Cuộc Khởi nghĩa Tháng Tám 1945 ghi một mốc son trong Lịch sử Dân tộc. Mặc dầu hồi ấy chỉ một ít người Việt biết đến Cương lĩnh Việt Minh mà cụ Hồ diển ca thành 10 điều, nhưng ai nấy đều tâm niệm “Việt Nam Độc lập muôn năm” và “Tiến lên nền Dân chủ cộng hòa”. Dân chủ là gì cũng chưa biết, nhưng cứ Độc lập, nghĩa là không còn cảnh áp bức, đè đầu cưỡi cổ của thực dân và quan lại hào lý là được rồi. Một niềm tin đơn giản nhưng sâu sắc, đầy trực cảm.
Khởi nghĩa xong, có hai việc được coi là đạo nghĩa và pháp lý của Dân tộc. Một là Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh đọc ở Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Hai là bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua năm 1946, gọi tắt là HP 46.
Bản Tuyên ngôn Độc lập, đúng như thế, chỉ tuyên ngôn duy nhất một điều: Việt Nam Độc lâp. Việt Nam có quyền (mặc nhiên và thiêng liêng) được hưởng quyền tự do và độc lập. Kết thúc Bản Tuyên ngôn đó khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy.” (Đây là câu mà sau này những người nhại giọng cụ Hồ thường đọc cho đồng bào nghe trong các sinh hoạt tập thể).
Bản Hiến pháp 46 đã được soạn thảo công phu thể hiện nhiều tư tưởng nhân văn tiến bộ đến nay vẫn chưa hề lạc hậu. Đó là bản cam kết pháp lý và tinh thần chính thức, chính thống, mà cuộc Khởi nghĩa để lại. Nó đặt một đường ray chính xác cho con tàu Việt Nam đi thẳng đến bến bờ độc lập, tự do, hạnh phúc.
Nhưng Nó đã bị vứt bỏ. Chứng cớ là năm 1959, cụ Hồ đã lãnh đạo soạn thảo một HP mới cho phù hợp tình hình mới. Những bản HP sau đó với tinh thần “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH” có thể coi như là sự vứt bỏ cam kết thiêng liêng mà HP 46 đã thể hiện.
Không phải nhân dân đã phản bội lại chính mình. Mà chính là cái khuynh hướng do lực lượng quyền hành mới trong đảng, và chính cụ Hồ cũng đồng tình, đã “chuyển từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa Lê nin”, thực chất là từ bỏ chính nghĩa của Khởi nghĩa Tháng Tám, từ bỏ con đường độc lập, dân chủ, sánh vai cùng các cường quốc 5 châu, đi hẳn với Liên Xô, Trung Quốc, du nhập và áp đặt mô hình Xô viết vừa phi lý, vừa lạc hậu, vừa tắc tị, đến nỗi bây giờ vùng vẫy mãi mà chưa thoát ra được. Mặc dầu nơi quê hương của nó, người ta đã cho cái chế độ xô viết vào thùng lưu trữ của lịch sử!
Cần nhắc lai mấy đặc trưng của mô hình xã hội xô viết:
– Đảng toàn trị, Nhà nước cực quyền lệ thuộc đảng, đổi mới thế nào cũng không xong, Kinh tế công hữu, nhấn mạnh quốc doanh kế hoạch hóa hành chính quan lieu (cố nhiên nó là môi trường ẩm ướt thuận lợi cho sâu bọ phát triển, khó hoàn chỉnh kinh tế thị trường cho đúng nghĩa). Không có xã hội dân sự, chỉ có những cái gọi là dây chuyền của chuyên chính vô sản, các đoàn thể của đảng. Nền dân chủ què quặt, đến nỗi Hồ chí Minh phải hô hào làm cho dân chúng được hưởng được quyền dân chủ dám nói dám làm. Từ khi cụ mất cho đên nay đã hơn 40 năm vẫn không thực hiện được. Văn hóa và giáo dục cũng như khoa học kỹ thuật đặt trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê nin (Luật Giáo dục) ngày càng trở nên lạc hậu ,suy thoái. Từ khi từ bỏ con đường mà Hiến pháp 46 dự báo là con đường của chân thiện mỹ, con đường của quy luật phát triển hợp lý thì đất nước dù bề ngoài có vẻ có phát triển, thực chất là ngày càng lạc hậu, mỗi bước mỗi lạc hậu xa so với bạn bè trong khu vực.
Từ 1959 đến nay, chúng ta không tạo ra được một nền kinh tế có sức phát triển lành mạnh, có năng lực điều chỉnh để tiến kịp xu hướng thế giới. Chúng ta không xây dựng nổi một nền giáo dục “sẵn sàng phát triển mọi năng lực sẵn có của các em”, một nền văn hóa đủ sức nhào nặn lại nhân cách của con người của dân tôc, thậm chí là nhân cách của nhóm cầm quyền, những con người đúng ra phải là nhóm tinh hoa của Đất nước. Ngót một thế kỷ không hề tạo ra được cái gọi là “Nhóm xã hội định hướng” đủ sức cả về vật chất, cả về tinh thần để cầm trịch cho sự thăng hoa phát triển của Dân của Nước!
Để khỏi bị lịch sử lên án là đã phản bội lại cái chính nghĩa của Khởi nghĩa Tháng Tám, hãy thành tâm sám hối, cương quyết theo đạo lý chí công vô tư,vượt lên những lợi ích phe nhóm, thậm chí xưng là đảng mà thực chất vẫn là đảng phái chứ không còn là chính đảng, hãy từ bỏ mô hình xô viết phản động và lạc hậu (không cần phải dùng nghĩa phản động chính trị, mà theo nghĩa văn hóa khoa học cũng đủ) . Ông Mác từng nói nếu sám hối thành tâm thì có cơ cứu rỗi. Hãy lấy lại tinh thần và cả những nội dung nhân văn tiến bộ, hợp quy luật thời đại và khát vọng của dân tộc của bản cam kết 46, kết hợp với những kinh nghiệm thành công và thất bại của chính mình, quyết tâm học những bài học thực tế văn minh của nhân loại hiện đại mà làm cho Việt, nghĩa là siêu việt lên, từ bỏ mọi quá khứ đau đớn và lạc hậu để phục hưng dân tộc trong thế kỷ 21.
Cái nghĩa lý của hai chữ Khởi nghĩa là sự đứng lên có Chính nghĩa. Dù muộn cũng không được đánh mất cái chính nghĩa của Tháng Tám!
N.C.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN