Nỗi day dứt về biên giới phía Bắc

Bài viết này của Hàn Vĩnh Diêp (tức Diệp Đình Huyên) công bố năm 2008, vào lúc có tin sắp hoàn thành việc cắm mốc biên giới trên đất liền.Sau những trận càn quét của “tin tặc” (không biết từ đâu ra và do ai nuôi?), bài viết chỉ còn xuất hiện trên một vài trang blog không nổi tiếng lắm. Chúng tôi đăng lại theo bản lưu trữ.

Trong bài viết này tác giả bác bỏ ý kiến của ông Vũ Dũng (lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) khi ông này tuyên bố với báo chí rằng “hoàn toàn không có chuyện mất đất!”.Ông đã chứng minh rằng tại hai địa điểm (Thác Bản Giốc và Hữu Nghị Quan) mà ông Thứ trưởng đã dẫn chứng – và được ông đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng phụ họa, đều có chuyện di dời cột mốc và mất đất.

Đặc biệt là trong phần “phụ lục”, tác giả đã cho chúng ta biết thêm về một địa điểm khác tại Cao Bằng đã bị Trung Quốc lấn chiếm bằng cách “dời cột mốc từ trên núi cao xuống dưới chân núi”. Đó là cửa khẩu Ngọc Khê (Pò Péo)tại tỉnh Cao Bằng. Cửa khẩu này nằm gần nơi sông Quây Sơn chảy từ Trung Quốc sang đất Việt Nam, về phía thượng lưu của Thác Bản Giốc. Để độc giả dễ xác định vị trí của cửa khẩu này, tôi đã mạn phép đưa thêm một tấm bản đồ trích từ bộ Bản đồ Giao thông xuất bản năm 2004.

MAI THÁI LĨNH

Theo tin của báo giới: năm 2008 sẽ hoàn thành việc phân giới – cắm mốc biên giới trên đất liền Việt – Trung. Các quan chức ngoại giao ta đánh giá đây là một thắng lợi vĩ đại “trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Trung Hoa. Biên giới hai nước sẽ được ổn định bền vững, lâu dài”!Ổn định trong một thời gian thì có thể, còn bền vững lâu dài thì chưa hẳn.Bởi tư tưởng chủ đạo quán xuyến của những người cầm quyền Trung Quốc trước đây và hiện nay là bành trướng mở rộng lấn chiếm lãnh thổ các nước lân cận. Sự kiện họ ngang nhiên thành lập đơn vị hành chính cấp huyện Tam Sa bao gồm toàn bộ lãnh thổ – lãnh hải Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta ngay trong lúc các phiên họp vòng thứ 23 cấp Chủ tịch Uỷ ban liên hợp Phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc đang diễn ra là một minh chứng. “Một thắng lợi vĩ đại!”, chắc phải xem xét lại một cách nghiêm túc nhận định này. Dư luận trong nước và ngoài nước cho rằng: Hiệp định biên giới đường bộ Việt Nam – Trung Quốc ký năm 1999 đã làm cho nước ta mất một phần không nhỏ lãnh thổ quốc gia. Ông Vũ Dũng – Thứ trưởng Bộ ngoại giao đặc trách vấn đề biên giới tuyên bố: “Hoàn toàn không có chuyện mất đất!” (Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 06/1/2008). Ông Nguyễn Lân Dũng – đại biểu quốc hội, thành viên của Ủy ban đối ngoại Quốc hội, cũng có ý kiến: “Tôi có đi một số điểm trên biên giới Việt – Trung, làm gì có chuyện mất đất!” Ông còn nói một cách mơ hồ: “Ông Vũ Dũng chắc không nhầm bởi vì ông đã theo dõi vấn đề này từ khi còn là cán bộ ngoại giao mới 22 tuổi, đến nay đã 57 tuổi giữ chức vụ thứ trưởng bộ ngoại giao!” Trong khi đó, nếu chúng ta chỉ chịu khó một chút, thăm hỏi bất kỳ một người dân địa phương nào ở những điểm cột mốc đã bị di dời, họ sẽ chỉ rõ địa điểm của cột mốc cũ.

Lãnh thổ biên giới quốc gia có bị mất hay không, không chỉ căn cứ vào vài lời tuyên bố của những quan chức mà phải xác định một cách rõ ràng, khoa học qua các tư liệu lịch sử của các triều đại phong kiến, thời Pháp thuộc, thời VNDCCH (trước năm 1979).

