(Negotiating Radical Change: Understanding and Extending the Lessons of the Polish Round Table Talks)
Dịch giả: Nguyễn Quang A
Làm ra Lịch sử và làm im Ký ức
Brian Porter
Khi đầu tiên chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch một hội nghị để kỷ niệm mười năm Bàn Tròn Ba Lan, chúng tôi đã ít hình dung rằng chúng tôi sẽ nhận được hơn năm trăm thư phản đối, rằng chúng tôi thấy mình bị phỉ báng trong nhiều xuất bản phẩm Ba Lan và Ba Lan-Mỹ, hoặc rằng một số khách mời của chúng tôi có thể sợ những hậu quả chính trị của việc tham gia vào sự kiện này. Chúng tôi, các sử gia, thường kêu ca rằng công việc của chúng tôi nhận được ít sự chú ý từ công chúng, và chúng tôi khắc khoải lo âu về sự cân bằng giữa một mặt là sự tinh vi uyên bác và mặt khác là khả năng có thể tiếp cận được (hặc thậm chí tính xác đáng). Tôi đã cho rằng bất cứ cuộc tụ họp nào bao gồm những người như Adam Michnik và Tổng thống Aleksander Kwaśniewski sẽ vượt qua sang khu vực độc giả không-hàn lâm, nhưng tôi đã chẳng bao giờ đoán trước loại công nhận mà tôi và các đồng nghiệp tổ chức của tôi đã nhận được. Quả thực, tôi đã chẳng bao giờ tưởng tượng rằng bất kỳ thứ gì tôi từng làm trong sự nghiệp chuyên môn của mình sẽ khích động xúc cảm đủ để sinh ra những thư từ căm ghét. Hội nghị về “Sự Sụp đổ được Dàn xếp của Chế độ Cộng sản,” tuy vậy, đã làm đúng việc này.
Bàn Tròn Ba Lan năm 1989 là một chủ đề quyến rũ, với những bài học quan trọng về các quá trình biến đổi chính trị, động học của việc đàm phán, và mối quan hệ giữa nhân quả (causation) và sự bất ngờ (contingency). Nhưng Lễ Kỷ niệm Bàn Tròn của Đại học Michigan năm 1999 cũng quyến rũ ngang thế, bởi vì nó rọi ánh sáng lên chính bản chất của lịch sử – trí nhớ cá nhân và công cộng của nó, sự trình bày chuyên nghiệp (thường của các giáo sư) của nó, và ý nghĩa chính trị của nó. Trong các nhận xét dẫn nhập vào ngày đầu tiên của hội nghị, Michael Kennedy đã nói, “Các học giả không phải là các nhà diễn giải duy nhất của lịch sử, và đặc biệt là hầu hết họ không phải là những người làm nên lịch sử. Những người chúng tôi mời dự hội nghị này đã làm nên lịch sử.”[1] Nhưng xem xét thêm, sự phân biệt này giữa các nhà tổ chức hội nghị và các vị khách bị vỡ, bởi vì chúng tôi các học giả thực ra là những người làm ra lịch sử, theo nghĩa rằng chúng tôi hợp pháp hóa một câu chuyện cụ thể về cuối các năm 1980 ở Ba Lan, và làm im bất kỳ ký ức nào có thể thách thức các diễn giải của chúng tôi. Theo nghĩa đen chúng tôi đã dựng sân khấu cho tranh luận về 1989, và khi làm như vậy chúng tôi đã buộc một số ý kiến phải cất lên từ ngoài sân khấu và các ý kiến khác phải im bặt hoàn toàn. Điều này có thể đã là việc xấu – có thể những người bị loại trừ xứng đáng số phận của họ – nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng các nỗ lực tổ chức và kỷ niệm của chúng tôi đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình cuộc thảo luận về 1989 trong năm 1999. Từ địa vị có thẩm quyền của chúng tôi với tư cách “các chuyên gia” quốc tế về Ba Lan, và như các nhà tổ chức việc xem xét lại công khai lớn nhất và rõ rệt nhất về Bàn Tròn (ở Ba Lan hay ở nước ngoài), chúng tôi đã giúp xác lập các vấn đề được tranh luận, các câu hỏi được nêu lên, khung thời gian cho việc kể các câu chuyện, và (có lẽ quan trọng nhất) những người được phép nói. Khi đó, chúng tôi đã cố gắng một cách cần cù và chân thành để giữ sự khách quan và khoảng cách: chúng tôi đã là những người ngoài vô tư, các học giả không vướng víu (tuy hiển nhiên không phải không quan tâm). Nhưng chính xác bởi vì chúng tôi đã hoạt động với tư cách các sử gia, chúng tôi đã nhất thiết xây dựng các cột mốc ranh giới xung quanh quá khứ, vạch ra các đường giữa cái có thể nhìn thấy và cái vô hình, [giữa] lời ca và khoảng lặng.
Một bài học quan trọng về Hội thảo về Bàn Tròn năm 1999 (độc lập, theo nghĩa này, với các cuộc Đàm phán Bàn Tròn năm 1989) là, lịch sử luôn luôn mang tính chính trị, bất luận chúng ta thích nó hay không. Đây cũng là cùng bài học được rút ra bởi các sử gia Mỹ, những người đã thử cộng tác với (Bảo tàng) Smithsonian Museum để trưng bày Enola Gay [máy bay B-29 đã ném bom nguyên tử ngày 6-8-1945]; nó là bài học được rút ra bởi những người đã thử (và đã thất bại) để đưa ra một bộ các tiêu chuẩn lịch sử cho các học sinh trung học Mỹ. Tại thời điểm của cả hai sự tranh cãi đó, nhiều người đã phàn nàn rằng sự thật lịch sử và tính khách quan hẳn đã bị hy sinh khi các học giả bước lên vũ đài công khai, nhưng phản ứng này đã không thích hợp. Thay vào đó, chúng ta nên diễn giải nỗ lực của chúng tôi để kỷ niệm năm 1989, cùng với những tranh luận sớm hơn này, như các thí dụ đầy kịch tính khác thường về lịch sử luôn luôn được tạo ra, bị thách thức, và được tái tạo như thế nào. Kinh nghiệm này phải giúp dạy chúng ta – và giúp chúng ta dạy các sinh viên của mình – rằng bản thân lịch sử không phải là một đối tượng để được khám phá ra và để được học, mà là một không gian biện luận lỏng, dễ thay đổi mà trong đó tất cả chúng ta tranh luận về quá khứ, hiện tại, và tương lai.
Câu chuyện về hội thảo của chúng tôi bắt đầu vào cuối năm 1997, trong phòng trước của Trung tâm Nghiên cứu Nga và Đông Âu (CREES) của Đại học Michigan. Tôi đã tán gẫu ngẫu nhiên với Marysia Ostafin, người quản lý chính của chương trình nghiên cứu Ba Lan của chúng tôi, về việc nên làm gì cho Bài giảng Copernicus 1998/99, một sự kiện chúng tôi tổ chức hàng năm để thúc đẩy nghiên cứu về Ba Lan. Một người trong chúng tôi đã nhắc rằng năm 1999 sẽ là kỷ niệm lần thứ mười của sự sụp đổ của chế độ cộng sản, cho nên là có ý nghĩa để làm cái gì đó để kỷ niệm thời khắc này. “Nhưng chúng ta phải mời những ai?” Marysia hỏi. Cá nhân duy nhất nào có lẽ có thể thâu tóm toàn bộ tính phức tạp và độ lớn của sự kiện đó? Không suy nghĩ thực sự, tôi đã trả lời, “Hãy mời tất cả họ!” Marysia rên rỉ vì cô đã xét đến lượng công việc sẽ dính líu đến trong một dự án như vậy, nhưng ý tưởng để tái tạo Bàn Tròn của năm 1989 đã sinh ra.
