Vì sao hai thủy điện “lạ” (Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A) cứ dây dưa?

Chỉ là một dự án bình thường mà sao hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A (ĐN 6&6A) gây rắc rối kéo dài không đáng có cho các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các tỉnh, các tổ chức, cộng đồng địa phương và cho chính khổ chú là doanh nghiệp?

Tới đây, hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) sẽ tổ chức thẩm định lần thứ ba sau khi yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn sửa chữa theo Công văn Số 2059/TCMT-TĐ ngày 06/12/2012 của Bộ TN&MT.

Nội dung hai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) sau khi sửa vẫn còn khá nhiều bất cập, mắc lỗi chuyên môn và việc đánh giá phụ thuộc vào tâm và tầm của từng thành viên. Dưới đây, chúng tôi xin điểm lại một số mốc thời gian bản lề của quá trình để dư luận có thể hiểu thêm một vài khía cạnh có nguy cơ dẫn đến xung đột, đổ vỡ và căng thẳng lẽ ra không đáng có cho tất cả các bên.

Qua các bảng kê một số văn bản liên quan xếp theo thứ tự thời gian, xin đưa ra một vài nhận xét, thắc mắc. Mong được chia sẻ và cung cấp các thông tin có liên quan để cùng tìm ra hướng giải quyết dứt điểm, hài hòa lợi ích của các bên liên quan, không để gây ra các sự cố nghiêm trọng về môi trường nếu dự án được triển khai.

Quy hoạch Điện VI không có ĐN 6&6A

Cuối năm 2002, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt tại văn bản số 1843/CP-CN ngày 19/11/2002 quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai (ĐN), do Bộ Công nghiệp (nay gọi là Bộ Công thương) khảo sát, nghiên cứu và lập. Tất nhiên, quy hoạch này chỉ là sơ bộ, chia sông ĐN thành các bậc thang, chưa phối hợp với các bộ, ngành khác và chưa đặt trong quy hoạch tổng thể chung.

Sau khi có Luật Điện lực Số 28/2004/QH11 được Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 03/12/2004, ngày 18/7/2007, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 – 2015 có xét đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VI). Trong quy họach này, không có Thủy điện Đồng Nai 6. Việc loại bỏ Thủy điện ĐN 6 công suất 180MW ra khỏi quy hoạch chắc chắn có tính toán cân nhắc nhiều mặt. Và đương nhiên, Quy hoạch điện VI đã phủ nhận quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai ngày 19/11/2002 (văn bản số 1843/CP-CN nói trên, số TT 1).

Vậy tại sao tháng 10/2007, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) vẫn thuê Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1) nghiên cứu, lập báo cáo đầu tư một dự án thủy điện không có trong Quy hoạch điện VI?

Có lẽ từ đây, cuộc marathon vận động xây dựng dự án mới thực sự bắt đầu. Doanh nghiệp thì quá ham mê làm thủy điện, một số cá nhân, tổ chức lại có dấu hiệu tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp. Sự giúp sức ấy thể hiện ít nhất trên hai việc:

Một, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1) tách ĐN6-180MW thành ĐN6-135MW & ĐN6A-106MW theo tiêu chí đặt hàng: Qui mô các phương án được xem xét trên cơ sở diện tích chiếm đất của công trình chính + công trình tạm + hồ chứa nhỏ hơn 200 ha. Họ đã khảo sát 35 km sông Đồng Nai dưới công trình thủy điện ĐN 5, lập nhiều phương án chia tách và chỉ quan tâm sao cho diện tích chiếm đất của từng dự án nhỏ hơn 200 ha. Làm được điều đó sẽ không phải trình Quốc hội xem xét đầu tư theo Nghị quyết 66/2006/NQ-QH11.

Hai, ngày 14/10/2009,Bộ Công Thương ra quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai Số 5117/QĐ-BCT, do Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào ký.

Trước đó, ngày 20/5/2008, Đức Long Gia Lai ký hợp đồng thuê Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1) thiết kế, lập báo cáo đầu tư dự án thuỷ điện ĐN 6, đồng thời gửi công văn xin Chính phủ, Bộ Công Thương đầu tư dự án ĐN6.

Mãi đến ngày 14/7/2008, Văn phòng Chính phủ mới phúc đáp bằng Công văn Số 4621/VPCP-KTN, trong đó có đoạn: ” Bộ Công Thương hướng dẫn Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai lập hồ sơ dự án thủy điện Đồng Nai 6 theo quy định hiện hành, trình Bộ Công Thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia“.