Biên giới trên bộ giữa Việt Nam – Trung Quốc không phải chỉ đến năm 1999 với hiệp định về biên giới Việt Nam – Trung Quốc mới được phân giới cắm mốc. Nhiều tư liệu lịch sử đã cho thấy: ngay từ thời Tiền Lê – Lý – Trần “cương vực Bắc – Nam đã phân rõ”. Nếu như việc phân định ranh giới không rõ ràng thì làm sao trong các cuộc tranh chấp đất đai vùng biên giới như sử cũ đã ghi chép (ví như vụ năm 1083 – 1084 thời nhà Lý, vụ năm 1689 thời Hậu Lê …), vua quan nước Tàu lại chịu thua cuộc! Nếu cương vực hai nước không rõ ràng thì căn cứ vào đâu vua Lê Thánh Tông đã khẳng định: “một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào tự nhiên vứt bỏ đi được… kẻ nào dám đem một thước núi sông, một tấc đất biển ải của tổ tiên để lại làm mồi cho giặc thì kẻ ấy sẽ bị tru di!” Nếu không có sự phân giới mà hai quốc gia đều chấp nhận thì làm sao Triều Nguyễn (và sau này là chính quyền Pháp) có thể xây dựng các đồn binh trấn giữ trên biên giới ở những điểm hiểm yếu trên suốt dọc tuyến biên giới hai nước Việt – Trung? Nếu không có các cột mốc xác định đường biên giới hai nước thì dựa trên cơ sở nào bộ ngoại giao nước ta năm 1979 công bố sách trắng “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc” và sách tư liệu về “Sự thật về biên giới Việt Nam – Trung Quốc”, trong đó tố cáo Trung Quốc đã lấn chiếm hơn 90 điểm, có điểm lấn sâu vào gần 6km trên dọc tuyến hơn 1300km biên giới (từ năm 1949 đến năm 1979); đơn phương vẽ lại bản đồ, chuyển dịch nhiều điểm trên biên giới về phía Việt Nam (trong đó có thác Bản Giốc ở Cao Bằng),…?

Việc phân giới cắm mốc theo hiệp định biên giới năm 1999 được quy định theo giới – mốc hiện trạng mà những cột mốc này lại bị “người anh em đồng chí vì tình hữu nghị vĩ đại” đã dịch chuyển, di dời vào sâu trong nội địa lãnh thổ nước ta trong thời gian hơn nửa thế kỷ qua thì làm sao tin được đất đai, sông núi mà Tổ tiên đã để lại cho chúng ta suốt trên dọc tuyến biên giới phía Bắc không bị xâm phạm, lấn chiếm!

Cũng trong tuyên bố ngày 6/01/2008 của ông Vũ Dũng và lời phụ họa của Ông Nguyễn Lân Dũng có đề cập đến hai điểm cụ thể là Thác Bản Giốc và Hữu nghị quan.

Về Thác Bản Giốc, theo ông Vũ Dũng thì phần thác cao (tức là phần thác có ba dòng chảy đổ từ trên độ cao khoảng 40m xuống phụ lưu của sông Quây sơn nằm bờ phía Nam sông Quây sơn) là thuộc Việt Nam, còn phần thác thấp (tức là thác ba tầng đổ xuống sông Quây sơn, nằm bờ phía Bắc của sông) là thuộc phía Trung Quốc – theo mốc 53 nằm phía trên thác. Khi nói đến thác Bản Giốc là nói đến thác ba tầng này.Các sách địa lý, du lịch của ta và của Pháp đều miêu tả và ghi hình ảnh phần thác này và đều khẳng định là thác của Việt Nam.Nếu phần thác ba tầng từ trước đã thuộc vào lãnh thổ Trung Quốc thì các nhà địa lý Pháp, Việt Nam không thể nào viết như vậy.

