thúc đẩy chúng tôi.[7]

Chắc chắn, đã có những sự đối đầu đẫm máu giữa chính quyền cộng sản Ba Lan và các công nhân và những người khác trong quá khứ. Những người cộng sản Ba Lan gặp khó khăn để thuyết phục nhiều trong số các nạn nhân trước đây của nó rằng loại đối đầu này đã là không nhất quán với các giá trị của họ. Quả thực, có lẽ đúng là điều này đã nhất quán với chí ít một số giá trị cộng sản. Nhiều người cộng sản đã kháng cự lại ý tưởng thỏa hiệp, nhận ra trong nó sự chấm dứt quyền lực và đặc ân của họ. Thí dụ, Janusz Reykowski, một trong những nhà đàm phán cộng sản, đã mô tả cảm nhận đó về sự phản bội mà bản thân ông đã phải đối mặt. Vào ngày đảng cộng sản Ba Lan giải thể, “một thanh niên đã đến gần tôi, đưa tay ra, và với một cái nhăn mặt giận dữ trên khuôn mặt anh, đã nói, ‘Phải, cảm ơn ông rất nhiều vì đã phá hủy đảng’.”[8] Mặt khác, đối với Reykowski, lòng trung thành chính của ông, ông lập luận, đã là với “nhà nước, đất nước, và không phải bất kỳ hệ thống tổ chức chính trị cụ thể nào.”[9]

Với một quan điểm cấp tiến về quyền lực và đặc ân trong các xã hội do cộng sản cai trị, khó để ấp ủ ý tưởng rằng bất kỳ người cộng sản nào sẽ thấy sự liên kết của họ với những người có quyền thế và có đặc ân như một vấn đề về lòng trung thành với dân tộc hay đất nước. Những người cấp tiến không thể tưởng tượng rằng những người nắm quyền lực sử dụng ảnh hưởng của họ cho lợi ích xã hội. Ngay cả những người nhấn mạnh khát vọng tôn giáo để yêu thương kẻ thù của mình, như Giám mục Bronisław Dembowski, cũng có các lý do mạnh mẽ để không tin các yêu sách cộng sản đối với tính chính đáng. Nhớ lại cuộc đời riêng của mình, ông đã gợi lại một thời khắc cảm động, khi với tư cách một thành viên của “Đội ngũ Xám” (szare szeregi), một cá nhân trong trung đoàn 72 của Quân đội Quê hương khu vực Radom, lời thề trung thành trong năm 1943, ở tuổi mười sáu, một người tham gia Chiến dịch Bão táp từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1944. Tháng tư năm 1945, tại Radom, tôi đã thấy áp phích, “Bọn cướp Quân đội Quê hương biến đi” và “thằng lùn thò lò mũi xanh, phản động.” Và đó đã là phần thưởng…. Nước mắt đang trong mắt tôi bây giờ… đây đã là phần thưởng cho cậu bé sẵn sàng chết cho Ba Lan… “Thằng lùn thò lò mũi xanh, phản động”! Tôi xin lỗi… Phải, bạn có thể thấy nó vẫn còn sống, nó lại trở về?[10]

Đối với những người đã chịu đau khổ kinh khủng đến vậy dưới tay chính quyền cộng sản, thì cách nhìn cấp tiến, cách nhìn phân đôi đó về “chúng tôi versus họ,” đến một cách dễ dàng. Người ta có thể cho rằng ngược lại với hoàn cảnh nơi chủ nghĩa cấp tiến là một quan điểm thiểu số và các ý tưởng bảo thủ là bá chủ, tại Ba Lan chủ nghĩa cấp tiến đã áp đảo, và chủ nghĩa cấp tiến đó, “văn hóa chống cộng” đó, là cái diễn đạt mạch lạc quan điểm về công lý trong việc phân bổ quyền lực và đặc ân. Người ta không thể dễ dàng cho phép rằng những người cộng sản hoạt động nhân danh dân tộc. Những đòi hỏi của những người như Mieczysław Rakowski hay Stanisław Ciosek không dễ dàng được chấp nhận bởi vì chúng không hợp với văn hóa cách mạng, tuy vậy trừ phi đây là một loại cách mạng khác, dựa trên một ý nghĩa khác về quyền lực.

Cấp lực cho Cách mạng Hòa bình

Cách nhìn “cấp tiến bảo thủ” vể sự sụp đổ của chế độ cộng sản dễ thích hợp nhất với hầu hết các lý thuyết quy ước về cách mạng. Một mặt, hệ thống đã đang suy yếu vì các mâu thuẫn nội tại của nó, và mặt khác, phe đối lập ngày càng mạnh hơn và mạnh hơn. Tuy vậy, điều quan trọng là lưu ý phong trào này đã thử phát triển mạnh hơn như thế nào.

