Nhà giáo Phạm Toàn gặp an ninh

Ông Phạm toàn cho hay buổi "làm việc" diễn ra trong không khí thẳng thắn và cởi mở.

BBC

Sau giáo sư Huệ Chi đến lượt ông Phạm Toàn, một trong ba thành viên sáng lập trang bauxitevietnam.info vừa bị an ninh Việt Nam mời “làm việc.”

Ngày 14/1 cả giáo sư Nguyễn Huệ Chi và nhà giáo Phạm Toàn đều phải di “làm việc” với cơ quan an ninh.

Đối với ông Huệ Chi đây là ngày thứ hai. Với ông Phạm Toàn đây là ngày đầu. Dù ông được thông báo là trong tương lai, hai bên “có thể gặp lại.”

Ngày đầu “làm việc” với an ninh VN của giáo sư Huệ Chi kết thúc sau 10 giờ đêm.

Kể về buổi gặp kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ tại Hà Nội ngày 14/1 ông Phạm Toàn cho BBC Việt Ngữ biết:

Nhà giáo Phạm Toàn: Sáng nay một anh công an khu vực gọi điện đến nhà, tôi nói phải 8h30 tôi mới tiếp, vì tôi phải đi giả tiền ở bưu điện. Họ cũng đồng ý. Đúng 8h30 có bốn anh công an, có người đeo lon trung tá tới đưa tôi đi. Lên đến nơi lại làm việc với người khác. Một người làm nửa chừng thì thêm một người nữa. Ông này giới thiệu cục phó hay vụ phó gì đó. Cũng trẻ thôi không già, độ 50 tuổi. Cơ quan mời tôi lên là A25.

BBC: Thưa ông buổi nói chuyện với cơ quan an ninh Việt Nam kéo dài bao lâu và câu hỏi xoáy vào chủ đề gì?

Ông Phạm Toàn: Họ hỏi là tôi làm gì cho trang web ấy. Thành lập như thế nào, làm những gì. Ai biên tập, ai chỉ huy. Thế rồi thì tài chính, đại khái thế. Tôi có kể lại những gì tôi biết. Mình thấy chả có gì phải che dấu cả.

BBC: Có câu hỏi nào họ hỏi nhiều, họ xoáy vào, kiểu như họ quan tâm hơn cả?

Ông Phạm Toàn: quan tâm nhiều nhất là điều chúng mình làm việc mà không đăng ký.

BBC: Câu hỏi đó ông trả lời ra sao?

Ông Phạm Toàn: Chúng tôi là anh em văn nghệ sĩ, trí thức thì cái cơn nóng gáy lên thấy là cần phải chống lại cái bauxite thì cứ làm cái đã, còn luật liếc thì tính sau. Nó giống như mình mua được cái ô tô về thì cứ đi cái đã, sau đó thì nghiên cứu luật. Thế thì các anh nếu thấy chúng tôi khuyết điểm thì nhắc nhở, chúng tôi xin cám ơn. Thế thôi, đơn giản thế thôi.

BBC: Thế họ có ‘gợi ý’ ban biên tập phải làm gì không?

Ông Phạm Toàn: Họ nói là các anh phải đăng ký và điều tra nhân thân những người gửi bài. Tôi nói chúng mình làm kiểu gia đình chủ nghĩa, làm cho vui, ai gặp việc gì làm việc ấy chả có phân công gì cả. Thế thôi.

Cái điều thứ hai họ xoáy vào họ hỏi cái server đặt ở đâu. Và tiền. Nhất là vấn đề tiền. Tôi nói server đặt ở Pháp mà có một nhà bác học ở CNLF người ta giúp. Đấy là theo tôi biết. Kỹ thuật viên người ta làm cho cả luôn. Ở bên đây không phải làm việc gì đâu.

Thế còn tiền, chúng tôi không có quỹ, chỉ có một cái khoản do một người bạn là ông Phùng Liên Đoàn biếu. Chúng tôi đã từ chối nhưng ông Đoàn cứ gửi về. Chúng tôi đành nhận và dùng nó chi tiêu vào các chuyến đi cứu trợ bão lụt. Bây giờ còn thừa, và tôi đang giữ. Muốn tiêu cái gì phải hai ba người quyết định chứ không có quyền tiêu riêng. Tôi nói rõ tôi không phải là người cần tiền mà các bạn tôi cũng không phải là người tham nhũng, các anh yên tâm.

