Lâu nay, thi thoảng tôi có viết vài trang ngắn về chuyện này chuyện nọ thì cũng mang tính thông tin là chủ yếu, không có tham vọng trình bày cái gì. Cũng có người hỏi tại sao không thấy tôi viết gì về nông thôn nông nghiệp, một lĩnh vực tôi gắn bó rất lâu và cũng rất sâu nặng? Vâng, nói như Phạm Tiến Duật, “không có kính không phải vì xe không có kính…”. Tôi thấy khó để viết gì nếu mình không có cơ hội nào đằm mình trong cái biển mênh mông ấy và… đây lại là lĩnh vực không chỉ khó mà còn rất nhạy cảm.
Gần đây thấy đang dấy lên một “phong trào” mới là bàn nhau chuyển đổi cơ cấu, nôm na là bớt đất trồng lúa chuyển sang trồng cây khác mà thấy có một số vị lên tivi nói như là một lối thoát mới theo tinh thần Nghị quyết của đảng: Tái cơ cấu!
Lại tái cơ cấu! Lại phong trào!
Tôi thấy chúng ta, kể cả các nhà chức trách trên lĩnh vực nông nghiệp, nói thì có vẻ bức xúc đấy, nhưng đưa ra giải pháp thì lại đúng vào những con đường cũ mà tương lai của các phong trào ấy không bao lâu lại đưa nền nông nghiệp vào chỗ bế tắc, rồi lại phong trào mới. Làm kinh tế, nhất là kinh tế thị trường mà bên trên cứ nay quyết cái này mai quyết cái khác theo cách phong trào đời xưa thì sao gọi là bàn định một chính sách phát triển được.
Tái cơ cấu, tái cấu trúc… chẳng phải là thể hiện ý chí của bên trên hay sao, mà đâu đâu cũng tái cơ cấu, giống như khi nghị quyết nói “mũi nhọn” thì ở lĩnh vực nào và ai ai cũng đều mũi nhọn. Rốt cuộc các mũi nhọn ấy ra sao rồi? Nghị quyết nói “đột phá” thì lại ra phong trào đột phá. Cái gì và ở đâu cũng đột phá rồi đột phá được gì? Nay lại tái cấu trúc và các chuyên gia đang coi như một phát kiến mới?
Chừng nào chúng ta chưa ra khỏi kiểu tư duy phong trào được quyết từ trên, bất kể đó là nghị quyết TW hay CP thì cũng là một thứ ý chí không bao giờ thay được các quy luật phát triển nội tại của chính nông thôn nông nghiệp VN trong thời điểm hiện nay. Không có cách nào khác là phải tổng kết từ thực tiễn để đưa ra được những chủ trương chính sách hợp lòng dân, hợp với thực tiễn từng vùng, thậm chí tiểu vùng của nông nghiệp mới có hiệu quả.
Xin tạm gác qua bên những luận bàn về lợi nhuận trồng lúa ra sao rồi so sánh cây này với cây kia theo những giả định của các nhà khoa học quan phương. Vẫn là bên trên quyết định tất cả, vẫn là “phong trào” thì thất bại là điều có thể dự liệu được.
Chúng ta luôn tự hào về nền văn minh lúa nước và có lẽ điều đó đáng tự hào thật. Nhưng thế giới này còn có một nền văn minh cây trồng cạn nữa mà ta thường ít khi bàn tới. Về cơ bản, hai nền văn minh này lại ở hai phía Đông và Tây. Hai nền văn minh ấy không những làm ra hai hệ thống sản phẩm khác nhau để tạo lập hai truyền thống ẩm thực khác nhau, mà quan trọng hơn, hai nền văn minh ấy dựa trên hai nền tảng khoa học kỹ thuật rất khác nhau và rất cách xa nhau. Ai cũng biết nền văn minh nào có trình độ cao hơn.