Bộ Công Thương hướng dẫn kiểu gì 

Không rõ Bộ Công Thương hướng dẫn kiểu gì để, ngày 7/11/2008, ĐLGL gửi tờ trình tới ba tỉnh xin chuyển đổi hệ sinh thái và diện tích đất rừng thực hiện đầu tư xây dựng công trình thủy điện ĐN 6&6A. Rồi sau gần một năm, ngày 14/10/2009, Bộ Công Thương mới tự ra quyết định nói trên bổ sung hai dự án ĐN 6&6A vào quy hoạch?

Phải chăng quyết định đó là để hợp thức hóa cho ĐLGL? Quyết định 5117/QĐ-BCT nói trên điều chỉnh bổ sung một văn bản của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực thì có giá trị gì không? Văn bản Số 1483/CP-CN ngày 19/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ mặc nhiên bị vô hiệu bởi Quyết định Số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/7/2007 cũng của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy họach điện VI.

Theo nguyên tắc, và chỉ đạo tại Văn bản Số 4621/VPCP-KTN ngày 14/7/2008 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ có quyền thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung vào quy họach do Thủ tướng Chính phủ đã duyệt mà thôi. Vậy tính pháp lý của Quyết định Số 5117/QĐ-BCT ngày 14/10/2009 của Bộ Công Thương, đã đề cập ở trên, có phù hợp hay không?  

Chưa hết, Quyết định 5117/QĐ-BCT chỉ căn cứ vào Luật Xây dựng mà bỏ qua Luật Điện lực. Phần “Nơi nhận” không thẩy gửi lên Thủ Tướng Chính phủ, người ký văn bản (Quyết định Số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/7/2007) và bị Bộ Công Thương điều chỉnh. Làm như thế có đúng thẩm quyền và nguyên tắc hành chính hay không?

Tại Phụ lục: Điều chỉnh, bổ sung quy họach bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai (kèm theo Quyết định Số 5117/QĐ-BCT nói trên của Bộ Công Thương), phần tọa độ vị trí của bảy dự án đều sai căn bản: kinh độ và vĩ độ chỉ có trị số, không có phần chữ ghi hướng đông; tây; nam; bắc- tiếng Anh là E; W; S; N.

Điều đó khiến dư luận hoài nghi về một kịch bản ĐLGL tiếp tục đeo bám dựa án thủy điện ĐN 6&6A nhờ quyết định chứa đựng nhiều bất thường nói trên của Bộ Công Thương. Đến ngày 21/7/2011, hai cái dự án thủy điện ĐN 6&6A nghiễm nhiên có mặt trong Quy hoạch Điện VII.

Theo số liệu của chính Bộ Công Thương cuối tháng 4/2013: “Bộ Công Thương đã thống nhất với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương loại khỏi quy hoạch 338 dự án (1.089 MW) và không tiếp tục xem xét đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng thủy điện (362,5 MW) có hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến môi trường – xã hội, ảnh hưởng đến quy hoạch/dự án ưu tiên khác, nhà đầu tư trả lại dự án do không khả thi hoặc dự án không có nhà đầu tư quan tâm. Như vậy, cho tới nay số dự án thủy điện nằm trong các quy hoạch trên cả nước chỉ còn lại 899, trong đó 260 dự án đã vận hành khai thác; 211 dự án đang thi công xây dựng, dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017; 266 dự án đang nghiên cứu đầu tư để xem xét cho phép khởi công xây dựng trong thời gian tới; 162 dự án chưa có chủ trương đầu tư do còn vướng mắc, cần tiếp tục xem xét liên quan đến tác động môi trường-xã hội hoặc chưa có nhà đầu tư đăng ký thực hiện.”

Như vậy, vấn đề quy hoạch thủy điện cho đến nay vẫn còn nhiều bất cập và chuyện đưa vào quy hoạch hay đình chỉ, loại bỏ một dự án nào đó là bình thường.

