Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 8)

(Negotiating Radical Change: Understanding and Extending the Lessons of the Polish Round Table Talks)

Dịch giả: Nguyễn Quang A

PANEL NĂM: NĂNG LỰC ĐÀM PHÁN

Giám mục Alojzy Orszulik

… Tôi đã mong đợi cái Đoàn kết mong đợi, cái ban lãnh đạo Đoàn Kết mong đợi. Và tại giai đoạn ban đầu này, các nhà lãnh đạo mong đợi chính phủ…, như tôi đã từng nói, “nói lắp” ba từ: “Đoàn kết,” “tái hợp pháp hóa,” và “nghiệp đoàn đa nguyên…”

Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, ý tôi muốn nói giữa chính phủ và Hội đồng Giám mục, chúng tôi đã cố khuyến khích, chúng tôi đã cố thuyết phục phía bên kia để bắt đầu tìm kiếm các con đường để thiết lập liên lạc. Chúng tôi cũng đã cố gắng giúp bên chính phủ thoát khỏi nỗi sợ hãi về Đoàn Kết và những gì có lẽ có thể xảy ra….

… tại Bàn Tròn chúng tôi đã không quan tâm đến bản thân Giáo hội. Mối quan tâm của chúng tôi đã tập trung vào dân tộc, đất nước, những thay đổi trong nước, sự cải thiện tình hình ở Ba Lan, cuộc sống của người dân. Đó đã là mối quan tâm của chúng tôi chứ không phải phân chia mọi người thành những người chúng tôi thích và những người chúng tôi không thích.

Janusz Reykowski

… Bên trong giới tinh hoa chính trị và các giới chính phủ đã có một sự bất mãn sâu sắc với hệ thống, sự thất vọng với giá trị tư tưởng và các khả năng thực tiễn của nó….

… trong các năm 70 và các năm 80, có rất nhiều người trong chính phủ đã được đào tạo tại các trường đại học tốt nhất Ba Lan, đã đi nước ngoài và so sánh tình hình đó đây trên thế giới. Và những người này đã sẵn sàng cho sự thay đổi. Về phía chính phủ, họ đã là cơ sở chính trị, hay đúng hơn là cơ sở xã hội cho sự thay đổi. Sự tồn tại của loại này của những người quan tâm đến sự thay đổi đã là một nhân tố rất quan trọng….

Trong tiến trình đàm phán, điều quan trọng là phải theo các nguyên tắc nhất định. Tôi muốn nhắc đến một vài trong số đó mà đã là những nguyên tắc quan trọng. Một trong số đó là nguyên tắc bình đẳng. Nó đã được tuân thủ rất nghiêm ngặt theo nhiều khía cạnh, bắt đầu với ý tưởng rằng số người ở cả hai đoàn đại biểu phải như nhau, bình đẳng… Một điều kiện khác như vậy mà cũng đã rất quan trọng là nguyên tắc không thảo luận về các vấn đề mang tính biểu tượng. Chúng tôi đã giải quyết tương lai, và tránh tranh cãi về quá khứ. Chúng tôi đã tin, và tôi nghĩ hầu hết chúng ta đồng ý ở đây, rằng nếu chúng ta bắt đầu lao vào các cuộc thảo luận về những cái sai trong quá khứ, chúng ta sẽ không đạt được bất cứ thứ gì. Chúng ta đã phải chấp nhận sự thực rằng chúng ta nhìn vào các thứ khác nhau từ quá khứ theo những cách khác nhau, và rằng chúng ta đã có tầm nhìn khác nhau về các vấn đề mang tính biểu tượng khác nhau…

Nếu Đoàn kết bị cáo buộc gây đổ vỡ các cuộc đàm phán, nó sẽ nghĩ rằng đó là một cái bẫy ngay từ đầu, tất cả các cuộc đàm phán đó đã có nghĩa là để làm hại Đoàn Kết… Lúc đầu, tôi đã nghĩ đến bản thân mình, không còn cách nào khác, nhưng ngày mai, điều đầu tiên vào buổi sáng, tôi chuyển đơn từ chức chính thức và kết thúc thế thôi. Và rồi tôi đã có một số suy nghĩ chớp nhoáng về ngày tận thế, về những gì sẽ xảy ra tiếp theo với sự mong đợi của xã hội. Tôi tưởng tượng ra cảm xúc của những người Đoàn Kết và họ đi thẳng xuống đường phố thế nào… đó là những gì tôi đã nghĩ….

Và vào một thời điểm, Ireneusz Sekula… nói điều này: “Tôi sẽ kể với các bạn một giai thoại.” Tôi nghĩ rằng ông ta điên, một giai thoại trong tình huống này! Nhưng ông tiếp tục: “Một ngày, Goethe đi dọc theo một con đường hẹp ở vùng núi và ông đã gặp kẻ thù dữ tợn nhất của mình, và kẻ thù của ông nói: ‘Tao chẳng bao giờ nhường bên phải đường cho những kẻ ngu.’ Và Goethe đáp lại, ‘Còn tôi thì luôn luôn nhường.’ Và ông ta quay ngược lại và bỏ đi…”

Các cuộc đàm phán đã thỏa mãn các nhu cầu của một xã hội muốn thay đổi nhưng không muốn đối đầu. Nó đã đáp ứng các nhu cầu của phe đối lập đang gây áp lực đòi những thay đổi hòa bình trong nước, nhưng đã bắt đầu hiểu ra rằng: nếu tình hình tiếp tục, họ sẽ không trở thành một đấu thủ trên đấu trường này vì các lực lượng mới đang nổi lên, cấp tiến hơn và có một định hướng khác. Nó cũng đã đáp ứng các nhu cầu của các nhà chức trách ngày càng nhận thức được rằng: không thể tiếp tục điều hành đất nước theo cách này, không thể thực hiện bất kỳ cải cách nào, và lựa chọn thay thế cho các cuộc đàm phán là một chính sách đàn áp leo thang….

