Lời nguyền tài nguyên

Nếu có lời nguyền tài nguyên nào đối với nước ta thì tệ hại nhất vẫn là khai phá tài nguyên theo thói xấu “bóc ngắn, cắn dài” bất chấp mọi hậu họa. Lâu nay, tài nguyên đất nước bị đào bới, vơ vét một cách khốc liệt phớt lờ phân tích, cảnh báo của các vị lão thành cách mạng, trí thức và người dân.

Có chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam trên 30 năm nay, xót xa nhận xét “Từ thời thanh niên, tôi đã có mặt ở Việt Nam và biết đất nước các bạn có nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên đẹp. Đến nay đã lớn tuổi tôi rất “sợ” quay lại những nơi đó vì những vẻ đẹp đó bị  phá gần hết rồi – đó là một cảm giác phũ phàng như việc bỗng dưng một ngày gặp lại cô bạn gái xinh tươi năm xưa trong thân hình tiều tụy của một bà già bất hạnh do sự tàn phá của thời gian và gánh nặng cuộc đời.”

Hiện nay, vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế lại nhớ đến câu chuyện “tiếng gọi nơi hoang dã” có tình tiết đàn chó exkimo ăn  cả thắt lưng… Bọn phá hoại luôn đến trước, phá trước và người bảo vệ luôn đến sau, khi sự thể đã rồi. Các “nhà đầu tư” kiểu này không bao giờ suy nghĩ về việc sáng tạo ra giá trị gì mới mà chỉ luôn rình mò xem đất nước này còn tài nguyên gì không, để họ lập dự án, vơ vét nốt, trước khi bị các “nhà đầu tư” khác ra tay!

Tâm lý bày đàn, a dua, ăn theo hay còn gọi là “hội chứng bày đàn” đang thực sự gây hại đối với xã hội nước ta. Đó là việc đua nhau kinh doanh bất động sản, xây nhà máy xi măng, bến cảng, sân bay, nhà máy đường vv… Cái lối làm ăn thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy làm, chụp giật, chèn ép nhau, đầu tư không hiệu quả (chỉ số ICOR cao nhất trong khu vực) lại được sự bao che của nhóm lợi ích là nguyên nhân chủ yếu làm đất nước ta sau 38 năm thống nhất, độc lập vẫn ì ạch trong số các nước nghèo, nợ công đến mức báo động. Để rồi lúc nào cũng cứ cúi đầu tự nhận mình là “nước nhỏ” mặc dù dân số đã ngót 90 triệu người.

Cơ quan nhà nước, lẽ ra phải là các tiền đồn bảo vệ các lợi ích công cộng nhưng vì lỗi hệ thống – bệnh tham nhũng làm cho tê liệt nên chẳng bảo vệ được gì. Các thành trì bảo vệ luôn bị nhóm lợi ích chọc thủng bằng một vũ khí truyền thống đó là “money”! Có nhiều dự án tốt khác, nhiều công việc tốt khác cho dân, cho nước, các cán bộ nhà nước biết nhưng không làm hoặc không muốn làm vì chẳng có lợi lộc gì cho riêng họ cả.

Vừa qua, có nhiều thông tin về việc các tỉnh đề nghị đưa các dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch đã được duyệt. Điều đó nói lên là quá trình phê duyệt các đề án thủy điện có nhiều sai phạm cần được tiếp tục làm rõ. Nếu nghĩ sâu xa thì việc loạn thủy điện, phá rừng là do sai lầm từ bài toán cơ cấu nguồn điện năng, dẫn đến phát triển quá mức nguồn lực thủy điện.

EVN với tư cách là tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng các tổng sơ đồ phát triển điện, đã quá tập trung vào việc phát triển thủy điện, đưa tỷ  trọng thủy điện lên một mức cao hơn mức hợp lý mà thế giới đã xác định. Có thể nguyên nhân chủ yếu là để giảm giá thành bình quân của nguồn điện năng và lấy giá đó làm căn cứ để tính giá bán điện cho nền kinh tế. Do quá tập trung vào nguồn thủy điện nên khi mùa khô đến (hoặc do nguyên nhân khác) các hồ thủy điện bị khô cạn nên không đủ sức đáp ứng nhu cầu điện năng của nền kinh tế vì nguồn điện năng khác (chủ yếu là nhiệt điện) quá thấp, không đủ bù sự thiếu hụt do giảm nguồn phát của thủy điện.

Trong điều kiện đó, EVN phải chấp nhận cho các chủ đầu tư khác đầu tư phát triển các nhà máy điện, chủ yếu là nhiệt điện. Còn cho phép các chủ đầu tư khác tiếp tục phát triển thủy điện, chủ yếu là thủy điện nhỏ và để cho các địa phương chủ động cấp giấy phép đầu tư. Do các nguồn điện của EVN không đủ để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế nên buộc EVN phải mua điện của các nhà máy ngoài EVN. Khi mua, EVN áp đặt giá thành bình quân thấp của nguồn điện EVN (do tỷ trọng thủy điện quá cao) để ép các nhà máy phải hạ giá bán nhưng vì cung của EVN nhỏ hơn  cầu nên cuối cùng EVN vẫn phải mua điện ngoài lưới của EVN với giá cao hơn giá bình quân của EVN dẫn đến việc EVN kêu lỗ để đòi tăng giá điện bán cho nền kinh tế.