Xin được nêu thêm một vài dẫn chứng: Ngay sau khi hiệp định biên giới Việt Nam – Trung Quốc được ký kết, bộ địa chí Cao Bằng do cơ quan Tỉnh uỷ và UBND Tỉnh Cao Bằng tổ chức và biên soạn, cơ quan hiệu đính – thẩm định – nâng cao là trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, cơ quan xuất bản là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội (xuất bản năm 2000). Đoạn nói về thác Bản Giốc, tác phẩm trên viết như sau: ”Thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, con sông Quây sơn bắt nguồn từ Trung Quốc đổ vào nước ta tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khê rồi chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thủy huyện Trùng Khánh dòng sông hiền hòa lượn quanh dưới chân núi Cò Muông rồi nghiêng mình chảy qua cánh đồng Đàm Thủy, băng qua bãi ngô rộng lớn trước làng Bản Giốc. Đến đây dòng sông được tách ra thành nhiều nhánh rồi đột ngột hạ thấp khoảng 35 mét tạo thành thác. Đó là thác Bản Giốc, thác xếp thành ba tầng với những ngọn thác lớn nhỏ khác nhau, với những tên gọi khác nhau là Quây Bắc, Lầy Sản, Ngà Moong, Ngà Chang, Ngà Vãi, Ngà Rằng, Thông Áng, … Quang cảnh ở đây đẹp đẽ, nên thơ, trong lành, tĩnh mịch của sông nước, rừng núi, mây mù chen lẫn với cảnh làng quê của đồng bào các dân tộc miền núi. Phía bờ sông bên kia là cột mốc 53 biên giới Việt Trung”.Tập sách ảnh giới thiệu Cao Bằng trong bộ sách Việt Nam đất nước con người do Thông tấn xã Việt Nam – Nhà xuất bản Thông tấn phối hợp với Sở thương mại Du lịch tỉnh Cao Bằng biên soạn – xuất bản năm 2004 đã giới thiệu ảnh phần thác ba tầng của Thác Bản Giốc với lời chú thích: “Thác chia thành ba tầng gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Thác rộng đến 300m; những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi tạo thành một màn bụi nước trắng xóa.Ngay từ xa du khách có thể nghe thấy tiếng ầm ào của thác vang động cả một vùng rộng lớn …”.Như vậy cột mốc 53 hiện nay là cột mốc đã được di dời từ trên núi bên bờ Bắc sông Quây Sơn xuống giữa lòng sông trên đầu thác để lấn chiếm phần thác ba tầng và cũng chính là Thác Bản Giốc.

Tài liệu địa lý của thời Pháp thuộc ghi nhận: Thác Bản Giốc là thác đẹp nhất Đông Dương. Tài liệu địa lý – du lịch của Trung Quốc cũng ghi nhận: Thác Bản Giốc (họ gọi là thác Đức Thiên) là thác đẹp nhất của Trung Quốc và là một trong những thác đẹp nhất Châu Á. Phần thác ba dòng ở bờ Nam sông tuy cũng có vẻ đẹp riêng, nhưng chỉ vào loại trung bình trong hàng trăm thác ở các vùng rừng núi nước ta. Hơn mười năm nay Trung Quốc đã đầu tư lớn xây dựng các cơ sở hạ tầng để biến thác Bản Giốc (phần thác ba tầng họ lấn chiếm) thành điểm du lịch rất hấp dẫn. Những năm gần đây, họ mở cửa ở cột mốc 53 để thu hút khách du lịch (trong – ngoài nước) của Việt Nam. Ông Vũ Dũng nói: “Hàng triệu lượt khách du lịch đến thác Bản Giốc đều biết rõ điều này!” Đúng là khách đến tham quan du lịch thác Bản Giốc, hiện trạng của thác cũng dễ làm cho họ ngộ nhận như vậy. Họ đâu có được nghe giới thiệu về những tư liệu lịch sử và họ cũng ít có dịp tiếp xúc với người dân bản địa để tìm hiểu nguyên trạng của thác Bản Giốc, của cột mốc 53. Đến thác Bản Giốc hỏi bất cứ người dân nào (nhất là lớp từ tuổi trung niên trở lên) ở làng Bản Giốc, làng Thắc Then đều được họ cho biết rành rẽ toàn bộ thác Bản Giốc (cả bờ bắc – bờ nam) trước đây đều thuộc về Việt Nam; cột mốc 53 không nằm ở vị trí hiện nay mà ở trên núi phía bờ Bắc … Trong bài bút ký Cực Bắc bao nỗi lo toan của tác giả Đỗ Hoàng đăng trong Tạp chí Nhà văn (Hội Nhà văn Việt Nam) số tháng 1 năm 2008 có đoạn: “Khi tôi đến thác Bản Giốc gặp cụ Nông Văn Thà làm ruộng bên thác kể rằng: hồi cụ còn nhỏ, nhà cụ dựng ở bên kia thác Bản Giốc; cụ theo bố vào sâu cách thác đến 12km để làm rẫy…” (việc làm rẫy xa như vậy có thể là chuyện xâm canh, nhưng khoảng cách hơn 2km phía bờ Bắc trở vào thì không chỉ bà con bờ Nam mà cả bờ Bắc – nay là người Trung Quốc cũng xác nhận là đất Việt Nam)

Về Hữu nghị quan, ông Vũ Dũng nói: “Một số người hiểu nhầm là đường biên giới đi qua ải Nam Quan, thực ra trấn Nam Quan do Trung Quốc xây dựng vẫn thuộc Trung Quốc và theo các văn bản pháp lý lịch sử , đường biên giới luôn nằm phía nam ải Nam Quan. Còn vị trí cụ thể đường biên do hạn chế của điều kiện lịch sử, các văn bản về hoạch định và phân giới cắm mốc giữa Pháp và nhà Thanh (Trung Quốc) có những điểm không rõ ràng. Đường biên giới được vẽ trên bản đồ tỉ lệ lớn từ 1/20.000 đến 1/500.000 có nghĩa 1 mm trên bản đồ tương đương với 20 – 500m trên thực địa. Hơn nữa địa hình trên bản đồ không hoàn toàn phù hợp với địa hình trên thực địa nên rất khó xác định hướng đi của đường biên giới tại các khu vực này…!