Quên Nghị quyết Quốc hội

Ngày 19/6/2010, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Số 49/2010/NQ-QH12 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, có hiệu lực từ 01/08/2010. Tháng 9/2010, Viện Quy hoạch Thuỷ lợi Miền Nam (Số 271/3, Đường An Dương Vương, Phường 3, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh) được thuê lập hai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho hai dự án thủy điện ĐN 6&6A. Cả hai ĐTM này đã bị các nhà khoa học chân chính, báo chí dư luận phanh phui nhiều. Chỉ xin lưu ý, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam là đơn vị tư vấn lớn nhưng khi lập ĐTM lại quên viện dẫn Nghị quyết Số 49/2010/NQ-QH12 nói trên. Họ còn viện dẫn sai Nghị quyết 66/2006/NQ-QH11 thành Nghị quyết 66/2007

Lẽ ra ngay từ lúc đó, đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đều biết rõ dự án phải được Quốc hội quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mới triển khai tiếp. Thế nhưng chủ đầu tư và một số quan chức lại cho rằng Nghị quyết Số 49/2010/NQ-QH12 của Quốc hội không cấm chủ đầu tư tiến hành nghiên cứu. Vẫn theo họ, Luật Đa dạng Sinh học Năm 2008 cũng không cấm chủ đầu tư nghiên cứu vùng lõi. Bởi thế, họ ráo riết tiếp tục thuê Viện Môi trường & Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh làm lại ĐTM.

Ngày 20/6/2011, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN& PTNT), ông Hứa Đức Nhị ký Văn bản Số 1741/BNN-TCLN, ” V/v phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Vườn Quốc gia Cát Tiên để triển khai xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A”. Văn bản này rất lập lờ, mâu thuẫn. Trích yếu thì ghi là “phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Vườn Quốc gia Cát Tiên để triển khai xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A”, nhưng tòan văn bản không có một dòng nào nói về điều chỉnh quy họach nào đó. Là bộ chủ quản chuyên sâu nhưng văn bản này của Bộ NN&PTNT không tham mưu đề ra được hướng giải quyết mà chỉ báo cáo sơ sơ, chuyền trách nhiệm cho Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo.

Đến ngày 11/7/2011, Thứ trưởng Hứa Đức Nhị ký tiếp Quyết định Số 1535/QĐ-BNN-TCLN, ” V/v phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Cát Tiên gia đọan 2010-2020″.  Văn bản sáu trang A4 không có bất cứ dòng nào nhắc đến hai dự án thủy điện ĐN 6&6A. Thế nhưng ĐLGL vẫn viện dẫn nhiều lần.

Khi các nhà khoa học, báo chí và dư luận càng phản đối mạnh mẽ hai dự án ĐN 6&6A với cảnh báo sẽ gây thảm họa cho môi trường không lường hết được, ngày 31/8/2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký Văn bản Số 45/TTg-KTN trả lời Công văn 1741/BNN-TCLN ngày 20/6/2011 của Bộ NN& PTNT, chỉ đạo:

” 1. Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và chủ đầu tư:

– Luận chứng chi tiết diện tích rừng và đất cần phải chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A, bao gồm điện tích vùng ngập lòng hồ, diện tích xây dựng đập, nhà máy thủy điện và các công trình phụ trợ…

– Trường hợp diện tích rừng và đất cần cho dự án có thể chuyển mục đích sử dụng mà ảnh hưởng tới tiêu chí, mục tiêu và nội dung xác lập Vườn Quốc gia Cát Tiên và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, thì dừng xây dựng dự án và thông báo cho chủ đầu tư biết.”

Đa số các nhà khoa học chân chính trong và ngoài nước, báo chí và chính quyền, đại biểu quốc hội một số tỉnh lân cận cùng dư luận đều cho rằng hai dự án thủy điện ĐN6 và ĐN 6A vi phạm pháp luật và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký. Thế nhưng ĐLGL vẫn thuê Viện MT&TN làm lại ĐTM của hai dự án. Viện MT&TN vẫn phớt lờ Nghị quyết Số 49/2010/NQ-QH12 để viện dẫn Nghị quyết Số 66/2006/NQ-QH11. Cũng y như trong hai cuốn ĐTM của Viện QHTL Miền Nam đã bị bác bỏ, họ lại ghi sai năm là 2007.

Quan trọng hơn, hai bác cáo này vẫn bị cho rằng cắt dán là chính, một số vấn đề chuyên môn sai căn bản, một số giải pháp bảo vệ và giảm thiểu tác động môi trường đưa ra được giới chuyên môn đánh giá là “không tưởng”. Trước khi thẩm định ngày 28/11/2012, một thư ký hội đồng thẩm định nói năng quá ngạo ngược nên bị thay vào giờ chót. Sau thẩm định, một thành viên hội đồng thẩm định bên Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cử sang, đã gửi một phát biểu hồ đồ đến mức một thứ trưởng bộ này sau đó phải thanh minh đấy chỉ là ý kiến cá nhân.