Sau khi thế giới phương Tây thoát khỏi đêm trường dưới gông cùm của đế chế Giáo hội để bước vào kỷ nguyên tự do, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật những thế kỷ sau đó đã tạo ra biến đổi to lớn, xây dựng nên một nền văn minh mới như chúng ta đã thấy. Cuộc cách mạng kỹ thuật ấy không chỉ diễn ra trong lĩnh vực công nghiệp mà nông nghiệp cũng theo đó có bước phát triển vượt bậc. Quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp diễn ra từ khâu sản xuất – thu hoạch – chế biến – bảo quản… đối với hầu hết các sản phẩm truyền thống của nền nông nghiệp phương Tây mà chủ yếu là các cây trồng cạn cũng như gia súc gia cầm. Phương Đông được thụ hưởng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ấy một cách thụ động như là “ăn sẵn” những tiến bộ về kỹ thuật và công nghệ mà phương Tây đã sáng tạo ra.
Tiếc thay, những gì liên quan đến nền văn minh lúa nước thì người phương Tây không nghĩ ra hộ người phương Đông được nên cứ thế, toàn bộ nền văn minh lúa nước cứ dẫm chân tại chỗ hoặc tiến một cách vô cùng chậm chạp.
Người Nhật có nghĩ ra máy cấy, làm ra máy xay xát gạo cao cấp… nhưng đó lại là vài thứ “thêm nếm” trong tiến trình phát triển của nước Nhật mà thôi.
Đối với nền nông nghiệp Việt Nam, theo lẽ tự nhiên, cái gì chúng ta có thể xin các nước XHCN thì du nhập (như máy cày của Liên Xô hay một số máy móc nông cụ thô thiển và tốn năng lượng mà hiệu quả thì vô cùng nhỏ), còn lại thì cứ nhất nước nhì phân mà tiến lên. Chỉ tính riêng từ năm 1975 trở lại đây thì nông thôn nông nghiệp nước nhà đã có những bước tiến gì là to lớn nhất?
Theo thiển ý, đã đến lúc chúng ta phải dành thời gian thỏa đáng để suy nghĩ, để tìm tòi, để phân tích, đánh giá lại một cách thật khoa học và thực tiễn những gì thuộc truyền thống của nền “văn minh lúa nước” phải phát huy và những gì cần phải thay đổi một cách căn bản, triệt để vì nền nông nghiệp như chúng ta là một một nền nông nghiệp sử dụng hóa chất và tiêu dùng nước vô cùng lớn, trong khi môi trường sinh thái ngày càng tệ và nước kể cả nước mặt cũng như nước trong lòng đất của chúng ta không phải là vô hạn, nếu không nói rằng đã bắt đầu khan hiếm.
Tạm gác lại chuyện hiệu quả đầu tư, ngoại trừ thủy lợi và giao thông nông thôn ra, bản thân nền nông nghiệp nước ta trong hàng chục năm qua về cơ bản chưa có bước chuyển biến nào đáng kể, nhất là các tỉnh miền Bắc.
Nếu nói “nhất nước” thì chưa thể yên tâm rằng đã giải quyết xong hay cơ bản bảo đảm được vấn đề úng và hạn như là một căn bệnh kinh niên của nền nông nghiệp lúa nước. Mặt khác, mô hình thủy lợi mà nền nông nghiệp nước ta áp dụng là mô hình lạc hậu nhất, hao tốn nước mặt nhiều nhất. Trong khi nhân loại đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước ngọt với hằng hà sa số hững lời khuyến cáo từ Liên Hợp Quốc thì chúng ta, hình như vẫn đinh ninh rằng “nhiều như nước, rẻ như nước”, không hề có một chút lo lắng nào về nguồn nước đang cạn kiệt một cách nhanh chóng.