Nan đề tổ chức đầu tiên đến khi chúng tôi nhận ra rằng các cuộc đàm phán Bàn Tròn gồm quá nhiều người. Không chỉ chiếc bàn thật đã có 56 ghế – nhiều hơn số chúng tôi có thể hy vọng mời đến Ann Arbor rất nhiều – mà thêm nhiều người đã tham gia trong các bàn nhỏ khác nhau, và còn nhiều người hơn nữa đã ảnh hưởng đến quá trình từ bên ngoài các phòng đàm phán (một số bằng sự phản đối việc loại trừ họ khỏi các phòng đó, một số khác bằng việc phủ nhận tính hợp pháp của bản thân các cuộc đàm phán). Trong chính cuộc họp đầu tiên của ban tổ chức, chúng tôi đã quyết định hạn chế lời mời của chúng tôi chỉ cho những người đã thực sự tham gia trong các cuộc đàm phán. Mục đích của chúng tôi là nêu ra các câu hỏi về quá trình đàm phán, mà không đề cập trực tiếp đến giá trị hay sự khôn ngoan của bản thân các cuộc đàm phán. Chúng tôi sẽ tổ chức các phiên xung quanh các câu hỏi như “các điều kiện nào đã làm cho có thể để bước vào đối thoại,” “mối quan hệ giữa những người tham gia và các cử tri [nhóm ủng hộ, cơ sở xã hội] của họ đã như thế nào,” và “những bài học cụ thể nào từ Bàn Tròn Ba Lan có thể được áp dụng cho các cuộc xung đột ở nơi khác”? Nỗ lực của chúng tôi để tránh các vấn đề gây tranh cãi nhất đã hoá ra vô ích, chúng tôi bắt đầu quá trình thiết lập các đường ranh giới xung quanh chủ đề của chúng tôi – một quá trình trở nên đặc biệt lôi thôi.
Một vấn đề khác đã nảy sinh tại cuộc họp đầu tiên: chúng tôi có nên mời Tướng Wojciech Jaruzelski? Trong năm 1970, với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng, ông đã chịu trách nhiệm (trực tiếp hay gián tiếp) về việc thảm sát các công nhân phản kháng ở Gdańsk, và với tư cách quốc trưởng trong năm 1981 ông đã thử đè bẹp phong trào Đoàn Kết bằng tuyên bố thiết quân luật. Bởi vì bối cảnh này, một số trong ban tổ chức của chúng tôi đã không thoải mái mời ông ta phát biểu, nhưng hầu hết chúng tôi đã cảm thấy rằng vai trò của ông trong các cuộc đàm phán năm 1989 đã là quá quan trọng, không thể bỏ qua. Vì chúng tôi cũng đã có ý định mời một đạo quân mạnh từ phía Đoàn Kết – kể cả bản thân Lech Wałęsa – đã có vẻ rõ (chí ít đối với tôi) rằng chúng tôi đã không tán thành mời Tướng Jaruzelski. Chúng tôi đã mau chóng biết rằng một sự tán thành như vậy được thừa nhận, bất chấp các ý định của chúng tôi.
Ngay từ đầu chúng tôi đã nhận sự phê phán từ nhiều hướng khác nhau. Một trong những đồng nghiệp của tôi đã bảo tôi rằng một hội nghị như vậy sẽ không có sự quan tâm nào đối của sinh viên hay giảng viên bên ngoài chương trình nghiên cứu Ba Lan, bởi vì khách của chúng tôi đã bị hạn chế ở “một nhúm các chính trị gia đàn ông không có tiếng tăm.” Người khác đã gạt bỏ nó như một sự kiện quảng cáo với ít nội dung trí tuệ. Mặc dù chúng tôi đã có khả năng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình – và tiền – từ ban quản lý đại học, tôi tiếp tục cảm thấy sự thờ ơ của các bạn đồng nhiệp trong trường. Hiển nhiên chúng tôi đã bước dài một cách nguy hiểm đến gần đường ranh giữa uyên thâm và bình dân. Mối lo ngại lớn hơn nhiều đã là sự phản đối thô bạo xuất hiện từ bên ngoài đại học. Tháng Mười 1998, Michael Kennedy (Giám đốc của CREES khi đó) đã thăm Ba Lan để trao giấy mời riêng cho những người mà chúng tôi hy vọng đưa sang Ann Arbor. Hiển nhiên cuộc viếng thăm này đã đưa các kế hoạch của chúng tôi đến sự chú ý của những người đã từ lâu phản đối Bàn Tròn và những thỏa hiệp mà nó đã gây ra. Tờ báo cánh hữu Głos đã đăng một bài báo thúc giục bạn đọc phản đối các kế hoạch cung cấp diễn đàn cho “các tội phạm” cộng sản của chúng tôi.[2] Lời kêu gọi này, và những lời kêu gọi khác giống nó trong các xuất bản phẩm Ba Lan-Mỹ và trên các danh sách e-mail Ba Lan, đã gây ra một trận lở tuyết của các lá thư gửi đến CREES và đến hiệu trưởng Đại học Michigan, Lee Bollinger. Như một trong những người phản đối của chúng tôi diễn đạt, “ĐIỂM CHÍNH của hội nghị là gì? Vì sao nó không được tổ chức ở BA LAN? Có phải các trái tim uyên thâm rỉ máu này không biết rằng một số người được mời có máu trên bàn tay của họ?… Có phải lịch sử lại được tẩy trắng vì lợi ích của một số bài báo uyên thâm?”[3] Một người Mỹ gốc Ba Lan gay gắt hơn, Mirosław M. Krupiński, thậm chí còn gửi cho chúng tôi một bài thơ, trong đó ông phàn nàn về “những kẻ phản bội”, những người “mười năm sau, béo ị và kiêu căng/ ăn đầy lợi nhuận, và chiến thắng/ mà không có bất cứ tranh chấp nào, bất cứ bất đồng nào/ lại lần nữa nâng cốc – ở Michigan.”[4]
Một người phê phán khác, Tadeusz Witkowski, đã soạn một bài báo cho một tờ báo Ba Lan-Mỹ được gọi là Periphery, trong đó ông đã phàn nàn bởi vì chúng tôi đã giới hạn lời mời của chúng tôi cho “các cá nhân đại diện cánh tả, cánh trung, và cánh hữu rất ôn hòa.” Bằng cách tập trung vào những người thực sự đã đóng vai trò trong các cuộc đàm phán của năm 1989, chúng tôi đã bỏ qua nhiều người Ba Lan, những người đã phản đối các cuộc đàm phán. Tuy vậy, cái quấy rầy Witkowski nhất, là “các ý tưởng chính trị đằng sau hội nghị” – tức là, chương trình nghị sự riêng của chúng tôi. “Một số học giả Mỹ,” ông viết, “rõ ràng thử đo phúc lợi của xã hội Ba Lan chỉ dưới dạng của cái làm lợi cho thế lực chính trị hôm nay và giai cấp kinh doanh Ba Lan mới.” Ở đây Witkowski đã hòa vào một nềm tin chung (tuy thiểu số) rằng Bàn Tròn đã không đánh dấu sự kết thúc của chế độ cộng sản, mà thay vào đó đã là một sự dàn xếp được thương lượng cho phép những người cộng sản giữ của cải và ảnh hưởng của họ dưới hoàn cảnh mới. Như Witkowski diễn đạt,
“đối với những người Mỹ không hiểu quang cảnh chính trị Ba Lan, Bàn Tròn đã có thể là cái gì đó “đã mở ra một kỷ nguyên mới cho Đông Âu và toàn bộ thế giới” [đây là trích dẫn từ tài liệu trước-hội nghị của chính chúng tôi]. Đối với nhiều người Ba Lan nó chỉ là một sự lừa gạt thêm và một hành động phân chia quyền lực. Nhiều người thích để “sự mở ra một kỷ nguyên mới” cho những người khác và người ở Ba Lan thanh toán với những người chịu trách nhiệm vì các tội ác của kỷ nguyên cộng sản … Tại Bàn Tròn, một giới elite mới đã nổi lên đã hấp thu giới elite cũ.”