Động thái khó hiểu của Bộ NN&PTNT

Tiếp sau hàng loạt hội thảo, họp hành, kiểm tra thực địa, ngày 06/2/2012, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần ký Công văn Số 228/BNN-TCLN V/v chuyển mục đích sử dụng rừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A. Văn bản này một lần nữa thể hiện sự mập mờ, mâu thuẫn trước sau, thiếu căn cứ khoa học, không đưa ra phương án hoặc đề xuất cách giải quyết trong phạm vi chuyên môn được giao quản lý mà lại có tính chỉ đạo ngược, đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ.

Với toàn bộ diễn biễn nói trên, có ý kiến cho rằng Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã ủng hộ hai dự án thủy điện ĐN 6&6A trên mức bình thường. Trong khi đó, UBND, HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội, và Ban Quản lý Khu Bảo tồn Dự trữ Sinh quyển Tỉnh Đồng Nai vẫn kiên quyết phản đối và đề nghị loại bỏ các dự án thủy điện xâm hại VQG Cát Tiên.

Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) là mạng lưới duy nhất ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ sông ngòi và nghiên cứu tác động môi trường, xã hội của phát triển thủy điện. VRN đã nghiên cứu rất kỹ, mở các hội thảo khoa học công phu, đưa ra nhiều khuyến cáo kiến nghị loại bỏ hẳn hai dự án này chứ không phải là tạm dừng. Nhiều báo, đài, nhà khoa học trong, ngoài nước, nhiều nhóm, tổ chức liên tục cảnh báo và phản đối. Vậy mà hai báo cáo ĐTM mới nhất lập tháng 5/2013 vẫn không đếm xỉa đến Nghị quyết Số 49/2010/NQ-QH12, trong khi vẫn viện dẫn Nghị quyết Số 66/2006/NQ-QH11 và vẫn ghi sai năm là 2007 y như trong hai lần trước.

Dư luận chắc không quên việc ĐLGL hồi tháng 7/2013 bị UBND Tỉnh Gia Lai thu hồi giấy phép đầu tư một dự án thủy điện mang tên Đăk Sepay tại Suối Bài Thơ, Xã Sơ Bai, Huyện Kbang, có công suất chỉ 3 MW. Qua đây dư luận cũng có quyền hoài nghi năng lực tài chính và nhân sự của ĐLLG về hai dự án thủy điện ĐN 6&6A có công suất lớn hơn Dawk Sepay nhiều. Còn dự án Mỹ Lý – 280 MW ở Tỉnh Nghệ An (bậc kế trên thủy điện Bản Vẽ) và dự án Sông Sen – 25MW ở Huyện Hướng Hóa, Tỉnh Quảng Trị, sẽ tiếp tục như thế nào? Hàng tỷ đồng chi phí dở dang cho hai dự án ĐN 6&6A đối với một doanh nghiệp tư nhân không phải là nhỏ. Song môi trường sống của cộng đồng sẽ bị đánh đổi, trả giá sao đây?

Nếu thiện chí, thực tâm, công khai, minh bạch thì khó cách nào cũng tìm được giải pháp hài hòa. Hy vọng hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM của Bộ TN&MT về hai dự án thủy điện ĐN 6&6A lần này sẽ thực sự công tâm

Ngày 13/6/2011, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Tỉnh Lâm Đồng, ông Lê Văn Minh, ký hai văn bản thẩm định hiện trạng tài nguyên rừng trên diện tích ĐLGL xin thuê đất để xây dụng công trình thủy điện ĐN 6&6A (Số 1141/TĐ-SNN và Số 1142/TĐ-SNN). Cả hai văn bản ghi, trên diện tích đất ĐLGL thuê xây dựng thủy điện ĐN 6&6A tổng trữ lượng gỗ là 14.345 m3 và tổng số lồ ô là 430.004 cây.

Cả hai văn bản trên đều ghi rõ tại Mục 6:

” 6. Một số nội dung cần lưu ý:

Do diện tích đất lâm nghiệp xin thuê, xin chuyển mục đích sử dụng đất (CMĐSDĐ) chủ yếu là rừng đặc dụng (hiện do VQG Cát Tiên quản lý), nên Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải lập thủ tục trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo Nghị quyết Số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội nước CHXHCNVN về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với diện tích xin thuê và CMĐSDĐ để xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 trình cấp thẩm quyền phê duyệt.”

 

Đồng Nai, ngày mưa bão-Lâm Khê Trần

 SCT

 Nguồn: http://savingcattiennationalpark.blogspot.com/2013/08/vi-sao-hai-thuy-ien-la-thuy-ien-ong-nai.html

 

 

This entry was posted in Lên Tiếng, Nông Thôn. Bookmark the permalink.