Zbigniew Bujak, một lãnh đạo của phong trào phản kháng ngầm từ 1981 qua việc ông bị bắt năm 1986, đã mô tả chiến lược của phong trào. Nó đã không quan tâm đến những cuộc đối đầu và biểu tình trên đường phố. Mỗi lần họ thử “chiến thắng phía bên kia bằng đấu tranh vũ trang,” họ đều thua. Vì thế, họ đã quyết định rằng “chiến đấu mà không có bạo lực đã là tốt nhất.” Tất nhiên đã có những khả năng khác.

… trong những ngày đầu tiên của thiết quân luật, một số người trẻ tuổi đã quyết định để có được vũ khí. Họ đã cố gắng lấy vũ khí từ một cảnh sát, một phát đạn vang lên, và cảnh sát đó đã chết. Cảnh sát mặc đồng phục đã không phải là đối thủ của chúng tôi và chúng tôi đã không thực sự chiến đấu chống lại họ. Đối thủ thật sự của chúng tôi là công an mật. Vì vậy, đó là một cái chết bi thảm và không cần thiết. Tuy vậy, tất nhiên, những người trẻ, những người hoạt động trong các tổ chức ngầm thực ra đã đang được vũ trang. Họ đã đơn giản mua vũ khí, mua lựu đạn,… Tuy vậy, chúng tôi đã thành công để thuyết phục những người trẻ tuổi ấy rằng đó không phải là cách đúng đắn để theo. Nếu giả như chúng tôi đã bước vào con đường đó, chúng tôi đã thua. Bởi vì phía bên kia thực sự muốn điều này. Và chúng tôi cũng đã biết rằng hành động khiêu khích này để đẩy chúng tôi vào vị trí khủng bố đã được chuẩn bị. Nhưng chúng tôi đã xoay xở để bảo vệ mình khỏi điều này, và tôi sẽ trung thực về nó, đã cần một nỗ lực thực sự. Những vũ khí tôi đề cập đến đã thực sự chìm dưới sông Vistula và tất cả đã là nhờ những người đứng đầu các tổ chức ngầm đã hiểu chiến lược của chúng tôi…[11]

Bujak đã nhận diện Mahatma Ghandi và Martin Luther King, Jr. như các tấm gương của phong trào.[12] Tất nhiên họ cũng đã có khát vọng tôn giáo quốc gia của họ.

Không phải tất cả mọi người đều đã theo Công giáo La Mã trong phe đối lập Ba Lan, nhưng Giáo hội Công giáo La Mã đã ủng hộ rõ ràng Đoàn Kết trong cuộc đấu tranh hòa bình của nó. Giáo hội đã phục vụ như một “nhân chứng” của các cuộc đàm phán, nhưng tất cả mọi người đã đều biết Giáo hội đã ủng hộ ai. Hơn nữa Giáo hoàng John Paul II thậm chí đã ủng hộ một nỗ lực của Đoàn Kết để đưa vào các nghiệp đoàn liên kết riêng với Giáo hội, nhận ra rằng những người cộng sản đã tìm cách chia rẽ và vì thế làm suy yếu phe đối lập.[13] Trước khi họ đi đến Magdalenka để đàm phán bí mật, phe đối lập, cả những người có định hướng Công giáo lẫn không-Công giáo, tập hợp tại Hội đồng Giám mục. Giám mục Orszulik nhớ lại: “Một lần, chúng tôi đi đến đó, chúng tôi đi xuống cầu thang, tôi, Đức Giám mục Goclowski, tất cả những người khác. Chúng tôi đang gần đến cửa, và Mazowiecki nói, ‘Nghe này, nhưng đầu tiên chúng ta phải đi đến nhà nguyện để cầu nguyện.’ Và tất cả chúng tôi đã quay trở lại, tất cả chúng tôi đã quỳ xuống, và tất cả chúng tôi đã cầu nguyện. Và đó đã là sự thống nhất. Một nhóm, một đội.”[14] Đây đã là nhiều hơn một lễ nghi. Đoàn Kết, như một giá trị, đã có nghĩa là cái gì đó sâu thẳm. Như Orszulik đã  mô tả nó,

Chỉ có một giá trị cho chúng tôi: Đoàn Kết. Và bên trong Đoàn Kết, đã có tất cả mọi người, những người theo định hướng chính trị khác nhau. Vì vậy, chúng tôi đã hết sức vất vả trong các cuộc gặp gỡ đầu tiên với phía chính phủ, khi đã có các nỗ lực để loại trừ ông Michnik và ông Kuron, để… Chúng tôi đã chống lại điều đó, hệt như Walesa lúc ấy, tin rằng có một nhu cầu để tạo ra một phổ, một nền tảng xã hội rộng lớn hơn, để cho thành công của các cuộc đàm phán đó hiện thực hơn. Cho nên đã không có ai tô vẽ cánh tả như những Trotskyite, nguy hiểm đối với Giáo hội, và nhân tiện, tại Bàn Tròn chúng tôi đã không quan tâm đến bản thân Giáo hội. Mối quan tâm của chúng tôi đã tập trung vào dân tộc, đất nước, những thay đổi trong nước, sự cải thiện tình hình ở Ba Lan, cuộc sống của người dân. Đó đã là mối quan tâm của chúng tôi chứ không phải phân chia mọi người thành những người chúng tôi thích và những người chúng tôi không thích.[15]