“Nhì phân” thì liệu đã hơn gì về lượng? Còn chất thì chắc chắn ngày càng kém hơn vì hóa học là chủ yếu. Phân bón sinh học và hữu cơ nói cho có thôi chứ không mấy ai có thể đầu tư được nữa, trừ một số rất ít rau, hoa, quả trong các vườn của các hộ gia đình theo kiểu tự cung tự cấp.
“Tam cần”? Hiện tượng một bộ phận nông dân “trả ruộng” là con số nhỏ, nhưng nói rằng nông dân đang hết lòng hết sức một nắng hai sương gắn bó với ruộng đồng cũng không còn được như xưa. Vì sao? Không phải vì nông dân bây giờ “lười nhác” hơn thời mới thực hiện cơ chế khoán mà chủ yếu là lợi ích của họ trên mảnh đất được giao đã kém hơn trước đây. Thuế nông nghiệp tuy đã được bãi bỏ, nhưng trên lưng người nông dân, mà rốt cuộc quy về thửa ruộng được giao khoán còn rất nhiều khoản phí như một loại ký sinh trùng ăn bám ngày càng nhiều, càng nặng mà nhiều phương tiện truyền thông đã nêu thì người nông dân càng đầu tư nhiều công sức và chi phí thì càng lỗ.
Là một nước mỗi năm xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, mang về 4 tỷ đôla, nhưng thu nhập của người nông dân bây giờ có hơn gì chăng? Không có gì đáng gọi là hơn cả: Theo báo cáo điều tra năm 2012 ở 12 tỉnh thành phố của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW thì chỉ khoảng 200 đôla/người/năm ở vùng trồng lúa. Những năm 1980, lúc nước ta còn phải xin viện trợ của các nước XHCN trên dưới 3 triệu tấn lương thực/năm, bình quân GDP/người của cả nước chỉ có 400 đôla thì khu vực nông thôn cũng ở mức 200 đôla. Sau hơn 30 năm đổi mới, nay theo số liệu chính thức, bình quân đầu người cả nước 1.600 đôla mà nông thôn vẫn chỉ 200-300 đôla thì chúng ta nói gì với nông dân? Họ có đáng “cần” hơn nữa không?
Không biết có thể tin cậy vào số liệu của thời kỳ nào, nhưng về đại thể thì có thể khẳng định thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn nếu không tương đương những năm 80 thì mức tăng thêm cũng không đáng là bao.
Nhân tố thứ tư là Giống thì không biết nên đánh giá ra sao. Nói cho công bằng thì cũng chịu khó nhập giống này giống kia về để nông dân thí nghiệm đấy, nhưng không trên một nền tảng vững vàng nào cả. Nếu nói chúng ta đang phát triển theo chỉ tiêu số lượng thì năng suất các loại cây con cũng không hơn ai. Còn chất lượng là đại vấn đề của nền nông nghiệp. Ấy là nói riêng về lúa nước mà thôi, còn hầu hết các cây trồng khác, gần như không cần quan tâm. Bây giờ ai muốn dùng nông sản thực phẩm chất lượng cao mà có điều kiện về kinh tế thì chỉ chọn hàng Thái, Nhật, Đài Loan, Úc, Mỹ là yên tâm nhất, kể cả gạo là thứ chúng ta có truyền thống. Rất khó khăn để mua được ít gạo Tám đúng là Tám xoan như xưa nữa thì lỗi tại ai cho dù chúng ta đã đặt tất cả mọi hoạt động của nền nông nghiệp trên cái nền cơ bản là lúa nước?