Đối với Witkowski, Bàn Tròn chịu trách nhiệm về “một chủ nghĩa hư vô ảnh hưởng đến những người Ba Lan trẻ như một kết quả của ý thức của họ về sự miễn hình phạt cho tội lỗi do những người cộng sản phạm phải và một sự làm mất giá những khẩu hiệu yêu nước được sử dụng bởi một số đại diện của phe đối lập, những người sau đó đã đổi chúng lấy tiền.”[5] Những ý kiến như vậy tuyệt nhiên không chỉ giới hạn ở những người lưu vong như Witkowski. Trong dịp kỷ niệm Bàn Tròn trong năm 1998, một đảng chính trị cánh hữu đã đưa ra một bản tuyên bố rằng “chín năm trước những người cộng sản đã đi đến thảo thuận với ban lãnh đạo hồng của Đoàn Kết, chia Ba Lan giống như chia một chiếc bánh …Tất cả bọn họ đã chỉ nghĩ về chính mình, chỉ để lại những miếng vụn cho xã hội.”[6]
Đã là dễ để gạt bỏ các thuyết âm mưu liên quan đến Bàn Tròn, đặc biệt khi chúng lên án chúng tôi về việc dính líu vào một âm mưu bí hiểm để giữ “bọn hồng và bọn đỏ” cầm quyền, và đồng thời để ủng hộ các lợi ích của giới elite kinh doanh Mỹ. Trong sự nổi nóng lúc đó, với sự giận dữ tôi đã phản ứng lại lời cáo buộc rằng tôi theo đuổi một chương trình nghị sự chính trị. Viết trong báo Ba Lan Gazeta Wyborcza vào tháng Hai 1999, tôi đã thử đáp lại những phê phán này.
Chúng tôi biết kỹ rằng ký ức về 1989 vẫn còn có thể gây tranh cãi, và chúng tôi nhận ra rằng không thích hợp đối với một tổ chức Mỹ để đóng dấu chuẩn y của nó lên bất kỳ diễn giải cá biệt nào về quá khứ của Ba Lan. Nhưng dù người ta có coi những chi tiết các thỏa ước tháng Tư là tốt hay xấu, không thể phủ nhận rằng quá trình đàm phán đáng được nghiên cứu thêm. Chúng tôi muốn học cái gì đó về Bàn Tròn, không chỉ ca ngợi nó. Trên hết, chúng tôi đã muốn hiểu làm thế nào những người Ba Lan đã đi đến nhận thức rõ, rằng họ có thể thay đổi tiến trình lịch sử. Ngay cả những người phản đối các cuộc đàm phán cũng tin rằng họ đã đưa ra những quyết định quan trọng, cho nên chúng tôi cũng muốn nghe cả họ nữa.[7]
Michael Kennedy đã cũng khăng khăng một cách tương tự về sự giữ khoảng cách và tính khách quan của chúng tôi. Trong những nhận xét khai mạc tại hội nghị ông đã nói, “Tôi muốn nhấn mạnh rằng tham vọng của chúng tôi ở đây không phải là để tán dương hoặc đổ lỗi cho những người đã thực hiện Bàn Tròn, đúng hơn tham vọng của chúng tôi là để hiểu rõ hơn hoàn cảnh, những sự bất ngờ, và các hậu quả của các lựa chọn chính trị đã dẫn đến Bàn Tròn và sự sụp đổ được thương lượng của chế độ cộng sản.”[8]
Cả hai chúng tôi đều đã chân thành – nhưng cả hai chúng tôi đã không hiểu tầm quan trọng. Bởi vì những lời buộc tội chĩa vào chống chúng tôi đã có vẻ hết sức giả mạo và có tính kích động, và bởi vì các tác giả của những lời oán trách này đã tự làm mất uy tín với các thuyết âm mưu của chính họ, tôi đã không xem xét nghiêm túc hơn cách mà, thực ra, chúng tôi đã củng cố một cách giải thích cụ thể về lịch sử của các năm 1980. Các giá trị của chúng tôi và sự hiểu về sự sụp đổ của chế độ cộng sản của chúng tôi đã được phản ảnh trong mọi khía cạnh của hội thảo, từ việc lập kế hoạch của nó đến cách chúng tôi sắp xếp bản thân các phiên. Mỉa mai thay, các nhà phê bình của chúng tôi đã đúng; sai lầm duy nhất của họ đã là để tưởng tượng rằng tình hình đã có thể khác đi.
Nếu có một chủ đề đơn nhất đã liên hiệp tất cả các bài trình bày tại hội thảo của chúng tôi, thì đó là mong muốn “sự thật,” và sự tin chắc rằng chúng tôi đã tạo cơ hội để trình bày sự thật này. Adam Michnik đã mở đầu hội thảo với một sự tố cáo rằng “vì lợi ích ngắn hạn, có xu hướng nào đó để xuyên tạc lịch sử Ba Lan hiện đại. Những lời bóng gió như vậy khiến cho đối thoại là không thể. Chúng giúp tạo ra một hình ảnh về một kẻ phản bội và kẻ thù, hơn là hình ảnh của một nhà luận chiến và nhà phê bình. Tôi cho rằng loại chép sử sai lạc này gây ra chính sách sai..”[9] Để sửa chữa việc này, Michnik đã trích dẫn các tài liệu và đã gợi lên những ký ước của riêng ông trong việc tìm kiếm bức tranh “thật” của các sự kiện của 1989. Mieczysław Rakowski muộn hơn đã đáp lại một số người phê bình ông với tiếng kêu, “Đây là một sự dối trá lịch sử!” Ông cũng đã khăng khăng rằng sự thật phải được phép chiến thắng (mặc dù sự thật của ông đã không cùng như sự thật của Michnik).[10] Stanisław Ciosek đã tìm cách giải quyết vấn đề này một cách trực tiếp, khi ông cảnh cáo chúng tôi chống lại xu hướng dựa vào các tài liệu thành văn từ các năm 1980. “Các tài liệu còn sót lại từ những năm đó,” ông nói, “… đã không được viết cho lịch sử, mà chỉ trình bày thủ tục nào đó, nhưng trong thực tế, các quyết định được đưa ra trong các giới mà… chẳng để lại dấu vết nào. Các ghi chú nhỏ đó đây và có lẽ đã còn lại nhưng tôi nghĩ rằng bằng chứng tốt nhất là lời chứng của nhân chứng… vì vậy tôi muốn cảnh báo các bạn đừng coi giấy tờ như bằng chứng duy nhất, bởi vì chúng sẽ không luôn luôn nói sự thật.”[11] Ở đây, cũng như ở nơi khác, “sự thật” nằm trong lời chứng của những người đã trải nghiệm sự sụp đổ của chế độ cộng sản, nó ở trong ký ức, không phải trong nền tảng tư liệu của việc viết sử.