Cách giải trình trên đây của ông Vũ Dũng hơi lắt léo, vừa mơ hồ, vừa khó hiểu.Đường biên giới trên thực địa có thể không hoàn toàn phù hợp 100% với đường biên trên bản đồ. Sự chênh lệch này có thể xảy ra trên nhiều điểm trên toàn tuyến biên giới chứ sao lại chỉ ở những nơi hiểm yếu như khu vực Hữu nghị quan và sai sót ấy của bản đồ lại chỉ xê dịch về phía ta không về phía đất Tàu? Bản đồ đi kèm với hiệp định là do hai bên cùng thực hiện, đâu phải là do phía Tàu (nhà Thanh) vẽ mà họ vẽ thế nào cũng được? Cùng với bản đồ, trên thực địa còn có các cột mốc đánh dấu sự phân giới được hai nước thống nhất nên xác định đất vùng biên thuộc bên nào chắc không đến nỗi khó lắm, nếu đôi bên đều có công tâm!

Sử sách chẳng đã ghi chép chuyện tranh giành đất ở tám thôn thuộc Na Oa – Lộc Bình (Lạng Sơn) hơn 300 năm trước đó sao! Viên Tri Châu Tư Lang (Quảng Tây) tố cáo với tổng đốc Quảng Tây là Tri Châu, Lộc Bình lấn chiếm đất tám thôn vùng Na Oa.Tổng đốc Quảng Tây yêu cầu đốc trấn Lạng Sơn cử người hội khám. Khi ra hiện trường hỏi mốc giới, Tri Châu Tư Lang và Lộc Bình đều chỉ vào hòn đá có hình con sư tử trên núi. Viên quan nhà Thanh quở trách Tri Châu Tư Lang: “Mốc giới ở đây sao ngươi lại tranh xuống Na Oa? Ngươi cậy là người của Thiên triều muốn xâm chiến đất của An Nam sao?” Đất khu vực Hữu nghị quan, ngoài bản đồ còn có cột mốc biên giới kia mà! Dư luận dân ta không hiểu nhầm thắc mắc cửa khẩu Hữu nghị (Nam Quan) do ai xây dựng mà là đất đai khu vực phía Nam Hữu nghị quan có phải bị Trung Quốc xâm lấn? Cửa quan Hữu nghị cũng như nhiều cửa quan khác trên tuyến biên giới phần lớn đều do các triều đại Trung Quốc xây dựng. Các cửa quan ấy đều được thiết lập ngay trên đường biên giới của hai nước, phía Bắc cửa quan là đất Trung Quốc, phía Nam cửa quan là đất Việt Nam. Ở cửa khẩu Hữu nghị cũng vậy.Cửa khẩu Nam Quan (Hữu nghị) được xây dựng trên đường biên giới giữa hai mốc 18 và 19. Có lẽ dân ta không hiểu nhầm như ông Vũ Dũng nói. Phía Bắc cửa quan là đầu mối quốc lộ 322 của Quảng Tây và phía Nam cửa quan là đầu mối của quốc lộ 1A Việt Nam. Thời phong kiến và Pháp thuộc các cơ sở dịch vụ và đồn binh của mỗi nước đều thiết lập ngay sát cửa quan phía Bắc (Trung Quốc) và phía Nam (Việt Nam). Binh lính Trung Quốc canh giữ cửa Bắc, binh lính Việt Nam canh giữ cửa Nam. Nhưng hiện trạng ngày nay, toàn bộ khu vực phía Nam cửa quan vào sâu đất của ta đến 0,8km (điểm số 0 mới của đường 1A) đều thuộc đất Trung Quốc. Họ xây dựng nhiều tòa nhà đồ sộ trong khu vực này. Thực trạng này có phải lãnh thổ nước ta ở khu vực Hữu nghị quan đã bị xâm lấn nghiêm trọng hay không? Ông Vũ Dũng không giải đáp đúng vào điểm mấu chốt này mà đi nói vòng vo, lấp lửng!
Cũng trong bút ký “Cực Bắc bao nỗi lo toan”, nhà văn Đỗ Hoàng viết: “Năm 1973 khi tôi lên Lạng Sơn nhìn thấy Mục Nam Quan là của bộ đội mình đứng gác, nhưng tháng 5 năm 2006 vừa qua tôi cùng đoàn nhà văn Việt Nam ở Trung Quốc về qua cửa khẩu Lạng Sơn thì thấy cổng Hữu Nghị Quan và nhiều ngôi nhà xây từ thời Pháp đã ở bên đất bạn.
Tôi là người biết chữ Hán, nói được tiếng Bắc Kinh và biết chút tiếng Anh, nên tôi đọc được những dòng chữ mà Trung Quốc ghi lưu dấu ở các di tích này. Phía Trung Quốc không ghi sai dòng nào.Những tòa nhà nào Pháp xây họ đều ghi đúng như vậy.Đường biên lùi sâu vào đất ta đến năm, sáu trăm mét.