Đây đã là Đoàn Kết. Không chỉ là tổ chức tập thể cần thiết để thúc đẩy sự nghiệp của những người không có quyền lực chống lại những người quyền thế, mà cũng là một giá trị đạo đức, một nguyên tắc đạo lý tạo sức sống cho cuộc đấu tranh hòa bình. Giám mục Dembowski đã minh họa một số điểm của đạo lý đó trong khi nhớ lại về ý nghĩa của “các kẻ thù” đối với Giáo hội. Ông đã hoàn toàn bị ấn tượng bởi những từ xuất hiện vào đầu nhiệm kỳ giáo hoàng của John Paul II: “Giáo hội không có kẻ thù nào, cho dù có nhiều người coi Giáo hội là kẻ thù của họ.” Đức Giám mục đã mô tả chính quyền cộng sản cũng thế: họ không là kẻ thù của ông, nhưng “các nhà chức trách đã đặt bản thân họ đối lập với xã hội bằng cách áp đặt một hệ thống xã hội-kinh tế và chủ nghĩa vô thần.”[16] Theo nghĩa này, một tầm nhìn của Đoàn Kết đã được tạo ra để ngỏ cho những người hối hận và gia nhập vào xã hội. Theo tri giác này, được sinh ra từ St. Paul và được tái tạo bởi Cha Józef Tischner, Đoàn Kết là để “mang gánh nặng của nhau.”[17]

Khó để tưởng tượng việc mang gánh nặng đó thuộc những người cộng sản, nhưng có lẽ có thể hình dung được về việc mang gánh nặng của sự thỏa hiệp, và của sự đối thoại.

Tôi đã mời Janusz Reykowski tham gia một panel đề cấp đến đạo đức học. Nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng thế giới này ban đầu đã chống lại ý tưởng, nghĩ rằng sự đóng góp của ông sẽ bị phủ nhận bởi sự thực ông đã đàm phán cho những người cộng sản. Những người đã chịu đau khổ nhất, và những người trông giống các thánh hơn ông, có thể đã hầu như không thay đổi ý kiến để cho ông là có đạo đức, ông đã sợ. Hơn nữa, ông đã là một trong số người phóng khoáng ngày càng ít trong đảng cộng sản mà tin vào sự đối thoại. Khi chính quyền áp đặt quân luật trong năm 1981, nhiều nhà cải cách đã bỏ Đảng. Ông đã không bỏ và đã có khá nhiều người cộng sản chống lại sự thỏa hiệp này với kẻ thù. Quan điểm này thậm chí đã sống sót và đã có được sức mạnh nào đó với mười năm vừa qua. Một nhân vật xuất chúng từ chế độ cộng sản đã bảo ông về lý do cho Bàn Tròn.

“…những người sai đã nắm quyền lực. Nếu giả như chúng tôi đã kịp thời loại bỏ họ, chúng tôi đã thoát khỏi Jaruzelski, Rakowski và Ciosek, và đã thay họ bằng những người xã hội chủ nghĩa thực sự và những người yêu nước thực sự, thì đã chẳng cần đến toàn bộ Bàn Tròn. Và “Hãy nhìn xem,” ông ta nói, “hãy nhìn những gì đã xảy ra, bao nhiêu người đã bị đẩy vào cảnh nghèo đói bây giờ, và có bao nhiêu sự giàu có đã được tạo ra bằng việc lấy cắp tài sản nhà nước, bởi cả nomenklatura cũ và nomenklatura mới.” … có một thời điểm, đó là giữa ngày 6 và ngày 8 tháng Sáu, khi những người tư duy theo các đường lối đó đã được huy động và tràn ngập Bộ Chính trị và Ban Bí thư với yêu cầu của họ để hủy bỏ kết quả bầu cử, khi họ đã chuẩn bị một báo cáo chuyên gia rằng giải pháp duy nhất đã là hủy bỏ các cuộc bầu cử. Và đã có một cuộc đấu tranh đầy kịch tính do báo cáo đó gây ra và đã có một nỗ lực để vô hiệu hóa loại tư duy đó. Nếu bạn nói, thưa quý bà và quý ông, như ông Chủ tịch [Quốc hội] Chrzanowski đã nói, rằng quân đội sẽ không ủng hộ loại yêu cầu đó, tôi sẽ nói: ừ, tốt hơn là chúng ta đã không phải kiểm tra việc đó.[18]