Và tôi nói là chúng tôi trọng danh dự nhiều hơn cái đồng xu. Anh Huệ Chi là con nhà gia giáo. Ông anh ấy, bố anh ấy, chú anh ấy, em anh ấy đều là những người tử tế cả. Sắp tới trung tâm Văn hóa Pháp sẽ gới thiệu sách của ông Nguyễn Đổng Chi, về người Bana ở Kontum. Những công trình như vậy đáng làm cho chúng ta vinh dự. Thì anh Huệ Chi phải là người biết làm thế nào để gia đình không bị liên lụy, tai tiếng. Tôi nói, “các anh yên tâm. Chúng tôi gần nhau, bạn bè chúng tôi biết không có vấn đề ấy.”

Đánh sập mạng

BBC: Họ có quan tâm đến số người truy cập vào website bauxitevietnam.info không, quan tâm đến ảnh hưởng của nó đối với xã hội? Rồi họ hỏi ông những gì?

Ông Phạm Toàn: Có. Tôi nói nếu bọn Trung Quốc mà nó không tấn công bay giờ phải là 20 triệu rồi. Họ hỏi tôi, anh có tin là TQ tấn công không? Tôi nói đúng chứ. “Đời nào VN làm chuyện đó. Các anh gặp tôi để nói chuyện như thế này có phải hơn không.”

BBC: Ông nhận xét ra sao về thái độ nói chuyện của bên an ninh?

Ông Phạm Toàn: Thái độ nói chuyện nhẹ nhàng. Tôi luôn luôn thoải mái. Vừa nói vừa cười ấy mà. Tôi nghĩ là thế này. Cần phải làm cho họ hiểu anh em mình. Cho nên tôi không có cái gì là căng thẳng cả. Tôi nghĩ hôm nay tôi rất là lịch sự. Thường người ta hay nói họ lịch sự. Tôi nghĩ là hôm nay tôi lịch sự.

BBC: Thế còn về phía họ thì sao?

Ông Phạm Toàn: Tôi nghĩ họ cũng rất lịch sự. Khi tiễn tôi ra về họ nói là “chúng tôi làm việc với bác chúng tôi thích lắm.”

BBC: Thưa ông buổi nói chuyện kéo dài bao nhiêu tiếng?

Ông Phạm Toàn: Từ 8h30 đến 12h30.

BBC: Hai bên nhìn nhau và có lắng nghe quan điểm của nhau không, có chuyện áp đặt gì không?

Ông Phạm Toàn: Nhẹ nhàng thôi. Tôi phải giải thích nhiều hơn.

BBC: Thường người ta nghĩ “làm việc” với cơ quan an ninh là một cái gì đó nặng nề, buồn tẻ. Điều đó có xảy ra không?

Ông Phạm Toàn: Tôi phải nói như thế này. So với chuyện như thế này xảy ra trước đây mấy chục năm, thì bây giờ là một trời một vực. Ngày xưa chúng tôi đã bị nhiều lần như thế, thì dọa dẫm ghê ghớm. Bây giờ không có chuyện dọa dẫm. Bây giờ hai bên gây thiện cảm với nhau. Tôi xác nhận bây giờ các anh tiến bộ, làm việc tốt, thoải mái, lắng nghe, như thế là rất tốt. Phải thừa nhận sự thay đổi.

BBC: Và họ có hẹn gặp lại ông không?

Ông Phạm Toàn: Có chứ. Có hẹn gặp lại. Cậu dẫn tôi về nói như thế.

BBC: Buổi “làm việc” của ông diễn ra khá nhanh và tương đối nhẹ nhàng, trong khi ông Huệ Chi thì kéo dài. Vậy ông có lo cho ông Huệ Chi Không?

Ông Phạm Toàn: Tôi có lo cho anh Huệ Chi. Cách làm việc ở đây là người ta cứ muốn tìm thêm chứng cứ trong quá trình làm việc. Và tôi sợ hình như nó có một cái ý định sẵn từ đầu. Tôi sợ là sợ cái đó. Tôi hy vọng người ta sẽ tự thuyết phục. Tôi hy vọng anh Huệ Chi sẽ làm cho người ta được thuyết phục. Tôi hy vọng như thế. Nhưng mà ở đời chẳng biết thế nào cho nó cùng đâu. Tôi hoàn toàn tin anh Huệ Chi không làm điều gì xấu cả. Anh Huệ Chi là một kẻ sĩ, con người nho nhã, anh làm theo nguyên tắc của nho học, của gia đình nho học. Đấy tình hình là như thế.

Nguồn: BBC Vietnamese

This entry was posted in Tin Tức and tagged , , . Bookmark the permalink.