Nhưng tại hội thảo của chúng tôi, ký ức đã bị bao bọc về nhiều phía bởi lịch sử. Lịch sử thường là – và những ngoại lệ quả thực là hiếm – thể loại chuyện kể.[12] Việc kể của nó đã bén rễ vào hai điểm: quá khứ trước câu chuyện của chúng ta, và hiện tại. Hầu như mọi văn bản lịch sử đều bắt đầu với sự thảo luận nào đó về “nền” hay “khung cảnh” của tài liệu kế theo. Sử gia phải dựng sân khấu, và khi làm như vậy sử gia phác họa cái gì sẽ được cho là “xác đáng” và cái gì bị gạt bỏ như “tầm thường.” Những lựa chọn như vậy, như chúng ta sẽ thấy trong trường hợp của Hội thảo Bàn Tròn, có thể chẳng bao giờ là hoàn toàn vô tội. Hơi ít bắt buộc, tuy nhiên vẫn hầu như phổ quát, đối với việc viết sử để chỉ tới sự lo ngại nào đó của thời kỳ hiện tại. Việc này có thể xảy ra như một khẳng định tường minh về sự xác đáng, như trong công thức magistra vitae (lịch sử là thầy giáo của cuộc sống) cổ điển, hoặc gợi lên sự tranh luận thịnh hành nào đó về việc chép sử. Khi hiện tại bị bỏ qua hoàn toàn, khi những tranh cãi về kỷ luật ngày nay được tránh để ủng hộ sự tái hiện chi tiết của khắc quá khứ nào đó, không có sự ủng hộ nào hướng tới hiện tại, thì chúng ta phê phán các công trình như vậy là “đồ cổ,” và chê bai các tác giả của chúng chỉ là “những con mọt sử” (hơn là “các học giả thật”). Như thế đứng giữa quá khứ và hiện tại – và cố gắng kết nối chúng – văn xuôi lịch sử được lôi cuốn hầu như luôn luôn thời về phía hình thức chuyện kể, mà trong đó sự rối loạn không thể giảm thiểu được của quá khứ được đặt bên trong những hạn chế của một câu chuyện với một sự mở đầu và một sự kết thúc, với một cốt truyện, với các nhân vật đóng vai, và với nhiều thứ ước lệ tu từ học đặc thù cho việc kể chuyện.
Một thí dụ về việc này có thể được thấy trong vài đoạn tài liệu quảng cáo tôi đã soạn ra cho hội thảo Bàn Tròn vào đầu năm 1998.
Vào ngày 5 tháng Tư năm 1989, thế giới như chúng ta đã biết khi đó đã bắt đầu được gỡ mối. Trong ngày trọng đại đó, “Các cuộc Đàm phán Bàn Tròn,” một quá trình dài hai tháng của các cuộc thương lượng giữa đảng Cộng sản Ba Lan và phe đối lập, đã đi đến một kết thúc tuyệt vời. Phong trào “Đoàn Kết,” bị loại ra ngoài vòng pháp luật gần một thập kỷ, đã được tái hợp pháp hóa, và các cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên tại Ba Lan sau chiến tranh đã được dự định vào một ngày cụ thể. Khi cuộc bầu cử đó được tổ chức hai tháng sau đó, những người cộng sản đã bị thua hầu như mọi ghế quốc hội được để cho cạnh tranh. Trong các tháng tiếp theo, các chế độ cộng sản sụp đổ ở Đông Đức, Tiệp Khắc, Hungary, Rumania, Bulgaria, và cuối cùng tại bản thân Liên Xô. Mặc dù sự sụp đổ của bức tường Berlin vào tháng Mười Một năm 1989, đã cung cấp cho thế giới một ẩn dụ thị giác cho những biến đổi chính trị của năm trọng đại đó, sự trao quyền lực được thương lượng một cách hòa bình ở Ba Lan bảy tháng trước đã mở ra một thời đại mới cho Đông Âu và toàn thế giới… Từ ngày 7-10, tháng Tư, năm 1999, Trung tâm Nghiên cứu Nga và Đông Âu sẽ tập họp tại Ann Arbor các nhân vật hàng đầu – các chính trị gia, các nhà lãnh đạo Giáo hội, và các trí thức xuất chúng – từ tất cả các nhóm đã tham gia vào các sự kiện vô tiền khoáng hậu của năm 1989. Mục tiêu của chúng tôi sẽ là tái tạo lại bầu không khí của Bàn Tròn và đặt kỷ nguyên này của “các cuộc cách mạng được thương thuyết” vào viễn cảnh lịch sử và toàn cầu.
Điểm chính của đoạn này định vị Bàn Tròn bên trong một câu chuyện về sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Cho dù chúng ta có đặt sang một bên các từ mang tính đánh giá rõ ràng như “trọng đại” (hai lần!) và “tuyệt vời,” chúng ta vẫn để lại với các công cụ thuyết phục mạnh mẽ nhất đó, thể văn kể chuyện. Chúng ta bắt đầu với hồi một, nơi chúng ta thấy Đoàn Kết “đã bị loại ra khỏi vòng pháp luật trong gần một thập kỷ” bởi một chế độ cộng sản không ai ưa một cách ngấm ngầm. Rồi đến hồi hai, “cuộc cách mạng được thương lượng” đã bắt đầu quá trình “gỡ mối thế giới như chúng ta đã biết khi đó.” Cho hồi cuối chúng ta có một kết thúc có hậu, trong đó tấm gương của Ba Lan “mở ra một thời đại mới cho Đông Âu và toàn thế giới.” Tại hội thảo chúng tôi đã chú tâm vào quá trình của sự thay đổi được thương lượng, để thu hẹp ống kính của chúng tôi đến một vấn đề hầu như kỹ thuật: người ta chuyển thế nào từ xung đột sang đối thoại trong các tình huống của sự phân cực chính trị và xã hội. Nhưng từ đầu chúng tôi đã định vị sự thẩm tra uyên thâm này bên trong một câu chuyện lớn đã gán giá trị cho các cuộc Đàm phán Bàn Tròn, đã chấp nhận các tính tốt được cho là của chế độ xã hội-kinh tế hậu cộng sản, và đã ngăn cách những cách giải thích thay thế khả dĩ khác về 1989. Việc này không phải bởi vì chúng tôi đã là những người bị lừa bịp trong tay elite hiện hành của Ba Lan, cũng chẳng phải là kết quả của bất kỳ nỗ lực cố ý nào để “xoay” câu chuyện của năm 1989 theo bất kỳ hướng cá biệt nào. Thay vào đó, nó đã là một thí dụ về lịch sử – mọi lịch sử – được tạo ra như thế nào.