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, các phương tiện truyền thông của Liên Xô  đã lên tiếng phê bình chủ trương phát triển thủy điện vì các hồ thủy điện chiếm quá nhiều diện tích (trong điều kiện Liên Xô đất rộng, người thưa). Thế nhưng Việt Nam  vẫn đi vào “vết xe đổ” mà Liên Xô đã mắc phải, cho nên đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến phá rừng đầu nguồn, xâm phạm rừng quốc gia. Mặt khác, khi lập dự án đầu tư thủy điện, không tính đầy đủ đến tác động đối với môi trường, môi sinh vùng hạ lưu.

Vấn đề loạn thủy điện người dân đã cảnh báo từ lâu. Trong thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đầu tư vào thủy điện nhỏ nên khi bất động sản bị đóng băng do khủng hoảng kinh tế thì những dự án đầu tư vào thủy điện nhỏ của các doanh nghiệp này cũng bị ách lại. Thủy điện nhỏ mang lại các lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp đầu tư: Giá thành điện thấp do không phải trả tiền thuế tài nguyên, do đền bù không đáng kể và nhu cầu về điện ngày một tăng và giá bán điện ngày một cao. Đấy là chưa kể đến việc có điều kiện để hợp thức hóa việc đốn gỗ rừng tự nhiên đầu nguồn rất có giá trị vv..

Tuy nhiên, không ít dự án thủy điện nhỏ có vấn đề về nguồn nước. Khi vào mùa khô nhu cầu về điện cao, có thể bán được điện thì các trạm thủy điện nhỏ này cũng không có nước nên không có điện mà bán. Ngược lại, về mùa mưa có thể sản xuất điện để bán nhưng EVN lại ưu tiên mua điện từ các doanh nghiệp nằm trong tập đoàn. Về phía người dân bản địa, thủy điện nhỏ làm họ mất nhà, mất đất sản xuất, mất nguồn thu từ rừng. Đối với người dân ở cuối nguồn: có điện để sử dụng nhưng ảnh hưởng tiêu cực là rừng đầu nguồn bị phá nên dễ bị lũ ống, lũ quét tàn phá ảnh hưởng đến an toàn về người, của cải và hoa màu; động vật hoang dã mất nơi cư trú và dần tuyệt chủng.

Dư luận đang xôn xao trong khi lãnh đạo vườn quốc gia Chư Yang Sin đang phản đối việc xây dựng nhà máy thủy điện Ea K’tuor ở phía bắc của vườn thì Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam đang hoàn tất thủ tục để xây nhà máy thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3, cùng tại vùng lõi của vườn thuộc ranh giới 2 tỉnh Đăk Lăk và Lâm Đồng.

Ngay từ năm 2006-2008 Công ty Sông Đà đã đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện Krong Kma trong vùng lõi Vườn quốc Chư Yang Sin với công suất 12MW. Khi xây dựng đã làm đường thi công, vận hành, hồ chứa, làm mất đi một diện tích rừng khá lớn. Ngay sau khi vận hành đã gây ra tranh chấp nguồn nước với công trình thuỷ lợi Krong Kma phía hạ lưu (công trình thủy lợi xây dựng năm 1985, ngay tại biên giới Vườn quốc gia). Sự tranh chấp này là do thuỷ điện tích nước cả ngày sau đó vận hành vào giờ cao điểm dẫn đến nước chảy hết qua tràn công trình thuỷ lợi, nước vào kênh chỉ 2-3 giờ dẫn đến thiếu nước tưới cho các xã Hoà Sơn, Ea Trul, Thị trấn Krong Kma, Khuê Ngọc Điền vv…

Nhận thức là cả quá trình. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắc Lắc mới đây không đồng ý cho việc xây dựng thủy điện Ea K’tour là quyết định đúng đắn, phù hợp với quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2005, Nghị định số 29/2011/ND-CP và Thông tư 26/2011/TT –BTNMT, các quy định trong Luật Đa dang sinh học 2008 và Nghị định số 65/2010/ND-CP, các quy định trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 không cho phép xây dựng thủy điện trong vườn quốc gia.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên vừa đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh tạm dừng xây mới các dự án thủy điện ở Tây Nguyên trong năm 2013 và 2014 do có tác động tiêu cực đến môi trường, đời sống. Tuy nhiên, hiện các sở, ngành tỉnh Đắk Lắk vẫn đang khảo sát để xây dựng thủy điện trong Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin. Dẫu biết rằng mỗi khi chủ đầu tư chạy được giấy phép xây dựng công trình thủy điện phải qua nhiều cửa, phải “bôi trơn” tốn kém nhưng luật pháp phải tôn nghiêm,  không thể có cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, trên nói,  dưới không nghe!

Hiện tượng làm thủy điện tràn lan xâm phạm cả vào vườn quốc gia vi phạm luật pháp đang xảy ra như một sự thách đố, đòi hỏi phải được mổ xẻ đến nơi đến chốn để tìm giải pháp đảm bảo hài hòa cơ bản, lâu dài các mối quan hệ và quyền lợi trong một xã hội dân sự và sự phát triển vững bền của đất nước.

 

T.V.T.

 

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.