Hãy lấy cây lúa để bàn riêng một chút thì cũng lại là nước và chỉ là lúa nước. Khi xưa, ở những vùng khô hạn, nhất là các tỉnh Trung bộ và vùng ven biển, vùng núi và trung du, có rất nhiều loại lúa khác nhau không cần nhiều nước. Ngoài lúa nương của vùng núi, còn có giống lúa cấy “vùi” hay “phui” của vùng Nghệ Tĩnh cho đấn Quảng Bình. Khi cấy không có nước, nhưng cứ gieo hay cấy xuống đó, rồi chờ trước sau Rằm tháng Bảy âm lịch, thể nào cũng có mưa và nhìn cánh đồng lúa tưởng đã chết hết, nhưng sau mưa là lúa tốt rất nhanh. Vùng ven biển, đất phèn hay “nước lợ” đều có giống lúa riêng. Bằng tư duy lúa nước, chúng ta đã cố làm thủy lợi cho tất cả các vùng và đương nhiên, tính bấp bênh là không tránh khỏi cho dù chúng ta bỏ ra bao nhiêu tiền đầu tư cũng thế thôi. Chúng ta luôn nói đến ưu thế của một nền nông nghiệp đa dạng sinh học và đa vùng sinh thái, nhưng rốt cuộc đã quy về sự đơn điệu, đơn giản là lúa nước. Khoai sắn và hàng chục cây lương thực khác vẫn như thời cổ đã có thế nào cứ nguyên như thế, kể cả giống và công nghệ chế biến, bảo quản. Đây là điều khác xa giữa chúng ta với các nước nông nghiệp cạnh ta như Đài Loan hoặc Thái Lan.
Khi tôi hỏi một nhà khoa học nông nghiệp Đài Loan vì sao năng suất lúa và các loại cây trồng của Đài loan thấp quá vậy thì ông ta đã trả lời: Khác với Đại lục và các bạn Việt Nam, nền nông nghiệp của chúng tôi chỉ quan tâm đến chất lượng mà không bận tâm nhiều đến số lượng như vài chục năm trước đây. Bây giờ mà không làm ra sản phẩm chất lượng cao và an toàn thì không bán được cho ai cả. Vẫn là nền văn minh lúa nước ấy thôi, mà họ lại ở giữa biển, khó khăn hơn chúng ta nhiều, nhưng họ không ngồi chờ phương Tây nghĩ giúp mà đã chịu nghĩ, chịu tìm những lối đi riêng cho bản thân nền nông nghiệp của họ, đặc biệt là giống các lại cây ăn trái và hải sản nuôi trồng.
Thái Lan tuy trình độ phát triển thấp hơn Đài Loan nhưng vì sao gạo của họ luôn luôn bán giá cao hơn gạo VN? Theo tôi có 3 lý do:
Một là họ đã xuất khẩu gạo từ thưở chúng ta còn rất đói và đương nhiên, họ thành thạo thị trường, có thương hiệu ổn định đối với khách hàng, đặc biệt là khách hàng nhà giàu. Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan chẳng hề có tý ưu việt gì về bao cấp của nhà nước cả, tự họ tìm kiếm thị trường rồi tự họ bơi trong cơ chế thị trường ấy. Không phải lúc nào họ cũng lãi, nhưng chữ tín cả với người tiêu dùng ở ngoài nước và với người nông dân trồng lúa trong nước thì họ phải giữ vì nếu không, trước hết họ mất thị trường trong nước mà mất thị trường trong nước thì lấy gì xuất khẩu? Ở ta, hai Tổng Công ty I và II liệu đã bao giờ lo mất thị trường trong nước? Họ có quyền mua gạo giá thấp và không có gì ràng buộc họ phải tìm bằng được khách hàng tốt để bán giá cao.