Cách nhìn này về Bàn Tròn như sự phụ bạc, sự phản bội, như thế có thể thấy ở cả phía cộng sản lẫn phía bảo thủ. Cả hai bên tin vào tính đúng đắn của cuộc chiến đấu, và tầm quan trọng của việc tránh thỏa hiệp với kẻ thù. Trong cuộc đối đầu với nhau, họ đã có thể tạo ra chính cái bạo lực đã thúc đẩy Reykowski đấu tranh cho việc thương lượng và Bujak  quăng vũ khí xuống sông. Mặc dù Bujak và Reykowski đã ở các bên đối diện nhau của chiếc bàn, họ đã chia sẻ chí ít một giá trị: giải quyết một cách hòa bình những khác biệt cơ bản của họ. Tuy vậy, giá trị này về đối thoại hợp ra rao với bức tranh về quyền lực và đặc ân được mô tả trong hầu hết các công trình phân tích giai cấp? Rốt cục, nghe có vẻ giống như một sự biện minh bảo thủ cho hiện trạng, nơi quyền lực được sử dụng vì lợi ích của xã hội.

Quyền lực, Đặc ân và Thương lượng

Aleksander Kwaśniewski, Tổng thống Ba Lan và một nhà đàm phán trước đây cho bên cộng sản, đã đưa ra một luận điểm hấp dẫn cho mối quan hệ giữa quyền lực và thương lượng. Bàn Tròn đã do sự suy yếu gây ra. Đảng đã yếu, chính phủ đã yếu, và Đoàn Kết đã yếu. Và Liên Xô cũng đã yếu. Mọi người đã đều yếu. Mặt khác, nó là kết quả của sức mạnh của những người đã nghĩ rằng một bước đột phá là có thể và rằng nó có thể được thực hiện. Adam Michnik đã nhắc đến ông Walesa và Wojciech Jaruzelski. Và tôi nghĩ rằng chúng ta mắc nợ sự tôn trọng của chúng ta với hai người này, vì tại thời điểm đặc biệt đó, khi đã có quá nhiều yếu tố chưa được biết và các điểm không rõ ràng, họ đã tiến hành nỗ lực mà chính họ và bất cứ ai trong chúng ta, những người tham gia Bàn Tròn, cũng đã chẳng thể đoán trước kết quả. Nhưng điều đó đã cho thấy sức mạnh, sức mạnh mà tôi có thể nói là kết quả của kinh nghiệm Ba Lan,… Như thế một mặt, sự yếu kém, và mặt khác, sức mạnh để đưa ra một quyết định mang tầm cỡ lịch sử, như bây giờ chúng ta có thể thấy.[19]

Lý lẽ này có tính quyết định. Đã chẳng bên nào có thể “áp đặt” giải pháp riêng của mình cho bên kia, và các bộ phận đáng kể của xã hội Ba Lan “đã không tin” các bộ phận khác. Ngay cả Lech Wałęsa đã không được hơn bốn mươi phần trăm công chúng Ba Lan tin, và những người từ Đoàn Kết ngầm một thời đã tổ chức nhà máy Ursus, như Zbigniew Janas, đã không còn có thể huy động một cuộc đình công ở đó nữa.[20]

“Sự yếu” này, tất nhiên, không có nghĩa rằng họ đã buộc phải thương lượng. Những sự kích động đã là có thể, và sự đối đầu bạo lực, tất nhiên, đã là một cách để ra khỏi sự bế tắc. Trong cả hai trường hợp, tuy vậy, Jaruzelski và Wałęsa đã có khả năng thể hiện đủ vai trò lãnh đạo đối với lực lượng riêng của họ để ngăn chặn một sự chạm trán bạo lực trong cuối các năm 1989. Khi đó, trường hợp này đã có thể gợi ý rằng cuộc cách mạng được thương lượng này đã phụ thuộc vào một điều kiện về quyền lực kép bên trong một nước, với mỗi bên có một lãnh tụ rõ ràng và không bị tranh chấp, nhưng với mỗi bên có ý định thương lượng một sự thỏa hiệp, hơn là áp đặt một chiến thắng. Và điều này có liên quan trực tiếp đến lý lẽ của Lenski về hoàn cảnh khi các lý lẽ “chức năng luận” có ý nghĩa trong đàm luận về quyền lực và đặc ân.