Đã có rất nhiều hoàn cảnh lịch sử đã bị bỏ phí, nhưng một trong số đó đã không bị bỏ phí. Đó là… tôi tin rằng huyền thoại về Bàn Tròn đáng để ủng hộ, bởi vì đây là một huyền thoại của những người Ba Lan, những người đã có khả năng tận dụng cơ hội. Và tôi nghĩ rằng cho dù chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra trong mười năm, nhưng huyền thoại đó, truyền thuyết đó, có thể hỗ trợ chúng ta trong những thời điểm khó khăn.

Grażyna Staniszewska

Một nhà hoạt động Đoàn Kết ở Bielsko-Biała trong các năm 1980, Grażyna Staniszewska (sinh năm 1949) đã tham gia các cuộc Đàm phán Bàn Tròn cho phe đối lập. Cô đã nhận học vị thạc sỹ về văn học Ba Lan từ Đại học Jagiellonian trong năm 1972. Suốt thập niên tiếp theo, cô đã làm việc trong một trường trung học địa phương, trung tâm văn hóa, và thư viện trung tâm nghiên cứu ở Bielsko-Biała. Staniszewska đã tham gia Đoàn Kết trong năm 1980; cô đã bị giam giữ từ 1981 đến 1982 và bị bỏ tù trong năm 1983. Từ 1983 đến 1988, cô đã biên tập báo khu vựcSolidarność Podbeskidzia và đã là thành viên của Ủy ban Helsinki ở Ba Lan. Năm 1988, cô đã được chọn như đại diện khu vực của Ủy ban Điều hành Quốc gia của Đoàn Kết. Từ 1988 đến 1990, cô đã là thành viên của Ủy ban Công dân. Một Dân biểu trong Hạ viện từ 1989, Staniszewska đã đại diện Câu lạc bộ Nghị viện Công dân (1989-91), Liên minh Dân chủ (1991-94), và Liên minh Tự do (1994 – hiện nay).

Suốt từ đầu đến cuối, đối với tôi, dường như chúng tôi đã dính líu vào một ván bài cuối không phải là của chúng tôi. Và ngay từ đầu tôi đã sợ suốt thời gian, rằng, phải, bạn biết, tuyệt vời, chúng tôi đã trò chuyện, chúng tôi đã thăm các salon, chúng tôi đã thấy mọi người cư xử thế nào trong salon, chúng tôi đã ăn thức ăn lạ lùng nào đó, nhưng rốt cuộc chúng tôi bắt đầu đóng vai trong trò chơi của người khác….

Tôi nghĩ rằng nếu bất cứ ai đã nghĩ rằng hệ thống được tháo dỡ, thì Bàn Tròn đã chẳng hề xảy ra….

Chỉ sau cuộc họp thực sự đầu tiên của Bàn Tròn, đột nhiên, các ủy ban Đoàn Kết địa phương nổi lên như nấm sau mưa. Mọi người đã bắt đầu họp, làm việc trên mọi thứ. Khi các cuộc đàm phán chùn bước, khi tin tức không tốt, mọi người ngừng đến các cuộc họp, công việc bị đóng băng. Đó là bằng chứng rõ ràng cho tôi rằng nếu chúng tôi không tiếp tục các cuộc đàm phán, các hoạt động đó sẽ ngừng tồn tại ngay, và người dân sẽ bỏ hoàn toàn hoạt động này….

Đã chẳng bao giờ tôi nảy ra ý nghĩ rằng nó sẽ là sự kết thúc của chủ nghĩa cộng sản. Tôi đã nghĩ rằng sẽ có loại khác nào đó của thời kỳ tan băng* mà có thể kéo dài một hai năm, có thể ba, có thể lâu hơn một chút, và sau đó tình hình sẽ trở lại như cũ, như cũ. Thế nhưng đã có vẻ như đáng để sống và thấy hơi thở này của tự do; đã có vẻ đáng để lập ra loại mạng lưới nào đó cho việc này….

Tôi đã nghĩ rằng đã có các gangster thực đang ngồi ở phía bên kia bàn, rằng họ chắc chắn đã muốn bẫy chúng tôi, nhưng chúng tôi đã phải thăng bằng trên sợi dây này và chơi trò chơi này, như chúng tôi đã làm việc với cảnh sát mật, khi chúng tôi đã biết rằng cuộc trò chuyện của chúng tôi bị nghe lén và chúng tôi đã bị theo dõi trong khi chúng tôi đã có một số ấn phẩm bất hợp pháp trên mình…

Chúng tôi đã biết rằng chúng tôi phải nỗ lực tối đa và chỉ cố để khôn hơn họ. Nhận thức của tôi về bên kia có thay đổi không trong thời gian các cuộc đàm phán? Không…, không nhiều! Không có trong thời gian đàm phán…

Tất cả chúng tôi có cảm giác rằng chúng tôi đã thực sự biến đổi Ba Lan. Phải, có lẽ đây là một từ to tát, nhưng… bầu không khí yêu nước này, bầu không khí quên mình này, nó đã thống trị Hạ viện khoá thứ mười, thật không may đã qua. Tôi lấy làm tiếc nhưng nó đã qua…

Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN

* Thời kỳ tan băng – thaw period – bắt đầu từ tháng 10-1956 với việc Gomulka, một người cộng sản không được những người Soviet ưa, lên nắm quyền và đã có sự tự do hóa nào đó, người dân Ba Lan đã dễ thở hơn trước.

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.