Hai là Chất lượng gạo, bao gồm cả giống và công nghệ chế biến. Khi VN ra thị trường gạo thì những thị trường mà khách tiêu dùng có thu nhập cao như các nước phương Tây hay Trung Đông cơ bản đã có thương hiệu gạo Thái, gạo Nhật chiếm lĩnh. Khác với thói quen tiêu dùng gạo của người Việt, họ không bận tâm với chất lượng gạo dẻo, thơm… như gu người Việt, họ quen với gạo hạt dài của Thái và đánh bóng, nhặt sạch, trắng, đều tăm tắp “như các hạt nhựa”. Đó mới là gạo tốt nhất đối với người tiêu dùng ở các thị trường này. Loay hoay trong rất nhiều năm, chúng ta không du nhập được loại giống lúa có độ dài hạt gạo từ 6-6,2 mm như gạo loại I của Thái Lan nên phải cam chịu bán giá thấp sang các thị trường nghèo hơn. Những năm gần đây, ta có nhập được giống lúa hạt dài phù hợp với một số vùng ĐBSCL, nhưng chế biến chúng ta vẫn thua Thái nên dù cùng một loại gạo vẫn thường khó cạnh tranh về giá với Thái Lan.
Thứ ba và có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất, đó là thói độc quyền dẫn tới vô trách nhiệm của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhà nước. Trước năm 1997, tình hình xuất khẩu gạo ở ĐBSCL về cơ bản như tình hình hiện nay. Thủ tướng năm nào cũng phải lo mua lúa tạm trữ, xử lý lúa “chạy lũ” cho nông dân mà không mang lại lợi ích bao nhiêu cho người dân ĐBSCL. Lúc đó có 40 công ty xuất khẩu gạo quốc doanh của Tổng Công ty lương thực I và II độc quyền, còn tư nhân chỉ là các chành vựa mua gom cho các công ty quốc doanh là chủ yếu. Hạn ngạch xuất khẩu gạo được cấp cho 2 TCT cũng như một thứ giấy tờ có giá 2 đôla/tấn. Vì thế một số công ty quốc doanh, đã bán quota cho các doanh nghiệp tư nhân cũng đủ kiếm lời mà không cần xuất khẩu. Trước tình hình này Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra 3 quyết định hết sức quan trọng: (1) Chính phủ nắm giữ hạn mức xuất khẩu hàng năm, lúc đó là 4 triệu tấn/năm. Khi các hợp đồng xuất khẩu gạo lên đến gần 4 triệu tấn thì Thủ tướng sẽ quyết định ngưng ký tiếp các hợp đồng, bất kể là giá cao như thế nào. Việc xuất thêm bao nhiêu là tùy thuộc vào thực tế số gạo có thể cho phép xuất do Thủ tướng quyết định. Trên cơ sở này, xóa bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo đã tồn tại nhiều năm trước đó, cũng đồng thời chấm dứt một nguồn gốc tiêu cực mua bán hạn ngạch, hối lộ đút lót cho các cơ quan có thẩm quyền và cho cả 2 TCT để có hạn ngạch xuất khẩu gạo. (2) Thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định tại hội nghị 9 tỉnh ĐBSCL lúc đó rằng nông nghiệp là lĩnh vực gắn bó rất chặt chẽ với sự lãnh đạo chỉ đạo của địa phương. Không lý gì nắng hạn, bão lụt, sâu rầy… thì chính quyền địa phương và cơ sở lo toan ngược xuôi mà đến lúc làm ra hạt gạo xuất khẩu thì địa phương không có bất cứ quyền gì và lợi ích gì. Còn hai Tổng công ty chẳng làm gì, đóng góp gì vào quá trình sản xuất lại là người có quyền và lợi ích to nhất trong việc xuất khẩu gạo? Đây là điều vô lý. Chính vì thế, Thủ tướng quyết định giao quyền xuất khẩu phần lớn gạo cho các tỉnh ĐBSCL (khoảng 60% tổng lượng gạo xuất khẩu), hai TCT lương thực I và II chỉ còn khoảng 40%. (3) và đây là điều rất mới mẻ và thực tế đã tạo ra một sức cạnh tranh mới, động lực mới cho thị trường lúa gạo, đó là cho phép và tạo điều kiện để những doanh nghiệp tư nhân có đủ điều kiện được phép tìm thị trường và trực tiếp xuất khẩu gạo. Ngay từ năm đầu tiên đã có gần 40 doanh nghiệp tư nhân cùng xuất khẩu gạo. Thật ra, một phần lớn trong số họ là những công ty hoặc chành vựa đã có nhiều năm gắn bó với các chủ gạo lớn ở Sài gòn – Chợ lớn trên lĩnh vực xuất khẩu gạo trước năm 1975, nên họ còn có “khách hàng quen” và kinh nghiệm nhất định trên thương trường quốc tế, nhất là khu vực Đông Nam Á. Nhờ đó, các tỉnh ĐBSCL không hề bị lúng túng trước quyết định này của Thủ tướng mà ngược lại, đã tạo được bước chuyển biến mới cho xuất khẩu lúa gạo ngay trong những năm sau đó.
