Về tiểu thuyết “Đại gia” của Thiên Sơn

Việc đình chỉ phát hành một tác phẩm văn học là chuyện quen thuộc ở nước ta, chỉ cần theo lệnh của Cục Xuất bản chứ không do Toà án phán quyết như ở các nước “dân chủ chỉ bằng 1/ triệu (hay 1/vạn…) lần”. Đáng lưu ý là lý do mà Cục XB đưa ra cho việc đình chỉ: “Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề “nhạy cảm” hiện nay với tính chất cường điệu quá mức, cùng với những nhận định, đánh giả chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”.

BVN xin cung cấp cho bạn đọc những thông tin bước đầu liên quan đến cuốn tiểu thuyết bỗng thành “nổi tiếng” nhờ quyết định đình chỉ trên.

BVN

Đình chỉ phát hành bộ tiểu thuyết “Đại gia”

Ông Nguyễn Cảnh Bình, giám đốc công ty cổ phần sách Alpha (Alpha Books), đơn vị liên kết với NXB Lao động đầu tư in hai tập tiểu thuyết Đại gia (tác giả Thiên Sơn) vừa gửi thông báo đến các đối tác phát hành trong nước đề nghị ngưng phát hành, gỡ bỏ quảng cáo và thu hồi tác phẩm trên về kho Alpha Books.

Bìa bộ tiểu thuyết gồm hai cuốn của nhà văn Thiên Sơn.

Trước đó, công văn số 2896 / CXB – QLXB ngày 31.7.2013 do ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng cục Xuất bản ký, gửi đến NXB Lao Động và Alpha Books, đã đề nghị hai đơn vị này “đình chỉ phát hành để tổ chức thẩm định nội dung bộ tiểu thuyết Đại gia”, “chủ động đề xuất phương án xử lý đối với cuốn sách trên” và yêu cầu “có văn bản gửi về cục Xuất bản trước ngày 25.8.2013”.

Theo công văn trên, sau khi “kiểm tra nội dung” bộ tiểu thuyết Đại gia (gồm 2 tập: Tam giác ngầm và Quyền lực đen), cục Xuất bản đưa ra ý kiến: “Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả những mối “quan hệ” làm ăn kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cấp cao của nhà nước và những thủ đoạn, mánh khóe trong công tác tổ chức cán bộ. Cùng với đó là sự tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng của bộ máy quan chức các cấp từ Trung ương đến địa phương. Qua tác phẩm, người đọc thấy một “tam giác ngầm” mà ở đó, quyền lực, tiền bạc và gái gú câu kết với nhau để bòn rút của cải xã hội, làm mục rỗng đạo đức xã hội.

Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề “nhạy cảm” hiện nay với tính chất cường điệu quá mức, cùng với những nhận định, đánh giả chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”

Hai tập tiểu thuyết Đại gia của nhà văn Thiên Sơn dày hơn 1.100 trang, được in với số lượng 1.000 bản theo quyết định xuất bản của giám đốc NXB Lao động số 77/QĐLK-LĐ ngày 28.5.2013; sách in xong và nộp lưu chiểu quý 3/2013.

Theo nhận định của nhà văn Võ Thị Hảo được trích dẫn trên bìa 4 của hai tập sách: “Tác giả đã đau đớn để nhận biết, để đồng hành, để cập nhật với nỗi đau của những phận người đông đảo mà bé nhỏ, bị bóp nghẹt trong thế giới của quyền lực đen. Một khát vọng cháy bỏng muốn hành động để sự bóp méo này, ung hoại này được cắt bỏ và những vết thương lành lại”.

Tác giả Thiên Sơn, tên thật Nguyễn Xuân Hoàng, sinh năm 1972 tại Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An, là hội viên Hội nhà văn VN, hiện công tác tại Tạp chí Điện Ảnh Việt Nam. Trước tiểu thuyết Đại gia, ông đã có 2 tập thơ, 2 tập truyện ngắn và 4 tiểu thuyết đã được xuất bản và từng dành giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn VN (2006-2010) với tiểu thuyết Dòng sông chết.

Theo SGTThttp://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/137427/dinh-chi-phat-hanh-bo-tieu-thuyet–dai-gia-.html

*****

Tiểu thuyết vừa ra lò của nhà văn Thiên Sơn: “Đại gia”

 

 Thiên Sơn bên bộ tiểu thuyết vừa ra lò

Theo lời nhắn của tác giả “Đại gia” vừa ra lò, thì hôm nay (22/7), bộ tiểu thuyết mới nhất này của anh mới chính thức phát hành. Tôi nhận sách tặng và đọc lại từ trưa hôm qua. Đọc lại, là bởi tôi đã đọc nó từ lúc còn là bản thảo thời kì đầu tiên. Lúc đó, Thiên Sơn bảo: “Đến bản này, cũng đã chỉnh sửa tới 4 lần rồi”. Hôm qua, anh nói tiếp: “Từ bản đưa bác lúc đó, đến bản in này đã chỉnh sửa thêm không dưới 10 lần nữa”. Một bộ tiểu thuyết được viết trong khoảng 3 năm. Được chỉnh sửa với khoảng 15 lần trong suốt một năm tiếp theo. Và để ra được sách như hiện nay, phải mất khoảng một năm nữa để chạy vòng quanh các nhà xuất bản. Cuối cùng, nhà Lao Động in. Chẵn 5 năm. Đúng ở tuổi 40.