Đấy là điều không chỉ tôi mà nhiều người nữa cũng rất day dứt, băn khoăn, mặc dù tôi chỉ là một dân thường và tự nhủ: Mình như gái goá lo việc triều đình! Nhưng cổ nhân đã dạy “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (Nước nhà thịnh suy, một người dân cũng phải có trách nhiệm lo lắng bảo vệ), việc này luôn luôn bức xúc và canh cánh trong lòng tôi!

Việc ký hiệp định biên giới trên bộ năm 1999 Việt Nam – Trung Quốc có làm tổn hại đến quyền lợi thiêng liêng của Tổ quốc hay không; sự tổn hại ấy nhiều hay ít đang là nỗi day dứt, bức xúc, băn khoăn của nhiều người quan tâm đến vận nước – như tâm tư của nhà văn Đỗ Hoàng. Để giải đáp thỏa đáng nỗi băn khoăn, day dứt, bức xúc chính đáng này nên chăng nhà nước cần công bố nguyên văn bản hiệp định cùng bản đồ đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc mới được thiết lập, đối chiếu đầy đủ với các tư liệu lịch sử từ các triều đại phong kiến, Pháp thuộc, nhà nước Việt Nam DCCH – XHCN (từ năm 1949 đến 1990); những chú giải – giải thích xác đáng về những thay đổi lãnh thổ trên đường biên hiện trạng với đường biên lịch sử (như giải thích của chính phủ Pháp ở Đông Dương khi ký hiệp định biên giới trên bộ Pháp – Thanh)

H.V.D.

(mùa xuân năm 2008)

PHỤ LỤC 1: Thác Bản Giốc

Ảnh 1: Toàn cảnh thác Bản Giốc trong sách Địa chí tỉnh Cao Bằng

 

Ảnh 2 : Thác Bản Giốc (phần thác ba tầng) trong sách giới thiệu Cao Bằng (trong bộ “Việt nam đất nước – con người” của VNTTX và Sở TMDL Cao Bằng)

 

Ảnh 3 : Cột mốc 53 trơ trọi trên đầu thác Bản Giốc

 

Ảnh 4 : Cửa khẩu 53 mở cho khách tham quan, du lịch từ Việt Nam được tự do sang bờ bắc (Trung Quốc)

 

PHỤ LỤC 2 :Cột mốc ở Ngọc Khê

Ảnh5: Cột mốc ở Ngọc Khê

 

Ảnh 6 : Đất Việt Nam thành đất Trung Quốc

 

Ảnh 7 (xem chú thích bên dưới)

Chú thích : Ảnh 5 là cột mốc ở cửa khẩu Ngọc Khê (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) – bên Trung Quốc là Pò Péo (Tĩnh Tây, Quảng Tây), trước ở trên đỉnh núi, sau bị dời xuống chân núi về phía ta, mặc nhiên toàn bộ khu vực hiện là đồn biên phòng TQ và bãi rộng có đống quặng (ảnh 6) trở thành đất TQ. Những năm 60, bãi đất này chính quyền ta giành làm địa điểm tập kết chở hàng viện trợ của TQ cho VN; lợi dụng việc ấy họ di dời cột mốc để xâm lấn lãnh thổ ta. Nếu chiếu theo cột mốc mới dựng trên hẽm núi bên trái thì hàng chục mẫu ruộng ở giữa cột mốc mới và bãi đất rộng trên đây sẽ bị mất về TQ (Ảnh 7)

 

Ảnh8 : Cửa khẩu Ngọc Khê (Pò Péo)

Trích bản đồ giao thông đường bộ năm 2004 (M.T.L.)

This entry was posted in biên giới. Bookmark the permalink.