Michael Kennedy, một nhà xã hội học được đào tạo, có lẽ đã ít nhờ cậy vào hình thức kể chuyện, nhưng sự chú tâm của ông đến hiện tại xã hội học đã lôi kéo ông đến với thể loại bất chấp bản thân ông. Sự căng thẳng trong bài bình luận của ông trong hội thảo là hùng hồn: “Một mặt, việc mở rộng của NATO, và mặt khác, sự tan rã của Đông Nam Âu, có lẽ có thể được xem như cái nền đương đại cho một số câu hỏi mà chúng ta thảo luận trong hội thảo này. Chắc chắn, hội thảo của chúng ta đựa trên tiền đề ý tưởng rằng biến đổi căn bản có thể được thực hiện không chỉ bằng bạo lực, mà cả bằng cách hòa bình nữa. Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng đây không phải là một cuộc hội thảo về chính trị đương đại ở Ba Lan hay Nam Tư. Nó là về những diễn biến bất ngờ của năm 1989.”[13] Tất cả chúng tôi đều nhắc lại dòng tư duy này suốt hội thảo: đây đã không phải là một cuộc thảo luận về những tranh cãi chính trị ầm ĩ của ngày hôm nay; nó đã không phải là cách bố trí tương phản với cái nền là Nam Tư (chí ít cũng không tương phản không quá mức); nó đã không là “presentist”* (để dùng từ thóa mạ được yêu thích nhất của sử gia). Sử gia suốt đời bị giằng xé giữa sự khát khao để là xác đáng, và nỗi sợ bị sai niên đại. Đây không là một sự căng thẳng có thể giải quyết được: nó là mâu thuẫn cơ bản tại trung tâm của môn học của chúng ta, và là sự thúc đẩy ở đằng sau bản thân hình thức kể chuyện.
Nhưng ký ức không chia sẻ sự mâu thuẫn này, và ký ức không cần phải thể hiện như một chuyện kể (tuy đôi khi là một chuyện kể). Stanisław Ciosek nêu vấn đề này một cách hữu hiệu khi ông phản đối sự hạn chế mà chủ đề panel ông tham dự đã đặt ra cho ông (“Tranh đua Chính trị, 1986-1988”). “Lịch sử không thể được chia thành nhiều mảnh,” ông lập luận. “Điều đó ngược lại những khuynh hướng tự nhiên của các sử gia, những người muốn tất cả mọi thứ theo thứ tự, muốn số lượng tối đa các sự kiện được thu thập. Mặt khác, tình hình ở Ba Lan, và chủ đề này mà chúng ta đang thảo luận, không thể được đưa vào khung của giai đoạn hai hoặc ba năm, mà chúng ta đang tập trung vào ở đây.” Nếu Ciosek đã thách thức một cách dứt khoát kỷ luật kể chuyện mà chúng tôi đã áp đặt cho ông, thì Giám mục Alojzy Orszulik đã bác bỏ nó một cách ngấm ngầm. Bài nói của ông đã cung cấp những mẩu của sự thấu hiểu và sự hồi tưởng bị tước mất cả sự tiến triển về niên đại lẫn cấu trúc logic.[14] Ông đã là, ấy là nói như vậy, ký ức thô, không bị dàn xếp bởi mong muốn để làm ra lịch sử, với hình thức kể chuyện tất yếu của nó. Trong mức độ ít nhiều, nhiều bài trình bày tại hội thảo đã chia sẻ đặc trưng này. Nhiều khách tham gia của chúng tôi đã nói vo, khi họ để cho ký ức của họ (và đôi khi cảm xúc của họ, như với những giọt nước mắt đột ngột đầy cảm xúc gây ra bởi sự hồi tưởng của Giám mục Dembowski[15]) tuôn chảy trên và qua họ. Nếu chúng tôi đã thử công bố bản gỡ băng hội thảo mà không có biên tập và chú giải sâu rộng, thì hầu hết bạn đọc sẽ bác bỏ chúng như những lời xác nhận gây lẫn lộn, được tổ chức một cách ngẫu nhiên về quá khứ. Ít người sẽ chấp nhận điều này như một đóng góp thuộc bất kỳ loại nào cho văn sử, bởi vì nó có vẻ thiếu hình thức kể chuyện mà chúng ta kỳ vọng từ bài viết như vậy.
Quả thực, đấy vẫn chưa phải là lịch sử. Dù được dùng như một việc được giao ở lớp học hay một mẩu dữ liệu trong một dự án khoa học, đây là “tư liệu thô,” một “nguồn” mà từ đó sử gia áp dụng nghề của mình. Chúng tôi được yêu cầu để hiểu được những ám chỉ và lời bóng gió mơ hồ, để tạo ra cái nền cần thiết để đặt những bình luận này vào ngữ cảnh nào đó, và trước hết để định hình toàn bộ như một chuyện kể. Lịch sử phải là lịch sử. Chúng tôi có thể cố gắng để kìm nén những thành kiến riêng của mình, để khách quan ở mức có thể, để mô tả các thứ như chúng thực sự đã là, nhưng chúng tôi không thể trốn thoát sự thực rằng chúng tôi hỏi các câu hỏi về các sự kiện, chúng tôi vẽ ra phông cảnh nền, chúng tôi sắp đặt cảnh phông đó với các nhân vật mà chúng tôi lựa chọn (bỏ các thứ khác sang một bên, vì các lý do cả tốt lẫn xấu), và chúng tôi quyết định những gì các nhân vật đó sẽ nói hay làm. Trước hết ở mức cơ bản nhất, chúng tôi quyết định khi nào câu chuyện sẽ bắt đầu và khi nào sẽ kết thúc. Chúng tôi đã có thể làm tất cả việc này với một chương trình nghị sự cụ thể trong đầu, lựa chọn một cách chiến thuật các yếu tố tốt nhất để ủng hộ quan điểm cá biệt của chúng tôi. Hoặc, như trong trường hợp hội thảo Bàn Tròn của chúng tôi, chúng tôi đã có thể thử vạch ra các đường ranh giới của chúng tôi để tránh các lĩnh vực tranh luận rắc rối, để làm cho hội thảo càng khoa học càng tốt (cứ như khoa học đã từng không mang tính chính trị và bị tranh cãi). Nhưng trong cả hai trường hợp, kết quả vẫn như nhau: sự (tái) dựng lịch sử nói về những mong muốn, các mục tiêu, và các ý tưởng của chúng tôi cũng gần ngang với nói về cái thứ vô định hình được gọi là “quá khứ.”