Trong các xã hội săn bắt và hái lượm, Lenski biện luận, mức bất bình đẳng là nhỏ bởi vì có “thặng dư” hạn chế trong xã hội. Như thế có các phương tiện hạn chế mà với chúng bất kỳ một nhóm hay một cá nhân nào có thể sử dụng quyền lực đối với những (nhóm) người khác. Trong các xã hội này, sự phân bổ hàng hóa và dịch vụ có khuynh hướng được phân bố trên cơ sở nhu cầu.[21] Trong các xã hội khác, một lý lẽ từ quyền lực ngự trị. Tuy vậy, người ta đã có thể mở rộng lý lẽ này để nói rằng: trong những điều kiện nơi quyền lực được phân bổ rộng rãi, và không hệ thống thứ bậc duy nhất nào về quyền lực ngự trị, thì sự tranh đua giữa các thế lực có thể dẫn đến sự thỏa hiệp phục vụ cho lợi ích rộng hơn. Nơi mọi người đều yếu, hoặc chúng ta sẽ nói mọi người tương thuộc vào nhau, thì tăng thêm cơ hội cho nhu cầu xã hội sẽ bao trùm nhu cầu nhóm.

Chắc chắn gợi ý này cần được làm tăng thêm bởi hệ tư tưởng, theo hai cách. Thứ nhất, không có một hệ tư tưởng thúc đẩy sự thỏa hiệp nhân danh tất cả, thì “sự thỏa hiệp” chỉ có thể hoạt động nhân danh các nhóm trực tiếp đàm phán vì quyền lực. Để cho sự thỏa hiệp trở nên mối quan tâm rộng hơn, thỏa hiệp đó phải được gắn vào một hệ tư tưởng với giá trị và hệ quả xã hội rộng hơn. Giá trị tinh thần của Đoàn Kết – mang gánh nặng của những người khác – đã có thể là chính giá trị đó, nhưng kết quả của mười năm vừa qua, và mức độ bất bình đẳng của nó, gợi ý rằng Bàn Tròn đã có thể là phương tiện cho sự giàu lên của một số và sự nghèo đi của đa số. Giá trị tinh thần của Đoàn Kết, trong khi là hữu hiệu cho việc kháng cự những người cộng sản, đã có thể là không đủ để bù cho việc xây dựng chủ nghĩa tư bản.

Mặc dù Bàn Tròn đã được thúc đẩy bởi những sự quan tâm xã hội, nó đã hoạt động khá tự trị từ các giai cấp và xung đột của chúng. Phần lớn đã là một sự tranh luận giữa các trí thức.[22] Đã chắc chắn có ít sự chú ý đến quan niệm bất bình đẳng giới, Grażyna Staniszewska, chẳng hạn, đã không nhận thấy sự phân biệt nào trong các cuộc đàm phán này (cho dù khu vực của cô đã cảm thấy hơi xấu hổ rằng một phụ nữ đại diện cho họ!).[23] Janina Jankowska đã phê phán hơn về chiều này của sự bất bình đẳng, và đã đồng ý rằng phụ nữ đã “vô hình” trong những biến đổi này, cho dù toàn bộ mạng lưới âm mưu “đã đặt trên vai phụ nữ.”[24]

Khu vực nông thôn cũng đã không nổi bật trong các cuộc đàm phán. Theo một trong những nhân vật hàng đầu của nó, Gabriel Janowski, các nông dân đã đứng ở bên ngoài tòa nhà trong đó Bàn Tròn được đàm phán, phản đối và đòi lương tử tế, và mười năm sau, họ vẫn đang làm cùng việc ấy.[25] Giai cấp công nhân đã nổi bật hơn trong các cuộc đàm phán, đặc biệt những người trong khu vực khai khoáng. Họ đã có Bàn Tròn riêng của họ, mà những sự khác biệt đã chẳng bao giờ được giải quyết một cách hoàn toàn.

Tuy vậy, nhìn chung, trong khi sự ủng hộ cho Đoàn Kết và sự thay đổi được thúc đẩy bởi sự hoảng sợ trước các điều kiện xã hội của cuộc sống, cả các lãnh đạo của Đoàn Kết lẫn những người Cộng sản đều không có một kế hoạch kinh tế mà sẽ mở rộng giá trị tinh thần của Đoàn Kết vào chủ nghĩa tư bản. Và các công nhân, nông dân và phụ nữ bị đẩy ra bên lề đã để cho các chuyên gia tính toán việc đó. Như Grażyna Staniszewska đã gợi ý, dân thường đã nghĩ việc này là trò chơi của chuyên gia nhiều hơn, một sự đàm phán cho giới tinh hoa và các trí thức hàng đầu, một việc sẽ “tạo ra một số vị trí đổ bộ sẽ cho phép chúng tôi hoạt động sau đó.”[26] Hợp pháp hóa chủ nghĩa đa nguyên nghiệp đoàn, lúc đó đã là một bước tiến lớn, và một cơ hội để đánh bại những người Cộng sản thông qua các phương tiện bầu cử đã là nền tảng cho sự ủng hộ lạ thường của Đoàn Kết trong các cuộc bầu cử ngày 4 tháng Sáu.