Cũng cần nói lại một vấn đề khá nhạy cảm trong cơ chế độc quyền xuất khẩu gạo trước đây: Khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho chúng tôi tổ chức lực lượng để khảo sát và nghiên cứu tình hình xuất khẩu gạo ở các tỉnh ĐBSCL, tôi đã trình lên Thủ tướng danh sách của đoàn (Lúc đó anh Cao Đức Phát, Vụ trưởng vụ Chính sách Bộ NN không tham gia đoàn, nhưng tôi biết anh ấy đang dẫn một đoàn đi khảo sát ở ĐBSCL, chúng tôi đã liên lạc với nhau và có lúc cùng đi khảo sát nên anh Phát, nay là Bộ trưởng biết khá rõ tình hình này). Vài hôm sau, Thủ tướng gọi tôi lên và nói: “Tôi đồng ý, nhưng đưa thêm một thành viên bên BộCA có được không?”. Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về nông thôn nông nghiệp ở các địa phương, tôi rất tự tin trong việc nhận nhiệm vụ trước Thủ tướng, nhưng với gợi ý này, tôi thật sự bất ngờ. Tôi hỏi lại ông: “Thưa, ý của anh Sáu đưa thêm người bên CA vào là thêm nhiệm vụ gì ạ?”. Ông giải thích: “Đây, cậu giữ lấy đọc xong đưa cho Văn phòng (Đó là một tập khoảng 5 hay 6 thư tố cáo gửi lên Thủ tướng). Người ta báo cáo: “có một số người của các công ty nhà nước, khi ra nước ngoài thương thảo hợp đồng với người ta đã móc ngoặc, hạ giá xuống để chia nhau. Thực tế, giá gạo không phải vậy, nhưng họ ký với nhau chỉ thấp như vậy thôi. Tôi không biết hư thực ra sao, nhưng đây là chuyện lớn, tôi muốn làm rõ”.
Người viết thư tố cáo lên Thủ tướng có ký tên hẳn hoi và tôi biết rất rõ 4 người trong số họ, đều là người trong lĩnh vực xuất khẩu gạo cả. Tôi thấy hôm ấy, những lời của Thủ tướng buồn một cách kỳ lạ. Tôi thưa: “Xin anh Sáu cho phép nghiên cứu khảo sát cơ chế trước, sau khi tìm ra giải pháp mới để khắc phục tình hình khó khăn trước mắt thì để các anh bên CA tham gia tốt hơn. Bây giờ mà thấy trong đoàn lại có một hai ông đại tá công an là rất khó “hỏi han” tình hình đó anh Sáu”. Đến đó thì tôi thấy ông cười và bảo thôi, thế thì các cậu cứ làm đi! Tôi không thể khẳng định được chuyện này có hay không bởi vì sau khi đi khảo sát về, nghe chúng tôi báo cáo thực trạng tình hình và đề xuất giải pháp thì ông chấp nhận và triển khai luôn. Cũng tại buổi báo cáo với Thường trực CP, tôi có nói thêm: tình hình mua bán cô-ta là có thực nhưng xin anh Sáu đừng xử lý chuyện này vì tình hình hiện nay rất phổ biến cả ở phía Bắc chứ không riêng ĐBSCL. Ông và các Phó Thủ tướng cùng cười và sau đó không thấy ông nói gì đến chuyện bên CA điều tra về những chuyện này nữa. Dẫu như thế, nhưng nay gặp lại chuyện giá gạo VN quá thấp một cách bất thường so với gạo các nước làm tôi lại liên tưởng đến cái “nghi án” năm xưa! Trong tình hình hiện nay ở nước