Trong trường hợp cụ thể của chúng tôi, chúng tôi đã đưa ra một số quyết định chọc tức các đối thủ của chúng tôi và làm cho hội thảo xoay như chong chóng. Đầu tiên, bản thân chủ đề đã có vấn đề, nhiều hơn mức chúng tôi đã nhận ra ban đầu. Wiesław Chrzanowski đầu tiên đã chỉ ra điều này khi ông mở đầu bài trình bày của mình với tuyên bố, “tôi hoàn toàn phản đối … bất kỳ nỗ lực nào để xây dựng một huyền thoại về Bàn Tròn, liên quan đến kỷ niệm lần thứ mười của nó.”[16] Chrzanowski đã tranh cãi rằng Bàn Tròn “đã tăng tốc chỉ vài tháng sự thay đổi đội gác quyền lực ở Ba Lan,” và khi làm vậy nó “đã tạo ra lợi thế có thể đo lường được, mặc dù tại thời điểm đó không thể dự đoán được hoàn toàn, cho các đối tác tham gia.” Những lợi thế này đến từ sự thực rằng những người cộng sản đã chọn các đối tác đàm phán của họ từ những người một thời đã từng là đảng viên, cho dù sau đó đã trở thành những người bất đồng chính kiến. “Đối với phe đối lập cánh tả,” Chrzanowski nói, “…[Bàn Tròn đã] là một cơ hội để loại bỏ hoặc để hạn chế ảnh hưởng cánh hữu của phe đối lập.” Nếu bản thân Bàn Tròn đã chỉ là một thủ đoạn chính trị, thì các cuộc bầu cử ngày 4 tháng Sáu đã quan trọng hơn nhiều. Lúc đó, Chrzanowski tranh luận, công chúng đã bác bỏ các Thỏa ước Bàn Tròn bằng cách bỏ phiếu ủng hộ Đoàn Kết một cách áp đảo, như thế làm cho các thỏa thuận trước đó về sự duy trì quyền lực của đảng trở nên vô nghĩa.[17] Thiếu sót cơ bản trong hội thảo của chúng tôi, trong trường hợp ấy, đã là sự chú tâm của nó vào các cuộc đàm phán từ tháng Hai đến tháng Tư, 1989: bằng cách thiết lập các ranh giới về thời gian này chúng tôi đã chắc chắn diễn giải nhầm động học thật của sự sụp đổ của chế độ cộng sản.
Tương tự, các rào cản thời gian của chúng tôi đã xác định loại các vấn đề mà chúng tôi có thể nêu lên, cắt mất những cách thay thế khả dĩ về việc xem xét quá khứ và hiện tại của Ba Lan. Chrzanowski đã muốn đẩy các ranh giới xa hơn vào quá khứ: “Mười năm trước, phe cộng sản đã gần… với địa vị của những kẻ chiếm đóng Ba Lan trong [thế kỷ thứ mười chín] hơn là với phía chính phủ của nước dân chủ, mặc dù phe này đã gồm những người Ba Lan… Các hành động của nhiều thành viên phe chính phủ đã được thúc đẩy bởi sự nghiệp ý thức hệ, nhưng chúng đã là sự nghiệp quốc tế hơn là sự nghiệp Ba Lan.”[18] Chỉ với việc sử dụng góc ống kính rộng, Chrzanowski mới có thể tấn công những người cộng sản với sự chỉ trích đạo đức tàn nhẫn đến như vậy. Câu chuyện lịch sử được kể bởi cánh hữu là một câu chuyện trong đó Ba Lan đã liên tục phải chiến đấu chống lại sự thống trị của Đức và Nga, và các sự kiện của 200 năm qua có ý nghĩa đối với họ bên trong khung khổ này. Cuộc đấu tranh là liên tục; chỉ có những đấu thủ thay đổi. Bên trong tầm nhìn lịch sử này, những người cộng sản – với các mối quan hệ không thể chối cãi được của họ với Moscow – chỉ có thể được cảm thấy như các tay sai. Câu chuyện này không thể được kể nếu người ta tự giới hạn mình trong thời kỳ giữa 1986-1989, như chúng tôi đã yêu cầu cho hội thảo của chúng tôi. Trong những năm đó các mối quan hệ giữa Warsaw và Moscow đã đặc biệt (Chrzanowski đã có thể nói khác thường và tạm thời) yếu, và đã rất có thể là Jaruzelski đã có ảnh hưởng nhiều lên Gorbachev hơn là ngược lại. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu câu chuyện của chúng ta trong năm 1795 (sự chia cắt Ba Lan lần thứ ba) hoặc thậm chí trong năm 1945, thì tính hung ác chống dân tộc của chế độ cộng sản có thể được mô tả dễ hơn. Từ một viễn cảnh hoàn toàn khác, cả Stanisław Ciosek lẫn Mieczysław Rakowski đã phàn nàn rằng các mốc thời gian do chúng tôi lựa chọn đã làm cho không thể để đánh giá đúng tính chất trọng đại của sự thay đổi bên trong đảng cộng sản, hay sự thực rằng ban lãnh đạo đã thực sự theo đuổi cải cách trong nhiều năm trời, nếu không phải hàng thập kỷ. Rakowski đã chỉ ra sự nổi lên của “chủ nghĩa cộng sản dân tộc” trong các năm 1960 như bước đầu tiên di chuyển Ba Lan khỏi mô hình Soviet, và sau đó đã tranh luận rằng những người đã đi sang phương Tây trong các năm 1970 đã “không còn là tù nhân của một ý thức hệ nữa bởi vì họ đã có cơ hội để đối sánh ý thức hệ đã được nhồi vào họ với thực tế ở phương Tây.”[19] Ciosek đã thậm chí còn khăng khăng, cho rằng “sau giai đoạn Stalinist, đảng Ba Lan đã cố gắng nhiều lần để hoàn thiện hệ thống, để nới lỏng học thuyết của nó và để đạt được tăng trưởng kinh tế. Và chúng tôi đã đạt một số kết quả, tương phản với khung cảnh của các nước xung quanh giáo điều hơn chúng tôi…”[20]
Cho nên dù người ta đến từ viễn cảnh dân tộc chủ nghĩa hoặc cộng sản, khung thời gian của 1986-1989 đã làm cho việc kể chuyện là không thể. Như tôi đã tranh luận đầy đủ chi tiết ở nơi khác, cách người ta sắp đặt thời gian lịch sử là một trong những yếu tố quan trọng nhất của bất kỳ thế giới quan nào.[21] Thời gian dù được định hình như tiến lên, đồng đều, suy tàn, hay vòng quanh đều quyết định mạnh việc người ta tiếp cận thế nào các vấn đề trung tâm của triết lý chính trị hay lý thuyết xã hội. Tương tự, việc người ta mở rộng hay thu hẹp trường của tính niên đại sẽ làm thay đổi căn bản cảm nhận của người ta về bất kỳ vấn đề nào. Hãy xem xét sự khác biệt giữa việc kể chuyện về Chủ nghĩa Stalin Ba Lan bên trong lịch sử về bạo lực chính trị thế kỷ hai mươi, hoặc (lựa chọn khả dĩ khác) bên trong lịch sử Ba Lan sau Chiến tranh Thế giới II. Trong trường hợp trước, giai đoạn tương đối ngắn từ sự tiếp quản quyền lực của những người cộng sản đến cái chết của Stalin sẽ xuất hiện như một sự cố ít quan trọng, khi đặt cạnh những cảnh khủng khiếp ghê rợn của Holocaust và Chủ nghĩa Stalin Soviet. Trong trường hợp sau, tuy vậy, bạo lực mà với nó chế độ cộng sản đã lên nắm quyền ở Ba Lan sẽ nổi bật lên hoàn toàn. Trong việc lập kế hoạch hội thảo của chúng tôi, chúng tôi đã chân thành bảo chính mình rằng chúng tôi đã phải vạch ra một số đường ranh giới nhằm để giữ cho việc thảo luận được tập trung, và thời kỳ 1986-1989 đã có vẻ hợp lý. Nhưng thích hay không thích, một quyết định như vậy đã phải chịu những hệ lụy quan trọng.