Cả chủ nghĩa đa nguyên lẫn sự chống cộng sản đã làm sôi động Bàn Tròn và các hệ quả của nó. Trong Bàn Tròn đã có ít về sự bình đẳng tự nó. Tuy vậy, trong Bàn Tròn đó đã có nhiều sự quan tâm về việc làm sao để bảo đảm một quá trình hòa bình theo hướng thay đổi dân chủ. Đoàn Kết đã nghĩ chỉ về mặt chính trị, chứ không về mặt xã hội, và đó là một cơ sở mạnh mẽ cho sự phê phán Bàn Tròn hiện nay. Những người bảo thủ cấp tiến, và nhiều người Cộng sản ít cấp tiến hơn, có thể cho rằng Bàn Tròn đã phá hủy cơ sở xã hội của Đoàn Kết với sự phóng đại sự bất bình đẳng.

Hơn chục năm sau việc xuất bản của cuốn Power and Privilege (Quyền lực và Đặc ân), Gerhard Lenski đã biện luận rằng: với tính bền của sự bất bình đẳng ở các xã hội tiên tiến, bất kỳ nỗ lực nào để giảm sự bất bình đẳng kinh tế sẽ có xu hướng làm tăng sự bất bình đẳng chính trị.[27] Trong một sự mở rộng hơn của luận đề Lenski, ta có thể xem xét ở đây rằng cơ hội để làm bằng phẳng sân chơi chính trị với cải cách dân chủ đã đòi hỏi loại nào đó của sự sao nhãng những bất bình đẳng kinh tế. Đó, chí ít, đã là sự thống nhất hệ tư tưởng đã gom các nhà cải cách Cộng sản và Đoàn Kết lại với nhau, trong việc chống lại nghiệp đoàn chính thống vốn đã thử hủy hoại các thỏa ước Bàn Tròn bằng việc đưa ra các đòi hỏi cấp tiến hơn về chỉ số hóa tiền lương.[28] Tóm lại, sự làm bằng phẳng này trong sân chơi chính trị đã đi cùng với sự phóng đại sự bất bình đẳng trong sân chơi xã hội. Khó để nói liệu đây đã có phải là một sự cần thiết xã hội học hay không. Tuy vậy, nó đã là một sự cần thiết về hệ tư tưởng.

Cuộc cách mạng được thương lượng một cách hòa bình có thể đã thành công bởi vì các nhà đàm phán đã đang mất quyền lực của họ trong toàn thể xã hội, trở nên ngày càng yếu, và ngày càng phụ thuộc vào nhau để tạo ra một cơ sở mới cho quyền lực. Tính chính đáng của họ đã không thể dễ dàng phụ thuộc vào các nhóm ủng hộ (cử tri) cũ của họ, đặc biệt vì logic của đàm phán và thỏa hiệp đã tạo ra một cử tri (nhóm ủng hộ) mới cho cả hai bên: (sự ủng hộ) lẫn nhau. Sức mạnh của các nhà đàm phán rốt cuộc phụ thuộc vào sự ủng hộ tính chính đáng và giá trị của sự thỏa hiệp.

Vì thế, người  ta có thể biện luận rằng Bàn Tròn đã tạo ra một “giá trị” mới mà trên đó những người đàm phán đã nhận được địa vị. Giá trị mới này, một phần của một Ba Lan mới, đã là giá trị dựa trên sự thỏa hiệp với kẻ thù của họ và quyền của mọi người để tính toán chỗ riêng của họ trong một xã hội cởi mở hơn, và có lẽ không bình đẳng hơn. Giá trị mới này cũng đã có thể phân biệt các nhà đàm phán từ những người sẽ khăng khăng về một chiến thắng hoàn toàn cho một bên đối với bên kia và tính bất chính đáng của sự bất bình đẳng mới này. Trong khi có thể có vẻ rằng các nhà đàm phán đã quan tâm đến xã hội ít hơn và đã nghĩ về bản thân mình nhiều hơn, người ta cũng đã có thể lưu ý rằng những người nhấn mạnh tính bất chính đáng của sự bất bình đẳng và tầm quan trọng của chiến thắng hoàn toàn cũng ít nghĩ về các điều kiện của sự thay đổi hòa bình. Và ở đây chúng ta đi đến ý nghĩa của sự diễn giải và sự thách thức của quyền lực và đặc ân.