ta, không có chuyện gì là không thể xẩy ra cả. Dù thế nào thì một khi các doanh nghiệp nhà nước độc quyền đã ký các hợp đồng xuất khẩu gạo với giá cả rẻ nhất thế giới thì nông dân còn trông mong bán lúa với giá cả hợp lý cho ai được nữa? Chính phủ lại mua “tạm trữ” và đây là “vùng đặc quyền” tham nhũng vô phương cứu chữa. Nếu bên ta khó thấy, xin hãy ngó qua bên Thái Lan thì rõ vì bên ấy có các đảng đối lập đang phanh phui nhiều chuyện tày đình trên lĩnh vực mua lúa tạm trữ thóc và gạo trong nông vụ vừa qua!
Điều khác biệt của tình hình hiện nay là có thêm Hiệp hội lương thực Việt nam (VFA). Nhưng thực chất thì VFA cũng do hai Tổng công ty làm chủ và chi phối. Hai TCT này chiếm trên dưới 70% số lượng gạo xuất khẩu và họ còn có đặc quyền ra nước ngoài ký kết các hợp đồng lớn cấp Chính phủ rồi về “chia” cho các doanh nghiệp trong nước, mà đa phần các doanh nghiệp ấy cũng là thành viên của TCT. Nói khác đi thì đây lại là một “Siêu Tổng công ty nhà nước”, còn độc quyền cao hơn thời những năm 90 của thế kỷ trước. Việc Chính phủ giao cho VFA “điều hành xuất khẩu gạo” thì có nghĩa Bộ Nông nghiệp và CP đã khẳng định cơ chế độc quyền trong xuất khẩu gạo như thời chưa đổi mới, không có vấn đề gì phải bàn. Việc quay lại độc quyền như thế thì nông dân được lợi hay các TCT nhà nước được lợi là điều đã rõ. Và những khó khăn, tiêu cực trong mua bán, xuất khẩu gạo như hiện nay cũng không phải là điều gì quá lạ lùng.
Nếu quan niệm rằng “bớt diện tích trồng lúa” (tức là tái cấu trúc theo cách gọi của một số người) là một trong nghững giải pháp cơ bản để giải quyết các khó khăn trong nông nghiệp hiện nay thì e rằng kỳ vọng đó hơi quá, nếu không nói rằng đó là ảo tưởng một khi toàn bộ nền tảng chính sách cứ lặp đi lặp lại tình trạng quốc doanh là chủ đạo và nắm giữ độc quyền; các hợp tác xã là tổ chức kinh tế tất yếu bảo đảm cho nông nghiệp phát triển theo định hướng XHCN; đất đai là sở hữu toàn dân, lại chỉ giao khoán theo thời hạn mà “người giao khoán” ngoài việc tận thu hàng chục khoản phí khác nhau thì không có bất cứ trách nhiệm đáng kể nào đối với quá trình đầu tư sản xuất của các hộ nông dân… Ai đó đã nói đúng, không thể đặt trách nhiệm bảo đảm an ninh lương thực cho cả quốc gia này lên cái vai gầy của người nông dân được. Nếu biết vấn đề an ninh lương thực cho quốc gia một cách lâu dài là một vấn đề có tầm chiến lược thì trách nhiệm và chính sách đối với người nông dân và nông thôn phải rất khác.
Hà nội 8/2013
N.T.N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Chú thích của BVN: Tác giả là tiến sĩ kinh tế, đã từng có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.