Các vị khách của chúng tôi đã có thể thách thức khung thời gian của chúng tôi, nhưng một số ràng buộc khác mà chúng tôi áp đặt đã mạnh đến mức chúng đã làm im mọi tranh cãi. Rakowski đã minh họa bằng thí dụ lĩnh vực bất đồng khả dĩ đã hẹp đến thế nào khi ông nói, “Đúng,…không nghi ngờ gì [chế độ cộng sản] sẽ bước vào mộ của nó, nhưng chẳng ai biết khi nào. Đã không được khắc trên bia đá rằng việc đó phải xảy ra trong cuối những năm 1980.”[22] Zbigniew Bujak đã có vẻ chỉ dùng lý lẽ để biện hộ cho tính không xác định khi ông nói, “tôi cho rằng có lẽ nếu giả như chúng tôi đã thiếu thận trọng một chút vào thời điểm đó và mất kiểm soát, một tình huống hoàn toàn khác đã có thể xuất hiện ở nước chúng tôi.”[23] Thực ra, lập trường được diễn đạt rõ ràng (có lẽ một cách buồn bã) bởi Rakowski đã được chia sẻ một cách phổ quát bởi mọi diễn giả tại hội thảo của chúng tôi: chế độ cộng sản đã tận số, và câu hỏi duy nhất đã chỉ là nó rút khỏi vũ đài lịch sử thế nào. Được gắn vào sự đồng thuận này là một thế giới quan phóng khoáng đã thấm vào chính lõi của sự đàm luận công khai ở Ba Lan và ở Hoa Kỳ. Chủ nghĩa Cộng sản đã được nhắc tới trong thời gian hội thảo như một “thí nghiệm” và một “giấc mơ,” nhưng nó đã luôn luôn được đối sánh (như Rakowski, trong số tất cả mọi người, đã gợi ý) với “thực tế” của đời sống ở phương Tây.[24] Chủ nghĩa tư bản rõ ràng đã được tự nhiên hóa, đến mức rằng ngay cả các lãnh đạo của hệ thống thay thế đã tồn tại bốn thập kỷ ở Đông Âu có thể chỉ nói về cuộc sống trước đây của họ như phù du, quá độ, và (toát ra theo từng từ) sai lầm. Điểm cốt yếu của tôi ở đây không phải để tranh luận rằng họ sai, mà để chỉ ra tính không thể về ngay cả sự gợi ý rằng họ đã có thể sai. Các cột mốc ranh giới của các sử gia đứng vững trong trường hợp này: chúng tôi đã xác định các năm giữa Chiến tranh Thế giới II và 1989 như một sự sai lầm, một thí nghiệm ngu xuẩn, hay có lẽ thậm chí một sự ngự trị được mở rộng của khủng bố. Điều này làm cho khó để nghĩ một cách nghiêm túc về sự sa sút mức sống ở Ba Lan trong các năm 1990, hay để hiểu các làn sóng phản đối đã gây tai họa cho đất nước trong các năm gần đây. Các câu hỏi được nêu lên tại hội thảo của chúng tôi đã củng cố bá quyền này. Câu hỏi phổ biến nhất đã là biến thể nào đó về chủ đề, “khi nào bạn nhận ra rằng bạn đã phải thương lượng sự giao lại quyền lực?” Tất cả các vị khách của chúng tôi đã có loại câu trả lời nào đó, ngay cả khi họ đã không đồng ý về sự đa dạng rộng của những diễn giải và ký ức bên trong giới hạn của câu hỏi này. Nhưng đã vắng mặt (bởi vì cách chúng tôi ngay từ đầu đã xác định chủ đề của hội thảo) bất kỳ cựu đảng viên cộng sản nào tin rằng chủ nghĩa xã hội đã vẫn đáng để thử. Trong môi trường của ngày hôm nay, bất kỳ ai, người thậm chí bày tỏ một lập trường như vậy, sẽ được xem như người kỳ quặc, nếu không phải điên.
Mà thật ra, đã có khá nhiều sự điên rồ tại hội thảo của chúng tôi, và giữa những người đã phản đối nhưng đã không đến. Chúng tôi đã phải đấu tranh với rất nhiều cá nhân bị rối loạn tâm lý, từ các nhà lý thuyết âm mưu được nhắc tới ở trên đến quý ông rõ ràng bị điên, người đã đến với trang điểm bằng y phục quân sự để thúc đẩy khẳng định (to tiếng) của ông rằng những người Đức đã bí mật xâm chiếm Ba Lan. Khi một nhóm những người phản đối đã trương một poster kêu gọi tổ chức một cuộc phản-biểu tình chống lại “Lễ Kỷ niệm Đoàn Kết” tại “Đại học Bang Michigan,” và rồi sau đó đã xuất hiện ở East Lansing vào ngày hội thảo, tất cả chúng tôi đã được một trận cười thoải mái (mặc dù những người trong chúng tôi có dòng dõi tổ tiên Ba Lan đã hỏi vì sao các đối thủ của chúng tôi đã phải tạo ra các trò đùa Ba Lan trong đời thực này). Đã là dễ dàng đối với chúng tôi để cảm thấy an ủi trong sự thực rằng hầu hết sự phê phán đã giới hạn ở các trí thức lưu vong bị đặt sang bên lề hay các báo cánh hữu có số phát hành ít ở Ba Lan. Chúng tôi đã nhận được những lời khen ngợi từ Rzeczpospolita và Gazeta Wyborcza (hai báo lớn nhất ở Ba Lan); chúng tôi đã có các đại diện từ tất cả các đảng chính trị lớn và Giáo hội giữa các vị khách của chúng tôi; chúng tôi đã có sự tài trợ từ các công ty lớn và từ ban quản lý đại học riêng của chúng tôi. Cho nên chúng tôi đã có thể nói rằng bất kỳ ai muốn cung cấp một câu chuyện khác về 1989 đã bị cô lập (nếu không mất trí), và như thế không quan trọng. Tuy vậy, người ta cũng đã có thể tranh luận, rằng chuyện kể về việc giải quyết xung đột và cách mạng hòa bình đã được tóm tắt cô đọng trong tài liệu quảng cáo của chúng tôi đến mức đã trở nên bá chủ, đến mức người ta phải là người điên rồ mới đi thách thức nó. Quả thực, như Foucault đã gợi ý, đây đã có thể là bài học mà chứng điên phải dạy chúng ta.[25] Bất cứ ai có chút ý thức nào sẽ đều hoạt động bên trong khung khổ của cuộc đàm luận chi phối – hệt như chúng tôi đã làm trong tổ chức hội thảo của chúng tôi.