Kết luận: Chủ nghĩa Cấp tiến, Chủ nghĩa Bảo thủ, Quyền lực và Đặc ân

Nghiên cứu về bất bình đẳng trong nhập môn xã hội học vẫn được tổ chức xung quanh những thảo luận về chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa cấp tiến, về các lý thuyết chức năng và xung đột. Những bức tranh thay thế khả dĩ này đã chủ yếu được tạo ra trong các xã hội tư bản chủ nghĩa, và khi chúng được mở rộng sang các xã hội bị cộng sản cai trị,[29] những sự phân biệt đã vẫn có lý. Giai cấp thống trị đã có khuynh hướng thảo luận sự bất bình đẳng bằng các thuật ngữ bảo thủ, còn những người nhận diện sự áp bức thì sử dụng các thuật ngữ từ trường phái xung đột. Tuy vậy, khi chúng ta nghĩ về quyền lực và đặc ân trong thời kỳ thay đổi cơ bản, mối quan hệ giữa quyền lực, đặc ân và công lý là không rõ ràng như vậy, đặc biệt khi những thay đổi đó gắn với sự sụp đổ của chế độ cộng sản.

Những người cấp tiến hiếm khi tưởng tượng rằng quyền lực và đặc ân có thể được tổ chức xung quanh một sự thỏa hiệp với các nhà cai trị trước đây, dựa trên các giá trị cho toàn xã hội. Bàn Tròn, tuy vậy, đã phụ thuộc vào sự tưởng tượng đó. Những người thương lượng đã phải quan niệm vai trò của họ như vai trò cho toàn Ba Lan, vì các nhóm cử tri của họ đã nghi ngờ rằng thỏa thuận trao đổi với kẻ thù từng đã có thể tạo ra bất cứ thứ gì khác hơn sự phản bội. Vì thế, người ta có thể cho rằng một cách nhìn bảo thủ hơn về quyền lực và đặc ân, một cách nhìn mà trong đó sự phân bổ của nó phục vụ cho lợi ích xã hội hơn là cho lợi ích nhóm, là cần thiết cho sự thay đổi hòa bình xảy ra. Chủ nghĩa cấp tiến có tính quyết định cho việc tổ chức sự phản kháng bất công, nhưng quan điểm bảo thủ hơn, nhấn mạnh các giá trị chung, có thể có tính quyết định để nghĩ tới các cuộc đàm phán hợp pháp.

Thành công của các cuộc đàm phán này đến lượt nó có thể phụ thuộc vào một sự tái dựng cấp tiến của các điều kiện thực nghiệm “thực” của sự bất bình đẳng. Cả hai bên phải nhận ra rằng quyền lực của họ trong mối quan hệ với nhau, và với các đối thủ chính thống hơn của họ, đang giảm đi và rằng cách duy nhất mà theo đó họ có thể tăng quyền lực của mình là sử dụng một nguồn mới: đối thủ của họ. Khi điều đó xảy ra, một giá trị mới được đưa vào cuộc thảo luận về quyền lực và đặc ân: vấn đề hòa bình.

Tuy vậy, đến lượt nó, điều này đòi hỏi việc tạo ra một tập hợp mới của các giá trị cốt lõi, thấy cái gì đó trong kẻ cựu thù của họ có giá trị hơn những gì mà việc biến cựu thù thành quỷ đã có thể phục vụ cho việc huy động các nhóm ủng hộ cốt lõi. Làm sao người ta có thể hình dung một kẻ thù như một đối thủ, hay thậm chí một đối tác, trong việc tạo ra một trật tự mới? Bàn Tròn gợi ý câu trả lời đó.

Một mặt, những người Cộng sản đã phải nâng cao một trong những bản sắc của họ, như những người tối đa hóa lợi ích quốc gia, chứ không phải phúc lợi của Đảng. Điều đó đã đòi hỏi rằng họ thừa nhận tiềm lực của Đoàn Kết cho việc tạo ra sự thay đổi hòa bình. Mặt khác, Đoàn Kết đã phải chấp nhận một tầm nhìn của sự đoàn kết mà đã có thể gắn với tầm nhìn của Giáo hoàng, một tầm nhìn nơi cái thiện không tạo ra các kẻ thù, mà đúng hơn, cái xấu tạo ra các kẻ thù của những người khác. Cả hai bên vì thế đã có thể nhận ra trong bên kia khả năng cho các cuộc đàm phán thiện ý, nơi nhằm để thực hiện sứ mệnh đạo đức của họ, họ đã cần bên kia để phục vụ quốc gia, hoặc để phục vụ một trật tự cao hơn.

Giá trị cốt lõi mới này, như Michnik đã nói, dựa trên một quốc gia dân chủ bao gồm “những người đã chiến đấu chống Cộng hòa Nhân dân và những người đã phục vụ Cộng hòa Nhân dân”[30], có thể bị công kích bởi sự liên kết việc nhấn mạnh chủ nghĩa đa nguyên và sự thừa nhận lẫn nhau với một sự phân bổ không công bằng về đặc ân. Để chỉ ra sự giàu có của những người Cộng sản trước kia, hay sự thành công của tờ báo của Michnik, là một phương pháp để làm xói mòn những đòi hỏi của các nhà đàm phán về sự tận tâm cho dân tộc và sự đoàn kết đạo đức. Tất nhiên, thật rõ ràng rằng trong chính lời cáo buộc này người ta phải bỏ qua rủi ro của bạo lực.