Đây là tiểu thuyết thứ 5 của anh. Những cuốn trước là: Dòng sông chết, Bật rễ, Hòn đất, Màu xanh ký ức (không kể các tập truyện ngắn và thơ).

Có một chi tiết vui vui thế này: Thiên Sơn đã vào Hội Nhà văn Việt Nam cùng đợt với thơ nhân Hoàng Quang Thuận (năm 2011).

Vốn ban đầu nhà văn định viết 2 tập với cùng một tiêu đề là “Quyền lực đen”. Nhưng sau đó, cái tên như vậy không được chấp nhận, đành theo cách mới: tên chung của hai tập là “Đại gia”, còn tập 1 có tên nhỏ là “Tam giác ngầm”, và tập 2 thì là “Quyền lực đen”. Bây giờ đã thấy quảng cáo về Đại gia trên mạng.

Cái kết của tập 2 hiện nay hơi nhẹ quá (nguyên bản tôi nói là “đuối”), được giải thích là do nhà văn mệt quá, mất sức ở chặng cuối cùng, đành tạm thế. Mà đặc biệt, cũng còn là vì: anh định viết tiếp tập 3 nếu điều kiện sức khỏe cho phép.

Nội dung truyện:

Quỳnh là một cô gái có sắc đẹp tuyệt trần, nhưng sau những biến cố đau đớn của cuộc đời, cô trở thành một gái gọi cao cấp chuyên phục vụ giới đại gia. Một ngày, cô được Tấn Đạt – Tổng giám đốc của tập đoàn Đại Á – giới thiệu cho Lê Đức – một “con voi” của nền chính trị Việt Nam. Đó là chiêu của Tấn Đạt nhằm lấy lòng Lê Đức để được phép triển khai dự án Hà Vọng và toàn quyền chiếm Đại Á, đánh bật Lê Vượng vốn là Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn này. Từ đó, hàng loạt những kịch tính nổ ra: Lê Đức đắm chìm trong tình yêu với Quỳnh, cuộc đối đầu giữa Lê Vượng và Tấn Đạt, những phe phái đối lập tìm cách hạ bệ và tiêu diệt nhau…

Cuốn tiểu thuyết khép lại trong nỗi nhức nhối về sự thống trị đen tối của quyền và tiền, sự băng hoại đạo đức xã hội, sự chết dần của những giá trị tốt đẹp vốn cứu rỗi cho đời sống chúng ta.

“Tôi đã viết cuốn sách này bằng tất cả khao khát chỉ ra cái hiện thực hiểm nghèo, vạch trần nguồn gốc sâu xa luôn bị che đậy và cảnh báo những điều nguy hiểm đang đến với xã hội và số phận mỗi con người. Để rồi cuối cùng, chúng ta hiểu ra những vận động sai lạc, lệch hướng đã đưa con người đến đau khổ như thế nào. Mong muốn lớn nhất của tôi là cuốn sách sẽ được bạn đọc thấu hiểu, sẻ chia và chúng ta sẽ cùng nhau đi đến nhận thức cũng như hành động chung nhằm mang lại những gì tươi sáng hơn cho tương lai.” – Thiên Sơn

“Tác giả đã đau đớn để nhận biết, để đồng hành, để cập nhật với nỗi đau của những phận người đông đảo mà bé nhỏ, bị bóp nghẹt trong thế giới của quyền lực đen. Một khát vọng cháy bỏng muốn hành động để sự  méo mó, ung hoại này được cắt bỏ và những vết thương lành lại.” – Nhà văn Võ Thị Hảo 

Trích đoạn:

“Chưa bao giờ ông thấy cuộc đời lại chật hẹp, cực khổ như khi đã mang lấy danh vị. Cũng có lúc ông chán cảnh giàu sang, chán cảnh chức cao quyền trọng, chán cảnh bị đưa trước đón sau. Chán… chán… chán ngấy đến tận cổ cái thân phận có vẻ như cao quý của mình. Nhưng lạ lùng sao, ông không bao giờ có can đảm từ bỏ nó.”

“Trí óc ông cứ trở đi trở lại với những nghịch lý trớ trêu ấy. Thực ra nó là cả một mâu thuẫn lớn trong tâm hồn. Nó là những mặt đối lập trong suốt cuộc đời ông, nó biến ông thành một kẻ dối trá. Nó khiến ông trở thành một con người hành động không nhất quán. Tóm lại, ông là một cõi chiến trường, là nơi giằng xé của những điều không thể dung hoà được…” 

Nguồn: http://giaovn.blogspot.com/2013/07/tieu-thuyet-vua-ra-lo-cua-nha-van-thien.html

 

 

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.