Bài học cần học từ Hội thảo Bàn Tròn năm 1999 là, lịch sử luôn luôn mang tính chính trị, bất luận chúng ta thích hay không thích. Chọn một khung khổ thứ tự thời gian, xác định những tiếng nói nào sẽ được nghe và những tiếng nói nào sẽ bị im lặng, nhận diện cái gì là quan trọng và cái gì là tầm thường: tất cả những quyết định này có thể được coi là cần thiết, vì mọi câu chuyện lịch sử phải có một số giới hạn để khỏi thoái hóa thành một bản tường thuật lộn xộn về các sự kiện được chọn lọc một cách bừa bãi. Nhưng cách chúng ta vạch ra các giới hạn này là quan trọng – quả thực, nó đã có thể quan trọng hơn các lý lẽ tường minh rất nhiều. Người ta có thể không đồng ý với một lý lẽ, nhưng cực kỳ khó để thách thức các ranh giới đã được chấp nhận của một chủ đề, một khi các ranh giới này đã được chấp nhận một cách rộng rãi. Bằng cách nhận diện Bàn Tròn như điểm then chốt để nhớ từ năm 1989, chúng tôi đã giúp kiến tạo một cuộc tranh luận về ngày kỷ niệm đó cả ở Hoa Kỳ và ở Ba Lan. Những người muốn làm nổi bật các khoảnh khắc khả dĩ khác, và những người coi sự kỷ niệm như thảm kịch hơn là chiến thắng lớn, đã có khó khăn để khiến cho bản thân họ được nghe thấy. Nhưng đó là cái lịch sử luôn luôn làm: nó không chỉ trao hình thức kể chuyện cho ký ức, mà cũng bắt những người, người đã có thể nhớ khác đi, phải im lặng.
Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN
[1] Communism’s Negotiated Collapse: The Polish Round Table, Ten Years Later. A Conference at the University of Michigan. April 7-10, 1999. English Transcript of the Conference Proceedings, Kasia Kietlinska dịch, Donna Parmelee biên tập (Ann Arbor: The University of Michigan Center for Russian and East European Studies, 1999), 2. Tất cả các trích dẫn của tôi là từ phiên bản in đầy đủ của bản dịch tiếng Anh của bản gỡ băng hội nghị. Không phải tất cả các đoạn trích được nhắc tới ở đây được bao gồm trong các đoạn trích được in lại ở trên. Về văn bản đầy đủ, xem <www.umich.edu/~iinet/ PolishRoundTable/frame.html>.
[2] Tin về bài báo này đến với chúng tôi nhờ David Ost, trong một bản tin e-mail từ ngày 3 tháng Mười Một, 1998. Rất tiếc, tôi đã không có khả năng để lần ra bài báo gốc
[3] E-mail từ Maryann Poniecka đến Don Benkowski, 2-3-1999. Cảm ơn Benkowski vì đã chuyển thư này cho tôi.
[4] Ông Krupiński đã gửi một e-mail bày tỏ những lo ngại của ông vào ngày 5 tháng Tư. Bài thơ của ông có thể thấy tại <worf.albanyis.com.au/~matuzal/PG29.htm>.
[5] Tadeusz Witkowski, “A Legitimate Concern,” Periphery 4-5 (Feb.1999). Vn bản online tại <www-personal.engin.umich.edu/~zbigniew/Periphery/No4-5/editorial01.html>.
[6] Văn bản này, từ Federacja Młodych ROP, ban đầu được post tại <friko5.onet.pl/wa/
fmrop>, tuy nhiên sau đó đã bị bỏ khỏi site của đảng.
[7] Brian Porter, “Ucieczka z więzienia historii,” Gazeta Wyborcza 29 (4 February 1999): 19.
[8] Communism’s Negotiated Collapse, 7.
[9] Ibid., 9.
[10] Ibid., 22.
[11] Ibid., 40.
[12] Đã hầu như là ba mươi năm kể từ khi Hayden White lần đầu tiên đưa ra nhận xét này,và đã thăm dò các ngụ ý của nó, trong cuốn sách có ảnh hưởng lớn của ông, Metahistory: The Historical Imagination in Nineteenth-Century Europe (Baltimore: The Johns Hopkins University Press, 1973). Ngày nay hầu như mọi sinh viên cao học đều đọc tác phẩm kinh điển này, mà được xem một cách rộng rãi như tia lửa mà đã kích thích một sự xem xét lại kỹ lưỡng các nền tảng lý thuyết của lịch sử. Một mẫu của một số công trình tốt nhất mà đã nảy sinh sau đó bao gồm: Joyce Appleby, Lynn Hunt and Margaret Jacob, Telling the Truth about History (New York: Norton, 1994); Robert F. Berkhofer, Beyond the Great Story: History as Text and Discourse (Cambridge: Harvard University Press, 1995); Victoria E.Bonnell and Lynn Hunt, Beyond the Cultural Turn: New Directions in the Study of Society and Culture (Berkeley: University of California Press, 1999); Alex Callinicos, Theories and Narratives: Reflections on the Philosophy of History (Durham: Duke, 1995); Michel de Certeau, The Writing of History (New York: Columbia University Press, 1988); Roger Chartier, Cultural History: Between Practices and Representations (Cambridge: Polity Press, 1988); Nicholas B. Dirks, Geoff Eley, and Sherry B.Ortner, eds., Culture/Power/History: A Reader in Contemporary Social Theory (Princeton: Princeton University Press, 1994); Jacques Le Goff, History and Memory (New York: Columbia University Press, 1992); David Couzens Hoy, The Critical Circle: Literature, History, and Philosophical Hermeneutics (Berkeley: University of California Press, 1982); Patrick H. Hutton, History as an Art of Memory (Hanover, NH: University Press of New England, 1993); Keith Jenkins, ed., The Postmodern History Reader (New York: Routledge, 1997); Dominick LaCapra and Steven L. Kaplan,Modern European Intellectual History: Reappraisals and New Perspectives (Ithaca: Cornell University Press, 1982); Peter Novick, That Noble Dream: The ‘Objectivity Question’ and the American Historical Profession (New York: Cambridge University Press, 1988); Bryan D. Palmer, Descent into Discourse: The Reification of Language and the Writing of Social History (Philadelphia: Temple University Press,1990); Mark Poster, Cultural History and Postmodernity: Disciplinary Readings and Challenges (New York: Columbia University Press, 1997); David D. Roberts, Nothing but History: Reconstruction and Extremity after Metaphysics (Berkeley: University of California Press, 1995); Michel-Rolph Trouillot, Silencing the Past: Power and the Production of History (Boston: Beacon Press, 1995).
[13] Communism’s Negotiated Collapse, 4.
* presentist là người theo presentism (hiện tại luận), một phương thức phân tích lịch sử (hay văn học) trong đó các ý tưởng và viễn cảnh hiện tại được đưa vào sự diễn giải quá khứ.
[14] Ibid., 52-59
[15] Ibid., 74.
[16] Ibid., 25.
[17] Ibid., 25-29.
[18] Ibid., 25.
[19] Ibid., 20.
[20] Ibid., 40.
[21] Brian Porter, When Nationalism Began to Hate: Imagining Modern Politics in Nineteenth-Century Poland (New York: Oxford University Press, 2000).
[22] Communism’s Negotiated Collapse, 19.
[23] Ibid., 39.
[24] Ibid., 20.
[25] Michel Foucault, Discipline and Punish: The Birth of the Prison, trans. by Alan Sheridan (New York: Pantheon Books, 1977).