Bàn Tròn vì thế là đối tượng của những diễn giải rất khác, và sự nhắc nhở của Ossowski để chú trọng đến hệ tư tưởng trong đánh giá sự bất bình đẳng là quan trọng. Các nhà phê bình cả ở bên hữu lẫn bên tả có thể diễn đạt sự phê phán căn bản bằng cách gắn việc đàm phán với các đặc ân bất công sau đó, trong khi những người bảo vệ Bàn Tròn thay vào đó lại nhấn mạnh các giá trị đã tạo ra cho quốc gia như một tổng thể. Cách tiếp cận của Lenski đến chủ nghĩa cấp tiến và chủ nghĩa bảo thủ và nghiên cứu của ông cho sự tổng hợp của chúng, tuy vậy, vẫn còn là một hướng dẫn hữu ích cho suy nghĩ về việc làm thế nào để phân xử cuộc tranh luận này. Người ta đã có thể lưu ý để xem các nhà đàm phán đã được lợi bao nhiêu từ thỏa thuận trao đổi này, nhằm quyết định liệu một quan điểm bảo thủ hay một quan điểm cấp tiến là hữu ích nhất trong diễn giải Bàn Tròn. Một cách thay thế khác, người ta cũng đã có thể hỏi cái gì đó khác. Rủi ro bạo lực đã lớn thế nào? Hoặc cái giá của hòa bình phải là gì? Các giá trị của Bàn Tròn có đóng góp cho khả năng của một xã hội dựa trên sự thương lượng hòa bình những khác biệt quan trọng? Nếu như vậy, thì tư duy chức năng luận có thể xứng đáng sự chú ý nhiều hơn trong việc tạo ra sự thay đổi cơ bản, nhưng hòa bình, và hệ tư tưởng phục vụ phân tích giai cấp có thể giải quyết không chỉ giá trị của sự bình đẳng, mà cả những cách mà theo đó bức tranh của nó về xã hội đóng góp cho một cách tiếp cận hòa bình đến thương lượng sự khác biệt.

Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN


[1] Ibid., 19-20

[2] Ivan Szelenyi et al., Socialist Entrepreneurs (Madison: University of Wisconsin Press, 1988), sử dụng thuật ngữ “parking orbit” này để mô tả các không gian xã hội cho phép duy trì tinh thần kinh doanh nghiệp chủ dưới sự cai trị cộng sản.

[3] Communism’s Negotiated Collapse, 20.

[4] Ibid., 20.

[5] Ibid., 20.

[6] Cũng lưu ý Janusz Reykowski viện dẫn thế nào sự so sánh này để bảo vệ vai trò tích cực của những người cộng sản khai phóng (Communism’s Negotiated Collapse, 111).

[7] Communism’s Negotiated Collapse, 42

[8] Ibid., 119.

[9] Ibid.

[10] Ibid., 74.

[11] Ibid., 37.

[12] Ibid., 39.

[13] Ibid., 38.

[14] Ibid., 155.

[15] Ibid., 148-49.

[16] Ibid., 114.

[17] Ibid., 115.

[18] Ibid., 112.

[19] Ibid., 246.

[20] Ibid., 76.

[21] Lenski, 46-47.

[22] Về thảo luận thêm về lý lẽ này, xem Michael D. Kennedy, Cultural Formations of Postcommunism (sắp ra, University of Minnesota Press).

[23] Communism’s Negotiated Collapse, 152.

[24] Ibid., 88.

[25] Ibid., 82.

[26] Ibid., 153.

[27] Gerhard Lenski, “Marxist Experiments in Destratification: An Appraisal,” Social Forces 57 (1978): 364-83.

[28] Alfred Miodowicz, lãnh đạo của OPZZ, hay Công đoàn Toàn Ba Lan, đã thấy các cuộc đàm phán giữa những người Cộng sản và Đoàn Kết như một mối đe dọa đối với địa vị của riêng ông ta, và đã là một trong những người, giữa các nhà chức trách cộng sản, phản đối nghiêm trọng nhất đối với thỏa thuận này.

[29] Lưu ý bức tranh của Alvin Gouldner trong The Coming Crisis of Western Sociology (New York:Basic Books, 1970), cũng như thảo luận của Ossowski.

[30] Communism’s Negotiated Collapse, 16.

This entry was posted in Dân chủ, Quốc Tế. Bookmark the permalink.